TÓM TẮT:

Qua việc đề cập đến dữ liệu điện tử, đây là một loại nguồn chứng cứ mới, bài viết phân tích một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý vụ án hình sự liên quan đến nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử, từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm khắc phục vướng mắc này.

Từ khóa: Dữ liệu điện tử, chứng cứ, khó khăn, vụ án hình sự.

1. Đặt vấn đề

Hiện nay, trong rất nhiều những vụ án hình sự xảy ra, những thông tin, tài liệu xuất phát từ dữ liệu điện tử đóng một vai trò quan trọng góp phần làm sáng tỏ sự thật vụ án, thậm chí có những vụ án cơ quan có thẩm quyền chỉ thu được dữ liệu điện tử để chuyển hóa, sử dụng làm chứng cứ quan trọng. Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003 không quy định dữ liệu điện tử là nguồn chứng cứ, dẫn đến những khó khăn trong quá trình thu thập, bảo quản, hợp thức hóa nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử. Bên cạnh đó, trước nhu cầu cấp bách của thực tiễn đấu tranh với loại tội phạm công nghệ cao đang gia tăng một cách nhanh chóng về số lượng, về tính chất phức tạp cũng như sự nguy hiểm của loại tội phạm này đối với xã hội, BLTTHS năm 2015 đã bổ sung dữ liệu điện tử là nguồn chứng cứ (khoản 1 Điều 87), điều này cũng đã phù hợp với Bộ luật Hình sự năm 2015 khi đã bổ sung một số tội phạm mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

2. Khái quát chung về dữ liệu điện tử

Quá trình thực hiện các hành vi phạm tội của tội phạm liên quan đến công nghệ cao luôn để lại các dấu vết điện tử. Đây là những dữ liệu tồn tại dưới dạng những tín hiệu kỹ thuật số. Nó được tạo ra một cách tự động, khách quan trong các bộ nhớ của các thiết bị điện tử. Theo đó, Điều 99 BLTTHS năm 2015 quy định: “Dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử”. Tại khoản 5 Điều 4 Luật Giao dịch điện tử năm 2005 cũng đã làm rõ khái niệm dữ liệu điện tử một cách tương tự.

Dữ liệu điện tử có những đặc điểm sau:

Thứ nhất, đây là loại chứng cứ phi truyền thống, không phải là sự vật hay sự kiện như quan niệm trước đây. Theo đó, dữ liệu điện tử được hiểu là những ký tự dưới dạng số hóa, chúng được tạo ra một cách tự động, khách quan, tồn tại trong các phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông, trên đường truyền và các nguồn điện tử trong quá trình xử lý sẽ cho ra các dữ liệu bao gồm số, chữ viết, âm thanh, hình ảnh,… Từ đó, cung cấp thông tin liên quan đến sự kiện, hành vi phạm tội.

Thứ hai, dữ liệu điện tử được tạo ra trong không gian ảo và không có tính biên giới, lãnh thổ. Vì vậy, việc thu thập, kiểm tra, đánh giá nhằm chuyển hóa chúng sang chứng cứ truyền thống, sử dụng làm căn cứ chứng minh tội phạm cũng mang tính đặc thù.

Dữ liệu điện tử sử dụng làm chứng cứ thường gồm hai loại:

- Dữ liệu điện tử do máy tính tự động tạo ra: “cookies”, “URL”, E-mail logs, webserver logs, firewallserver logs, IP, thông tin truy cập, website, mã độc…, chứng minh về nguồn gốc truy cập, tấn công vào website, cơ sở dữ liệu, thư điện tử, tài khoản, dấu vết hoạt động của thủ phạm (cài trojan, keylogger, sniffer nghe lén, lấy cắp dữ liệu,…).

- Dữ liệu điện tử do người dùng sử dụng tạo ra như văn bản, bảng biểu, hình ảnh, thông tin,… Trong file dữ liệu còn có thể tìm được siêu dữ liệu (thông tin về cá nhân, tổ chức liên quan đến dữ liệu metadata), có giá trị chứng minh về người và máy tính đã tạo ra dữ liệu, nguồn gốc dữ liệu. Đa phần các chứng cứ điện tử đều được tạo nên bởi cả con người và máy tính[1]. Chúng ta có thể khai thác chúng từ rất nhiều thiết bị điện tử, như:

+ Thiết bị di động: Các thiết bị di động thường lưu chữ những chứng cứ quan trọng phục vụ cho công tác điều tra: Tin nhắn, các cuộc gọi,… hay thậm chí một số thiết bị di động còn tự động lưu cả lịch trình duyệt của người sử dụng.

+ Đĩa CD chứa dữ liệu (CD Roms), ổ đĩa rời (External Drives), bộ định tuyến (Router).

+ Các nhà cung cấp dịch vụ (thư điện tử, trang web, máy chủ,…): Là nguồn cung cấp dữ liệu điện tử quan trọng. Họ sẽ cung cấp cho các cơ quan tố tụng những thông tin về người sử dụng các dịch vụ, nhật ký truyền dữ liệu, các bản sao những dữ liệu máy tính…[2]

3. Một số bất cập, hạn chế trong quá trình xử lý vụ án hình sự liên quan đến chứng cứ là dữ liệu điện tử

3.1. Bất cập, hạn chế từ pháp luật

          Thứ nhất, chứng cứ điện tử có những đặc điểm khác biệt với các chứng cứ truyền thống, tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có những hướng dẫn thi hành cụ thể về quy trình thu giữ, phục hồi đối với loại chứng cứ này nhằm đảm bảo tính toàn vẹn của dữ liệu, giữ nguyên giá trị chứng cứ của dữ liệu; cũng như vẫn chưa có quy định về trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong việc sử dụng, bảo quản loại chứng cứ đặc thù này, đặc biệt là đối với việc “thu thập bí mật dữ liệu điện tử” còn liên quan đến quyền con người, quyền công dân.

          Thứ hai, theo Điều 206 BLTTHS năm 2015 thì dữ liệu điện tử không thuộc trường hợp bắt buộc phải giám định, điều này dẫn đến việc giám định hay không lại phụ thuộc vào cơ quan tiến hành tố tụng, trong khi đó có những vấn đề liên quan đến dữ liệu điện tử bằng mắt thường, trực quan không thể xác định được chính xác.

          Thứ ba, hiện tại BLTTHS năm 2015 chỉ có quy định về việc “thu thập phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử” (Điều 107), còn việc kiểm tra, đánh giá chứng cứ điện tử không có quy định riêng mà được thực hiện theo quy định chung về kiểm tra, đánh giá chứng cứ tại Điều 108 BLTTHS năm 2015. Như vậy, việc kiểm tra, đánh giá chứng cứ điện tử phụ thuộc vào năng lực, trình độ của người trực tiếp thực hiện. Điều này sẽ gây ra những ảnh hưởng cho quá trình xử lý vụ án hình sự nói chung.

3.2. Bất cập, hạn chế từ thực tiễn

          Thứ nhất, chứng cứ điện tử dễ bị mất dữ liệu, biến đổi dữ liệu; vấn đề phát hiện, bảo quản, đánh giá và sử dụng loại nguồn chứng cứ này cũng gặp những khó khăn nhất định vì nó tồn tại phụ thuộc vào thời gian, quá trình thiết lập, lưu trữ và khi bị phát hiện, tội phạm có thể xóa, sửa nhanh chóng để tiêu hủy dữ liệu điện tử, dẫn đến khó khăn trong thu thập, phục hồi chứng cứ. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện những thao tác để tiếp cận với dữ liệu điện tử, người thực hiện có những sơ suất hoặc do không may có sự cố xảy ra.

          Điều này cũng dẫn đến việc trên thực tế, việc tiếp cận chứng cứ là dữ liệu điện tử của luật sư gặp khó khăn. Có những trường hợp, cơ quan tiến hành tố tụng chưa tạo điều kiện thuận lợi để các luật sư tiếp cận, sao chụp chứng cứ là dữ liệu điện tử.

          Thứ hai, đối với các công ty thiết bị điện tử hay các nhà mạng cung cấp dịch vụ, tôn chỉ hoạt động của họ là tôn trọng bí mật khách hàng, nên nếu các tội phạm sử dụng thiết bị của các công ty này thì việc thu thập chứng cứ là rất khó khăn. Ví dụ: Hãng Apple không hợp tác với cơ quan điều tra để cung cấp dữ liệu trong thiết bị điện tử của người thực hiện hành vi phạm tội cho cơ quan điều tra[3]. Đây là vấn đề khó khăn cho các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam trong quá trình đấu tranh, phòng ngừa và chống tội phạm có liên quan đến công nghệ.

          Thứ ba, năng lực, trình độ hiểu biết trong lĩnh vực công nghệ thông tin của đa số những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng còn hạn chế, trong khi đó hiện nay công nghệ thông tin lại là lĩnh vực phát triển với tốc độ rất nhanh, đồng thời tội phạm cũng biến đổi rất tinh vi và nguy hiểm, có những tội phạm rất giỏi và am hiểu sâu công nghệ thông tin nên dễ dàng xóa bỏ mọi dấu vết tội phạm của mình.

4. Một số giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế trong quá trình xử lý vụ án hình sự liên quan đến chứng cứ là dữ liệu điện tử

          Thứ nhất, cần có những quy định, hướng dẫn cụ thể về quy trình thu giữ, phục hồi, kiểm tra, đánh giá về chứng cứ điện tử; cũng như về trách nhiệm của những người có thẩm quyền trong việc sử dụng, bảo quản loại chứng cứ này.

          Thứ hai, cần quy định cụ thể những trường hợp bắt buộc giám định liên quan đến dữ liệu điện tử. Ví dụ, bắt buộc giám định trong trường hợp: Nhận dạng trong dữ liệu điện tử không rõ ràng; có mâu thuẫn trong lời khai của những người tham gia tố tụng với những thông tin, dữ kiện có trong dữ liệu điện tử,…

          Thứ ba, cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh với loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, bởi dữ liệu điện tử tồn tại trên môi trường không gian mạng, sự tồn tại đó có thể vượt ra khỏi phạm vi của một quốc gia và loại tội phạm này cũng thường mang tính chất xuyên quốc gia[4].

           Thứ tư, cần có kế hoạch bồi dưỡng, trang bị, nâng cao kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin cho những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

          Việc luật hóa dữ liệu điện tử là một loại nguồn chứng cứ trong BLTTHS năm 2015 là sự điều chỉnh phù hợp, kịp thời, đáp ứng nhu cầu cấp bách của thực tiễn đấu tranh với loại tội phạm sử dụng công nghệ cao đang ngày càng gia tăng và mang đến những hậu quả nguy hiểm đối với xã hội.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Trần Văn Hòa (2014), Vấn đề dấu vết điện tử và chứng cứ trong Bộ luật Tố tụng Hình sự, Tạp chí Khoa học và Chiến lược, số chuyên đề 12/2014, Viện Chiến lược và Khoa học Bộ Công an, Hà Nội.

[2] Luatviet.co (2019), Bình luận về dữ liệu điện tử trong Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, link: http://hinhsu.luatviet.co/binh-luan-ve-du-lieu-dien-tu-trong-bo-luat-to-tung-hinh-su-nam-2015/n20161028120823386.html, truy cập ngày 05/11/2020.

[3] Gizmochina (2020), Apple reportedly refused to Unlock US Navy Base Shooter’s iPhone, link: https://www.gizmochina.com/2020/01/14/apple-reportedly-refused-to-unlock-us-navy-base-shooters-iphone/, truy cập ngày 05/11/2020.

[4] Phan Văn Chánh (2016), Nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số 8/2016, tr.57-61.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2016), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  2. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2006), Luật Giao dịch điện tử năm 2005, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  3. Trần Văn Hòa (2014), Vấn đề dấu vết điện tử và chứng cứ trong Bộ luật Tố tụng Hình sự, Tạp chí Khoa học và Chiến lược, số chuyên đề 12/2014, Viện Chiến lược và Khoa học Bộ Công an, Hà Nội.
  4. Phan Văn Chánh (2016), Nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số 8/2016, tr.57-61.
  5. Luatviet.co (2019), Bình luận về dữ liệu điện tử trong Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, link: http://hinhsu.luatviet.co/binh-luan-ve-du-lieu-dien-tu-trong-bo-luat-to-tung-hinh-su-nam-2015/n20161028120823386.html, truy cập ngày 05/11/2020.
  6. Gizmochina (2020), Apple reportedly refused to Unlock US Navy Base Shooter’s iPhone, link: https://www.gizmochina.com/2020/01/14/apple-reportedly-refused-to-unlock-us-navy-base-shooters-iphone/, truy cập ngày 05/11/2020.

 

SOME OBSTACLES AND LIMITATIONS IN THE PROCESS OF

HANDLING CRIMINAL CASES WITH THE USE OF

ELECTRONIC DATA EVIDENCE

LL.M. HOANG THI HUYEN TRANG

University of Law - Hue University

ABSTRACT:

This paper is about electronic data which is considered a new evidence type. The paper analyzes some obstacles and limitations in the process of handling criminal cases with the use of electronic data evidence, thereby proposing some solutions to overcome these ones.

Keywords: electronic data, evidence, difficulties, criminal cases.