Một số giải pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Liên minh châu Âu trong bối cảnh bình thường mới

TS. VŨ THÀNH TOÀN - NGUYỄN ANH TUẤN (Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội)

TÓM TẮT:

Bài viết phân tích thực trạng những thuận lợi và khó khăn của xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường Liên minh châu Âu, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, nhóm tác giả cũng đề xuất một số giải pháp cho ngành xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Liên minh châu Âu trong bối cảnh bình thường mới.

Từ khóa: xuất khẩu thủy sản, thực trạng, thị trường Liên minh châu Âu, Covid-19, bình thường mới.

1. Đặt vấn đề

Việt Nam may mắn khi được thiên nhiên ban tặng vị trí địa lý giáp với biển Đông. Chính vì vậy, chuỗi cung ứng cho mặt hàng thủy sản của nước ta luôn dồi dào và ổn định. Ngoài ra, nguồn lực thủy sản của nước ta có rất nhiều loài có giá trị cao như cá tra, cá ba sa, tôm biển, tôm hùm và các loài động vật biển quý hiếm.  Một số loại như bào ngư, đồi mồi, vây cá, ngọc trai,...còn được giới thượng lưu sử dụng nhiều . Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã mở ra một kỷ nguyên mới về xuất khẩu thủy sản của Việt Nam khi một số mặt hàng được hưởng ưu đãi giảm thuế còn 0% và thủy sản sẽ có những ảnh hưởng tích cực trong thị trường EU.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hoạt động xuất nhập khẩu đã liên tục bị gián đoạn và đứt gãy khi những quốc gia nhập khẩu chính đóng cửa, dẫn đến những hoạt động khác bị trì trệ. Tuy nhiên, nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam vẫn trên đà phát triển khi tổng sản lượng tăng 1,5%, đạt 4,56 triệu tấn trong năm 2020, trong đó sản lượng cá tra đạt 1,56 triệu tấn và kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 1,5 tỷ USD (Tổng cục Thủy sản, 2020). Ngày 26/4/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hội nghị nhằm đưa ra những giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu thủy sản trong bối cảnh bình thường mới. Như vậy, việc đưa ra những giải pháp giúp cho ngành mũi nhọn của nước ta phát triển hơn nữa là vô cùng cần thiết, mang tính cấp bách trong bối cảnh đại dịch và xu hướng toàn cầu hóa thế giới.

2. Khái quát chung về ngành Thủy sản xuất khẩu của Việt Nam

Việt Nam được xem là một quốc gia lý tưởng và tiềm năng cho nền công nghiệp thủy sản, bao gồm cả 2 lĩnh vực nuôi trồng và khai thác. Hệ thống chế biến thủy sản của Việt Nam vô cùng đa dạng, có được từ sự thuận lợi của thiên nhiên và vị trí địa lý. Quốc gia Việt Nam được chia ra làm 3 vùng miền khai thác thủy sản gồm miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Mỗi vùng miền đều sở hữu một thế mạnh khác nhau và riêng biệt cho từng loại thủy sản. Trong đó, khu vực phía Bắc chủ yếu khai thác thủy sản là những loài sống nước ngọt và nuôi lồng bè trên biển; miền Trung lại tập trung nuôi thâm canh và đánh bắt các loại tôm như tôm sú, tôm hùm và nuôi cá lồng bè.; khu vực miền Nam được coi là trung tâm của lĩnh vực thủy sản, cùng với những hoạt động nuôi trồng đa dạng như cá tra, cá lóc, cá rô, tôm càng xanh và nhiều loại hải sản khác. Các ngành nuôi trồng thủy sản chủ yếu của nước ta là cá tra và tôm. Theo nghiên cứu của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP),hoạt động nuôi trồng thủy sản này thường được tập trung tại đồng bằng sông Cửu Long chiếm 95% tổng sản lượng cá tra và 80% sản lượng tôm cả nước. Với khoảng thời gian từ năm 1995 đến năm 2020, sản lượng nuôi trồng thủy sản của Việt Nam đã tăng gấp 11 lần và tăng trưởng trung bình hàng năm từ 10%. Cùng với đó, theo thống kê, cả nước có 2.362 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ bao gồm 1.750 cơ sở sản xuất tôm sú và 612 cơ sở sản xuất tôm chân trắng. Ngoài ra, riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 120 cơ sở sản xuất giống cá tra bố mẹ và gần 4.000 ha ương dưỡng cá tra giống; sản xuất được khoảng 2 tỷ cá tra giống.

Đối với lĩnh vực khai thác và đánh bắt thủy sản, theo thống kê của VASEP, năm 2020, cả nước có 94.572 tàu cá. Trong đó, số lượng tàu cá dài từ 6 mét đến 12 mét là 45.950 tàu cá, 18.425 tàu dài 12 mét đến 15 mét, 27.575 tàu dài từ 15 mét đến 24 mét và 2.662 dài lớn hơn 24 mét). Ngoài ra, cả nước có 4.227 tổ đội hoạt động với 29.588 tàu cá, 179.601 lao động trên biển. Ngành Thủy sản của Việt Nam có cơ hội và nhận được những định hướng trong dài hạn, được Nhà nước quan tâm vì đây là một trong những ngành đem lại kinh tế cho đất nước. Bằng chứng là Quyết định số 1445/QĐ-TTg được ban hành vào ngày 16/8/2013 đã đề ra những quan điểm quy hoạch phát triển thủy sản phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cả nước và mục tiêu phát triển là ngành Thủy sản được công nghiệp hóa vào năm 2020, hiện đại hóa vào năm 2030 và tiếp tục được phát triển toàn diện, hiệu quả bền vững. Ngoài ra, với những số liệu của nuôi trồng thủy sản và khai thác ở trên, chuỗi cung ứng của thủy sản có thể cung cấp khối lượng lớn và đảm bảo an toàn về mặt chất lượng. Cùng với đó, công nghệ được dùng trong ngành Thủy sản này dần dần cũng sẽ được nâng cao theo và khi áp dụng những công nghệ hiện đại vào ngành có thể đa dạng hóa được sản phẩm thủy sản. Việt Nam cũng có một nguồn nhân lực cùng với tay nghề cao, nhiều kinh nghiệm và ổn định, song song với việc được tham gia ký kết những hiệp định tự do hóa thương mại như EVFTA, UKVFTA và những lợi thế về thuế xuất nhập khẩu sẽ giúp cho ngành Thủy sản được thúc đẩy xuất khẩu. Việt Nam đang trong quá trình tăng cường và phát triển, giúp cho ngành Thủy sản của nước nhà trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đặt nền móng cho lâu dài.

3. Thực trạng xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường Liên minh châu Âu

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2020 đạt 8,41 tỷ USD, giảm nhẹ 1,5% so với năm 2019 và trong năm 2020 đã thống kê được 5 thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam là: Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong đó, thị trường EU đứng thứ tư với kim ngạch đạt 1,09 tỷ USD, chiếm 12,9% và giảm 16%.

Theo Báo cáo Xuất nhập khẩu năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19 mang lại những ảnh hưởng tiêu cực cho toàn thế giới nên nhu cầu tiêu thụ thủy sản giảm, lượng xuất khẩu thủy sản trong năm 2020 cũng có sự giảm nhẹ so với năm 2019. Ngoài ra, Việt Nam đã có nhiều hình thức để công bố rộng rãi các ấn phẩm bằng tiếng Việt và tiếng Anh về chống khai thác thẻ vàng thủy sản (IUU) tới cộng đồng và doanh nghiệp, ngư dân, các cơ quan quản lý, các tổ chức, cũng như cá nhân liên quan trong và ngoài nước tích cực triển khai những giải pháp đồng bộ và cùng với sự nỗ lực nhằm thực hiện các khuyến nghị, quy định của Ủy ban châu Âu (EC) liên quan đến IUU. Tuy nhiên, việc thẻ vàng IUU vẫn còn tồn tại đã đem lại rất nhiều ảnh hưởng và hạn chế tác động trực tiếp đến xuất khẩu hải sản trong cả năm 2020.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong năm 2020, mặc dù đã có những ảnh hưởng tích cực từ việc Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 01/8/2020 thì xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU đạt 369.9 triệu USD, và tăng 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, xuất khẩu thủy sản vào thị trường EU vẫn gặp những khó khăn nhất định, do những tác động của đại dịch Covid-19. Tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đã sụt giảm về số lượng với tỷ lệ 8,8% và sụt giảm về giá trị với tỷ lệ 6,21% so với năm 2019, ước đạt 205.9 nghìn tấn, tương đương giá trị ước lượng 947.89 triệu USD. Với số liệu này, xuất khẩu thủy sản được cho rằng sẽ chiếm 10,18% về lượng và chiếm 11,29% giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. (Xem Bảng)

Bảng. Xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU thời gian trước và sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực

Mặt hàng

Tháng 8 - 11/2020 (Nghìn USD)

So với tháng 8 - 11/2019 (%)

7 tháng đầu năm 2020 (Nghìn USD)

So với 7 tháng 2019 (%)

11 tháng năm 2020 (Nghìn USD)

So với 11 tháng năm 2019 (%)

Thủy sản

369.986

8,7

500.164

-15,6

870.150

-6,4

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Ngoài ra, căn cứ vào Công văn số 67/CV-VASEP của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản gửi Bộ cCng Thương ngày 10/6/2021 về việc báo cáo sản xuất xuất khẩu thủy sản trong 5 tháng đầu năm 2021 cho thấy, sau khi giảm nhẹ 2 tháng đầu năm, XK thủy sản bắt đầu hồi phục rõ rệt từ tháng 3, do nhu cầu của các thị trường tăng mạnh. Mức tăng trưởng mạnh 17-24% trong 3 tháng qua đã góp phần đưa kim ngạch XK thuỷ sản 5 tháng đầu năm 2021 tăng 14%, đạt 3,27 tỷ USD, với giá trị đạt 806,2 nghìn tấn. Trong đó, xuất khẩu thủy sản tháng 5/2021 đạt 790,37 triệu USD. Nguyên nhân tăng mạnh trong tháng 5/2021 là do khả năng chống dịch Covid-19 ở 2 thời điểm khác nhau. Nếu tháng 5/2020, cả thế giới bất ngờ và đang tìm cách chống dịch, thì đến tháng 5/2021, việc chống dịch Covid-19 chủ động hơn đã giúp cho xuất khẩu thủy sản tăng trưởng tốt. Trong đó, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU tháng 5/2021 tiếp tục tăng lên đến 30% và đạt gần 95 triệu USD, sau khi tăng mạnh 36% trong tháng 4 với 97 triệu USD. Nguyên nhân dẫn đến sự tăng trưởng này vì nhu cầu tiêu thụ thủy sản tại thị trường EU đang được hồi phục rõ rệt, do đại dịch Covid-19 đang được dần dần khống chế; Bên cạnh đó, các nhà nhập khẩu thủy sản tại thị trường EU có xu hướng quan tâm hơn đến các nhà cung cấp thủy sản Việt Nam (VASEP 2021) và Việt Namcũng được thừa hưởng những lợi thế về thuế quan từ việc ký kết Hiệp định EVFTA, cùng với nguồn nguyên liệu ổn định và dồi dào. Vì vậy, lũy kế xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2021 sang thị trường EU đạt trên 380 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.

4. Một số giải pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Liên minh châu Âu trong bối cảnh bình thường mới

Thứ nhất, chúng ta cần có những giải pháp nhằm phát triển chuỗi cung ứng khi chuỗi cung ứng của ngành Thủy sản Việt Nam sẽ được tạo ra bởi những xu thế đổi mới từ đại dịch Covid-19. Đây được coi là những thách thức cho hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam khi gây ra hàng loạt những xáo trộn, nhưng cũng lại là một cơ hội cho chúng ta phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới, nhằm thúc đẩy xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU. Không thể phủ nhận rằng, đại dịch Covid-19 đã mang lại những ảnh hưởng tiêu cực không ít cho kinh tế Việt Nam nói chung và cho ngành Thủy sản nói riêng. Vì vậy, để thúc đẩy xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU, từng khâu chuỗi cung ứng cần phải được bảo vệ trong bối cảnh bình thường mới. Nếu một trong những mắt xích và liên kết từng khâu bị gián đoạn từ người sản xuất qua người mua, rồi đến người bán bị phá vỡ, hoặc bị ảnh hưởng bởi đại dịch, sẽ ảnh hưởng đến kinh tế của toàn ngành Thủy sản Việt Nam, từ đó việc xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU cũng sẽ bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, việc phát triển và bảo vệ chuỗi cung ứng của toàn ngành trước những tác động và nguy cơ mối liên kết dễ bị phá vỡ bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 là rất cần thiết và đóng vai trò quan trọng trong công cuộc thúc đẩy xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU.

Thứ hai, phát triển về hoạt động phân phối thủy sản của Việt Nam tại thị trường châu Âu cũng cần được quan tâm đẩy mạnh hơn. Nhờ việc nắm bắt cụ thể, Việt Nam sẽ có cách nhìn tổng quan hơn về hoạt động phân phối tại từng nước của khối EU. Trong bối cảnh bình thường mới, chúng ta sẽ có những biện pháp kịp thời nhằm chọn lựa nhà phân phối tại nước phù hợp để xuất khẩu. Việt Nam cần xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu chính xác, đầy đủ về các hệ thống phân phối tại thị trường châu Âu, nhờ đó nhà nhập khẩu sẽ làm việc với các nhà bán buôn, các kênh phân phối tại từng thị trường, sao cho có thể đảm bảo cho xuất khẩu thủy sản vào thị trường EU một cách tốt nhất. Căn cứ vào Nghị quyết số 1513/2015/QĐ-TTg, mục tiêu cụ thể là xây dựng chuyên mục trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương về các đầu mối nhập khẩu hàng hóa Việt Nam trong các hệ thống phân phối nước ngoài, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy sản có cơ hội để tìm hiểu và khai thác.

Thứ ba, đối với nuôi trồng thủy sản, Việt Nam cần thực hiện việc kiểm soát và phát triển nguồn nguyên liệu chế biến từ nuôi trồng một cách hợp tiêu chuẩn, nhằm đáp ứng nhu cầu đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy sản. Ngoài ra, Nhà nước cần đề ra các nhiệm vụ về quy hoạch và ưu tiên đầu tư vào các cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ cho vùng nuôi thủy sản tập trung. Việc này cần được áp dụng với mục đích tạo ra nguồn cung ứng nguyên liệu chất lượng, an toàn thực phẩm để đáp ứng được các tiêu chuẩn về xuất xứ hàng hóa vào thị trường EU.

Thứ tư, để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa thủy sản vào thị trường EU trong bối cảnh bình thường mới, việc đề ra các giải pháp về công nghệ sẽ vô cùng cần thiết. Mục tiêu của việc này là để nghiên cứu và áp dụng những tiến bộ của công nghệ tiên tiến và tận dụng được những thành công của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào sản xuất, nhằm phát triển hàng hóa thủy sản, giúp tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu của quốc gia trong thị trường quốc tế. Chúng ta cần tập trung vào nghiên cứu phát triển, mục tiêu về chuyển giao công nghệ tiên tiến và áp dụng những tiến bộ về khoa học, kỹ thuật trong chế biến, bảo quản và vận chuyển thủy sản. Việc ứng dụng sự phát triển về khoa học công nghệ vào ngành nghề lĩnh vực này sẽ giúp cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy sản có thể giảm được tối đa những tổn thất sau quy hoạch. Ngoài ra, phát triển sản phẩm mới có giá trị gia tăng từ nguyên liệu phụ liệu thủy sản cũng nên được áp dụng các công nghệ sản xuất thực phẩm chức năng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý, truy xuất nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm.

Thứ năm, đối với các giải pháp thiết yếu về các cơ chế chính sách nhằm tạo nguồn đẩy và động lực cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa thủy sản sang thị trường EU. Trong bối cảnh bình thường mới, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện về các thể chế và cải cách thủ tục hành chính. Việc hoàn thiện này sẽ cắt giảm mạnh các rào cản về điều kiện kinh doanh, mang lại những lợi thế cho doanh nghiệp từ những lợi thế về Hiệp định EVFTA. Từ đó, sẽ thu hút được các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy sản đầu tư và các cơ sở chế biến với khoa học công nghệ tiên tiến. Ngoài ra, các doanh nghiệp chế biến thủy sản theo mô hình kinh doanh nhỏ liên kết theo loại hình doanh nghiệp cổ phần, hợp tác xã cũng cần có các chính sách khuyến khích và đảm bảo điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, giúp thúc đẩy hàng hóa xuất khẩu và xúc tiến thương mại trong bối cảnh bình thường mới

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Aquaculture Vietnam, (2021), Vietnam Aquaculture Overview, <https://www.aquafisheriesexpo.com/vietnam/en-us/news-updates/vietnam-aquaculture-overview > , [Accessed 25 October 2021]
  2. Bộ Công Thương, (2020), Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2020, Thành phố Hà Nội, Nhà xuất bản Công Thương.
  3. Bộ Công Thương, (2020), Thương mại Việt Nam - EU, Thành phố Hà Nội.
  4. Bộ Công Thương, (2021), Thương mại Việt Nam - EU: Chuyên ngành Thủy sản, Thành phố Hà Nội.
  5. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, (2021), Công văn số 67/CV-VASEP về việc báo cáo tình hình sản xuất xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm 2021 và đề xuất - kiến nghị.
  6. Thủ tướng Chính phủ, (2018), Chỉ thị số 09/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục tình trạng các lô hàng thủy sản Việt Nam bị nước ngoài cảnh báo, trả về.
  7. Cục Quản lý Chất lượng nông lâm và thủy sản, (2019), Công văn số 2020/QLCL-CL1 về việc quy định mới về an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu vào EU.
  8. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, (2021), Công văn số 859/BNN-QLCL về việc tăng cường hiệu quả kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản.
  9. Nguyễn Quang Thuần, (2020), Tác động của đại dịch Covid-19 và một số giải pháp chính sách cho Việt Nam trong giai đoạn tới, Tạp chí Cộng sản, https://www.tapchicongsan.org.vn/kinh-te/-/2018/819611/tac-dong-cua-dai-dich-covid-19%C2%A0va-mot-so-giai-phap-chinh-sach-cho-viet-nam-trong-giai-doan-toi.aspx >
  10. Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, (2021), Một số cơ chế chính sách cấp thiết nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phục hồi nền kinh tế do tác độ của dịch Covid-19 < https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=59241 > ,
  11. Tổng cục Hải quan, (2021), Số liệu thống kê. Truy cập tại <https://www.customs.gov.vn/Lists/ThongKeHaiQuan/SoLieuThongKe.aspx?Group=S%E1%BB%91%20li%E1%BB%87u%20th%E1%BB%91ng%20k%C3%AA>, xem 14/11/2021.
  12. Tổng cục Hải quan, (2020), Xuất khẩu tôm sang EU tăng mạnh sau EVFTA. < https://haiquanonline.com.vn/xuat-khau-tom-sang-eu-tang-manh-sau-evfta-133815.html >
  13. VASEP, (2021), Xuất khẩu thủy sản tháng 10/2021: Những tín hiệu hồi phục. Truy cập tại < http://vasep.com.vn/san-pham-xuat-khau/tin-tong-hop/xuat-nhap-khau/xuat-khau-thuy-san-thang-10-2021-nhung-tin-hieu-hoi-phuc-23158.html >

 Some solutions to promote Vietnam’s seafood exports to the EU market in the context of the new normal

Ph.D Vu Thanh Toan 1

Nguyen Anh Tuan 1

1 Foreign Trade University

ABSTRACT:

This paper clarifies the factors, strengths, advantages and disadvantages of Vietnamese seafood exports to the EU market. The paper analyzes the difficulties and challenges facing Vietnamese seafood exporters in the context of the on-going COVID-19 pandemic. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to support the growth of Vietnam’s seafood exports to the EU market in the context of the new normal.

Keywords: seafood export, status quo, the EU market, COVID-19, new normal.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 26, tháng 11 năm 2021]