Một số vấn đề pháp lý về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán

ThS. TRẦN LƯƠNG ĐỨC (Trưởng Bộ môn Luật, Khoa Quản lý - Luật Kinh tế, Trưởng phòng Công tác Chính trị Học sinh sinh viên, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh - Đại học Thái Nguyên)

TÓM TẮT:

Công bố thông tin là một việc làm có ý nghĩa to lớn đối với nhà đầu tư, các tổ chức quản lý, điều hành thị trường và với chính các tổ chức phát hành và công ty niêm yết, là điều kiện thúc đẩy thị trường chứng khoán (TTCK) phát triển hiệu quả, lành mạnh. Bài báo sử dụng phương pháp so sánh nhằm chỉ ra một số điểm mới của Thông tư số 155/2015/TT-BTC so với những quy định pháp luật trước đây về việc công bố thông tin trên TTCK; sử dụng phương pháp thu thập thông tin, nghiên cứu lý thuyết, phân tích tổng hợp để tìm hiểu và đánh giá những bất cập về thực trạng công bố thông tin trên TTCK hiện nay, trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi các quy định pháp luật về công bố thông tin trên TTCK.

Từ khóa: Công bố thông tin, thị trường chứng khoán, Thông tư số 155/2015/TT-BTC.

1. Đặt vấn đề

TTCK là sản phẩm cao cấp của nền kinh tế thị trường, trong đó, thông tin chứng khoán là cơ sở cho sự hoạt động của TTCK, là yếu tố cơ bản giúp các nhà đầu tư định giá chứng khoán để tiến hành các hoạt động mua và bán chứng khoán. Sự phát triển của TTCK Việt Nam đòi hỏi sự phát triển đồng bộ nhiều yếu tố, trong đó, nổi lên vấn đề có ảnh hưởng tới tính minh bạch, công khai và sự phát triển bền vững của thị trường, đó là việc công bố thông tin của các công ty niêm yết trên TTCK. Công bố thông tin là một việc làm có ý nghĩa to lớn đối với nhà đầu tư, các tổ chức quản lý, điều hành thị trường và với chính các tổ chức phát hành và công ty niêm yết, là điều kiện thúc đẩy TTCK phát triển hiệu quả, lành mạnh.

Hiện nay, việc công bố thông tin cho các doanh nghiệp tham gia TTCK Việt Nam được thực hiện theo Luật Chứng khoán 2006 sửa đổi, bổ sung năm 2010 (sau đây gọi là Luật Chứng khoán) và Thông tư số 155/2015/TT-BTC ban hành ngày 06/10/2015 của Bộ Tài chính thay thế cho Thông tư số 52/2012/TT-BTC về hướng dẫn công bố thông tin trên TTCK với những điểm mới phù hợp với sự phát triển của thị trường và hướng tới các chuẩn mực quốc tế về công bố thông tin đáng quan tâm. Tuy nhiên, việc công bố thông tin trên TTCK hiện nay vẫn còn tồn tại một số bất cập, có thể gây ảnh hưởng đến tính minh bạch, công khai và sự phát triển bền vững của TTCK Việt Nam.

2. Một số điểm mới về công bố thông tin trên TTCK

2.1. Đối tượng công bố thông tin

Theo quy định trước đây, đối tượng công bố thông tin bao gồm: công ty đại chúng, tổ chức phát hành (ngoại trừ trường hợp phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh), công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, Sở giao dịch chứng khoán (SGDCK), Trung tâm Lưu ký chứng khoán (TTLKCK) và người có liên quan (Điều 1, Thông tư số 52/2012/TT-BTC hướng dẫn về việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán). Hiện nay, Thông tư số 155/2015/TT-BTC đã mở rộng đối tượng công bố thông tin so với trước đây, bao gồm: (a) Công ty đại chúng, tổ chức phát hành trái phiếu (ngoại trừ tổ chức phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương); (b) Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, quỹ đại chúng; (c) SGDCK, TTLKCK Việt Nam; (d) Nhà đầu tư thuộc đối tượng công bố thông tin theo quy định pháp luật; (đ) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khác (Khoản 2, Điều 1).

Việc mở rộng và quy định cụ thể hơn về các đối tượng công bố thông tin như vậy đã góp phần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các thành viên thị trường và nhà đầu tư trong việc công bố thông tin, góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động công bố thông tin trên TTCK, đồng thời nâng cao tính công khai, minh bạch của thị trường.

Đồng thời, Thông tư số 155/2015/TT-BTC cũng làm rõ trách nhiệm của người thực hiện công bố thông tin trong trường hợp đối tượng công bố thông tin là tổ chức/cá nhân; quy định nguyên tắc cho phép nhà đầu tư cá nhân ủy quyền cho công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty đại chúng, thành viên lưu ký, TTLKCK... thực hiện công bố thông tin thay cho mình, qua đó khuyến khích việc nhà đầu tư cá nhân ủy quyền cho các định chế chuyên nghiệp thực hiện công bố thông tin nhằm hạn chế các vi phạm của nhà đầu tư, nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động công bố thông tin.

Bên cạnh đó, nghĩa vụ công bố thông tin của các đối tượng khác: Nghĩa vụ công bố thông tin của cổ đông lớn, cổ đông nội bộ được quy định chi tiết theo hướng đảm bảo tính khả thi trên thực tế.

2.2. Yêu cầu thực hiện công bố thông tin

Việc công bố thông tin phải đầy đủ, chính xác và kịp thời theo quy định của pháp luật. Hoạt động này phải do người đại diện theo pháp luật của công ty hoặc người được ủy quyền công bố thông tin thực hiện. Người đại diện theo pháp luật của công ty phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, kịp thời và đầy đủ về thông tin do người được ủy quyền công bố thông tin công bố.

Trường hợp thực hiện công bố thông tin thông qua người được ủy quyền công bố thông tin, công ty đại chúng, tổ chức phát hành, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ phải đăng ký một người được ủy quyền thực hiện công bố thông tin theo quy định của pháp luật. Trường hợp thay đổi người được ủy quyền công bố thông tin phải thông báo bằng văn bản cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), SGDCK ít nhất năm ngày làm việc trước khi có sự thay đổi. Trường hợp có bất kỳ thông tin nào làm ảnh hưởng đến giá chứng khoán thì người đại diện theo pháp luật của công ty hoặc người được ủy quyền công bố thông tin phải xác nhận hoặc đính chính thông tin đó trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được thông tin đó hoặc theo yêu cầu của UBCKNN, SGDCK.

Việc công bố thông tin phải được thực hiện đồng thời với việc báo cáo UBCKNN, SGDCK về nội dung thông tin công bố. Ngày công bố thông tin là ngày thông tin xuất hiện trên phương tiện công bố thông tin; ngày báo cáo về việc công bố thông tin là ngày gửi fax, gửi dữ liệu điện tử (qua email hoặc qua hệ thống công nghệ thông tin tiếp nhận báo cáo), ngày UBCKNN, SGDCK nhận được thông tin công bố bằng văn bản.

Nếu như trước đây, tại Thông tư 52/2012/TT-BTC quy định ngôn ngữ thực hiện công bố thông tin trên thị trường chứng khoán Việt Nam phải là tiếng Việt. Tuy nhiên, Thông tư số 155/2015/TT-BTC đã bổ sung quy định việc công bố thông tin bằng tiếng Anh được áp dụng đối với SGDCK, TTLKCK. Các đối tượng khác được khuyến khích công bố thông tin bằng tiếng Anh. Trường hợp công bố thông tin bằng tiếng Việt và tiếng Anh thì nội dung thông tin công bố bằng tiếng Anh chỉ mang tính tham khảo.

Trường hợp có sự thay đổi nội dung thông tin đã công bố, các đối tượng công bố thông tin phải đồng thời báo cáo và có văn bản giải trình cho UBCKNN, SGDCK (trường hợp là tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch). Các đối tượng công bố thông tin thực hiện bảo quản, lưu giữ thông tin đã báo cáo, công bố theo quy định của pháp luật. Các tài liệu, báo cáo gửi cho UBCKNN, SGDCK được thể hiện dưới hình thức văn bản và hình thức dữ liệu điện tử có sử dụng chữ ký số theo hướng dẫn của UBCKNN, SGDCK. Các thông tin có thể được công bố trên các phương tiện, như: Trang thông tin điện tử (website) của tổ chức là đối tượng công bố thông tin; Hệ thống công bố thông tin của UBCKNN; Trang thông tin điện tử của SGDCK; Trang thông tin điện tử của TTLKCK; Các phương tiện thông tin đại chúng khác theo quy định pháp luật (báo in, báo điện tử...).

2.3. Quy định về thời hạn công bố thông tin

Thông tư số 155/2015/TT-BTC rút ngắn thời hạn công bố báo cáo tài chính bán niên và báo cáo tài chính quý áp dụng cho các tổ chức niêm yết và công ty đại chúng quy mô lớn. Theo đó, các đối tượng này phải công bố báo cáo tài chính bán niên đã được soát xét trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày tổ chức kiểm toán ký báo cáo soát xét, nhưng không được vượt quá 45 ngày (giảm 15 ngày so với quy định tại Thông tư 52/2012/TT-BTC) kể từ ngày kết thúc 6 tháng đầu năm tài chính và công bố báo cáo tài chính quý trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày kết thúc quý.

Ngoài ra, Thông tư số 155/2015/TT-BTC bổ sung quy định trường hợp công ty đại chúng không thể hoàn thành việc công bố báo cáo tài chính do phải lập báo cáo tài chính hợp nhất hoặc báo cáo tài chính năm tổng hợp, hoặc do các công ty con, công ty liên kết cũng phải lập báo cáo tài chính có kiểm toán, báo cáo tài chính hợp nhất hoặc báo cáo tài chính tổng hợp thì UBCKNN xem xét gia hạn thời gian công bố báo cáo tài chính khi có yêu cầu bằng văn bản của công ty, nhưng tối đa không quá 100/60/30 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ báo cáo lần lượt với các kỳ báo cáo năm/bán niên/quý.

Bên cạnh đó, Thông tư số 155/2015/TT-BTC bổ sung quy định về thời hạn công bố Báo cáo thường niên chậm nhất là 20 ngày sau ngày công bố báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán nhưng không quá 120 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Thời hạn công bố thông tin bất thường được sửa đổi thống nhất là 24 giờ (trong khi đó, quy định trước đây tại Thông tư 52/2012/TT-BTC yêu cầu về thời hạn từ 24 giờ đến 72 giờ). Công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông phải được công bố chậm nhất 10 ngày trước ngày khai mạc, ngắn hơn 05 ngày so với quy định trước đây.

3. Thực trạng công bố thông tin trên TTCK

Có thể nhận thấy, với những điểm mới trong Thông tư số 155/2015/TT-BTC, hoạt động công bố thông tin trên TTCK ở nước ta không ngừng được hoàn thiện và đi vào nền nếp. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, việc thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin của các chủ thể trên TTCK còn tồn tại nhiều bất cập. Một số quy định pháp luật hiện hành về công bố thông tin còn chưa đầy đủ, rõ ràng, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế, gây khó khăn cho quá trình thực thi nghĩa vụ công bố thông tin của các đối tượng trên TTCK.

3.1. Về việc chậm công bố thông tin báo cáo tài chính

Đây được coi là một loại vi phạm phổ biến của công ty đại chúng, các tổ chức kinh doanh chứng khoán. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các doanh nghiệp trong việc chậm hoàn thành và công bố thông tin báo cáo tài chính, trong đó có nguyên nhân là do một số điểm chưa hoàn thiện trong các quy định pháp luật. Cụ thể, một số công ty đã đề nghị UBCKNN gia hạn công bố thông tin báo cáo tài chính hợp nhất hoặc báo cáo tài chính tổng hợp, do công ty không thu thập đủ số liệu tài chính từ báo cáo tài chính hợp nhất của công ty liên kết (công ty đầu tư và các công ty liên kết có thời hạn công bố thông tin báo cáo tài chính hợp nhất giống nhau). Đồng thời, một số doanh nghiệp cũng đề nghị bổ sung quy định về thời hạn báo cáo tài chính áp dụng với các nhóm ngành đặc thù được nhiều quốc gia thực hiện như Philippines, Australia…

Thời hạn giải trình các ý kiến ngoại trừ, lưu ý của kiểm toán đối với các báo cáo tài chính cũng chưa được quy định cụ thể trong Thông tư số 155/2015/TT-BTC, điều này dẫn đến một thực tế, các doanh nghiệp thường công bố báo cáo tài chính trước để kịp thời hạn và sau đó mới công bố giải trình đối với các ý kiến lưu ý ngoại trừ của kiểm toán, gây khó khăn cho nhà đầu tư.

3.2. Về chất lượng công bố thông tin

Có thể khẳng định chất lượng công bố thông tin của các doanh nghiệp ở Việt Nam còn thấp, trong đó, chất lượng của các báo cáo tài chính mà công ty đại chúng công bố cũng chưa cao. Bộ cáo tài chính chưa có sự phân tích sâu về nguyên nhân dẫn đến những biến động lớn về doanh thu, lợi nhuận... Sự chênh lệch đáng kể số liệu tài chính trước và sau kiểm toán của các doanh nghiệp niêm yết cũng trở thành vấn đề nóng khi tính đến giữa tháng 9/2014 có tới trên 50% doanh nghiệp niêm yết tiến hành điều chỉnh số liệu lợi nhuận so với các báo cáo trước đó.

Đối với Báo cáo thường niên: Tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản… khi công ty ý thức được vai trò quan trọng của báo cáo thường niên, công ty thường trình bày khá đầy đủ báo cáo đánh giá của ban Giám đốc và hội đồng quản trị. Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc lập báo cáo thường niên chưa được nhiều doanh nghiệp chú trọng, các nội dung tại báo cáo này trên thực tế còn khá sơ sài.

Ngoài ra, pháp luật hiện hành yêu cầu công ty đại chúng phải thực hiện công bố thông tin trên website nhưng việc lưu trữ các thông tin này như thế nào hoặc bao lâu cũng chưa được quy định cụ thể. Do đó, nhiều thông tin khi nhà đầu tư muốn tìm kiếm lại trên website của các công ty này rất khó khăn. Các công ty khi công bố thông tin cũng không hiển thị thời gian công bố trên trang thông tin điện tử. Nhiều trường hợp, họ có thể sửa lại thời gian công bố nhưng cả nhà đầu tư và cơ quan quản lý khó có thể kiểm soát. Do đó, cần có biện pháp hữu hiệu để quản lý các thông tin được đăng tải trên website của công ty, giúp nhà đầu tư có thể tìm kiếm được thông tin dễ dàng.

3.3. Về các sự kiện phải công bố thông tin bất thường của công ty đại chúng

Hiện nay nhiều sự kiện ảnh hưởng lớn đến tình hình hoạt động, sản xuất kinh doanh chưa được đưa vào nghĩa vụ công bố thông tin bất thường của công ty đại chúng như trường hợp công ty bị xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực môi trường, sở hữu trí tuệ, lao động; khi có quyết định của trọng tài đối với công ty hoặc khi công ty ký kết các hợp đồng có giá trị lớn… Một số quy định về công bố thông tin bất thường cũng chưa rõ ràng như yêu cầu công ty đại chúng công bố trong vòng 24 giờ khi có quyết định vay hoặc phát hành trái phiếu có giá trị từ 30% vốn chủ sở hữu trở lên nhưng không cụ thể đây là giá trị một khoản vay hay tổng giá trị các khoản vay, vì thế các công ty đại chúng thường chia nhỏ các khoản vay để tránh nghĩa vụ công bố thông tin.

Thời hạn công bố thông tin bất thường theo Thông tư số 155/2015/TT-BTC chủ yếu là 24 giờ sau khi sự kiện xảy ra. Tuy nhiên, thời hạn 24 giờ cũng cần nghiên cứu để thay bằng quy định công bố “ngay lập tức” theo thông lệ của nhiều nước như Nhật Bản, Đức... Do đó, cần có hướng sửa đổi các quy định về thời hạn để đảm bảo tính kịp thời của thông tin và bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư.

3.4. Về các thông tin liên quan đến phát triển bền vững của doanh nghiệp

Pháp luật nhiều nước trên thế giới như Ấn Độ, Úc, Singapore, Nam Phi… đã đưa phát triển bền vững là nội dung bắt buộc phải công bố của công ty đại chúng, bao gồm các thông tin liên quan đến lĩnh vực kinh tế, trách nhiệm về môi trường, trách nhiệm xã hội của công ty. Tuy nhiên, Việt Nam chưa bắt buộc doanh nghiệp phải công bố thông tin các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững chưa bắt buộc.

Trong bối cảnh phát triển bền vững trở thành vấn đề quan tâm hàng đầu của các quốc gia, các doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm chia sẻ cùng xã hội về việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Do đó, Việt Nam cần nghiên cứu để có những sửa đổi phù hợp tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành điều chỉnh hoạt động công bố thông tin trên TTCK, giúp cho các doanh nghiệp không chỉ hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận mà còn phải có trách nhiệm hơn với môi trường, cộng đồng xã hội.

4. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi các quy định pháp luật về công bố thông tin trên TTCK

4.1. Hoàn thiện các quy định pháp luật về công bố thông tin trên TTCK

Đối với nghĩa vụ công bố thông tin định kỳ, cần quy định thời hạn phù hợp cho việc công bố thông tin các báo cáo tài chính hợp nhất/tổng hợp, báo cáo tài chính áp dụng cho các doanh nghiệp đặc thù, thời hạn công bố giải trình ý kiến ngoại trừ, lưu ý của kiểm toán đối với báo cáo tài chính năm… Cần hoàn thiện các quy định về pháp luật có liên quan về chế độ kế toán, mở rộng áp dụng các chuẩn mực quốc tế về kế toán (IAS) và báo cáo tài chính (IFRS) nhằm nâng cao hiệu quả cũng như tính minh bạch của báo cáo tài chính. Đây là điều cần thiết nhằm nâng cao chất lượng báo cáo tài chính theo chuẩn mực quốc tế, từ đó giúp cho các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc huy động vốn trên TTTK nước ngoài.

Thêm vào đó, cần bổ sung các nghĩa vụ công bố thông tin bất thường khác của công ty đại chúng để tránh bỏ sót các thông tin quan trọng, ảnh hưởng đến hoạt động của công ty; đồng thời hoàn thiện các quy định hiện hành về công bố thông tin bất thường khác trên TTCK theo thông lệ quốc tế, đáp ứng các yêu cầu về hội nhập và phát triển TTCK.

Về các thông tin liên quan đến phát triển bền vững của doanh nghiệp: Báo cáo phát triển bền vững (bao gồm các thông tin về lĩnh vực kinh tế, trách nhiệm về môi trường và xã hội của công ty) là công cụ cho thấy trách nhiệm của công ty với các bên trong và ngoài công ty về các hoạt động của mình nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, các quy định hiện hành lại chưa đề cập đến vấn đề này. Do đó, cần nghiên cứu bổ sung yêu cầu các công ty đại chúng phải công bố thông tin liên quan đến phát triển bền vững, nhằm nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp Việt Nam với môi trường và cộng đồng.

4.2. Xây dựng bộ chỉ số minh bạch thông tin đối với công ty niêm yết

Hàng năm, các SGDCK đã tổ chức chấm điểm báo cáo thường niên của các công ty niêm yết, với các tiêu chí như có nội dung về quản trị công ty tốt nhất, giải giành cho báo cáo phát triển bền vững... nhằm khích lệ các công ty trong thực hiện công bố thông tin.

Tuy nhiên, việc đánh giá báo cáo thường niên chưa đủ để xác định một công ty niêm yết có minh bạch hay không. Theo thông kệ tại nhiều nước, mức độ minh bạch của các công ty niêm yết được dựa trên chỉ số riêng về minh bạch thông tin, giúp cải thiện tình hình minh bạch trên TTCK và củng cố niềm tin cho nhà đầu tư đối với thị trường. Tại Việt Nam, kể từ khi TTCK chính thức hoạt động vào năm 2000 cho đến nay chưa có bất kỳ bộ chỉ số minh bạch thông tin nào được áp dụng để đo lường mức độ minh bạch của các công ty niêm yết. Vì thế, Việt Nam cũng cần sớm nghiên cứu xây dựng chỉ số minh bạch thông tin đối với các công ty niêm yết trên cơ sở tiếp thu kinh nghiệm của các nước.

4.3. Hoàn thiện phương tiện công bố thông tin

Tại Việt Nam hiện nay, công ty đại chúng thực hiện cơ chế công bố thông tin trực tiếp thông qua website. Tuy nhiên, hạ tầng công nghệ tại Việt Nam vẫn chưa thực sự hiện đại và hiện chưa có một Trung tâm dữ liệu lưu trữ thông tin công bố. Chính vì vậy, cơ quan quản lý thị trường cần xây dựng một Trung tâm lưu trữ thông tin công bố, phục vụ cho công tác giám sát thị trường hiệu quả hơn. Trung tâm này có thể đặt tại Trung tâm Lưu trữ thông tin tại Ủy ban Chứng khoán nhà nước do cơ quan này chịu trách nhiệm quản lý thông tin của toàn bộ công ty đại chúng.

Ngoài ra, cần khuyến khích hoạt động của các hãng cung cấp thông tin chuyên nghiệp, nhất là khi TTCK phát triển. Trên thị trường chứng khoán Mỹ, đội ngũ các hãng thông tin chuyên nghiệp phát triển khá hùng hậu. Tại Việt Nam, việc thu hút một cách lâu dài nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài là rất cần thiết cho doanh nghiệp cũng như cho cả nền kinh tế, do đó việc phát triển hãng cung cấp thông tin chuyên nghiệp sẽ là nhu cầu tất yếu trong tương lai.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ Tài chính (2012), Thông tư 52/2012/TT-BTC hướng dẫn về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, ngày 05/04/2012.

2. Bộ Tài chính (2015), Thông tư 155/2015/TT-BTC hướng dẫn về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, ngày 06/10/2015.

3. Tạp chí Tài chính (2015), “Nâng chất công bố thông tin trên thị trường chứng khoán”, số ra ngày 02/02/2015.

4. ThS. Đào Đình Thi (2016), “Gắn kết mục tiêu phát triển bền vững trong chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp”, số 2, 3/2016.

5. Asian development bank (2014), ASEAN corporate governance scorecard: Country reports and assessments 2013-2014, tr 79.

LEGAL ISSUES ON INFORMATION DISCLOSURE

ON THE STOCK MARKET

MA. TRAN LUONG DUC

Head department of Law, Faculty of Management Economic Law

Head of Office of Student Affairs

University of Economics and Business Administation - Thai Nguyen University

ABSTRACT:

Information disclosure has significant meaning for investors, market management organizations, regulators, issuers and listed companies, serving as a condition of market promotion. The article identifies some new points of Circular 155/2015 / TT-BTC to compare with previous regulations on information disclosure in the stock market. It uses information collection method, theoretical research and general analysis to identify and assess the inadequacies of information disclosure on the stock market, thus the author proposed solutions to improve law enforcement on information disclosure on the stock market.

Keywords: Information Disclosure, Stock Market, Circular 155/2015 / TT-BTC.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 08 tháng 07/2017 tại đây