Tóm tắt:

Việt Nam chủ trương chuyển hướng thu hút FDI từ số lượng sang chất lượng. Nguồn FDI đầu tư vào Việt Nam rất đa dạng, không chỉ đến từ một vài nước. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được ký kết và có hiệu lực sẽ giúp Việt Nam cải thiện chất lượng đầu tư nước ngoài, thu hút thêm vốn FDI. EVFTA không chỉ có tác dụng trong ngắn hạn, mà còn có tác dụng lâu dài trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của cả 3 cấp độ: quốc gia, doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam.

Từ khóa: EVFTA, Liên minh châu Âu, kim ngạch xuất nhập khẩu, tăng trưởng kinh tế, GDP.

1. Đặt vấn đề

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được coi là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Với Việt Nam, khi được đưa vào thực thi, EVFTA sẽ là cơ hội vàng cho hàng hóa xuất khẩu.

Thực thi EVFTA giúp Việt Nam có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó tốt hơn với các diễn biến bất lợi trong khu vực và trên trường quốc tế, đặc biệt là khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc vẫn chưa chấm dứt và tác động bất lợi của dịch Covid-19 đối với kinh tế. Việt Nam hiện đang xuất khẩu mỗi năm sang EU hơn 40 tỷ USD, trong đó xuất siêu gần 30 tỷ USD. Do vậy, Hiệp định này sẽ tạo điều kiện để thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường và thu được giá trị gia tăng cao hơn thông qua việc thiết lập các chuỗi cung ứng mới.

2. Kỳ vọng gia tăng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu

Với mức cam kết trong EVFTA, có thể thấy, Việt Nam có lợi thế lớn, bởi đây là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các Hiệp định thương mại đã ký kết. Điều này càng có ý nghĩa khi hiện nay, mới chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế GSP 0%. Như vậy, EVFTA giúp Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường EU với thuế suất ưu đãi hơn các đối thủ cạnh tranh. Kết hợp với các cam kết cao về mở cửa đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh, EVFTA chắc chắn sẽ là cú hích lớn cho đầu tư, cả đầu tư nước ngoài lẫn đầu tư trong nước, từ đó tạo ra năng lực sản xuất mới, giúp GDP tăng trưởng bền vững hơn trong dài hạn.

Thực thi triệt để EVFTA sẽ thúc đẩy thương mại hai chiều Việt Nam - EU. Theo lộ trình thực hiện cam kết, Việt Nam sẽ giảm 65% thuế nhập khẩu đối với hàng EU xuất sang Việt Nam và phần còn lại sẽ được xóa trong giai đoạn 10 năm. Theo chiều ngược lại, hơn 70% thuế quan của hàng Việt Nam sang EU được giảm ngay lập tức từ năm 2020 và phần còn lại sẽ được giảm tiếp theo lộ trình tối đa 7 năm.

Hình 1: Dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang EU từ năm 2020 đến năm 2025 và 2030

hinh 1

Như vậy, Việt Nam giảm thuế nhập khẩu cho EU ít hơn (65% so với 70%), và thời gian cam kết giảm thuế nhập khẩu tối đa cũng ngắn hơn (7 năm so với 10 năm). Nói cách khác, xét về xuất khẩu, Việt Nam được tạo điều kiện hơn trong EVFTA.

Với hoạt động xuất khẩu sang EU, năm 2019, riêng Việt Nam xuất siêu đến 26,6 tỉ USD vào thị trường EU - thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ. Theo báo cáo "EVFTA - Động lực mới cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam" của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect thì EVFTA sẽ mang lại nhiều lợi thế cho hàng xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường EU.

Hình 2: Tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam sang EU từ năm 2011-2019

hinh 2
Nguồn: VNDirect

Theo cam kết của EVFTA, EU sẽ xóa bỏ 85,6% số dòng thuế đối với hàng hóa Việt Nam, tương ứng với 70,3% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Trong vòng 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ 99,2% các dòng thuế, tương đương 99,7% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Đối với các mặt hàng còn lại, EU cam kết cung cấp cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu bằng 0%.

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU (28 nước, bao gồm cả Vương quốc Anh) đạt 56,4 tỉ USD trong năm 2019. Riêng Việt Nam xuất siêu đến 26,6 tỉ USD vào thị trường này. Thực thi EVFTA sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn so với các đối thủ khác như Trung Quốc và các nước ASEAN khi hàng hóa Việt Nam được cắt giảm thuế xuất khẩu sang EU.

Theo báo cáo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU dự báo có thể tăng khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025; và 44,4% vào năm 2030 so với khi không ký EVFTA. Đồng thời, nhập khẩu của Việt Nam từ EU cũng sẽ tăng nhưng với tốc độ chậm hơn. Cụ thể, giá trị nhập khẩu từ EU có thể tăng xấp xỉ 15,3% ; 33,1% và 36,7% vào các mốc thời gian tương tự.

Với hoạt động nhập khẩu từ EU, thực hiện EVFTA, Việt Nam cũng sẽ mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu từ EU. Việt Nam cam kết xóa bỏ 48,5% số dòng thuế đối với hàng hóa xuất khẩu từ EU ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, tương đương 64,5% tổng giá trị nhập khẩu từ EU. Trong vòng 10 năm từ khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam cam kết xóa bỏ hơn 98,3% số dòng thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của EU, tương đương 99,8% tổng giá trị nhập khẩu từ EU.

Điều này sẽ khiến một số lĩnh vực trong nước sẽ bị thiệt hại bởi cạnh tranh. Tuy nhiên, EVFTA cũng dự báo sẽ mang lại làn gió mới cho các doanh nghiệp trong nước phát triển. Bởi chủ yếu xuất khẩu của EU sang Việt Nam là máy móc, hóa chất và thiết bị vận tải. Đây đều là những mặt hàng cần thiết cho sự chuyển đổi mô hình phát triển và hiện đại hóa của nền kinh tế Việt Nam.

Việc giảm thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ EU sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với máy móc, thiết bị chất lượng cao và công nghệ mới từ châu Âu với giá thấp hơn, giúp các doanh nghiệp cải thiện năng suất lao động cũng như tăng cường ứng dụng công nghệ cao, từ đó mở ra cơ hội tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, với sự thâm nhập của hàng hóa châu Âu vào Việt Nam sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh, buộc các nhà sản xuất trong nước phải cắt giảm chi phí sản xuất và cải thiện chất lượng sản phẩm để cạnh tranh. Và được lợi nhất là người tiêu dùng Việt Nam.

Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới - EVFTA được ví là “con đường cao tốc hướng Tây”, kết nối kinh tế Việt Nam tới một không gian thị trường rộng lớn và có tiềm năng hàng đầu trên thế giới cả về tài chính, công nghệ và thị trường... Lợi ích đến từ những con số có thể cân, đong, đo, đếm được. Khi thực thi một loạt cam kết trong EVFTA sẽ giúp giảm chi phí đầu vào cho các ngành sản xuất, giảm giá hàng hóa, dịch vụ, khơi thông một dòng chảy mới về thương mại giữa Việt Nam với một thị trường có sức mua lớn thứ hai trên thế giới, tạo điều kiện cho cả người dân Việt Nam và châu Âu có thể tiếp cận những hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao và giá rẻ.  

3. Hiệp định EVFTA hấp dẫn nguồn vốn đầu tư FDI vào Việt Nam trong năm 2020

EVFTA còn có tác động khá tích cực về mặt tạo sức ép gián tiếp và trực tiếp nhằm cải thiện thể chế và môi trường kinh doanh. Những kỳ vọng về đổi mới thể chế, cải thiện môi trường đầu tư do thực hiện hiệp định cũng sẽ tạo ra sức hấp dẫn lớn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, giúp gia tăng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian tới…

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, nếu các cam kết về cắt giảm thuế quan và phi thuế quan được thực thi triệt để, kết hợp với một số yếu tố từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, việc Anh rời khỏi EU (Brexit), sự thay đổi chính sách của các nước…, thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ được cải thiện trong cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ góp phần đẩy mạnh dòng vốn FDI từ EU vào Việt Nam với dòng vốn chất lượng cao, các nhà đầu tư lớn và đặc biệt là hiện thực hóa được các tiêu chuẩn thể chế kinh tế hiện đại của thế giới.

Theo đề xuất từ Chiến lược thu hút FDI thế hệ mới, dù Việt Nam đang nỗ lực nâng cao hiệu quả đầu tư từ Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng cần thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư từ EU để đa dạng hóa nguồn vốn FDI, đồng thời tận dụng được đầu tư từ khu vực này cho các hoạt động mang lại giá trị gia tăng cao hơn, cũng như tăng cường chuyển giao công nghệ cho khối kinh tế tư nhân trong nước.

Với việc Hiệp định EVFTA được thực thi, chính sách thu hút FDI của Việt Nam sẽ thay đổi theo xu hướng của thế giới, theo hướng xây dựng mô hình kinh tế hiện đại với mô hình tăng trưởng mới, hiệu quả hơn, thân thiện hơn, tăng trưởng xanh và bền vững. Chiến lược thu hút FDI sắp tới của Việt Nam, không phải là FDI từ Nhật Bản hay Hàn Quốc, mà phải là Mỹ và EU, bởi Việt Nam cần thoát khỏi sự phụ thuộc nhiều vào các nhà đầu tư từ châu Á, kể cả từ Trung Quốc.

Báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho thấy, trong khu vực ASEAN, Việt Nam là quốc gia hàng đầu xuất khẩu hàng hóa sang EU và sẽ nhận được nhiều lợi ích so với các hiệp định thương mại khác đã tham gia bởi EU và Việt Nam là 2 thị trường bổ sung, hỗ trợ nhau.

Về định hướng thu hút FDI, Việt Nam ưu tiên thu hút vốn FDI vào lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sản xuất thiết bị y tế, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo, du lịch chất lượng cao, dịch vụ tài chính, logistics, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, kết cấu hạ tầng hiện đại, và các ngành nghề mới trên nền tảng 4.0. Đây là lĩnh vực thế mạnh của các quốc gia trong EU.

Việt Nam đang trong quá trình phát triển cần rất nhiều vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng và công nghiệp kỹ thuật cao. Trong khi đó, EU có nhiều nguồn vốn, khi Hiệp định EVFTA và EVIPA được ký kết và thông qua thì dòng vốn từ EU sẽ đổ vào Việt Nam nhiều hơn. Đồng thời, giá hàng hóa, máy móc thiết bị sẽ rẻ đi rất nhiều, Việt Nam sẽ có điều kiện tiếp nhận. Theo đó, dòng vốn FDI từ EU đầu tư vào Việt Nam sẽ chất lượng hơn, công nghệ tiên tiến hơn.

Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn trong chọn lọc vốn đầu tư nước ngoài khi thực thi EVFTA. Hiệp định EVFTA có hiệu lực, doanh nhân Việt Nam có điều kiện, tiếp xúc với các doanh nhân châu Âu. Sở hữu được những mặt hàng và công nghệ cao của EU đưa về Việt Nam thì năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, của doanh nghiệp Việt Nam sẽ được nâng lên.

Ngoài FDI từ EU, thì EVFTA không ngừng mở ra “cơ hội vô hình” cho Việt Nam thu hút nguồn FDI từ các thị trường khác ngày càng tăng. Khi EVFTA được Việt Nam - EU thực hiện, các công ty từ Mỹ và châu Á sẽ tới Việt Nam nhiều hơn để xuất khẩu sang EU thuế 0%, vì biết rằng họ có thể xuất khẩu sang châu Âu mà không chịu thuế.

Thực tế như vậy, việc cắt giảm thuế xuống 0% đối với hàng Việt xuất sang EU, điều này sẽ khiến các công ty nước ngoài, kể cả không thuộc EU, có thêm động lực chuyển đầu tư và sản xuất sang Việt Nam. Đồng thời, các công ty xuất khẩu ở Việt Nam cần tìm cách đạt tiêu chuẩn hàng “sản xuất ở Việt Nam” theo định nghĩa của EU để tận dụng thuế 0% theo các cam kết trong EVFTA.

Trong giai đoạn 2011-2020, là 10 năm nền kinh tế Việt Nam rất hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài về chi phí nhân công, nguyên vật liệu, yếu tố đầu vào nhưng vì phải trả thuế quá cao khi xuất khẩu sang châu Âu, nên sức hấp dẫn có phần giảm đi.

Với tín hiệu tích cực do EVFTA mang lại, trong tương lai Việt Nam sẽ là lựa chọn đầu tiên về đầu tư trong ASEAN của các khách hàng là các tập đoàn của các quốc gia trên toàn cầu từ châu Âu (không thuộc EU), châu Á, châu Mỹ…; những công ty không mở rộng nữa hoặc đóng cửa ở Trung Quốc và đang muốn tìm một nước ASEAN có chi phí thấp hơn với môi trường kinh doanh thân thiện cũng có thể sẽ chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư lâu dài và hiệu quả.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Lê Đình Tĩnh và Hàn Lam Giang (2019), Hiệp định EVFTA từ góc nhìn chiến lược, Tạp chí Cộng sản, 13-03-2020.

2.Thiện Trần (2019), FTA thế hệ mới: “Cú huých” thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong trung, dài hạn”, Thời báo Tài chính Việt Nam, 26-11-2019.

  1. Thế Hoàng (2020), Việt Nam có FTA với 60 nền kinh tế trên toàn cầu, Báo Đầu tư, 26-2-2020.
  2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2019), Báo cáo nghiên cứu đánh giá tác động đối với Việt Nam của hai Hiệp định EVFTA và IPA.
  3. Bộ Công Thương, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và liên minh châu Âu (EVFTA): http://evfta.moit.gov.vn/

Some expectations of increasing import-export turnover and attracting more FDI when Vietnam implements the EVFTA

Master. Nguyen Thi Thu Trang

Faculty of Fundamental Economics

University of Economics - Technology for Industries

Abstract:

Vietnam is shifting from quantity to quality investment in attracting foreign direct investment. The FDI inflow into Vietnam comes from many countries. When the EU – Vietnam Free Trade Agreement (EVFTA) takes effect, it would help Vietnam atttract more FDI and also improve the quality of FDI inflow. The EVFTA not only brings short-term opportunities but also create long-term effects that improving Vietnam’s competitiveness at all three levels from national, enterprises to goods level.

Keywords: EVFTA, European Union, import-export turnover, economic growth, GDP.