Một số giải pháp phát triển sản xuất nông sản đặc sản ở các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn hiện nay

ThS. NGUYỄN THỊ HUYỀN (Bộ môn Quản trị Kinh doanh, Khoa Kinh tế - Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Hồng Đức)

TÓM TẮT:

Hiện nay, nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm nông sản đặc sản ngày càng lớn và đã có doanh nghiệp bắt tay vào việc khôi phục, nhân rộng các giống đặc sản quý này để cung ứng. Nông sản đặc sản đang được đánh giá là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của nhiều địa phương có lợi thế cạnh tranh về điều kiện khí hậu thổ nhưỡng. Tuy nhiên, làm thế nào để khai thác hiệu quả nguồn lực đó là vấn đề quan trọng cần nghiên cứu sâu và là trăn trở của nhiều địa phương, doanh nghiệp. Bài viết này đi sâu nghiên cứu và đề xuất giải pháp phát triển sản phẩm nông sản đặc sản cho các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất nông sản đặc sản miền núi trong giai đoạn tới.

Từ khóa: Nông sản, đặc sản, miền núi, tỉnh Thanh Hóa.

1. Về điều kiện tự nhiên cho sản xuất nông sản đặc sản

Miền núi Thanh Hóa có diện tích tự nhiên 7.984,62 km2 (bằng 71,8% diện tích cả tỉnh) gồm 11 huyện: Thạch Thành, Cẩm Thủy, Ngọc Lạc, Lang Chánh, Như Xuân, Như Thanh, Thường Xuân, Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát. Phía Bắc giáp tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Ninh Bình; phía Nam và Tây Nam giáp tỉnh Nghệ An; phía Tây giáp tỉnh Hủa Phăn - CHDCND Lào; phía Đông là vùng đồng bằng. Miền núi Thanh Hóa có địa hình phức tạp, nhiều núi cao, độ dốc lớn và chia cắt mạnh bởi các sông, suối; độ cao trung bình toàn vùng từ 600 m - 700 m (so với mặt nước biển), độ dốc trên 25 độ, vùng giáp ranh với vùng đồng bằng có độ cao 150 m - 200 m, độ dốc từ 15 - 20 độ; có những dãy núi đá vôi với các đỉnh cao từ 1.000 m đến 1.500 m; có thể chia làm 3 vùng địa hình như sau:

Vùng núi cao: Gồm các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân có diện tích tự nhiên: 5.200,1 km2, chiếm 65,13% diện tích toàn vùng. Vùng này địa hình hiểm trở, có các dãy núi kéo dài thành dải theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, nối tiếp nhau từ huyện Mường Lát, qua Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, có các đỉnh cao trên 1.000 m như đỉnh Phu Pha Phong cao 1.550 m. Các sông suối chảy qua vùng này có độ dốc lớn, có nhiều khả năng phát triển thuỷ điện.

Vùng núi thấp: Gồm các huyện Thạch Thành, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, có diện tích tự nhiên: 1.474,71 km2, chiếm 18,47% diện tích toàn vùng. Địa hình dốc từ Tây sang Đông, độ cao trung bình toàn vùng trên 300 m, cá biệt có những vị trí cao gần 1.000 m, có đỉnh Bù Chó 1.563 m; Bù Ham 1.119 m; có nhiều thung lũng hiểm trở. Là vùng thượng nguồn Sông Chu, sông suối có nhiều ghềnh thác có tiềm năng cho phát triển thủy điện.

Vùng đồi phía Nam: Gồm các huyện Như Xuân, Như Thanh, có diện tích tự nhiên: 1.308,24 km2 chiếm 16,4% diện tích toàn vùng; là vùng đồi thấp, độ cao trung bình dưới 200 m; đất đai màu mỡ, thuận lợi cho phát triển các vùng cây công nghiệp, cây ăn quả và trồng rừng sản xuất.

Về đất đai: Tổng diện tích tự nhiên toàn vùng là: 798.462 ha, trong đó: Đất sản xuất nông nghiệp: 103.420 ha, chiếm 13% diện tích tự nhiên toàn vùng và chiếm 41% diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh (toàn tỉnh 250.178 ha).

Đất lâm nghiệp: 603.267 ha, chiếm 68,27%; 93% đất lâm nghiệp toàn tỉnh (toàn tỉnh 647.676 ha).

Đất phi nông nghiệp: 46.243 ha, chiếm 7,3%, bao gồm: Đất ở: 20.462 ha, chiếm 3,7%; Đất chuyên dùng: 26.098 ha, chiếm 3,6%.

Nhìn chung, điều kiện tự nhiên của khu vực miền núi, đặc biệt là điều kiện khí hậu, thời tiết và địa hình đặc thù của một số địa bàn đã tạo điều kiện thuận lợi để khu vực miền núi có thể sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, đặc sản của vùng.

2. Về tình hình sản xuất các sản phẩm đặc trưng, đặc sản ở khu vực các huyện miền núi Thanh Hóa hiện nay

Mặc dù nói đến sản phẩm nông nghiệp đặc sản của miền núi thì khá đa dạng, phong phú, nhưng nhìn chung, sản xuất các sản phẩm đặc trưng, đặc sản ở khu vực các huyện miền núi còn nhỏ lẻ, chưa tập trung (đây cũng là đặc thù của sản xuất sản phẩm đặc sản, chỉ sản xuất được trong một khu vực có điều kiện thời tiết, địa hình nhất định). Ngoài một số sản phẩm được sản xuất đã được biết đến rộng rãi như Lúa nếp hạt cau, khoai mán vàng (Thạch Lập, Ngọc Lạc ); Vịt Cổ lũng (Cỗ lũng, Bá Thước); Quế (và các sản phẩm về Quế, Thường Xuân); Nghệ dược liệu (tinh bột nghệ, Thạch Thành, Lang Chánh); Mía tím Kim Tân (Thạch Thành); Quýt hôi Quốc Thành (Bá Thước)… đã được quy hoạch sản xuất, có sự tham gia của HTX hoặc các doanh nghiệp, còn phần lớn các sản phẩm còn lại được sản xuất lẻ tẻ trong các hộ dân ở các địa bàn khác nhau (như Măng tây tím, Mật ong rừng, Giảo cổ lam, Hành chăm, tỏi cô đơn…).

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa trong những năm qua đã tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng, đặc biệt là quy hoạch sản xuất trên cơ sở phát huy lợi thế và nhu cầu thị trường tạo những bước chuyển mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp, trong đó có các sản phẩm đặc trưng, đặc sản, thế mạnh của vùng. Một số kết quả như:

Đối với lĩnh vực trồng trọt, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ cây có hiệu quả thấp sang trồng cây có hiệu quả cao hơn; đưa các giống mới có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao vào sản xuất; phát triển sản xuất trồng trọt gắn với chế biến và xác định rõ một số vùng nguyên liệu tập trung cho các nhà máy chế biến, như: Vùng lúa thâm canh 62.132 ha, tăng 15,1% so với năm 2013; vùng nguyên liệu mía 29.550 ha; vùng nguyên liệu sắn 11.868 ha, tăng 40,7%; vùng SX giống lúa lai F1 700 ha, vùng cao su 18.150 ha, vùng cói 3.000 ha,…

Toàn tỉnh đã chuyển đổi được 8.012 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các cây có giá trị cao hơn, gồm: Rau các loại 1.703 ha, ngô thâm canh 1.595 ha, ớt 1.433 ha, thuốc lào 978 ha, mía 232 ha, lúa - cá 307 ha, khoai mán 217 ha, khoai tây 128 ha, lạc 286 ha, hoa 87 ha, ngô dày 100 ha,…

Triển khai 163 mô hình liên kết sản xuất, xây dựng cánh đồng mẫu lớn với diện tích 28.637 ha. Tập trung phát triển các sản phẩm lợi thế: Lúa thâm canh năng suất, chất lượng cao 62.132 ha, tăng 15,1% so với năm 2013; ngô thâm canh 6.668 ha, tăng 2,2 lần; mía thâm canh 6.669 ha, tăng 1,76 lần; rau an toàn 225,7 ha, tăng 41,1%; cây ăn quả 2.500; hoa, cây cảnh 525,9 ha; cây làm thức ăn chăn nuôi 1.976 ha. Giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng trọt tăng từ 69,5 triệu đồng/ha năm 2013 lên 75,1 triệu đồng/ha năm 2015.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi: Từ năm 2013 đến nay, mỗi năm sử dụng khoảng 3.000 liều tinh trâu Murrah (Ấn Độ) lai tạo với đàn trâu địa phương; hàng năm sử dụng khoảng 45.000 liều tinh bò Brahman lai tạo với đàn bò địa phương, nâng tỷ lệ đàn bò lai zebu đạt 60% và tỷ lệ máu Brahman trong bò lai zebu đạt rừ 50-75% và du nhập một số giống bò: Drouhgtmaster, RedAgus để phối giống với đàn bò cái nền lai zebu nhằm nâng cao năng suất và chất lượng đàn bò thịt. Trên địa bàn tỉnh có 7 cơ sở nuôi giữ 1.700 lợn nái ngoại cấp ông bà, hàng năm sản xuất khoảng 8.000 -  10.200 lợn cái hậu cấp bố mẹ; Công ty CP Giống và Phát triển gia cầm Thanh Hóa nuôi giữ trên 2.000 con gà giống gốc, trên 4.000 con vịt giống gốc, 500 con ngan Pháp giống gốc. Hàng năm sản xuất 140.000 gà mái hậu bị bố mẹ, 280.000 vịt mái hậu bị bố mẹ, 25.000 ngan mái hậu bị bố mẹ.

3. Về phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch phục vụ sản xuất nông nghiệp, sản phẩm đặc sản

Một số kết quả phát triển chế biến, bảo quản, cơ giới hóa: Chế biến nông, lâm, thủy sản: Năm 2015, sản lượng đường đạt 167.600 tấn, bằng 77,8% so với năm 2013; tinh bột sắn 43.600 tấn, tăng 46,1%; giấy, bìa các loại 30.325 tấn, tăng 4,7%; nước mắm 42,5 triệu lít, tăng 9,4%; hải sản đông lạnh 31.520 tấn, tăng 23,7%; surimi 2.710 tấn, tăng 68,7%. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 84,55 triệu USD, tăng 17,8%; trong đó, chính ngạch 42,22 triệu USD, tiểu ngạch 42,33 triệu USD. Cơ điện trong nông nghiệp nông thôn: Tỷ lệ diện tích các cây trồng chính được áp dụng cơ giới năm 2015 đều tăng so với năm 2013: Khâu làm đất 81,93%, tăng 12,23%; khâu gieo trồng 4,46%, tăng 1,36%; khâu chăm sóc 4,35%, tăng 0,55%; khâu thu hoạch 35,23%, tăng 0,13%. Kết quả vay vốn mua máy móc thiết bị giảm tổn thất trong nông nghiệp từ năm 2013 đến tháng 6/2016: 510 tổ chức, cá nhân (3HTX, 362 hộ gia đình, 144 cá nhân và 1 doanh nghiệp) vay 140.091 triệu đồng, lãi suất hỗ trợ 17.516 triệu đồng.

Phát triển thị trường tiêu thụ nông sản: Giai đoạn 2013-2015, đã hỗ trợ 24 doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh tham gia các kỳ Hội chợ triển lãm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thường niên; hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, chương trình người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, các chương trình hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh… Các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Thanh Hóa đã tham gia xuất khẩu đến nhiều thị trường, giá trị xuất khẩu không ngừng tăng qua các năm, thị trường châu Á chủ yếu vẫn là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan; thị trường Châu Âu chủ yếu là Nga, Pháp, Belarut, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý, Mỹ.

Doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản: Toàn tỉnh hiện có 6.829 cơ sở xay xát gạo, 1.481 hộ và cơ sở chế biến bún, miến, bánh, mì khô; 1.146 cơ sở chế biến bánh kẹo; 882 hộ chế biến đậu phụ; 03 nhà máy chế biến sắn với tổng công suất 1.990 tấn củ tươi/ngày; 04 nhà máy mía đường với tổng công suất 19.500 tấn mía cây/ngày; 01 nhà máy chế biến cao su với công suất 3.000 tấn/năm. Ngoài ra còn có một số cơ sở chế biến rau quả xuất khẩu quy mô nhỏ, như: Xí nghiệp Chế biến rau quả xuất khẩu Bút Sơn; Nhà máy Chế biến rau quả xuất khẩu Hà Trung; Xí nghiệp Chế biến măng xuất khẩu Bá Thước; Nhà máy Chế biến rau quả Thống Nhất… Toàn tỉnh hiện có 114 doanh nghiệp, 835 cơ sở và 28 làng nghề có hoạt động chế biến lâm sản; 58 doanh nghiệp chế biến gỗ, 56 doanh nghiệp chế biến tre, luồng. Giai đoạn 2011-2015, bình quân mỗi năm trên địa bàn tỉnh chế biến tiêu thụ 5.000 - 10.000 m3 gỗ gia dụng và xây dựng, 30.000 - 110.000 m3 dăm gỗ; 20.000 - 75.000 m2 ván gỗ công nghiệp, ván ghép; 6.000 - 15.000 tấn đũa, hương; 2 - 6 triệu m2 cót ép; 4 - 6,5 triệu sản phẩm hàng mây tre… Toàn tỉnh hiện có 76 doanh nghiệp chuyên chế biến, kinh doanh xuất khẩu thủy sản với tổng vốn đầu tư khoảng 1.112 tỷ đồng, tổng công suất khoảng 280.000 tấn sản phẩm thủy sản/năm; tổng sản lượng khai thác, nuôi trồng và thu mua thủy sản mới đáp ứng khoảng 60% nhu cầu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

4. Về một số giải pháp thúc đẩy sản xuất nông sản đặc sản miền núi trong giai đoạn tới

Một là, tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách.

Triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương đã ban hành về phát triển nông nghiệp, nông thôn, như: Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013; Chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ theo Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 04/9/2014… Thông qua các cơ chế, chính sách sẽ tác động tích cực tới việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung; khắc phục tính nhỏ lẻ trong sản xuất nông sản nói chung và nông sản đặc sản miền núi nói riêng. 

Các cơ chế, chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tập trung vào các nội dung như: Hỗ trợ xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao tại các xã miền núi; sản xuất rau an toàn tập trung; mua máy thu hoạch mía và hệ thống tưới mía mặt ruộng; vùng luồng thâm canh; hỗ trợ sản xuất tập trung quy mô lớn; kinh phí thuê đất, thuê mặt nước; hạ tầng khu trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn; liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm trồng trọt; giải phóng mặt bằng cho các doanh nghiệp.

Hai là, đẩy mạnh phát triển các HTX khu vực miền núi, các hình thức hợp tác liên kết thúc đẩy tiêu thụ nông sản đặc sản.

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển các Hợp tác xã nông nghiệp: Hiện nay, toàn tỉnh có 553 HTXNN, tăng 23 HTX so với năm 2013; tổng số HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 là 299 HTX, chiếm 54%. Kết quả phân loại HTX: 197 HTX khá, tăng 12 HTX so với năm 2013; 265 HTX trung bình, tăng 16 HTX; 91 HTX yếu kém, tăng 5 HTX. Hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp tuy đã có chuyển biến, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã viên, song chủ yếu vẫn là dịch vụ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp.

Trên cơ sở đó, tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác: Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho các cán bộ quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác; phát hiện, tổng kết các mô hình thực tiễn về kinh tế hợp tác, hợp tác xã để phổ biến, nhân rộng thông qua các chương trình bồi dưỡng, tập huấn phù hợp. HTX sẽ là trung tâm phát triển các hình thức liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, đặc biệt là đối với các nông sản đặc sản miền núi Thanh Hóa trong điều kiện chưa có tem nhãn, thương hiệu, xác nhận nguồn gốc.

Ba là, thu hút các doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm khu vực miền núi.

Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Mở rộng các hình thức hợp tác công tư (PPP) trong phát triển sản xuất và xây dựng kết cấu hạ tầng; ứng dụng công nghệ cao, tăng cường huy động các nguồn vốn ưu đãi đầu tư phát triển các sản phẩm nông nghiệp lợi thế; kết hợp giữa huy động nguồn vốn đầu tư của Nhà nước với đóng góp của các tổ chức, cá nhân và nhân dân để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất như thủy lợi nhỏ, kiên cố hóa kênh mương, giao thông nông thôn… Huy động vốn đầu tư của khu vực dân cư và các thành phần kinh tế khác để phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp lợi thế, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp.

Bốn là, đẩy mạnh đào tạo nghề cho nông dân khu vực các huyện miền núi Thanh Hóa.

Thông qua đào tạo nghề cho nông dân sẽ nâng cao năng lực sản xuất cho các hộ dân. Hiện nay, sản xuất nông sản nói chung, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng đặc sản nói riêng của bà con chủ yếu dựa trên kinh nghiệm và tự đào tạo. Do đó, tập trung đào tạo nâng cao chất lượng lao động khu vực miền núi là giải pháp quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất nông sản đặc sản. Tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật, nông dân nòng cốt phù hợp với các yêu cầu phát triển mới của các địa phương (quản lý thủ công, thú y, bảo vệ thực vật, khuyến nông, kiểm lâm, kiểm ngư, cán bộ HTX,…); gắn kết chặt chẽ việc xây dựng các mô hình khuyến nông với đào tạo kỹ thuật cho nông dân.

Năm là, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật về nhân, sản xuất các dòng, giống cây trồng, vật nuôi mới đáp ứng yêu cầu phát triển các sản phẩm nông nghiệp mà khu vực miền núi có lợi thế.

Trong trồng trọt, sản xuất và ứng dụng rộng rãi các giống cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt và khả năng chống chịu sâu bệnh, điều kiện thời tiết bất thuận cao; từng bước sử dụng giống cây trồng biến đổi gen (ngô, đậu tương…); mở rộng nhanh cơ giới hóa các khâu sản xuất. Trong chăn nuôi, ứng dụng công nghệ di truyền để chọn lọc giống, tạo giống chất lượng và bảo tồn nguồn gen; sản xuất giống mới có năng suất, chất lượng cao. Đẩy mạnh sản xuất nông sản an toàn, nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Tập trung đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm nông nghiệp tinh hoa có giá trị kinh tế, giá trị mỹ thuật phục vụ nhu cầu đời sống ngày càng cao của nhân dân trong và ngoài tỉnh, như: Nấm (nấm ăn, nấm dược liệu), cây dược liệu, hoa cây cảnh,…

Sáu là, đầu tư phát triển công nghiệp chế biến gắn với các vùng nguyên liệu sản xuất các sản phẩm lợi thế của tỉnh, đặc biệt là các công nghệ chế biến theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Niên giám thống kê Thanh Hóa (2016, 2017), Nhà xuất bản Thống kê.
  2. Báo cáo thường niên (2014, 2015, 2016, 2017) của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa.
  3. http://khoahocphattrien.vn/tin-tuc/viet-nam-dang-o-trinh-do-cua-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-nao/ 2017072602125941p1c882.htm
  1. http://www.tapchicongsan.org.vn/home/kinh-te/2018/52635/xay-dung-va-phat-trien-thuong-hieu-nong-san-viet-nam-trong.aspx
  2. http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2018-06-05/hien-ke-phat-trien-thi-truong-nong-san-viet-58339.aspx

SOLUTIONS TO PROMOTE THE PRODUCTION OF SPECIALTY AGRICULTURAL PRODUCTS IN MOUNTAINOUS DISTRICTS OF THANH HOA PROVINCE IN THE CURRENT PERIOD

Master. NGUYEN THI HUYEN

Department of Business Administration, Faculty of Economics – Business Administration, Hong Duc University

ABSTRACT:

Currently, the consumer demand for specialty agricultural products is growing and enterprises have begun to produce specialty agricultural products to meet this demand. Specialty agricultural products are being considered as main agricultural products of many localities which have competitive advantages on climate and soil conditions. However, how to effectively exploit these competitive advantages is an important issue that needs deep researches. This matter is also a concern of many localities and enterprises. This article is to analyze this matter in detail and propose solutions to develop specialty agricultural products for mountainous districts of Thanh Hoa province to contribute to the promotion of producing mountainous specialty agricultural products in the coming period.

Keywords: Agricultural products, specialties, mountainous areas, Thanh Hoa province.