Một số giải pháp nhằm nâng cao vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

THS. TRẦN CÔNG DŨ (Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học An Giang - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Kinh tế thị trường là một trong những vấn đề, là điểm then chốt trong lý luận về chủ nghĩa xã hội  và có ý nghĩa thực tiễn rất quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa. Đại hội lần thứ IX của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Bài viết nghiên cứu tổng hợp lý luận về nền kinh tế thị trường, vai trò của nền kinh tế thị trường định hướng hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời đề cập một số giải pháp nhằm nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Từ khóa: vai trò của nhà nước, kinh tế thị trường, xã hội chủ nghĩa, Việt Nam.

1. Những vấn đề lý luận chung về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

Trong chủ nghĩa xã hội, vẫn tồn tại sản xuất hàng hóa, kinh tế thị trường, cả sản xuất, lưu thông phân phối đều phải thông qua thị trường và đều chịu sự tác động của quy luật giá trị, quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh, tức những quy luật của kinh tế thị trường. Sai lầm của các nước xã hội chủ nghĩa trước đây là trong một thời gian tương đối dài, đã phủ nhận kinh tế thị trường, thực hiện cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp.

Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng đường lối đổi mới toàn diện, trước hết là đổi mới tư duy kinh tế, là một bước ngoặt cách mạng trong nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đại hội VII và VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục đường lối đó và tiến những bước mới trong nhận thức về chủ nghĩa xã hội. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được Đại hội VII của Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua khẳng định: "Phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước". Đại hội VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục nhấn mạnh: "Sản xuất hàng hóa không đối lập với chủ nghĩa xã hội, mà là thành tựu phát triển của nền văn minh nhân loại, tồn tại khách quan, cần thiết cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và cả khi chủ nghĩa xã hội đã được xây dựng". Đến Đại hội IX của Đảng Cộng sản Việt Nam, việc đưa ra khái niệm "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" đã đánh dấu một bước phát triển mới trong tư duy lý luận của Đảng.

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là một kiểu tổ chức nền kinh tế vừa dựa trên những nguyên tắc và quy luật của kinh tế thị trường, vừa dựa trên những nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội. Nó là một kiểu tổ chức kinh tế - xã hội, trong đó quá trình sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu dùng gắn với thị trường, được thực hiện thông qua thị trường dưới sự quản lý, điều tiết của Nhà nước Việt Nam.

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam có hai đặc điểm cơ bản: Một là, đây là nền kinh tế thị trường mới bước đầu hình thành, còn sơ khai, còn ở trình độ thấp,  một số loại thị trường chưa hình thành đầy đủ, đồng bộ. Hai là, kinh tế thị trường mang tính định hướng xã hội chủ nghĩa, nó khác với kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa ở chỗ do Đảng Cộng sản lãnh đạo và Nhà nước xã hội chủ nghĩa quản lý.

Điều cần nhấn mạnh là, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và vai trò quản lý của Nhà nước đối với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là tất yếu, bởi vì:

- Đây là một đặc điểm của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được chi phối bởi bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Không có Đảng Cộng sản lãnh đạo và Nhà nước xã hội chủ nghĩa quản lý thì không thể có kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà đó sẽ chỉ là kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa.

- Kinh tế thị trường vốn có hai mặt: mặt tích cực như thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh, chú trọng lợi ích và hiệu quả kinh tế... và tiêu cực như thúc đẩy phân hóa giàu nghèo, lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền, suy đồi đạo đức... Mặt tiêu cực của kinh tế thị trường mâu thuẫn với bản chất của chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và quản lý của Nhà nước xã hội chủ nghĩa sẽ phát huy được mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực của kinh tế thị trường.

- Đảng Cộng sản và Nhà nước xã hội chủ nghĩa là những lực lượng lãnh đạo và quản lý xã hội. Những lực lượng này có khả năng nhận thức và vận dụng các quy luật kinh tế khách quan, chuyển hóa chúng thành đường lối, chính sách, pháp luật, kế hoạch... để tổ chức thực hiện, đưa vào cuộc sống, nâng cao đời sống của quần chúng nhân dân đông đảo nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Trong đó, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và quản lý của Nhà nước xã hội chủ nghĩa là nhân tố có ý nghĩa quyết định của sự kết hợp đó.

2. Vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

Thực tế phát triển nền kinh tế thị trường ở nước ta trong những năm qua cho thấy “nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước” là một mô hình phát triển hợp lý, vì nó có sự kết hợp giữa "Thị trường" với "Nhà nước". Vấn đề cần nghiên cứu, trao đổi ở đây là vai trò quản lý của Nhà nước trong nền kinh tế theo cơ chế thị trường hiện nay được thể hiện như thế nào, Nhà nước cần và không cần can thiệp vào lĩnh vực nào của thị trường? Đây là một vấn đề còn có nhiều cách giải đáp theo những cách tiếp cận khác nhau. Nhưng, từ thực tế quản lý đã rút ra được trong những năm qua, kết hợp với những bài học kinh nghiệm của các nước trên thế giới đã cho thấy vai trò quản lý của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường được thể hiện ở những nội dung cơ bản sau:

2.1. Xây dựng một hệ thống pháp luật đầy đủ, ổn định

Nhằm định hướng cho thị trường phát triển theo đúng mục tiêu, đồng thời tạo lòng tin cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Bài học thực tế của các nước phát triển đã cho thấy: Hệ thống chính sách vĩ mô, hệ thống pháp luật đầy đủ, ổn định sẽ là nền tảng vững chắc cho nền kinh tế phát triển bền vững, lành mạnh, đúng định hướng, đồng thời đó còn là cơ sở tạo ra một sân chơi bình đẳng, rộng rãi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Với ý nghĩa đó, trong những năm thực hiện đường lối đổi mới vừa qua, Nhà nước Việt Nam đã ban hành đồng bộ hệ thống văn bản pháp luật (đến nay đã có 43 luật, bộ luật, 45 pháp lệnh và hàng trăm văn bản pháp quy khác được ban hành), nhằm đáp ứng kịp thời cho công tác quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Cùng với việc hoàn chỉnh, bổ sung hệ thống văn bản pháp luật, những chính sách điều hành quản lý vĩ mô cũng không ngừng được củng cố, hoàn thiện, tạo nên một cơ chế quản lý mới, trong đó chức năng quản lý vĩ mô của Nhà nước ngày càng được tăng cường, đồng thời quyền chủ động ở cơ sở và các doanh nghiệp ngày càng được nâng cao. Ở một chừng mực nào đó, Nhà nước đã thể hiện đúng vai trò, chức năng là người trọng tài điều khiển chứ không trực tiếp tham gia vào cuộc chơi trong không gian của thị trường.

Cơ chế quản lý mới đã có sự phân định rõ chức năng quản lý hành chính nhà nước về kinh tế của các bộ, ngành với chức năng quản lý sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp. Theo đó, việc giảm dần cơ chế bộ chủ quản đã tạo cho các công ty, các doanh nghiệp quốc doanh có nhiều quyền tự quyết định trong sản xuất - kinh doanh, đồng thời Nhà nước giảm được gánh nặng bao cấp. Đây chính là một bước hoàn thiện cơ chế quản lý vĩ mô, thiết lập sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, tạo cơ sở cho sự phát triển của thị trường trong nước.

2.2. Tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, lành mạnh

Môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn được biểu hiện thông qua nhiều yếu tố như: hạ tầng cơ sở tốt, hệ thống pháp luật đầy đủ, ổn định, nền hành chính rõ ràng và bộ máy công quyền trong sạch, lành mạnh... Những yếu tố trên đều do Nhà nước tạo dựng lên nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước phục vụ cho mục tiêu phát triển. Môi trường kinh doanh thuận lợi còn thể hiện ở sự lành mạnh, bình đẳng trong cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế, giữa các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong một không gian kinh tế. Bởi vì, kinh tế thị trường lấy cạnh tranh làm cơ sở, động lực thúc đẩy sự phát triển của thị trường, Nhà nước cần tạo ra cơ chế khuyến khích cạnh tranh lành mạnh.

Kinh nghiệm thực tiễn đã cho thấy, đối với những nền kinh tế đang trong thời kỳ chuyển đổi như ở nước ta hiện nay, cạnh tranh  thực sự đi vào tiềm thức trong hoạt động kinh tế,  trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển của thị trường. Nhưng trong khi đó, độc quyền nhà nước vẫn duy trì ở một số lĩnh vực của nền kinh tế.  Độc quyền dựa trên quyền lực hành chính được xem như rào cản hành chính đối với cạnh tranh. Theo một số học giả Trung Quốc (là nước có môi trường kinh tế gần giống với Việt Nam), có 2 hình thức độc quyền chủ yếu dựa trên quyền lực hành chính, đó là: độc quyền ngành và độc quyền địa phương.

Độc quyền ngành, hay còn gọi là độc quyền theo chiều dọc là độc quyền của các bộ quản lý chuyên ngành, hoặc của các tổng công ty, các công ty, các tập đoàn kinh tế lớn vừa có chức năng quản lý hành chính nhà nước, vừa là nhà sản xuất hoặc nhà kinh doanh trên một lĩnh vực hay một số ngành hàng nào đó. Có thể xem họ là những chủ thể Hành chính - Kinh tế, bởi vì họ vừa có quyền lực, vừa có nhiều lợi thế về vốn, về địa vị pháp lý, lại luôn nhận được những ưu đãi đặc biệt từ phía chính phủ hoặc chính quyền địa phương. Nhờ những lợi thế đó, cho nên trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, họ "tự nhiên" có được thế mạnh trên thị trường.

Độc quyền địa phương còn gọi là độc quyền theo chiều ngang, là hình thức bảo hộ sản xuất địa phương bằng những biện pháp hành chính nhằm ngăn cấm những hàng hóa, dịch vụ từ địa phương khác xâm nhập vào địa phương mình. Đây là hành vi chia nhỏ thị trường, gây mất cân đối trên phạm vi thị trường toàn quốc, làm suy yếu thị trường trong nước. Kinh nghiệm của Trung Quốc cũng cho thấy: từ khi cải cách diễn ra, việc phân cấp cho chính quyền địa phương càng mạnh, thì hiện tượng độc quyền địa phương cũng càng phát triển.

2.3. Nhà nước đóng vai trò bảo hộ đối với hoạt động kinh tế của người dân

Nhà nước cần có sự bảo hộ hợp lý đối với một số lĩnh vực và ngành hàng trong nước. Bởi vì, Nhà nước là chủ thể quản lý cao nhất, là người đại diện cho quyền lợi của cả cộng đồng quốc gia, chỉ có Nhà nước mới có đủ tư cách, sức mạnh,  nguồn lực để thực hiện quyền bảo hộ. Thông qua các cơ quan bảo vệ pháp luật và bộ máy hành chính, Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ những quyền lợi hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên thị trường, như: quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh theo pháp luật quy định, bảo vệ bản quyền, nhãn hiệu hàng hóa... Theo nghĩa bao quát hơn, hình thức bảo hộ của Nhà nước còn được thể hiện ở sự bảo hộ nền sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh từ bên ngoài, bảo vệ những quyền lợi của công dân, các tổ chức doanh nghiệp trong nước khi có sự tranh chấp với các tổ chức, các tập đoàn kinh tế nước ngoài.

2.4. Nhà nước với vai trò can thiệp, điều chỉnh, bổ sung thị trường

Điều tiết thị trường là khả năng tác động, can thiệp của Nhà nước vào quá trình vận động của thị trường nhằm loại bỏ hoặc hạn chế những ảnh hưởng xấu của thị trường, hướng thị trường vận động, phát triển theo đúng mục tiêu đã định.

Trong những năm qua, Nhà nước đã có những biện pháp can thiệp kịp thời vào thị trường, nên những tác động xấu do những tổn thất: thiên tai, bão lụt, đại dịch Covid-19,... đã không ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển kinh tế của đất nước.

Thông thường, sự tác động, can thiệp của Nhà nước vào thị trường được thực hiện bằng quyền lực hành chính thông qua các biện pháp hành chính. Biện pháp hành chính là hình thức sử dụng quyền lực hành chính của Nhà nước tác động vào thị trường, hướng thị trường vận động theo mục tiêu định trước phù hợp với đường lối phát triển kinh tế. Tuy nhiên, cơ chế tập trung bao cấp trước kia đã quá lạm dụng quyền lực hành chính trong quản lý, không thừa nhận những quy luật khách quan trong sự vận động của thị trường.

Thực tiễn quản lý đã cho thấy, muốn điều tiết thị trường có hiệu quả cần phải sử dụng kết hợp hài hòa các biện pháp hành chính với biện pháp kinh tế thông qua các các công cụ quản lý là pháp luật, các chính sách kinh tế, như: chính sách thuế, chính sách giả cả, chiến lược đầu tư, chính sách tiêu dùng,... Trong cơ chế thị trường, biện pháp kinh tế đã ngày càng trở thành biện pháp cơ bản để điều tiết, định hướng cho sự phát triển của thị trường.

3. Một số giải pháp nhằm nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

Việc nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam vẫn đang là một yêu cầu khách quan và cấp bách. Để thực hiện, cần thực hiện một số giải pháp sau đây:

3.1. Tiếp tục bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế để tạo ra khuôn khổ pháp lý thống nhất và đồng bộ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh nhằm phát huy cao nhất mặt tích cực và hạn chế tối đa những mặt trái của kinh tế thị trường. Hệ thống pháp luật này là công cụ chủ yếu để Nhà nước quản lý nền kinh tế.

Trong thời gian qua, Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều bộ luật, luật, pháp lệnh để đáp ứng yêu cầu đổi mới kinh tế. Tuy nhiên, đến nay, hệ thống pháp luật kinh tế của Việt Nam còn thiếu và chưa đồng bộ, thường phải sửa đổi, điều chỉnh và bổ sung. Vì vậy, trước mắt phải tiếp tục khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh tế theo cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng. Đồng thời sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh hiện hành và ban hành các luật mới phù hợp với thực tiễn vận động nhanh chóng của nền kinh tế quốc dân.

3.2. Tăng cường sự kiểm tra, giám sát của Nhà nước

Nhà nước tạo môi trường pháp lý thuận lợi, bình đẳng cho các doanh nghiệp cạnh tranh và hợp tác để phát triển. Thông qua chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phù hợp nhằm sử dụng hiệu quả lực lượng vật chất của Nhà nước để định hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo chủ động cân đối vĩ mô nền kinh tế, điều tiết phân phối và thu nhập.

Tăng cường sự kiểm tra, giám sát của Nhà nước theo quy định của pháp luật, kiên quyết đấu tranh chống các tệ buôn lậu, làm hàng giả, gian lận thương mại, tham nhũng, lãng phí...; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công khai, minh bạch, hạn chế và kiểm soát độc quyền kinh doanh. Phân định rõ chức năng quản lý hành chính nhà nước với chức năng quản lý sản xuất - kinh doanh; từ đó, thực hiện đúng chức năng quản lý nhà nước về kinh tế và chức năng sở hữu tài sản công của Nhà nước.

3.3. Chú trọng đến công tác quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước

Cân đối thu và chi ngân sách một cách phù hợp đảm bảo nhu cầu tài chính của Nhà nước; Bảo đảm tính minh bạch, công bằng trong chi ngân sách nhà nước; Tiếp tục cải cách hệ thống thuế phù hợp với tình hình đất nước và các cam kết quốc tế; Nâng cao hiệu quả đầu tư vốn và sử dụng vốn, chống lãng phí, thất thoát vốn; Gắn cải cách ngân hàng với cải cách doanh nghiệp nhà nước.

3.4. Tiếp tục triển khai và hoàn thiện công tác cải cách hành chính

Trong những năm qua, Việt Nam đã tiến hành cải cách nền hành chính, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của người dân. Nhiều tổ chức bộ máy nhà nước trùng lắp chức năng với nhau và những thủ tục hành chính phiền hà, không ít trường hợp trên nói và dưới không nghe, trung ương và địa phương hành động không thống nhất, gây khó khăn cho việc phát triển kinh tế - xã hội và làm giảm động lực phát triển.

Vì vậy, trong những năm tới phải nỗ lực hơn nữa theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 do Chính phủ phê duyệt, nhằm nâng cao năng lực quản lý của Nhà nước trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tổ chức bộ máy các cấp từ trung ương đến địa phương theo hướng tinh gọn, có hiệu lực, hiệu quả, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm.

Cải cách thủ tục hành chính theo hướng thống nhất, công khai, minh bạch, đơn giản, kiên quyết xóa bỏ các thủ tục hành chính gây phiền hà, sách nhiễu cho nhân dân và các doanh nghiệp.

Xây dựng đội ngũ công chức, viên chức chuyên nghiệp, vừa có năng lực, vừa có phẩm chất tốt có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.

Xây dựng chính phủ số ngày một hiệu quả hơn để phục vụ người dân qua môi trường mạng.

Tất cả nỗ lực đó nhằm xây dựng một nền hành chính nhà nước trong sạch, vững mạnh, có hiệu lực, hiệu quả theo hướng xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

4. Kết luận

Kinh tế thị trường và công tác quản lý nhà nước đối với thị trường luôn là một đề tài có tính thời sự. Bởi vì thị trường là nơi chứa đựng những tiềm năng và cả những ẩn số, những rủi ro đối với sự phát triển của nền kinh tế. Hoàn thiện cơ chế và định hướng cho nền kinh tế thị trường vận động, phát triển theo đúng mục tiêu, phục vụ kịp thời chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước là chức năng, nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan quản lý nhà nước. Trong cơ chế thị trường hiện nay, một mặt Nhà nước cần tôn trọng sự vận động mang tính quy luật của thị trường, nhưng mặt khác, Nhà nước vẫn có vai trò và khả năng can thiệp, bổ sung, định hướng đối với sự vận động của thị trường để phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Phạm Đình Thành (2021). Nhìn nhận về vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tạp chí Bảo hiểm xã hội. Truy cập tại https://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/nhin-nhan-ve-vai-tro-cua-nha-nuoc-trong-nen-kttt-dinh-huong-xhcn-66428.html.

2. Phạm Ngọc Quang (2009). Về vai trò Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay. Tạp chí Cộng sản. Truy cập tại https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/2205/vai-tro-cua-nha-nuoc-trong-nen-kinh-te-thi-truong-dinh-huong-xa-hoi-chu-nghia-o-viet-nam-hien-nay.aspx

3. Vũ Văn Hà (2021). Quan hệ nhà nước và thị trường trong nền kinh tế: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn. Tạp chí Tuyên giáo. Truy cập tại https://tuyengiao.vn/nghien-cuu/quan-he-nha-nuoc-va-thi-truong-trong-nen-kinh-te-mot-so-van-de-ly-luan-va-thuc-tien-134576

4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 

Some solutions to improve the role of the state management in the development of socialist-oriented market economy in Vietnam

Master. Tran Cong Du

Faculty of Economics - Business Administration

An Giang University, Vietnam National University - Ho Chi Minh City

Abstract:

The market economy is one of the key points in the theory of socialism and it has a practical significance in the development of socialism. The 9th National Congress of the Communist Party of Vietnam affirmed the policy of developing a socialist-oriented market economy in Vietnam. This paper presents an overview on theories of the market economy and the role of a socialist-oriented market economy. The paper also proposes some solutions to improve the role of the state management in the development of socialist-oriented market economy in Vietnam.

Keywords: the role of the state, market economy, socialism, Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 7  tháng 3 năm 2023]

Tạp chí Công Thương