Một số giải pháp kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam về đánh thuế đối với thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng cổ phần

ThS. NGUYỄN THỊ TỐ NHƯ (Khoa Luật, Trường Đại học Lao động và Xã hội)

TÓM TẮT:

Qua các lần sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân, các quy định về thuế thu nhập cá nhân đối với giao dịch chuyển nhượng chứng khoán được điều chỉnh đã góp phần cụ thể hóa nội dung này. Quản lý nhà nước đã tăng cường tính thống nhất, tuy nhiên lĩnh vực pháp điển hóa quy định pháp luật đòi hỏi các nhà làm luật ban hành một văn bản hoàn chỉnh có tính pháp lý cao hơn trong tương lai. Do vậy, bài viết chỉ ra những bất cập về đánh thuế đối với thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng cổ phần, từ đó đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật tại Việt Nam về thu thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng cổ phần.

Từ khóa: thuế thu nhập cá nhân, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán.

1. Đặt vấn đề

Kể từ thời điểm được ban hành lần đầu tiên năm 2007, quy định về thuế thu nhập cá nhân từ giao dịch chuyển nhượng chứng khoán qua 2 lần sửa đổi, bổ sung Luật Thuế Thu nhập cá nhân vào các năm 2012 và 2014 đã có một số sự điều chỉnh (bao gồm cả sự điều chỉnh ở các văn bản hướng dẫn Luật). Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng đặt ra yêu cầu nâng cao hiệu quả trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân. Một trong những vấn đề gây nhiều tranh cãi đó là thuế suất đối với thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng vốn và thu nhập chịu thuế từ hoạt động chuyển nhượng chứng khoán. Riêng với thuế thu nhập cá nhân, mức thuế suất được áp dụng để tính thuế thu nhập liên quan tới các giao dịch từ hoạt động chuyển nhượng vốn (không bao gồm chuyển nhượng chứng khoán) là 20% tính trên phần lợi nhuận được xác định bằng chênh lệch giữa giá bán và giá mua cùng các chi phí có liên quan. Tuy nhiên, mức thuế suất được áp dụng đối với thu nhập chịu thuế từ giao dịch chuyển nhượng chứng khoán lại là 0,1% tính trên giá bán. Sự khác biệt trong phương thức tính thuế thu nhập cá nhân trên thu nhập chịu thuế từ 2 loại giao dịch này trở nên đáng chú ý hơn trong vấn đề áp dụng thuế suất thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập chịu thuế từ giao dịch chuyển nhượng cổ phần.

2. Bất cập trong áp dụng quy định của pháp luật về thuế suất đối với thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng cổ phần trong Luật Thuế thu nhập cá nhân

Qua việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân và ban hành hàng loạt văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan, vấn đề xác định thuế suất áp dụng với thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng cổ phần bộc lộ nhiều khó khăn và vướng mắc trong việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành quy định của pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trên thực tiễn.

Trong việc ban hành công văn, văn bản hướng dẫn dưới luật làm rõ quy định của pháp luật, hàng loạt văn bản được ban hành nhưng thiếu chặt chẽ và thống nhất, dẫn đến việc cơ quan có thẩm quyền lúng túng và chậm trễ trong việc giải đáp thắc mắc từ phía doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và người đại diện của họ về việc thực hiện nghĩa vụ thuế liên quan tới giao dịch chuyển nhượng cổ phần.

Trước đây, Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế năm 2012 quy định đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng được lựa chọn 2 phương thức tính thuế1 như sau:

- Phương pháp 1: Thuế chuyển nhượng chứng khoán được xác định bằng 20% của tổng giá bán trừ đi tổng giá mua, trừ đi tất cả chi phí hợp lý liên quan đến quá trình đầu tư vốn;

- Phương pháp 2: Thuế được xác định trên giá bán chứng khoán cá nhân với thuế suất 0,1% sau mỗi giao dịch bán và thu ngay tại thời điểm phát sinh thu nhập2. Trường hợp cá nhân áp dụng kỳ tính thuế theo năm thì phải đăng ký từ đầu năm với cơ quan thuế.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, 99% nhà đầu tư chọn cách tính thuế 0,1% trên tổng giá trị chứng khoán bán ra, bởi cách tính thuế 20% trên lợi nhuận gây nhiều khó khăn cho nhà đầu tư, chẳng hạn như khó khăn trong việc xác định giá mua, khó khăn trong việc tự quyết toán với cơ quan thuế, chênh lệch tỷ giá, chi phí thuê tư vấn3.

Chính vì vậy, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế 2014 đã quy định rõ ràng mức thuế suất áp dụng đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn là 20%; và đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán 0,1%4 trên giá chuyển nhượng từng lần5. Như vậy, chỉ cho áp dụng một mức thuế suất duy nhất là 0,1% tương ứng với một cách xác định thu nhập tính thuế duy nhất đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, thay vì cho phép cá nhân lựa chọn giữa 0,1% hoặc 20% như trước đây.

Phù hợp với nội dung sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân vào năm 2014, Thông tư số 92/2015/TT - BTC hướng dẫn một cách xác định thu nhập tính thuế duy nhất là “giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần” với một mức thuế suất duy nhất được áp dụng là 0,1%6. Mức thuế suất duy nhất này áp dụng đối với cả 2 trường hợp chuyển nhượng chứng khoán trên sàn giao dịch tập trung của công ty đại chúng và chuyển nhượng chứng khoán của các công ty cổ phần chưa niêm yết.

Các văn bản hướng dẫn cho thấy quan điểm của cơ quan quản lý là xác định rõ ranh giới của 2 khái niệm chồng lấn là “chuyển nhượng phần vốn trong các tổ chức kinh tế” và “chuyển nhượng chứng khoán”. Sự phân biệt 2 trường hợp thuế thu nhập cá nhân thu từ chuyển nhượng vốn và chuyển nhượng chứng khoán trở nên rõ ràng hơn sau khi Quốc hội ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế 2014, nhất quán áp dụng một mức thuế suất duy nhất là 0,1% đối với thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng chứng khoán. Như vậy, phạm vi chuyển nhượng phần vốn tại các tổ chức kinh tế không bao gồm trường hợp chuyển nhượng phần vốn góp tại công ty cổ phần. Chuyển nhượng cổ phần được xác định là chuyển nhượng chứng khoán. Tuy nhiên, chỉ riêng cách ghi nhận như vậy cũng không giúp xác định trực tiếp, rõ ràng trường hợp chuyển nhượng cổ phiếu được áp dụng quy định nào. Trên thực tế, kể từ thời điểm Thông tư số 25/2018/TT-BTC được ban hành, tiếp tục có những cách hiểu không thống nhất, gây trở ngại cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp và các bên khi thực hiện giao dịch. 

Xuất phát từ thực tiễn đó, cơ quan thuế thường xuyên phải trả lời và giải đáp thắc mắc có liên quan đến việc lựa chọn thuế suất áp dụng đối với thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng cổ phần. Tuy nhiên, chính các công văn trả lời của cơ quan thuế, trong nhiều trường hợp, lại khiến cho vấn đề trở nên phức tạp hơn. Đơn cử tại công văn số 1909/TCT - TNCN ngày 02/06/2010 của Tổng cục Thuế trả lời Công ty cổ phần Chứng khoán quốc tế Việt Nam về việc vướng mắc chuyển nhượng vốn trong công ty cổ phần, có đoạn: “Căn cứ các quy định hướng dẫn nêu trên thì nguyên tắc để xác định như sau: nếu phần vốn góp thể hiện là chứng khoán thì nộp thuế theo trường hợp chuyển nhượng chứng khoán; trường hợp phần vốn góp chưa thể hiện là chứng khoán (tổ chức phát hành chưa phát hành chứng khoán) thì khi chuyển nhượng cá nhân chuyển nhượng thực hiện nộp thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp. Theo đó, việc chuyển nhượng vốn góp trong công ty cổ phần mà trường hợp công ty cổ phần chưa chia vốn Điều lệ thành các phần bằng nhau để xác định số vốn góp thành số lượng cổ phần thì áp dụng mức thuế suất 20% theo biểu thuế toàn phần. Trường hợp số vốn góp trong công ty cổ phần là chuyển nhượng chứng khoán nếu đã được xác định bằng số lượng cổ phần ghi trong sổ kế toán hoặc đã nhận cổ phiếu thì được xác định là chuyển nhượng chứng khoán áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập cá nhân là 20% đối với cá nhân chuyển nhượng chứng khoán đăng ký nộp thuế theo biểu toàn phần; hoặc áp dụng thuế suất 0,1% nếu cá nhân chuyển nhượng chứng khoán không đăng ký nộp thuế theo biểu thuế toàn phần với thuế suất là 20%. Cá nhân chuyển nhượng chứng khoán đã đăng ký nộp thuế theo thuế suất 20% vẫn phải tạm nộp thuế theo thuế suất 0,1 % trên giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần. Việc áp dụng thuế suất 20% đối với chuyển nhượng chứng khoán phải đáp ứng các yêu cầu tại tiết a, Điểm 2.2.2, Mục II, Phần B Thông tư số 84/2008/TT - BTC ngày 30/9/2008 của Bộ Tài chính nêu trên”.

Trong công văn nêu trên, cách giải thích pháp luật của cơ quan thuế liên quan đến vốn góp trong công ty cổ phần không phù hợp, ngay cả với Luật Doanh nghiệp 2005 và vào thời điểm Tổng cục Thuế trả lời Công ty cổ phần Chứng khoán quốc tế Việt Nam năm 2010. Những nội dung giải thích không chính xác và thiếu rõ ràng như vậy không chỉ gây ra khó khăn cho tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch, mà còn chỉ ra một thực tế là các quy định của pháp luật thuế nói riêng và hệ thống pháp luật liên quan đến doanh nghiệp nói chung chưa thống nhất và không dễ dàng áp dụng.

Ngoài ra, trong quá trình áp dụng luật, cơ quan thuế thường phải trả lời các câu hỏi lặp lại của các doanh nghiệp trong nhiều năm cùng về một vấn đề. Những trường hợp như vậy, thực tế giải quyết của cơ quan thuế (bao gồm Chi cục Thuế, Cục Thuế và Tổng cục Thuế) là chờ hướng dẫn của cơ quan quản lý cấp trên; hoặc ra công văn trả lời trực tiếp tới các tổ chức, cá nhân. Cả 2 phương thức trên đều có thể làm phát sinh trở ngại cho việc thực hiện nghĩa vụ thuế, cũng như giao dịch chuyển nhượng cổ phần. Thực tế cho thấy, thời gian chờ đợi trả lời chính thức có thể kéo dài trong nhiều tháng, gây tốn kém chi phí và ảnh hưởng lớn tới giao dịch.

Thực tế này gần đây đã được khắc phục khi Tổng cục Thuế có công văn số 1211/TCT - DNNCN ngày 04/04/2019 khẳng định:

“Như vậy, “Cổ phiếu” là hình thức thể hiện “cổ phần”, do đó, các cá nhân chuyển nhượng vốn trong công ty cổ phần theo quy định tại Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán được xác định là thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán.

Căn cứ pháp luật về thuế thu nhập cá nhân và các văn bản hướng dẫn thì cá nhân có thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán thực hiện khai, nộp thuế theo thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng theo hướng dẫn tại Điều 16 và Điều 21 Thông tư số 92/2015/TT-BTC.”

Việc công văn số 1211/TCT - DNNCN của Tổng cục Thuế được ban hành đã giúp các Cục thuế địa phương, cũng như các cá nhân, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí nhằm xác định chính sách áp dụng. Tuy nhiên, điều đó cũng không khắc phục được thực tế rằng công văn của Tổng cục Thuế không phải là một văn bản quy phạm pháp luật và chưa đảm bảo khả năng tiếp cận đối với xã hội như một văn bản quy phạm có thể đem lại.

3. Kiến nghị, đề xuất sửa đổi quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng cổ phần

Nhằm mục đích đưa các quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng cổ phần trở lại đúng với triết lý đánh thuế nguyên bản, phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần thúc đẩy giao dịch chứng khoán, tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển, nhóm tác giả đề xuất như sau:

Thứ nhất, nhằm hạn chế sai sót trong áp dụng quy định của pháp luật, Luật thuế Thu nhập cá nhân nên được bổ sung quy định về điều khoản ưu tiên áp dụng khi một giao dịch được điều chỉnh bởi 2 điều khoản khác nhau (Cụ thể là Điểm a và Điểm b Khoản 4 Điều 3 của Luật Thuế thu nhập cá nhân). Một điều khoản bổ sung như vậy được ghi nhận trong văn bản Luật vừa đảm bảo giá trị pháp lý cao của quy định, vừa tạo điều kiện thuận lợi khi các văn bản hướng dẫn được ban hành, tránh xuất hiện nhiều khái niệm phức tạp, đồng thời khiến cho các bên khó có thể hiểu theo cách khác mâu thuẫn với điều luật được quy định. Theo đề xuất của nhóm tác giả, điều khoản bổ sung đó có thể được quy định là:“Một khoản thu nhập sẽ không đồng thời được điều chỉnh bởi Điểm a và Điểm b Khoản 4 Điều 3 của Luật này. Nếu một khoản thu nhập được xác định là “Thu nhập từ chuyển nhượng vốn trong các tổ chức kinh tế”, đồng thời được xác định là “Thu nhập từ chuyển nhương chứng khoán”, thu nhập đó sẽ được xem là thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán”.

Thứ hai, về dài hạn, có thể nghiên cứu áp dụng tách riêng thuế áp trên thặng dư từ giao dịch chuyển nhượng chứng khoán thành 1 sắc thuế mới khỏi thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp với đối tượng điều chỉnh cụ thể là cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh hoạt động đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để tránh nhằm xung đột về bản chất 2 loại thuế này.

Thuế chuyển nhượng chứng khoán chỉ áp dụng đối với giao dịch chứng khoán được thực hiện với chủ thể kinh doanh đầu tư tài chính chuyên nghiệp, coi nguồn lợi nhuận từ hoạt động này là nguồn thu nhập chính.

Đối với nhà đầu tư không chuyên nghiệp, khoản lợi nhuận phát sinh từ giao dịch chuyển nhượng chứng khoán (đặc biệt là cổ phần) sẽ được tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân (mang bản chất là tiền lãi vốn). Đối tượng đã nộp thuế chuyển nhượng chứng khoán sẽ không phải chịu thuế thu nhập cá nhân trên thặng dư vốn từ chuyển nhượng chứng khoán theo Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Thứ ba, đối với việc thu thuế chuyển nhượng chứng khoán trên thị trường phi tập trung (OTC) không có cơ chế để xác định giá bán và lợi nhuận rõ ràng, có thể nghiên cứu áp dụng thu phí đăng ký giao dịch chuyển nhượng chứng khoán (thuế trước bạ) tương tự như đối với thuế thu nhập cá nhân thu trên giá trị giao dịch. Đối tượng đã nộp thuế đăng ký giao dịch chuyển nhượng chứng khoán sẽ không phải chịu thuế thu nhập cá nhân trên thặng dư vốn từ chuyển nhượng cổ phần theo Luật Thuế thu nhập cá nhân và thuế chuyển nhượng chứng khoán, cùng với mục đích như trên, nhằm tránh hiện tượng thuế đánh chồng thuế (double taxing theo nghĩa rộng).

Thứ tư, việc thay đổi chính sách Thuế thu nhập cá nhân liên quan đến chuyển nhượng phần vốn góp, trong trường hợp được thực hiện, cần được thay đổi đồng bộ với chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp. Nếu tồn tại một sự khác biệt về thuế suất và cách tính giữa 2 loại thuế thu nhập áp dụng đối với cùng giao dịch chuyển nhượng vốn, khả năng xuất hiện các giao dịch giả tạo nhằm để được hưởng mức thuế suất ưu đãi hơn là thực tế. Vì vậy, mức thuế suất và phương thức tính thuế trong giao dịch này nên là tương đồng giữa 2 loại thuế.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1Điểm c, Điều 7, Luật thuế Thu nhập cá nhân 2007; Khoản 3 Điều 1 Luật thuế Thu nhập cá nhân sửa đổi 2012

2Điều 13 và Điều 23 Luật thuế Thu nhập cá nhân 2007; Điều 16 và Điều 17 Nghị định số 100/2008/NĐ-CP

3ThS. Vũ Chi Mai. (2011). Sử dụng chính sách thuế để khuyến khích thị trường chứng khoán phát triển hiệu quả và lành mạnh. Truy cập tại https://tapchitaichinh.vn/kinh-te-vi-mo/su-dung-chinh-sach-thue-de-khuyen-khich-thi-truong-chung-khoan-phat-trien-hieu-qua-va-lanh-manh-83081.html

4Khoản 7, Điều 2, Luật thuế Thu nhập cá nhân sửa đổi năm 2014

5Khoản 5, Điều 2, Luật thuế Thu nhập cá nhân sửa đổi năm 2014

6Điểm a, Điều 16, Thông tư số 92/2015/TT-BTC

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Campbell, J.Y. and K.A.Froot. (1994). International Experience with securities transaction taxes. In The internationalization equity market (p.277 - 308). USA: University of Chicago Press.
  2. Umlauf, S.R. (1993). Transaction taxes and the behavior of the Swedish stock market. Journal Financial Economics, 33, 227-240.
  3. Keynes, J. M. (1936). General Theory of Employment, Interest Rates and Money. New York: Harcourt Brace & World.
  4. Kupiec, P. H. (1995). A Securities Transactions Tax and Capital Market Efficiency. Contemporary Economic Policy, 13, 101-112.
  5. Kupiec, P. H. (1996). Noise Traders, Excess Volatility, and a Securities Transactions Tax. Journal of Financial Services Research, 10(2), 115-129.
  6. Phylaktis K. and A.Aristidou. (2007). Security transaction taxes and financial volatility: Athens stock exchange. Applied Financial Economics, 17(18), 1455-1467.
  7. Nguyễn Thanh Huyền và Lê Thu Trang. (2014). Thuế chuyển nhượng chứng khoán - Kinh nghiệm quốc tế và lộ trình hoàn thiện ở Việt Nam. Truy cập tại https://tapchitaichinh.vn/kinh-te-vi-mo/thue-chuyen-nhuong-chung-khoan-kinh-nghiem-quoc-te-va-lo-trinh-hoan-thien-o-viet-nam-81306.html?

SOME RECOMMENDATIONS TO IMPROVE

THE EFFECTIVENESS OF VIETNAM’S PROVISIONS

ON PERSONAL INCOME TAX FOR SECURITIES TRANSFERS

• Master. NGUYEN THI TO NHU

Faculty of Law, University of Labour & Social Affairs

ABSTRACT:

Through the amendments to the Law on Personal Income Tax, the provisions on personal income tax for securities transfers have been adjusted, contributing to concretizing this content. Although the state management about this issue, the codification of legal regulations requires legislators to issue a complete document with higher legal status in the coming time. Hence, this paper points out the shortcomings of personal income tax for securities transfers, thereby making some recommendations to improve the effectiveness of Vietnam’s provisions on personal income tax for securities transfers.

Keywords: personal income tax, capital transfer, securities transfer.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 16, tháng 7 năm 2021]