Một số chính sách và căn cứ pháp lý thực hiện phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long

NCS. THS. HỒ DIỆU MAI  (Giảng viên Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Đồng bằng sông Cửu Long (sau đây gọi tắt là ĐBSCL) với diện tích tự nhiên 40.576,6, có vị trí như một bán đảo với bờ biển dài 700 km, phía Đông Bắc giáp Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh; phía Bắc giáp Campuchia; phía Tây Nam là vịnh Thái Lan và phía Đông Nam là biển Đông. Địa giới hành chính bao gồm địa giới hành chính thành phố Cần Thơ và 12 tỉnh: An Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long. Đây là, một vùng đất không chỉ có bốn mùa cây trái, còn sở hữu nhiều truyền thống văn hóa đặc sắc có giá trị du lịch cao như đờn ca tài tử, lễ hội văn hóa - lịch sử của 4 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, Chăm cùng nhiều lễ hội văn hóa dân tộc tiêu biểu như vía Bà Chúa Xứ Núi Sam, đua bò Bảy Núi, đua ghe ngo… Bài nghiên cứu này khái quát một số chính sách, căn cứ pháp lý, kết quả tổ chức thực hiện phát triển du lịch, những hạn chế và đề xuất giải pháp phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long.

Từ khóa: Chính sách, căn cứ pháp lý, phát triển du lịch, đồng bằng sông Cửu Long.

1. Một số căn cứ pháp lý phát triển du lịch đối với đồng bằng sông Cửu Long

Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển ngành du lịch thế mạnh của Việt Nam, trong đó phải kể đến Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tinh thần của Nghị quyết là phấn đấu đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thu hút 17-20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách nội địa, đóng góp trên 10% GDP; tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD. Phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành Du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Song song với chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, triển khai nhiều giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của Vùng ĐBSCL, cụ thể là:

(1) Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2743/QĐ-TTg ngày 29-12-2011; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch giai đoạn này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/01/2013 đều xác định vùng ĐBSCL hay còn gọi là Tây Nam Bộ là một vùng du lịch quan trọng với các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù. Các định hướng phát triển cho vùng Tây Nam Bộ là du lịch sinh thái (miệt vườn, đất ngập nước), du lịch biển và du lịch văn hóa lễ hội. Toàn vùng sẽ có 4 khu du lịch quốc gia và 7 điểm du lịch quốc gia. Các khu du lịch quốc gia gồm có: Happyland (Long An); Thới Sơn (Tiền Giang); Phú Quốc (Kiên Giang); Năm Căn (Cà Mau); các điểm du lịch quốc gia gồm có Láng Sen (Long An); Tràm Chim (Đồng Tháp); Núi Sam (An Giang); Cù lao Ông Hổ (An Giang); thành phố Cần Thơ; thị xã Hà Tiên (Kiên Giang); khu Lưu niệm Cao Văn Lầu (Bạc Liêu). Những khu, điểm du lịch quốc gia này chính là những điểm nhấn quan trọng để phát triển hệ thống sản phẩm du lịch đặc thù, du lịch xanh ở vùng Tây Nam Bộ.

(2) Tiếp đến Quyết định số 2227/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 18 tháng 11 năm 2016 về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng  ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Quyết định nêu rõ, tập trung phát triển 5 khu du lịch quốc gia, gồm: Thới Sơn nằm trong cụm cù lao Long Lân Quy Phụng (Tiền Giang, Bến Tre), Phú Quốc (Kiên Giang), Năm Căn - Mũi Cà Mau (Cà Mau), Tràm Chim - Láng Sen (Long An, Đồng Tháp), Núi Sam (An Giang); 7 điểm du lịch quốc gia, gồm: Khu phức hợp giải trí Xứ sở Hạnh phúc (Long An), Cù lao Ông Hổ (An Giang), Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sỹ Cao Văn Lầu (Bạc Liêu), Bến Ninh Kiều (Cần Thơ), Hà Tiên (Kiên Giang), Văn Thánh Miếu (Vĩnh Long), Ao Bà Om (Trà Vinh).

Dự báo đến năm 2020, vùng đón khoảng 34 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế. Phấn đấu đến năm 2030 đón khoảng 52 triệu lượt khách, trong đó khoảng 6,5 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch (giá hiện hành) đến năm 2020 đạt khoảng 25 nghìn tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2030 đạt trên 111 nghìn tỷ đồng[1].

(3) Trước thách thức của hiện tượng biến đổi khí hậu, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2017 về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Nghị quyết đã đề cập cơ bản các vấn đề mang tính chiến lược căn bản, lâu dài đối với phát triển vùng ĐBSCL, đưa ra các giải pháp tổng thể về quy hoạch, tổ chức không gian, cơ cấu kinh tế liên kết vùng và huy động nguồn lực cho phát triển, đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành địa phương. Nghị quyết này là cơ sở để triển khai nhiều chương trình, hoạt động của Chính phủ nhằm thúc đẩy phát triển bền vững của vùng.

(4) Để tạo điều kiện phát triển du lịch trong nền kinh tế phát triển bền vững, Chính phủ đã có Quyết định số 593/QĐ-TTg ngày 06/4/2016 của Thủ tướng về việc ban hành Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội của vùng giai đoạn 2016 -2020.

Ngoài ra, Chính phủ cũng ban hành nhiều chỉ thị để tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, như:  (1) Chỉ thị số 18/CT- TTg ngày 04 tháng 9 năm của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch;  (2) Chỉ thị số 14/CT- TTg ngày 02 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về du lịch, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch…

Từ các cơ sở và căn cứ nêu trên, có thể nhận thấy Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến việc đề ra các chính sách để quản lý và phát triển du lịch bền vững, giúp cho ngành Du lịch nói chung và du lịch của vùng ĐBSCL nói riêng phát triển không ngừng, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế -  xã hội của đất nước.

2. Kết quả thực hiện các chính sách và căn cứ phát triển du lịch đối với đồng bằng sông Cửu Long

Thứ nhất, về quy hoạch du lịch: Nhằm thực hiện các mục tiêu chiến lược và chính sách phát triển du lịch tại vùng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các địa phương trong vùng đã tham mưu UBND  các tỉnh, thành phố lập quy hoạch xây dựng các khu, điểm du lịch quốc gia, như: Khu du lịch quốc gia cụm Long Lân Quy Phụng của Tiền Giang và Bến Tre; Khu du lịch quốc gia “Tràm Chim - Láng Sen” (Đồng Tháp - Long An); Điểm du lịch quốc gia “Xứ sở Hạnh phúc - Happy land” (Long An); Điểm du lịch quốc gia “Văn Thánh Miếu” (Vĩnh Long); điểm du lịch quốc gia “Ao Bà Om” (Trà Vinh). 

Thứ hai, về phát triển sản phẩm du lịch: Cùng với việc triển khai quy hoạch du lịch, lãnh đạo của các địa phương trong vùng đã tổ chức phát triển du lịch trong vùng bằng việc ưu tiên phát triển các sản phẩm đặc thù, bao gồm: du lịch trải nghiệm đời sống sông nước, du lịch sinh thái, du lịch tìm hiểu di sản văn hóa; củng cố các sản phẩm chính, bao gồm: Nghỉ dưỡng biển - đảo và vui chơi giải trí; Đa dạng hóa sản phẩm du lịch với các sản phẩm bổ trợ, gồm: du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch tìm hiểu các di tích lịch sử - cách mạng, du lịch hội nghị - hội thảo - sự kiện. Do đó, thời gian vừa qua, du lịch của vùng đã phát triển mạnh mẽ, tạo được công ăn việc làm cho nhiều người dân trong vùng cũng như phát triển các loại hình du lịch cộng đồng.

Thứ ba, về liên kết du lịch: Bên cạnh các hoạt động trên, ngành Du lịch các địa phương trong vùng tiếp tục thực hiện liên kết trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước; xây dựng chiến lược, kêu gọi đầu tư, quy hoạch và chính sách phát triển sản phẩm du lịch của các tỉnh, thành phố; liên kết trong việc xúc tiến, quảng bá du lịch; phối hợp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và liên kết tạo ra các sự kiện chung. Đặc biệt, năm 2018, các địa phương trong cụm đẩy mạnh liên kết hợp tác với ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh. Các địa phương trong đã thường xuyên trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước, hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý nhà nước về hoạt động du lịch, công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành du lịch, áp dụng công nghệ thông tin… Ngành Du lịch các địa phương triển khai quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đồng thời thực hiện Đề án xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của vùng, từ đó xây dựng sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của từng địa phương để kết nối thành sản phẩm chung của cụm nhằm thu hút khách du lịch.

Thứ tư, về quảng bá, truyền thông du lịch: Các đơn cơ quan quản lý du lịch của các địa phương trong vùng cũng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, như liên kết biên soạn in ấn các tài liệu quảng bá du lịch, bản đồ du lịch; xây dựng chương trình du lịch liên kết các sản phẩm du lịch đặc thù của các địa phương; đồng thời làm đầu mối cho các doanh nghiệp du lịch trao đổi, khảo sát các tuyến, điểm du lịch để hợp tác kinh doanh và kết nối tuyến, điểm du lịch. Sau thời gian các địa phương tổ chức thực hiện các chính sách phát triển du lịch của vùng đã mang lại kết quả đáng khích lệ, chẳng hạn, năm 2017, “tổng lượt khách và doanh thu từ hoạt động du lịch của các địa phương trong cụm đều tăng trưởng so với cùng kỳ. Tổng lượt khách đạt trên 9,5 triệu lượt; trong đó khách quốc tế 1.692.021 lượt, chiếm 17,77% tổng lượng khách. Tổng doanh thu từ hoạt động kinh doanh du lịch đạt 3.500 tỉ đồng”.[2]

Thứ năm, về phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch: Về lực lượng lao động trong ngành Du lịch của toàn vùng đã được lãnh đạo các địa phương trong vùng quan tâm từ lâu. Theo báo cáo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các địa phương trong vùng, ngay từ năm 2000 lực lượng lao động trực tiếp trong ngành Du lịch là 5.956 người, đến cuối năm 2012 là 23.509 người. Như vậy, từ năm 2000 đến năm 2012, nhân lực du lịch trực tiếp của toàn vùng tăng 3,95 lần. Nếu tính 5 năm vừa qua (từ 2008-2012), nhân lực du lịch của vùng đã tăng 1,35 lần. Nguyên nhân chính là do ĐBSCL là điểm du lịch mới, ngành Du lịch ở đây cũng còn non trẻ so với các ngành kinh tế khác như nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn và so với ngành Du lịch các nơi khác. Ngành Du lịch của ĐBSCL mới đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển[3].

Cùng với đó, ngành Du lịch các địa phương tăng cường liên kết tập huấn nguồn nhân lực quản lý nhà nước về du lịch, bồi dưỡng kỹ năng nghề du lịch cho đội ngũ lao động trong cụm; phấn đấu trong năm 2018, mỗi địa phương tổ chức ít nhất 1 lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ lao động trong ngành du lịch…

Thứ sáu, về cơ sở vật chất, tài chính: Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua, nhiều dự án hạ tầng quy mô lớn đã được đầu tư như 2 sân bay Cần Thơ và Phú Quốc; các dự án cải tạo nâng cấp, xây dựng các trục giao thông huyết mạch như Quốc lộ 1, đường Nam sông Hậu, tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, cầu Cần Thơ, cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông... đã góp phần thay đổi bộ mặt của Tây Nam Bộ, đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát du lịch của toàn vùng và kinh tế - xã hội.

Theo báo cáo của Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, năm 2019, ĐBSCL năm 2019 đạt 47 triệu lượt khách, so với năm 2018 tăng khoảng 7 triệu lượt. Trong đó, khách lưu trú đạt 13,5 triệu lượt khách, tăng 3,3 triệu lượt khách so với 2018, khách quốc tế đạt gần 3 triệu khách. Doanh thu ước đạt 30.000 tỷ đồng, tăng 6.000 tỷ đồng so với năm trước. Với những kết quả trên, cho thấy ngành công nghiệp không khói này đang có bước chuyển mình, có khả năng thực hiện các mục tiêu phát triển du lịch đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

3. Một số hạn chế, tồn tại và giải pháp phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long

3.1. Về hạn chế, tồn tại

Thứ nhất, mặc dù chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước đã rất rõ ràng về phát triển du lịch vùng ĐBSCL, tuy nhiên, thực tế việc triển khai thực hiện Quyết định số 593/QĐ-TTg ngày 06/4/2016 của Thủ tướng về việc ban hành Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội của vùng giai đoạn 2016 - 2020 còn chậm; Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL; quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương chưa đồng bộ, tính khả thi chưa cao, thiếu tính liên kết toàn vùng, chưa gắn kết chặt chẽ với TP. HCM, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Tiểu vùng sông Mekong nên hiệu quả hoạt động du lịch tại đây chưa thực sự phát huy được thế mạnh vốn có. 

Thứ hai, việc phối hợp, liên kết liên kết giữa cụm với nhau chưa thường xuyên. Hơn nữa, việc tổ chức thực hiện chính sách phát triển du lịch đôi khi còn hình thức, chưa xây dựng được hình ảnh chung để quảng bá, xúc tiến du lịch còn thiếu kinh nghiệm, chưa tạo được nhiều sản phẩm du lịch mới đồng thời chưa tạo được bản sắc, thương hiệu riêng có của vùng.

Thứ ba, mặc dù lực lượng phục vụ du lịch không ngừng lớn mạnh nhưng chất lượng nguồn nhân lực hiện nay vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành Du lịch trong bối cảnh hội nhập quốc ngày càng sâu và rộng. Đội ngũ công chức làm công tác quản lý nhà nước về du lịch còn thiếu và yếu, cán bộ chuyên trách làm công tác du lịch ở quận, huyện không nhiều, có huyện chưa có. Cán bộ quản trị kinh doanh du lịch chưa được đào tạo chuyên sâu, số giám đốc doanh nghiệp tư nhân đã qua đại học hầu hết được đào tạo các chuyên ngành không liên quan trực tiếp đến du lịch. Trừ số người làm việc ở những cơ sở du lịch liên doanh và một số doanh nghiệp du lịch lớn, đội ngũ nhân viên nghiệp vụ du lịch của các địa phương thuộc ĐBSCL còn thiếu tính chuyên nghiệp, kỹ năng nghề chưa thuần thục, sử dụng được ngoại ngữ và tin học phục vụ được yêu cầu công việc không nhiều.

Chất lượng nhân lực du lịch trực tiếp tại Bến Tre, Kiên Giang, Cần Thơ và Cà Mau tuy cao hơn so với các địa phương khác, nhưng cũng chưa đảm bảo về chất lượng. Gần một nửa số lao động được đào tạo về du lịch, nhưng phần lớn chỉ qua các khóa học “cấp tốc” ngắn khoảng 1 tháng, dài nhất cũng chỉ đến 1 năm, nên kỹ năng nghề nói chung còn thấp. Số lao động có trình độ đại học và trên đại học chiếm tỷ lệ thấp trong tổng số lao động đã qua đào tạo, nhưng rất ít người được đào tạo đúng chuyên ngành Du lịch, chủ yếu là từ các ngành khác như ngoại ngữ, khoa học xã hội và tự nhiên.

Thứ tư, về cơ sở vật chất, tài chính: thực tế hạ tầng cơ sở trong vùng còn nhiều bất cập, đường hàng không tuy có phát triển, nhưng chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du lịch; giao thông đường sông chưa phát triển,;đường biển thiếu cảng hành khách và phương tiện chưa đủ sức khai thác vận chuyển hành khách. Tuyến đường bộ toàn vùng và nội vùng chưa hình thành mạng lưới đáp ứng yêu cầu của du lịch, còn thiếu cơ sở hạ tầng cả về hạ tầng giao thông, cảng, trạm dừng chân, hệ thống thông tin, viễn thông chưa đáp ứng nhu cầu của du khách. Lãnh đạo địa phương trong vùng chưa có quy hoạch đầu tư tổng thể, sản phẩm du lịch còn đơn điệu có sự trùng lắp, chưa có sự liên kết phát triển giữa các địa phương. Nguyên nhân dẫn đến sự ì ạch của du lịch tại đây chính là sự đơn điệu của sản phẩm du lịch, liên kết chắp vá và chưa có chiều sâu giữa các địa phương. Tình trạng “mạnh ai nấy làm” và “rập khuôn” đã ảnh hưởng đến tiến trình xúc tiến du lịch toàn vùng.

Bên cạnh hạ tầng du lịch chưa đáp ứng nhu cầu, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch của đồng bằng sông Cửu Long hiện vẫn chưa được quan tâm đúng mức, nguồn nhân lực cho công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch còn quá ít. Các chuyên gia kinh tế, cho rằng: Yếu tố tiên quyết là phải tập trung giải quyết các vấn đề cấp bách về đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch (giao thông, nhà hàng, khách sạn…) mới đa dạng hóa sản phẩm du lịch.

3.2. Đề xuất các giải pháp phát triển

Một là, Chính phủ cần hoàn thiện hơn nữa các quy định quy hoạch tổng thể đối với việc phát triển du lịch ĐBSCL, trong đó cần có các chính sách về phát triển các hoạt động, sản phẩm du lịch mang tính đặc thù của vùng nhằm phát huy được thế mạnh của ĐBSCL cũng như giữ gìn được giá trị, hiện trạng ban đầu của nguồn tài nguyên du lịch của vùng.

Hai là, về tổ chức bộ máy, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch các tỉnh, thành phố trong vùng cần quán triệt và triển khai Nghị quyết số 08/NQ/TW ngày 18/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển Du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, các tỉnh, thành phố có thể trình Chính phủ cho phép tái lập Sở Du lịch. Trước mắt tái lập Sở Du lịch thành phố Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang và Tiền Giang, hình thành cơ chế phối kết hợp giữa các ngành Công an, Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp - nông thôn và sở Văn hóa, thể thao trong quản lý hoạt động du lịch trên địa bàn từng tỉnh, thành phố... trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về du lịch; Phối hợp tốt với các hiệp hội du lịch của các tỉnh, thành phố và Hiệp hội Du lịch ĐBSCL; Tăng cường công tác quản lý phát triển theo quy hoạch; Chú trọng công tác thống kê và xây dựng hệ thống thông tin quản lý du lịch.

Ba là, không ngừng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức trong quản lý nhà nước cũng như điều hành khai thác có hiệu quả du lịch, đáp ứng yêu cầu nhân lực cả về số lượng và chất lượng. Đội ngũ những người làm trong lĩnh vực du lịch phải có năng lực giao tiếp, ứng xử văn minh, lịch sự, chuyên nghiệp và chuyên môn sâu, giỏi ngoại ngữ, am hiểu lịch sử, văn hóa, tận tâm phục vụ khách du lịch và quảng bá hình ảnh của đất nước, vùng và các tỉnh, thành phố.

Bốn là, về cơ sở vật chất và tài chính: cần xây dựng các chính sách và cơ chế, đặc thù nhằm phát triển cơ sở hạ tầng du lịch của địa phương; cải tạo, nâng cấp các điều kiện cần thiết nhằm đảm bảo các hoạt động du lịch được hiệu quả. Trong đó, cần có các chính sách ưu tiên, miễn giảm thuế, cho chậm tiền thuế có thời hạn, giảm tiền thuế đất, cho vay với lãi suất ưu đãi đối với các dự án đầu tư phát triển du lịch ở các vùng đất còn hoang sơ, cơ sở hạ tầng chưa phát triển, các điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn.

Như vậy, có thể thấy rất rõ là các địa phương thuộc ĐBSCL phải nỗ lực cao độ hơn nữa trong phát triển nguồn nhân lực du lịch. Hội nhập quốc tế sâu và toàn diện đã và đang kéo theo sự thay đổi rất lớn từ phía “cầu” du lịch cả quy mô và chất lượng, nên việc “cung” du lịch của ĐBSCL, mà trước tiên là nhân lực du lịch, phải thay đổi để thích ứng. Tuy nhiên, để đáp ứng được nhu cầu đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng và hợp lý về cơ cấu ngành nghề, lĩnh vực và địa phương đòi hỏi phải có sự nỗ lực không chỉ riêng của ngành Du lịch, mà còn cần sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, địa phương liên quan, đặc biệt là ngành Giáo dục và Đào tạo, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] http://cafef.vn/quy-hoach-tong-the-phat-trien-du-lich-vung-dong-bang-song-cuu-long-den-nam-2020-20161121203255589.chn

[2] http://dantocmiennui.vn/du-lich/lien-ket-phat-trien-du-lich-phia-dong-dong-bang-song-cuu-long/168776.html

[3] https://www.vhttdlkv3.gov.vn/Van-de/Day-manh-phat-trien-nhan-luc-du-lich-Giai-phap-mang-tinh-quyet-dinh-su-phat-trien-du-lich-cua-khu-vuc-dong-bang-song-Cuu-Long.3345.detail.aspx

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Chính phủ (2016), Quyết định số 2227/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 18 tháng 11 năm 2016 về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đồng bằng Sông Cửu Long đến năm 20020, tầm nhìn 2030.

2. Chính phủ (2016), Quyết định số 593/QĐ-TTg ngày 06/4/2016 của Thủ tướng về việc ban hành Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2020.

3. Quốc hội (2018), Luật Du lịch sửa đổi số 09/2017/QH14.

  Some solutions and legal bases for Mekong Delta’s tourism development

Ph.D’s student, Master. Ho Dieu Mai

Lecturer, National Academy of Public Administration – Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

Mekong Delta, covering an area of ​​40,576.6 ha, looks like a peninsula with a 700 km long coastline. Mekong Delta is adjacent with Ho Chi Minh City and Tay Ninh province to the northeast, with Cambodia to the north, with Gulf of Thailand to the southwest and with the East Sea to the southeast. Mekong Delta’s administrative boundaries include the administrative boundaries of Can Tho city and 12 provinces, namely An Giang, Ben Tre, Bac Lieu, Ca Mau, Dong Thap, Hau Giang, Kien Giang, Soc Trang, Long An, Tien Giang, Tra Vinh and Vinh Long province. Mekong Delta is not only known for its year-round fruits but also unique cultural traditions with high tourism values ​​such as the folk songs, cultural and historical festivals of the four ethnic groups, namely Kinh and Hoa, Khmer, Cham ethnic group. Mekong Delta is also famous for its typical ethnic cultural festivals such as Ba Chua Xu Nui Sam, Bay Nui bull racing and boat racing. This paper outlines a number of policies, legal bases, results as well as limitations in developing Mekong Delta’s tourism sector. The paper also proposes solutions for tourism development in Mekong Delta.

Keywords: Policies, legal bases, tourism development, Mekong Delta.