Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định của Luật Thi hành án dân sự Việt Nam

ThS, NCS TRẦN CÔNG THỊNH (Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội)

TÓM TẮT:

Luật Thi hành án dân sự 2008, sửa đổi bổ sung 2014 được ban hành đã góp phần làm cho công tác thi hành án dân sự có những chuyển biến tích cực, bảo đảm thực hiện được mục đích xét xử của Tòa án, bảo vệ được lợi ích của Nhà nước, bảo vệ được các quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và công dân. Tuy nhiên, thực tiễn cũng chỉ ra rằng, nhiều quy phạm pháp luật đã bộc lộ những bất cập, cần tiếp tục được hoàn thiện. Bài viết đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định của Luật Thi hành án dân sự Việt Nam.

Từ khóa: Thi hành án dân sự, chấp hành viên, vô tư, khách quan, người thân thích.

 1. Đặt vấn đề

Luật Thi hành án dân sự (THADS) 2008 có hiệu lực từ ngày 01/7/2009 (và được sửa đổi bổ sung một số điều năm 2014, có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2015) là một cơ sở pháp lý quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức THADS. Việc ban hành Luật THADS với các quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung kịp thời và được áp dụng trong thực tiễn đã góp phần làm cho công tác THADS có những chuyển biến tích cực, bảo đảm thực hiện được mục đích xét xử của Tòa án, bảo vệ được lợi ích của Nhà nước, bảo vệ được các quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và công dân; củng cố hiệu lực của pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của các cơ quan bảo vệ pháp luật nói chung và cơ quan THADS nói riêng. Tuy nhiên, thực tiễn cũng chỉ ra rằng, nhiều quy phạm pháp luật đã bộc lộ những bất cập, cần tiếp tục được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và hướng dẫn áp dụng để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác THADS, bảo đảm nhanh chóng, kịp thời và chính xác quyền và lợi ích chính đáng của các chủ thể khi tham gia quan hệ pháp luật THADS. Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích và đề xuất hoàn thiện một số quy phạm pháp Luật THADS.

2. Nội dung

2.1. Về những việc Chấp hành viên (CHV) không được làm

Nhằm đảm bảo sự liêm chính, khách quan, vô tư của CHV trong quá trình thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cũng như của các cơ quan có thẩm quyền, Điều 21 Luật THADS quy định CHV không được làm những việc sau đây:

  1. Những việc mà pháp luật quy định công chức không được làm.
  2. Tư vấn cho đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan dẫn đến việc THA trái pháp luật.
  3. Can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết vụ việc thi hành án hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người có trách nhiệm THA.
  4. Sử dụng trái phép vật chứng, tiền, tài sản THA.
  5. Thực hiện việc THA liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người sau đây:

a) Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi

b) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của CHV, của vợ hoặc chồng của CHV;

c) Cháu ruột mà CHV là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì.

   6. Sử dụng thẻ CHV, trang phục, phù hiệu THA, công cụ hỗ trợ để làm những việc không thuộc nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

   7. Sách nhiễu, gây phiền hà cho cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ THA.

   8. Cố ý thi hành trái nội dung bản án, quyết định; trì hoãn hoặc kéo dài thời gian giải quyết việc THA được giao không có căn cứ pháp luật.

 - Trong các quy định nêu trên, tác giả cho rằng, quy định tại khoản 2 (CHV không được tư vấn cho đương sự, cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan dẫn đến việc THA trái pháp luật) là chưa hợp lý, cần được sửa đổi, bổ sung.

Trước hết, cần phải khẳng định việc quy định CHV không được tư vấn cho đương sự, cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan dẫn đến việc THA trái pháp luật là rất cần thiết. Có thể thấy, trong quá trình thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, CHV chính là người thường xuyên phải động chạm [1] đến đời sống kinh tế, vật chất và tinh thần của người phải THA và quyền lợi hợp pháp của người được THA, do vậy nhất thiết CHV phải khách quan vô tư, phải đảm bảo sự công bằng, bình đẳng đối với các bên đương sự. Thực tiễn cho thấy, có những CHV vì vụ lợi hoặc vì có mối quan hệ cá nhân, tình cảm nên đã tư vấn có lợi cho một trong các bên đương sự dẫn đến việc THA trái pháp luật; nhiều CHV đã bị kỷ luật, thậm chí phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi tư vấn trái pháp luật cho đương sự.

Ví dụ: Bị cáo Văn Công Mới (nguyên Chi cục trưởng Chi cục THADS Huyện Mỹ Tú) và Nguyễn Văn Luân (nguyên cán bộ Chi cục THADS Huyện Mỹ Tú) đã có nhiều sai phạm, có hành vi tư vấn cho đương sự dẫn đến việc THA trái pháp luật và vào ngày 22/8/2018, TAND Tỉnh Sóc Trăng đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với 02 bị cáo này, cùng bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” [2]; Hay gần đây, tại Bình Định, bà Phan Thị Chúc, Chấp hành viên, Chi cục THA huyện Hoài Nhơn  bị ông  Nguyễn Thanh Hùng, người được THA (ở thôn Thiện Đức Đông, xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) tố cáo là đã nhiều lần đã “hiến kế” cho người phải THA tìm cách tẩu tán tài sản để “né” THA [3].

- Tuy nhiên, điều tác giả băn khoăn ở đây là phạm vi người mà CHV không được tư vấn ở đây có quá hẹp hay không. Luật chỉ quy định CHV không được tư vấn cho đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan dẫn đến việc THA trái pháp luật. Vậy còn đối với những người khác, giả sử như là vợ hoặc chồng của đương sự; hoặc là người thân thích khác của đương sự (như cha mẹ của đương sự, con của đương sự, anh chị em ruột của đương sự) thì CHV có được tư vấn cho những người này dẫn đến việc THA trái pháp luật hay không? Đặt giả thiết trong quá trình tổ chức THA, quyết định của Tòa án, A là đương sự, A không trực tiếp gặp mặt X (CHV) nhưng lại để cho vợ mình là B đi quan hệ, gặp gỡ, nhờ vả X, sau đó X đã tư vấn cho B để sau đó chồng B là A thực hiện việc tẩu tán tài sản, né tránh việc thi hành nghĩa vụ của mình thì có vi phạm pháp luật về THADS hay không? Và trong trường hợp này nếu C (đương sự còn lại) biết được việc này thì C có quyền yêu cầu Thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định thay đổi CHV X hay không? Nếu căn cứ vào quy định tại Điều 10, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS thì đây không phải là căn cứ để đương sự có quyền yêu cầu thay đổi CHV:

Đương sự có quyền yêu cầu thay đổi CHV trong trường hợp sau đây[4]:

a) Thuộc trường hợp quy định tại Khoản 5 Điều 21 Luật THADS;

b) CHV đã tham gia với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng trong cùng vụ án đó;

c) CHV chậm trễ giải quyết việc THA;

d) Có căn cứ khác cho rằng CHV không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.

Hay chúng ta có thể lý giải là việc tư vấn trái pháp luật cho những người thân thích của A nêu trên thuộc về căn cứ tại điểm d: “Có căn cứ khác cho rằng CHV không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.”? hoặc căn cứ vào điểm g khoản 1 Điều 7, điểm e khoản 1 Điều 7a Luật THADS về quyền, nghĩa vụ của người được THA, người phải THA đã quy định quyền được yêu cầu thay đổi CHV trong trường hợp có căn cứ cho rằng CHV không vô tư khi làm nhiệm vụ. Theo tác giả suy luận như vậy cũng chưa hợp lý vì trên thực tế, Luật THADS và các Nghị định hướng dẫn thi hành không có quy định nào giải thích hiểu thế nào là có căn cứ hoặc có căn cứ khác cho rằng CHV không vô tư trong khi làm nhiệm vụ. Chính vì sự thiếu sót này dẫn đến thực trạng cơ quan THADS “tùy nghi” chấp thuận yêu cầu của đương sự, tức là cùng một sự việc hay cùng một hành vi, khi đương sự có đơn yêu cầu thay đổi CHV, có lúc cơ quan THADS chấp nhận yêu cầu của đương sự, nhưng cũng có trường hợp cơ quan THADS cho rằng không có căn cứ nên không chấp nhận.

- Từ những phân tích nêu trên, tác giả đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 21 Luật THADS theo hướng dẫn: “CHV không được tư vấn cho đương sự, người thân thích của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan dẫn đến việc THA trái pháp luật”.

2.2. Về thời hiệu yêu cầu THADS

Khoản 1 Điều 30 Luật THADS quy định: “Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được THA, người phải THA có quyền yêu cầu cơ quan THADS có thẩm quyền ra quyết định THA.” Trước đây, Pháp lệnh THADS năm 1993 chưa quy định quyền yêu cầu THADS của người phải THADS, nhưng xuất phát từ thực tiễn thi hành Pháp lệnh THADS năm 1993, trong nhiều trường hợp vì nhiều lý do khác nhau, người được THA không làm đơn yêu cầu THA ngay sau khi có bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật; trong khi đó, người phải THA đã có điều kiện thi hành, hơn thế, mong muốn nhanh chóng  thực hiện xong nghĩa vụ của mình. Vì vậy, Pháp lệnh THADS năm 2004 đã được bổ sung quy định người phải THA cũng có quyền làm đơn yêu cầu THA và đến nay Luật THADS năm 2008 vẫn duy trì quy định này. Mục đích của việc bổ sung quy định này là nhằm khuyến khích ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người phải THA cũng như để đảm bảo quyền lợi của họ trong trường hợp cần thiết (ví dụ: Nếu thi hành án xong thì họ sẽ được xác nhận và đảm bảo thủ tục xuất nhập cảnh, hoặc để làm điều kiện xét giảm án phạt tù,...).

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là có nên giới hạn thời hiệu yêu cầu THA đối với người phải THA hay không? Thực tiễn áp dụng cho thấy có những trường hợp người phải THA vì nhiều lý do khách quan và chủ quan họ đã không hoặc không thể yêu cầu THA trong thời hạn luật định, sau thời hạn 05 năm họ mới làm đơn yêu cầu THA thì cơ quan THADS có chấp nhận và giải quyết hay không? Chúng ta cùng xem xét trường hợp sau:

Bản án hình sự sơ thẩm số 169/HSST ngày 31/5/2006 của Tòa án nhân dân tinh Nghệ An tuyên phạt bị cáo Hồ Nguyên Hưng hình phạt chung thân do bị cáo Hưng đã thực hiện hành vi giết người, cướp tài sản đối với nạn nhân là chị Hoàng Thị Tình; Tòa cũng buộc bị cáo Hưng phải bồi thường cho gia đình nạn nhân do ông Hoàng Xuân Tới đại diện số tiền 96.400.000 đ. Hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị theo luật định, bản án, quyết định của Tòa án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật. Trong suốt 05 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, không có bên đương sự nào làm đơn yêu cầu THA đối với khoản tiền bồi thường 96.400.000đ.

Cho đến ngày 22/8/2019, bà Trần Thị Phấn là mẹ đẻ của Hồ Nguyên Hưng được ủy quyền mới đến cơ quan THADS xin được tự nguyện THA khoản tiền 96.400.000đ theo bản án. Căn cứ theo quy định của Luật THADS, thời hiệu yêu cầu THA đã hết từ lâu. Người yêu cầu THA là bà Trần Thị Phấn được sự ủy quyền hợp lệ theo quy định của pháp luật dân sự. Xét về động cơ thực tế cùa việc bà Trần Thị Phấn yêu cầu được THA thay cho con, là để Hồ Nguyên Hưng được hưởng thêm tình tiết xét giảm án theo quy định của Luật THAHS và Luật Đặc xá. Đối với người được THA là ông Hoàng Xuân Tới, ông Tới trình bày lý do đã không yêu cầu THA đối với khoản tiền bồi thường 96.400.000đ là vì Hồ Nguyên Hưng đã bị tuyên phạt chung thân; mặt khác bản thân Hồ Nguyên Hưng cũng không có tài sản, điều kiện để bồi thường nên gia đình ông chưa làm đơn đề nghị; thêm vào đó ông Tới cũng trình bày là do không biết đến quy định pháp luật về thời hiệu yêu cầu THA nên đã không thực hiện quyền lợi của cho gia đình mình.

Câu hỏi đặt ra là trong trường hợp này là cơ quan THADS sẽ làm gì? sẽ giải thích cho đương sự là đã hết thời hiệu yêu cầu THA và không nhận đơn yêu cầu THA [5] hay sẽ chấp nhận đơn yêu cầu THA của bà Trần Thị Phấn?

Theo quan điểm của tác giả, mặc dù thời hiệu yêu cầu THA đã hết từ lâu; tuy nhiên, nguyên tắc của pháp luật THA là luôn khuyến khích các đương sự tự nguyện THA. Trong trường hợp này lại là sự tự nguyện của gia đình người phải THA có sự ủy quyền cùa người phải THA xin được nộp tiền để THA, vì vậy, cần ghi nhận sự tự nguyện này để chấp nhận yêu cầu THA. Và nếu được chấp thuận việc nộp khoản tiền bồi thường để THA thì Hồ Nguyên Hưng có cơ hội được xem xét miễn giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Luật Đặc xá 2018[6]. Việc chấp thuận này không chi có lợi cho người được THA, người phải THA mà còn thu thêm một khoản phí THA nộp vào ngân sách nhà nước, đồng thời bản án được thi hành một cách triệt để.

Quy định về thời hiệu yêu cầu THADS là cần thiết, tuy nhiên, thời hiệu này chỉ nên áp dụng đối với người được THA, còn đối với nguời phải THA thì không nên quy định thời hiệu. Như vậy, người phải THA cũng như gia đình cùa họ không bị giới hạn thời gian khi muốn thực hiện trách nhiệm của mình khi có điều kiện THA bằng hình thức tích cực lao động sản xuất, kinh doanh để tiết kiệm một khoản tiền THA. Việc không quy định thời hiệu yêu cầu THADS đối với người phải THA sẽ tạo điều kiện cho họ có thêm cơ hội để thực hiện nghĩa, vụ trách nhiệm của mình (và cũng để tạo điều kiện cho người phải THA hình sự được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước trong các đợt xét giảm án hình sự).

Từ những phân tích nêu trên, tác giả đề xuất nên sửa đổi khoản 1 Điều 30 Luật THADS theo hướng tách riêng thời hiệu yêu cầu THADS của người được THA và thời hiệu yêu cầu THADS của người phải THA, cụ thể như sau:

+ Thời hiệu yêu cầu THADS của người được thi hành án là 5 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.

+ Không quy định thời hiệu yêu cầu THADS đối với người phải THA kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Trường hợp người phải THADS tự nguyện THA mà người được THA không nhận thì số tiền (tài sản) đó sẽ được sung công quỹ Nhà nước.

2.3. Về hình thức nộp đơn yêu cầu THADS

Khoản 1 Điều 31 Luật THADS 2008, sửa đổi bổ sung 2014 quy định về hình thức nộp đơn yêu cầu THADS như sau: “Đương sự tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án bằng hình thức trực tiếp nộp đơn hoặc trình bày bằng lời nói hoặc gửi đơn qua bưu điện. Người yêu cầu phải nộp bản án, quyết định, tài liệu khác có liên quan; Ngày yêu cầu thi hành án được tính từ ngày người yêu cầu nộp đơn hoặc trình bày trực tiếp hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi.”

Như vậy, theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật THADS thì đương sự có 02 cách thức để nộp đơn yêu cầu thi hành án, đó là trực tiếp nộp (hoặc trực tiếp trình bày tại cơ quan thi hành án) hoặc gửi đơn qua con đường bưu điện. Tuy nhiên, khi so sánh với việc gửi đơn khởi kiện của đương sự trong vụ án dân sự [7] và của người khởi kiện trong vụ án hành chính [8] thì có thể thấy cánh thức nộp đơn yêu cầu THADS trong Luật THADS “vừa thiếu lại vừa yếu”.

Bộ Luật TTDS 2015 và Luật TTHC 2015 quy định cách thức nộp đơn rộng hơn (3 hình thức: nộp đơn trực tiếp; gửi đơn qua dịch vụ bưu chính; gửi đơn trực tuyến qua Cổng thông tin điện tử). Điều này cũng phù hợp với thực tiễn đời sống, bởi lẽ trong những năm gần đây, dịch vụ nhận, gửi, chuyển phát thư tín, tài liệu, hàng hóa ngày càng phát triển cả về quy mô, số lượng và chất lượng. Nếu như trước đây, bưu điện gần như là đơn vị duy nhất thực hiện chức năng chuyển phát thì trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, rất nhiều các cá nhân, cơ quan, tổ chức cũng được phép tham gia hoạt động trong lĩnh vực này. Hiểu theo cách khác, dịch vụ giao nhận, chuyển phát thư tín, tài liệu, hàng hóa đã được xã hội hóa (dịch vụ bưu chính) với sự tham gia hoạt động của đông đảo các đơn vi, tổ chức của tư nhân cũng như của Nhà nước. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể khi tham gia vào mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội nói chung, cũng như tạo thuận lợi cho các chủ thể của các quan hệ pháp luật tố tụng dân sự, tố tụng hành chính nói riêng khi họ muốn khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp nhằm bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích chính đáng của mình. Bên cạnh đó, việc quy định hình thức gửi đơn trực tuyến qua cổng thông tin điện tử trong Bộ luật TTDS cũng như Luật TTHC cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các đương sự hoặc người khởi kiện trong việc yêu cầu Tòa án kịp thời tiếp nhận và xử lý các yêu cầu hợp pháp, chính đáng của mình; điều này cũng phù hợp với xu hướng phát triển về khoa học kỹ thuật, về hạ tầng công nghệ thông tin của đất nước ta trong những năm gần đây. 

          Do vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho các đương sự trong THADS, cũng như để tương thích với các quy định của pháp luật tố tụng nói chung, nhất là tố tụng dân sự nói riêng (pháp luật tố tụng dân sự và pháp luật THADS có sự gắn kết với nhau, trong nhiều trường hợp có thể coi THADS là một giai đoạn kế tiếp của tố tụng dân sự), tác giả đề xuất khoản 1 Điều 31 Luật THADS cần được sửa đổi, bổ sung như sau:

Đương sự tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu THA bằng một trong các phương thức:

  1. Nộp đơn trực tiếp hoặc trình bày trực tiếp tại cơ quan THADS;
  2. Gửi đơn đến cơ quan THADS theo đường dịch vụ bưu chính;
  3. Gửi trực tuyến qua Cổng thông tin điện tử của cơ quan THADS (nếu có).

Ngày yêu cầu THA được tính từ ngày người yêu cầu nộp đơn tại cơ quan THA hoặc ngày được ghi trên dấu của tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi. Trường hợp người yêu cầu gửi đơn bằng phương thức gửi trực tuyến quan cổng thông tin điện tử thì ngày yêu cầu là ngày gửi đơn.

2.4. Về biện pháp bảo đảm phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ

Biện pháp bảo đảm phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ là một trong ba biện pháp bảo đảm THADS. Biện pháp bảo đảm THADS là biện pháp pháp lý đặt tài sản của người phải THA trong tình trạng bị hạn chế hoặc cấm sử dụng, định đoạt nhằm ngăn chặn việc người phải THA tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh việc THA và đôn đốc họ tự nguyện thực hiện nghĩa vụ THA của mình do CHV áp dụng trước khi áp dụng biện pháp cưỡng chế THADS.

Biện pháp bảo đảm phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ được quy định tại Điều 67 Luật THADS, cụ thể như sau:

“1. Việc phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ được thực hiện trong trường hợp người phải thi hành án có tài khoản, tài sản gửi giữ.

2. Quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ phải xác định rõ số tiền, tài sản bị phong tỏa. CHV phải giao quyết định phong tỏa cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý tài khoản, tài sản của người phải THA.

Trường hợp cần phong tỏa ngay tài khoản, tài sản của người phải THA ở nơi gửi giữ mà chưa ban hành quyết định phong tỏa thì CHV lập biên bản yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý tài khoản, tài sản của người phải THA phong tỏa tài khoản, tài sản đó. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, CHV phải ra quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý tài khoản, tài sản phải thực hiện ngay yêu cầu của CHV về phong tỏa tài khoản, tài sản. Biên bản, quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản trong trường hợp này phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.

3. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ, CVH phải áp dụng biện pháp cưỡng chế hoặc ra quyết định chấm dứt việc phong tỏa theo quy định của Luật này.”

Có hai vấn đề cần bàn ở đây, thứ nhất: hiểu thế nào là phong tỏa tài khoản và thứ hai: việc CHV phải áp dụng biện pháp cưỡng chế hoặc ra quyết định chấm dứt việc phong tỏa tài khoản trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định phong tỏa tài khoản là có hợp lý hay không?

+ Thứ nhất: hiểu thế nào là phong tỏa tài khoản.

Luật THADS cũng như các văn bản hướng dẫn đều không giải thích hiểu thế nào là phong tỏa tài khoản, là phong tỏa chiều vào? phong tỏa chiều ra? hay là cả hai? Chính điều này đã gây không ít khó khăn cho CHV trong quá trình ra quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm này.

Giả sử B là người phải THA, phải thi hành nghĩa vụ trả tiền cho A (người được THA) với số tiền là 200 triệu đồng; sau khi nhận được đơn yêu cầu THA của A, CHV tiến hành xác minh biết được hiện B đang có tài khoản tại ngân hàng X với số dư là 100 triệu đồng, sau đó CHV ra quyết định phong tỏa tài khoản của B. Vậy quyết định phong tỏa này được hiểu như thế nào? Phong tỏa chiều ra (không cho phép B thực hiện bất kỳ giao dịch nào đối với số tiền 100 triệu đồng trong tài khoản)? hay phong tỏa chiều vào (cũng không cho phép bất kỳ một nguồn tiền nào được chuyển vào tài khoản của B)? hay phong tỏa cả hai chiều? Theo tác giả, phong tỏa tài khoản chỉ nên được hiểu là phong tỏa chiều ra, chứ không nên hiểu là phong tỏa chiều vào hoặc cả hai. Trong ví dụ cụ thể nêu trên, việc chỉ phong tỏa chiều ra đối với tài khoản của B chứ không phong tỏa chiều vào càng có ý nghĩa vì tại thời CHV xác minh tài sản của B và ra quyết định phong tỏa, số tiền có trong tài khoản của B nhỏ hơn so với nghĩa vụ B phải thi hành. Về mặt lý thuyết, trong thời gian 10 ngày kể từ ngày bị phong tỏa, có thể có người thứ ba sẽ chuyển một khoản tiền nhất định vào tài khoản của B và lúc đó số tiền trong tài khoản của B sẽ đủ để B thi hành nghĩa vụ trả tiền đối với A. Như vậy, trong trường hợp này, người được hưởng lợi không chỉ là B mà còn là chính A. Trong thực tiễn áp dụng hiện nay, nhiều CHV cũng đồng tình và thực hiện việc phong tỏa tài khoản của người phải THA theo hướng chỉ phong tỏa chiều ra. Tuy nhiên, để có căn cứ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho CHV trong quá trình thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của mình cũng như bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của các đương sự thì Luật THADS và các văn bản pháp luật có liên quan nên có quy định hoặc giải thích cụ thể, rõ ràng về quyết định phong tỏa tài khoản của người phải THA.

+ Thứ hai: việc CHV phải áp dụng biện pháp cưỡng chế hoặc ra quyết định chấm dứt việc phong tỏa tài khoản trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định phong tỏa tài khoản là không hợp lý.

Việc khoản 3 Điều 67 Luật THADS quy định trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ, CHV phải áp dụng biện pháp cưỡng chế hoặc ra quyết định chấm dứt việc phong tỏa sẽ chỉ hiệu quả khi số tiền trong tài khoản của người phải THA lớn hơn hoặc tương ứng với nghĩa vụ trả tiền; còn trong trường hợp số tiền trong tài khoản của người phải THA nhỏ hơn nghĩa vụ trả tiền, thậm chí còn rất ít hoặc chỉ đủ để duy trì tài khoản thì quy định nêu trên lại không hợp lý, gây lúng túng, khó khăn cho CHV trong việc áp dụng pháp luật. Ví dụ dưới đây sẽ giúp chúng ta hiểu rõ điều bất cập này.

VD: X là người được THA, Y là người phải THA. Theo bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án thì Y phải trả X số tiền vay là 150 triệu đồng. Sau khi xác minh, CHV biết được trong tài khoản của Y chỉ còn 8 triệu đồng, ngoài ra Y không có bất kỳ tài sản nào khác để đảm bảo THA (vợ chồng Y có 02 con nhỏ, Y lại đang thất nghiệp, gia đình Y vẫn đang đi thuê trọ,…). Câu hỏi đặt ra là CHV có áp dụng biện pháp bảo đảm là phong tỏa tải khoản đối với Y hay không? Nếu có thì sau khi ra quyết định phong tỏa tài khoản của Y mà hết thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định phong tỏa tài khoản nhưng trong tài khoản vẫn chỉ có 8 triệu đồng thì CHV sẽ xử lý như thế nào?

Theo quy định tại K3 Điều 67: “Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ, CHV phải áp dụng biện pháp cưỡng chế hoặc ra quyết định chấm dứt việc phong tỏa theo quy định của Luật này”. Tuy nhiên, CHV không thể áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ tiền trong tài khoản vì đến thời điểm này trong tài khoản vẫn chỉ có 8 triệu đồng (chỉ đủ để trả tiền trọ và duy trì cuộc sống ở mức tối thiểu của gia đình Y trong 01 tháng), mà CHV cũng không thể ra quyết định chấm dứt việc phong tỏa vì trong các căn cứ để ra quyết định chấm dứt phong tỏa tài khoản tại Điều 77 Luật THADS [9] thì việc tài khoản của người phải THA không có tiền hoặc có rất ít chỉ đủ đáp ứng nhu cầu cuộc sống tối thiểu không phải là căn cứ để ra quyết định chấm dứt phong tỏa. 

Từ những phân tích nêu trên, tác giả đề xuất Điều 67 Luật THADS cần được sửa đổi theo hướng quy định rõ ràng hơn về việc phong tỏa tài khoản. Ngoài ra, trong trường hợp sau khi xác minh, thấy rằng số tiền trong tài khoản của người phải THA có rất ít (chỉ đủ để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tối thiểu) hoặc chỉ còn đủ để duy trì tài khoản thì CHV không nên ra quyết định áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản (nếu ra quyết định thì lại mâu thuẫn với khoản 1 Điều 77 Luật THADS như đã được lấy ví dụ và phân tích ở trên).

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Hoàng Thảo Hà (2019). Nghề Chấp hành viên. <https://thads.moj.gov.vn/quangninh/noidung/tintuc/lists/nghiencuutraodoi/viewdetail.aspx?itemid=40>
  2. Bạch Dương (2018). Sau loạt bài điều tra của Dân trí, nguyên Chi cục trưởng thi hành án chuẩn bị hầu tòa!. <https://dantri.com.vn/ban-doc/sau-loat-bai-dieu-tra-cua-dan-tri-hai-nguyen-can-bo-thi-hanh-an-chuan-bi-hau-toa-20180806081141529.htm>
  3. Doãn Công (2016). Bình Định: Cán bộ thi hành án bị tố “hiến kế” để bị đơn tẩu tán tài sản!. <https://dantri.com.vn/ban-doc/binh-dinh-can-bo-thi-hanh-an-bi-to-hien-ke-de-bi-don-tau-tan-tai-san-20160608083218809.htm>
  4. Chính phủ Nước CHXHCN Việt Nam(2015), Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015. Khoản 1 Điều 10.
  5. Chính phủ Nước CHXHCN Việt Nam (2009), Nghị định số 58/2009/NĐ-CP. Điều 30 Luật THADS và Điều 2
  6. Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2018), Luật Đặc xá 2018, Khoản 1 Điều 11.
  7. Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2015), Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Điều 190.
  8. Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2015), Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Điều 119.
  9. Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2008), Luật Thi hành án dân sự, Khoản 1 Điều 77.

 

SOME RECOMMENDATIONS TO PERFECT REGULATIONS UNDER THE LAW ON ENFORCEMENT OF CIVIL JUDGEMENT OF VIETNAM

Ph’D. Student. TRAN CONG THINH

School of Law, Vietnam National University - Hanoi

ABSTRACT:

The Law on Enforcement of Civil Judgments 2008 (amended in 2014) has made positive changes in civil judgment execution, ensuring the implementation of the Court's trial purposes, protecting the interests of the State, and protecting the legitimate rights and interests of economic organizations, social organizations and citizens. However, the implementation of this law also reveals shortcomings which need to be further improved.

Keywords: Civil judgments execution, enforcers, objective, impartial, relatives.