Một số rào cản kỹ thuật chủ yếu đối với  doanh nghiệp Việt Nam trong xuất khẩu nông sản

TS. LÊ TIẾN ĐẠT - THS. NGUYỄN NGUYỆT NGA (Đại học Thương mại)

TÓM TẮT:

Những năm gần đây, xuất khẩu nông sản Việt Nam tăng trưởng khả quan đã trở thành động lực quan trọng để thu hút các doanh nghiệp (DN) tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhằm vươn tới các thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản, Canada, Úc và New Zealand. Tuy nhiên, để có thể xuất khẩu (XK) thành công, các DN Việt Nam cần vượt qua được những hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe từ những thị trường này.

Bài báo sử dụng phương pháp phân tích dữ liệu thứ cấp và phương pháp định tính nhằm miêu tả thực trạng XK, cũng như các hàng rào kỹ thuật mà DN Việt Nam đang gặp phải ở hai thị trường chính là Mỹ và EU. Từ đó, tác giả đề xuất một số giải pháp và kiến nghị liên quan, với mong muốn hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn cho các DN trong hoạt động xuất khẩu nông sản (NS).

Từ khóa: Hàng rào kỹ thuật, xuất khẩu nông sản, doanh nghiệp.

1. Đặt vấn đề

Kể từ khi thực hiện đường lối mở cửa, chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) của Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ và trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong đó, hoạt động XK NS luôn được đặt ở vị trí trung tâm. Mặc dù có tiềm năng XK cao nhưng kim ngạch XK NS của nước ta vẫn còn hạn chế. Một trong những hạn chế đó là các DN Việt Nam cần vượt qua những rào cản kỹ thuật liên quan tới môi trường từ các thị trường NK, nhất là ở các nước phát triển.

Bài báo nghiên cứu về một số hàng rào kỹ thuật mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam gặp phải trong quá trình XK NS, đặc biệt là tại hai thị trường lớn là EU và Mỹ. Qua đó, tác giả cũng đi sâu tìm hiểu một số khó khăn điển hình của DNNVV XK NS Việt Nam.

2. Hàng rào kỹ thuật đặt ra đối với DNNVV trong XK NS

Trong Hiệp định Nông nghiệp của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hàng NS vốn được coi là một nhóm mặt hàng nhạy cảm trong XK, do có khá nhiều các quy định riêng của phía NK đưa ra cho các mặt hàng này (WTO, 2019). Trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam, hoạt động sản xuất trái cây an toàn, sử dụng công nghệ cao và có khả năng XK ra thị trường thế giới đang được chú trọng (Bộ Công Thương, 2019). Tuy nhiên, hoạt động này của các DN nước ta đã và đang vấp phải những khó khăn do hàng rào kỹ thuật của các nước phát triển.

Theo quan điểm của WTO (2012), hàng rào kỹ thuật được biết đến dưới dạng các biện pháp phi thuế quan (Non-tariff measures - NTMs). Các biện pháp phi thuế quan có thể phục vụ mục tiêu chính sách công hợp pháp, chẳng hạn như bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng, tuy nhiên, chúng cũng có thể được sử dụng cho các mục đích bảo hộ. Các NTMs giống như rào cản kỹ thuật đối với thương mại (TBT) về tiêu chuẩn hàng hóa sản xuất, các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật liên quan đến an toàn thực phẩm như sức khỏe động vật/thực vật và các quy định trong nước về dịch vụ. Theo đó, các xu hướng mới nhất liên quan đến việc sử dụng các rào cản phi thuế quan như: TBT, SPS, ISO 9000, ISO 22000, HACCP, ISO 14000. Hàng rào kỹ thuật theo tiêu chuẩn quốc tế đối với NS XK được Tổ chức Nông Lương của Liên Hợp Quốc chia làm hai loại là quy định bắt buộc và các chứng nhận tự nguyện. Pascal Liu & các cộng sự (2015) cho rằng, quy định bắt buộc về tiêu chuẩn kỹ thuật và kiểm soát NK bao gồm:

Quy định bắt buộc về tiêu chuẩn kỹ thuật và kiểm soát nhập khẩu

- Quy định về chất lượng thương mại và nhãn mác

- Quy định về an toàn thực phẩm

- Quy định kiểm dịch thực vật nhằm phát hiện dấu hiệu sâu hại hoặc dịch bệnh. Thường quy định này kèm theo yêu cầu chiếu xạ, nhằm diệt sâu hại như quy định của thị trường Mỹ hoặc Úc.

Các tiêu chuẩn về chứng nhận tự nguyện bền vững

Các chương trình chứng nhận tự nguyện bền vững đối với nông sản XK được Tổ chức Nông lương của Liên Hợp Quốc chia ra một số loại như sau:

- Chứng nhận hệ thống quản lý về môi trường ISO 14001

- Chứng nhận xã hội (chứng nhận về công bằng thương mại và chứng nhận hệ thống quản lý trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp - SA 8000)

- Chứng nhận hệ thống quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm ISO 22000

- Chứng nhận hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP)

- Chứng nhận Thực hành nông nghiệp tốt (GAP - EuroGap/Global Gap) và chứng nhận thực hành sản xuất tốt (GMP)

- Chứng nhận chất lượng thực phẩm đặc trưng (chỉ dẫn địa lý GI)

- Một số chứng nhận khác: Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000).

- Chứng nhận về môi trường bao gồm chứng nhận về nông nghiệp hữu cơ

3. Phương pháp nghiên cứu

Nhằm nghiên cứu thực trạng XK NS, cũng như những rào cản kỹ thuật mà các DN Việt Nam đang gặp phải, bài viết đã sử dụng đồng thời 2 phương pháp là nghiên cứu dữ liệu thứ cấp và phỏng vấn định tính. Trong đó, các dữ liệu thứ cấp là các báo cáo nghiên cứu, thống kê số liệu theo khu vực, như: Báo cáo XNK Việt Nam năm 2018 của Bộ Công Thương, Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan năm 2018, Báo cáo Thương mại quốc tế của Tổ chức Thương mại thế giới WTO năm 2016 và các sách, báo, tạp chí khác. Dữ liệu sơ cấp định tính được thu thập dựa trên cuộc phỏng vấn với 124 DN XK NS. Các DN này đến từ các tỉnh/thành phố khác nhau, như: Bắc Giang, Hải Dương, Lai Châu, Yên Bái, Ninh Bình, Quảng Ninh, Hà Tĩnh. Thông qua các mối quan hệ cá nhân và sự giới thiệu từ DN, các cuộc phỏng vấn đã được thực hiện. Sau đó, được phân tích dựa trên phương pháp phân tích dữ liệu định tính của Creswell.

4. Kết quả nghiên cứu

Theo Viện Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (2015), hàng rào kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp liên quan đến: Dư lượng thuốc trừ sâu, kim loại nặng, biến đổi gen, canh tác, môi trường, đóng gói, ghi nhãn... Khi XK NS vào các quốc gia sở tại, các quốc gia này yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước XK xác nhận, lập danh sách các cơ sở đăng ký để XK vào, hoặc xuất trình hồ sơ các chương trình quản lý chất lượng, chương trình giám sát của nước XK, một số sản phẩm phải khử trùng, ra nhiệt, chiếu xạ... Thậm chí, Mỹ và EU còn có lịch định kỳ trực tiếp sang kiểm tra hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo Cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản, trong thời gian qua, một khối lượng lớn NS XK của Việt Nam bị các nước trả về do vi phạm về TBT của thị trường nhập khẩu. Ủy ban châu Âu và Nhật Bản cũng đã nhiều lần đưa ra cảnh báo vi phạm các tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng rau, củ quả của Việt Nam - điển hình là hạt tiêu, thanh long, mướp đắng, gạo,.., thậm chí gỗ làm bao bì đóng hàng XK cũng vi phạm (Tuấn Thành, 2017).

Đối với các loại quả tươi khi XK vào thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, bên cạnh yêu cầu về xử lý kiểm dịch thực vật khắt khe, các lô hàng này phải thực hiện chương trình tiền chứng nhận (preclearance) theo yêu cầu của các nước NK.

Hiện nay, Cục Bảo vệ thực vật đã và đang tiến hành công tác xúc tiến thương mại, tháo gỡ rào cản về kiểm dịch thực vật cho một số loại NS và trái cây của Việt Nam, nhằm mục đích XK vào các thị trường tiềm năng, như:

Thị trường Úc: Phía Úc thực hiện các bước để mở cửa thị trường cho quả thanh long, vải và xoài. Đối với vải, Úc đã cử đoàn chuyên gia sang kiểm tra các nhà máy chiếu xạ của Việt Nam và Cục Bảo vệ thực vật đang tích cực thúc đẩy vấn đề này để sớm mở cửa cho trái vải của Việt Nam vào thị trường Úc.

Thị trường Nhật Bản: Cục Bảo vệ thực vật đã gửi kế hoạch cũng như đề cương thí nghiệm kiểm chứng xử lý diệt trừ ruồi đục quả xoài cho phía Nhật Bản và đàm phán để sớm hoàn tất thủ tục cho phép NK xoài của Việt Nam sang thị trường này.

Thị trường Đài Loan: Phía Đài Loan đã cử đoàn chuyên gia kiểm dịch thực vật sang kiểm tra, đánh giá thí nghiệm xử lý và cơ sở xử lý thanh long. Trên cơ sở thí nghiệm đó, Cục Bảo vệ thực vật đã gửi công văn đề nghị Đài Loan sớm mở cửa thị trường cho trái thanh long Việt Nam.

Thị trường Ấn Độ: Đã chính thức mở cửa cho thanh long Việt Nam, hiện đã có 6 doanh nghiệp XK được hơn 230 tấn thanh long sang thị trường này.

Thị trường Argentina: Cục Bảo vệ thực vật đã gửi hồ sơ kỹ thuật và đề nghị đối tác thực hiện các thủ tục cần thiết để mở cửa thị trường cho thanh long, nhãn, vải, xoài của Việt Nam.

4.1. Thực trạng những hàng rào kỹ thuật của thị trường EU đối với một số NS XK chủ lực của các DNNVV Việt Nam

Thị trường EU luôn đòi hỏi cao về an toàn thực phẩm. Đó là lý do tại sao việc sản xuất và kinh doanh nông phẩm tươi phải tuân thủ các yêu cầu của luật pháp cũng như những yêu cầu khác của người mua. Trong số các yêu cầu chính, nhà XK sẽ phải áp dụng quy trình kiểm soát chất lượng cụ thể trong quá trình chế biến, đóng gói sản phẩm. Đồng thời, chú trọng truy xuất nguồn gốc sản phẩm để có thể theo dõi sản phẩm trong trường hợp phát sinh về an toàn và khắc phục chúng.

Các quy định đề cập đến hàm lượng chất phụ gia, bao bì, hóa chất, ô nhiễm nước và không khí, cạn kiệt nguồn tài nguyên không thể tái sinh… Cụ thể, đối với trái cây XK của Việt Nam, trái cây muốn NK vào thị trường EU phải phù hợp với các tiêu chuẩn của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm Quốc tế Codex. EU đã đưa ra quy định cụ thể về mức dư lượng tối đa (MRL) có trong và trên các loại thực phẩm nói chung và trên nhãn, vải tươi nói riêng. Các sản phẩm này nếu chứa dư lượng thuốc trừ sâu cao hơn mức cho phép thì sẽ bị buộc phải rút khỏi thị trường EU (Sở NN & PTNT Hà Nội, 2015).

4.2. Thực trạng những hàng rào kỹ thuật của thị trường Hoa Kỳ đối với một số NS XK chủ lực của các DNNVV Việt Nam

Với thị trường Hoa Kỳ, theo yêu cầu của Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm (FSMA), sản phẩm NK vào Hoa Kỳ đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Theo đó, mọi sản phẩm NK vào Hoa Kỳ cần đáp ứng các tiêu chuẩn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, gọi là các Hạn mực dư lượng tối đa (MRL). Nếu có vấn đề xảy ra về kiểm dịch hoặc an toàn thực phẩm thì cơ quan thẩm quyền của Hoa Kỳ sẽ có khả năng truy nguyên nguồn gốc của sản phẩm tới tận người trồng, nơi trồng hoặc lô hàng. Hiện nay, Hoa Kỳ đã ban hành đạo luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm (FSMA).

Đạo luật này quy định chặt chẽ và kiểm soát dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trên hàng NK. Đặc biệt, đạo luật đề ra các quy định đối với những sản phẩm rau, quả tươi không được sản xuất tại Hoa Kỳ. Theo đó, nước XK phải xây dựng mức dư lượng tối đa cho phép đối với các hóa chất và bảo vệ thực vật, sau đó gửi hồ sơ kỹ thuật cho phía Hoa Kỳ xem xét chấp nhận. Điều này gây khó khăn cho các sản phẩm Việt Nam đang XK sang Hoa Kỳ (như thanh long, chôm chôm). Hiện nay, nếu trái cây nhập khẩu vào Hoa kỳ bị phát hiện có chứa hóa chất Difenoconazole, carbendazim, iprodione, cyperme-thrin và chlorothalonil, sẽ bị từ chối cho phép nhập khẩu (Sở NN&PTNT Hà Nội, 2015).

Tại thị trường Mỹ, trái cây phải được Cơ quan Kiểm dịch Mỹ (APHIS) chứng nhận đủ tiêu chuẩn an toàn để NK, ví dụ như: xử lý chiếu xạ, kiểm tra về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc kích thích sinh trưởng của cơ quan kiểm dịch Mỹ.

Cũng giống như các sản phẩm nông nghiệp khác, trái cây hữu cơ cũng đang ngày càng trở thành một xu hướng ưa thích trên thị trường tiềm năng này. Việt Nam cũng đã có những lô hàng trái cây hữu cơ đầu tiên XK từ vườn thanh long hữu cơ tại Long An thông qua Công ty Cổ phần Nông nghiệp GAP. Thị trường tiêu dùng sẵn sàng đón nhận sản phẩm trái cây sạch, an toàn nếu giá không cao hơn sản phẩm truyền thống quá nhiều.

Phía Mỹ không chỉ dừng lại ở kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu, mà còn tiến tới kiểm tra sản phẩm tận nơi xuất xứ, tức là kiểm soát cả quy trình. Theo đó, đối với kiểm soát quy trình hàng NS, thực chất là sự thay đổi về mô hình quản lý của Hoa Kỳ. Tức là, biên giới không còn là hàng rào bảo vệ đầu tiên nữa, mà là điểm kiểm tra cuối cùng trong một chuỗi các biện pháp kiểm tra khác. Điều này xuất phát từ thực tế năm 2016, cứ 6 người Mỹ thì có 1 người bị ngộ độc thực phẩm. Trong 15% thực phẩm được nhập khẩu vào Mỹ, trái cây chiếm 50%; rau, củ chiếm 20% - đặc biệt là nguồn từ các nước nhiệt đới. Chính vì thế, Chính phủ Mỹ đã đề ra những yêu cầu quản lý chất lượng hàng nông sản khắt khe hơn, trong đó yêu cầu mặt hàng đó phải được FDA cấp giấy chứng nhận chất lượng.

Ngoài ra, Mỹ là một trong ba thị trường cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc yêu cầu cử chuyên gia sang giám sát xử lý từng lô hàng XK trong kiểm dịch thực vật. Các yêu cầu này là rào cản khó khăn do kéo dài thời gian để đàm phán thống nhất biện pháp kiểm dịch thực vật, vừa làm tăng giá thành XK NS do phải chi phí cho việc xử lý kiểm dịch thực vật và đón các chuyên gia của nước NK sang kiểm tra.

4.3. Thực trạng một số khó khăn liên quan tới tiêu chuẩn kỹ thuật các DN Việt Nam phải vượt qua trong XK NS

Kết quả nghiên cứu định tính cũng cho thấy, các DN Việt Nam hiện nay đang rất mong muốn XK được các mặt hàng NS của mình, nhất là tới các thị trường lớn như EU và Mỹ. Tuy nhiên, những khó khăn, rào cản đặt ra cũng vẫn còn quá lớn. Theo chia sẻ của các nhà quản trị từ các cuộc phỏng vấn, các thị trường XK ngày càng tăng cường tần suất thanh, kiểm tra các lô hàng XK; siết chặt các tiêu chuẩn theo hướng bảo hộ thị trường trong nước. Một trong những khó khăn lớn mà các DN XK NS Việt Nam gặp phải khi tham gia vào thị trường quốc tế chính là sự gian lận, cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN XK NS trên thế giới. Đứng đằng sau sự cạnh tranh không lành mạnh đó, không đơn giản chỉ là các chiến lược cạnh tranh của DN, mà còn xuất phát cả từ những chính sách mang tầm vĩ mô, nhất là xu thế bảo hộ thương mại. Đặc biệt, rào cản kiểm định đã trở thành một trở ngại quá lớn cho các DN XK NS.

Đồng thời, các tiêu chuẩn kỹ thuật đặt ra ngày càng cao và thường đột ngột thay đổi. Hơn nữa, tiêu chuẩn kỹ thuật cũng không thống nhất giữa các quốc gia. Tiêu chuẩn khắt khe về sản phẩm, đặc biệt là các “tiêu chuẩn ngặt nghèo liên quan tới chất lượng và mẫu mã sản phẩm XK”, là rào cản lớn với các DN XK NS Việt Nam. Các yêu cầu đến từ tiêu chuẩn kỹ thuật buộc DN phải “đạt chuẩn thỏa mãn yêu cầu cao từ khâu trồng trọt đến thu hoạch”, chưa kể phải luôn cập nhật thông tin để có thể đáp ứng kịp thời với những thay đổi đột ngột về tiêu chuẩn kỹ thuật.

5. Một số kiến nghị

5.1. Đối với thị trường EU

Trong các nỗ lực nhằm hỗ trợ cho các DN trong XK trái cây vào thị trường EU, việc xây dựng các chương trình nhằm nâng cao năng lực XK cho các DN là rất cần thiết. Các chương trình đào tạo này thường được mở ra bởi các tổ chức như: Trung tâm tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp, Trung tâm xúc tiến thương mại, Trung tâm xúc tiến XNK. Và với các nội dung đa dạng như: cung cấp cho các DN thông tin, kỹ năng, kiến thức về thị trường, hỗ trợ kỹ thuật về sản phẩm và cải tiến quy trình sản xuất, kiểm tra chất lượng sản phẩm, thâm nhập thị trường EU. Các DN tham gia phải chọn lựa sản phẩm rau quả tươi, có tiềm năng XK sang thị trường EU, sau đó chọn những địa phương có khả năng sản xuất ra sản phẩm đó. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng liên quan cần tăng cường hỗ trợ nông dân, DN, địa phương xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thanh long, bưởi, nhằm đáp ứng các quy định của các nước nhập khẩu EU.  

5.2. Đối với thị trường Mỹ

Để có thể phát huy tối đa cơ hội khi các thị trường lớn “mở cửa”, như thị trường Mỹ, cần có sự liên kết phối hợp chặt chẽ giữa 4 “nhà” với nhau. Trong đó, Nhà nước giữ vai trò quản lý, ngoài việc hỗ trợ nông dân làm VietGAP, GlobalGAP cần có định hướng cho DN không để XK cạnh tranh thiếu lành mạnh, giành giật thị trường. Nhà nước cũng cần phải có các chính sách cụ thể hơn nữa để hỗ trợ cho từng loại cây chủ lực theo hướng tập trung và đặc biệt là tránh phá vỡ quy hoạch.

Để nhanh chóng xúc tiến mặt hàng NS tại thị trường Mỹ, Cục Bảo vệ thực vật sẽ phối hợp với kiểm dịch viên Mỹ tại Việt Nam xây dựng danh sách mã vùng trồng các loại trái cây này. Bên cạnh đó, hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập Ban Chỉ đạo sản xuất rải vụ thu hoạch cây ăn quả do Cục trưởng Cục Trồng trọt làm trưởng ban. Ban này có nhiệm vụ giúp bộ trưởng trong chỉ đạo, phối hợp điều hành và quản lý thực hiện kế hoạch lịch thời vụ cây ăn quả vùng Nam Bộ, trước mắt tập trung vào 5 loại trái cây chủ lực: thanh long, xoài, nhãn, sầu riêng, chôm chôm.

Đặc biệt, bản thân các DN cũng phải xây dựng xong bản đồ liều lượng. Cũng giống như thanh long và chôm chôm, trái vải và nhãn muốn xuất sang Mỹ trước hết phải được áp dụng VietGap trong sản xuất. Đây mới chỉ là điều kiện cần, còn sản phẩm chúng ta có thực sự vào được Mỹ hay không thì vai trò đầu tàu của các DN cần phải được phát huy nhiều hơn nữa. Khi có thị trường rồi, lúc đó sẽ liên kết với nông dân và cơ quan quản lý nhà nước, cùng nhau dốc sức để làm ra sản phẩm đạt yêu cầu của đối tác.

Để hỗ trợ DN XK mặt hàng nông sản, Bộ Công Thương tiếp tục chú trọng phát triển nguồn hàng XK. Có biện pháp dài hạn, hiệu quả hỗ trợ DN, nông dân tháo gỡ khó khăn nhằm đảm bảo tính bền vững, nhất là đối với mặt hàng NS XK chủ lực.

Ngoài ra, Bộ Công Thương đã tăng cường những giải pháp và định hướng để phát triển XK. Cụ thể, tiếp tục đổi mới các hoạt động xúc tiến thương mại, có giải pháp hỗ trợ phù hợp đối với các ngành hàng XK chủ lực vào những thị trường trọng điểm, thị trường mới có nhiều tiềm năng gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu; Tăng cường công tác dự báo thị trường, bám sát tình hình thị trường và nâng cao hiệu quả công tác thông tin, dự báo thị trường. Qua đó, đẩy mạnh hoạt động XK, cải thiện chất lượng hàng hóa, tránh các rủi ro cho DN khi thực hiện các hợp đồng XK. Bộ Công Thương cũng cần có biện pháp dài hạn, hiệu quả hỗ trợ DN, nông dân, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm ổn định, bền vững, nhất là với các mặt hàng nông - thủy sản XK chủ lực.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Công Thương, (2019), Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2018.
  2. Pascal Liu, FAO, (2015), Các quy định, tiêu chuẩn và chứng nhận đối với nông sản xuất khẩu.
  3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, (2015), Các rào cản kỹ thuật đối với trái cây của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường các nước.
  4. Tuấn Thành, (2017), Hàng rào kỹ thuật trong thương mại: Một số thách thức và giải pháp cho doanh nghiệp Việt Nam.
  5. WTO, (2009), Hiệp định Nông nghiệp (Agreement on Agriculture, viết tắt là AoA).

Some major technical barriers to Vietnam’s agricultural exports

Ph.D Le Tien Dat

Master. Nguyen Nguyet Nga

Thuongmai University

ABSTRACT:

Vietnam's agricultural exports in recent years have grown with encouraged achivements, becoming an important economic sector that attracts more businesses to invest in the agricultural field in order to access foreign markets, such as the US, the EU, Japan, Canada, Australia and New Zealand.  However, in order to enter these markets successfully, Vietnamese enterprises need to overcome strict technical barriers of these markets. This paper was conducted by using secondary data analysis and qualitative methods to describe the current export situation as well as the technical barriers that Vietnamese businesses are facing in the two main markets including the US and the EU, thereby proposing a number of solutions and recommendations in order to support Vietnamese businesses overcome the technical barriers to Vietnam’s agricultural exports.

Keywords: Technical barriers, export agricultural products, enterprises.