TÓM TẮT:

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Thành phố Hồ Chí Minh đang phát triển mạnh mẽ theo hướng nông nghiệp đô thị. Với mục tiêu góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thành phố Hồ Chí Minh đã phát triển rau an toàn trên địa bàn, nhất là từ năm 2000 đến nay. Bài viết phân tích một số kết quả đạt được từ chương trình mục tiêu phát triển rau an toàn, từ đó rút ra một số kinh nghiệm từ hoạt động quản lý nhà nước về rau an toàn của Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ khóa: rau an toàn, quản lý nhà nước, Thành phố Hồ Chí Minh.

1. Quan niệm về rau an toàn và quản lý nhà nước về sản xuất rau an toàn

1.1. Rau an toàn

Năm 1998, khái niệm rau an toàn (RAT) lần đầu tiên ra đời trong Quyết định tạm thời số 67/1998/QĐ-BNN-KHCN ngày 28/4/1998 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT). Cho đến nay, đã có thêm nhiều văn bản quy định về tiêu chuẩn RAT và văn bản chính thức đang có hiệu lực là Thông tư số 59/2012/BNNPTNT năm 2012 đã đưa khái niệm: “Rau, quả an toàn là sản phẩm rau, quả tươi được sản xuất, sơ chế, chế biến phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm hoặc phù hợp với quy trình kỹ thuật sản xuất, sơ chế rau, quả an toàn được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt hoặc phù hợp với các quy định liên quan đến đảm bảo an toàn thực phẩm có trong quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau, quả tươi an toàn VietGAP[1], các tiêu chuẩn GAP[2] khác và mẫu điển hình đạt các chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo quy định”. Theo khái niệm này thì có 2 tiêu chuẩn sản xuất RAT đó là: (1). Rau đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm hoặc rau được sản xuất theo quy trình được chứng nhận an toàn của các Sở NN&PTNT cấp tỉnh. (2). Rau đạt tiêu chuẩn quy trình VietGAP hoặc tương đương.

Từ quan điểm của Bộ NN&PTNN về RAT và đặc điểm sản xuất RAT, khái niệm RAT trong bài viết này được hiểu như sau: rau an toàn là rau tươi hoặc đã qua chế biến, được sản xuất theo phương pháp có sử dụng các hóa chất nhưng trong tiêu chuẩn cho phép và khi thu hoạch chỉ còn dư lượng dưới mức quy định, được trồng trên các vùng đất đảm bảo các tiêu chuẩn thổ nhưỡng theo quy định, đảm bảo an toàn cho người sử dụng và môi trường.

1.2. Quản lý nhà nước về sản xuất rau an toàn

Quản lý nhà nước là hoạt động có tổ chức và bằng pháp quyền của bộ máy nhà nước để điều chỉnh các quá trình xã hội, hành vi của công dân và mọi tổ chức xã hội (chính trị - kinh tế - xã hội), giữ gìn trật tự xã hội (thể chế chính trị) và phát triển xã hội theo những mục tiêu đã định (Bộ Nội vụ, 2013).

Quản lí nhà nước được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm toàn bộ hoạt động của cả bộ máy nhà nước từ lập pháp, hành pháp đến tư pháp vận hành như một thực thể thống nhất. Theo nghĩa hẹp là hướng dẫn chấp pháp, điểu hành, quản lí hành chính do cơ quan hành pháp thực hiện bảo đảm bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước. Chủ thể quản lí nhà nước là cơ quan hay cá nhân có thẩm quyền trong bộ máy nhà nước, được sử dụng quyền lực nhà nước để quản lí. Đối tượng quản lí nhà nước là các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong một quốc gia, là sinh hoạt, đời sống của xã hội diễn ra trên từng lĩnh vực.

Trong nghiên cứu này, khái niệm quản lý nhà nước về sản xuất RAT là hoạt động có tổ chức của nhà nước thông qua các văn bản pháp quy, các công cụ, chính sách để tác động đến hoạt động sản xuất RAT nhằm định hướng, dẫn dắt các chủ thể sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng thực hiện tốt các vấn đề về sản xuất và cung cấp RAT.

Chủ thể quản lí nhà nước về sản xuất RAT là cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong bộ máy nhà nước, được sử dụng quyển lực nhà nước để quản lí. Đối tượng của quản lý nhà nước về sản xuất RAT là các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ sản xuất và các đối tượng khác có liên quan đến sản xuất, kinh doanh mặt hàng RAT cụ thể.

Dựa vào những đặc điểm riêng của sản xuất RAT, quản lý nhà nước về sản xuất RAT có những nội dung sau: (1). Ban hành các văn bản pháp luật, các quy định sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng về RAT; (2). Ban hành quy hoạch đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng các khu sản xuất RAT tập trung; (3). Ban hành các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất và tiêu thụ RAT; (4). Quản lý, thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo về sản xuất, chứng nhận RAT; (5). Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người sản xuất và tiêu dùng sản xuất RAT.

2. Một số kết quả đạt được từ chương trình mục tiêu phát triển rau an toàn của thành phố Hồ Chí Minh

Kể từ năm 2000, thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã phát triển RAT trên địa bàn nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn, tạo mối liên kết hợp tác chặt chẽ giữa các thành phần tham gia chuỗi, từ đó nâng cao nhận thức, hành vi của người sản xuất, chế biến và tiêu dùng; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai dịch bệnh nhằm nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống nông dân. Đến nay, chương trình RAT đã đạt được những kết quả nhất định.

Bảng 1. Kết quả thực hiện chương trình mục tiêu phát triển RAT giai đoạn 2002 -– 2015

Chỉ tiêu

2002-2005

2006-2010

2011-2015

Diện tích canh tác  (ha)

2.235

2.874

3.486

Diện tích gieo trồng (ha)

8.000

12.740

15.800

Năng suất (tấn/ha)

19

22

25

Tỷ lệ trồng RAT/rau thường (%)

84,54

91,96

95,16

Sản lượng (tấn)

171.000

289.900

375.000

Thu nhập bình quân nông hộ

(triệu đồng/ha/năm)

60-100

200

400

Nguồn: Sở NN&PTNN TP. Hồ Chí Minh (2010a); Sở NN&PTNN TP. Hồ Chí Minh (2010b); Sở NN&PTNN TP. Hồ Chí Minh (2012), UBND TP. Hồ Chí Minh (2016)

Theo kết quả ở Bảng 1, sau hơn 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu RAT, diện tích trồng RAT của TP. HCM giai đoạn 2010 - 2015 tăng 97.5% so với giai đoạn 2002 - 2005. Với năng suất và sản lượng ngày càng tăng, thu nhập bình quân của các nông hộ tăng đều qua các năm từ 60-100 triệu đồng/ha giai đoạn 2002 - 2005, tăng lên 200 triệu đồng/ha các năm trong giai đoạn 2006 - 2010, tiếp tục tăng lên 400 triệu đồng/ha các năm trong giai đoạn 2011 - 2015.

Theo Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (UBND TP. HCM), vào năm 2016, diện tích chứng nhận rau theo tiêu chuẩn VietGAP tăng hơn 95% so với giai đoạn 2006-2010, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp; số lượng chuỗi sản phẩm rau an toàn tăng hàng năm; đã hình thành 06 chuỗi sản phẩm so với năm 2013, sản lượng đạt 110.000 tấn (đạt 272% so với kế hoạch UBND TP. HCM giao). Ngoài ra, việc kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ RAT được thực hiện ngày càng đa dạng bằng nhiều hình thức đã tác động đến nhận thức của người tiêu dùng RAT ngày càng tăng. Từ đó, người sản xuất quan tâm đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng RAT và bước đầu giúp người tiêu dùng nhận diện được RAT.

Từ kết quả thực hiện chương trình mục tiêu phát triển RAT những năm trên cho thấy phát triển RAT là đúng hướng, giúp bảo vệ sức khỏe của người dân, phù hợp với chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; góp phần tăng giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thành phố. Chính vì vậy, tiếp tục thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và giúp người nông dân định hướng sản xuất, kinh doanh, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng của người dân Thành phố, năm 2016, UBND TP. HCM phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển RAT trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2016 - 2020, với kế hoạch phát triển cụ thể như trong Bảng 2.

Bảng 2. Kế hoạch phát triển RAT đến năm 2020

Chỉ tiêu

2016

2017

2018

2019

2020

Diện tích canh tác (ha)

3.772

3.780

4.090

4.290

4.500

Diện tích gieo trồng (ha)

16.974

17.010

18.405

19.305

20.250

Năng suất ( tấn/ha)

25,0

25,5

26,0

26,5

27,0

Sản lượng ( tấn)

424.350

433.755

478.530

511.583

546.750

Nguồn: UBND thành phố Hồ Chí Minh (2016)

Kết quả thực tế đạt được từ số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh cũng cho thấy, diện tích gieo trồng rau an toàn liên tục tăng qua các năm. Cụ thể trong năm 2018, diện tích gieo trồng rau đạt 18.756 ha (tăng 8,6% so với cùng kỳ 2017), năng suất bình quân đạt khoảng 28,05 tấn/ha, sản lượng đạt khoảng 526.100 tấn; trong đó sản lượng rau công nghệ cao ước đạt 82.219 tấn. Năm 2020, các chỉ tiêu cũng gia tăng, diện tích gieo trồng ước đạt 21.000 ha. Nói chung, đến nay đã đạt các chỉ tiêu mà kế hoạch đã đề ra.

Ngoài những kết quả tốt đạt được cũng còn những tồn tại, hạn chế chính như: Việc xây dựng thương hiệu sản phẩm RAT và rau theo tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn hữu cơ còn hạn chế; Việc xây dựng, phát triển sản xuất kinh tế hợp tác chưa bền vững. Nguyên nhân của những hạn chế trên là do: việc phát triển chuỗi thực phẩm an toàn trên rau còn hạn chế, chưa gắn kết chặt chẽ giữa các thành phần tham gia trong chuỗi cung ứng, chưa truy xuất được nguồn gốc sản phẩm rau.

3. Bài học kinh nghiệm rút ra từ hoạt động quản lý nhà nước về rau an toàn ở thành phố Hồ Chí Minh

3.1. Về việc ban hành các văn bản định hướng phát triển rau an toàn trên địa bàn

Từ năm 2002 đến nay, thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành các văn bản phục vụ quản lý nhà nước về rau an toàn ở Thành phố cụ thể như sau:

- Quyết định số 104/2002/QĐ-UB ngày 19/04/2002 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh về Chương trình, mục tiêu phát triển rau an toàn đến năm 2010;

- Quyết định số 98/2006/QĐ-UBND ngày 10/07/2006 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh về Chương trình, mục tiêu phát triển rau an toàn đến năm 2010;

- Quyết định số 3331/QĐ-UBND ngày 04/07/2011của UBND Thành phố Hồ Chí Minh về Chương trình mục tiêu, phát triển rau an toàn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 - 2015;

- Quyết định số 1494/QĐ-UBND ngày 28/03/2013 của UBND Thành phố về việc phê duyệt Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025;

- Quyết định số 231/QĐ-UBND ngày 20/01/2016 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh về Chương trình mục tiêu phát triển rau an toàn trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2016-2020.

Các văn bản được ban hành liên tục, kịp thời và đầy đủ đã tạo cơ sở vững chắc cho việc định hướng, hướng dẫn và hỗ trợ phát triển sản xuất RAT trên địa bàn Thành phố được thuận lợi. Các văn bản hướng dẫn được ban hành kịp thời và xuyên suốt cùng với các chủ trương, cơ chế và các giải pháp phù hợp, có tính khả thi cao sẽ tạo được sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, phối hợp thực hiện, từ đó phát huy được hiệu quả từ chương trình phát triển RAT.

3.2. Về công tác quy hoạch phát triển xuất rau an toàn

Từ năm 2015, một số vùng rau chuyên canh mới đã được hình thành, tập trung tại các xã: Nhuận Đức, Trung Lập Hạ, Tân Phú Trung (huyện Củ Chi); xã Tân Quý Tây, Hưng Long, Bình Chánh, Qui Đức (huyện Bình Chánh); xã Xuân Thới Sơn, Xuân Thới Thượng, Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn). Kế thừa các kết quả đã đạt được của Chương trình mục tiêu phát triển RAT trên địa bàn Thành phố trong nhiều năm qua, đến nay, sản xuất RAT trên địa bàn Thành phố đã đi vào nền nếp, nhiều hộ nông dân đã tham gia thực hành sản xuất tốt theo tiêu chuẩn VietGAP.

Ngoài ra, Thành phố còn xây dựng mô hình, cánh đồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ năm 2011 - 2015 đã xây dựng 178 mô hình có diện tích 741,3 ha, với 2.106 hộ tham gia, bao gồm: các mô hình sản xuất RAT theo tiêu chuẩn VietGAP, cánh đồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất rau theo hướng hữu cơ sinh học, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa nhằm nâng cao giá trị sản xuất (UBND TP. HCM, 2016).

Trong công tác xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm rau, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức nhiều hoạt động, như: Tổ chức kết nối sản xuất và tiêu thụ rau theo tiêu chuẩn VietGAP qua việc ký kết bản ghi nhớ tiêu thụ rau theo tiêu chuẩn VietGAP và hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; Xây dựng hệ thống thông tin thị trường (xây dựng, hỗ trợ thiết kế logo, website, tờ bướm cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh RAT và rau theo tiêu chuẩn VietGAP, tổ chức nhiều sự kiện tại các hội chợ, triển lãm, hội thi để quảng bá sản phẩm RAT của Thành phố); Theo dõi, thu thập, phân tích, đánh giá, nhận định và báo cáo tình hình giá cả các mặt hàng nông sản chủ lực của Thành phố hàng tuần, trong đó có mặt hàng RAT; cung cấp thông tin giá cả nông sản hàng ngày cho Trung tâm Tin học và Thống kê (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Xây dựng thí điểm “Chuỗi thực phẩm an toàn” giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Bảo vệ thực vật thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh (Lâm Đồng, Tiền Giang, Long An, Tây Ninh, Vĩnh Long).

Tóm lại, để tạo tiền đề tốt cho sự phát triển RAT cần thực hiện tốt công tác quy hoạch và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Đặc biệt cần có quy hoạch các vùng chuyên canh, xác định đối tượng cây trồng có ưu thế cạnh tranh của tỉnh để tập trung đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng gắn với xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu. Cũng cần đẩy mạnh quy hoạch hệ thống kênh phân phối (chợ đầu mối, cửa hàng bán lẻ,…) để tạo điều kiện cho RAT thuận lợi đến tay người tiêu dùng mà không phải qua nhiều kênh trung gian, hỗ trợ cho việc cắt giảm chi phí.

3.3. Các chương trình, đề án hỗ trợ sản xuất rau an toàn

- Cần có các chính sách hỗ trợ có hiệu quả từ các cấp, sự chung sức của cả hệ thống chính trị, kêu gọi được sự hưởng ứng tích cực của các doanh nghiệp và người nông dân. Đẩy mạnh các chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ tín dụng cho người sản xuất.

- Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học, công nghệ mới vào sản xuất. Triển khai dự án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hướng đến gia tăng hàm lượng công nghệ cao trong sản phẩm, giúp tăng giá trị RAT, giảm giá thành sản phẩm.

- Thực hiện đồng bộ các hỗ trợ từ sản xuất, chế biến, quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm đến tiêu thụ: Tập trung phát triển ngành theo chuỗi nhằm tăng cường sự liên kết các thành phần trong chuỗi, tối giản chi phí trung gian; Tổ chức sản xuất, hỗ trợ hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác, đặc biệt là các liên minh, liên kết trong sản xuất, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm, hỗ trợ cung ứng vật tư đầu vào cho sản xuất; thu mua, chế biến, tiêu thụ RAT cho nông dân; Đầu tư xây dựng thương hiệu RAT; Tạo điều kiện thuận lợi cho các trang trại, HTX, doanh nghiệp được tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; tập trung chỉ đạo sản xuất quyết liệt hơn trong việc áp dụng các tiêu chuẩn an toàn, chứng nhận chất lượng sản phẩm như GlobalGAP, VietGAP, VietGAHP, ISO, Organic,... để đảm bảo chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước, đáp ứng rào cản kỹ thuật TBT, tạo đầu ra ổn định cho RAT và chủ động hội nhập quốc tế.

3.4. Về công tác quản lý việc chấp hành chế độ quy định và luật pháp trong hoạt động sản xuất và kinh doanh rau an toàn

Trong quản lý điều kiện sản xuất RAT, các cơ quan chức năng của thành phố đã lấy mẫu đất, nước trên diện tích lớn canh tác rau để kiểm tra điều kiện sản xuất RAT. Kết quả kiểm tra cho thấy trên 90% diện tích đủ điều kiện sản xuất RAT. Bên cạnh đó, cũng đã kiểm tra các cơ sở mua bán thuốc BVTV; kiểm tra các hộ nông dân đang sử dụng thuốc BVTV trên cánh đồng và đã xử phạt vi phạm hành chính đối với các cơ sở vi phạm; kiểm tra về an toàn thực phẩm bằng cách lấy mẫu tại vùng sản xuất, chợ đầu mối và tại các cơ sở kinh doanh. Chi cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với các quận, huyện, phường, xã, thị trấn, Ban quản lý các chợ đầu mối, các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra dư lượng thuốc BVTV bằng phương pháp phân tích nhanh (GT- Test kit của Thái Lan) tại vùng sản xuất, kinh doanh rau. Kết quả qua các năm cho thấy, tỷ lệ mẫu rau phát hiện dương tính với GT- Test kit và số mẫu có dư lượng thuốc trừ sâu vượt mức cho phép giảm dần qua các năm.

Do sản xuất RAT phải tuân thủ khắt khe theo các quy trình, yêu cầu kỹ thuật nên cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định trong các khâu từ sản xuất đến phân phối, đặc biệt là chất lượng sản phẩm trước khi lưu hành trên thị trường để sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng đảm bảo chất lượng cũng như giữ được lòng tin của người tiêu dùng với RAT.

3.5. Về công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn

Thành phố đã tổ chức không chỉ các đợt tập huấn mà còn có các lớp đào tạo, đào tạo nghề, các cuộc hội thảo và các đợt tham quan với số lượng khá lớn và nội dung đa dạng để hỗ trợ phát triển sản xuất RAT. Cụ thể, đến năm 2015, đã tổ chức 961 lớp đào tạo, tập huấn; 155 cuộc hội thảo; 295 đợt tham quan,; 42 khóa đào tạo nghề cho lao động nông thôn (UBND TP.HCM, 2016). Các nội dung bao gồm: kiến thức an toàn thực phẩm, các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất - sơ chế - kinh doanh rau, sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, các kỹ thuật mới trong sản xuất rau, hướng dẫn thủ tục đăng ký chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng lòng tin người tiêu dùng đối với sản phẩm nông nghiệp, kỹ năng hạch toán chi phí giá thành sản xuất rau, phát triển kinh tế tập thể; biện pháp sản xuất và tiêu thụ RAT, áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất rau, biện pháp sản xuất và tiêu thụ RAT; tham quan các mô hình Nông nghiệp công nghệ cao, mô hình trồng RAT, mô hình tưới phun tiết kiệm… Qua công tác đào tạo, tuyên truyền, nhận thức của người sản xuất đã được nâng cao về sản xuất và kinh doanh rau đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, Thành phố còn phối hợp với Đài Truyền hình Thành phố, VTV, các hãng phim thực hiện chương trình nhịp cầu nhà nông, tuyên truyền về an toàn thực phẩm trên rau, quả và sản phẩm rau theo tiêu chuẩn VietGAP; chương trình hợp tác giữa thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong việc xây dựng chuỗi RAT.

Tóm lại, các hoạt động tuyên truyền, đào tạo và tập huấn không chỉ tăng cường nhận thức của nông dân trong sản xuất RAT, mà đồng thời còn làm cho người dân hiểu sâu sắc hơn về RAT, để họ thấy thực sự cần thiết phải sử dụng RAT. Để RAT có chỗ đứng trên thị trường, không chỉ những người sản xuất rau cần đảm bảo đúng quy trình sản xuất RAT để có những sản phẩm rau đạt chất lượng mà người tiêu dùng cũng phải nhận thức, bài trừ những sản phẩm rau không an toàn, những sản phẩm không đạt chất lượng, hay cửa hàng bán những sản phẩm không đúng cam kết. Có như vậy, nhu cầu về RAT mới cao, thúc đẩy sản xuất nhiều sản phẩm RAT hơn.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1VietGAP là viết tắt của các từ tiếng Anh Vietnamese Good Agricultural Practices – Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt của Việt Nam. Về cơ bản, VietGAP trên rau, quả được hình thành dựa theo các tiêu chí trong AseanGAP (do ban thư ký của tổ chức ASEAN xây dựng và được đưa ra từ năm 2006), HACCP (Hazard Analysis Critical Control Point - Hệ thống phân tích mối nguy và xác định điểm kiểm soát tới hạn), một số tiêu chuẩn GAP quốc tế như EurepGAP, GlobalGAP (EU), Freshcare (Úc) và luật pháp Việt Nam về vệ sinh an toàn thực phẩm.

2GAP là viết tắt của các từ tiếng Anh Good Agriculture Production - Thực hành nông nghiệp tốt. Thực hành nông nghiệp tốt là những nguyên tắc được thiết lập nhằm đảm bảo một môi trường sản xuất an toàn, sạch sẽ, thực phẩm phải đảm bảo không chứa các tác nhân gây bệnh như chất độc sinh học (vi khuẩn, nấm, virus, ký sinh trùng) và hóa chất (dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, hàm lượng nitrat), đồng thời sản phẩm phải đảm bảo an toàn từ ngoài đồng đến khi sử dụng.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (1998). Quyết định 67/1998/QĐ-BNN-KHCN ngày 28/04/1998 về việc ban hành quy định tạm thời về sản xuất rau an toàn.
  2. Bộ Nội vụ. (2013). Tài liệu bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính. Bộ Nội vụ và Học viện Hành chính Quốc gia, Hà Nội - 2013.
  3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh. (2010a). Báo cáo tổng kết Chương trình phát triển rau an toàn giai đoạn 2006 - 2010 và định hường hoạt động đến năm 2015, theo Quyết định số 06/BC-SNN-NN ngày 10/1/2011.
  4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh. (2010b). Báo cáo tổng kết Tình hình thực hiện Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp thành phố giai đoạn 2006 - 2010 theo Quyết định số 332/BC-CCPTNT ngày 15/12/2010.
  5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh. (2012). Báo cáo tổng kết Tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển rau an toàn trên địa bàn thành phố năm 2011 và kế hoạch năm 2012.
  6. UBND thành phố Hồ Chí Minh. (2016). Quyết định số 231/QĐ-UBND ngày 20/01/2016 phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển rau an toàn trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2016 - 2020.

Some lessons learnt about the state management of safe vegetable production in Ho Chi Minh City

Ph.D’s student, Master. Bui Thanh Giang 1

Ph.D’s student, Master. Le Nguyen Thi Ngoc Lan 2

1 Hanoi University of Home Affairs - Ho Chi Minh City Campus

2 Political School of Binh Phuoc Province

ABSTRACT:

Ho Chi Minh City is transforming strongly its agriculture sector towards the urban agriculture. In order to effectively restructure the agriculture sector, enhance the added value to agricultural products and achieve a sustainable development, Ho Chi Minh City has developed safe vegetable production areas since 2000. This paper analyzes some achievements of the city’s safe vegetable production development program, thereby presenting some lessons learnt about the state management of safe vegetables in Ho Chi Minh City.

Keywords: safe vegetables, state management, Ho Chi Minh City.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12, tháng 5 năm 2021]