Một số giải pháp chính sách phát triển doanh nghiệp Việt Nam

TS. TRẦN THỊ HÀ - THS. NGUYỄN THANH NHÃ (Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới)

TÓM TẮT:

Chính sách phát triển doanh nghiệp luôn gắn liền và là một bộ phận thiết yếu trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước. Việc ban hành và sử dụng những cơ chế, chính sách hợp lý, ổn định và thiết thực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững và thích ứng với yêu cầu của bối cảnh mới là nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ. Bài viết này tập trungphân tíchchính sách phát triển doanh nghiệp Việt Nam trong 2 lĩnh vực: tài chính và khoa học - công nghệ; trên cơ sở nhận diện những hạn chế, bất cập, từ đó đề xuất một số giải pháp chính sách cần sớm được thực hiện trong thời gian tới.

Từ khóa: chính sách phát triển doanh nghiệp, tài chính, khoa học và công nghệ.

1. Đặt vấn đề

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện khung pháp lý nhằm tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển, giúp các doanh nghiệp từng bước tháo gỡ những khó khăn về vốn, có thêm nguồn lực đầu tư, mở rộng sản xuất - kinh doanh, cải thiện năng lực khoa học và công nghệ, cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực,... Tuy nhiên, một số chính sách còn thiếu quy định áp dụng cụ thể; một số ưu đãi còn nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện, chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, việc thực hiện còn rời rạc và dàn trải,... Vì vậy, cần tìm hiểu và phân tích thấu đáo để nhận diện rõ những bất cập còn tồn tại trong chính sách phát triển doanh nghiệp Việt Nam, từ đó đề xuất một số giải pháp chính sách cho thời gian tới. Trong phạm vi bài viết này tập trung phân tích 2 chính sách cơ bản, đó là: Chính sách tài chính hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV); Chính sách khoa học và công nghệ (KH&CN) hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN và doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST).

2. Một số chính sách phát triển doanh nghiệp Việt Nam hiện nay

2.1. Chính sách tài chính

Việc hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tài chính, tín dụng và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam, trong đó ưu tiên các giải pháp tài chính hỗ trợ DNNVV - bộ phận chủ đạo của kinh tế tư nhân và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. -. DNNVV hiện chiếm tỷ trọng 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, đóng góp tới 45% vào GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu lao động. Luật Hỗ trợ DNNVV (năm 2017) và Nghị định số 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV (thay thế Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009) đề cập tới các hình thức hỗ trợ tài chính chủ yếu, như: thuế, phí, lệ phí, tín dụng, chi ngân sách hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp, trợ giá, bù giá, quỹ bảo lãnh tín dụng,… Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 81/2020/NĐ-CP ngày 9/7/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP, được đánh giá là tạo bước đột phá trong việc huy động vốn cho DNNVV thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp.  

Đáng chú ý, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay, Chính phủ đã đưa ra một số giải pháp kịp thời nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, như: Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp và hộ kinh doanh; Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 sửa đổi Nghị định số 125/2017/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, trong đó đã giảm thuế 24 nhóm mặt hàng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển các ngành nông nghiệp, cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ô tô; Nghị quyết số 116/2020/QH14 ngày 19/6/2020 giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu không quá 200 tỷ đồng. Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cần có chính sách hỗ trợ của Nhà nước để giúp doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, Bộ Tài chính đã ban hành một số chính sách điều chỉnh giảm mức thu phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Gần nhất, ngày 24/6/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 47/2021/TT-BTC quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí, có hiệu lực từ ngày 01/7/2021 đến ngày 31/12/2021, trong đó có nhiều mức giảm cao, như: giảm 70% lệ phí đăng ký doanh nghiệp; giảm 67% phí công bố thông tin doanh nghiệp; giảm 50% mức thu phí cấp giấy phép hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD);… Hiện nay, các DNNVV Việt Nam tiếp cận vốn tín dụng chủ yếu thông qua 3 nguồn chính, đó là: (i) Quỹ Bảo lãnh tín dụng (BLTD) cho DNNVV; (ii) Quỹ Phát triển DNNVV; (iii) Tín dụng ngân hàng.

- Về Quỹ BLTD cho DNNVV

Tính đến ngày 31/12/2019, cả nước đã có 28 tỉnh, thành phố thành lập Quỹ BLTD cho DNNVV theo mô hình hoạt động độc lập, hoặc ủy thác cho Quỹ Tài chính nhà nước tại địa phương, với tổng nguồn vốn là 1.450,6 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp (Trần Thị Xuân Anh, Trần Thị Thu Hương, 2020).

Tuy nhiên, các Quỹ BLTD chưa thực sự phát huy được vai trò cầu nối do những khó khăn, vướng mắc sau, như: (i) Quy mô của Quỹ còn nhỏ do nhiều địa phương chưa cân đối được ngân sách, khó khăn lớn nhất là huy động nguồn vốn bổ sung để tăng vốn điều lệ lên 100 tỷ đồng theo quy định (quy định trước đây là 30 tỷ đồng); (ii) Nguồn vốn dự phòng được cấp giảm đi nhanh chóng do các quy định thiếu chi tiết, chưa điều chỉnh đầy đủ các trường hợp nảy sinh trong thực tế; (iii) Tổ chức bộ máy và năng lực điều hành của Quỹ còn hạn chế; (iv) Quy trình thẩm định hồ sơ, giám sát, thu hồi các khoản nhận nợ bắt buộc chưa hoàn thiện; (v) Một số DNNVV chưa đủ điều kiện để được cấp bảo lãnh, hạn chế về tài chính, kế toán, quản trị rủi ro,…; (vi) Sự phối hợp giữa Quỹ và NHTM chưa chặt chẽ; (vii) Bảo lãnh của Quỹ BLTD là bảo lãnh có điều kiện, Quỹ được quyền từ chối nghĩa vụ bảo lãnh, nên có nhiều trường hợp Quỹ từ chối thực hiện nghĩa vụ và xảy ra tranh chấp với TCTD cho vay.

- Về Quỹ phát triển DNNVV

Ngày 10/5/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 39/2019/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển DNNVV thay thế cho Quyết định số 601/QĐ-TTg ngày 17/4/2013 về thành lập Quỹ này. Nghị định được đánh giá tăng cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp so với Quyết định số 601/QĐ-TTg; bởi đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận; lãi suất cho vay trực tiếp bằng 80% mức thấp nhất lãi suất cho vay thương mại - đây là mức lãi suất ưu đãi hơn so với Quyết định số 601/QĐ-TTg. Hơn thế, mức cho vay đối với mỗi dự án, phương án sản xuất - kinh doanh tối đa không quá 80% tổng mức vốn đầu tư của từng dự án, phương án. Tổng mức cho vay của quỹ đối với một doanh nghiệp không vượt quá 15% vốn điều lệ thực có của quỹ. Những điều kiện cởi mở này tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với quỹ được tốt hơn.

Tuy nhiên, Quỹ Phát triển DNNVV chưa thể hiện được vai trò quyết định trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, do gặp phải những vấn đề sau: (i) Nguồn vốn của Quỹ thường ít hơn so với nhu cầu của doanh nghiệp; (ii) Theo quy định về cho vay gián tiếp của Quỹ, doanh nghiệp vẫn phải tiếp cận vốn theo cơ chế cho vay thương mại thông thường của tổ chức tín dụng (TCTD), nhưng thủ tục phức tạp hơn và thời gian xem xét cho vay lâu hơn so với việc vay trực tiếp từ TCTD. Do đó, dư nợ ủy thác cho vay qua TCTD đến hết tháng 4/2020 chỉ đạt 47,2 tỷ đồng (Ngô Trí Trung, 2020); (iii) Bản thân Quỹ chưa muốn triển khai hoạt động cho vay trực tiếp vì e ngại rủi ro khi cơ sở pháp lý chưa hoàn thiện.

 - Về chính sách hỗ trợ của ngành Ngân hàng

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngành Ngân hàng đã có nhiều giải pháp, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho DNNVV trong tiếp cận vốn tín dụng. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư số 45/2018/TT-NHNN ngày 28/12/2018 hướng dẫn các TCTD cho vay có bảo lãnh của Quỹ BLTD, tạo điều kiện cho DNNVV tiếp cận vay vốn. Hình thức cấp tín dụng của các TCTD ngày càng đa dạng, thủ tục hành chính được rút gọn hơn và quan trọng là các chương trình ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao giá trị gia tăng đã được các TCTD đẩy mạnh. Để ứng phó với đại dịch Covid-19, NHNN đã kịp thời ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn do dịch bệnh gây ra.

Tuy nhiên, theo khảo sát năm 2019 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có đến 70% số DNNVV chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, trong đó gần 1/3 không thể tiếp cận với nguồn vốn của ngân hàng (Nguyễn Viết Lợi, 2020). Nguyên nhân do, DNNVV thường có khả năng tài chính hạn chế, tính minh bạch của thông tin chưa cao, các phương án sản xuất - kinh doanh chưa hiệu quả và cũng không có đủ tài sản thế chấp để đáp ứng điều kiện cho vay. Trong khi đó, Ngân hàng có vai trò dẫn vốn cho nền kinh tế, nên việc cần phải đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng là yêu cầu đặc biệt quan trọng để kinh tế phát triển bền vững, hài hòa lợi ích từ 2 phía “khách hàng vay” và “người gửi tiền”. Do đó, Ngân hàng cũng không thể hạ thấp tiêu chuẩn cho vay để đảm bảo tín dụng ngân hàng thực chất và hiệu quả. Như vậy, đây cũng là một hạn chế trong thực thi chính sách tài chính cho phát triển doanh nghiệp.

2.2. Chính sách khoa học và công nghệ

Nhận thức rõ về vai trò trung tâm của doanh nghiệp trong hệ thống sáng tạo quốc gia, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN và ĐMST.

Rất nhiều chương trình, chiến lược phát triển KH&CN và các quỹ đã được đề ra, như: Chiến lược phát triển KH&CN, Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia, Chương trình Quốc gia phát triển công nghệ cao, Chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia, Chương trình Phát triển thị trường KH&CN, Quỹ Phát triển KHCN quốc gia (NAFOSTED), Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF).

Đặc biệt, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST) của Việt Nam cũng từng bước được hoàn thiện. Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 đã góp phần làm cho doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST dần trở thành lực lượng tiên phong, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, với những thành công sau 5 năm thực hiện, cụ thể: (i) Hoàn thiện cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý cho khởi nghiệp ĐMST; (ii) Nâng cao năng lực cho các chủ thể của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST; (iii) Hỗ trợ các chương trình ươm tạo, thúc đẩy kinh doanh và cung cấp dịch vụ, phát triển cơ sở vật chất, kỹ thuật cho khởi nghiệp ĐMST; (iv) Hình thành mạng lưới và kết nối quốc tế cho khởi nghiệp ĐMST; (v) Tổ chức Ngày hội khởi nghiệp ĐMST quốc gia (Techfest Vietnam); (vi) Xây dựng Cổng thông tin khởi nghiệp ĐMST quốc gia; (vii) Truyền thông thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp ĐMST. Đến năm 2025, Đề án dự kiến hỗ trợ phát triển 2.000 dự án khởi nghiệp ĐMST; 600 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST; 100 doanh nghiệp tham gia Đề án gọi được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng (Văn phòng Đề án 844. http://dean844.most.gov.vn/gioi-thieu.htm).

Mặc dù hành lang pháp lý cho việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển KH&CN tương đối đầy đủ, song vẫn còn một số hạn chế, bất cập như sau: 

Một là, ngân quỹ đầu tư cho KH&CN thấp.

Đến nay, các quỹ KHCN quốc gia chưa có khả năng tài chính độc lập, nguồn thu chủ yếu đến từ Ngân sách Nhà nước (NSNN). Các nguồn vốn huy động khác (tài trợ, hỗ trợ, lãi cho vay, chuyển giao kết quả nghiên cứu,...) chưa đáng kể. Tuy nhiên, qua thực tế các năm, NSNN đều không cấp đủ vốn điều lệ cho các Quỹ trên. Quỹ NAFOSTED thực tế hoạt động chỉ thông thoáng hơn các chương trình nghiên cứu cấp Nhà nước về quy trình, thẩm quyền phê duyệt, nhưng vẫn phụ thuộc vào nguồn NSNN và chỉ được bố trí tổng kinh phí hằng năm sau khi các kế hoạch tài chính theo chương trình tài trợ được phê duyệt. Cụ thể, hàng năm, NSNN chỉ cấp bổ sung vốn điều lệ là 300 tỷ đồng (đạt khoảng 60% vốn điều lệ), thực tế chưa năm nào cấp đủ 500 tỷ đồng như quy định tại Nghị định số 23/2014/NĐ-CP. Còn với Quỹ NATIF, đến năm 2014, NSNN mới bắt đầu cấp vốn điều lệ (4,1 tỷ đồng) để Văn phòng Quỹ đi vào hoạt động, số kinh phí này biến động hàng năm, đến nay mới đạt 804,1 tỷ đồng (Nguyễn Quang Thành, 2021). Quỹ NATIF hiện cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình giải ngân do thiếu hành lang pháp lý vận hành quỹ, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện dự án của doanh nghiệp.

Chính những hạn chế trong việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tài chính như trên dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu tiếp nhận công nghệ chuyển giao, phát triển mảng ứng dụng là chính, phụ thuộc nhiều vào thị trường công nghệ thế giới, thậm chí còn là nơi chứa những công nghệ lạc hậu, bị đào thải từ nước ngoài. Theo số liệu điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên 60% doanh nghiệp sử dụng công nghệ cũ có tuổi đời ngoài 6 năm, chỉ khoảng 5% trong số 700.000 doanh nghiệp có đầu tư và sử dụng công nghệ mới (Phạm Trung Hải, 2019).

Hai là, doanh nghiệp KH&CN còn gặp khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý.

Khi thành lập doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp phải xây dựng những dự án sản xuất, kinh doanh, đồng thời phải giải trình toàn bộ quá trình ươm tạo và làm chủ công nghệ, chứng minh các sản phẩm hàng hóa được hình thành từ kết quả KH&CN, nhưng nhiều doanh nghiệp không có đủ căn cứ pháp lý để chứng minh quyền sử dụng hoặc sở hữu hợp pháp các kết quả nghiên cứu KH&CN. Quy định tỷ lệ doanh thu tối thiểu 30% khi thương mại hóa kết quả KH&CN cũng làm hạn chế doanh nghiệp có tiềm năng trở thành doanh nghiệp KH&CN. Các kết quả KH&CN sử dụng vốn Nhà nước trong quy định về thủ tục giao quyền còn chưa rõ ràng và cụ thể, tốn nhiều thời gian và chi phí định giá. Các cơ chế, chính sách vẫn chưa thực sự thu hút doanh nghiệp, do còn thiếu các văn bản quy định hướng dẫn chi tiết, liên ngành, nên việc đưa các chính sách ưu đãi vào thực tiễn gặp khó khăn.Một số doanh nghiệp KH&CN khó hiện thực hóa kết quả nghiên cứu KH&CN do thiếu nguồn hỗ trợ tài chính để đầu tư cơ sở vật chất và quảng bá giới thiệu sản phẩm. Các cơ quan nhà nước cấp phép sản xuất lưu hành chậm, dẫn đến việc đấu thầu các dự án công của các doanh nghiệp KH&CN bị ảnh hưởng, vì thiếu các quy định về định mức. Một số chính sách vẫn chưa kịp thời tác động đến doanh nghiệp KH&CN, như: chính sách ưu tiên sử dụng các trang thiết bị phục vụ trong phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia; hưởng ưu đãi về giá cho thuê đất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế,…

Chính vì vậy, số lượng doanh nghiệp KH&CN trên cả nước hiện còn rất khiêm tốn so với mục tiêu và hầu hết đều hoạt động độc lập. Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 - 2020 đặt ra mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam sẽ có 5.000 doanh nghiệp KH&CN. Tuy nhiên, đến nay, số lượng đăng ký doanh nghiệp KH&CN mới chỉ đạt trên 500 doanh nghiệp (Dương Thanh Phong, 2020).

3. Đề xuất một số giải pháp trọng tâm

Trên cơ sở phân tích chính sách tài chính và chính sách KH&CN, bài viết đề xuất một số giải pháp trọng tâm để hoàn các chính sách này trong thời gian tới.

3.1. Về chính sách tài chính

Trên quan điểm tiếp tục ưu tiên các biện pháp phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19 để tạo sự ổn định trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp; Bộ Tài chính và các bộ ngành cần chú trọng công tác phân tích, dự báo tình hình kinh tế, chính trị, tài chính trên thế giới và trong nước để có những đề xuất, tham mưu chính sách tài chính kịp thời nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, cũng như tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Cụ thể, với các cơ chế hiện hành, phần lớn DNNVV không thuộc đối tượng được Chính phủ bảo lãnh theo quy định tại Luật Quản lý nợ công và các quy định pháp luật có liên quan. Để có thể áp dụng các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ tương tự như các nước đã triển khai, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể tại Luật Quản lý nợ công và các quy định pháp luật có liên quan, bổ sung DNNVV thuộc đối tượng bảo lãnh của Chính phủ.

3.2. Về khoa học và công nghệ

Thứ nhất, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST cần được phát triển bền vững, không chỉ là khẩu hiệu theo phong trào, mà cần có môi trường, tổ chức hoạt động bài bản, thường xuyên, để thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp.

Thứ hai, hiện đại hóa trung tâm thông tin, tư vấn hiện có của Nhà nước, có tiêu chuẩn cụ thể về kỹ thuật, cơ sở vật chất, chuyên môn trong thiết lập mới các trung tâm thông tin tư vấn. Các trung tâm này phải có đội ngũ chuyên gia giỏi, đủ khả năng tư vấn công nghệ, trả lời được các câu hỏi “Đầu tư cái gì? Mua thiết bị công nghệ ở đâu?”, đảm bảo nguồn tiêu thụ khi doanh nghiệp đổi mới công nghệ theo tư vấn của mình và hưởng phần trăm hoa hồng từ các dịch vụ đó.

Thứ ba, tăng cường hợp tác quốc tế về KH&CN, nhập khẩu công nghệ tiên tiến từ nước ngoài, nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm sản xuất trong nước. Để thực hiện có hiệu quả giải pháp này, cần có chính sách thông thoáng nhằm khuyến khích phát triển thị trường chuyển giao KH&CN giữa trong nước và nước ngoài.

4. Kết luận

Quá trình vận động, phát triển không ngừng của nền kinh tế thị trường luôn làm nảy sinh những vấn đề mới, khiến cho các giải pháp hỗ trợ có xu hướng lạc hậu, bất cập. Điều này đòi hỏi Chính phủ cần phải linh hoạt, kịp thời, thường xuyên nghiên cứu bổ sung, đổi mới, hoàn thiện các chính sách, pháp luật, công cụ quản lý kinh tế vĩ mô sao cho phù hợp với năng lực, trình độ phát triển của đất nước, cũng như lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Dương Thanh Phong (2020), Hoàn thiện chính sách phát triển doanh nghiệp KH&CN trong bối cảnh CMCN 4.0, https://www.quanlynhanuoc.vn/2020/10/20/hoan-thien-chinh-sach-phat-trien-doanh-nghiep-khoa-hoc-va-cong-nghe-trong-boi-canh-cach-mang-cong-nghiep-4-0/.
  2. ILO (2020), Đánh giá nhanh tác động của đại dịch Covid-19 tới doanh nghiệp và NLĐ trong một số ngành kinh tế chính: Ứng phó, điều chỉnh và khả năng phục hồi.
  3. Ngô Trí Trung (2020), Gỡ vướng tiếp cận vốn tín dụng cho DNNVV, https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/go-vuong-tiep-can-von-tin-dung-cho-doanh-nghiep-nho-va-vua-d17585.html.
  4. Nguyễn Chí Hải, Phạm Mỹ Duyên (2020), Phát triển thị trường KHCN - Khâu yếu của 4.0 tại Việt Nam, http://baochinhphu.vn/Utilities/PrintView.aspx?distributionid=387722.
  5. Nguyễn Quang Thành (2021), Cơ chế quản lý tài chính đối với các quỹ KH&CN cấp quốc gia, https://tapchitaichinh.vn/Chuyen-dong-tai-chinh/co-che-quan-ly-tai-chinh-doi-voi-cac-quy-khoa-hoc-va-cong-nghe-cap-quoc-gia-331499.html.
  6. Nguyễn Viết Lợi (2020), Chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, https://tapchitaichinh.vn/Chuyen-dong-tai-chinh/chinh-sach-tai-chinh-ho-tro-doanh-nghiep-phat-trien-326855.html.
  7. Phạm Trung Hải (2019), Một số vấn đề về đổi mới công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam, https://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/mot-so-van-de-ve-doi-moi-cong-nghe-cua-doanh-nghiep-viet-nam-310714.html.
  8. Trần Thị Xuân Anh, Trần Thị Thu Hương (2020), Chính sách tín dụng đối với huy động vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam, https://tapchitaichinh.vn/ngan-hang/chinh-sach-tin-dung-doi-voi-huy-dong-von-cho-doanh-nghiep-khoi-nghiep-tai-viet-nam-328452.html.
  9. Văn phòng Đề án 844. http://dean844.most.gov.vn/gioi-thieu.htm

      Some shortcomings in Vietnam’s policy system for supporting enterprise development

Ph.D Tran Thi Ha 1

Master. Nguyen Thanh Nha 1

1 Institute of World Economics and Politics

ABSTRACT:

The growth of businesses is vital to all economies in the world. Policies on development of enterprises always play an essential role in the socio-economic development policies of a country.  In current modern and highly competitive business environment, tthe promulgation and enforecement of reasonable, stable and practical mechanisms and policies to support businesses to grow sustainably and adapt to business environment changes are the paramount task of all governments. This paper analyzes the policy system for supporting enterprises in Vietnam in two fields, namely finance and science-technology. The paper points out shortcomings and inadequacies of current policies, thereby proposing some solutions that should be soon implemented in the coming time.

Keywords: business development policy, finance, science and technology, labor.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 23, tháng 10 năm 2021]