Một số điểm mới của nghị định số 60/2021/NĐ-CP về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập

ThS. BÙI THỊ SEN (Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam)

TÓM TẮT:

Bài viết nêu một số điểm mới của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 21/6/2021 quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL), tập trung vào một số điểm mới nổi bật về quy định chung như giá dịch vụ sự nghiệp công, lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước và phân loại mức tự chủ tài chính của ĐVSNCL. Điểm mới trong quy định cụ thể về tự chủ tài chính đối với 4 nhóm đơn vị sự nghiệp công, tự chủ trong hoạt động liên doanh, liên kết và về giao quyền tự chủ tài chính cho ĐVSNCL.

Từ khóa: tự chủ tài chính, cơ chế tự chủ tài chính, đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP.

1. Đặt vấn đề

Cơ chế tự chủ tài chính đối với các ĐVSNCL được hiểu là cơ chế, theo đó các ĐVSNCL được trao quyền tự quyết định, tự chịu trách nhiệm về các khoản thu, khoản chi của đơn vị, nhưng không vượt quá mức khung do Nhà nước quy định. Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với ĐVSNCL bước đầu được thực hiện theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ và Thông tư số 71/2006/TT-BTC ngày 9/8/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định trên.

Ngày 14/2/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của ĐVSNCL. Nghị định này đã thể hiện rõ mục tiêu đổi mới toàn diện các ĐVSNCL, được đánh giá là bước đột phá mới trên lộ trình cơ cấu lại các ĐVSNCL, đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị đồng bộ cả về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính. Sau thời gian áp dụng Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, ngoài những kết quả tích cực đạt được là các ĐVSNCL đã từng bước thực hiện lộ trình tự chủ tài chính theo 4 mức độ thì trong quá trình thực hiện đã bộc lộ một số điểm còn hạn chế và cần có những quy định mới phù hợp hơn với tình hình thực tiễn.

Nghị định số 60/2021/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 21/06/2021 gồm có 5 chương, 41 điều quy định cơ chế tự chủ tài chính của ĐVSNCL và có hiệu lực từ ngày 15/8/2021. Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ra đời được kỳ vọng sẽ mang lại những thay đổi tích cực trong đổi mới cơ chế tự chủ tài chính của ĐVSNCL trong thời gian tới. Vì vậy, nghiên cứu những điểm mới của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP so với các Nghị định trước đây có ý nghĩa lý luận và thực tiễn đối với các ĐVSNCL trong giai đoạn hiện nay.

2. Phương pháp nghiên cứu

Bài viết sử dụng phương pháp kế thừa, so sánh và tổng hợp từ các tài liệu có sẵn như Nghị định số 60/2021/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 21/06/2021 quy định cơ chế tự chủ tài chính của ĐVSNCL, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 quy định cơ chế tự chủ của ĐVSNCL và tham khảo một số thông tin liên quan.

3. Một số điểm mới của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP

3.1. Giá dịch vụ sự nghiệp công

Theo Điểm 5: Chi phí tiền lương trong giá dịch vụ sự nghiệp công tính theo mức lương cơ sở, hệ số tiền lương ngạch, bậc, chức vụ, các khoản đóng góp theo tiền lương và các khoản phụ cấp lương theo chế độ quy định đối với ĐVSNCL hoặc tính theo mức lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ và các khoản đóng góp theo tiền lương theo quy định của Nhà nước.

3.2. Lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước

Theo Điều 5, lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công có thay đổi, cụ thể:

Đến hết năm 2021, cơ bản hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công: tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định, chi phí khác theo quy định của pháp luật về giá. Trường hợp do khó khăn khách quan cần xây dựng lộ trình khác, các bộ, cơ quan trung ương, ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính.

Riêng đối với giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập; giá dịch vụ giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp tại cơ sở giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp công lập: Trường hợp không thực hiện được lộ trình theo quy định phải báo cáo các bộ và trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

3.3. Phân loại mức tự chủ tài chính của ĐVSNCL

Phân loại mức độ tự chủ tài chính của 4 nhóm đơn vị công, căn cứ phương án xác định mức tự đảm bảo chi thường xuyên (TX) quy định, chia các nhóm như sau:

- ĐVSNCL tự bảo đảm chi TX và chi đầu tư (đơn vị nhóm 1); 

- ĐVSNCL tự bảo đảm chi TX (đơn vị nhóm 2);

- ĐVSNCL tự bảo đảm một phần chi TX (đơn vị nhóm 3);

- ĐVSNCL do Nhà nước bảo đảm chi TX (đơn vị nhóm 4).

Căn cứ và điều kiện cụ thể phân loại các nhóm được quy định tại Điều 9.

3.4. Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước

Ban hành kèm theo Nghị định này là Phụ lục I quy định khung danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước. Theo đó, khung danh mục quy định cụ thể các dịch vụ thuộc các lĩnh vực: sự nghiệp giáo dục đào tạo; sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp; sự nghiệp y tế - dân số; sự nghiệp thông tin và truyền thông; sự nghiệp văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch; sự nghiệp khoa học và công nghệ; sự nghiệp bảo vệ môi trường và các dịch vụ thuộc các hoạt động kinh tế, sự nghiệp khác.

3.5. Nguồn tài chính của ĐVSNCL

Quy định cụ thể nguồn tài chính của ĐVSNCL, tách rõ nguồn thu hoạt động sự nghiệp công theo Khoản 2 Điều 11, gồm:

Thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công; Thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; hoạt động liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ĐVSNCL; Thu từ cho thuê tài sản công: Đơn vị thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án cho thuê tài sản công.

3.6. Quy định về tự chủ tài chính đối với ĐVSNCL tự bảo đảm chi TX và chi đầu tư và ĐVSNCL tự bảo đảm chi TX

- Chi TX giao tự chủ được quy định tại Điều 12:

Chi TX giao tự chủ về chi tiền lương và các khoản đóng góp theo tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Quy định thêm nội dung: Chi thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Căn cứ yêu cầu thực tế, mức giá thực tế trên thị trường, khả năng tài chính, đơn vị được quyết định mức chi cụ thể tương xứng với nhiệm vụ được giao và phải quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị. Chi hoạt động chuyên môn, chi quản lý. Chi thực hiện công việc, dịch vụ thu phí theo quy định của pháp luật phí, lệ phí; chi thực hiện các hoạt động dịch vụ. Trích lập các khoản dự phòng theo quy định đối với doanh nghiệp, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định thành lập các quỹ đặc thù để xử lý rủi ro (nếu có). Chi trả lãi tiền vay theo quy định của pháp luật (nếu có). Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật (nếu có).

- Chi TX không giao tự chủ và chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ áp dụng theo quy định tại Điều 13:

+ Chi TX không giao tự chủ bao gồm: Chi thực hiện các nhiệm vụ được Nhà nước giao từ kinh phí chi TX thực hiện các nhiệm vụ Nhà nước giao (nếu có); Chi mua sắm tài sản, sửa chữa lớn phục vụ công tác thu phí từ nguồn thu phí được để lại (phần được để lại chi mua sắm, sửa chữa lớn tài sản, máy móc, thiết bị phục vụ công tác thu phí); Chi từ nguồn vay nợ, viện trợ, tài trợ theo quy định của pháp luật.

+ Chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ: Trường hợp ĐVSNCL được cơ quan có thẩm quyền tuyển chọn hoặc giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, đơn vị thực hiện quản lý và sử dụng kinh phí theo quy định của pháp luật về khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước.

+ ĐVSNCL phải thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về chế độ công tác phí nước ngoài, chế độ tiếp khách nước ngoài và hội thảo quốc tế ở Việt Nam.

- Phân phối kết quả tài chính trong năm được quy định tại Điều 14:

Điều chỉnh tỷ lệ trích lập Quỹ bổ sung thu nhập của đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi TX tối đa không quá 2 lần quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ, các khoản đóng góp theo tiền lương và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định. Tiến tới sẽ không trích lập Quỹ bổ sung thu nhập khi chế độ tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW có hiệu lực.

3.7. Quy định về tự chủ tài chính đối với ĐVSNCL tự bảo đảm một phần chi TX

- Chi TX giao tự chủ được quy định tại điều 16:

+ Bổ sung quy định được tự chủ chi tiền thưởng;

+ Bổ sung quy định tự chủ thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị

+ Nêu rõ căn cứ chi hoạt động chuyên môn, chi quản lý đối với: Đơn vị tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi TX; Đơn vị tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi TX; đơn vị tự bảo đảm từ 10% đến dưới 30% chi TX.

+ Bổ sung thêm nội dung: Chi phục vụ cho việc thực hiện công việc, dịch vụ thu phí theo quy định của pháp luật phí, lệ phí; chi cho các hoạt động dịch vụ; Trích lập các khoản dự phòng đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh, liên doanh liên kết và dịch vụ khác theo quy định đối với doanh nghiệp, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định thành lập các quỹ đặc thù để xử lý rủi ro (nếu có) và Chi trả lãi tiền vay (nếu có).

- Chi TX không giao tự chủ và chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo quy định tại Điều 17:

Căn cứ nguồn tài chính: Kinh phí chi TX thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ khi được cơ quan có thẩm quyền tuyển chọn hoặc giao trực tiếp theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ; Vốn đầu tư phát triển của dự án đầu tư xây dựng cơ bản được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật đầu tư công. Nguồn thu phí được để lại ĐVSNCL để chi theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí. Nguồn vốn vay của đơn vị; nguồn viện trợ, tài trợ theo quy định của pháp luật.

Đơn vị chi TX không giao tự chủ và chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ với các nội dung chi tương tự như đơn vị nhóm 1 và nhóm 2.

- Phân phối kết quả tài chính trong năm được quy định tại Điều 18:

+ Quy định cụ thể về tỷ lệ trích lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp:

Đơn vị tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi TX trích lập tối thiểu 20%; Đơn vị tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi TX trích lập tối thiểu 15%; Đơn vị tự bảo đảm từ 10% đến dưới 30% chi TX trích lập tối thiểu 10%.

+ Bổ sung thêm quy định về trích lập Quỹ bổ sung thu nhập và chi thu nhập tăng thêm kể từ thời điểm chế độ tiền lương do Chính phủ quy định theo Nghị quyết số 27-NQ/TW có hiệu lực thi hành, cụ thể: Đơn vị tự bảo đảm 70% đến dưới 100% chi TX được chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của viên chức, người lao động của đơn vị; Đơn vị tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi TX được chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,5 lần quỹ lương cơ bản của viên chức, người lao động của đơn vị; Đơn vị tự bảo đảm từ 10% đến dưới 30% chi TX được chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,3 lần quỹ lương cơ bản của viên chức, người lao động của đơn vị.

- Trích lập Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi. Mức trích tổng 2 quỹ như sau: Đơn vị tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi TX trích lập tối đa không quá 2,5 tháng tiền lương, tiền công thực hiện trong năm của đơn vị; Đơn vị tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi TX trích lập tối đa không quá 2 tháng tiền lương, tiền công thực hiện trong năm của đơn vị; Đơn vị tự bảo đảm từ 10% đến dưới 30% chi TX trích lập tối đa không quá 1,5 tháng tiền lương, tiền công thực hiện trong năm của đơn vị.

- Trích lập Quỹ khác theo quy định của pháp luật.

3.8. Quy định về tự chủ tài chính đối với ĐVSNCL do ngân sách nhà nước bảo đảm chi TX

- Chi TX giao tự chủ được quy định tại Điều 20:

+ Bỏ quy định được tự chủ chi hoạt động chuyên môn, chi quản lý

+ Bổ sung chi tiền thưởng: Thực hiện theo chế độ tiền lương do Chính phủ quy định theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.

+ Bổ sung chi thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Mức chi cụ thể thực hiện theo quy định chung về tiền lương, tiền công của Nhà nước.

+ Bổ sung được tự chủ chi các khoản chi khác theo quy định của pháp luật (nếu có).

- Chi TX không giao tự chủ và chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ được quy định tại Điều 21:

+ Kinh phí chi TX thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được cơ quan có thẩm quyền tuyển chọn hoặc giao trực tiếp theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ;

+ Kinh phí chi TX thực hiện các nhiệm vụ Nhà nước giao kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; kinh phí vốn đối ứng thực hiện các dự án có nguồn vốn nước ngoài theo quyết định của cấp có thẩm quyền; kinh phí thực hiện nhiệm vụ được cơ quan có thẩm quyền giao; kinh phí được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao cho ĐVSNCL để thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong trường hợp chưa có định mức kinh tế - kỹ thuật và đơn giá để đặt hàng; kinh phí thực hiện tinh giản biên chế; kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, viên chức theo đề án được duyệt;

+ Nguồn viện trợ, tài trợ theo quy định của pháp luật.

- Phân phối kết quả tài chính trong năm được quy định tại Điều 22:

+ Bổ sung thu nhập cho viên chức, người lao động: Đơn vị chi thu nhập bình quân tăng thêm cho viên chức, người lao động tối đa không quá 0,3 lần quỹ tiền lương cơ bản của viên chức, người lao động của đơn vị theo nguyên tắc phải gắn với hiệu quả, kết quả công việc của từng người;

+ Không quy định tỷ lệ trích lập mà chỉ quy định nội dung chi khen thưởng và phúc lợi: Chi khen thưởng định kỳ hoặc đột xuất cho tập thể, cá nhân trong và ngoài đơn vị theo kết quả công tác và thành tích đóng góp; chi cho các hoạt động phúc lợi tập thể của viên chức, người lao động; trợ cấp khó khăn đột xuất cho viên chức, người lao động, kể cả đối với những trường hợp nghỉ hưu, nghỉ mất sức; chi thêm cho người lao động trong biên chế khi thực hiện tinh giản biên chế.

3.9. Tự chủ trong hoạt động liên doanh, liên kết

Theo quy định tại Điều 25:

- ĐVSNCL được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để hoạt động dịch vụ đáp ứng nhu cầu của xã hội. Việc sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết phải bảo đảm các yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

- ĐVSNCL xây dựng đề án liên doanh, liên kết trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương (đối với đơn vị thuộc trung ương quản lý) phê duyệt.

- Nghị định này không quy định việc sử dụng thương hiệu, giấy phép, bản quyền tác phẩm để liên doanh, liên kết theo hình thức thành lập pháp nhân mới.

- Việc phân chia kết quả của hoạt động liên doanh, liên kết thực hiện theo thỏa thuận trong Hợp đồng liên doanh, liên kết, cụ thể: Đối với hình thức liên doanh, liên kết không thành lập pháp nhân mới và hình thức liên doanh, liên kết thành lập pháp nhân mới.

- Trường hợp sử dụng thương hiệu, giấy phép, bản quyền tác phẩm để liên doanh, liên kết và các trường hợp đặc thù khác, đơn vị thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; pháp luật về sở hữu trí tuệ và pháp luật có liên quan.

- Trường hợp thực hiện vay vốn, huy động vốn liên doanh, liên kết đầu tư theo phương thức đối tác công tư thì thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

3.10. Lộ trình giao quyền tự chủ tài chính cho ĐVSNCL

Theo quy định tại Điều 35, ĐVSNCL xây dựng phương án tự chủ tài chính theo từng giai đoạn:

- ĐVSNCL xây dựng phương án tự chủ tài chính trong giai đoạn ổn định 05 năm, phù hợp với giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội do Chính phủ quy định; dự toán thu, chi năm đầu thời kỳ ổn định và đề xuất phân loại mức độ tự chủ tài chính của đơn vị, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên. Nội dung của phương án tự chủ tài chính cần xác định rõ mức độ tự chủ tài chính theo 04 nhóm đơn vị quy định tại Nghị định này.

- Sau mỗi thời kỳ ổn định 5 năm, các bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm rà soát, nâng mức độ tự chủ tài chính của các đơn vị nhóm 3 (trừ ĐVSNCL cung cấp dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu, không có nguồn thu sự nghiệp) theo lộ trình theo quy định cụ thể tại Điều này.

4. Kết luận

Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực trong tiến trình thực hiện giao quyền tự chủ nói chung và giao quyền tự chủ tài chính nói riêng cho các ĐVSNCL, nhưng tự chủ tài chính của các ĐVSNCL hiện tại còn diễn ra chậm, chưa có bước đột phá, dẫn đến số lượng đơn vị thực hiện còn thấp. Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ra đời với những quy định mới nổi bật làm căn cứ cho các ĐVSNCL tháo gỡ những khó khăn đang gặp phải, tạo đà phát triển và tạo động lực khuyến khích ĐVSNCL khai thác nguồn thu, nâng cao mức độ tự chủ tài chính và kỳ vọng sẽ mang lại những thay đổi tích cực trong đổi mới cơ chế tự chủ tài chính của ĐVSNCL trong thời gian tới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chính phủ (2021). Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
  2. Chính phủ (2015). Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị nghiệp công lập.
  3. Chính phủ (2006). Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
  4. Văn phòng Sở Nội vụ tỉnh Nam Định (2021). Quy định mới “gỡ bí” cho việc tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Truy cập từ https://sonoivu.namdinh.gov.vn/to-chuc-bo-may/quy-dinh-moi-go-bi-cho-viec-tu-chu-tai-chinh-cua-don-vi-su-nghiep-cong-lap-1822

SOME NEW POINTS ABOUT THE DECREE NO.60/2021/ND-CP

ON FINANCIAL AUTONOMY MECHANISM

FOR PUBLIC ADMINISTRATIVE UNITS

• Master. BUI THI SEN

Vietnam National University of Forestry

ABSTRACT:

This paper outlines some new points about the Decree No.60/2021/ND-CP issued by the Government on June 21st 2021 on financial autonomy mechanism for public administrative units. This paper focuses on several new points of this Decree including the fees of public administrative services, the roadmap for calculating public administrative services provided by units which are funded by the State budget, the list of public administrative services which are funded by the State budget, and the classification of financial autonomy levels for public administrative units. This paper also presents new points of specific regulations on the financial autonomy for four groups of public units, regulations on the financial autonomy for units with the financial autonomy in their joint venture and associated activities, and regulations on applying the financial autonomy mechanism for public administrative units.

Keywords: financial autonomy, financial autonomy mechanism, public administrative units, Decree No. 60/2021/ND-CP.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 25, tháng 11 năm 2021]