Một số nhân tố tác động đến động lực học tập của sinh viên Trường Đại học Đại Nam

ThS. PHAN THỊ THÙY (Trường Đại học Đại Nam)

TÓM TẮT:

Bài viết này trình bày kết quả nghiên cứu về động lực học tập và các nhân tố tác động đến động lực học tập của sinh viên Trường Đại học Đại Nam. Nghiên cứu đã khảo sát 300 sinh viên đang học tại trường với phương pháp chọn mẫu thuận tiện. Kết quả nghiên cứu cho thấy đa số sinh viên đều có động lực học tập của bản thân, trong đó định hướng học tập có sự chi phối mạnh nhất đến động lực của sinh viên. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cho thấy môi trường học tập không có tác động đến động lực học tập của sinh viên trong nhà trường, còn nhân tố hành vi của giảng viên có tác động nhưng không nhiều. Kết quả nghiên cứu cung cấp những thông tin hữu ích để các nhà quản lý giáo dục của nhà trường định hướng cho sinh viên có động lực học tập đúng đắn.

Từ khóa: nhân tố tác động, động lực học tập, sinh viên, Trường Đại học Đại Nam.

1. Đặt vấn đề

Vấn đề động lực học tập của người học không phải là vấn đề mới. Học tập thường gắn liền với công việc khó khăn thay vì cảm giác thích thú. Nhiều sinh viên có mặt đầy đủ hàng ngày trong lớp học nhưng lại vắng mặt tinh thần và do đó không có cảm hứng học tập, không tiếp nhận được kiến thức. Nhận thức đầy đủ về các yếu tố thúc đẩy học tập của sinh viên có thể giúp nhà trường tăng động lực học tập cho sinh viên. Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam hiện nay vẫn hoài nghi sinh viên học tại các trường đại học ngoài công lập thường ít có động lực học tập, không chăm chỉ. Nghiên cứu này góp phần làm rõ động lực học tập của sinh viên ngoài công lập tại Trường Đại học Đại Nam và nhấn mạnh các yếu tố tác động đến động lực học tập của sinh viên.

2. Cơ sở lý thuyết của nghiên cứu

2.1. Động lực học tập

Động lực học tập là sự tham gia và cam kết của người học để học và đạt được điểm học tập xuất sắc, tạo điều kiện thuận lợi trong tương lai nghề nghiệp của họ (Gottfried và cộng sự, 2001). Động lực học tập là những nhân tố kích thích, thúc đẩy tính tích cực, hứng thú học tập liên tục của người học nhằm đạt kết quả về nhận thức, phát triển nhân cách và hướng tới mục đích học tập đã đề ra (Phạm Văn Khanh, 2016).

Động lực chủ yếu có 2 loại liên quan đến thành tích học tập của người học được đặc trưng bởi động lực bên ngoài và động lực nội tại. Động lực bên trong là khả năng của người học trong việc tương tác với môi trường học tập để đạt được các mục tiêu được yêu cầu và xác định trước của bản thân. Ngược lại, động lực bên ngoài đề cập đến thực tế là người học được thúc đẩy thông qua các loại phần thưởng và điểm số (Tanveer và cộng sự, 2012).

Động lực học tập có tác động tích cực đến kết quả nhận thức của sinh viên trong quá trình học. Ngoài ra động lực đúng đắn sẽ giúp người học nâng cao tư duy phản biện và khả năng tự chủ giúp người học trở nên nhiệt tình, thích, tích cực và thoải mái tham gia các hoạt động trong học tập và đóng góp vào sự thành công của người học (HT. Hiền và HTP. Lan, 2021).

2.2. Một số nhân tố tác động đến động lực học tập của sinh viên

Có nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước đã chỉ ra các nhân tố tác động đến động lực học tập của sinh viên.

Các yếu tố ảnh hưởng đến động lực của sinh viên đối với quá trình học tập bao gồm các yếu tố môi trường như sự sạch sẽ của lớp học, hành vi của giáo viên với người học và mức độ quan tâm của sinh viên đối với một nội dung khóa học cụ thể (Johnson, 2008).

Giáo viên có thể đóng một vai trò không thể thiếu trong việc tăng động lực học tập ở người học. Ở bậc đại học, nếu giảng viên là người có năng lực, kỹ năng sư phạm tốt, quan tâm nhiều đến sinh viên sẽ góp phần gia tăng động lực học tập (Williams và Williams, 2011). Giảng viên có thể tác động làm tăng và phát triển động lực học tập, giúp sinh viên học tập hiệu quả hơn. Ngoài ra, thông qua việc tạo môi trường học tập thuận lợi, thiết lập mục tiêu học tập rõ ràng cùng với sự nhiệt tình của giảng viên trong bài giảng có thể giúp sinh viên tìm thấy niềm vui và hứng thú trong học tập (Valerio, 2012). Bên cạnh đó, sự tham gia tích cực của người học vào quá trình học tập thông qua thảo luận, sự tham gia vào các hoạt động học tập và nhu cầu giáo dục hiện tại của người học cũng tác động đến động lực học tập (Wiseman và Hunt, 2013).

Nghiên cứu của Klein và cộng sự (2006), Williams và Williams (2011) cho thấy rằng, yếu tố bản thân sinh viên như việc sinh viên có định hướng mục tiêu học tập rõ ràng sẽ góp phần ảnh hưởng đến động lực học tập. Còn phương pháp giảng dạy và môi trường học tập có tác động tích cực đến động lực học tập.

Theo Tanveer và cộng sự (2012) các yếu tố có ảnh hưởng cấp thiết đến việc tăng mức độ động lực của người học bao gồm môi trường lớp học, quy mô lớp học, mức độ tự tin của học sinh, hành vi của giáo viên và các chuẩn mực của nhà trường. Người học có thể học chính xác hơn trong môi trường lớp học bao gồm tình cảm, sự phối hợp và sự tham gia trong quá trình học tập,…

Sự hài lòng của sinh viên về các khía cạnh khác nhau trong học tập có tác động đến động lực học tập của họ, bao gồm tác động phần lớn bởi các hoạt động phong trào, chất lượng giảng viên, chương trình đào tạo và các nhân tố về điều kiện học tập, môi trường học tập cũng có tác động phần nào đến động lực học tập của sinh viên (HTM. Nga và NT. Kiệt, 2016).

Theo nghiên cứu tổng quan của HT. Hiền và HTP. Lan (2021), động lực học tập của sinh viên chịu tác động bởi các nhân tố: nhà trường, gia đình, đặc tính cá nhân của sinh viên.

Dựa trên tổng hợp các nghiên cứu về động lực học tập, nghiên cứu này đề xuất mô hình 4 yếu tố tác động đến động lực học tập của sinh viên bao gồm: hành vi giảng viên, định hướng mục tiêu học tập của sinh viên, môi trường học tập, phương pháp giảng dạy.

3. Phương pháp nghiên cứu

3.1. Mẫu khảo sát

Nghiên cứu sử dụng phương pháp lấy mẫu thuận tiện. Mẫu khảo sát được xác định theo công thức của Hair và cộng sự (1998). Với bảng hỏi gồm 27 biến quan sát cần tối thiểu 135 phiếu điều tra. Nghiên cứu đã phát 300 phiếu khảo sát tới sinh viên Trường đại học Đại Nam, thu về 281 phiếu hợp lệ sử dụng cho báo cáo kết quả của nghiên cứu này.

3.2. Kiểm định độ giá trị và độ tin cậy của thang đo

Kết quả phân tích EFA cho giá trị KMO = 0,91 (thỏa mãn 0,5<KMO<1) và Sig < 0,05 cho thấy dữ liệu phù hợp để tiến hành phân tích nhân tố. Giá trị phương sai trích là 65,766% với điểm dừng các nhân tố Eigenvalue bằng 1,147 và loại bỏ biến quan sát PP1 đo lường nhân tố phương pháp học tập do hệ số tải nhân tố nhỏ hơn 0,5.

Sau khi phân tích EFA, thứ tự các nhân tố được sắp xếp theo Bảng 1.

Bảng 1. Bảng quy ước các khái niệm và thang đo nghiên cứu

TT

Nhân tố

Thang đo

1

Hành vi giảng viên (GV)

GV1, GV2, GV3, GV4, GV5, GV6, GV7

2

Định hướng mục tiêu học tập của sinh viên (DH)

DH1, DH2, DH3, DH4, DH5, DH6

3

Môi trường học tập (MT)

MT1, MT2, MT3

4

Phương pháp giảng dạy (PP)

PP2, PP3, PP4, PP5, PP6, PP7

5

Động lực học tập

DL1, DL2, DL3, DL4

Nguồn: Thống kê của tác giả

Kết quả kiểm định Cronbach’s Alpha cho thấy hệ số của cả 5 nhân tố đều lớn hơn 0,6 và hệ số tương quan biến tổng của các thang đo đều lớn hơn 0,3 nên không loại bỏ thêm biến nào, các thang đo là phù hợp để có thể tiến hành các phân tích tiếp theo.

4. Thực trạng một số nhân tố tác động đến động lực học tập của sinh viên Trường Đại học Đại Nam

4.1. Thực trạng động lực học tập của sinh viên Trường Đại học Đại Nam

Để đánh giá động lực học tập của sinh viên, nghiên cứu sử dụng thang đo của Cole và cộng sự (2004), kết quả cho thấy sinh viên Trường Đại học Đại Nam đánh giá động lực học tập của bản thân tương đối cao (3,82 điểm - mức 4). Nhiều ý kiến cho rằng sinh viên trường đại học ngoài công lập thường không có động lực học tập, không chăm chỉ và thiếu định hướng. Tuy nhiên kết quả trong khảo sát đã chỉ ra điều ngược lại, các bạn sinh viên trong nhà trường nhận thức rõ ràng cần chủ động dành nhiều thời gian cho việc học. Các bạn cũng rất đầu tư và hết mình cho chương trình học của bản thân (3,9 điểm). Nhiều bạn sinh viên khi được hỏi đã bày tỏ quyết tâm nỗ lực học tập để đạt kết quả tốt nhằm chứng minh năng lực học tập với người thân, bạn bè đồng thời xóa bỏ cái nhìn không tốt của mọi người đối với sinh viên khi học tại một trường đại học ngoài công lập. (Bảng 2)

Bảng 2. Thực trạng động lực học tập của sinh viên

Trường Đại học Đại Nam

STT

Biểu quan sát

N

TB

1

Tôi dành rất nhiều thời gian cho việc học ở đại học

281

3,66

2

Đầu tư vào chương trình học này là ưu tiên số một của tôi

281

3,91

3

Tôi học hết mình trong chương trình học này

281

3,9

4

Nhìn chung, động lực học tập của tôi đối với chương trình học ở đại học là rất cao

281

3,81

 

Trung bình

281

3,82

Nguồn: Thống kê của tác giả

4.2. Thực trạng một số nhân tố tác động đến động lực học tập của sinh viên Trường Đại học Đại Nam

Để đánh giá mức độ tác động của các nhân tố đến động lực học tập của sinh viên Trường Đại học Đại Nam, nghiên cứu tiến hành phân tích sự phụ thuộc “Động lực học tập” của sinh viên vào các biến độc lập. Kết quả phân tích hồi quy được thể hiện như Bảng 3.

Bảng 3. Kết quả hồi quy

Model

R

Hệ số xác định R²

R² hiệu chỉnh

Sai số chuẩn của ước lượng

Durbin-Watson

1

0,644a

0,440

0,432

0,48086

2,003

a. Predictors: (Constant), PP, DH, GV, MT

b. Dependent Variable: DL

Nguồn: Kết quả xử lý số liệu trên phần mềm SPSS

Kết quả phân tích cho thấy, R2 hiệu chỉnh có giá trị bằng 0,440 điều này nói lên độ thích hợp của mô hình đạt 44%. Để kiểm định độ phù hợp của mô hình hồi quy tổng thể ta xem xét đến giá trị thống kê F trong bảng phân tích phương sai ANOVA (Bảng 4), kết quả cho giá trị F = 54,309 với mức ý nghĩa Sig. = 0.000 < 0.05, bước đầu cho thấy mô hình hồi quy tuyến tính phù hợp với tập dữ liệu và có thể sử dụng được.

Bảng 4. Kết quả phân tích phương sai ANOVA

Mô hình

Tổng các bình phương

Bậc tự do (df)

Phương sai

F

Sig.

1

Hồi quy

50,231

4

12,558

54,309

,000b

Phần dư

63,819

276

0,231

   

Total

114,049

280

     

a. Dependent Variable: DL

b. Predictors: (Constant), PP, DH, GV, MT

Nguồn: Kết quả xử lý số liệu trên phần mềm SPSS

Xét Bảng 5, trọng số hồi quy cho thấy các biến GV, DH, PP có sự ảnh hưởng đến động lực học tập của sinh viên, mức ý nghĩa Sig đều nhỏ hơn 0.05. Các nhân tố này có tác động cùng chiều vào biến phụ thuộc DL do có hệ số Beta dương. So sánh mức độ tác động của 3 biến này lên biến DL ta thấy hệ số βDH lớn nhất, biến DH tác động vào DL mạnh nhất. Việc định hướng mục tiêu học tập rõ ràng, phương pháp giảng dạy hiệu quả làm tăng động lực học tập của sinh viên Trường Đại học Đại Nam. Hành vi giảng viên cũng làm tăng động lực học tập của sinh viên nhưng tác động ít hơn nhiều so với 2 nhân tố còn lại. Ở bậc đại học, việc học tập của sinh viên là chủ động, người học là trung tâm, giảng viên đóng vai trò hướng dẫn, có thể vì vậy hành vi của giảng viên ít tác động đến động lực học tập của sinh viên.

Dựa theo kết quả, nhân tố “Môi trường học tập” không tác động đến động lực học tập của sinh viên Trường Đại học Đại Nam vì có hệ số mức ý nghĩa Sig > 0.05. Thời điểm tiến hành khảo sát, sinh viên Trường Đại học Đại Nam đang học online do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19. Đối với lớp học online, đa số sinh viên thường không bật Camera và Micro, trừ khi được giảng viên yêu cầu, sinh viên cũng ít có cơ hội tương tác trực tiếp với bạn cùng lớp trong giờ học như khi học Offline nên có thể cảm nhận về môi trường học tập của sinh viên không rõ ràng, từ đó không ảnh hưởng đến động lực học tập của sinh viên.

Bảng 5. Kết quả phân tích hồi quy đa biến

Coefficientsa

Model

Hệ số chưa chuẩn hóa

Hệ số đã chuẩn hóa

t

Sig.

Thống kê cộng tuyến

B

Sai số chuẩn hóa

Beta

Độ chấp nhận

VIF

1

(Constant)

0,260

0,249

 

10,041

0,299

 

 

GV

0,127

0,052

0,134

20,439

0,015

0,677

10,478

DH

0,484

0,055

0,441

80,772

0,000

0,801

10,249

MT

0,029

0,059

0,029

0,487

0,627

0,584

10,711

PP

0,263

0,062

0,242

40,250

0,000

0,628

10,593

a. Dependent Variable: DL

Nguồn: Kết quả xử lý số liệu trên phần mềm SPSS

5. Kết luận và một số gợi ý giải pháp

Nghiên cứu đã chỉ ra 3 nhân tố tác động thuận chiều và 1 nhân tố không tác động vào động lực học tập của sinh viên Trường Đại học Đại Nam. Nhân tố đầu tiên là ở bản thân sinh viên, việc các bạn có định hướng mục tiêu học tập rõ ràng sẽ góp phần gia tăng động lực học tập. Nhân tố thức 2 thuộc về giảng viên và cả nhà trường, việc xây dựng những phương pháp giảng dạy tốt, lấy lợi ích của sinh viên làm trung tâm sẽ góp phần gia tăng động lực học tập. Nhân tố thứ 3 là hành vi giảng viên gồm có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, sự quan tâm và sẵn sàng giúp đỡ sinh viên, công bằng trong đánh giá. Nhân tố “Môi trường học tập” gồm có quy mô lớp học, sự cạnh tranh giữa các sinh viên, sự tích cực sôi nổi khi tham gia bài giảng của các sinh viên khác trong lớp học không có tác động. Điều này có khác biệt với nhiều nghiên cứu trước đó đã chỉ ra rằng môi trường học tập tác động tích cực đến động lực học tập của sinh viên.

Một số khuyến nghị để tăng động lực học tập cho sinh viên:

Một là, Nhà trường cần hoàn thiện các chương trình học cụ thể với đầy đủ các môn học kèm theo đề cương chi tiết công khai và dễ dàng tiếp cận, điều này sẽ giúp những học sinh, sinh viên quan tâm sẽ dễ dàng tìm tòi hơn về môn học, ngành học ưa thích theo đúng định hướng.

Hai là, Nhà trường yêu cầu giảng viên tăng cường sử dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại, sử dụng tình huống, phim tài liệu và tăng thời lượng thực hành, khảo sát, tham quan thực tế vào bài giảng.

Ba là, Nhà trường đào tạo cho tất cả đối tượng giảng viên học tập nâng cao năng lực chuyên môn, tham gia các khóa học đổi mới phương pháp giảng dạy. Thực tế chỉ ra đôi khi chính những giảng viên cao tuổi lại cần tiếp cận phương pháp giảng dạy hiện đại nhiều hơn là giảng viên trẻ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Gottfried, A. E., Fleming, J. S. & Gottfried, A. W. (2001). Continuity of academic intrinsic motivation from childhood through late adolescence: A longitudinal study. Educational psychology, 93,
  2. Hoàng Thị Mỹ Nga và Nguyễn Tuấn Kiệt (2016), Phân tích các nhân tố tác động đến động lực học tập của sinh viên kinh tế Trường Đại học Cần Thơ, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, 107-115.
  3. Hoàng Thu Hiền và Hoàng Thị Phương Lan (2021), Tổng quan các nghiên cứu về nhân tố ảnh hưởng đến động lực học tập của sinh viên, Tạp chí Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương.
  4. Johnson, L. S. (2008). Relationship of instructional methods to student engagement in two public high schools. American secondary education, 69-87.
  5. Klein, H. J., Noe, R. A. & Wang, C. (2006). Motivation to learn and course outcomes: The impact of delivery mode, learning goal orientation, and perceived barriers and enablers. Personnel psychology, 59, 665-702.
  6. Phạm Văn Khanh (2016), Động cơ học tập của học sinh, sinh viên – Sự hình thành và phát triển, Cổng thông tin điện tử Tỉnh Tiền Giang.
  7. Tanveer, M. A., Shabbir, M. F., Ammar, M., Dolla, S. I. & Aslam, H. (2012). Influence of teacher on student’learning motivation in management sciences studies. American Journal of Scientific Research, 67, 76-87.
  8. Valerio, K. (2012). Intrinsic motivation in the classroom. Student Engagement: Education Matters, 2, 30-35.
  9. Williams, K. C. & Williams, C. C. (2011). Five key ingredients for improving student motivation. Research in Higher Education, 12,
  10. Wiseman, D. G. & Hunt, G. H. (2013). Best practice in motivation and management in the classroom. United States: Charles C Thomas Publisher.

 Factors affecting the learning motivation of Dai Nam University’s students

Master. Phan Thi Thuy

Dai Nam University

ABSTRACT:

This paper presents the results of research on the learning motivation and the factors affecting the learning motivation of Dai Nam University’s students. The study surveys 300 students who are studying at Dai Nam University with the use of convenient sampling method. The study’s results show that most surveyed students have their own learning motivation. In which, the learning orientation factor has the strongest impact on the learning motivation of students. Meanwhile, the learning environment factor does not impact the learning motivation of students and the behavior of teacher factor has little impact on the learning motivation of students. This paper is expected to help school administrators have appropriate learning orientations for students to improve their learning motivation.

Keywords: impact factor, learning motivation, student, Dai Nam University.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 8, tháng 4 năm 2022]