Một số lý thuyết nghiên cứu về tác động của sự hài lòng trong công việc đến cam kết gắn bó tình cảm của người lao động ở các doanh nghiệp

LÊ THỊ THÙY PHƯƠNG (Trường Đại học Văn Hiến)

TÓM TẮT:

Sự hài lòng trong công việc của người lao động là một trong những mục tiêu trọng yếu của tất cả các doanh nghiệp. Người lao động hài lòng không chỉ là người gắn kết với doanh nghiệp, mà còn là đại diện cho thương hiệu, cả trong doanh nghiệp lẫn bên ngoài. Điều này có ý nghĩa quan trọng, thúc đẩy họ gắn kết và trung thành hơn với doanh nghiệp. Bài viết nghiên cứu một số vấn đề lý thuyết về sự hài lòng trong công việc và tác động của nó đến cam kết gắn bó tình cảm của người lao động trong các doanh nghiệp hiện nay.

Từ khóa: sự hài lòng, gắn bó, doanh nghiệp, người lao động, công việc.

1. Đặt vấn đề

Ở mỗi doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nhà nước nói riêng thì nguồn nhân lực là yếu tố then chốt, là yếu tố quyết định sự thành công hay thất bại của một doanh nghiệp. Các doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển bền vững trong nền kinh tế thị trường hiện nay, tất yếu cần phải quan tâm đến người lao động, phải luôn có được những chính sách nhân sự hấp dẫn để thu hút nhân tài. Mặt khác, sức sáng tạo và hứng thú làm việc của người lao động luôn có giới hạn, nên nhà quản lý cần phải có các chính sách giúp người lao động cảm thấy vui vẻ, tiếp tục phát huy khả năng lao động sáng tạo cũng như sự yêu thích, gắn bó với công việc, đồng nghiệp, môi trường làm việc. Trong các yếu tố gắn kết, thì gắn kết tình cảm của nhân viên đóng góp rất quan trọng trong việc duy trì lực lượng lao động của doanh nghiệp. Theo một số nghiên cứu ở Việt Nam và các nghiên cứu ở các nước có nền văn hóa Phương Đông thì nhiều người ở lại doanh nghiệp vì họ có sự gắn kết tình cảm hơn là các gắn kết khác. Đó chính là đòn bẩy hữu hiệu tăng năng suất lao động và duy trì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

2. Nội dung nghiên cứu

2.1. Khái niệm và các yếu tố thành phần của sự hài lòng trong công việc

Bàn về sự hài lòng trong công việc đã được nhiều tác giả quan tâm nghiên cứu, tuy nhiên, cho đến nay các lý thuyết quản trị hiện đại vẫn chưa hoàn toàn thống nhất về khái niệm này. Theo Spector (1997), sự hài lòng trong công việc được thể hiện là người lao động cảm thấy yêu thích công việc mà họ đang làm và họ hiểu được các khía cạnh công việc của mình. Còn Price (1997) cho rằng, sự hài lòng của công việc chính là định hướng tình cảm tích cực của người lao động với doanh nghiệp. Ở một khía cạnh khác, Evans và Rauch (1999) đã nêu quan điểm về sự hài lòng trong công việc bao gồm những cảm xúc mà cá nhân người lao động nhận thấy được những nhu cầu của họ được đáp ứng. Những nhu cầu đó chính là về môi trường làm việc nếu môi trường làm việc đáp ứng càng cao giá trị và tinh thần của người lao động thì đem lại sự hài lòng trong công việc càng cao. Hay đối với tác giả Oshagbemi (2000) lại cho rằng, sự hài lòng trong công việc chính là phản ứng cảm xúc của cá nhân đối với công việc cụ thể, đó là cảm giác yêu thích và luôn hướng đến công việc của mình đang làm.

Theo các quan niệm trên, có thể thấy sự hài lòng trong công việc được hiểu:

Một là, sự hài lòng trong công việc chính là cảm xúc tích cực hoặc tiêu cực của người lao động ảnh hưởng đến hành vi và niềm tin của người lao động.

Hai là, sự hài lòng công việc liên quan đến nhiều khía cạnh, nhiều mặt khác nhau như: thái độ của nhân viên đối với công việc đó là công việc có nhiều thử thách không? có tạo được cảm hứng và thú vị cho người lao động không? lương được trả như thế nào? có công bằng không? có phù hợp với năng lực của người lao động; đồng nghiệp có hòa đồng, thân thiện, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau; cấp trên có công bằng và tôn trọng cấp dưới không? cũng như cơ hội thăng tiến trong công việc.

Theo Smith và cộng sự (1967) cho thấy, có 5 yếu tố ảnh hưởng đến mức độ hài lòng đối với công việc của nhân viên dựa trên đặc điểm công việc của nhân viên bao gồm: đặc điểm công việc; cấp trên; tiền lương; cơ hội đào tạo - thăng tiến và đồng nghiệp. Đây là bộ thang đo mức độ hài lòng của nhân viên được đánh giá cao trong các nghiên cứu về sau và cả thực tế hoạt động của doanh nghiệp. Đồng quan điểm với Smith, theo Luddy (2005) cho rằng các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ hài lòng trong công việc cũng bao gồm 5 yếu tố, đó là: vị trí công việc; sự giám sát của cấp trên; mối quan hệ với đồng nghiệp; sự đãi ngộ; các phần thưởng (cơ hội thăng tiến, điều kiện cơ sở vật chất và cơ cấu doanh nghiệp).

Nghiên cứu của Trần Kim Dung (2005), sử dụng bộ thang đo bảng chỉ số mô tả công việc (Job Descriptive Index - JDI) và thuyết nhu cầu của Maslow nghiên cứu đưa ra kết quả là ngoài 5 yếu tố trong bộ thang đo JDI bao gồm: tiền lương; cơ hội đào tạo - thăng tiến; mối quan hệ với cấp trên; mối quan hệ với đồng nghiệp; đặc điểm công việc; phúc lợi và điều kiện làm việc. Theo nghiên cứu của Abdul và Farooq (2015), để đo lường mức độ cam kết gắn bó và mức độ hài lòng trong công việc của các y tá trong bệnh viện thì sự hài lòng được đo lường thông qua 6 yếu tố thành phần như sau: lương; công việc; thăng tiến; (4) đồng nghiệp; cấp trên; môi trường làm việc.

2.2. Sự cam kết gắn bó và các yếu tố thành phần của sự cam kết gắn bó

Thông qua quá trình nghiên cứu và phân tích chuyên sâu, nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều khái niệm về cam kết gắn bó. Trong đó, tác giả chọn lọc ra một số khái niệm gần nhất với bài nghiên cứu này nói lên khái niệm cơ bản về cam kết gắn bó trong doanh nghiệp.

Theo Mowday và cộng sự (1979) cho rằng, sự cam kết gắn bó với doanh nghiệp là hoạt động đa chiều tự nhiên liên quan đến lòng trung thành của người lao động với doanh nghiệp, sẵn sàng nỗ lực cho thành tựu của doanh nghiệp nhằm đạt được những mục tiêu và giá trị của doanh nghiệp đó và thể hiện mong muốn được duy trì mối quan hệ lâu dài với doanh nghiệp. Một khái niệm khác về cam kết gắn bó của Mayer và Allen (1990) thì khai thác một góc độ khác của khái niệm này, họ định nghĩa sự cam kết gắn bó với doanh nghiệp không chỉ là một dạng hành vi mà đó còn là dạng tâm lý mà biểu thị mối quan hệ của người lao động với doanh nghiệp, là sự liên kết mật thiết đến quyết định duy trì hay không việc là thành viên của một doanh nghiệp.

Vấn đề cam kết gắn bó thể hiện qua vị trí mà người lao động nắm giữ và trách nhiệm công việc của họ, đó là quan điểm của Benkhoff (1997) về sự cam kết gắn bó, nghiên cứu của ông cho thấy rằng người lao động ở vị trí càng cao trong doanh nghiệp, họ càng có xu hướng có mức cam kết gắn bó cao hơn. Cùng với lý luận tương tự, Tanriverdi (2008) thì sự cam kết gắn bó với doanh nghiệp được xem như mức độ mà một cá nhân xác định việc thực hiện trách nhiệm đối với công việc của họ thông qua giá trị và mục tiêu của doanh nghiệp đó.

Hướng đến yếu tố xác lập mục tiêu, sự sẵn sàng và lòng trung thành, khái niệm về sự cam kết gắn bó của Atak (2011) cho rằng, đó là một thái độ liên quan đến lòng trung thành của người lao động với doanh nghiệp, từ đó, người lao động sẽ chủ động cụ thể hóa các mục tiêu chung của doanh nghiệp thành mục tiêu cá nhân và sẵn sàng đóng một vai trò quan trọng trong kế hoạch thực hiện chung của doanh nghiệp để đạt được những thành quả và mục tiêu đó.

Kết quả của sự cam kết gắn bó đó là các kết quả và thành tựu của doanh nghiệp. Đó chính là những gì rút ra từ nghiên cứu của Rajendran và Raduan (2005). Mối quan hệ giữa hai yếu tố này có ý nghĩa theo dạng nguyên nhân - kết quả và sự cộng hưởng lẫn nhau. Cụ thể, sự cam kết gắn bó của người lao động với doanh nghiệp càng cao thì sẽ dẫn đến sự trung thành càng cao, điều đó giúp giảm căng thẳng do công việc và khuynh hướng rời bỏ doanh nghiệp giảm thiểu rõ rệt, từ đó, tạo nên một môi trường làm việc ổn định chất lượng công việc, ít thay đổi và rủi ro trong công tác doanh nghiệp và nhờ đó mang lại kết quả hoạt động tốt cho doanh nghiệp. Ngược lại, kết quả tốt của một doanh nghiệp là động lực làm tăng lòng trung thành của người lao động với doanh nghiệp. Riêng Sohail và cộng sự (2011) lại cho rằng, cam kết lao động là tìm mọi cách để giữ chân người lao động và lôi kéo người lao động ở lại làm việc cho doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài của doanh nghiệp. Đó là điều kiện quyết định sự vững mạnh và thắng lợi của doanh nghiệp trong môi trường cạnh tranh.

Với các khái niệm phong phú về sự cam kết gắn bó của các nhà nghiên cứu, mỗi nhà nghiên cứu đưa ra các yếu tố tác động đến sự cam kết gắn bó rất khác nhau. Tổng hợp các yếu tố từ nhiều nhà nghiên cứu sẽ cho ra nhiều thành phần khác nhau ảnh hưởng đến sự cam kết gắn bó của người lao động với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, do điều kiện môi trường làm việc và văn hóa khác nhau của các quốc gia nên mỗi nhà nghiên cứu đã đưa ra những khái niệm về sự cam kết với doanh nghiệp theo những ý kiến khác nhau. Theo Meyer và cộng sự (2002), có rất nhiều nghiên cứu về ý thức cam kết đối với doanh nghiệp nhưng vẫn chưa có sự đồng nhất, thống nhất về định nghĩa và cách thức đo lường về ý thức cam kết đối với doanh nghiệp. Những khác biệt này chủ yếu liên quan đến trạng thái tâm lý thể hiện trong cam kết, các hành vi được mong đợi là kết quả của cam kết đối với doanh nghiệp. Từ những khái niệm và thành phần của cam kết gắn bó với doanh nghiệp, nghiên cứu của Meyer và Allen (1991) chỉ ra 3 yếu tố cấu thành, gồm: cam kết gắn bó vì tình cảm; cam kết gắn bó để duy trì và cam kết gắn bó vì đạo đức.

Cam kết gắn bó vì tình cảm là tình cảm gắn kết của người lao động với doanh nghiệp mà họ đang làm việc, là cảm giác gắn bó về mặt tâm lý với doanh nghiệp thông qua những cảm giác như lòng trung thành, cảm thấy yêu mến doanh nghiệp, nhiệt tình vì doanh nghiệp, hài lòng và cảm thấy mình thuộc về doanh nghiệp. Khi mức độ cam kết gắn bó tình cảm cao người lao động sẽ coi mục tiêu của doanh nghiệp là mục tiêu của mình và đồng thời mong muốn luôn duy trì là một thành viên của doanh nghiệp. Những người lao động cam kết gắn bó với doanh nghiệp của họ sẽ có mong muốn mạnh mẽ là một phần của doanh nghiệp. Người lao động có được sự tín nhiệm của doanh nghiệp, họ có cảm giác tích cực khi tiếp tục làm việc cho doanh nghiệp và chẳng có lý do gì để rời bỏ công việc của mình. Theo nghiên cứu của Porter và các cộng sự (1974), Mottaz (1987) và Testa (2001) cho rằng: cam kết tình cảm là sức mạnh liên kết cá nhân với doanh nghiệp, đồng nhất với mục tiêu của doanh nghiệp, người lao động cảm thấy tự hào khi là thành viên của doanh nghiệp. Trong số các kiểu tâm lý gắn kết với doanh nghiệp, sự gắn kết bằng tình cảm của người lao động được các doanh nghiệp mong muốn nhiều nhất và sự gắn kết này cũng mang lại nhiều lợi ích nhất.

Cam kết gắn bó duy trì là việc duy trì ở lại với doanh nghiệp do bởi vai trò và chi phí mà người lao động cảm thấy nó như một sự đầu tư hoặc không có lựa chọn nào thay thế. Vấn đề này được xem là không liên quan trên phương diện tình cảm. Cam kết duy trì liên quan tới việc đánh giá của người lao động khi họ nhận thấy được chi phí bỏ đi lớn hơn chi phí mà họ ở lại làm việc và họ tiếp tục ở lại với doanh nghiệp vì họ cảm thấy cần phải như vậy. Cam kết gắn bó để duy trì là cam kết tiếp tục phát triển bởi lợi ích (được và mất), và yêu cầu người lao động phải nhận thức được những lợi ích hơn thiệt. Cam kết gắn bó để duy trì là một sự sẵn sàng của người lao động và là một phần của doanh nghiệp. Đây có thể được coi như là một hình thức đầu tư cá nhân để có các khoản bảo hiểm xã hội, tiết kiệm, hưu trí sau này. Họ cam kết với doanh nghiệp trong thời gian dài vì người lao động vẫn tìm thấy lợi ích của mình trong doanh nghiệp và sẽ khó khăn hơn để tìm kiếm một doanh nghiệp khác tốt hơn để thay thế.

Cam kết gắn bó vì đạo đức là cam kết phản ánh một cảm giác, nghĩa vụ phải tiếp tục làm việc. Theo Wiener (1982) định nghĩa: đó là áp lực thôi thúc về chuẩn mực đạo đức để hành động vì mục tiêu và quyền lợi của doanh nghiệp và những người gắn bó vì đạo đức sẽ ở lại với doanh nghiệp vì họ tin rằng điều đó là đúng đắn để làm như vậy. Người lao động cảm thấy rằng họ nên ở lại với doanh nghiệp. Cam kết gắn bó vì đạo đức được coi như trách nhiệm, ngoài cam kết gắn bó vì tình cảm mang một ý nghĩa tích cực. Theo đó, có thể kết luận rằng sự hài lòng với công việc có hiệu quả hơn tất cả các hướng cam kết, thậm chí nó quan trọng hơn cả đối với cam kết gắn bó vì đạo đức.

Tuy nhiên, do thời gian nghiên cứu có sự hạn hẹp nên tác giả chỉ tập trung đi sâu vào phân tích trên một khía cạnh sự cam kết của người lao động với doanh nghiệp là cam kết vì tình cảm. Đồng thời, cũng theo kết quả nghiên cứu trước đây đã chứng minh rằng cam kết gắn bó bằng tình cảm có mối tương quan mạnh mẽ nhất đối với các yếu tố có liên quan tới doanh nghiệp như: nghỉ phép, hiệu suất làm việc, hành vi của người lao động với doanh nghiệp và yếu tố liên quan đến con người là sự căng thẳng, xung đột giữa công việc và gia đình.

2.3. Mối quan hệ giữa sự hài lòng trong công việc và cam kết gắn bó

Sự hài lòng trong công việc và cam kết gắn bó doanh nghiệp là hai khái niệm có mối tương quan cao. Một số nghiên cứu chỉ ra mối quan hệ nguyên nhân kết quả giữa cam kết gắn bó và sự hài lòng trong công việc, khi một người lao động cảm thấy hài lòng cao với công việc thì họ sẽ có cảm giác gắn bó với doanh nghiệp của mình. Mặc dù hai biến được coi là rất có quan hệ với nhau, chúng thể hiện được tương quan cả mặt tích cực và tiêu cực. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng việc làm hài lòng là một tiền đề quan trọng của cam kết với doanh nghiệp. Một số nhà nghiên cứu lập luận rằng sự hài lòng trong công việc phản ánh các phản ứng tình cảm ngay tới các công việc; trong khi cam kết với doanh nghiệp phát triển hơn sau khi các hình thức cá nhân định giá toàn diện hơn về các doanh nghiệp sử dụng, giá trị của nó, và kỳ vọng tương lai của chính mình trong đó. Do đó, sự hài lòng công việc được coi là một trong những yếu tố quyết định sự cam kết.

Một nghiên cứu khác của Al-Aameri (2000) đã chỉ ra rằng: khi người lao động hài lòng trong công việc họ có xu hướng năng động, tích cực hơn và tận tụy hơn với công việc của họ, trong khi ngược lại những người không hài lòng với công việc sẽ không cam kết, thường xuyên vắng mặt cũng như khả năng nghỉ việc cao hơn.

3. Kết luận

Sự hài lòng trong công việc là một phần quan trọng, trực tiếp thúc đẩy niềm tự hào chung và gắn kết lâu dài hơn của người lao động với doanh nghiệp. Một số hoạt động hay nhiệm vụ của nhà nhân sự có thể trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của người lao động. Dựa vào các cơ sở lý thuyết và các nghiên cứu về mối quan hệ giữa các yếu tố thành phần của sự hài lòng tác động đến mức độ cam kết gắn bó của người lao động ở trong và ngoài nước, có thể thấy sự hài lòng trong công việc được đánh giá với các yếu tố cơ bản là: đặc điểm công việc; tiền lương; mối quan hệ với đồng nghiệp; mối quan hệ với cấp trên; cơ hội đào tạo và thăng tiến; chế độ phúc lợi. Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng năng suất lao động và vì mục tiêu phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp, đòi hỏi người quản lý các doanh nghiệp cần quan tâm giải quyết tốt các vấn đề nêu trên, trong đó trọng tâm là quan tâm đến công việc và đời sống của người lao động, tạo động lực để họ làm việc tốt hơn. 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Trần Kim Dung (2005). Đo lường mức độ thỏa mãn đối với công việc trong điều kiện của Việt Nam, Tạp chí Phát triển khoa học và công nghệ, số 12, tr. 89 - 95.
  2. Smith, P.C., Kendall, L.M and Hulin, C.L. (1969). The Measurement of Satisfation in Work and Retirement. Chicago, IL, USA: Rand McNally.
  3. Spector, P.E. (1997). Job Satisfaction: Application, Assessment, Causes, and Consequenses. United Kingdom, Sage Publications Ltd.
  4. Travis G. Worrell (2004), School Psychologists` job satisfaction in counselor Education, Blacksburg, Virginia.
  5. Weiss, D.J., Dawis, R.V., England, G.W. and Lofquist, L.H. (1967). Manual for the Minnesote Satisfaction Questionnaire “Minnesota studies invocational rehabilitations. Địa điểm: Minneapolis Industrial Relation Center, University of Minnesota.
  6. Phan Thị Minh Lý (2011), Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng về công việc của nhân viên trong các ngân hàng thương mại trên địa bàn Thừa Thiên Huế, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Đà Nẵng, số 3, tr. 186 - 192.

 

SOME THEORIES ABOUT THE IMPACTS OF JOB SATISFACTION

ON JOB COMMITMENT OF EMPLOYEES

LE THI THUY PHUONG

Van Hien University

ABSTRACT:

Ensuring the job satisfaction of employees is one of the key goals of all enterprises. Satisfied employees are not only those who commit to the enterprise but also represent the brand inside and outside the enterprise. This paper examines some theoretical issues about job satisfaction and impacts of job satisfaction on the job commitment of employees.

Keywords: satisfaction, commitment, enterprises, workers, jobs.