TÓM TẮT:

Những năm gần đây, Việt Nam luôn được xếp vào top những nước có thị trường thương mại điện tử (TMĐT) phát triển nhanh nhất toàn cầu. Dự báo đến năm 2020, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam có thể đạt 10 tỷ USD. Thời gian qua, nhiều loại hình kinh doanh và các doanh nghiệp (DN) TMĐT có tên tuổi lớn trên thế giới đã xuất hiện tại Việt Nam, như: Google, Facebook, Yahoo,... và đặc biệt trong thời gian gần đây, xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh mới, như cung cấp các dịch vụ kết nối vận tải (Uber, Grab,...), đặt phòng trực tuyến khách sạn Agoda, Traveloka, Booking, các hoạt động kinh tế chia sẻ trên nền tảng số,... Giao dịch TMĐT bao gồm giao dịch giữa các DN, công ty với khách hàng (B2C), giữa DN với DN (B2B) thông qua mạng xã hội, trang mua sắm cá nhân, cửa hàng ứng dụng,… Do đó, bài viết bước đầu nghiên cứu một số vấn đề thực trạng thực hiện pháp luật về thuế giá trị gia tăng đối với chủ thể kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT có thanh toán quốc tế.

Từ khóa: pháp luật, yếu tố, tác động, pháp luật về thuế giá trị gia tăng, thương mại điện tử.

1. Quan niệm về thuế giá trị gia tăng

Thuế giá trị gia tăng theo tiếng Pháp gọi là: Taxe Sur La Valeur Ajou tée (viết tắt là TVA), tiếng Anh gọi là Value Added Tax (viết tắt là VAT), được dịch ra tiếng Việt là thuế giá trị gia tăng (GTGT). Hiện nay, thuế GTGT được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới và đã có khoảng 156 quốc gia áp dụng loại thuế này. Thuế GTGT là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. GTGT là khoản giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ khi qua mỗi giai đoạn của quá trình sản xuất, mua bán hàng hóa, dịch vụ. Phần giá trị tăng thêm ở mỗi giai đoạn bao gồm: tiền lương, tiền công, lợi nhuận, lợi tức cổ phần, tiền lãi vay ngân hàng phải trả và các khoản chi phí phát sinh. Nói cách khác, GTGT là phần chênh lệch giữa giá đầu ra với giá đầu vào do đơn vị kinh tế tạo ra trong quá trình thực hiện sản xuất - kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

 Thuế GTGT có những đặc điểm cơ bản sau:

- Thuế GTGT là một loại thuế gián thu. Tính gián thu của thuế GTGT được biểu hiện ở việc người nộp thuế và người chịu thuế không đồng nhất với nhau. Người mua hàng hóa, dịch vụ là người phải trả thuế GTGT thông qua giá mua hàng hóa, dịch vụ. Người bán hàng hóa, dịch vụ thực hiện nộp khoản thuế GTGT “đã được người mua trả” vào ngân sách nhà nước.

- Thuế GTGT là sắc thuế tiêu dùng nhiều giai đoạn. Thuế GTGT đánh vào tất cả các giai đoạn của quá trình sản xuất - kinh doanh, từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng, nhưng chỉ tính trên phần giá trị tăng thêm của mỗi giai đoạn. Tổng số thuế GTGT thu được của tất cả các giai đoạn đúng bằng số thuế tính trên giá bán cho người tiêu dùng cuối cùng.

- Thuế GTGT có tính trung lập kinh tế cao. Tính trung lập biểu hiện ở 2 khía cạnh, đó là:

Thuế GTGT không chịu ảnh hưởng bởi kết quả kinh doanh của người nộp thuế, do người nộp thuế chỉ là người “thay mặt” người tiêu dùng nộp hộ khoản thuế này vào ngân sách nhà nước. Do vậy, thuế GTGT không phải là yếu tố của chi phí sản xuất, mà chỉ đơn thuần là một khoản thu được, cộng thêm vào giá bán của người cung cấp hàng hóa, dịch vụ.

Thuế GTGT không bị ảnh hưởng bởi quá trình tổ chức và phân chia quá trình sản xuất - kinh doanh, bởi tổng số thuế ở tất cả các giai đoạn luôn bằng số thuế tính trên giá bán ở giai đoạn cuối cùng bất kể số giai đoạn nhiều hay ít.

- Thuế GTGT có tính chất lũy thoái so với thu nhập, vì nó không tính đến khả năng thu nhập của người chịu thuế, người có thu nhập cao hay thấp đều phải chịu thuế như nhau nếu cùng mua một loại hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên, tỷ lệ thu nhập nộp thuế của những người có thu nhập thấp sẽ cao hơn tỷ lệ nộp thuế của người có thu nhập cao nếu so với tổng thu nhập trong kỳ, bởi lẽ tốc độ tăng tiêu dùng bao giờ cũng thấp hơn tốc độ tăng thu nhập.

- Về phạm vi đánh thuế, thuế GTGT chỉ đánh vào hoạt động tiêu dùng diễn ra trong phạm vi lãnh thổ, không đánh vào hành vi tiêu dùng ngoài lãnh thổ. Đặc điểm này tạo ra sự công bằng trong những giao dịch quốc tế thông qua việc không thu thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu và đánh thuế đối với hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu.

2. Thực trạng chính sách thuế giá trị gia tăng đối với chủ thể kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử có thanh toán quốc tế

Trong những năm qua, các quy định pháp luật về thuế của Việt Nam đã được kiện toàn và có tính bao quát, điều chỉnh đối với TMĐT có thanh toán quốc tế ngay từ khi hoạt động này mới ra đời, đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc thu thuế, cụ thể như sau:

Thứ nhất, về thuế giá trị gia tăng (GTGT): Theo quy định tại Điều 2 và Điều 3 Luật thuế GTGT năm 1997; Điều 3 và Điều 4 Luật thuế GTGT năm 2008 (đã được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2014, 2015 và 2016) và các văn bản hướng dẫn, các hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng tại Việt Nam là đối tượng chịu thuế GTGT; Tổ chức, cá nhân sản xuất - kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và tổ chức, cá nhân khác nhập khẩu hàng hóa chịu thuế (gọi chung là người nhập khẩu) là đối tượng nộp thuế GTGT. Do đó, các hàng hóa, dịch vụ sử dụng tại Việt Nam được mua, bán thông qua loại hình TMĐT từ các trang mạng điện tử đặt tại Việt Nam hay tại các quốc gia khác thì người bán đều phải kê khai và nộp thuế GTGT theo quy định.

Thứ hai, trách nhiệm của các cá nhân khi tham gia hoạt động kinh doanh thương mại điện tử: Cơ quan Thuế xác định các cá nhân có sản phẩm đưa vào khu vực ứng dụng của các nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo và được các nhà cung cấp quảng cáo sử dụng làm phương tiện quảng cáo, số tiền được thanh toán phụ thuộc vào số người sử dụng ứng dụng; Bản quyền vẫn thuộc cá nhân có sản phẩm. Theo quy định Luật thuế GTGT, các cá nhân có phát sinh thu nhập phải thực hiện nộp thuế GTGT và thu nhập cá nhân. Công dân Việt Nam (Cư trú tại Việt Nam) có hoạt động kinh doanh phải thực hiện đăng ký thuế và nếu doanh thu bán hàng hóa trên ngưỡng doanh thu chịu thuế (ngưỡng doanh thu quy định hiện hành là từ 100 triệu đồng/năm trở lên) có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế GTGT, thuế thu nhập cá nhân vào ngân sách nhà nước.

Thứ ba, mặc dù pháp luật hiện hành đã quy định khá đầy đủ về đối tượng, mức thuế suất và phương thức kê khai, nộp thuế đối với các giao dịch thương mại điện tử có thanh toán quốc tế tại Việt Nam. Song trên thực tế các cơ quan thuế mới chỉ quản lý được các doanh nghiệp kinh doanh TMĐT có thanh toán quốc tế có đăng ký, còn các doanh nghiệp không có đăng ký và đặc biệt là các cá nhân tham gia vào lĩnh vực này thì hiện vấn đề kê khai, nộp thuế hầu như vẫn còn bỏ ngỏ.

Trên thực tế hiện nay đang có rất nhiều cá nhân chuyên làm nghề kinh doanh thương mại qua mạng xã hội, có đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị và các phương tiện kinh doanh, đồng thời có nguồn thu ổn định, thường xuyên. Thậm chí, có những cá nhân kinh doanh TMĐT có thanh toán quốc tế có thu nhập lên đến hàng tỷ đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, điểm chung của các cá nhân này là không kê khai và nộp thuế theo quy định đối với hoạt động TMĐT. Trong khi đó, các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nói chung và cơ quan thuế nói riêng gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát và truy thu thuế của các cá nhân này. Một trong những nguyên nhân cơ bản là bởi hiện chưa có các quy định về việc kiểm soát việc các cá nhân, đơn vị kinh doanh trên mạng xã hội phải tuân thủ việc kê khai và đóng thuế.

Ngoài ra, những năm gần đây ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân có được nguồn thu từ các giao dịch điện tử phát sinh tại nước ngoài. Các nguồn thu này rất đa dạng và có giá trị lớn so với thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam. Ví dụ, một số cá nhân kinh doanh quảng cáo trên các trang mạng nước ngoài. Một số cá nhân khác lại có được nguồn thu từ các công việc tự do cho các tổ chức nước ngoài thông qua mạng internet và được nhận thù lao thông qua thẻ thanh toán quốc tế. Mặc dù thu nhập của đa số các cá nhân này đều thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân, nhưng trên thực tế hầu hết họ đều không thực hiện kê khai nộp thuế theo quy định.

Nhìn chung, ngoại trừ một số tổ chức, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh TMĐT có thanh toán quốc tế chuyên nghiệp, có quy mô lớn, chịu sự quản lý trực tiếp của các cơ quan thuế hiện đang thực hiện kê khai, nộp thuế theo quy định. Hầu hết các tổ chức, cá nhân còn lại có thu nhập từ hoạt động giao dịch điện tử còn chưa tự giác trong việc kê khai và nộp các loại thuế liên quan. Hàng năm, Nhà nước đang mất đi một nguồn thu ngân sách đáng kể từ các loại thuế này và khoản thất thu này sẽ ngày một lớn hơn khi các giao dịch TMĐTcó thanh toán quốc tế ngày càng phát triển mạnh.

Thứ tư, hệ thống cơ sở pháp lý về quản lý thuế TMĐT chưa theo kịp thực tiễn. Trong những năm gần đây, Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính đã ban hành một số quy định nhằm siết chặt nguồn thu ngân sách trên thu nhập của các tổ chức nước ngoài, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh trên nền tảng số tại Việt Nam. Cụ thể, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP và Thông tư số 80/2021/TT-BTC hướng dẫn Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 yêu cầu Ngân hàng thương mại và các tổ chức thực hiện trung gian thanh toán có nghĩa vụ khấu trừ và nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp của nhà cung cấp nước ngoài có hoạt động kinh doanh TMĐT với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam, mà không có cơ sở thường trú và không chủ động thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định tại Thông tư 80. Trong khi đó, với Thông tư số 40/2021/TT-BTC, các sàn giao dịch TMĐT trong nước có trách nhiệm khai thay và nộp thay thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân cho các cá nhân kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ. Thời điểm trước khi Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Nghị định 126, Thông tư 80 và Thông tư 40 được ban hành, các quy định về thuế chưa đạt được sự hiệu quả trong việc đảm bảo nguồn thu ngân sách đầy đủ và công bằng do các cơ chế về khấu trừ và nộp thuế thay chưa được xây dựng. Thay vào đó, việc tuân thủ thuế của các nhà cung cấp nước ngoài hay các cá nhân kinh doanh TMĐT được thực hiện dựa trên cơ sở là các thông tư hướng dẫn thực hiện luật của từng loại thuế, cụ thể là Luật thuế Thu nhập cá nhân và Luật thuế Nhà thầu nước ngoài. Ngân hàng thương mại và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp của nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số với cá nhân ở Việt Nam trong trường hợp các nhà cung cấp này không chủ động thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế. Quy định này đã đặt ra một số vấn đề chưa rõ ràng và khiến cho ngân hàng thương mại và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán bối rối. Đơn cử, việc xác định từng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mà nhà cung cấp nước ngoài cung cấp để áp dụng đúng tỷ lệ % thuế suất để tính thuế nhà thầu theo quy định tại Luật Thuế giá trị gia tăng và Thuế thu nhập doanh nghiệp (Khoản 2, Điều 81, Thông tư 80) là một yêu cầu khó về mặt chuyên môn đối với các ngân hàng thương mại và trung gian thanh toán. Ngoài ra, ngân hàng thương mại còn có nghĩa vụ theo dõi số tiền chuyển cho các nhà cung cấp ở nước ngoài và báo cáo cho Tổng cục Thuế vào hàng tháng.

Đối với giao dịch tại các sàn TMĐT trong nước, Thông tư 40 quy định, các sàn giao dịch TMĐT có thanh toán quốc tế có trách nhiệm khai thay, nộp thay thuế GTGT, thuế thu nhập cá nhân cho các cá nhân kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ. Số thuế khai thay, nộp thay được căn cứ theo thuế suất của từng lĩnh vực, ngành nghề áp dụng đối với cá nhân kinh doanh. Về bản chất, sàn TMĐT không phải là đơn vị trả thu nhập mà chỉ cung cấp hạ tầng công nghệ để kết nối, tạo điều kiện cho việc thực hiện giao dịch giữa người bán và người mua. Việc quản lý thông tin của người bán, cung cấp thông tin kinh doanh, việc khai, nộp thuế thay cũng sẽ làm tăng gánh nặng quản trị, nguồn nhân lực cũng như chi phí vận hành của sàn TMĐT.

3. Giải pháp thực hiện chính sách thuế GTGT đối với chủ thể kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT có thanh toán quốc tế

Thứ nhất, đảm bảo sự nhất quán về nguyên tắc quản lý thuế giữa các văn bản pháp luật, cũng như tính hợp lý phục vụ cho hoạt động thương mại của các doanh nghiệp. Việc triển khai các chính sách quản lý thuế TMĐT cũng đang là xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới. Về công cụ quản lý thuế, các quốc gia phát triển như một số nước EU và Trung Quốc đã xây dựng các ứng dụng tích hợp và hoạt động trên nền tảng các website là sàn TMĐT để trích xuất dữ liệu là các đối tượng chịu thuế, giá trị giao dịch, loại hình hàng hóa dịch vụ và đồng bộ hóa với cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế, từ đó xác định số thuế phải nộp hoặc phục vụ cho mục đích thanh kiểm tra thuế.

Thứ hai, đối với các tổ chức kinh doanh TMĐT không cư trú, một số quốc gia đã tạo ra một cổng thông tin trực tuyến, giúp cho các nhà cung ứng nước ngoài có thể đăng ký thuế, kê khai thuế và nộp thuế trực tuyến. Tại Việt Nam, thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Tuy nhiên, việc triển khai sẽ cần nhiều sự đầu tư về cơ sở hạ tầng công nghệ, cũng như các phương án cụ thể để kiểm soát hiệu quả và đồng bộ.

Thứ ba, đối với hình thức khấu trừ và nộp thuế thông qua ngân hàng thương mại, trên thế giới đã có một số quốc gia áp dụng hình thức này. Tuy nhiên, vì các ngân hàng thương mại không thể xác định được đâu là khoản thanh toán liên quan đến TMĐT cũng như các vấn đề nghiệp vụ về thuế, hình thức này còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, cơ quan quản lý thuế tại các quốc gia đã và đang cân nhắc sử dụng các ứng dụng, công cụ chuyên môn để tích hợp với cơ sở dữ liệu của ngân hàng thương mại để phục vụ cho việc quản lý thuế.

Thứ tư, việc xây dựng khung pháp lý để tạo ra sân chơi TMĐT bình đẳng và đảm bảo nguồn thu ngân sách cho Nhà nước là việc làm đúng đắn và cấp thiết tại thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, cơ quan thuế cũng như các cơ quan ban ngành có liên quan cần cân nhắc xây dựng các cơ chế và các giải pháp nhằm đảm bảo việc tối ưu hóa mục tiêu quản lý thuế song song với trách nhiệm tối thiểu hóa những nguồn lực, thời gian và tài nguyên của các sàn TMĐT hay các tổ chức tín dụng, nhằm tạo điều kiện lý tưởng nhất để các tổ chức này tập trung vào thế mạnh kinh doanh của mình.

Thứ năm, Chính phủ cần sớm rà soát, bổ sung hoàn thiện các quy định pháp luật về thuế đối với giao dịch điện tử, nhằm giúp cho việc kê khai nộp thuế được thuận tiện. Đồng thời, tăng cường khả năng kiểm soát và ngăn ngừa các hành vi trốn thuế của các tổ chức, cá nhân có thu nhập từ hoạt động TMĐT. Mặt khác, cần tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan thuế với các ngân hàng, các cơ quan quản lý chuyên ngành và các tổ chức quốc tế trong việc đổi các thông tin về quản lý thuế, nhằm kiểm soát chặt chẽ việc kê khai, nộp thuế của tổ chức, cá nhân khi phát sinh thu nhập từ các giao dịch điện tử. Bên cạnh đó, ngành Thuế cần tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ công chức chuyên trách để nâng cao năng lực quản lý trong lĩnh vực này. Cùng với đó, ngành Thuế cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách pháp luật về thuế để nâng cao nhận thức và ý thức tự giác của các tổ chức, cá nhân trong việc kê khai, nộp thuế từ các giao dịch điện tử, tránh thất thu cho ngân sách nhà nước.

4. Kết luận

Việt Nam hiện có 40,95% dân số sử dụng internet. Trong đó, riêng tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã chiếm tới 28% tổng số người dùng internet của cả nước. Internet đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người dân và được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, như: tra cứu tin tức, trao đổi thông tin, tìm kiếm đối tác, thực hiện các giao dịch thương mại điện tử có thanh toán quốc tế,... Trong khi đó, dưới góc độ quản lý nhà nước, việc quản lý các giao dịch điện tử, trong đó có vấn đề quản lý và thu thuế GTGT phát sinh từ các giao dịch này vẫn là một vấn đề còn mới mẻ đối với các cơ quan nhà nước. Pháp luật về TMĐT có thanh toán quốc tế nói chung, các quy định pháp luật liên quan đến việc quản lý, thu thuế GTGT phát sinh từ các TMĐT có thanh toán quốc tế nói riêng đã được ban hành khá đầy đủ, đồng bộ, tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập. Trên thực tế các cơ quan có thẩm quyền còn tỏ ra khá lúng túng trong việc quản lý, hướng dẫn kê khai và nộp thuế GTGT đối với các đối tượng có liên quan, dẫn đến phát sinh những kẽ hở để các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh qua mạng internet lợi dụng, gây thất thoát nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2005). Luật số 51/2005/QH11: Luật Giao dịch điện tử, ban hành ngày 29 tháng 11 năm 2005.
  2. Chính phủ (2006). Nghị định số 57/2006/NĐ-CP tháng 6/2006 về thương mại điện tử.
  3. Chính phủ (2007). Nghị định số 27/2007/NĐ-CP ngày 23/02/2007 về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính.
  4. Chính phủ (2007). Nghị định số 26/2007/NĐ-CP ngày 15/02/2007 quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số.
  5. Chính phủ (2007). Nghị định số 35/2007/NĐ-CP ngày 08/03/2007 về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng.
  6. Chính phủ (2013). Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 về thương mại điện tử thay thế cho Nghị định số 57/2006/NĐ-CP.

SOME ISSUES ABOUT THE COMPLIANCE

OF E-COMMERCE BUSINESSES WITH REGULATIONS

ON VALUE-ADDED TAX OF INTERNATIONAL PAYMENTS

• Masters. LE MINH TAM

Calico Audit Firm Ltd

ABSTRACT:

In recent years, Vietnam has always been ranked among the top countries with the fastest growing e-commerce market in the world. It is forecasted that by 2020, Vietnam's e-commerce market value can reach 10 billion USD. Recently, many types of e-commerce businesses and leading global e-commerce enterprises have entered into Vietnam, such as Google, Facebook and Yahoo. Especially, some sharing economy business models such as transport connection services (Uber, Grab, etc.) and hotel booking platform (Agoda, Traveloka, Booking, etc.) have also appeared in Vietnam. E-commerce transactions include business-to-business (B2B) and business-to-customer (B2C) transactions via social networks, personal shopping sites, app stores, etc. This paper examines some issues about the compliance of e-commerce businesses with regulations on value-added tax of international payments.

Keywords: law, element, impact, regulations on value added tax, e-commerce.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 25, tháng 11 năm 2021]