Một số giải pháp nhằm ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh

LÊ THỊ THẢO VY (Công ty Công nghệ Thông tin Điện lực TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) mang đến cơ hội cũng như là thách thức đối với Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) để nâng tầm, phát triển công ty. Bài báo này sẽ tiến hành đánh giá thực trạng hạ tầng kỹ thuật, công nghệ của EVNHCMC, trên cơ sở đó đưa ra những nhận định về điều kiện cần thiết để EVNHCMC có thể ứng dụng CMCN 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời đề ra một số giải pháp, định hướng chung để xem xét triển khai thực hiện.

Trong các phần tiếp theo, bài báo sẽ lần lượt trình bày tổng quan về CMCN 4.0, đánh giá thực trạng hạ tầng kỹ thuật tại EVNHCMC và đối chiếu với các điều kiện cần thiết để ứng dụng thành tựu công nghệ CMCN 4.0 trong hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Cuối cùng, bài báo sẽ đưa ra một số giải pháp, định hướng chung để EVNHCMC xem xét áp dụng trong thời gian tới.

Từ khóa: Cách mạng công nghiệp 4.0, sản xuất, kinh doanh, EVNHCMC.

1. Đặt vấn đề

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (gọi tắt là CMCN 4.0) đã bắt đầu hình thành từ những năm gần đây và ngày càng tác động sâu, mạnh đến nền kinh tế - xã hội trên thế giới nói chung. Cuộc cách mạng này là một bước chuyển đổi về sản xuất thông minh dựa trên thành tựu đột phá trong các lĩnh vực công nghệ vật lý, vật liệu, sinh học và công nghệ số, cho phép tạo ra sản phẩm chất lượng cao, giá thành rẻ, ngày càng theo mong muốn và nhu cầu đa dạng của con người.

Đứng trước xu thế chung của thế giới, Việt Nam cũng đã có những động thái tích cực nhằm định hướng các doanh nghiệp trong nước tiếp cận CMCN 4.0 hợp lý, hiệu quả cho sự phát triển của chính đơn vị mình. Việt Nam nhận định rõ về tiềm năng và thách thức của CMCN 4.0 đối với cải cách thay đổi toàn diện nền kinh tế đất nước. Những động thái, nhận định đó đã được cụ thể hóa thành các văn bản chỉ đạo các cấp, ngành, như: Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, theo đó là Quyết định số 4246/QĐ-BCT ngày 10/11/2017 của Bộ Công Thương về kế hoạch hành động ngành nhằm triển khai Chỉ thị số 16/CT-TTg nêu trên, trong đó có sự tham gia của ngành Điện.

EVNHCMC là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc ngành Điện với chức năng phân phối và cung cấp điện năng tiêu thụ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Trong những năm qua, EVNHCMC luôn là đơn vị tiên phong đầu ngành trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, tiến bộ công nghệ nhằm nâng cao chất lượng cung ứng điện và dịch vụ chăm sóc khách hàng. Tiêu biểu nhất có thể kể đến như: đưa vào hoạt động Trung tâm chăm sóc khách hàng với hàng loại các ứng dụng trực tuyến, ứng dụng di động, mạng xã hội để tiếp nhận và phản hồi thông tin về các dịch vụ điện đến khách hàng; phối hợp với các ngân hàng thương mại để triển khai thanh toán tiền điện tự động; từng bước sử dụng điện kế điện tử có chức năng đo đếm từ xa để thu thập quản lý thông tin khách hàng; tiếp nhận chuyển giao công nghệ về thi công sửa chữa điện trên đường dây đang mang điện, góp phần hạn chế tần suất và thời gian ảnh hưởng mất điện đến khách hàng mà vẫn đảm bảo thực hiện đầy đủ công tác kiểm tra bảo dưỡng lưới điện; ứng dụng công nghệ thông tin - điện tử viễn thông để giám sát, điều khiển từ xa và tự động hóa một phần lưới điện, qua đó nâng cao năng suất lao động trong toàn Tổng công ty; triển khai văn phòng điện tử (hệ thống e-office, cổng thông tin, thư viện nội bộ);…

Nhằm bắt kịp, tận dụng những thành tựu đột phá mang lại từ cuộc CMCN 4.0, EVNHCMC cũng đang đặt ra những định hướng phát triển phù hợp cho hoạt động quản trị doanh nghiệp giai đoạn từ nay đến năm 2020 trong điều kiện bối cảnh mới, trong đó tập trung nâng cao năng lực quản lý vận hành, năng suất lao động và chất lượng dịch vụ cung ứng điện cho khách hàng trên địa bàn Thành phố thông qua các chỉ tiêu cụ thể. Để thực hiện được điều này hiệu quả, EVNHCMC xác định rõ trước hết cần phải nghiên cứu các yếu tố của CMCN 4.0 ảnh hưởng đến hoạt động quản trị của công ty. Bài báo sẽ trình bày tổng quan về cuộc CMCN 4.0 và các yêu cầu, tác động của nó; đồng thời đánh giá thực trạng về điều kiện ứng dụng CMCN 4.0 đối với EVNHCMC, để từ đó làm cơ sở đề xuất một số giải pháp nhằm ứng dụng hiệu quả CMCN 4.0 trong hoạt động quản trị của EVNHCMC.

2. Tổng quan về Cách mạng công nghiệp 4.0

Cuộc CMCN 4.0 được hình thành trên cơ sở tiếp nối thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp 3.0 kết hợp với nền tảng công nghệ số và hiểu biết về vật lý, vật liệu, sinh học để tạo ra xu hướng phát triển tiên tiến hơn. CMCN 4.0 cho phép tạo ra các sản phẩm với chất lượng cao nhưng giá thành rẻ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của con người. Nhìn chung, CMCN 4.0 đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất với sức lan tỏa nhanh chóng của số hóa và công nghệ thông tin, tác động sâu rộng đến toàn bộ đời sống xã hội, sản xuất, dịch vụ và lưu thông phân phối hàng hóa trên thế giới.

Đặc trưng rõ nét của CMCN 4.0 chính là toàn bộ hệ thống về sản xuất, ý tưởng và công nghệ mới đều có thể được hiện thực hóa nhờ có tốc độ phát triển và lan tỏa nhanh trên nền tảng cốt lõi của việc ứng dụng trí tuệ thông minh nhân tạo (Artificial Intelligence), vạn vật kết nối (Internet of Things), thực tế ảo (Cyber-Physical Systems) và dữ liệu lớn (Big Data). Nếu xét trong phạm vi doanh nghiệp, CMCN 4.0 sẽ làm thay đổi cách thức tổ chức và hoạt động trong doanh nghiệp, cụ thể qua 03 bước: (i) Số hóa: Mọi quy trình sản xuất từ công nghệ cao tới thiết bị công nghiệp được chuyển đổi bằng công nghệ số; (ii) Công nghiệp hóa: Tích hợp công nghệ mới để cải tiến và phát triển; (iii) Tối ưu hóa: Việc cải tiến những thành phần đơn giản nhất trong quy trình sản xuất cũng có thể tạo ra nhiều cơ hội phát triển mới.

Theo tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, có khoảng 40 công nghệ sẽ trở thành những công nghệ chính trong tương lai thuộc 4 lĩnh vực trụ cột trong CMCN 4.0 là công nghệ số; công nghệ sinh học; vật lý - vật liệu tiên tiến và năng lượng - môi trường. Trong đó, các công nghệ liên quan trực tiếp đến lĩnh vực công nghiệp năng lượng điện bao gồm:

* Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence)

* Vạn vật kết nối (Internet of Things)

* Dữ liệu lớn (Big Data)

* Chuỗi khối (Block Chain)

* Điện toán đám mây (Cloud Computing)

* Mô phỏng (Simulation)

* Tính toán lưới (Grid Computing)

* Công nghệ lưu trữ năng lượng tiên tiến (Advanced Energy Storage Technologies)

* Năng lượng tái tạo (Renewable Energy)

* Lưới điện Thông minh (Smart Grids)

3. Đánh giá thực trạng hạ tầng kỹ thuật, công nghệ của EVNHCMC và điều kiện ứng dụng CMCN 4.0 vào hoạt động quản trị doanh nghiệp

Về hạ tầng công nghệ lưới điện: Lưới điện phân phối trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được phân chia thành nhiều cấp điện áp, từ cao áp 220/110kV đến trung áp 22kV và hạ áp 380/220V. Kết cấu lưới điện luôn được EVNHCMC đầu tư phát triển đồng bộ nhằm đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ của toàn Thành phố cũng như có độ tin cậy, dự phòng ở mức cao theo tiêu chuẩn N-1 (sự cố 01 phần tử trên lưới điện vẫn không ảnh hưởng đến hoạt động cung cấp điện). Bên cạnh đó, trong những năm qua, EVNHCMC cũng đẩy mạnh công tác tự động hóa lưới điện với những kết quả đạt được tính đến hết năm 2017 là: (i) 82% trạm biến áp 110kV vận hành theo mô hình không người trực; (ii) giám sát và điều khiển xa hơn 50% lưới điện trung thế 22kV, trong đó có 10% đạt mức độ tự động hóa hoàn toàn; (iii) đưa vào vận hành Trung tâm Điều khiển với cốt lõi là hệ thống SCADA/DMS có các tính năng quản lý lưới điện tiên tiến, hiện đại hàng đầu Việt Nam.

Về kinh doanh và dịch vụ chăm sóc khách hàng: Từ năm 2012, EVNHCMC giới thiệu và đưa vào vận hành Trung tâm Chăm sóc Khách hàng đầu tiên trong ngành Điện trên cơ sở khai thác dữ liệu từ hệ thống quản lý khách hàng, nhằm thống nhất đầu mối chăm sóc khách hàng sử dụng điện trên phạm vi toàn thành phố. Đến thời điểm hiện tại, EVNHCMC đã cung cấp 100% các dịch vụ trực tuyến cấp độ 4 (là mức độ cao nhất theo thang bậc về dịch vụ hành chính công được qui định tại Nghị định số 43/2011/NĐ-CP của Chính phủ ngày 13/6/2011. Theo đó, ở cấp độ này, người sử dụng dịch vụ có thể gửi các thông tin yêu cầu, cung cấp hồ sơ giao dịch trực tuyến; các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng; cho phép người sử dụng thanh toán phí, lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến và việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng) thông qua website chăm sóc khách hàng. Trong công tác kinh doanh, EVNHCMC đã triển khai lắp đặt các công tơ điện tử có chức năng đo xa để từng bước thay thế công tơ hiện hữu theo lộ trình hướng đến xây dựng hạ tầng đo đếm tiên tiến, nhằm nâng cao khả năng tương tác, trao đổi thông tin hai (02) chiều giữa ngành điện và khách hàng. Ước tính, EVNHCMC đang có khoảng 26,2% công tơ đo đếm từ xa trên tổng số hơn hai triệu khách hàng.

Về hạ tầng công nghệ thông tin: Nhằm đáp ứng công tác điều hành sản xuất kinh doanh, EVNHCMC đã đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin với quy mô bao gồm: (i) mạng cáp quang dùng riêng phục vụ cho hai (02) mảng chính tách biệt và độc lập về vật lý là quản lý vận hành lưới điện và quản lý nội bộ doanh nghiệp; (ii) hệ thống máy chủ dữ liệu được ảo hóa kết hợp với lưu trữ mạng có tổng dung lượng 117 TB phục vụ vận hành các chương trình công nghệ thông tin dùng chung và cung cấp các dịch vụ mạng tập trung trong EVNHCMC; (iii) hạ tầng mạng không dây (Wifi) tại trụ sở EVNHCMC và các đơn vị trực thuộc với tốc độ truy cập lên đến 130 Mbps; (vi) hệ thống an ninh mạng và bảo mật thông tin cho hạ tầng công nghệ thông tin.

Về hoạt động quản trị doanh nghiệp: Nhận thức được tầm quan trọng của tin học hóa gắn liền với hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty, EVNHCMC đã không ngừng phát triển, cải tiến, cập nhật và đưa vào sử dụng đồng bộ nhiều chương trình công nghệ thông tin cho các lĩnh vực công tác trọng tâm. Điển hình như: (i) Công tác quản lý vận hành lưới điện: chương trình quản lý nguồn và lưới điện (PMIS) tiếp nhận từ công ty mẹ EVN với 07 phân hệ quản lý, chương trình quản lý mất điện (OMS), các bản đồ chuyên đề trên nền tảng hệ thống thông tin địa lý (GIS); (ii) Công tác quản lý kinh doanh và dịch vụ khách hàng: chương trình quản lý thông tin khách hàng (CMIS), cổng thông tin kinh doanh (Portal Kinh doanh); (iii) Công tác tài chính: hệ thống quản trị nguồn lực (ERP) tiếp nhận từ công ty mẹ EVN với 02 công cụ và 04 tiện ích tích hợp xây dựng thêm để phù hợp với nhu cầu quản trị nội bộ; (iv) Công tác quản trị nguồn nhân lực: hệ thống quản lý nguồn nhân lực (HRMS), hệ thống thẻ điểm cản bằng (BSC), hệ thống đánh giá năng suất, hiệu quả công việc (KPI); (v) Công tác đầu tư xây dựng: chương trình quản lý đầu tư (IMIS); (vi) Công tác hành chính, văn phòng: hệ thống quản lý công việc (E-Office), cổng thông tin điện tử (Portal).

Nhìn chung, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ của EVNHCMC đang trong giai đoạn phát triển toàn diện và đồng bộ, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hóa. Tuy nhiên, để bắt kịp với xu hướng CMCN 4.0, EVNHCMC nhận định cần phải đáp ứng các điều kiện sau:

(+) Tiếp tục cải tiến các dịch vụ trực tuyến theo hướng tự động cung cấp các thông tin, tư vấn cho khách hàng trong việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

(+) Từng bước hoàn thiện hạ tầng lưới điện để hướng tới tự động hóa hoàn toàn.

(+) Khai thác dữ liệu dùng chung giữa các hệ cơ sở dữ liệu (Database) hiện hữu theo cơ chế tự động, đồng bộ, tập trung và thống nhất, giảm thiểu sự can thiệp của con người cũng như việc cập nhật nhiều lần cho cùng một loại dữ liệu.

(+) Tổ chức phân tích tự động các hệ cơ sở dữ liệu đã thu thập (Big Data) để phục vụ công tác dự báo và hỗ trợ ra quyết định trong hoạt động điều hành sản xuất kinh doanh.

(+) Có nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng kế thừa hạ tầng kỹ thuật hiện hữu kết hợp với tiếp nhận chuyển giao có chọn lọc công nghệ mới tiên tiến để ứng dụng phù hợp vào mục tiêu phát triển và hoạt động sản xuất kinh doanh của EVNHCMC.

4. Đề xuất giải pháp

Trên cơ sở phân tích, đánh giá hiện trạng hạ tầng kỹ thuật công nghệ và nhận định một số điều kiện quan trọng cần đáp ứng để ứng dụng thành công CMCN 4.0 vào hoạt động quản trị của EVNHCMC, bài báo đưa ra một số giải pháp, định hướng chung như sau:

Về nguồn nhân lực: Đây là yếu tố quan trọng, quyết định hàng đầu của một doanh nghiệp. Vỉ vậy, cần xây dựng được đội ngũ nhân sự đủ về mặt lượng và chất, có khả năng tiếp nhận, nắm bắt công nghệ và ứng dụng thực tiễn vào công tác quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh. EVNHCMC có lợi thế là đã có Trung tâm đào tạo chuyên biệt, cũng như có được mối liên kết hợp tác nhất định với một số tổ chức giáo dục bên ngoài. Trong bối cảnh CMCN 4.0, EVNHCMC có thể tận dụng sự phát triển mạnh mẽ về hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông để nâng cao chất lượng, số lượng đào tạo thông qua việc đa dạng hóa hình thức và nội dung như triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến (E-learning) và hệ thống thư viện trực tuyến (E-library), hướng đến hình thức tự học và thi online. Bên cạnh đó, EVNHCMC cũng nên xem xét đến việc tăng cường hợp tác với các công ty điện lực tiên tiến, các tổ chức nghiên cứu phát triển độc lập, các nhà sản xuất thiết bị, công nghệ trong khu vực và trên thế giới để thiết lập kênh thông tin nhằm tiếp nhận sớm đến các thành tựu khoa học công nghệ liên quan đến ngành Điện. Một giải pháp khác góp phần giúp EVNHCMC chủ động phát triển, làm chủ công nghệ ứng dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của chính công ty đó là xem xét thành lập Trung tâm nghiên cứu phát triển với cơ sở hạ tầng cần thiết để phục vụ cho công tác khoa học công nghệ và đào tạo thực hành.

Về hạ tầng lưới điện: Đầu tư, phát triển, kiện toàn hạ tầng kết cấu lưới điện theo mô hình quản lý vận hành thông minh (Smart Grid), gắn kết và đồng bộ với hạ tầng chung của Thành phố theo mô hình thành phố thông minh (Smart City). Các tiêu chí quan trọng của lưới điện và phương thức quản lý vận hành thông minh EVNHCMC hướng đến sẽ bao gồm: (i) Lưới điện vận hành linh hoạt, dự phòng tối thiểu N-1 hoặc cao hơn; (ii) Các thiết bị chính có độ tin cậy hoạt động cao, được giám sát và bảo trì bảo dưỡng theo điều kiện thực tế; (iii) Các trạm biến áp không người trực hoàn toàn; (iv) Lưới điện trung thế được giám sát và điều khiển từ xa hoàn toàn hướng đến tự động hóa, (v) Lưới điện hạ thế được giám sát từ xa (tải, tổn thất, mất điện); (vi) Tích hợp các nguồn năng lượng phân tán, năng lượng sạch ở các cấp độ và quy mô khác nhau, tham gia vào lưới điện truyền thống. Ngoài ra, việc nghiên cứu và phát triển hạ tầng cung cấp điện cho phương tiện giao thông dùng điện cũng là một vấn đề cần quan tâm, đóng vai trò là một bộ phận trong tổng thề mô hình thành phố thông minh.

Về mô hình doanh nghiệp: Hiện đại hóa mô hình hoạt động doanh nghiệp theo hướng kinh doanh dịch vụ. EVNHCMC cần tập trung nghiên cứu xây dựng thành công kênh trao đổi dữ liệu dùng chung (ESB - Enterprise Service Bus: Kênh trao đổi dữ liệu dùng chung) theo mô hình chuẩn quốc tế và các hệ thống chuyển đổi dữ liệu (Data Exchange) để đảm bảo tính tương thích kết nối giữa các hệ thống quản trị khác nhau; bổ sung các thuật toán thông minh nhân tạo (AI) vào các chương trình công nghệ thông tin hiện hữu nhằm hỗ trợ phân tích xử lý dữ liệu lớn (Big Data) phục vụ hiệu quả trong công tác dự báo và hỗ trợ ra quyết định trong công tác quản trị doanh nghiệp.

Về cơ chế tài chính: Xây dựng cơ chế tài chính thúc đẩy hoạt động nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ. Xác định và ưu tiên nguồn vốn tập trung cho việc phát triển kinh tế tri thức và các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, sản xuất thử nghiệm phù hợp với định hướng phát triển EVNHCMC. Ngoài ra, cũng cần quan tâm đến chính sách đãi ngộ thu hút nhân tải.

Việc tổ chức thực hiện các giải pháp, định hướng nêu trên cần xác định cụ thể mục tiêu, chỉ tiêu và giai đoạn thực hiện để có lộ trình chuẩn bị và triển khai phù hợp, trong đó bám sát các chỉ đạo, định hướng phát triển của ngành và Thành phố.

5. Kết luận

Cuộc CMCN 4.0 đang từng bước làm thay đổi cục diện của nền kinh tế - xã hội trên toàn thế giới. Trong bối cảnh đó, Việt Nam nhận thấy được thách thức, nhưng cũng có những cơ hội lớn để có thể chuyển mình và tạo bước phát triển đột phá. Tác động của CMCN 4.0 là sâu rộng, mạnh mẽ và trước hết trực tiếp đến các doanh nghiệp trong nước. EVNHCMC là một doanh nghiệp nhà nước cũng không thể đứng bên ngoài tiến trình mang tính xu thế tất yếu này. Bài báo đã giới thiệu một cách tổng quan, cô đọng về cuộc CMCN 4.0, cũng như đã đánh giá hiện trạng hạ tầng kỹ thuật công nghệ của EVNHCMC, để từ đó đưa ra một số nhận định, phân tích và giải pháp đề xuất, nhằm ứng dụng có hiệu quả CMCN 4.0 trong hoạt động quản trị doanh nghiệp trong thời gian tới ■

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Klaus Schwab, The Fourth Industrial Revolution, Crown Business (2016).

2. Tổng luận Khoa học - Công nghệ - Kinh tế. Số 8: Cuộc Cách mạng công nghiệp lần từ 4, Cục Thông tin khoa học và Công nghệ Quốc gia (2016).

3. OECD, Science, Technology and Innovation Outlook 2016. 10 key technology trends for furture (2016).http://www.oecd.org/sti/STIO%2010%20key%technology%20trends2%20for%20the%20future.pdf>.

4. Báo cáo hoạt động thường niên, Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (2015, 2016, 2017).

SOME SOLUTIONS FOR EVNHCMC TO TAKE ADVANTAGE

OF THE INDUSTRIAL REVOLUTION 4.0

● LE THI THAO VY

Information Technology Company,

Ho Chi Minh City Power Corporation

ABSTRACT:

The Industrial Revolution 4.0 brings both opportunities and challenges to Ho Chi Minh City Power Corporation (EVNHCMC)’s business performance. This paper is to evaluate the current conditions of technical and technoligical infrastructure of the corporation. Based on the results, the paper identifies conditions and solutions that are necessary for EVNHCMC to take advantage of the Industrial Revolution 4.0. The content of this paper includes an overview about the Industrial Revolution 4.0.

Keywords: Industrial Revolution 4.0, production, business, EVNHCMC.