Một số bất cập trong quá trình kiểm tra, giám sát tài chính doanh nghiệp ở Bộ Công nghiệp

Thực hiện Chỉ thị 01/2003/CT-TTg ngày 16/01/2003 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả DNNN và Quyết định 271/2003/QĐ-TTg ngày 31/12/2003 của Thủ tướng

Theo chương trình, năm 2006, Tổ kiểm tra, giám sát sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát tài chính của 9 TCT, tập đoàn. Đến nay, qua thực tế kiểm tra, giám sát tài chính của 5 TCT, tập đoàn và một số đơn vị thành viên trực thuộc TCT, tập đoàn, cùng với việc phát hiện một số sai sót, yếu kém trong công tác tài chính hạch toán, thanh toán công nợ, công tác triển khai thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… Bên cạnh đó, Tổ kiểm tra, giám sát cũng đã phát hiện một số bất cập trong cơ chế, chính sách về tài chính doanh nghiệp, cũng như việc hiểu và thực thi chính sách chưa đúng của người thi hành công vụ, làm ảnh hưởng đến tài chính doanh nghiệp, thậm chí có thể dẫn đến gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Theo ông Phạm Công Tham – Vụ trưởng Vụ Tài chính Kế toán, Tổ trưởng Tổ kiểm tra, giám sát, có 3 vấn đề bất cập nổi cộm hiện nay, cần sớm được khắc phục.

Vấn đề thứ nhất, Nghị định 199/2004/NĐ - CP của Chính phủ, ngày 03/12/2004 ban hành Quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác và thông tư 33/2005/TT – BTC ngày 29/4/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện NĐ199, trong đó có nội dung là khuyến khích đơn vị thực hiện việc định mức chi phí vật tư tiêu hao, nếu tiết kiệm được so với định mức thì được thưởng. Ngược lại, nếu vượt định mức thì phải bồi thường. Khoản tiền thưởng tiết kiệm so với định mức được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh, tất nhiên, mức thưởng tối đa không vượt quá giá trị tiết kiệm được. Tuy nhiên, trong thực tế, không hiểu vì lí do gì, Công ty Apatít Lào Cai lại bị Cục Thuế Lào Cai xuất toán phần chi  thưởng do tiết kiệm vật tư mà có. Như vậy, thông qua giám sát tài chính, còn cho thấy, người thi hành công vụ chưa thông hiểu tường tận chính sách, hoặc suy diễn không đúng, tạo nên những phiền hà và thiệt hại cho doanh nghiệp.

Vấn đề thứ hai, NĐ 199 và TT 33 qui định phân phối lợi nhuận đối với DNNN có chỗ không hợp lý. Theo qui định thì, lợi nhuận sau thuế được phân phối theo tỷ lệ giữa vốn nhà nước và vốn doanh nghiệp tự huy động. Vốn doanh nghiệp được hiểu theo NĐ 199 là số tiền công ty huy động do phát hành trái phiếu, vay của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trên cơ sở công ty tự chịu trách nhiệm hoàn trả cả gốc lẫn lãi cho người cho vay theo cam kết, trừ các khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ. Như vậy, vô hình chung, phần vốn mà doanh nghiệp tự có nếu huy động vào sản xuất sẽ không được trích lợi nhuận. Những đơn vị SXKD đạt hiệu quả cao, tích lũy được vốn, quay vòng vốn nhanh, ít phải vay, thậm chí không phải vay vốn kinh doanh, thì lại không được trích quỹ và ngược lại. Như thế không tạo được động lực cho doanh nghiệp, không khuyến khích doanh nghiệp sử dụng vốn tiết kiệm và hợp lý. Điển hình là TCT Bia - Rượu – NGK Hà Nội, TCT Bia - Rượu – NGK Sài Gòn, SXKD có hiệu quả, tích luỹ được vốn và kinh doanh bằng vốn của doanh nghiệp tích luỹ được, không vay vốn, nhưng kết quả là năm 2005, cả 2 TCT không được trích quỹ. Công ty Apatít Lào Cai, theo qui định thì, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp được trích 10% vào quỹ Dự phòng tài chính, sau đó chia theo vốn Nhà nước và vốn tự huy động. Do đặc thù của Công ty là vốn Nhà nước và vốn tự có chiếm tỷ trọng lớn và được sử dụng hợp lý, nên phần vốn tự huy động của Công ty rất nhỏ, việc phân chia quỹ khen thưởng và phúc lợi năm 2005 được quá ít (Chỉ bằng 20% so với mức trích quỹ các năm trước. Những năm trước phân phối lợi nhuận không theo cơ chế này), trong khi tổng số CBCNV là 3.200 người. Với mức giảm tới 80% như vậy đã không đảm bảo nguồn quỹ để động viên, khuyến khích người lao động đem lại hiệu quả cao trong SXKD, không đảm bảo thưởng cuối năm hoặc thưởng thường kỳ trên cơ sở năng suất lao động, doanh nghiệp không đủ khă năng đầu tư xây dựng và sửa chữa các công trình phúc lợi và không kích thích sản xuất phát triển. Trường hợp này cũng xảy ra tương tự ở Công ty Thuốc lá Thăng Long – thuộc TCT Thuốc lá Việt Nam và một số doanh nghiệp khác thuộc Bộ Công nghiệp.

Vấn đề thứ ba, Quyết định 271/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 31/12/2003 kèm theo Qui chế giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động doanh nghiệp và thông tư 42/2004/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động doanh nghiệp quy định 4 tiêu chuẩn xếp loại doanh nghiệp, trong đó tiêu chuẩn mang tính chất quyết định, đó là tỷ suất lợi nhuận trên vốn năm sau phải cao hơn năm trước. Tuy nhiên, trong thực tế, có đơn vị tỷ suất lợi nhuận trên vốn đạt khá cao (chẳng hạn như Công ty Bánh kẹo Hải Hà, lợi nhuận trên vốn năm 2005 đạt trên 30%), nhưng vẫn phải xếp loại B, vì tỷ suất lợi nhuận vẫn thấp hơn thực hiện năm 2004. Ngược lại, có đơn vị lãi ít, tỷ suất lợi nhuận rất thấp, nhưng lại cao hơn năm trước, nên vẫn được xếp loại A. Vì vậy, theo ông Phạm Công Tham, Bộ Tài chính nên qui định lại tiêu chuẩn này theo hướng, đơn vị đạt mức lợi nhuận trên vốn cao hơn tỷ suất lợi nhuận bình quân xã hội (tính bằng mức bình quân lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại) thì đạt loại A.

  • Tags: