Một số nhận định và kiến nghị về triển vọng thực hiện quy chế mua sắm chính phủ của RCEP trong mối tương quan với CPTPP đối với Việt Nam

ThS. PHẠM MINH QUỐC (Khoa Kinh tế - Luật, Trường Đại học Thương mại)

TÓM TẮT:

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký kết vào ngày 15//11/2020 và bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022. Đối với Việt Nam, RCEP là hiệp định thương mại toàn diện khu vực thứ hai được ký kết sau Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) (ký kết vào tháng 3/2018 - có hiệu lực vào ngày 30/12/2018).

Trên cơ sở phân tích và so sánh các quy định cụ thể về mua sắm chính phủ trong RCEP và CPTPP, tác giả  tìm hiểu những nội dung pháp lý và những điểm khác biệt đáng lưu ý, theo đó nêu ra một số đánh giá về triển vọng thực hiện và những kiến nghị trong việc tiếp cận và thực thi các cam kết về mua sắm chính phủ trong Hiệp định RCEP tại Việt Nam.

Từ khóa: RCEP, CPTPP, mua sắm chính phủ, đấu thầu.

1. Một số điểm khác biệt cơ bản trong các điều khoản về mua sắm chính phủ của 2 Hiệp định CPTPP và RCEP

Trước hết, nhìn nhận lại lịch sử hình thành của RCEP, không giống với CPTPP, khi mới bắt đầu từ năm 2013, các cuộc đàm phán của RCEP đã không bao gồm hoạt động mua sắm chính phủ. Nội dung này đã được bổ sung vào năm 2017. Tuy nhiên, so với CPTPP, nội dung chương mua sắm chính phủ của RCEP có mức độ cam kết còn khiêm tốn được thể hiện trong 8 Điều. Hiệp định CPTPP, bao gồm những cam kết về mở cửa thị trường mạnh mẽ hơn với những nghĩa vụ của các nước thành viên được thể hiện khá chi tiết trong 24 Điều và trong các Bản Chào chi tiết của 11 nước thành viên [1]. Với mục đích nhằm “tăng cường tính minh bạch của pháp luật, quy định và quy trình về mua sắm chính phủ, thúc đẩy hợp tác giữa các Bên trong lĩnh vực mua sắm chính phủ[2],  Chương 16 của RCEP tập trung vào những cam kết đảm bảo tính minh bạch của luật, quy định và thủ tục đối với các cơ quan chính phủ trung ương và phát triển sự hợp tác giữa các bên về mua sắm. Nghĩa vụ minh bạch đòi hỏi các bên phải công bố công khai các luật và quy định về đấu thầu nhưng chỉ cố gắng làm như vậy đối với các thủ tục mua sắm. Phù hợp với các thông lệ mua sắm hiện đại, các bên sẽ nỗ lực thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin đấu thầu bằng phương tiện điện tử và bằng tiếng Anh; hợp tác trao đổi, chia sẻ thông tin về đấu thầu, về pháp luật, quy trình, thủ tục và các quyết định về đấu thầu[3]. Theo điều khoản hợp tác, các bên có thể trao đổi thông tin về các biện pháp mua sắm, cung cấp đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực, chia sẻ thông tin về các thực tiễn tốt nhất, bao gồm cả liên quan đến doanh nghiệp vừa và nhỏ và về hệ thống mua sắm điện tử [4].

Cùng bàn đến nghĩa vụ đảm bảo sự minh bạch trong quy chế mua sắm chính phủ, Chương 15 của CPTPP về mua sắm Chính phủ gồm những quy định chi tiết hơn, thể hiện mức độ yêu cầu cao hơn so với những quy định cùng loại trong Chương 16 của RCEP[5]. Chẳng hạn, Chương 15 của CPTPP có những quy định khá chi tiết về sự minh bạch hóa trong việc thực hiện các bước quy trình đấu thầu và các khoảng thời gian triển khai trong đấu thầu. Không chỉ đề ra một số các nguyên tắc chung cho đấu thầu mua sắm chính phủ[6], CPTPP đã xây dựng chi tiết yêu cầu cụ thể mà mỗi quốc gia thành viên phải tuân thủ trong các bước của quy trình đấu thầu, trong đó có nghĩa vụ về thông tin và thông báo ở từng bước của thủ tục đấu thầu. Trên cơ sở đó, Chương 15 sẽ tiếp tục đưa ra một số yêu cầu cụ thể khác đối với từng loại gói thầu[7]. Cụ thể: Đối với trường hợp đấu thầu rộng rãi, một số yêu cầu chi tiết mà các Bên cần tuân thủ là: i) công bố thông tin về việc đấu thầu (gồm cả thông báo mời thầu và hồ sơ thầu) trên báo hoặc trên phương tiện điện tử, nếu trên phương tiện điện tử thì phải miễn phí; ii) Công bố sớm kế hoạch mời thầu hàng năm; iii) quy định cụ thể thời hạn nộp hồ sơ thầu tối thiểu. Còn đối với trường hợp đấu thầu hạn chế, cơ quan mua sắm có nghĩa vụ đăng tải thông báo trong một thời gian đủ để nhà thầu chuẩn bị và nộp hồ sơ quan tâm hoặc hồ sơ dự sơ tuyển; cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu cho các nhà thầu có tên trong danh sách ngắn; thông báo kịp thời đến các nhà thầu đã nộp hồ sơ quan tâm hoặc hồ sơ dự sơ tuyển về quyết định liên quan đến việc tham dự thầu…

So sánh về phạm vi điều chỉnh và các nghĩa vụ đảm bảo sự minh bạch và hợp tác trong quy chế Mua sắm Chính phủ của RCEP với CPTPP, có thể thấy các cam kết về mở cửa thị trường mua sắm chính phủ của RCEP còn khiêm tốn, mức độ cam kết thấp hơn. RCEP thậm chí còn cho phép một Bên là Quốc gia kém phát triển của Hiệp định (như Lào, Campuchia, Myanma) không phải tuân thủ bất kỳ nghĩa vụ nào liên quan đến minh bạch và hợp tác. Hơn nữa, thành viên là Quốc gia kém phát triển còn có thể được hưởng lợi từ sự hợp tác giữa các Bên[8]. Tuy nhiên, nếu như so sánh sự tồn tại của những quy định loại này trong Hiệp định RCEP với việc không tồn tại bất kỳ một cam kết nào về mua sắm chính phủ trong những Hiệp định tự do hóa thương mại (FTA) đã được ký kết song phương giữa ASEAN với từng nước ký kết RCEP còn lại khác (5 nước không thuộc ASEAN)[9], các cam kết mặc dù còn khiêm tốn của RCEP trong lĩnh vực này lại là một bước tiến quan trọng trong việc tạo ra những ràng buộc pháp lý phù hợp với trình độ phát triển của nhiều nước kém phát triển trong khu vực ASEAN. Điều này cũng thể hiện rõ các mục tiêu của RCEP đã có tính đến trình độ phát triển khác nhau giữa các nước thành viên, tạo thuận lợi cho sự tham gia nhiều hơn của các quốc gia kém phát triển trong Hiệp định (chẳng hạn như: Lào, Campuchia, Myanma, Việt Nam) để các quốc gia này có thể thực hiện hiệu quả hơn các nghĩa vụ của mình và tận dụng các lợi ích từ Hiệp định RCEP[10].      

Một trong những điểm khác biệt nổi bật so với CPTPP chính là việc RCEP vẫn còn thiếu các cam kết tiếp cận mở rộng thị trường mua sắm chính phủ của các nước thành viên. RCEP chỉ kêu gọi quốc gia thành viên “Trường hợp mua sắm chính phủ mở cửa rõ ràng cho cạnh tranh quốc tế, mỗi Bên, trong phạm vi có thể và thích hợp, có nghĩa vụ thực hiện việc mua sắm chính phủ của mình theo các nguyên tắc mua sắm chính phủ đã được chấp nhận chung mà Bên đó đã áp dụng[11]. Hơn nữa, RCEP cũng cho phép các tranh chấp phát sinh liên quan đến quy chế mua sắm chính phủ được phép loại trừ khỏi cơ chế giải quyết tranh chấp của chính RCEP[12].

2. Triển vọng thực hiện quy chế mua sắm chính phủ của RCEP trong mối tương quan với CPTPP ở Việt Nam

Quốc hội Việt Nam đã thông qua CPTPP vào tháng 11/2018 (có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ ngày 14/01/2019). Được xây dựng trên nền tảng Hiệp định Mua sắm Chính phủ (GPA) của WTO, Chương 15 về Mua sắm Chính phủ của CPTPP nhấn mạnh các nguyên tắc cơ bản về không phân biệt đối xử và minh bạch hóa, quy định cụ thể về hình thức lựa chọn nhà thầu, thời gian trong đấu thầu, thông tin đấu thầu… Mức độ ràng buộc của từng quy định là khác nhau do có một số điều khoản mang tính bắt buộc (tức là nghĩa vụ chung cho tất cả các bên), một số điều khoản khuyến khích áp dụng nhằm gia tăng lợi ích cho các hoạt động mua sắm chính phủ.  Các điều khoản tùy nghi cho phép các nước thành viên được tự quyết định có áp dụng tùy theo tình hình thực tế. Ngoài ra, Quy chế mua sắm chính phủ của CPTPP còn bao gồm phần Phụ lục với các Bảng chào thể hiện mức độ mở cửa thị trường của 11 nước thành viên (bao gồm Danh mục cơ quan, hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định, các trường hợp loại trừ và một số biện pháp ưu đãi trong nước, và các biện pháp trong thời kỳ chuyển đổi).

Để thực thi các quy định của CPTPP nói chung và quy chế mua sắm chính phủ nói riêng, Việt Nam đã và đang nội luật hóa các cam kết trong Hiệp định thành quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật trong nước, nhằm hướng dẫn các cơ quan mua sắm công, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà thầu và các chủ thể khác có liên quan thực hiện các cam kết đó một cách nghiêm túc.

Cụ thể, kể từ sau khi CPTPP có hiệu lực đối với Việt Nam, cho đến nay Việt Nam đã xây dựng một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật áp dụng riêng đối với các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của CPTPP, bao gồm Nghị định số 95/2020/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện về đấu thầu mua sắm đối với gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của CPTPP; Thông tư 09/2020/TT-BKHĐT quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa đối với gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của CPTPP. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang trong quá trình soạn thảo các thông tư hướng dẫn khác (ví dụ: quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, dịch vụ xây dựng).

Nội dung các văn bản này một mặt vừa nội luật hóa các cam kết CPTPP, vừa kế thừa các quy định hiện hành của Luật Đấu thầu 2013 đối với các nội dung mà Chương 15 của CPTPP không quy định chi tiết (ví dụ: phương thức và quy trình lựa chọn nhà thầu, lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu…). Sự pha trộn này trong thời gian đầu có thể gây ít nhiều bỡ ngỡ cho chủ đầu tư, bên mời thầu và các nhà thầu vì những nội dung riêng biệt nhằm đáp ứng những đòi hỏi cao về tính minh bạch, tính cạnh trạnh và sự tuân thủ nghiêm chỉnh các nguyên tắc bình đẳng và không phân biệt đối xử của các Hiệp định FTA. 

Ngoài ra, để tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật trong lĩnh vực đầu tư và mua sắm công, trong năm 2020 một loạt các văn bản pháp lý khác có liên quan đến việc thực thi pháp luật đấu thầu đã được thông qua và ban hành gồm: Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (Luật PPP) năm 2020 ; Nghị định số 25/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư; Nghị định số 35/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật PPP; Thông tư số 05/2020/TT-BKHĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2017/TT-BKHĐT về lựa chọn nhà thầu qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; Thông tư số 06/2020/TT-BKHĐT hướng dẫn thi hành Nghị định số 25/2020/NĐ-CP...

Những nỗ lực trong công tác xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật trên đây, một mặt giúp Việt Nam không vi phạm các cam kết quốc tế, mặt khác giúp cho việc hoàn thiện khung pháp luật về mua sắm công ở Việt Nam theo hướng hài hòa hóa các quy chuẩn quốc tế trong lĩnh vực này.

Chương 16 về Mua sắm Chính phủ của RCEP được xây dựng theo hướng đáp ứng sự phù hợp với trình độ phát triển của tất cả các nước tham gia (trong đó có một số thành viên là nước kém phát triển trong ASEAN), do đó những cam kết trong RCEP về thị trường này có mức độ đòi hỏi thấp hơn so với các quy chế tương ứng trong CPTPP. Ngoài ra , trong số 15 quốc gia thành viên của RCEP và 11 quốc gia thành viên của CPTPP đã có tới 7 quốc gia là thành viên của cả hai Hiệp định: Australia, Brunei, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Singapore và Việt Nam. Chính vì vậy, có thể khẳng định: Việt Nam hoàn toàn có triển vọng thực hiện tốt Quy chế Mua sắm Chính phủ trong RCEP khi pháp luật về đấu thầu ở Việt Nam có sự rà soát cẩn thận, có những sửa đổi bổ sung thích hợp với những cam kết ở mức độ khá cao trong Quy chế Mua sắm Chính phủ của CPTPP. Việc ban hành đầy đủ và thực hiện tốt các văn bản pháp luật nhằm hướng dẫn và chi tiết hóa các quy định và cam kết về mua sắm chính phủ trong CPTPP sẽ tạo tiền đề thuận lợi cho Việt Nam đáp ứng tốt các cam kết tương ứng trong RCEP. Điều này là hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc pháp lý cơ bản đã được đề ra trong Chương 16 của RCEP: “Các Bên thừa nhận vai trò của mua sắm chính phủ trong việc tăng cường hội nhập kinh tế của khu vực nhằm thúc đẩy tăng trưởng và việc làm. Trường hợp mua sắm chính phủ mở cửa rõ ràng cho cạnh tranh quốc tế, mỗi Bên, trong phạm vi có thể và thích hợp, có nghĩa vụ thực hiện việc mua sắm chính phủ của mình theo các nguyên tắc mua sắm chính phủ đã được chập nhận chung mà Bên đó đã áp dụng”[13].

3. Kết luận và kiến nghị

- Tăng cường rà soát, hoàn thiện các thể chế pháp lý đảm bảo sự tương thích với các cam kết quốc tế; đẩy mạnh nghiên cứu tuyên truyền nội dung pháp lý các quy chế trong CPTPP và RCEP

Cho đến nay, Việt Nam vẫn đang tiếp tục nỗ lực cải cách thể chế pháp lý trên các lĩnh vực khác nhau nhằm thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết đã được thể hiện trong các Bản chào và các nghĩa vụ phát sinh từ các quy chế trong CPTPP[14]. Điều này vừa là tiền đề, vừa là động lực thúc đẩy Việt Nam có thể phát huy sự chủ động trong việc tiếp cận và triển khai thực thi các cam kết vốn ở mức độ thấp và có tính linh hoạt trong RCEP. Việc tiếp cận và thực thi những cam kết về đấu thầu cũng như mở cửa thị trường mua sắm chính phủ cho các nhà thầu nước ngoài trong CPTPP và RCEP đòi hỏi Việt Nam phải ban hành được hệ thống các văn bản pháp luật nội hóa về mua sắm chính phủ đầy đủ, dễ hiểu, dễ thực hiện. Vì vậy, trong thời gian tới, Việt Nam cần đẩy mạnh công tác rà soát tính tương thích của hệ thống pháp luật hiện tại, chuẩn bị tốt việc xây dựng các quy định pháp luật phù hợp với các cam kết và thể chế trong CPTPP và RCEP. Đây là công việc đòi hỏi sự tích cực tham gia của các bộ, ngành và các địa phương nhằm triển khai có hiệu quả công tác xây dựng các dự thảo văn bản pháp quy nội hóa các cam kết trong 2 Hiệp định.

Mặt khác, Việt Nam cũng cần tăng cường công tác phổ biến tuyên truyền về các FTA thế hệ mới mà mình đã ký kết và có nghĩa vụ thực thi. Hoạt động phổ biến tuyên truyền về CPTPP và RCEP trong thời gian tới cần đi vào chi tiết, với các nội dung được thiết kế theo hướng thực tiễn, ngắn gọn, phù hợp với mối quan tâm của từng nhóm đối tượng áp dụng. Trong công tác phổ biến, tuyên truyển pháp luật việc công bố và cập nhật kịp thời các chính sách pháp luật nói chung và quy chế đấu thầu nói riêng cũng là một nghĩa vụ cần thực hiện nhằm đảm bảo tính minh bạch của mua sắm công trong các Hiệp định này.

- Tiếp tục tăng cường khả năng nhận thức các quy chế pháp lý trong RCEP và các FTA thế hệ mới, đồng thời chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh của các nhà thầu trong nước.

Nhiều nghiên cứu phân tích cho thấy cơ hội lớn nhất mà các Hiệp định tự do hóa thương mại (FTA) mang lại cho các nước thành viên là mở rộng thị trường xuất khẩu nhờ các cam kết về cắt giảm thuế quan và dỡ bỏ rào cản thương mại, tạo thuận lợi để doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu[15]. Tuy nhiên, để tận dụng được những cơ hội này, trước tiên các doanh nghiệp Việt Nam phải đủ khả năng vượt qua được sự gia tăng áp lực cạnh tranh đối với hàng hóa, dịch vụ trên chính thị trường “sân nhà”, đặc biệt trong lĩnh vực mua sắm chính phủ, một thị trường mà trước đây các doanh nghiệp nước ngoài chưa có nhiều cơ hội tham gia cạnh tranh. Thực tế cho thấy, kể từ khi CPTPP bắt đầu có hiệu lực đến nay, số lượng các nhà thầu nước ngoài đăng ký tham gia đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia tại Việt Nam ngày một gia tăng (với hơn 1400 nhà thầu quốc tế)[16]. Điều này tạo ra một áp lực cạnh tranh không nhỏ đối với các nhà thầu trong nước khi triển khai các gói thầu thuộc phạm vi có hiệu lực của CPTPP và RCEP.

Mặc dù những yêu cầu trong các quy chế pháp lý của RCEP nói chung và trong quy chế về mua sắm chính phủ của RCEP nói riêng không quá cao, thậm chí một số quy định trong RCEP còn cho phép Việt Nam được quyền vận dụng những quy chế đối xử đặc biệt mà RCEP mang lại cho các nước kém phát triển, song không vì thế mà các doanh nghiệp Việt Nam được phép tự bằng lòng với những tiêu chuẩn không quá khắt khe trong RCEP. Việc chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam cần phải được thực hiện ngay từ khi bắt đầu thực hiện RCEP bởi những lý do sau:

Thứ nhất: Những đối tác lớn của RCEP chẳng hạn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Australia,... đều là những đối tác mà Việt Nam đang nhập siêu rất lớn, đồng thời có cơ cấu sản phẩm tương tự có tính cạnh tranh cao, nên thách thức của việc nhập siêu từ các đối tác thương mại này có thể ngày một rõ rệt trong tương lai đối với thị trường mua sắm công.

Thứ hai: Trong số 14 đối tác thương mại của Việt Nam trong RCEP có tới 6 đối tác cũng đang là thành viên của những cam kết tự do hóa thương mại và mở cửa thị trường trong CPTPP. Trong khi Điều 20.2 của RCEP đã khẳng định sự tồn tại của Hiệp định không phủ nhận “... ý định của các Bên để Hiệp định này cùng tồn tại với các thỏa thuận quốc tế hiện có của mình...”, bản thân Quy chế Mua sắm Chính phủ trong RCEP cũng đặt ra yêu cầu về việc rà soát nhằm nâng cấp (sau 5 năm kể từ ngày có hiệu lực và sau đó cứ 5 năm một lần) ngày một cao hơn các cam kết đã có trên nguyên tắc “có tính đến các tiến triển liên quan trên các diễn đàn quốc tế[17]. Điều này cho thấy: (i) Việc thực thi RCEP trong tương lai phải đặt trong mối quan hệ tổng thể với các FTA có những cam kết nghĩa vụ cao hơn (chẳng hạn như: CPTPP, các Hiệp định trong khuôn khổ WTO, các FTA song phương mà Việt Nam là một bên); (ii) Trong khi thực thi RCEP Việt Nam cũng phải thực thi cùng lúc nhiều FTA thế hệ mới khác, theo đó, Việt Nam cũng đã phải đáp ứng các yêu cầu cao hơn so với các cam kết trong RCEP từ các hiệp định này.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong các hoạt động kinh doanh nói chung và trong các hoạt động mua sắm chính phủ nói riêng, bản thân các doanh nghiệp trong nước cần chủ động tìm hiểu rõ các quy chế pháp lý mà Việt Nam đã cam kết trong các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết (trong đó có CPTPP và RCEP). Điều đó giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể hiểu và vận dụng đúng các quy chế trong các hiệp định này, qua đó chủ động chuẩn bị khả năng ứng phó đối với các tác động bất lợi mà các CPTPP, RCEP và các hiệp định thương mại tự do khác gây ra.

Song hành cùng với quá trình nhận thức và vận dụng tốt các quy chế pháp lý trong CPTPP, RCEP và các Hiệp định FTA khác, để nâng cao năng lực cạnh tranh, một mặt các doanh nghiệp Việt Nam cần củng cố thị trường trong nước, nâng cao chất lượng hàng hóa dịch vụ, tăng cường tính chuẩn xác trong nhận diện thương hiệu; nâng cao trình độ nguồn nhân lực trong doanh nghiệp, mặt khác các doanh nghiệp trong nước cũng cần chủ động xây dựng kế hoạch mở cửa thị trường theo hướng thâm nhập vào thị trường nước ngoài để tăng cường xuất khẩu đối với những hàng hóa, dịch vụ có lợi thế. Việc đáp ứng được các yêu cầu của việc nâng cao năng lực cạnh tranh trên đây, có thể giúp các doanh nghiệp Việt Nam không những củng cố cơ hội thắng thầu trước các gói thầu có tính cạnh tranh quốc tế tại Việt Nam, mà còn thúc đẩy các doanh nghiệp này tận dụng những lợi thế cạnh tranh khi tham gia các gói thầu quốc tế được thực hiện tại các quốc gia thành viên của các Hiệp định nêu trên.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1]Xem: RCEP - Chương 16; CPTPP - Chương 15.

[2]Xem: RCEP- Chương 16, Điều 16.1.

[3]Xem: RCEP - Chương 16, Điều 16.4.

[4]Xem: RCEP - Chương 16, Điều 16.5.

[5]Xem:  Jean Heilman Grier, Growing Significance of Regional Trade Agreements in Opening Public Procurement Markets, 4th Interdisciplinary Symposium on Public Procurement in Paris, France, October 26, 2018.

[6]Xem: CPTPP - Chương 15, Điều 15.4.

[7]Xem: CPTPP - Chương 15, Điều 15.6; 15.7; 15.10; 15.14.

[8]Xem: RCEP - Chương 16. Điều 16.2.

[9]Xem: Trần Thị Hồng Minh và nhóm tác giả,  Báo cáo nghiên cứu “Thực hiện hiệu quả Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP): Một số yêu cầu hoàn thiện thể chế thương mại và đầu tư ở Việt Nam”, Nhà xuất bản Dân trí, 2021.

[10]Xem: RCEP - Lời Mở đầu; RCEPT - Chương 1, Điều 1.3 (a).

[11]Xem: RCEP - Chương 16, Điều 16.3.

[12]Xem: RCEP - Chương 16, Điều 16.8.

[13]Xem: RCEP - Chương 16, Điều 16.3.

[14]Xem: Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) kèm theo Quyết định số 121/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 24/01/2019.

[15]Xem: Claudio Dordi và nhóm tác giả, Báo cáo Đánh giá tác động của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đối với nền kinh tế Việt Nam, MUTRAP, 2014; Trần Thị Hồng Minh và nhóm tác giả, Báo cáo nghiên cứu “Thực hiện hiệu quả Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP): Một số yêu cầu hoàn thiện thể chế thương mại và đầu tư ở Việt Nam”, Nhà xuất bản Dân trí, 2021; Trần Thị Hồng Minh và nhóm tác giả, Báo cáo nghiên cứu “Thực hiện hiệu quả Hiệp định CPTPP trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế: Yêu cầu hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam”, Nhà xuất bản Dân trí, 2020

[16]Xem: Sổ tay Tìm hiểu thị trường mua sắm công Việt Nam qua lăng kính CPTPP (soạn thảo bởi các Chuyên gia tư vấn của Bộ Ngoại giao New Zealand và Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam).

[17]Xem: RCEP -Chương 16, Điều 16.6 và Chương 20, Điều 20.2, Điều 20.8.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Claudio Dordi và nhóm tác giả, (2014), Báo cáo Đánh giá tác động của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đối với nền kinh tế Việt Nam, MUTRAP.
  2. Jean Heilman Grier, (2018), Growing Significance of Regional Trade Agreements in Opening Public Procurement Markets, 4th Interdisciplinary Symposium on Public Procurement in Paris, France, October 26.
  3. Trần Thị Hồng Minh và nhóm tác giả, (2021), Báo cáo nghiên cứu “Thực hiện hiệu quả Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP): Một số yêu cầu hoàn thiện thể chế thương mại và đầu tư ở Việt Nam”, Nhà xuất bản Dân trí.
  4. Trần Thị Hồng Minh và nhóm tác giả, (2020), Báo cáo nghiên cứu “Thực hiện hiệu quả Hiệp định CPTPP trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế: Yêu cầu hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam”, Nhà xuất bản Dân trí.
  5. Thủ tướng Chính phủ, (2019), Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) kèm theo Quyết định số 121/QĐ-TTg.
  6. Bộ Ngoại giao New Zealand và Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam, (2021), Sổ tay Tìm hiểu thị trường mua sắm công Việt Nam qua lăng kính CPTPP.

 Some assessments and recommendations to the Government of Vietnam about the implementation of the RCEP’s commitments on government procurement in relation to the CPTPP

 Master. Pham Minh Quoc

Faculty of Economics - Law

Thuongmai University

Abstract:

The Regional Comprehensive Economic Partnership (RCEP) was signed on November 15, 2020 and came into force from January 1, 2022. After the Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership (CPTPP) (signed in March, 2018 and came into force on December 30, 2018), the RCEP is the second regional comprehensive trade agreement that Vietnam signed.

By analyzing and comparing specific regulations on government procurement between the RCEP and the CPTPP, this paper explores legal contents and notable differences between the RCEP and the CPTPP’s regulations on government procurement. This paper also assesses the prospects of implementing the regulations on government procurement of these two free trade agreements and makes some recommendations to Vietnam about the approach and implementation of the RCEP’s commitments on government procurement.

Keywords: the RCEP, the CPTPP, government procurement, bidding.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 8, tháng 4 năm 2022]