Một số vấn đề pháp lý về  hợp đồng vận chuyển tài sản theo pháp luật dân sự Việt Nam 2015

ThS. Cao Thị Lê Thương (Viện Nhà nước và Pháp luật - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam)

TÓM TẮT:

Bài viết nghiên cứu một số vấn đề pháp lý về hợp đồng vận chuyển tài sản, đồng thời đưa ra những phân tích, bình luận và một số kiến nghị nhằm hoàn thiện chế định này trong Bộ luật Dân sự 2015.

Từ khóa: Hợp đồng vận chuyển, vận chuyển tài sản, Bộ luật Dân sự. 2015.

1. Khái niệm hợp đồng vận chuyển

Khái niệm hợp đồng vận chuyển được lần đầu tiên được đưa ra tại Điều 538 Bộ luật Dân sự 1995 (BLDS), sau đó tiếp tục được quy định tại Điều 535 BLDS 2005 và gần đây nhất được quy định tại Điều 530 BLDS 2015. Về cơ bản, quy định về khái niệm hợp đồng vận chuyển trong các Bộ luật Dân sự những năm sau được kế thừa toàn bộ từ năm trước, không có điểm gì khác biệt về nội dung, chỉ khác biệt về các tiểu tiết, các câu chữ, cụ thể đều quy định: “Hợp đồng vận chuyển tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển có nghĩa vụ chuyển tài sản đến địa điểm đã định theo thỏa thuận và giao tài sản đó cho người có quyền nhận, bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ trả cước phí vận chuyển”.

Từ khái niệm trên ta thấy, hợp đồng vận chuyển tài sản cũng mang đặc trưng của những hợp đồng dân sự thông dụng khác đó là việc tự nguyện, tự do và bình đẳng của các bên trong khi xác lập một giao dịch dân sự. Theo khái niệm này, hợp đồng vận chuyển tài sản có thể được nhận diện qua các yếu tố sau:

Về chủ thể: Chủ thể của hợp đồng vận chuyển tài sản bao gồm bên vận chuyển và bên thuê vận chuyển. Bên vận chuyển là thường là người có phương tiện vận chuyển như xe tải, tầu thuyền, xe container... Bên thuê vận chuyển là người có nhu cầu di dời tàn sản từ nơi này sang nơi khác nhưng không tự thực hiện được. Ngoài ra, chúng ta còn thấy xuất hiện một chủ thể được nhắc tới đó là người có quyền nhận tài sản. Người có quyền nhận tài sản có thể là bên thuê vận chuyển hoặc là bên thứ ba được hưởng lợi từ hợp đồng vận chuyển hoặc là người được bên thuê vận chuyển ủy quyền nhận tài sản.

Về khách thể: Trong quan hệ hợp đồng vận chuyển tài sản, các chủ thể hướng tới mục đích là “chuyển tài sản đến địa điểm đã định”, hay nói cách khác là công việc di chuyển một tài sản từ vị trí này đến một vị trí nhất định nào đó. Vì là công việc nên việc tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ thường không có thước đo cụ thể. Thông thường, trong hợp đồng vận chuyển tài sản, công việc sẽ được dựa trên số tài sản, quãng đường, loại phương tiện để tính giá trị công việc. 

Về nội dung: Điều 530 đã chỉ ra quyền và nghĩa vụ cơ bản của các bên. Bằng việc quy định các quyền các nghĩa vụ như trên, khẳng định hợp đồng vận chuyển tài sản là hợp đồng song vụ và có đền bù1. Có thể thấy, BLDS 2015 đã ấn định việc vận chuyển tài sản là phải được trả phí. Thế nhưng, trong thực tiễn, có nhiều trường hợp vận chuyển tài sản không lấy thù lao, như: làm từ thiện, vận chuyển trong các trường hợp tình thế cấp thiết.  Hơn nữa, các quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên đã được quy định cụ thể trong các điều luật khác nên, với tư cách là điều luật đưa ra khái niệm tại BLDS thì theo tác giả Điều này được sửa thành: Hợp đồng vận chuyển tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên về việc bên vận chuyển có nghĩa vụ di chuyển tài sản từ địa điểm này đến địa điểm khác theo yêu cầu của bên thuê vận chuyển.

2. Hình thức của hợp đồng vận chuyển

Trong BLDS 2005, hợp đồng vận chuyển tài sản có hình thức bằng lời nói hoặc bằng văn bản2. Tuy nhiên, để phù hợp với sự phát triển của xã hội và tinh thần coi trọng nội dung của giao dịch dân sự hơn sự hình thức thể hiện ra bên ngoài của giao dịch, BLDS 2015 đã ghi nhận hợp đồng vận chuyển tài sản có thể được giao kết bằng văn bản, bằng lời nói hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể (Điều 536 BLDS 2005).

Hợp đồng vận chuyển tài sản bằng lời nói là phương thức được sử dụng phổ biến trong thực tế. Hợp đồng này thường được áp dụng đối với những trường hợp giao dịch có giá trị nhỏ hoặc các chủ thể có quan hệ thân thiết, làm ăn lâu dài, như: vận chuyển tài sản bằng xe khách, vận chuyển được ký kết giữa những người hàng xóm, bạn bè, người thân trong gia đình.

Về hình thức hợp đồng vận chuyển tài sản bằng văn bản, BLDS 2015 không quy định chi tiết như thế nào là văn bản, nhưng căn cứ quy định tại Khoản 13 Điều 2 của Nghị định số 87/2009/NĐ-CP3 của Chính phủ về vận tải đa phương thức, “Văn bản” là một trong các hình thức sau: điện tín, telex, fax hoặc bất cứ hình thức nào khác được in ấn, ghi lại. Mặc dù còn nhiều tranh cãi về vấn đề hợp đồng bằng văn bản và hợp đồng điện tử là 2 hình thức khác nhau, không phải hợp đồng điện tử là một dạng của hợp đồng bằng văn bản như hiện nay, nhưng quy định như vậy là phù hợp với thực tế với thời điểm BLDS 2015 ra đời. Nhìn chung, hợp đồng vận chuyển tài sản có hình thức bằng văn bản là sự thể hiện ý chí của bên thuê vận chuyển và bên vận chuyển bằng ký hiệu, chữ viết trên một định dạng nhất định.

Hợp đồng vận chuyển tài sản bằng hành vi là quy định mới của BLDS 2015 so với BLDS 2005,  là hình thức giản tiện nhất trong giao kết hợp đồng. Các bên có thể xác lập quan hệ hợp đồng mà không cần có sự gặp gỡ, thương lượng tại địa điểm giao kết4.  Hình thức giao kết hợp đồng bằng hành vi sẽ ngày càng trở lên phổ biến và được các chủ thể sử dụng rộng rãi.

Mặc dù đã quy định thêm một hình thức hợp đồng mới, nhưng chung quy lại, BLDS 2015 vẫn theo lối liệt kê các hình thức hợp đồng chỉ gồm 3 loại như trên, vô hình chung đã làm cho khả năng của các hình thức mới không được công nhận. Như chúng ta đã biết, cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 đã và đang thay đổi các quan hệ xã hội một cách rất nhanh chóng, chính vì vậy các quy phạm pháp luật cần phải có tính bao quát và dự đoán được tương lai. Hơn nữa, xét về bản chất, tuy hình thức của hợp đồng có thể không phải là hình thức mà pháp luật quy định, nhưng không có nghĩa là giao dịch không tồn tại. Vì vậy, quy định về hình thức của hợp đồng vận chuyển tài sản có thể quy định là “Hình thức của hợp đồng vận chuyển tài sản do các bên thỏa thuận nhưng không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật”.

Một số ý kiến sẽ cho rằng, nếu không quy định về hình thức hợp đồng không rõ ràng sẽ khó khăn trong việc xác định được nội dung của giao dịch,như: số lượng, quy cách đóng gói, phương tiện, thời gian, bảo quản tài sản… Tuy nhiên, pháp luật còn quy định một loại chứng từ có thể đảm bảo được điều đó, đó chính là “vận đơn” hoặc “chứng từ vận chuyển” được quy định ngay tại khoản 2 Điều 636 như sau: “Vận đơn hoặc chứng từ vận chuyển tương đương khác là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng giữa các bên”.

Như vậy, ở đây xuất hiện 2 thuật ngữ, đó là “vận đơn” và “chứng từ vận chuyển”. Vận đơn và chứng từ vận chuyển không được giải thích trong BLDS 2015, cũng như trong BLDS 2005, nhưng một số văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành có ghi nhận như: Theo Khoản 2 Điều 148 Bộ luật Hàng hải 2015 về Chứng từ vận chuyển quy định: Vận đơn là chứng từ vận chuyển làm bằng chứng về việc người vận chuyển đã nhận hàng hóa với số lượng, chủng loại, tình trạng như được ghi trong vận đơn để vận chuyển đến nơi trả hàng; bằng chứng về sở hữu hàng hóa dùng để định đoạt, nhận hàng và là bằng chứng của hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển. Và theo khoản 1 Điều 129 Luật Hàng không dân dụng 2006 về Vận đơn hàng không và biên lai hàng hóa thì “Vận đơn hàng không là chứng từ vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không và là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng, việc đã tiếp nhận hàng hóa và các điều kiện của hợp đồng”. Một số công trình khoa học cũng đưa ra khái niệm vận đơn như: Vận đơn là một chứng từ vận tải do người vận chuyển, hoặc thuyền trưởng (đường biển) hoặc đại lý của người vận chuyển ký phát sau khi hàng hóa đã được xếp lên tàu hoặc hàng hóa đã được nhận và chờ xếp lên tàu5.

Qua các khái niệm ở trên, tổng hợp lại, Vận đơn là một thuật ngữ được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau, nhưng nhìn chung đều cho rằng vận đơn là chứng từ vận chuyển. Vì vậy, BLDS 2015 với tư cách là luật điều chỉnh chung các vấn đề dân sự, không nên đưa ra quy định cả vận đơn và chứng từ vận chuyển, mà chỉ cần quy định: “chứng từ vận chuyển là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng giữa các bên”.

3. Nội dung của hợp đồng vận chuyển

3.1. Quyền và nghĩa vụ của bên vận chuyển

- Về nghĩa vụ của bên vận chuyển

Bộ luật Dân sự đưa ra quy định về nghĩa vụ của một bên trước, sau đó mới đề cập đến quyền. Thông thường, các bên phải thực hiện nghĩa vụ trước,  quyền sẽ đến sau. Theo đó, bên vận chuyển có các nghĩa vụ sau:

Thứ nhất, “bảo đảm vận chuyển tài sản đầy đủ, an toàn đến địa điểm đã định, theo đúng thời hạn” (Khoản 1 Điều 534 BLDS 2015). Đây là nghĩa vụ đầu tiên, quan trọng nhất trong việc vận chuyển tài sản. Tuy nhiên, thời gian còn được hiểu về thời hạn và thời điểm, thời hạn chỉ khoảng thời gian, trong khi đó nhiều trường hợp giao đúng cả về thời điểm. Vì vậy, khoản này nên quy định thành “Bảo đảm vận chuyển tài sản đầy đủ, an toàn đến đúng thời gian và địa điểm đã thỏa thuận”.

Thứ hai, “giao tài sản cho người có quyền nhận”(Khoản 2 Điều 534 BLDS 2015). Vì bên có quyền nhận tài sản không nhất thiết phải là bên thuê vận chuyển, mà còn có thể là bên thứ ba do bên thuê ủy quyền hoặc người thụ hưởng dịch vụ khác.

Thứ ba, “chịu các chi phí liên quan đến việc chuyên chở tài sản, trừ trường hợp thỏa thuận khác”(Khoản 3 Điều 534 BLDS 2015). Các khoản chi phí liên quan đến việc chuyên chở tài sản có thể kể đến như: Xăng, dầu, khấu hao phương tiện, phí đường bộ, phí bồi dưỡng sức khỏe cho người chuyên chở hoặc phụ giúp. Về nguyên tắc, nếu không có thỏa thuận khác thì bên vận chuyển phải chịu các khoản phí này, vì thông thường cước phí vận chuyển người vận chuyển đã tính toán các chi phí này. 

Thứ tư, “mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật” (Khoản 4 Điều 534 BLDS 2015). Quy định nghĩa vụ của bên vận chuyển như trên có thể hiểu: Nếu bên vận chuyển được xác định là chủ thể có chức năng kinh doanh dịch vụ vận chuyển tài sản, bắt buộc phải có trách nhiệm bảo hiểm dân sự mới được cơ quan nhà nước cấp phép hoạt động. Nhưng nếu bên vận chuyển sử dụng các phương tiện luật không bắt buộc phải mua bảo hiểm như: các phương tiện là xe thô xơ như xe thồ, phương tiện sử dụng sức kéo động vật khác,  có thể không bao giờ họ mua bảo hiểm.

Thứ năm, “bồi thường thiệt hại cho bên thuê vận chuyển trong trường hợp bên vận chuyển để mất, hư hỏng tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác” (Khoản 5 Điều 534 BLDS 2015). Quy định như trên là phù hợp với thực tế, bởi nhiều khi, trong quá trìnhvận chuyển, bên vận chuyển làm mất tài sản hoặc làm vỡ, hư hại hoặc hỏng tài sản.

- Về quyền của bên vận chuyển.

Quy định về quyền của bên vận chuyển tại BLDS 2015 là sự kế thừa toàn bộ quy định của BLDS 2005. Theo đó, quyền của bên vận chuyển được xác định như sau:

Thứ nhất, bên vận chuyển có quyền “Kiểm tra sự xác thực tài sản, của vận đơn hoặc chứng từ vận chuyển tương đương khác” (Khoản 1 Điều 535 BLDS 2015). Quyền này được ghi nhận dựa trên cơ sở công việc vận chuyển được bên vận chuyển kiểm tra cần rõ: tài sản vận chuyển là loại gì, số lượng, chất lượng, chủng loại, quy cách đóng gói… Kiểm tra, xác minh rõ tài sản để biết chắc chắn công việc vận chuyển loại tài sản này có phải là tài sản bị cấm vận chuyển không.

Thứ hai, trong trường hợp kiểm tra tính xác thực về loại tài sản không đúng với loại tài sản đã thảo thuận trong hợp đồng, bên vận chuyển có quyền từ chối vận chuyển tài sản (Khoản 2 Điều 535 BLDS 2015). Tại thời điểm đàm phán trước khi ký kết hợp đồng vận chuyển, bên vận chuyển đã thể hiện ý chí và loại bỏ những rủi ro, trở ngại, khó khăn nhất định trong quá trình thực hiện nghĩa vụ của mình; nhưng tại thời điểm giao tài sản, bên thuê vận chuyển lại giao tài sản khác. Đây là hành vi vi phạm nghĩa vụ, nên bên vận chuyển hoàn toàn có quyền từ chối. 

Thứ ba, bên vận chuyển có quyền “yêu cầu bên thuê vận chuyển thanh toán đủ cước phí vận chuyển đúng thời hạn” (Khoản 1 Điều 535 BLDS 2015). Như đã phân tích ở mục 1, tác giả cho rằng, đây là quy định về hợp đồng vận chuyển nói chung, nên Khoản này nên quy định lại thành “Yêu cầu bên thuê vận chuyển thanh toán đủ cước phí vận chuyển đúng thời hạn nếu có thỏa thuận về cước phí”.

Thứ tư, bên vận chuyển có quyền “từ chối vận chuyển tài sản, cấm giao dịch, tài sản có tính chất nguy hiểm, độc hại, nếu bên vận chuyển biết hoặc phải biết (Khoản 4 Điều 535 BLDS 2015). Đối với tài sản cấm giao dịch, bên vận chuyển đương nhiên phải từ chối và phải từ chối ngay từ lúc đàm phán hợp đồng, cũng như khi nhận bàn giao tài sản. Còn đối với tài sản có tính chất nguy hiểm và độc hại vẫn là tài sản được phép chuyên chở trong những trường hợp nhất định. Vì vậy, nếu trong trường hợp bên vận chuyển có chức năng vận chuyển các chất nguy hiểm, độc hại, bên thuê vận chuyển có quyền tài sản hợp pháp với tài sản và các bên có thỏa thuận, bên vận chuyển không có quyền từ chối.

3.2. Quyền và nghĩa vụ của bên thuê vận chuyển

- Về nghĩa vụ của bên thuê vận chuyển

Các quy định về nghĩa vụ của bên thuê vận chuyển theo BLDS 2015 về mặt tổng thể là phù hợp, các nghĩa vụ được quy định rõ ràng và không có nhiều bất cập. Cụ thể:

Bên thuê vận chuyển có quyền “trả đủ tiền cước phí vận chuyển theo đúng thời hạn bên thuê vận chuyển theo đúng thời hạn, phương thức đã thỏa thuận (Khoản 1 Điều 536 BLDS 2015)”. Vẫn theo tinh thần của Điều 530, vận chuyển tài sản là phải trả phí, nên nghĩa vụ trả phí vận chuyển của bên thuê là tất yếu. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào các bên cũng thỏa thuận trả thù lao bằng “tiền”. Các chủ thể có thỏa thuận thay thế bằng các tài sản khác, hoặc là đổi công cho nhau. Vì vậy, nên quy định “Trả đủ thù lao vận chuyển cho bên vận chuyển theo đúng thỏa thuận nếu có”.

Bên thuê vận chuyển có quyền “cung cấp thông tin cần thiết liên quan đến tài sản vận chuyển để bảo đảm an toàn cho tài sản vận chuyển”(Khoản 2 Điều 536 BLDS 2015). Đây là một nghĩa vụ mới được bổ sung cho bên vận chuyển trong BLDS 2015. Việc bổ sung nghĩa vụ này là điều cần thiết và hợp lý, vì với mỗi tài sản khác nhau, phương thức vận chuyển và cách thức bảo quản tài sản khác nhau.

Cuối cùng, BLDS 2015 quy định bên thuê vận chuyển có quyền “trông coi tài sản trên đường vận chuyển, nếu có thỏa thuận. Trường hợp bên thuê vận chuyển trông coi tài sản để bị mất, hư hỏng thì không được bồi thường”(Khoản 3 Điều 536 BLDS 2015). Về nguyên tắc, bên vận chuyển phải trông coi tài sản trong thời gian vận chuyển. Nhưng nếu các bên thỏa thuận, bên thuê vận chuyển sẽ trông coi tài sản, thì đây sẽ là nghĩa vụ của bên vận chuyển. Nếu để xảy ra tài sản bị mất, hư hỏng sẽ không được bồi thường.

Ngoài ra, bên thuê vận chuyển còn có một nghĩa vụ khác không quy định tại Điều 536 về nghĩa vụ của bên vận chuyển, nhưng quy định tại Điều 532 BLDS 2015 như sau: “Bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ giao tài sản cho bên vận chuyển đúng thời hạn, địa điểm và đóng gói theo đúng quy cách đã thỏa thuận; phải chịu chi phí xếp, dỡ tài sản lên phương tiện vận chuyển, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

Việc thực hiện nghĩa vụ đúng thời gian, địa điểm rất quan trọng đối với vận chuyển tài sản và bất cứ hợp đồng dân sự nào. Quy cách đóng gói là một yêu cầu rất riêng biệt, liên quan đến đối tượng của hợp đồng này là vận chuyển tài sản, trong khi mỗi tài sản lại mang một đặc trưng khác nhau, như: tài sản dễ vỡ, hay tài sản cần tránh mưa, tránh nắng; tài sản là chất lỏng, chất rắn hay chất khí… đều có cách đóng gói và bảo quản khác nhau. Vì vậy, cần quy định về giao đúng quy cách đóng gói, để trong quá trình vận chuyển, tài sản không bị hư hỏng, mất mát.

Mặc dù quy định trên  chi tiết, nhưng vẫn không đủ. Trong một số trường hợp như: tài sản vận chuyển là đặc trưng hoặc chỉ cần các bên có thỏa thuận khác chi tiết hơn ngoài những gì điều luật đã liệt kê, chúng ta vẫn thấy vướng mắc ngay lập tức. Một số trường hợp vì bên thuê vận chuyển không giao tài sản đúng số lượng, nên việc vận chuyển không thể tiến hành, hoặc phải tiến hành trong tình trạng thiếu hàng hóa. Việc vận chuyển sao cho chuyển đủ số lượng sẽ phải chia làm nhiều lần, dẫn đến chi phí tăng cao. Vì không quy định rõ ràng, nên việc xác định bên nào phải chịu chi phí và bên nào phải bồi thường thiệt hại nếu có là khó khăn.

Ngoài ra, điều này còn quy định bên vận chuyển phải chịu chi phí xếp, dỡ tài sản lên phương tiện vận chuyển. Quy định như vậy để giảm được việc tranh chấp phát sinh khi các bên không có thỏa thuận về vấn đề này ngay từ khi giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, theo tác giả, quy định này nên đưa vào Điều: nghĩa vụ của bên vận chuyển sẽ hợp lý hơn.

- Về quyền của bên vận chuyển

Quy định về quyền của bên thuê vận chuyển tại Điều 537 BLDS 2015 đã được sửa đổi so với quy định tại Điều 542 BLDS năm 2005. Theo đó, bên vận chuyển có 2 quyền chính, đó là: “1. Yêu cầu bên vận chuyển chuyên chở tài sản đến đúng địa điểm, thời điểm đã thỏa thuận; 2. Trực tiếp hoặc chỉ định người thứ ba nhận lại tài sản đã thuê vận chuyển”.

Hợp đồng vận chuyển tài sản là hợp đồng song vụ, vì vậy, khi xét về mức độ tương xứng giữa quyền và nghĩa vụ giữa bên vận chuyển và bên nhận vận chuyển tài sản, nếu quy định cho bên vận chuyển có nghĩa vụ vận chuyển đúng thời gian, địa điểm và loại tài sản cũng nên quy định về quyền nhận tài sản đúng thời gian, địa điểm và loại tài sản (bao gồm số lượng, chất lượng, quy cách đóng gói, bảo quản…) của bên thuê vận chuyển.

Việc bên thuê vận chuyển có quyền chỉ định người thứ ba nhận tài sản đã thuê vận chuyển là một quy định không phụ thuộc vào việc thực hiện nghĩa vụ của bên vận chuyển, và là căn cứ để xác định bên vận chuyển có thực hiện đúng nghĩa vụ hay không, nhưng lại là một quy định phù hợp với các quy định trước đó và phù hợp với thực tế. Bởi lẽ, việc vận chuyển tài sản có thể vì lợi ích của bên thứ ba, nên phải quy định quyền chuyển giao việc nhận tài sản của bên thuê vận chuyển cho người khác.

Tài liệu trích dẫn:

1Trường Đại học Luật Hà Nội, “Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam tập 2 ”, Nxb CAND, Hà Nội, 2018, Trang 198, 199.

2Điều 536 BLDS 2005.

3Nghị định này đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 144/2018/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung các Nghị định về vận tải đa phương thức.

4Trần Văn Biên, “Hình thức hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự 2005”, Tạp chí Tòa án nhân dân, Số 3/2006; Trang 14-19.

5PGS.TS. Nguyễn Văn Cừ - PGS.TS. Trần Thị Huệ, “Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự 2015, Nxb CAND, Hà Nội, 2016”, Trang 793.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ luật Dân sự 2005.

2. Bộ luật Dân sự 2015.

3. Nguyễn Văn Cừ - Trần Thị Huệ, “Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự 2015, Nxb CAND, Hà Nội, 2016”.

4. Trần Văn Biên, “Hình thức hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự 2005”, Tạp chí Tòa án nhân dân, Số 3/2006.

5. Trường Đại học Luật Hà Nội, “Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam tập 2”, Nxb CAND, Hà Nội, 2018.

LEGAL ISSUES ON THE CONTRACT FOR PROPERTY TRANSPORT UNDER

VIETNAM CIVIL CODE 2015

 LL.M. CAO THI LE tHUONG

Institute Of State And Law - Vietnam Academy of Social Sciences

ABTRACT:

The article studies a number of legal issues on the contracts for transport of property and recommends for improvement under the Civil Code 2015.

Keywords: Transport contract, property transport, Civil Code 2015.