Một số biện pháp nhằm hoàn thiện quản lý thuế đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải container đường bộ trên địa bàn thành phố Hải Phòng

TÔ VĂN TUẤN - ThS. NGUYỄN THỊ HÀ (Trường Đại học Hàng hải Việt Nam)

TÓM TẮT:

Đóng góp cho ngân sách nhà nước của hoạt động kinh doanh vận tải container đường bộ trên địa bàn thành phố Hải Phòng những năm qua được đánh giá còn thấp, không tương đồng với sự phát triển của các doanh nghiệp và sự gia tăng các phương tiện vận tải tham gia hoạt động. Bài viết đề xuất các biện pháp quản lý thuế phù hợp với lĩnh vực kinh doanh của hoạt động vận tải container đường bộ, tránh thất thu thuế, góp phần thu đúng, thu đủ tiền thuế cho ngân sách nhà nước trước bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với các nước trên thế giới.

Từ khóa: quản lý thuế, kinh doanh vận tải, container, đường bộ, thành phố Hải Phòng.

1. Đối với cơ quan quản lý thuế

1.1. Nhóm biện pháp về tăng cường công tác tổ chức cán bộ

Nhận thức được tầm quan trọng và quyết định của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ, ngành Thuế cả nước cũng như Cục Thuế Thành phố Hải Phòng luôn quan tâm, đề cao tiêu chí “đạo đức - chất lượng" của đội ngũ cán bộ, công chức. Theo đó, Cục Thuế tập trung thực hiện các biện pháp như sau:

- Quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Cục Thuế thành phố Hải Phòng đã ban hành Quyết định số 442/QĐ-CT về tiêu chí đạo đức cán bộ, công chức theo chuẩn mực đạo đức Hồ Chí Minh. Theo đó, cán bộ, công chức ngành Thuế Hải Phòng là người đại diện cho Nhà nước.

- Việc thi tuyển chọn đầu vào đối với cán bộ, công chức được tổ chức chặt chẽ, khoa học, đảm bảo sự minh bạch, công bằng, đạt được mục tiêu về chất lượng, số lượng cán bộ, công chức, trong đó đặc biệt phát triển đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ đại học.

- Cải cách nội dung và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; khuyến khích và tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất cho các cán bộ, công chức theo học các lớp đào tạo ngắn hạn và dài hạn; thường xuyên mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ chuyên ngành hoặc kết hợp cùng các trường, các trung tâm giáo dục mở nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng về pháp luật, về lý luận chính trị,... giúp đội ngũ cán bộ, công chức nắm vững nghiệp vụ chuyên môn, về pháp luật liên quan và luôn có được lập trường, quan điểm cách mạng trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

- Bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức đảm bảo phù hợp với công việc được giao, phát huy tốt khả năng, sở trường mỗi cán bộ, công chức; định kỳ thực hiện điều động, luân phiên, luân chuyển vị trí công tác đảm bảo đúng hướng dẫn theo quy định. Điều động, luân phiên, luân chuyển vị trí công tác, đồng thời cũng phải đảm bảo sự ổn định, kế thừa và phát triển đội ngũ công chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị, tránh xáo trộn lớn ảnh hưởng đến công tác quản lý và điều hành của đơn vị, mặt khác giúp cán bộ, công chức phát triển toàn diện, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trong mọi hoàn cảnh.

- Tăng cường kỷ luật kỷ cương, thực hiện văn minh, văn hóa công sở. Khen thưởng kịp thời đối với những tập thể, cá nhân, việc làm tốt, đồng thời cũng có hình thức kỷ luật thỏa đáng, nghiêm khắc, khách quan đối với các tập thể, cá nhân, việc làm không tốt, thiếu tinh thần trách nhiệm. Kích thích, khơi dậy tinh thần thi đua phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao đối với mỗi tập thể, đơn vị và cá nhân cán bộ, công chức thông qua việc gắn được quyền lợi với trách nhiệm trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

- Thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các cán bộ vi phạm.

1.2. Nhóm biện pháp về tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện truyền thông và trụ sở, văn phòng làm việc phục vụ tốt cho công tác thu

Thành phố Hải Phòng sau hơn 25 năm đổi mới đã có được những thành quả nhất định về: kinh tế - xã hội phát triển, an ninh - quốc phòng ổn định, mức sống người dân được nâng cao,...; cùng với đó số lượng tổ chức, doanh nghiệp, người nộp thuế cũng tăng nhanh tạo điều kiện cho nguồn thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng trưởng. Theo thống kê của Thành phố, năm 1990 số thu, là 91 tỷ đồng; năm 1995, số thu là 842 tỷ đồng; năm 2000, số thu là 937 tỷ đồng; năm 2010, số thu là 5.300 tỷ đồng; năm 2015 đạt 10.000 tỷ đồng và năm 2021 đạt 36.000 tỷ. Tuy nhiên, cơ sở vật chất, phương tiện truyền thông và trụ sở, văn phòng làm việc được xây dựng và trang bị có thời gian sử dụng đã khá lâu, diện tích chật hẹp, xuống cấp không thể đảm bảo phục vụ tốt cho công tác thu; mặt khác cũng nhận thấy tầm quan trọng của chúng đối với việc hoàn thành nhiệm vụ được giao, vì vậy Cục Thuế Thành phố đã chủ động đề ra một số biện pháp triển khai thực hiện, đó là:

- Trình Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng thúc đẩy nhanh việc bố trí quỹ đất cho xây dựng trụ sở làm việc mới thay thế trụ sở làm việc cũ của các Chi cục thuế trực thuộc cũng như trụ sở làm việc cũ của Cục Thuế do được xây dựng quá lâu, diện tích chật hẹp.

- Báo cáo Tổng cục Thuế tăng cường trang bị về phương tiện làm việc, bổ sung các phần mềm ứng dụng trong quản lý thuế, trong kiểm tra, đối chiếu, xác minh hóa đơn,... giúp chiết xuất nhanh thông tin, dữ liệu phục vụ công tác điều hành thu, giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế.

- Có kế hoạch tổ chức khai thác triệt để các ứng dụng của công nghệ tin học, tiến bộ khoa học trong quản lý. Đây là một giải pháp có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc nâng cao hiệu quả quản lý thuế trong thời gian tới, đặc biệt là khi kê khai thuế qua mạng được áp dụng rộng rãi. Ngành Thuế nước ta đang trong giai đoạn thực hiện chiến lược cải cách hướng tới một mô hình thuế hiện đại, chuyên nghiệp theo các chuẩn mực quốc tế. Quản lý công tác thuế theo mô hình thuế điện tử đã được ngành Thuế nói chung, Cục Thuế Hải Phòng nói riêng xác định là một trong những điếm cốt yếu nhất trong việc thực hiện chiến lược cải cách của mình. Mô hình này không chỉ bao gồm việc xây dựng các dịch vụ điện tử cung cấp cho người nộp thuế mà còn là xây dựng các quy trình quản lý thu nội bộ của cơ quan thuế trên cơ sở hiện đại hóa nhằm giảm bớt các thao tác thủ công, giảm lượng giao dịch bằng giấy tờ; tự động hóa các khâu xử lý thông tin theo dõi số thu, nộp thuế,... Cho đến nay, ngành Thuế đã tạo dựng được một nền tảng hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin khá thống nhất và quy mô cùng với một nguồn nhân lực công nghệ thông tin từ trung ương đến địa phương có khả năng xử lý công việc trên mạng máy tính ngày một được nâng lên. Bên cạnh đó, Cục Thuế Thành phố cần nâng cao về chất lượng cũng như số lượng trang thiết bị phục vụ công tác quản lý thuế, đồng thời tìm kiếm những đối tác có kinh nghiệm, có khả năng trong việc xây dựng một hệ thống thuế điện tử, quy mô, phục vụ tốt nhất cho người nộp thuế và chuyên môn của ngành Thuế.

- Song song cùng các biện pháp trên, để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao đồng thời kịp thời phục vụ, giải quyết nhanh chóng, đúng quy định và tránh gây phiền hà, sách nhiễu đối với các tổ chức, doanh nghiệp, người nộp thuế khi giao dịch với cơ quan thuế, Cục Thuế Thành phố cần nâng cao việc quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015; thường xuyên có những bổ sung, cải tiến đáp ứng thực hiện chức năng quản lý nhà nước và giải quyết thủ tục hành chính về thuế trên địa bàn.

1.3. Nhóm biện pháp về tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ chính sách pháp luật thuế

Trong giai đoạn hiện nay, ngành Thuế đang tiến hành cải cách và hiện đại hóa, chính vì vậy hàng loạt các văn bản pháp luật về thuế đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung,... tạo hệ thống chính sách thuế đồng bộ, tiên tiến, bao quát mọi nguồn thu và huy động kịp thời vào ngân sách nhà nước. Việc thông tin cho người nộp thuế và toàn thể người dân hiểu về nội dung các chính sách thuế có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo cho chính sách pháp luật đi vào cuộc sống. Với ý nghĩa đó, ngành Thuế cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế, thông qua các biện pháp cụ thể như sau:

- Bổ sung thêm cán bộ làm công tác tuyên truyền, nâng cao chất lượng cán bộ qua việc đào tạo có tính chất chuyên sâu, chuyên nghiệp theo từng bộ phận chức năng để đáp ứng yêu cầu chuyên môn hóa. Cùng với kiến thức chuyên môn sâu rộng trong nhiều lĩnh vực (nhất là thuế, kế toán và luật), cán bộ hỗ trợ, tư vấn thuế còn cần các kỹ năng nghề nghiệp phục vụ công việc như ngoại ngữ, vi tính, kỹ năng lắng nghe, phân tích yêu cầu, trình bày quan điểm và thuyết phục. Ngoài ra,  phong cách ứng xử văn minh, lịch sự, mềm mỏng, khéo léo, linh hoạt cũng là những yêu cầu không thể thiếu.

- Tuyên truyền thông qua hệ thống thông tin đại chúng như báo chí, truyền hình; phối hợp với đài phát thanh, truyền hình và các cơ quan báo chí đóng trên địa bàn thành phố đến toàn thể người dân. Thông qua đó, để mọi người có thể nắm được thông tin về tiến trình cải cách và hiện đại hóa ngành Thuế, về các nội dung sửa đổi, bổ sung, văn bản pháp luật thuế mới được ban hành; thông tin các tổ chức, doanh nghiệp, người nộp thuế chấp hành tốt và cả những trường hợp tổ chức, doanh nghiệp, người nộp thuế chấp hành không tốt chính sách pháp luật thuế.

- Kết hợp với ngành Giáo dục thực hiện tuyên truyền chính sách pháp luật về thuế vào trong nhà trường. Thông qua việc giảng dạy giúp các em hiểu được ý nghĩa và vai trò đúng đắn của thuế. Kịp thời khuyến khích khen thưởng, động viên cho các học sinh và các trường tích cực tham gia cuộc thi tìm hiểu về chính sách pháp luật thuế và có các bài viết hay, qua đó có thể giáo dục các em về tinh thần trách nhiệm, tính tự giác chấp hành pháp luật thuế,... đó sẽ là hành trang cần thiết để các chủ nhân tương lai của đất nước, của thành phố đóng góp sức mình, tự hào khi được đóng thuế để xây dựng và phát triển đất nước.

- Tổ chức các hội nghị phổ biến, tập huấn, đối thoại với người nộp thuế để nắm được và giải đáp kịp thời những vướng mắc từ người nộp thuế.

- Thực hiện dịch vụ tư vấn thuế: Đây là hoạt động hỗ trợ, phục vụ theo yêu cầu của người nộp thuế, những khách hàng của phòng tư vấn thuế là người dân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những người còn hạn chế kiến thức về thuế. Nội dung chính là trả lời về luật thuế, thủ tục kê khai và các thắc mắc khác của người nộp thuế để họ hiểu và có thể tự mình kê khai thuế chính xác và đóng thuế đầy đủ. Qua tư vấn thuế, cơ quan thuế có cơ hội tiếp xúc với người nộp thuế, kích thích, khơi dậy trách nhiệm, nghĩa vụ và làm cho người dân hiểu và tin tưởng vào cơ quan thuế. Thực hiện tư vấn thuế có thể có nhiều cách như giải thích trực tiếp, trả lời qua điện thoại hoặc fax, tóm tắt các câu hỏi thường gặp đưa lên trang web,... để các tổ chức, doanh nghiệp, người nộp thuế truy cập, khai thác.

- Công tác thi đua khen thưởng không chỉ thực hiện đối với các cán bộ, công chức ngành Thuế có thành tích trong công tác thu mà còn phải chú trọng đến cả người nộp thuế chấp hành tốt pháp luật về thuế, có đóng góp lớn số thuế hàng năm cho ngân sách nhà nước. Khen thưởng công khai, thông qua thông tin đại chúng như báo chí, đài phát thanh, truyền hình, thông qua đó, có thể nâng cao chữ tín cho các tổ chức, doanh nghiệp, người nộp thuế, từ đó sản xuất - kinh doanh tiếp tục đà phát triển đóng góp ngày càng nhiều hơn cho thành phố, đất nước.

1.4. Nhóm biện pháp để nâng cao hơn nữa về nhiệm vụ quản lý thuế đối với người nộp thuế thuộc phạm vi quản lý; phát huy những ưu điểm của mô hình tổ chức quản lý thu thuế theo chức năng

- Tăng cường thu thập thông tin về tổ chức, doanh nghiệp, người nộp thuế; phối kết hợp chặt chẽ, hiệu quả với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan khác của Nhà nước trong công tác quản lý thuế, thực hiện quản lý bao quát hết mọi nguồn thu phát sinh trên địa bàn, tăng thu ngân sách, triệt để chống thất thu, tạo môi trường xã hội bình đẳng cho mọi thế nhân, pháp nhân tham gia hoạt động sản xuất - kinh doanh.

- Thực hiện đúng các quy trình quản lý thuế: Từ việc kê khai đăng ký cấp mã số thuế, tuyên truyền, hỗ trợ, quản lý người nộp thuế cho đến việc xử lý hồ sơ khai thuế, kiểm tra, thanh tra, quản lý và cưỡng chế nợ thuế,... yêu cầu mỗi cán bộ, công chức thuế phải nêu cao tinh thần trách nhiệm để hoàn thành nhiệm vụ.

- Do chủ trương của Đảng và Nhà nước ta hướng đến sự dân chủ rộng rãi, tạo thuận lợi cho người dân nên các chính sách của Nhà nước có phần cởi mở, thông thoáng nhằm kích thích sản xuất - kinh doanh phát triển, tạo nhiều công việc làm cho xã hội, góp phần tăng trưởng nền kinh tế đất nước. Để thực hiện tốt chủ trương đó, ngành Thuế cần tăng cường hơn nữa việc kiểm tra phát hiện và kịp thời xử lý các vi phạm của người nộp thuế trong việc phát hành, quản lý và sử dụng hóa đơn; tạo môi trường kinh doanh công bằng, bình đẳng, hạn chế tình trạng sử dụng bất hợp pháp hóa đơn gây nhiều hệ luỵ, tổn thất cho nền kinh tế - xã hội.

- Do chính sách của Nhà nước có xu hướng ngày một đề cao tính tự kê khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm đối với người nộp thuế, vì vậy để đảm bảo cho pháp luật thuế được thực thi nghiêm minh, bình đẳng, công bằng, ngành Thuế cần quan tâm đặc biệt đối với chức năng thanh tra, kiểm tra thuế, qua đó kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn chặn các hành vi vi phạm về thuế.

- Tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ của mình với ngân sách nhà nước. Kịp thời giải đáp, xử lý và giải quyết thỏa đáng các vướng mắc phát sinh trong quá trình quản lý thuế đối với người nộp thuế, đảm bảo khách quan, công tâm, đúng quy trình của ngành và đúng quy định của pháp luật.

- Công tác kiểm tra nội bộ cũng có vai trò quan trọng đối với công tác quản lý thuế; thông qua kiểm tra nội bộ, cơ quan thuế sẽ giám sát đối với tất cảc các hoạt động của các bộ phận quản lý thuế một cách trung thực, khách quan. Điều này sẽ hạn chế các hành vi nhũng nhiễu, tùy tiện trong quản lý thuế; hướng tới mục tiêu xây dựng ngành Thuế trong sạch, vững mạnh, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.

- Công tác quản lý thuế các tổ chức, doanh nghiệp, người nộp thuế cần được quan tâm nhiều hơn nữa, trong đó đặc biệt quan tâm quản lý thuế đối với doanh nghiệp vận tải hàng hóa đường bộ. Thực hiện quản lý thuế theo đúng các quy trình trên cơ sở nêu cao tinh thần trách nhiệm, chuyên môn nghiệp vụ của mỗi cán bộ công chức, đồng thời chấp hành nghiêm túc tiến trình và mục tiêu cải cách về thủ tục hành chính của ngành đề ra.

2. Đối với người nộp thuế

- Tổ chức, doanh nghiệp, người nộp thuế cần ý thức đầy đủ về trách nhiệm cũng như nghĩa vụ của mình trong thực hiện các chính sách, pháp luật nói chung và các chính sách, pháp luật về thuế nói riêng. Chấp hành nghiêm các quy định về đăng ký thuế, sử dụng mã số thuế; tự giác chấp hành tốt chế độ kế toán thống kê, quản lý và sử dụng hóa đơn, chứng từ đúng theo quy định của pháp luật; ghi chép, phản ánh chính xác, trung thực các thông tin, tài liệu, các nghiệp vụ kinh tế tài chính phát sinh trong quá trình hoạt động sản xuất - kinh doanh, dịch vụ tại đơn vị, đồng thời thực hiện khai thuế và nộp tiền thuế đầy đủ, đúng thời gian, đúng địa điểm.

- Để sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả, tổ chức, doanh nghiệp, người nộp thuế cần thực sự quan tâm nhiều đến việc đầu tư về chất xám, trí tuệ, nguồn nhân lực chất lượng cao. Từ vị trí của những người đứng đầu tổ chức, doanh nghiệp đến bộ máy tham mưu, giúp việc, phòng tài chính kế toán và đội ngũ cán bộ, công nhân viên đòi hỏi phải được đào tạo cơ bản về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đủ tầm nhận thức, hành động đúng quy định của pháp luật, hoạt động tác nghiệp khoa học, bảo đảm an toàn khi thực thi nhiệm vụ và luôn xử lý hài hòa, hợp pháp giữa lợi ích của cá nhân, tập thể với lợi ích của toàn xã hội.

- Chủ động cử cán bộ lãnh đạo, cán bộ làm công tác kế toán, thống kê tham gia học tập, đào tạo các lớp học, khóa học do các trường, các trung tâm và các cơ quan quản lý nhà nước tổ chức; thường xuyên cập nhật, nắm bắt thông tin, tìm hiểu chính sách, luật pháp, qua đó ngày càng nâng cao được trình độ cũng như kỹ năng lãnh đạo, điều hành, giám đốc của người chủ doanh nghiệp giúp hoạt động sản xuất - kinh doanh đạt hiệu quả, đúng quy định của pháp luật, tạo điều kiện cạnh tranh và hội nhập thị trường quốc tế.

- Quan tâm nhiều hơn nữa đến điều kiện cũng như trang thiết bị làm việc cho người lao động; thực hiện ký hợp đồng lao động và tham gia đóng đầy đủ, kịp thời các khoản về bảo hiểm bảo đảm quyền lợi của người lao động.

- Trên cơ sở vì lợi ích chung của quốc gia, cộng đồng doanh nghiệp trong nước chủ động liên kết thành khối, hiệp hội, tập đoàn,... nhằm tạo nên đối trọng, đủ sức cạnh tranh với các hàng hóa, sản phẩm của doanh nghiệp nước ngoài, bảo vệ và tạo điều kiện cho sản xuất - kinh doanh trong nước phát triển.

3. Kết luận

Công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực vận tải hàng hóa đường bộ thời kỳ hiện tại được đánh giá là chậm đổi mới, mang nặng tính mệnh lệnh hành chính, chưa theo kịp thực tiễn, chưa tạo được thị trường vận tải cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích những đơn vị làm tốt, đào thải những đơn vị yếu kém. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế đó đòi hỏi cần có sự tham gia của nhiều phía, từ Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương và mỗi người dân. Vì vậy, việc hoàn thiện công tác quản lý thuế đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải container đường bộ tại thành phố Hải Phòng hết sức cần thiết, đáp ứng yêu cầu đặt ra là tăng cường hơn nữa công tác quản lý thuế các doanh nghiệp vận tải hàng hóa đường bộ nói riêng và đối với các tổ chức, doanh nghiệp, người nộp thuế nói chung trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 

Lời cảm ơn:

Nghiên cứu này được tài trợ bởi Trường Đại học Hàng hải Việt Nam trong đề tài mã số: DT21-22.86.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Cục Thuế Thành phố Hải Phòng (2017 - 2021). Báo cáo tổng hợp về quản lý thuế các doanh nghiệp vận tải hàng hoá đường bộ các năm 2017 - 2021, Hải Phòng.
  2. Quốc hội (2008). Luật Giao thông số 23/2008/QH12 ngày 13/11/2008.
  3. Chính phủ (2020). Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
  4. Bộ Giao thông Vận tải (2020). Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29/5/2020 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vần tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.

 

SOME MEASURES TO BETTER MANAGE TAXES FROM ROAD CONTAINER TRANSPORT BUSINESSES IN HAI PHONG CITY

PhD. TO VAN TUAN1

Master. NGUYEN THI HA1

1Vietnam Maritime University

ABSTRACT:

The contribution to the state budget of road container transport businesses in Hai Phong City has been low in recent years and it is not commensurate with the development of these firms as well as the increase in the number of container transport vehicles. This paper proposes some tax management measures to avoid tax evasion of road container transport businesses in order to increase the tax revenue for the state budget when Vietnam is deeply and widely integrating into the global economy.

Keywords: tax management, transport business, container, road, Hai Phong City.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 5, tháng 3 năm 2022]