Một số vấn đề pháp lý về thuế tiêu dùng hiện nay ở Việt Nam

Bài báo nghiên cứu khoa học "Một số vấn đề pháp lý về thuế tiêu dùng hiện nay ở Việt Nam" do Phan Thỵ Tường Vi (Khoa Luật - Trường Đại học Văn Lang) thực hiện

Tóm tắt:

Thuế tiêu dùng là tên gọi của nhóm thuế có đối tượng chịu thuế là hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của cá nhân, hộ gia đình, tổ chức. Đây là nhóm thuế mang tính gián thu, có nghĩa là tiền thuế được cấu thành trong giá cả của hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng là người chịu thuế, còn chủ thể cung cấp hàng hóa, dịch vụ thông qua hành vi nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh các hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế là người nộp thuế. Vì vậy, Nhà nước ban hành thuế tiêu dùng như một công cụ để điều tiết hành vi tiêu dùng của người dân: có thể kích cầu tiêu dùng hoặc hạn chế tiêu dùng đối với người dân. Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích một số vấn đề pháp lý về vai trò điều tiết hạn chế hành vi tiêu dùng đối với người dân hiện nay ở Việt Nam qua hai loại thuế trong nhóm thuế này là thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường.

Từ khóa: thuế tiêu dùng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường.

1. Đặt vấn đề

Ngoài vai trò nguyên thủy và quan trọng nhất của thuế là nguồn thu chủ yếu, thường xuyên và quan trọng nhất của ngân sách nhà nước. Thuế còn có được xem là công cụ hữu ích giúp Nhà nước thực hiện những mục đích về quản lý kinh tế, xã hội. Một trong những vai trò của thuế tác động đến trật tự xã hội đó là việc định hướng cho người dân hạn chế tiêu dùng những sản phẩm có ảnh hưởng xấu đến an toàn xã hội hoặc có khả năng tác động xấu đến môi trường, nhằm đem lại sự ổn định cho xã hội. Nhà nước sẽ điều tiết thuế lên những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ làm cho giá cả những đối tượng sản phẩm chịu thuế này cao lên do bao gồm tiền thuế cấu thành trong nó, tạo gánh nặng kinh tế tác động đến người tiêu dùng, từ đó họ sẽ tiết chế việc tiêu dùng của mình. Thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường đã được ban hành ở Việt Nam với vai trò chính là nhằm điều tiết hành vi tiêu dùng của người dân đối với một số hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước muốn người dân hạn chế sử dụng. Từ khi được ban hành ở Việt Nam[1] đến nay, hai loại thuế này có tác động đến hành vi tiêu dùng của người dân hay không, hiệu quả, vai trò của hai sắc thuế này như thế nào sẽ được trình bày trong phạm vi bài viết này thông qua việc phân tích một số nội dung pháp lý của thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường hiện nay.

2. Một số vấn đề về thuế bảo vệ môi trường hiện nay

Công cụ kinh tế (economic instrument) là việc sử dụng các chính sách tài khóa, cụ thể là thuế, phí nhằm mục đích bảo vệ môi trường. Sử dụng công cụ kinh tế nhằm mục đích bảo vệ môi trường được áp dụng dựa trên nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả tiền” (Polluter Pays Principle, viết tắc là nguyên tắc PPP), do Tổ chức hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) đề xuất vào năm 1992[2]. Nội dung chủ yếu mà OECD đưa ra trong nguyên tắc PPP là các quốc gia cần phải làm cho người dân hiểu được rằng môi trường là một loại hàng hóa có giá trị và có giá; tùy vào điều kiện kinh tế - xã hội của mình mà mỗi Nhà nước sẽ xác định cụ thể trong trường hợp nào người dân muốn được sử dụng môi trường phải trả tiền như việc sử dụng một món hàng có giá của nó. Từ đó người dân sẽ cân nhắc bài toán chi tiêu của mình giữa việc cần hay không việc “sử dụng môi trường” với số tiền của mình phải bỏ ra để được sử dụng môi trường hay chọn lựa việc tiêu dùng ít ảnh hưởng đến môi trường hơn để không phải bỏ ra số tiền cho món hàng “môi trường”. Thuế là công cụ tài khóa được sử dụng phổ biến ở các nước phát triển kể từ khi nguyên tắc PPP ra đời. Việt Nam cũng đã áp dụng nguyên tắc PPP này vào việc bảo vệ môi trường, cụ thể là Quốc hội khóa XII ban hành Luật Thuế bảo vệ môi trường ngày 15/11/2010, có hiệu lực từ ngày 1/1/2012.

Thứ nhất, Thuế bảo vệ môi trường được xác định là thuế gián thu, thu vào sản phẩm hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu tới môi trường[3]. Với quy định này, rõ ràng Nhà nước đã chỉ rõ sự tác động trực tiếp đến người tiêu dùng, chính là người chịu thuế phải gánh lấy phần tiền thuế cấu thành trong những mặt hàng thuộc diện chịu thuế. Như vậy, mục đích hạn chế tiêu dùng những hàng hóa gây ảnh hưởng xấu đến môi trường đã được Nhà nước Việt Nam nêu cụ thể ngay trong chính đạo luật thuế, sẽ tác động đến sự hiểu biết của người dân khi đọc vào nội dung của sắc thuế này. Việc xác lập rõ mục đích của thuế bảo vệ môi trường như thế là một ưu điểm trong nội dung thể hiện của sắc thuế này. Vấn đề là trên thực tế có bao nhiêu người tiêu dùng Việt Nam biết rõ sự tồn tại sắc thuế này?! Điều này phụ thuộc rất nhiều vào việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật từ các cơ quan chức năng liên quan.

Thứ hai, đối tượng chịu thuế của thuế bảo vệ môi trường được xác lập cụ thể là hàng hóa có tác động xấu với môi trường, gồm tám (08) loại hàng hóa được chia thành năm (05) nhóm[4]. Các loại hàng hóa này có nguồn gốc từ khoáng sản là loại tài nguyên thiên nhiên hữu hạn (nhóm 1 và nhóm 2) hay như nhóm sản phẩm mà việc sử dụng chúng gây ảnh hưởng xấu đến môi trường do việc khó phân hủy trong môi trường tự nhiên (nhóm 4: túi nylon) hoặc gây ô nhiễm nguồn nước, đất khi sử dụng quá liều lượng (nhóm 5: thuốc bảo vệ thực vật)  nên thật sự rất cần thiết hạn chế tiêu dùng. Tuy nhiên, bảng số liệu sau đây sẽ cho chúng ta nhận ra điều gì?[5] (Xem Bảng)

Bảng. Sản phẩm chủ yếu của ngành công nghiệp chia theo sản phẩm chủ yếu và các năm

thuế tiêu dùng

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Như vậy, qua những con số trên chúng ta thấy sự gia tăng số lượng của nhóm sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật trong những năm gần đây, chứng tỏ việc áp thuế bảo vệ môi trường lên mặt hàng này không phát huy tác dụng là làm giảm việc sử dụng những chất độc hại này. Đây là một vấn đề cần phải được nghiêm túc nhìn nhận đánh giá từ các cơ quan chức năng (thuế, hải quan, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương) và các bên có liên quan (hội nông dân, hộ nông dân, doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này) trong việc quản lý nhóm mặt hàng này hiện nay.

Thứ ba, hành vi gây tác động xấu đến môi trường không chỉ dừng lại việc tiêu dùng các sản phẩm hàng hóa có khả năng gây ô nhiễm môi trường mà còn có cả hành vi kinh doanh, sử dụng dịch vụ gây ảnh hưởng xấu cho môi trường như hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm của hộ kinh doanh, hoạt động khai thác nước sinh hoạt từ khoan giếng của các hộ dân. Ngoài ra, có một số loại hàng hóa đến lúc cần xem xét có nên đưa vào diện chịu thuế hay không như các hóa chất tẩy rửa, pin, ắc quy. Việc xem xét có nên mở rộng thêm đối tượng chịu thuế không chỉ dừng lại là hàng hóa mà nên có thêm dịch vụ hay mở rộng thêm nhóm hàng hóa chịu thuế ngoài các mặt hàng chịu thuế hiện nay là điều các nhà lập pháp Việt Nam cần nghiêm túc xem xét trong bối cảnh hiện nay đó là thực trạng ô nhiễm môi trường của Việt Nam liên quan đến việc thực thi chính sách thuế bảo vệ môi trường hơn mười (10) năm qua.

3. Một số vấn đề về thuế tiêu thụ đặc biệt hiện nay

Thuế tiêu thụ đặc biệt ra đời sớm hơn so với Luật thuế Bảo vệ môi trường. Thuế tiêu thụ đặc biệt được Quốc hội khóa VIII ban hành đầu tiên vào năm 1990, được sửa đổi bổ sung hai lần vào các năm 1993 và 1995. Sau đó Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt năm 1998 được ban hành bởi Quốc hội khóa X vào ngày 20/05/1998 có hiệu lực từ ngày 01/01/1999, thay thế hoàn toàn cho Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt 1990. Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt 1998 cũng đã được sửa đổi, bổ sung hai (02) lần vào các năm 2003 và 2005. Sau gần mười (10) năm áp dụng thì Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt đã được ban hành mới hoàn toàn bởi đạo luật được Quốc hội khóa XII thông qua Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt 2008 ngày 14/11/2008, có hiệu lực từ ngày 01/04/2009. Từ năm 2009 đến nay Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt 2008 (hay còn gọi là Luật thuế Tiêu thụ hiện hành) đã được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2014, 2016 và 2022. Với quá trình ra đời như trên của thuế tiêu thụ đặc biệt cho chúng ta thấy rõ tầm quan trọng của loại thuế này, không chỉ góp phần tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước mà còn thể hiện vai trò điều tiết tiêu dùng của người dân; và cũng cho chúng ta thấy sự quan tâm của Nhà nước cụ thể là Quốc hội qua các khóa đối với sắc thuế này nên đã có sự điều chỉnh, thay đổi sao cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Thứ nhất, khác với Thuế Bảo vệ môi trường, ngay từ  tên gọi của chính sắc thuế đã nêu lên được cụ thể rõ ràng mục đích Nhà nước ban hành sắc thuế là để bảo vệ môi trường thông qua việc hạn chế tiêu dùng của người tiêu dùng đối với các loại hàng hóa khi sử dụng gây ảnh hưởng xấu cho môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt không thể hiện được mục đích của sắc thuế thông qua tên gọi của chính nó. Vì vậy, việc hiểu biết của người dân về đúng vai trò, mục đích của thuế tiêu thụ đặc biệt cho đến giờ không được phổ cập. Sự ra đời của thuế tiêu thụ đặc biệt cùng với mục đích là hạn chế tiêu dùng của người dân đối với một số hàng hóa, dịch vụ vì nhiều lý do mà Nhà nước muốn người dân phải tiết chế việc sử dụng cũng làm cho sắc thuế này mang tính phức tạp hơn so với thuế bảo vệ môi trường.

Thứ hai, với nhóm hàng hóa cần hạn chế tiêu dùng vì lý do sức khỏe gồm có rượu, bia, thuốc lá là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên, nhóm thực phẩm này cần nên xem xét mở rộng đối tượng chịu thuế với những thức uống có ga. Tác hại của việc sử dụng các loại thức uống có đường, có ga gây ra bệnh béo phì cho trẻ em, gây biến chứng cho tim mạch thì đã có quá nhiều công trình nghiên cứu khoa học đưa ra lời cảnh tỉnh trên toàn thế giới[6]. Vì vậy, Bộ Tài chính đã hai lần đưa ra đề xuất nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên mặt hàng là các sản phẩm thức uống có đường công nghiệp và có ga vào những năm 2014 và 2018. Tuy nhiên, việc đề xuất này của Bộ Tài chính đều vấp phải sự phản đối từ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng này. Và trong Dự thảo mới về thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2023, một lần nữa Bộ Tài chính vẫn bảo lưu quan điểm về việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên mặt hàng nước uống có đường[7]. Thiết nghĩ đến lúc này, nhất là sau cơn đại dịch Covid- 2019, đã gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, Nhà nước cần can thiệp bằng việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên nhóm hàng hóa này để điều tiết hành vi tiêu dùng của người dân nhằm bảo vệ sức khỏe giống nòi của con dân nước Việt.

Thứ ba, với lý do hạn chế tệ nạn xã hội là việc chơi bài bạc nên từ ban đầu khi ban hành Thuế Tiêu thụ đặc biệt cho đến nay Nhà nước đã quy định “bài lá” là đối tượng chịu thuế của thuế tiêu thụ đặc biệt. Tuy nhiên, trên thực tế, hậu quả của tệ nạn cờ bạc gây ra cho gia đình, xã hội rất lớn không phải xuất phát từ những lá bài mà là sự xuất hiện của nhiều trò cờ bạc trên không gian mạng xã hội ngày càng công khai, phổ biến. Hơn nữa, giá của một bộ bài trên thị trường rất rẻ, dao động từ 10-20.000 đồng/ ộ bài, mua nhiều giá càng rẻ nên người dân hoàn toàn có thể mua cùng lúc nhiều bộ bài về chơi. Việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên mặt hàng này theo tác giả là không cần thiết. Sự cần thiết là Nhà nước nên nghiêm túc xem xét việc hợp thức hóa các loại hình trò chơi cá cược hiện nay trên không gian mạng để kiểm soát trật tự xã hội và áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên loại hình dịch vụ cá cược này.

4. Hiện tượng thuế chồng thuế lên đối tượng chịu thuế là xăng

Xăng là đối tượng chịu thuế được quy định trong Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt 1998[8] với lý do là gây ảnh hưởng môi trường nên cần phải hạn chế tiêu dùng và duy trì việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên xăng cho đến bây giờ[9]. Tuy nhiên, khi Luật thuế Bảo vệ môi trường được ban hành thì mặt hàng xăng đã là sự lựa chọn được ưu tiên để Nhà nước áp thuế bảo vệ môi trường lên nó cùng vì lý do gây ảnh hưởng môi trường nên cần hạn chế sử dụng. Chúng ta dễ dàng nhận ra hiện tượng thuế chồng thuế lên mặt hàng xăng, vì cùng một lý do là sản phẩm gây ô nhiễm môi trường khi sử dụng nên cần hạn chế sử dụng mà Nhà nước vừa áp thuế tiêu thụ đặc biệt, vừa áp thuế bảo vệ môi trường lên xăng, đây là điều bất hợp lý. Vấn đề xoay quanh câu chuyện giá cả của mặt hàng xăng vốn là mặt hàng thiết yếu trong đời sống phải gánh đến 4 loại thuế như hiện nay[10], đã được đề cập rất nhiều trên các phương tiện truyền thông.

  • Thuế nhập khẩu với mức thuế suất: 10%
  • Thuế tiêu thụ đặc biệt với thuế suất: 10% đối với xăng (không phải xăng sinh học)
  • Thuế giá trị gia tăng với thuế suất:10%
  • Thuế bảo vệ môi trường với thuế suất: 2000 đồng/lít (trừ ethanol)

Theo tác giả, việc áp thuế lên xăng với mục đích hạn chế tiêu dùng nhằm bảo vệ môi trường là điều cần thiết. Tuy nhiên, Nhà nước cần phải xem lại hiện tượng thuế chồng thuế lên mặt hàng xăng, nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên xăng thì phải bỏ thuế bảo vệ môi trường áp lên xăng hoặc ngược lại.

5. Kết luận

Mỗi sắc thuế khi được ban hành đều mang “sứ mệnh” của riêng nó, chính điều này mới tạo thành hệ thống thuế quốc gia của mỗi nước. Chúng ta phải nhìn nhận vai trò của thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường trong việc điều hành chính sách kinh tế - xã hội, góp phần ổn định trật tự xã hội, bảo vệ môi trường sống cho con người[11]. Tuy nhiên, trong phạm vi hạn hẹp của bài viết với quan điểm cá nhân, tác giả nêu ra một số vấn đề bao gồm cả ưu điểm và hạn chế của hai sắc thuế này, để ghi nhận vai trò tích cực của hai loại thuế này đối với xã hội và cũng nêu ra một vài ý kiến nhằm hoàn thiện hơn nữa chính sách thuế tiêu dùng nói chung, cũng như thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường nói riêng.

Tài liệu trích dẫn:

1 Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt được ban hành lần đầu tiên vào ngày 30/06/1990 và qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt hiện nay được ban hành vào ngày 14/11/2008,

Luật thuế bảo vệ môi trường được ban hành vào ngày 15/11/2010

2 https://one.oecd.org/document/OCDE/GD(92)81/En/pdf

3 Theo Khoản 1 Điều 2 Luật thuế Bảo vệ môi trường

4 Điều 3 Luật thuế Bảo vệ môi trường

5 https://www.gso.gov.vn/px-web-2/?pxid=V0705&theme=C%C3%B4ng%20nghi%E1%BB%87

6 https://dantri.com.vn/suc-khoe/10-ly-do-nen-tranh-tat-ca-cac-loai-nuoc-ngot-co-ga-ke-ca-loai-an-kieng-20190524061618639.htm

7 https://vnexpress.net/bo-tai-chinh-van-muon-ap-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-nuoc-ngot-4605371.html

8 Tại Điểm đ Khoản 1 Điều 1 Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt 1998

9 Tại Điểm g Khoản 1 Điều 2 Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt 2008 và được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Luật số 70/2014/QH13 về việc Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt

10 https://thesaigontimes.vn/gia-xang-dang-cong-lung-voi-bao-nhieu-loai-thue-va-phi/

11 Điều 43 Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người đều có quyền sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội (2013). Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013.
  2. Quốc hội (1990). Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt 1990.
  3. Quốc hội (1998). Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt 1998.
  4. Quốc hội (2008). Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt 2008.
  5. Quốc hội (2014). Luật số 70/2014/QH13 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt.
  6. Quốc hội (2010). Luật thuế Bảo vệ môi trường 2010.
  7. Tổng cục Thống kê. Sản phẩm chủ yếu của ngành công nghiệp. Truy cập tại https://www.gso.gov.vn/px-web-2/?pxid=V0705&theme=C%C3%B4ng%20nghi%E1%BB%87
  8. Cẩm Tú (2019). 10 lý do nên tránh tất cả các loại nước ngọt có ga, kể cả loại ăn kiêng. Truy cập tại https://dantri.com.vn/suc-khoe/10-ly-do-nen-tranh-tat-ca-cac-loai-nuoc-ngot-co-ga-ke-ca-loai-an-kieng-20190524061618639.htm
  9. Quỳnh Trang (2023). Bộ Tài chính vẫn muốn áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt. https://vnexpress.net/bo-tai-chinh-van-muon-ap-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-nuoc-ngot-4605371.html, truy cập ngày 17/5/2023
  10. Hoàng (2022). Giá xăng đang ‘còng lưng’ với bao nhiêu loại thuế và phí? Truy cập tại https://thesaigontimes.vn/gia-xang-dang-cong-lung-voi-bao-nhieu-loai-thue-va-phi/
  11. OECD (1992). The polluter-pays principle. Available at https://one.oecd.org/document/OCDE/GD(92)81/En/pdf

SOME CURRENT LEGAL ISSUES ABOUT THE CONSUMPTION TAX IN VIETNAM

Phan Thy Tuong Vi

Faculty of Law, Van Lang University

Abstract:

The consumption tax, whose taxable objects are goods and services for the purpose of people’s consumption. The consumption tax not only plays the role of generating revenue for the state budget, but also performs economic and social functions. The consumption tax includes import tax, value-added tax, excise tax, and environmental protection tax. In this tax group, excise tax and environmental protection tax, which have the same purpose, have the role of orienting consumption behaviors to protect the environment and social order. This paper presents some current legal issues about Excise tax and Environmental protection tax in Vietnam.

Keywords: consumption tax, excise tax, environmental protection tax.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17 tháng 8 năm 2023]

Tạp chí Công Thương