Một số trao đổi về phương pháp giảng dạy và nghiên cứu khoa học Luật Doanh nghiệp tại Việt Nam

PGS. TS. DOÃN HỒNG NHUNG (Khoa Luật - Trường Đại học Quốc gia Hà Nội), ThS. LƯƠNG THANH BÌNH (Học viện Ngân hàng - Hà Nội)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu phương pháp giảng dạy và cách chuyển tải nội dung cơ bản của Luật Doanh nghiệp năm 2014 được triển khai gần hai năm qua đã có nhiều vấn đề cần được trao đổi  để các giảng viên, học viên, nghiên cứu sinh và sinh viên các trường đưa vào khung chương trình học tập của mình. Bài viết nghiên cứu những vấn đề nổi bật -của Luật Doanh nghiệp và tạo thuận lợi hơn cho việc thành lập doanh nghiệp; đối xử bình đẳng về thủ tục thành lập doanh nghiệp, gia nhập thị trường giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chúng ta cũng có thể thấy được Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã tạo thuận lợi hơn, giảm chi phí, tạo cơ chế vận hành linh hoạt, hiệu quả cho tổ chức quản trị doanh nghiệp, cơ cấu lại doanh nghiệp. Đồng thời, những quy định mới này cũng bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, cổ đông hay thành viên của doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới nhằm tháo gỡ những hạn chế, bất cập của Luật Doanh nghiệp. Để nâng cao chất lượng giảng dạy lĩnh vực về Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại, cũng như nghiên cứu pháp luật doanh nghiệp là việc làm cần thiết để làm phong phú hơn khoa học pháp lý của Việt Nam.

Từ khóa: Luật Doanh nghiệp, phương pháp giảng dạy, nghiên cứu khoa học.

I. Đặt vấn đề

Những thay đổi của Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã nhận được sự quan tâm lớn của các doanh nghiệp cũng như các nhà khoa học trong thời gian vừa qua. Bởi những thay đổi đó tuy không phải quá lớn nhưng đều mang tính bước ngoặt, như sửa đổi về điều kiện đăng ký kinh doanh của nhà đầu tư nước ngoài, về con dấu và quản lý con dấu, về thời gian xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, về doanh nghiệp nhà nước, hay doanh nghiệp xã hội… sẽ mở rộng quyền và tăng tính chủ động hơn cho doanh nghiệp, góp phần tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng và thuận lợi hơn, qua đó tạo ra một thị trường cạnh tranh tự do và công bằng hơn. Truyền tải những nội dung mới đòi hỏi giảng viên cần rèn luyện khả năng thuyết trình, khả năng phân tích và bình luận. Đặc biệt là giảng viên cần coi trọng chủ thuyết “Lấy sinh viên làm trung tâm”, cũng như vấn đề hướng dẫn sinh viên tự học và tập nghiên cứu thông qua bài tập nhóm, bài tập cá nhân hay sử dụng công nghệ thông tin vào học tập và giảng dạy về lĩnh vực Luật Kinh doanh, Luật Thương mại, Luật Doanh nghiệp...

II. Nội dung truyền tải trong giảng dạy và nghiên cứu một số vấn đề mới trong Luật Doanh nghiệp

Kể từ sau đổi mới đến nay, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam luôn kỳ vọng vào những thay đổi mang tính đột phá về thúc đẩy môi trường kinh doanh của Luật Doanh nghiệp qua mỗi lần sửa đổi, bổ sung. Trong khoảng gần mười năm qua, Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã có sự đóng góp đáng kể vào quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh, từng bước xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, trải qua quãng thời gian gần một thập kỷ đó, đạo luật này đã bộc lộ những hạn chế nhất định, chưa thực sự phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, phần nào gây khó khăn cho hoạt động của các chủ thể kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh nước ta đang trong quá trình hội nhập vào nền kinh tế quốc tế. Do đó, việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp năm 2005 cho phù hợp với xu hướng hiện hành là việc làm cấp bách và cần thiết. Đáp ứng lại những kỳ vọng của nhân dân nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng, ngày 26/11/2014, Quốc hội đã thông qua Luật Doanh nghiệp năm 2014, có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2015 thay thế cho Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11 ngày 29/11/2005. Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã tiếp tục kế thừa, luật hóa những quy định còn phù hợp đã và đang đi vào cuộc sống của Luật Doanh nghiệp năm 2005, nhưng đồng thời cũng đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới nhằm tháo gỡ những hạn chế, bất cập của Luật cũ, tiếp tục củng cố, tạo lập môi trường kinh doanh thật sự thuận lợi và phù hợp với thông lệ quốc tế. Trên thực tế, những sửa đổi quan trọng của Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã phần nào đáp ứng được những kỳ vọng đó, góp phần tạo ra những bước đột phá này có thể kể ra một số cải cách lớn của Luật Doanh nghiệp. Giảng dạy và nghiên cứu Luật Doanh nghiệp trong giai đoạn này, chúng ta cần phải quan tâm đến một số vấn đề như sau:

Thứ nhất, về đăng ký kinh doanh, đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài lần đầu tiên đầu tư vào Việt Nam.

Thống nhất với Luật Đầu tư năm 2014, Luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng đã chính thức tách nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chứ không còn gộp hai loại giấy này làm một như quy định của luật cũ nữa.

Một là: Tại Điều 3 Luật Đầu tư năm 2014, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là văn bản, bản điện tử ghi nhận thông tin đăng ký của nhà đầu tư về dự án đầu tư. Còn tại Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì quy định Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là văn bản hoặc bản điện tử mà cơ quan đăng ký kinh doanh cấp cho doanh nghiệp ghi lại những thông tin về đăng ký doanh nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc nhà đầu tư nước ngoài khi muốn thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam đều phải được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, sau đó sẽ phải tiếp tục tiến hành thủ tục thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Hai là: Khi giảng dạy và nghiên cứu theo quy định mới, trong Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Luật Đầu tư năm 2014, thủ tục thành lập doanh nghiệp với thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư đã được tách bạch. Đây là thay đổi mang tính căn bản của Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Đầu tư năm 2014 và có tác động lớn đến hoạt động đầu tư và thành lập doanh nghiệp của các nhà đầu tư nước ngoài.

Ba là: Khi giảng dạy và nghiên cứu, giảng viên cần chú ý đưa ra nhận định: Việc bãi bỏ nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có thể đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là hợp lý, bởi trong những năm qua việc đồng nhất Giấy chứng nhận đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã bộc lộ những bất cập nhất định. Bởi trên thực tế, việc lồng ghép thủ tục liên quan tới việc thành lập một thực thể kinh doanh với thủ tục về đầu tư là không hợp lý khi hai loại giấy tờ này là hoàn toàn khác nhau về bản chất pháp lý. Bằng việc tách bạch thủ tục đăng ký đầu tư và thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, quy định mới này đã phân biệt rõ địa vị pháp lý của pháp nhân và của hoạt động đầu tư cụ thể, đồng thời giảm phiền hà cho nhà đầu tư khi thực hiện điều chỉnh các thông tin liên quan đến pháp nhân trong quá trình hoạt động.

Thứ hai, giảm thời gian xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, rút ngắn thời gian gia nhập thị trường cho doanh nghiệp.

Theo quy định trước đây, thời gian để các cơ quan có thẩm quyền xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là 5 ngày làm việc, trong đó có 2 ngày để cơ quan thuế cấp mã số doanh nghiệp, 3 ngày để cơ quan đăng ký kinh doanh tiếp nhận, xử lý hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Với cơ chế này, việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phải phụ thuộc vào việc chờ cấp Mã số doanh nghiệp từ Cơ quan thuế, qua đó làm kéo dài thời gian thực hiện thủ tục hành chính, gây ra những khó khăn, phiền hà nhất định cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong Luật Doanh nghiệp năm 2014, cụ thể là tại Khoản 2 Điều 27 và Khoản 3 Điều 31 Luật Doanh nghiệp năm 2014, vấn đề này đã được chỉnh sửa lại như sau: “Thời hạn để Cơ quan Đăng ký kinh doanh xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và Cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới; đăng ký thay đổi nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ”.

Khi giảng dạy và nghiên cứu giảng viên cũng nhấn mạnh: Nếu so với Luật Doanh nghiệp năm 2005 trước đây, thì thời hạn xem xét, cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã giảm 02 ngày làm việc trong Luật Doanh nghiệp năm 2014. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, cũng như doanh nghiệp có thể sớm tham gia vào thị trường.

Thứ ba, giảm bớt nội dung trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Khi giảng dạy và nghiên cứu, giảng viên cũng cần nhấn mạnh: Nếu so với Luật Doanh nghiệp 2005 thì Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về nội dung của Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã được giảm bớt, chỉ còn 4 nội dung so với rất nhiều nội dung như trước đây. Cụ thể, nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo luật mới chỉ có nội dung về: Tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp; địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp; thông tin chi tiết nhân thân của cá nhân là người đại diện theo pháp luật, chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, thành viên công ty và thông tin của thành viên là tổ chức; vốn điều lệ của doanh nghiệp. Yếu tố ngành, nghề kinh doanh đã bị lược bỏ. Trước đây, theo Điều 9 của Luật Doanh nghiệp năm 2005, doanh nghiệp có nghĩa vụ đăng ký ngành nghề kinh doanh và sau đó hoạt động kinh doanh theo đúng ngành, nghề đã ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Điều đó có nghĩa, Luật Doanh nghiệp năm 2005 đặt ra hạn chế nhất định khi chỉ cho doanh nghiệp được kinh doanh những ngành nghề ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Quy định này không phù hợp với Hiến pháp 2013 khi trong Điều 33 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Do đó, để thể chế hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh quy định này của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 thì Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã chuyển nguyên tắc tự do kinh doanh những gì được ghi trên Giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp sang nguyên tắc tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm thông qua việc bỏ nội dung về ngành nghề kinh doanh trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Khi giảng dạy và nghiên cứu, giảng viên cũng nhấn mạnh: Doanh nghiệp được hoàn toàn chủ động tiến hành hoạt động kinh doanh mới ngay khi có đủ điều kiện kinh doanh và sau đó tiến hành thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh mà không phải đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới như trước đây nữa. Đây là một trong những bước đột phá mạnh mẽ trong việc hiện thực hóa quyền tự do kinh doanh của công dân và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Trên thực tế, nếu như theo quy định cũ thì có những doanh nghiệp đăng ký rất nhiều ngành nghề; một số công ty cổ phần có rất nhiều cổ đông sáng lập tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp lần đầu, hay một số doanh nghiệp có nhiều chi nhánh. “Việc bắt buộc phải ghi rất nhiều thông tin như trước đã làm cho Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của các doanh nghiệp này có quá nhiều nội dung dẫn đến có trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của các doanh nghiệp này dày đến vài chục trang giấy”.

Khi giảng dạy và nghiên cứu giảng viên cũng nhấn mạnh: Việc loại bỏ một số nội dung không cần thiết trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là điều hoàn toàn cần thiết trong việc đảm bảo nguyên tắc doanh nghiệp được chủ động hơn trong hoạt động của mình, cũng như thực sự được tự do lựa chọn và tiến hành kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm.

Thứ tư, tạo sự chủ động hơn trong vấn đề sử dụng con dấu của doanh nghiệp.

Đối với vấn đề sử dụng con dấu của doanh nghiệp, khi giảng dạy và nghiên cứu, giảng viên cũng cần nhấn mạnh: Luật Doanh nghiệp 2014 đã có một cách tiếp cận mang tính đột phá nhưng cũng gây ra ít nhiều tranh cãi về con dấu của doanh nghiệp, khi cho phép doanh nghiệp có toàn quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Theo đó, doanh nghiệp chỉ cần thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để cơ quan này tiến hành đăng tải công khai mẫu dấu trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp mà không phải đăng ký với một cơ quan khác như trước đây. Quy định này sẽ thừa nhận quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có quyền tự sáng tạo mẫu dấu của doanh nghiệp; về cơ bản thì Nhà nước sẽ tiếp cận theo hướng “buông” và không còn quản lý chặt chẽ về con dấu của doanh nghiệp theo như quy định tại Luật Doanh nghiệp 2005 nữa.

Khi giảng dạy và nghiên cứu, giảng viên cần trọng tâm hướng đến: Việc sửa đổi này cũng sẽ giải quyết được rất nhiều vướng mắc, bất cập trước đây về con dấu của doanh nghiệp. “Bởi theo xu hướng phát triển phương thức giao dịch điện tử, thì việc dùng con dấu có lẽ không còn nhiều ý nghĩa, do đó quy định này sẽ tạo nền móng cho sự phát triển chung”. Bên cạnh đó, việc cho doanh nghiệp chủ động quyết định hình thức, số lượng, nội dung con dấu, cụ thể được quy định trong Điều 44 Luật Doanh nghiệp năm 2014: “Doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp. Trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp” cũng góp phần tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp khi khởi sự kinh doanh và giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp (không cần phải xin phép khắc dấu và phải được cơ quan quản lý nhà nước đồng ý cho khắc dấu và cấp giấy đăng ký mẫu dấu như trước đây).

Khi giảng dạy và nghiên cứu, giảng viên cũng nhấn mạnh về việc lưu giữ và quản lý con dấu, Luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng có cách nhìn nhận mới. Theo đó, doanh nghiệp được chủ động quản lý, lưu giữ và sử dụng con dấu theo Điều lệ. Điều này đồng nghĩa với việc người đại diện của doanh nghiệp có thể sử dụng con dấu ở bất kỳ đâu mà không nhất thiết phải ở trụ sở chính của doanh nghiệp như trước đây. Thay đổi này sẽ làm giảm bớt nhiều khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong việc sử dụng con dấu, tạo thuận lợi, chủ động cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh của mình.

Thứ năm, thống nhất cách hiểu về vốn điều lệ và thời hạn thực hiện góp vốn vào doanh nghiệp.

Khi giảng dạy và nghiên cứu, giảng viên cũng nhấn mạnh vấn đề vốn và hoạt động góp vốn thành lập doanh nghiệp tưởng chừng như là một vấn đề đơn giản, nhưng trên thực tế, khi thực hiện Luật Doanh nghiệp năm 2005 thì nó khá phức tạp và khó hiểu, khi mà cùng một khái niệm về vốn nhưng Luật Doanh nghiệp năm 2005 và các văn bản hướng dẫn lại sử dụng các thuật ngữ không đồng nhất với nhau.

Khi giảng dạy và nghiên cứu giảng viên có thể đưa ra những ví dụ như trong Luật Doanh nghiệp sử dụng thuật ngữ “cổ phần được quyền chào bán”, trong khi Nghị định số 102/2010/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 01/10/2010 hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp lại sử dụng thuật ngữ “cổ phần đã phát hành”, “cổ phần được quyền phát hành”. Cách hiểu không thống nhất về vốn điều lệ đã gây ra những vướng mắc nhất định trong quá trình thực hiện góp vốn và xảy ra những tranh chấp không đáng có trong nội bộ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc quy định về thời hạn góp vốn của các loại hình doanh nghiệp trong Luật Doanh nghiệp năm 2005 cũng là không thống nhất khi đối với loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn, người tham gia góp vốn có thời hạn 36 tháng để hoàn thành việc góp vốn; còn ở công ty cổ phần khoảng thời gian này chỉ là 90 ngày.

Cụ thể giảng viên có thể phân tích: Để giải quyết vấn đề khúc mắc này, Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã quy định theo hướng vốn điều lệ là vốn thực góp và quy định các nguyên tắc để xác định vốn thực góp của công ty. Theo đó, nếu như công ty trách nhiệm hữu hạn hay công ty cổ phần không góp đủ vốn điều lệ trong thời hạn quy định như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp thì được quyền đăng ký điều chỉnh giảm vốn bằng với giá trị số vốn thực góp. Trong trường hợp này, thành viên công ty, cổ đông hay chủ sở hữu chưa thanh toán hoặc chưa thanh toán đủ vốn điều lệ đã đăng ký góp, số cổ phần đã đăng ký mua sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng với tổng giá trị phần vốn góp, mệnh giá cổ phần đã đăng ký mua với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời hạn cam kết góp. Luật Doanh nghiệp 2014 cũng áp dụng thống nhất thời hạn phải thanh toán đủ phần vốn góp khi thành lập công ty, quy định rút ngắn thời hạn góp vốn đối với chủ sở hữu, thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn phải góp đủ, đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là trong thời hạn 90 ngày (thay vì 3 năm như trước đây), kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (thống nhất với thời gian thanh toán cổ phần đã đăng ký mua của các cổ đông trong công ty cổ phần).

Khi giảng dạy và nghiên cứu, giảng viên cũng đưa ra bình luận: Việc rút ngắn thời gian này là một sự hợp lý cần thiết để tạo ra một sự thống nhất về thời hạn thanh toán phần vốn góp, điều này đã giải quyết triệt để được tình trạng vốn ảo trong doanh nghiệp diễn ra trong thời gian qua.

Thứ sáu, tạo sự chủ động cho doanh nghiệp trong vấn đề người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Về vấn đề người đại diện theo pháp luật, đây là một trong những nội dung thay đổi cơ bản. Khi giảng dạy và nghiên cứu giảng viên so sánh với Luật Doanh nghiệp năm 2005 (theo quy định cũ của Luật Doanh nghiệp 2005, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần chỉ có duy nhất một người đại diện theo pháp luật), thì Luật Doanh nghiệp 2014 đã quy định công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Từ đây, có thể thấy được rằng: Luật Doanh nghiệp 2014 đã tạo sự chủ động rất lớn cho doanh nghiệp trong vấn đề quyết định, chỉ định người đại diện theo pháp luật; qua đó, doanh nghiệp hoàn toàn có thể có một người đại diện theo pháp luật hoặc có nhiều người đại diện theo pháp luật tùy theo nhu cầu của mình. Số lượng, chức danh quản lý, quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật cụ thể như thế nào sẽ được thể hiện trong Điều lệ công ty.

Quy định này của Luật Doanh nghiệp 2014 nhằm hướng tới việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp được chủ động một cách tối đa, luật pháp chỉ quy định mang tính định hướng cơ bản, còn những vấn đề mang tính cụ thể như: Số lượng người đại diện theo pháp luật cho mình, quyền hạn của người đại diện theo pháp luật đến đâu trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp; đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước trọng tài, tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác thì đều do doanh nghiệp toàn quyền quyết định.

Khi giảng dạy và nghiên cứu giảng viên cần nhấn mạnh, có thể nói rằng, trong những vấn đề được sửa đổi của Luật Doanh nghiệp thì đây cũng là một trong những quy định mang tính đột phá khi cho doanh nghiệp được toàn quyền quyết định số lượng người đại diện theo pháp luật, qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp tận dụng được các cơ hội kinh doanh thông qua các đại diện theo pháp luật, giúp cho doanh nghiệp có thể hội nhập nhanh hơn vào nền kinh tế.

Thứ bảy, quy định về doanh nghiệp xã hội.

Trên thực tế, doanh nghiệp xã hội đã tồn tại từ lâu ở nước ta. Hiểu theo một cách chung nhất thì doanh nghiệp xã hội là những doanh nghiệp được thành lập, hoạt động không vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận. Nó được hình thành với mục tiêu để giải quyết một vấn đề xã hội nào đó, phần lớn lợi nhuận thu được dùng để phục vụ mục tiêu xã hội và môi trường. Tuy nhiên, phải đến khi Luật Doanh nghiệp năm 2014 ra đời thì khái niệm về doanh nghiệp xã hội mới được luật hóa, pháp điển hóa. Có thể thấy rằng, sau rất nhiều năm chờ đợi, cộng đồng doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam đã đứng trước một cơ hội mang tính chất bước ngoặt, lần đầu tiên doanh nghiệp xã hội được công nhận về mặt pháp lý. Khi giảng dạy và nghiên cứu giảng viên cần nhấn mạnh: Doanh nghiệp xã hội là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014, mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng và sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hàng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký. Do đó, doanh nghiệp xã hội hoàn toàn không phải là một loại hình doanh nghiệp mới, mà trên thực tế doanh nghiệp xã hội cũng là một doanh nghiệp như bao doanh nghiệp khác khi nó cũng được tổ chức và hoạt động dưới một trong số những hình thức pháp lý đã được luật định. Về bản chất, thì doanh nghiệp xã hội chỉ khác với những doanh nghiệp thông thường ở hai yếu tố sau đây:

Một là: Mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp (nhằm giải quyết các vấn đề xã hội môi trường vì lợi ích cộng đồng);

Hai là: Mục đích sử dụng lợi nhuận của doanh nghiệp (sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hàng năm để tái đầu tư thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký).

Thứ tám, đưa ra cách hiểu mới về doanh nghiệp nhà nước trong Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Bằng việc tách riêng hẳn một chương mới để quy định về doanh nghiệp nhà nước, thì cách hiểu về doanh nghiệp nhà nước trong Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã có sự thay đổi cơ bản so với trước đây: Thay vì quy định doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp trong đó Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ thì Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Điều này đồng nghĩa với việc một doanh nghiệp mà có trên 50% vốn điều lệ từ Nhà nước sẽ không còn được coi là doanh nghiệp nhà nước nếu như con số đó không đạt được 100%. Quan điểm trên về doanh nghiệp nhà nước không phải là mới mà đã được đề cập tới trong một số những giai đoạn nhất định của quá trình soạn thảo Luật Doanh nghiệp. Đây là điều hợp lý, bởi lẽ Nhà nước chỉ nên can thiệp vào hoạt động của những doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. Đối với những doanh nghiệp có vốn đầu tư của cả Nhà nước và tư nhân thì Nhà nước không nên can thiệp, vì điều đó có thể tạo ra những khó khăn hoặc thuận lợi hơn cho những doanh nghiệp này. Hoặc xảy ra những trường hợp những doanh nghiệp này lợi dụng danh nghĩa “Nhà nước” để tìm kiếm lợi thế trên thị trường.

Khi giảng dạy và nghiên cứu giảng viên cần bình luận: Mặc dù chỉ là một sự thay đổi về mặt định nghĩa, nhưng thay đổi này có thể mang lại sự bình đẳng trong kinh doanh giữa các thành phần doanh nghiệp, đặc biệt là đem lại sự công bằng cho các doanh nghiệp dân doanh trong thương trường Việt Nam.

Thứ chín, đổi mới về hoạt động quản trị và điều hành công ty cổ phần.

Nhằm mục đích mở rộng quyền tự do lựa chọn hơn cho các chủ thể kinh doanh. Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã đưa ra hai mô hình quản lý và hoạt động của công ty cổ phần đơn hội đồng hoặc đa hội đồng.

Mô hình thứ nhất bao gồm: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.

Mô hình thứ hai bao gồm: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trong trường hợp doanh nghiệp lựa chọn mô hình thứ hai thì không còn có Ban kiểm soát nhưng yêu cầu phải có thành viên độc lập và Ban kiểm toán nội bộ thuộc Hội đồng quản trị. Điều này là phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đối với điều kiện tiến hành họp và thông qua nghị quyết Đại hội đồng cổ đông công ty thì trong Luật Doanh nghiệp năm 2005 là tỉ lệ dự họp từ 65%, còn theo quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014 tỉ lệ đã giảm xuống còn 51%. Trước đây các nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông được thông qua khi có ít nhất 65% (trường hợp thông qua nghị quyết dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản là ít nhất 75%) cũng đã được giảm xuống còn 51%.

Như vậy, khi giảng dạy và nghiên cứu giảng viên cũng nên bình luận: Với một tỉ lệ được hạ thấp hơn thì việc thông qua nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông sẽ khả thi hơn trước đây rất nhiều, điều này sẽ tiết kiệm được không ít chi phí cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định bãi bỏ việc Đại hội đồng cổ đông bầu trực tiếp Chủ tịch hội đồng quản trị, mà Chủ tịch hội đồng quản trị do Hội đồng quản trị bầu một thành viên trong số các thành viên của Hội đồng quản trị. Luật Doanh nghiệp 2014 cũng quy định mở hơn về việc ứng dụng công nghệ vào cuộc họp, cho phép cổ đông tham dự và biểu quyết thông qua hội nghị trực tuyến, gửi thư, fax, thư điện tử. Có thể nói, những quy định mới này của Luật Doanh nghiệp năm 2014 hướng tới câu chuyện đảm bảo triệt để tính chủ động của doanh nghiệp kể cả việc lựa chọn mô hình cũng như trong quá trình điều hành hoạt động quản trị của doanh nghiệp. Điều này sẽ góp phần gia tăng các chủ thể tham gia vào thương trường với hình thức pháp lý là công ty cổ phần. Đây cũng là tác nhân làm thị trường kinh doanh thêm sôi động và đông đảo doanh nghiệp hơn nữa.

Thứ mười, tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong hoạt động tổ chức lại doanh nghiệp.

Nếu như trước đây theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005, hoạt động hợp nhất, sáp nhập, chia tách chỉ được diễn ra đối với các doanh nghiệp tồn tại cùng hình thức pháp lý. Quan điểm trên đã không còn phù hợp với thực tiễn, thực sự nó đã hạn chế và cản trở việc tổ chức lại hay mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp theo hình thức hợp nhất, chia, tách, sáp nhập, qua đó làm giảm đi cơ hội đầu tư hay mở rộng thị trường của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Doanh nghiệp mới năm 2014, khi giảng dạy và nghiên cứu giảng viên cần nhấn mạnh và phân tích xoay quanh vấn đề này đã có sự thay đổi khi luật không còn yêu cầu các doanh nghiệp phải có cùng hình thức pháp lý mới được tiến hành hợp nhất, sáp nhập, chia, tách; đồng thời quy định rõ ràng hơn về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm, cũng như trình tự thủ tục tiến hành tổ chức lại doanh nghiệp. Rõ ràng, đổi mới này là một bước tiến quan trọng, chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy thị trường phát triển, đặc biệt là hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) sẽ diễn ra vô cùng sôi động và mạnh mẽ ở nước ta.

III. KẾT LUẬN

Trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu, các quan hệ xã hội nói chung và hoạt động thương mại nói riêng đều phát triển không ngừng. Chính vì vậy, xã hội cũng đòi hỏi các quy định của pháp luật phải không ngừng phát triển để điều chỉnh các quan hệ xã hội cùng loại phát sinh... Luật Doanh nghiệp năm 2014 thay thế cho Luật Doanh nghiệp năm 2005 cũng không nằm ngoài quy luật đó. Việc thay thế này đã thể hiện rất nhiều điểm mới tích cực, có lợi cho các chủ thể kinh doanh và hoạt động của họ. Những quy định này đã thể hiện đúng tinh thần Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 về quyền tự do kinh doanh của công dân, của doanh nghiệp. Qua đó, làm cho doanh nghiệp trở thành công cụ kinh doanh rẻ hơn, an toàn hơn và cũng hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư. Cùng với việc tạo thuận lợi hơn cho việc thành lập doanh nghiệp; đối xử bình đẳng về thủ tục thành lập doanh nghiệp, gia nhập thị trường giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước, chúng ta cũng có thể thấy được Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã tạo thuận lợi hơn, giảm chi phí, tạo cơ chế vận hành linh hoạt, hiệu quả cho tổ chức quản trị doanh nghiệp, cơ cấu lại doanh nghiệp. Đồng thời, những quy định mới này cũng bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, cổ đông hay thành viên của doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới nhằm tháo gỡ những hạn chế, bất cập của Luật Doanh nghiệp năm 2005, tiếp tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng đồng thời vẫn tiếp tục kế thừa, luật hóa những quy định còn phù hợp đã và đang đi vào cuộc sống.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013

2. Luật Doanh nghiệp năm 2005

3. Luật Doanh nghiệp năm 2014

4. Luật Đầu tư năm 2014

5. Nghị định số 43/2010/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 15/4/2010 hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp.

6. Nghị định số 102/2010/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 01/10/2010 hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp.

7. Http://inlaw.vn/dang-ky-doanh-nghiep-tu-ngay-01072015-co-gi-moi/,Inlaw, “Đăng ký doanh nghiệp từ 01/7/2015 có gì mới”, cập nhật lúc: 16:30, ngày 26/11/2016.

8. Http://tuvanasa.com/luat-doanh-nghiep-2014-nhung-diem-moi-can-luu-y.html, Nguyễn Ngân Giang, “Luật Doanh nghiệp 2014, Những điểm mới cần lưu ý”. Cập nhật lúc: 21:00, 26/11/2016.

EXCHANGES ON METHODOLOGY AND SCIENTIFIC RESEARCH LAW ON ENTERPRISE IN VIETNAM

Assoc. Prof. PhD. DOAN HONG NHUNG

School of Law, Vietnam National University, Hanoi ( VNU )

MA. LUONG THANH BINH

Banking Academy

ABSTRACT:

Researches on teaching methods and transferring basic content of Law on Enterprise 2014 have been implemented for almost two years. In the meantime, there also have been many issues that need to be discussed and thoroughly exchanged in order for lecturers, students, Students of the school to incorporate into the curriculum. The article studies outstanding issues of Law on Enterprise and facilitating the establishment of enterprises like equal treatment of business establishment procedures, integrating with both domestic and international markets. It can be seen that Law on Enterprise 2014 has facilitated, reduced costs, for corporate governance as well as business restructuring. At the same time, these new regulations also well protect the legitimate rights and interests of investors, shareholders or members of enterprises. Law on Enterprise 2014 amended and supplemented many new regulations aiming at removing the shortcomings of Law on Enterprise 2014. Improving the quality of teaching in the field of Law on Enterprise, Law on Commerce, as well as corporate law research is essential to enrich Vietnam's legal sciences.

Keywords: Law on Enterprises, Teaching Methods, scientific research.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 08 tháng 07/2017 tại đây.