Một số bất cập, hạn chế về thành lập, tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp năm 2014

ThS. NCS. NGUYỄN THANH TÙNG (Khoa Luật Kinh tế - Trường Đại học Luật, Đại học Huế)

TÓM TẮT:

Bài viết đưa ra một số vấn đề bất cập, hạn chế của Luật Doanh nghiệp năm 2014 trong thành lập, tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp (DN) như: Người thành lập doanh nghiệp kê khai không đúng địa chỉ trụ sở chính của DN hoặc địa chỉ trụ sở chính của DN không phù hợp với quy định của pháp luật; con dấu của DN; họp hội đồng quản trị công ty cổ phần;… Từ đó, tác giả đề xuất các giải pháp có tính khả thi, góp phần nâng cao hiệu quả thực thi Luật Doanh nghiệp năm 2014. 

Từ khóa: Bất cập về thành lập doanh nghiệp, con dấu của doanh nghiệp, bất cập về họp hội đồng quản trị, hoàn thiện Luật Doanh nghiệp.

1. Đặt vấn đề

 Luật Doanh nghiệp năm 2014 (LDN 2014) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2015 với nhiều quy định mới đã và đang góp phần trong việc tạo hành lang pháp lý an toàn, thông thoáng đối với việc thành lập, tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ở nước ta hiện nay.

Tuy nhiên, sau gần 5 năm thi hành, LDN 2014 đã bộc lộ một số vấn đề bất cập, hạn chế như: Người thành lập doanh nghiệp kê khai không đúng địa chỉ trụ sở chính của DN hoặc địa chỉ trụ sở chính của DN không phù hợp với quy định của pháp luật; con dấu của DN; sổ đăng kí thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; họp hội đồng quản trị công ty cổ phần;… Tất cả những vấn đề này đang gây khó khăn cho bản thân DN cũng như các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, đòi hỏi cần phải có những giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

2. Một số bất cập, hạn chế

2.1. Về việc kê khai địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục đăng kí thành lập doanh nghiệp

           Theo quy định tại khoản 7, điều 4 LDN 2014, doanh nghiệp là “tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh”. Trụ sở giao dịch của doanh nghiệp không hẳn chỉ là một địa chỉ để các khách hàng đến giao dịch, đây còn là nơi tập trung hệ thống các cơ quan đầu não của DN. Đồng thời, nó cũng là một trong những minh chứng quan trọng cho sự tồn tại trên thực tế của DN. Để xác định được địa chỉ trụ sở giao dịch của doanh nghiệp, khi quy định về nội dung của giấy đề nghị đăng kí DN, khoản 2, điều 24 LDN 2014 đã quy định người đăng kí DN phải tiến hành kê khai địa chỉ trụ sở chính của mình. Tuy nhiên, trên thực tế, đã có không ít trường hợp người đăng kí thành lập doanh nghiệp đã kê khai không đúng địa chỉ như: Ghi địa chỉ ở một nơi nhưng thực tế đặt trụ sở chính tại một nơi khác; lấy địa chỉ nhà riêng của người khác hoàn toàn không liên quan đến doanh nghiệp làm địa chỉ trụ sở chính cho công ty mình hoặc lấy địa chỉ nhà chung cư (có mục đích để ở) làm địa chỉ trụ sở chính của DN. Chính điều này đã khiến các cơ quan nhà nước (như cơ quan thuế, công an,…) khó liên hệ công tác và kiểm soát, sinh ra các hệ lụy “dở khóc dở cười”. Bên cạnh đó, hiện tượng lấy địa chỉ nhà chung cư (có mục đích để ở) làm địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp là hành vi vi phạm pháp luật về nhà ở. Bởi lẽ, theo quy định của pháp luật về nhà ở, nhà chung cư có hai loại: Loại để ở và loại có mục đích sử dụng hỗn hợp - là vừa để ở và vừa kinh doanh. Tuy nhiên, tại khoản 11, điều 6 Luật Nhà ở năm 2014 có quy định nghiêm cấm việc “sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở; sử dụng phần diện tích được kinh doanh trong nhà chung cư theo dự án được phê duyệt vào mục đích kinh doanh vật liệu gây cháy, nổ, kinh doanh dịch vụ gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn hoặc các hoạt động khác làm ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ gia đình, cá nhân trong nhà chung cư theo quy định của Chính phủ”. Do đó, nhà chung cư có mục đích để ở không được phép sử dụng làm địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do pháp luật doanh nghiệp hiện hành trao cho người đăng kí toàn quyền kê khai địa chỉ mà thiếu xác minh đối chiếu. Tức là, thực hiện theo thủ tục “tiền buông hậu kiểm”, đến khi có vấn đề xảy ra thì cơ quan chức năng rất khó có thể liên lạc được với DN.

2.2. Về con dấu của doanh nghiệp

          Theo quy định tại khoản 1, điều 44 LDN 2014, thì “doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp”. Đồng thời, trước khi sử dụng, DN có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (khoản 2, điều 44 LDN 2014). Có thể thấy rằng, so với quy định về con dấu trước đây của LDN 2005, quy định này có hướng linh hoạt hơn. Trong đó, cho phép DN được quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của DN nhằm phù hợp với nhu cầu sử dụng. Song trên thực tế, việc này lại nảy sinh hiện tượng “loạn con dấu” trong các DN. Không những thế, theo Báo cáo Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (World Bank), đi khắc dấu và thông báo mẫu dấu ở Việt Nam là 02 thủ tục hành chính (trên tổng số 8 thủ tục) và mất 02 ngày (trên 16 ngày). Thủ tục này khiến chỉ số gia nhập thị trường của Việt Nam bị đánh giá thấp so với nhiều quốc gia khác, xếp thứ hạng 140/190 quốc gia1. Bên cạnh đó, con dấu cũng là thứ dễ làm giả hơn chữ kí. Trên thực tế, không hiếm có các trường hợp làm giả con dấu của DN, thậm chí làm giả cả con dấu của cơ quan nhà nước để thực hiện các giao dịch bất hợp pháp.

Ngoài ra, trong xu thế sử dụng giao địch điện tử ngày càng phổ biến trên thế giới như hiện nay, vai trò của con dấu trong doanh nghiệp đang ngày càng mờ nhạt. Theo thống kê của Nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank Group), trong số 189 quốc gia và nền kinh tế được xếp hạng về môi trường kinh doanh: 79 quốc gia có thủ tục làm con dấu doanh nghiệp là một trong những thủ tục của quy trình gia nhập thị trường, trong số đó có 7 quốc gia quy định doanh nghiệp bắt buộc phải có con dấu (gồm: Nga, Việt Nam, Nhật Bản, Myanmar, Triều Tiên, Trung Quốc, Bhutan) và 72 quốc gia còn lại quy định doanh nghiệp được lựa chọn có sử dụng con dấu hay không. Có 110 quốc gia và nền kinh tế không sử dụng con dấu doanh nghiệp như: Canada, Anh, Úc, Hy Lạp, Hồng Kông, Armenia, California - Mỹ. Đáng chú ý, pháp luật của 110 quốc gia và nền kinh tế không sử dụng con dấu doanh nghiệp tồn tại quy định ghi nhận giá trị pháp lý ngang nhau giữa văn bản có con dấu của DN với văn bản có chữ kí của người có thẩm quyền của DN2. Mặt khác, với sự phát triển của thời đại công nghiệp 4.0, đối với các trường hợp giao dịch điện tử thì việc sử dụng chữ kí số cũng đã dần trở nên phổ biến và việc chứng minh giá trị về mặt pháp lý của nó không còn khó khăn như trước đây, bởi Nhà nước đã ban hành nhiều quy định khẳng định giá trị pháp lý của chữ kí số3.

2.3. Về sổ đăng kí thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên

         Theo quy định tại điều 49 LDN 2014 thì “Công ty phải lập sổ đăng ký thành viên ngay sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Sổ đăng ký thành viên phải có các nội dung chủ yếu sau đây: a) Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính của công ty; b) Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác đối với thành viên là cá nhân; tên, số quyết định thành lập hoặc mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính đối với thành viên là tổ chức; c) Phần vốn góp, giá trị vốn đã góp, thời điểm góp vốn, loại tài sản góp vốn, số lượng, giá trị của từng loại tài sản góp vốn của từng thành viên; d) Chữ ký của thành viên là cá nhân hoặc của người đại diện theo pháp luật của thành viên là tổ chức; đ) Số và ngày cấp giấy chứng nhận phần vốn góp của từng thành viên”. Theo tinh thần của điều luật này, sổ đăng ký thành viên chỉ đóng vai trò là nơi lưu giữ các thông tin cần thiết liên quan đến cá nhân, tổ chức góp vốn vào công ty và các thông tin liên quan đến phần vốn góp của họ. Nếu có biến động khi trong công ty có thành viên chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho người ngoài công ty hoặc công ty tiếp nhận thêm thành viên mới để tăng vốn điều lệ thì thành viên mới đó chỉ trở thành thành viên chính thức của công ty khi công ty hoàn tất xong thủ tục đăng ký thay đổi thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên (điều 45 Nghị định số 78/2015 của Chính phủ  về đăng kí doanh nghiệp). Trong khi đó, đối với công ty cổ phần, khi có sự thay đổi về tư cách cổ đông trong công ty, họ không cần phải làm thủ tục đăng ký thay đổi cổ đông tại phòng đăng ký kinh doanh nữa mà tư cách cổ đông đã được xác lập vào thời điểm khi bên bán được thanh toán đủ và những thông tin về người mua quy định tại khoản 2, Điều 121 của LDN 2014 được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký cổ đông. Kể từ thời điểm đó, người mua cổ phần trở thành cổ đông của công ty. Quy định này giúp công ty cổ phần giảm bớt được thủ tục thông báo thay đổi cổ đông đến cơ quan đăng kí kinh doanh, tiết kiệm được thời gian và chi phí. Do đó, việc bổ sung thêm vai trò của sổ đăng kí thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên để tiết giảm về thời gian, chi phí cho loại hình công ty này cũng cần phải được tính đến.

2.4. Về vấn đề họp hội đồng quản trị công ty cổ phần

         Theo quy định tại khoản 8, điều 153 LDN 2014 thì “Cuộc họp Hội đồng quản trị được tiến hành khi có từ ba phần tư tổng số thành viên trở lên dự họp. Trường hợp cuộc họp được triệu tập theo quy định khoản này không đủ số thành viên dự họp theo quy định thì được triệu tập lần thứ hai trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày dự định họp lần thứ nhất, trừ trường hợp Điều lệ quy định thời hạn khác ngắn hơn. Trường hợp này, cuộc họp được tiến hành, nếu có hơn một nửa số thành viên Hội đồng quản trị dự họp”. Theo tinh thần của quy định này, cuộc họp Hội đồng quản trị chỉ được tiến hành khi có từ 3/4 tổng số thành viên dự họp (đối với lần triệu tập thứ nhất) và khi có hơn ½ thành viên Hội đồng quản trị dự họp (đối với lần triệu tập họp thứ 2 ngay sau lần thứ nhất). Tuy nhiên trên thực tế, sẽ có không ít trường hợp người có thẩm quyền triệu tập cuộc họp Hội đồng quản trị đã gửi thông báo mời họp hợp lệ đến các thành viên 2 lần nhưng vẫn không tiến hành họp được do không đủ số lượng, làm ảnh hưởng đến quá trình điều hành hoạt động của công ty, phương hại đến lợi ích của các cổ đông trong công ty. Ví dụ, trong công ty cổ phần X có tất cả 05 cổ đông là cá nhân tham gia góp vốn thành lập, cả 5 cổ đông này đều là thành viên Hội đồng quản trị công ty và họ bầu một người trong số họ làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Để tiến hành thực hiện một số công việc thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị được quy định tại khoản 2, Điều 149 LDN 2014, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty đã ra thông báo triệu tập cuộc họp đến 2 lần, nhưng mỗi lần như vậy đều chỉ có 02 thành viên tham dự. Điều này khiến cho cuộc họp Hội đồng quản trị không thể tiến hành được, do đó ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình điều hành hoạt động của công ty. Chính vì vậy, cần thiết phải có giải pháp về mặt pháp luật để giúp doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc này.

2.5. Về cơ cấu tổ chức Công ty cổ phần

          Theo quy định tại điểm b, khoản 1, điều 134 LDN 2014, Công ty cổ phần có quyền lựa chọn tổ chức quản lý và hoạt động theo một mô hình:“Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp này ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ban kiểm toán nội bộ trực thuộc Hội đồng quản trị. Các thành viên độc lập thực hiện chức năng giám sát và tổ chức thực hiện kiểm soát đối với việc quản lý điều hành công ty”. Trong mô hình tổ chức này, có sự xuất hiện của Ban kiểm toán nội bộ. Ban này có chức năng “giám sát và tổ chức thực hiện kiểm soát đối với việc quản lý điều hành công ty”. Tức là, Ban kiểm toán nội bộ phải là “tai mắt” của Đại hội đồng cổ đông, có quyền kiểm soát đối với việc quản lý, điều hành công ty của Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và các cấp quản lý điều hành khác trong công ty. Tuy nhiên, quy định tại điểm b, khoản 1, điều 134 LDN 2014 lại quy định Ban kiểm toán nội bộ phải trực thuộc Hội đồng quản trị, tức là ban này do Hội đồng quản trị lập ra và thực hiện nhiệm vụ được Hội đồng quản trị giao phó. Điều này khiến cho việc thực hiện nhiệm vụ kiểm soát của Ban đối với hoạt động của Hội đồng quản trị gặp rất nhiều khó khăn, “ngược” với lẽ thường nếu không muốn nói là bị tê liệt. Không những vậy, Luật Doanh nghiệp năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng không có bất cứ quy định nào về cơ cấu tổ chức quản lý của Ban kiểm toán nội bộ, trách nhiệm của Ban kiểm toán nội bộ, điều kiện, tiêu chuẩn thành viên và Trưởng Ban kiểm toán nội bộ, các chế độ về lương lẫn các quyền lợi của thành viên Ban kiểm toán nội bộ, việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên và Trưởng Ban kiểm toán nội bộ;… Điều này khiến các công ty cổ phần gặp nhiều khó khăn, lung túng khi muốn áp dụng mô hình vào cơ cấu tổ chức quản lý công ty.

3. Đề xuất một số giải pháp hoàn thiện

         Trên cơ sở những bất cập, hạn chế đã được nêu và phân tích ở trên, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện Luật Doanh nghiệp năm 2014 như sau:

        Một là, để khắc phục việc kê khai địa chỉ không đúng với thực tế, không phù hợp quy định của pháp luật thì khi thực hiện thủ tục đăng kí thành lập DN, pháp luật cần bổ sung quy định người tiến hành thủ tục đăng kí doanh nghiệp phải xuất trình giấy tờ chứng minh tính xác thực về địa chỉ trụ sở chính và phải chịu trách nhiệm về tính phù hợp với quy định của pháp luật đối với địa chỉ đó. Đồng thời, cơ quan đăng kí kinh doanh cần tiến hành hậu kiểm để kiểm tra xem doanh nghiệp có đặt trụ sở chính đúng với địa chỉ đã đăng kí hay không để có hướng xử lý kịp thời.

        Hai là, Luật Doanh nghiệp năm 2014 cần quy định lại điều 44 về con dấu của doanh nghiệp theo hướng tùy vào nhu cầu của doanh nghiệp, cho phép mỗi một doanh nghiệp có quyền tự quyết định sự tồn tại hay không tồn tại của con dấu trong DN. Trong trường hợp DN quyết định vẫn giữ nguyên con dấu thì cần phải bỏ quy định về thủ tục thông báo mẫu dấu cho cơ quan đăng kí kinh doanh (đang được quy định tại phụ lục II-8 Thông tư số 20/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vì không cần thiết. Đối với doanh nghiệp không có con dấu mà chỉ sử dụng chữ kí của người đại diện theo pháp luật, để tránh bị giả mạo chữ kí, Luật Doanh nghiệp năm 2014 cần có những quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục đăng kí chữ kí mẫu và chữ kí mẫu này phải được lưu giữ tại DN và trong hồ sơ của DN tại cơ quan đăng kí kinh doanh (để đối chiếu nếu cần). Nếu là chữ kí số thì cần tiến hành chứng thực theo quy định tại Nghị định số 130/2018 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành luật giao dịch điện tử và dịch vụ chứng thực chữ kí số.

        Ba là, Luật Doanh nghiệp năm 2014 cần bổ sung quy định theo hướng khi trong công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có thành viên chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho người ngoài công ty hoặc công ty tiếp nhận thêm thành viên mới để tăng vốn điều lệ thì thời điểm xác lập tư cách thành viên cho thành viên mới là thời điểm khi bên bán được thanh toán đủ và những thông tin về người mua quy định tại khoản 1, Điều 49 của LDN 2014 được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký thành viên. Với việc bổ sung quy định này, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên sẽ giảm bớt được thủ tục đăng ký thay đổi thành viên không cần thiết.

        Bốn là, về vấn đề họp Hội đồng quản trị, Luật Doanh nghiệp năm 2014 cần bổ sung quy định theo hướng: Trong trường hợp cuộc họp Hội đồng quản trị đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ 2 mà vẫn không đủ số lượng thành viên dự họp thì sau một thời gian nhất định, người có thẩm quyền triệu tập cuộc họp có quyền triệu tập Hội đồng quản trị lần thứ 3 và lần này cuộc họp được tiến hành mà không phụ thuộc số thành viên dự họp.

          Năm là, Luật Doanh nghiệp năm 2014 cần quy định Ban kiểm toán nội bộ công ty cổ phần phải do Đại hội đồng cổ đông thành lập, các thành viên và Trưởng Ban kiểm toán nội bộ do Đại hội đồng cổ đông bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm; lương và lợi ích khác của thành viên Ban kiểm toán nội bộ do Đại hội đồng cổ đông quyết định. Có như vậy, Ban kiểm toán nội bộ mới có vị thế độc lập với Hội đồng quản trị và sẽ thực hiện được tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc kiểm soát quản lý điều hành công ty mà pháp luật và Đại hội đồng cổ đông giao phó. Đồng thời, Luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng cần có quy định rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ của Ban kiểm toán nội bộ; điều kiện, tiêu chuẩn thành viên và Trưởng Ban kiểm toán nội bộ để Công ty cổ phần không bị lung túng khi áp dụng mô hình tổ chức quản lý này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2014), Luật Doanh nghiệp năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
  2. Quốc hội (2005), Luật Giao dịch điện tử năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
  3. Quốc hội (2014), Luật Nhà ở năm 2014.

 

SOME INADEQUACIES AND LIMITATIONS IN THE ESTABLISHMENT, ORGANIZATION AND OPERATION OF ENTERPRISES OF THE 2014 LAW ON ENTERPRISES

Ph.D student NGUYEN THANH TUNG

Faculty of Economic Law

University of Law, Hue University

ABSTRACT:

The article shows the author's views on some inadequacies and limitations in the establishment, organization and operation of enterprises of the 2014 Law on Enterprises, such as the company seal, board meetings of joint-stock comapnies and the enterprise’s head office address issues. This article also presents some feasible solutions for resovling these issues, contributing to perfecting the 2014 Law on Enterprises .

Keywords: Inadequacies in business establishment, company seal, inadequacies in board meetings, perfecting the Law on Enterprises.