TÓM TẮT:

Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế (CCKT) nói chung cũng như cơ cấu kinh tế ngành Nông nghiệp nói riêng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc phát huy tiềm năng, thế mạnh của nền kinh tế. Là một trong những địa phương thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp sớm nhất, Thành phố Hồ Chí Minh đã có sự chuyển dịch và phát triển cao hơn so với các tỉnh trong cả nước nhiều nằm qua. Bài viết phân tích kết quả đạt được từ quá trình chuyển dịch CCKT ngành Nông nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2010 đến năm 2017, từ đó rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Thành phố và các địa phương khác.

Từ khóa: Chuyển dịch cơ cấu, kinh tế nông nghiệp, thành phố Hồ Chí Minh.

1. Quan niệm về cơ cấu kinh tế, cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp

1.1. Quan niệm về cơ cấu kinh tế

Ở nước ta tồn tại nhiều các quan niệm và cách tiếp cận khác nhau về CCKT. Theo Từ điển bách khoa Việt Nam: Cơ cấu kinh tế là tổng thể các ngành, lĩnh vực, bộ phận kinh tế có quan hệ hữu cơ tương đối ổn định hợp thành. Như vậy, nói đến CCKT là nói đến sự phân chia các ngành, các lĩnh vực, các bộ phận và mối liên hệ giữa chúng trong nền kinh tế.

Theo quan điểm lý thuyết hệ thống: Cơ cấu kinh tế là một tổng thể hệ thống kinh tế bao gồm nhiều yếu tố có quan hệ chặt chẽ với nhau, tác động qua lại với nhau trong những không gian và thời gian, những điều kiện kinh tế - xã hội nhất định, được thể hiện cả về mặt định tính lẫn định lượng, cả về số lượng và chất lượng phù hợp với mục tiêu được xác định của nền kinh tế.

Mặc dù có nhiều quan niệm khác nhau nhưng có thể hiểu: Cơ cấu kinh tế là tổng thể các ngành, lĩnh vực, bộ phận kinh tế với vị trí, tỷ trọng tương ứng và mối quan hệ hữu cơ tương đối ổn định giữa chúng hợp thành.

1.2. Cơ cấu kinh tế ngành Nông nghiệp

Cơ cấu ngành kinh tế là tổng hợp các ngành kinh tế. Mối quan hệ tỷ lệ giữa các ngành lại thể hiện ở vị trí và tỷ trọng của từng ngành trong tổng thể nền kinh tế. Khi nghiên cứu về cơ cấu ngành kinh tế của một quốc gia, người ta thường phân tích 3 nhóm ngành chính là: nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ (ngành cấp I). Tùy theo mục đích, tính chất, mức độ nghiên cứu mà có thể chia ra các phân ngành (ngành cấp II), như: Trồng trọt, chăn nuôi… trong nông nghiệp; cơ khí, luyện kim, năng lượng… trong công nghiệp; ngành cấp III (lúa, màu…) trong trồng trọt… Cơ cấu ngành kinh tế là một bộ phận cơ bản cấu thành cơ cấu của nền kinh tế quốc dân.

Tóm lại, CCKT ngành Nông nghiệp là tổng thể các mối quan hệ chủ yếu theo tỷ lệ về số lượng và chất lượng tương đối ổn định của các yếu tố kinh tế - xã hội có liên quan đến sản xuất nông nghiệp trong khoảng thời gian và không gian nhất định.

1.3. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp

Chuyển dịch CCKT là quá trình làm thay đổi cấu trúc, tỷ trọng, tốc độ và chất lượng các mối quan hệ kinh tế ngành, vùng và thành phần kinh tế nhằm đạt tới một CCKT hợp lý hơn, tạo thế và lực mới cho tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.

Chuyển dịch CCKT ngành vừa là thay đổi về số lượng, vị trí, tỷ trọng và mối quan hệ giữa các ngành; vừa là sự thay đổi về lượng và chất trong nội bộ các ngành. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành đó chính là thay đổi các cơ cấu cũ, lạc hậu, không phù hợp thành những cơ cấu mới hoàn thiện và phù hợp hơn. Như vậy, thực chất đây là sự điều chỉnh mối quan hệ, tỷ trọng giữa các ngành sao cho phù hợp với các mục tiêu kinh tế - xã hội đã xác định ở từng thời kỳ phát triển.

Vì vậy, có thể hiểu: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành Nông nghiệp là quá trình làm thay đổi các quan hệ số lượng, vị trí, tỷ trọng và mối quan hệ tương tác của các ngành kinh tế trong nông nghiệp để phù hợp với sự tiến bộ của khoa học, công nghệ, nhu cầu thị trường nhằm sử dụng có hiệu quả mọi yếu tố nguồn lực của đất nước.

2. Kết quả của chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh

2.1. Thành tựu đạt được

a. Các chỉ tiêu kinh tế

Theo số liệu của Cục Thống kê, từ năm 2000 đến năm 2017, kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) có tốc độ tăng trưởng bình quân 10,24%/năm, cao hơn tỷ lệ tăng trưởng chung của cả nước trong giai đoạn này là 6,74%/năm. (Biểu đồ 1)

Trong giai đoạn từ năm 2006 - 2017, tốc độ tăng trưởng của hai ngành Công nghiệp và Dịch vụ không đạt chỉ tiêu đề ra do những vấn đề khó khăn của kinh tế trong nước và thế giới. Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp vẫn tăng bình quân 5,79%/năm trong 7 năm 2011-2017, cơ bản đạt mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển ngành của Thành phố đặt ra. (Biểu đồ 2)

Xét về tỷ trọng, ngành Nông nghiệp có xu hướng ngày càng giảm. Sau 18 năm, tỷ trọng nông nghiệp giảm xuống từ 2.0% năm 2000 xuống 0.96% trong năm 2017. Tỷ trọng giảm cùng với giá trị gia tăng của ngành Nông nghiệp liên tục tăng và vượt chỉ tiêu cho thấy ngành Nông nghiệp đang ngày càng chuyển dịch theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững.

Từ năm 2001, nông nghiệp TP.HCM đã thực hiện chuyển dịch cơ cấu thông qua Chương trình giống chất lượng cao với các đột phá 2 cây - 2 con (rau an toàn, dứa cayenne, bò sữa, tôm sú), đến năm 2004 bổ sung thêm cây hoa kiểng và cá cảnh. Giai đoạn từ năm 2005-2010, nông nghiệp thành phố đã thực hiện chuyển dịch diện tích trồng lúa năng suất thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi khác có hiệu quả hơn như: rau, hoa kiểng, thủy sản, góp phần nâng cao giá trị sản xuất ngành nông - lâm - ngư nghiệp đạt 158,2 triệu đồng/ha/năm (năm 2010).

Giai đoạn 2011 - 2014, nông nghiệp tăng trưởng ổn định, giá trị sản xuất tăng bình quân 6%/năm. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn tính đến cuối năm 2014 là 3,31 triệu đồng/người/tháng trong khi đó khu vực thành thị là 4,12 triệu đồng/người/tháng; khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn ngày càng được thu hẹp qua các năm. Cũng trong giai đoạn này, Thành phố đã đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao công nghệ, giống mới trong nông nghiệp, cải tiến kỹ thuật canh tác cho nông dân trồng rau, trồng hoa, cây kiểng. Vì vậy, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đã có bước chuyển biến mới về năng suất, chất lượng, một số cây trồng, vật nuôi chủ lực đều tăng so với cùng kỳ, sản xuất theo hướng VietGAP tiếp tục phát huy tác dụng, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường, bước đầu đã mở ra được thị trường xuất khẩu.

Trong giai đoạn 2015-2017, Thành phố đã tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng giảm diện tích trồng lúa, mía hiệu quả thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao hơn. Thành phố đã phát triển nhiều mô hình hiệu quả như: chuyển từ trồng lúa với lợi nhuận bình quân 17 triệu đồng/ha/năm sang trồng rau các loại có lợi nhuận khoảng 300 - 600 triệu đồng/ha/năm (tăng gấp 17 - 35 lần); trồng lan các loại, lợi nhuận đạt 800 triệu đồng - 1 tỷ đồng/ha/năm (tăng gấp 40 - 50 lần trồng lúa) và nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh, lợi nhuận gấp 10 - 25 lần trồng lúa. Vì vậy, trong giai đoạn này, mặc dù diện tích đất sản xuất nông nghiệp liên tục giảm, nhưng tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp vẫn tăng: giai đoạn 2015-2017, GRDP tăng bình quân 5,6%/năm, giá trị sản xuất tăng bình quân 5,8%/năm, cơ cấu giá trị sản xuất ngành Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản chuyển dịch tích cực, tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 71,6% xuống còn 69,6% và tỷ trọng thủy sản tăng từ 27,4% lên 29,6%.

Nhìn chung, ngành Nông nghiệp của Thành phố đang chuyển dần sang nông nghiệp chất lượng cao, ứng dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ sinh học trong sản xuất các loại giống cây, giống con; chuyển dịch cơ cấu sang các loại cây, con mới phù hợp với đặc thù của nông nghiệp đô thị, nông nghiệp sinh thái.

b. Về phát triển ứng dụng khoa học - công nghệ

Việc ứng dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất được TP. HCM coi trọng. Thành phố là đơn vị đi đầu trong cả nước về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, điển hình trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản.

 Thành phố đã đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động Khu Nông nghiệp công nghệ cao Thành phố từ năm 2010 tại xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi với diện tích 88ha. Đến năm 2015 đã có 14/14 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Trong giai đoạn 2011-2015, Trung tâm Công nghệ sinh học đã triển khai thi công đồng thời 4 dự án thành phần: Cơ sở hạ tầng, Khu hành chính, Khu nghiên cứu, Khu nhà kính - nhà lưới nuôi cấy tế bào thực vật.

Từ năm 2016 đến 2017, TP.HCM đã hình thành nhiều loại hình và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hơn nữa, như trồng dưa lưới cho lợi nhuận 890 triệu đồng/năm; trồng ớt ngọt trong điều kiện nhà màng, trồng trên giá thể, hệ thống tưới nhỏ giọt cho lợi nhuận 1,2 tỷ đồng/ha; hoa chuông trồng trong nhà màng, giá thể, tưới nhỏ giọt cho lợi nhuận 2,2 tỷ đồng/ha/năm; mô hình chăn nuôi bò thịt lai giống ngoại, chăn nuôi bò sữa công nghệ cao… Đến năm 2017, giá trị sản xuất ngành Nông - Lâm - Ngư nghiệp của TP.HCM đạt 450 triệu đồng/ha/năm, gần gấp 3 lần so với năm 2010. Giá trị sản xuất trồng trọt tăng từ 3,922 tỷ đồng lên 5,379 tỷ đồng (tăng bình quân 6,9%/năm), chăn nuôi tăng từ 6,910 tỷ đồng lên 7,822 tỷ đồng (tăng bình quân 7%/năm), thủy sản tăng từ 4,509 tỷ đồng lên 6,354 tỷ đồng (tăng bình quân 10%/năm). 

c. Về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố

Khu vực nông thôn được chú trọng đầu tư và có nhiều chuyển biến tích cực, các chương trình của Thành ủy về phát triển kinh tế - xã hội ngoại thành được triển khai nghiêm túc, có hiệu quả. Đến năm 2015 đã có 50/56 xã được Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Từ năm 2016 đến nay, TP.HCM huy động gần 11,800 tỷ đồng để thực hiện Chương trình Giảm nghèo bền vững. Từ nguồn vốn này, các chính sách hỗ trợ về vay vốn ưu đãi, tặng học bổng, miễn giảm học phí, dạy nghề, xây mới và sửa chữa nhà tình thương, tặng thẻ bảo hiểm y tế… cho người nghèo được đảm bảo triển khai kịp thời, đầy đủ và đúng đối tượng. Đến năm 2017, đã giúp hơn 62.000 hộ nghèo và hơn 20.000 hộ cận nghèo vươn lên và Thành phố đã hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo Thành phố giai đoạn 2016 - 2020 trước thời hạn 2 năm. Thành phố cũng đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để hỗ trợ phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Nhiều dự án đưa các tiến bộ khoa học - kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập cho nông dân.

2.2. Hạn chế, khó khăn và các nguyên nhân

Bên cạnh những thành tựu đạt được, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành Nông nghiệp của TP. HCM cũng gặp nhiều khó khăn:

(1) Sự phát triển của nông nghiệp thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng của Thành phố, chưa được định hướng theo nhu cầu của thị trường nên làm phát sinh sản phẩm dư thừa; việc liên kết tiêu thụ nông sản chưa ổn định;… gây không ít khó khăn cho sự phát triển của nông nghiệp Thành phố. (2) Tổng số có 6 chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra năm 2014, trong đó có 5 chỉ tiêu Thành phố đã vượt so với kế hoạch đề ra, chỉ có 1 chỉ tiêu không đạt là giá trị sản xuất bình quân trên ha đất sản xuất nông nghiệp. Nguyên nhân do việc chuyển đổi các cây trồng, vật nuôi vẫn còn chậm và chỉ tiêu đề ra quá cao so với tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất của ngành. (3) Việc xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên đất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, không thể thực hiện được. Quy định về xây dựng các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa theo kịp xu hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học. (4) Đầu tư cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi vốn lớn. Việc tiếp cận vốn vay từ các tổ chức tín dụng để phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao còn hạn chế, do thiếu tài sản thế chấp; việc định giá đất tại khu vực nông thôn còn thấp dẫn đến người nông dân, hợp tác xã và các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đầu tư mở rộng sản xuất. (5) Tập quán sản xuất nông nghiệp vẫn theo phương thức truyền thống, quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, làm hạn chế việc xây dựng vùng sản xuất tập trung, có sản lượng lớn. Lao động trong nông nghiệp ngày càng thiếu hụt do sự chuyển dịch sang các lĩnh vực khác, già hóa đã làm ảnh hưởng nhiều trong quá trình chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ. (6) Việc triển khai thực hiện các mô hình chuỗi liên kết, chuỗi cung ứng, vốn góp bằng đất đai khi tham gia vào hợp tác xã, mô hình các hợp tác xã, tổ hợp tác kiểu mới, mặc dù được đánh giá là nhân tố mới, tuy nhiên mối liên kết giữa doanh nghiệp và người dân cần tiếp tục hoàn thiện để ngày càng chặt chẽ hơn.

3. Một số bài học kinh nghiệm rút ra từ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành Nông nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh

Thứ nhất, phát huy việc vận dụng sáng tạo và linh hoạt các chủ trương, chính sách và xây dựng sự tin tưởng của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền địa phương.

Đạt được kết quả như hiện nay, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận thức sâu sắc các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong đó có chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành Nông nghiệp và vận dụng sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Thành phố Hồ Chí Minh đã biết phát huy tối đa lợi thế là trung tâm kinh tế của cả nước, đã sớm xác định cơ cấu kinh tế phù hợp với từng vùng, trong đó có cơ cấu kinh tế ngành Nông nghiệp, mạnh dạn đầu tư vốn chuyển dịch cơ cấu sản xuất. Đồng thời đã nêu cao tinh thần tự lực, tự cường luôn tìm biện pháp phát huy có hiệu quả các nguồn lực tại chỗ và thu hút đầu tư từ bên ngoài, không trông chờ và ỷ lại vào Trung ương.

Thứ hai, tránh mâu thuẫn giữa mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp với thực trạng đất đai, kết cấu hạ tầng đáp ứng cho quá trình chuyển dịch.

Quỹ đất để phát triển rừng, cây xanh, sản xuất nông nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh là có giới hạn, nhưng tốc độ đô thị hóa tại một số quận, huyện khá nhanh làm thu hẹp đất nông nghiệp, khó chủ động trong sản xuất, cùng với đó giá trị trực tiếp của sản xuất nông nghiệp thành phố còn thấp so với các ngành kinh tế khác nên chưa khuyến khích được người dân, doanh nghiệp.

Hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn chưa phục vụ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa, mức đầu tư cho lĩnh vực này chỉ đáp ứng 1/3 nhu cầu nên gây nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch chưa được quan tâm đúng mức nên tỷ lệ thất thoát về số lượng và chất lượng nông sản sau thu hoạch lớn, khả năng mở rộng thị trường và cạnh tranh của nông sản hàng hoá bị hạn chế.

Để khắc phục mâu thuẫn này cần có chính sách, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đai, đầu tư kết cấu hạ tầng hợp lý, bắt kịp với mục tiêu và tiến độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành.

Thứ ba, tránh mâu thuẫn giữa yêu cầu đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành Nông nghiệp với chất lượng lao động đáp ứng cho quá trình chuyển dịch.

Lực lượng lao động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tuy đông nhưng vẫn thiếu những lao động có trình độ kỹ thuật và tay nghề cao, thiếu các nhà doanh nghiệp, các chuyên gia có tri thức và kinh nghiệm quản lí kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây là những bất lợi đặc biệt lớn đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành Nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới. Công tác chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, công tác hỗ trợ đào tạo nghề cho nông dân còn chậm được đưa vào sản xuất, mới nặng về thí điểm và xây dựng mô hình ứng dụng ở diện hẹp, việc nhân rộng mô hình chưa được coi trọng, đẩy nhanh nên chưa tạo được sự tăng nhanh, mạnh về năng suất, chất lượng vật nuôi, cây trồng.

Do đó, để chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành Nông nghiệp nhanh chóng và có chất lượng cần đảm bảo về số lượng và chất lượng lao động để kịp thời đáp ứng.

Thứ tư, tránh mâu thuẫn giữa nhu cầu thu hút nguồn vốn đầu tư để hiện đại hóa kinh tế ngành nông nghiệp với hiệu quả đầu tư.

Những mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, việc sử dụng máy móc hiện đại vào sản xuất nông nghiệp đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Việc kêu gọi, thu hút vốn đầu tư vào ngành Nông nghiệp là đúng đắn nhưng phải đảm bảo về hiệu quả đầu tư. Hiệu quả sử dụng vốn thấp sẽ gây lãng phí nguồn vốn và làm cho tình trạng thiếu hụt vốn sẽ càng nặng nề hơn. Chính vì vậy việc thu hút vốn đi đôi với đảm bảo hiệu quả đầu tư sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nông nghiệp Thành phố tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân.

Thứ năm, cần phát triển mạnh chuỗi cung ứng nông nghiệp.

Xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng hàng hóa nhằm ổn định sản xuất kinh doanh, giúp giảm chi phí và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp. Do đó, cần tìm kiếm, mời gọi sự tham gia của các doanh nghiệp đủ tầm, đủ năng lực và tâm huyết. Chính quyền địa phương và nhà khoa học cần hỗ trợ nông dân trong việc: huấn luyện, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất; xúc tiến thương mại; tăng cường thông tin tuyên truyền, cung cấp thông tin để người tiêu dùng biết và ngày càng sử dụng nhiều hơn. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường liên kết với các tỉnh, thành trong cả nước để hình thành chuỗi sản xuất đồng bộ từ khâu giống - quy trình sản xuất - sơ chế (chế biến) - tiêu thụ sản phẩm an toàn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO;

  1. Đặng Kim Sơn (2012), Tái cơ cấu nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng giá trị gia tăng cao, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật.
  2. Lương Minh Cừ - Đào Duy Huấn - Phạm Đức Hải (2012), Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trường kinh tế thành phố Hồ Chí Minh và Việt Nam theo hướng cạnh tranh đến năm 2020, Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.
  3. http://www.pso.hochiminhcity.gov.vn: Cục Thống kê thành phố Hồ Chí Minh.

Some lessons on the agricultural economic restructuring

of Ho Chi Minh City

Ph.D’s student, Master. Bui Thanh Giang

Lecturer, Department of Administration and Law

Hanoi University of Home Affairs - Ho Chi Minh City Campus

ABSTRACT:

Promoting economic restructuring in general, agricultural economic restructuring in particular plays a very important role to promote the potential and strengths of the economy. Ho Chi Minh City is one of the earliest localities in Vietnam to implement the agricultural restructuring. As a result, the city’s agriculture sector has experienced a high development compared to the country’s general agriculture sector for many years. This paper analyzes the results achieved from the agricultural economic restructuring process of Ho Chi Minh City from 2010 to 2017 and concludes some lessons for the city and other localities.

Keywords: Restructuring, agricultural economy, Ho Chi Minh City.