Một số ý kiến nhằm hoàn thiện Luật Kế toán sửa đổi, bổ sung năm 2019 (Luật hiện hành)

Đề tài Một số ý kiến nhằm hoàn thiện Luật Kế toán sửa đổi, bổ sung năm 2019 (Luật hiện hành) do PGS.TS. Dương Đức Chính (Trường Đại học Phenikaa) thực hiện.

TÓM TẮT:

Luật Kế toán ra đời nhằm nâng cao chất lượng công tác kế toán với vai trò là công cụ quản lý tài chính, vốn, tài sản của Nhà nước, của doanh nghiệp. Việc ban hành và sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán là cần thiết, mang tính thời sự cấp bách, là văn bản pháp lý cao nhất nhằm điều chỉnh mọi hoạt động của kế toán trong mọi thành phần kinh tế, mọi lĩnh vực hoạt động, là căn cứ để tiếp cận với kế toán trong khu vực và trên thế giới, góp phần hoàn chỉnh hệ thống pháp luật kinh tế tài chính Việt Nam. Bài báo phân tích các nội dung cơ bản của Luật Kế toán sửa đổi, bổ sung năm 2019 (Luật hiện hành), một số hạn chế và ý kiến góp ý của tác giả nhằm hoàn thiện Luật .

Từ khóa: Luật Kế toán, Luật Kế toán sửa đổi, bổ sung năm 2019.  

1. Đặt vấn đề

Luật Kế toán được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 20/11/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017. Luật này quy định nội dung công tác kế toán, tổ chức bộ máy kế toán, người làm kế toán, hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán, quản lý Nhà nước về kế toán và tổ chức nghề nghiệp kế toán. Để phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành, ngày 13/6/2019, tại kỳ họp thứ 7, quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật quản lý thuế năm 2019. Trong đó, có bổ sung Điều 70a vào sau Điều 70 của chương IV Luật Kế toán năm 2015. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020. Tuy nhiên, sau khi vận hành vào thực tế, luật vẫn còn bộc lộ một số hạn chế cần phải được hoàn thiện cho phù hợp với tình hình thực tế, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực kế toán của các nước trong khu vực và trên thế giới. Với lý do đó, việc hoàn thiện một số Điều, Khoản của Luật Kế toán sửa đổi, bổ sung năm 2019 là cần thiết và mang tính thời sự, có ý nghĩa cả về góc độ lý luận và thực tiễn.   

2. Những nội dung cơ bản của Luật Kế toán

Luật Kế toán sửa đổi, bổ sung năm 2019, gồm có 6 chương, với 74 điều khoản thi hành, được quy định như sau:

Chương 1: Những quy định chung: Được phản ánh từ Điều 1 đến Điều 15, Luật Kế toán. Chương này quy định về nội dung công tác kế toán, tổ chức bộ máy kế toán, người làm kế toán, hoạt động dịch vụ kế toán, quản lý nhà nước về kế toán và tổ chức nghề nghiệp kế toán. Cụ thể:  

  • Đối tượng áp dụng: là cơ quan nhà nước, tổ chức đơn vị sự nghiệp có sử dụng ngân sách nhà nước và có nghiệp vụ thu, chi ngân sách; các doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, cá nhân, hộ gia đình… có tiến hành hoạt động sản xuất - kinh doanh.
  • Các tài liệu được sử dụng trong kế toán, gồm: Chứng từ kế toán; sổ kế toán, báo cáo kế toán tài chính, báo cáo kế toán quản trị, báo cáo kiểm toán, báo cáo kiểm tra kế toán và các tài liệu khác có liên quan đến kế toán.
  • Quy định rõ nhiệm vụ kế toán, yêu cầu, nguyên tắc kế toán, chuẩn mực kế toán, đối tượng kế toán, đơn vị tiền tệ, chữ viết, chữ số sử dụng trong kế toán, kỳ kế toán, giá trị của tài liệu, số liệu kế toán, trách nhiệm quản lý, sử dụng, cung cấp thông tin, tài liệu kế toán và các hành vi bị nghiêm cấm trong kế toán.

Với những quy định chung như trên sẽ giúp cho các đơn vị thực hiện thống nhất công tác kế toán trong phạm vi cả nước, thuận tiện trong việc kiểm tra, kiểm soát cũng như giúp cho việc tổng hợp các chỉ tiêu quan trọng, như: Tổng sản lượng quốc gia (GNP) và tổng thu nhập quốc dân (GNI).

Chương 2: Nội dung công tác kế toán: Được quy định từ Điều 16 đến Điều 48, Luật Kế toán. Đây là nội dung quan trọng nhất của Luật Kế toán, chương này quy định rõ những nội dung cơ bản sau:

  • Chứng từ kế toán (Chứng từ thủ công, chứng từ điện tử): Đây là chứng cứ pháp lý đầu tiên để làm căn cứ ghi sổ kế toán và giải quyết những tranh chấp, khiếu tố xảy ra trong công tác kế toán. Chứng từ kế toán phải đảm bảo các yếu tố cơ bản, như: Tên, số hiệu chứng từ; tên, địa chỉ cơ quan, tổ chức, cá nhân lập và nhận chứng từ; nội dung nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh; số lượng, đơn giá; chứ ký, họ tên người lập, người duyệt và những người liên quan đến chứng từ kế toán. Đồng thời quy định rõ thời gian bảo quản, lưu trữ chứng từ.
  • Tài khoản kế toán và sổ kế toán: Đây là giai đoạn kế tiếp của công tác kế toán. Đây là giai đoạn phân loại, tổng hợp và xử lý thông tin kế toán. Để thống nhất trong các đơn vị kế toán, Luật đã quy định rõ số lượng tài khoản và hình thức sổ kế toán mà các đơn vị lựa chọn khi thực hiện công tác kế toán tại đơn vị, như: Số lượng tài khoản tổng hợp, tài khoản chi tiết, hình thức sổ kế toán, các loại sổ chi tiết, sổ tổng hợp, phương pháp ghi sổ và phần mềm kế toán được lựa chọn để thực hiện công tác kế toán tại đơn vị, quy định rõ cách thức mở sổ, ghi sổ, khóa sổ, sửa chữa sổ và lưu trữ sổ kế toán. Việc sử dụng tài khoản, sổ kế toán và hình thức sổ phải đảm bảo tính nhất quán giữa các kỳ kế toán.
  • Báo cáo tài chính của đơn vị kế toán: Đây là giai đoạn cung cấp thông tin cho các đối tượng trong và ngoài doanh nghiệp. Để việc cung cấp thông tin về tình hình tài sản, công nợ, tình hình tài chính, kết quả hoạt động của đơn vị, luật quy định rõ hệ thống báo cáo tài chính doanh nghiệp; báo cáo tài chính nhà nước; nội dung công khai báo cáo; hình thức và thời hạn công khai báo cáo và thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính. Với những quy định này sẽ giúp cho các đơn vị kế toán thống nhất các chỉ tiêu cần lập, phương pháp lập cũng như cách thức công khai, minh bạch thông tin.
  • Kiểm tra kế toán: Đây là khâu quan trọng giúp các đơn vị kế toán chấp hành nghiêm túc Luật Kế toán. Theo quy định của luật, các cơ quan có thẩm quyền quyết định thẩm tra kế toán, đó là: Bộ Tài chính; Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh… Quy định rõ nội dung kiểm tra; thời gian kiểm tra; quyền và trách nhiệm của đoàn kiểm tra; quyền và trách nhiệm của đơn vị kế toán được kiểm tra… Những quy định này sẽ tránh được các trường hợp tiêu cực, gây phiền nhiễu có thể xảy ra trong quá trình thực hiện công tác kiểm tra kế toán.
  • Kiểm kê tài sản, bảo quản, lưu trữ tài liệu kế toán: Kiểm kê tài sản là việc cân, đong, đo, đếm số lượng; xác nhận và đánh giá chất lượng, giá trị của tài sản, nguồn vốn hiện có tại thời điểm kiểm kê để kiểm tra, đối chiếu với số liệu trong sổ kế toán. Đồng thời, Luật cũng quy định rõ thời điểm kiểm kê; đơn vị kế toán phải kiểm kê, lập báo cáo tổng hợp kết quả kiểm kê; quy định rõ thời gian bảo quản, lưu trữ tài liệu kế toán; trách nhiệm của đơn vị kế toán trong trường hợp tài liệu kế toán bị mất hoặc bị hủy hoại. Quy định này sẽ giúp cho các đơn vị kế toán phải có trách nhiệm trong công tác bảo quản và lưu trữ tài liệu kế toán.

Chương 3: Tổ chức bộ máy kế toán: Được quy định từ Điều 49 đến Điều 56, Luật Kế toán.  Theo quy định của Luật, thì mọi đơn vị kế toán đều phải tổ chức bộ máy kế toán, bố trí người làm kế toán trưởng, tổ chức phân công lao động kế toán trong bộ máy kế toán, tổ chức, chỉ đạo thực hiện công tác kế toán theo đúng quy định của pháp luật; Quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của người làm kế toán, người không được làm kế toán; tiêu chuẩn và điều kiện của kế toán trưởng; trách nhiệm và quyền hạn của kế toán trưởng; quyền được thuê dịch vụ làm kế toán, dịch vụ làm kế toán trưởng. Quy định này giúp cho các đơn vị có quy mô nhỏ, không đủ điều kiện để tổ chức bộ máy kế toán sẽ được thuê dịch vụ kế toán theo đúng quy định của pháp luật.

Chương 4: Hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán: Được quy định từ Điều 57 đến Điều 70a, Luật Kế toán, chương này quy định rõ những người tham gia dịch vụ kế toán phải có chứng chỉ kế toán viên và đủ điều kiện đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán. Trường hợp đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán phải được thành lập theo các loại hình, như: Công ty hợp danh; doanh nghiệp tư nhân. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán chỉ được thực hiện khi đảm bảo các điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật và được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán. Đối với hộ kinh doanh dịch vụ kế toán, Luật quy định rõ: Chỉ được kinh doanh dịch vụ kế toán khi có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; cá nhân, đại diện nhóm cá nhân thành lập hộ kinh doanh phải là kế toán viên hành nghề và không cần có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán. Đối với tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế được cung cấp dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ khi có ít nhất một người có chứng chỉ kế toán viên theo Điều 70a của Luật. .  

Chương 5: Quản lý Nhà nước về kế toán: Theo điều 71, quản lý nhà nước về kế toán, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về kế toán, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về kế toán; các bộ, cơ quan ngang bộ phối hợp với Bộ tài chính thực hiện quản lý nhà nước về kế toán trong ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý nhà nước về kế toán tại địa phương.  

Chương 6: Điều khoản thi hành: Theo Điều 72, 73, Luật kế toán quy định rõ hiệu lực thi hành của Luật; điều khoản chuyển tiếp trong việc lập báo cáo tài chính nhà nước và quy định chi tiết các điều, khoản được giao trong luật. Luật đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã  hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua.

3. Một số hạn chế và ý kiến hoàn thiện Luật Kế toán sửa đổi, bổ sung năm 2019 (Luật hiện hành)

Luật Kế toán sửa đổi, bổ sung năm 2019 là văn bản pháp lý cao nhất hiện nay để kiểm tra việc thực hiện công tác tại các đơn vị có thực hiện hoạt động sản xuất - kinh doanh và hoạt động thu, chi ngân sách. Tuy nhiên, sau khi đưa luật vào vận hành thực tế, một số điều khoản trong luật vẫn chưa thật chi tiết, đầy đủ, dẫn đến việc chấp hành luật còn thiếu đồng bộ và chưa thật thống nhất. Cụ thể:

Thứ nhất, về nguyên tắc kế toán: Theo Điều 6, Khoản 1 của Luật Kế toán có quy định: Giá trị của tài sản, nợ phải trả được ghi nhận ban đầu theo giá gốc. Sau ghi nhận ban đầu, đối với một số loại tài sản hoặc nợ phải trả mà giá trị biến động thường xuyên theo giá thị trường và giá trị của chúng có thể xác định một cách đáng tin cậy thì được ghi nhận theo giá trị hợp lý (tương đương với giá thị trường tại thời điểm cuối kỳ lập báo cáo tài chính.  

Theo quan điểm của tác giả, việc thay đổi ghi nhận một số tài sản, nợ phải trả có biến động thường xuyên và có thể xác định lại một cách đáng tin cậy thì ghi theo “Giá  trị hợp lý” là thiếu căn cứ pháp lý vững chắc, vì:  

+ Giá trị hợp lý là giá trị tương đương với giá thị trường tại thời điểm xác định lại giá trị tài sản, nợ phải trả để ghi sổ là rất khó xác định. Mặt khác thị trường tại một thời điểm nào đó thường không đồng nhất giữa các vùng, khu vực, quốc gia… nên để có một giá trị thị trường hợp lý cho doanh nghiệp lựa chọn là rất khó khăn, tính khả thi thấp.  

+ Việc chỉ đưa ra thông tin chung chung là một số loại tài sản, nợ phải trả mà không có hướng dẫn cụ thể sẽ rất khó cho doanh nghiệp khi phải lựa chọn những tài sản, công nợ phải trả có sự biến động thường xuyên. Hơn nữa đã là thị trường thì giá cả có thể lên, xuống thất thường phụ thuộc vào tốc độ phát triển của nền kinh tế, vào chính sách tài chính và tốc độ lạm phát hoặc giảm phát của đồng tiền, nên việc xác định giá trị hợp lý trong một khoảng thời gian là không khả thi.

Với 2 lý do nêu trên, việc ghi nhận giá trị tài sản và nợ phải trả của các doanh nghiệp vẫn được ghi sổ theo giá gốc và tuân thủ theo nguyên tắc thận trọng là hợp lý nhất. Trong đó, giá gốc bao gồm toàn bộ giá mua, các khoản thuế không được khấu trừ và các chi phí liên quan khác đến việc mua tài sản; còn khoản nợ phải trả chính là số tiền doanh nghiệp còn nợ khi mua, bán, vay, nợ… tại thời điểm xác nhận nợ. 

Thứ hai, đơn vị sử dụng trong kế toán: Theo Khoản 3, Điều 10, Luật Kế toán 2019 có quy định: Doanh nghiệp được làm tròn số, sử dụng đơn vị tính rút gọn khi lập hoặc công khai báo cáo tài chính. Việc quy định như vậy theo tác giả là chưa rõ và chi tiết sẽ dẫn đến việc triển khai không thống nhất, đồng bộ của các đơn vị kế toán trong phạm vi quốc gia. Vì vậy, Luật cần phải có hướng dẫn chi tiết và cụ thể, đó là: Làm tròn sau dấu phẩy là bao nhiêu số thập phân, làm tròn theo nguyên tắc nào? và những báo cáo nào được làm tròn số… Nếu không có sự hướng dẫn cụ thể sẽ dẫn đến tình trạng là việc làm tròn số giữa các doanh nghiệp sẽ có thể không thống nhất và rất khó cho việc triển khai.

Thứ ba, các hành vi bị nghiêm cấm: Theo Điều 13, các Khoản từ 1 đến 15, Luật Kế toán 2019, mặc dù luật đã quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm khi thực hiện công tác kế toán. Tuy nhiên, Luật chưa làm rõ chế tài xử phạt với từng hành vi vi phạm cụ thể nên tính răn đe chưa cao. Để khắc phục tình trạng nêu trên, luật cần ban hành các Nghị định để quy định cụ thể các chế tài xử phạt cho từng hành vi vi phạm pháp luật, cần xem xét đến các nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan chi phối đến đạo đức của người vi phạm, có như vậy mới ngăn chặn được các hành vi vi phạm pháp luật về kế toán có thể xẩy ra trong tương lai làm ảnh hưởng đến chất lượng và làm sai lệch thông tin mà kế toán cung cấp cho các đối tượng có liên quan. Việc cung cấp sai thông tin kế toán sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc quản lý và điều hành của các nhà quản trị doanh nghiệp, làm ảnh hưởng đến quyết định của các nhà đầu tư, người cho vay, quan hệ giao dịch mua, bán… từ đó ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp.   

Thứ tư, về sửa chữa sổ kế toán: Theo Khoản 4, Điều 27 Luật Kế toán, việc cho phép sửa chữa sổ kế toán bằng phương tiện điện tử chỉ được thực hiện theo một phương pháp duy nhất là ghi điều chỉnh bằng cách lập “chứng từ điều chỉnh” để ghi phần chênh lệch cho đúng là chưa đầy đủ và chi tiết nên rất khó thực hiện thống nhất trong các đơn vị kế toán. Theo tác giả, để việc ghi số số chênh lệch cho thống nhất cần phải quy định rõ hơn, đó là: Ghi bằng bút toán đen khi số chênh lệch là số dương và ghi bằng bút toán đỏ khi số chênh lệch là số âm và phải ghi phần điều chỉnh đó vào một dòng riêng trên sổ kế toán. Có như vậy thì việc sửa chữa sổ kế toán mới đảm bảo sự thống nhất chung trong các đơn vị kế toán.

Thứ năm, về kiểm tra kế toán: Theo Điều 34 của Luật Kế toán. Việc kiểm tra kế toán chỉ được thực hiện khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền, đó là: Bộ Tài chính; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; đơn vị cấp trên. Tuy nhiên, Luật Kế toán 2019 đã bổ sung thêm quy định về thời gian kiểm tra kế toán, đó là: Thời gian kiểm tra cho mỗi cuộc không quá 10 ngày, trường hợp đặc biệt có thể kéo dài thời gian kiểm tra nhưng thời gian kéo dài không quá 05 ngày cho một cuộc kiểm tra (như vậy, thời gian tối đa đối với mỗi cuộc kiểm tra kế toán là 15 ngày). Theo tác giả, việc quy định thời gian kiểm tra tối thiểu, tối đa cho một cuộc kiểm tra kế toán như hiện tại là chưa thật hợp lý, vì:

- Thời gian kiểm tra cho một đợt theo quy định của luật là quá dài sẽ ảnh hưởng không tốt đến hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động tài chính của doanh nghiệp. Mặt khác, luật cần có sự phân biệt thời gian kiểm tra khác nhau cho các doanh nghiệp có quy mô hoạt động không giống nhau. Theo tác giả, đối với những doanh nghiệp có quy mô lớn, thời gian kiểm tra cho một cuộc không quá 08 ngày, với những doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, thời gian cho một cuộc kiểm tra không quá 06 ngày. Đối với các trường hợp đặc biệt, thời gian cho một cuộc kiểm tra không quá 12 ngày. Việc rút ngắn thời gian cho một cuộc kiểm tra sẽ không làm ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất - kinh doanh bình thường của đơn vị.  

-  Việc kiểm tra kế toán không nên tiến hành thường xuyên theo định kỳ mà chỉ thực hiện kiểm tra kế toán khi xét thấy đơn vị đó có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Nếu thực hiện được như vậy sẽ không làm ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp trong mắt các nhà đầu tư, sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp tập trung vào hoạt động sản xuất - kinh doanh và phát triển. Để ngăn chặn các hiện tượng vi phạm pháp luật có thể xảy ra, việc tăng nặng chế tài xử phạt sẽ là một trong các biện pháp hữu hiệu nhất.  

Thứ sáu, chưa cụ thể hóa điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán: Luật chưa quy định rõ trách nhiệm người đại diện pháp luật của đơn vị kế toán; chưa quy định cụ thể đối với cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ kế toán; chưa quy định kế toán viên hành nghề kế toán… Theo tác giả, người đại diện pháp luật của đơn vị kế toán phải là kế toán trưởng hoặc trưởng phòng kế toán. Ngoài việc kế toán trưởng phải lập hệ thống báo cáo tài chính theo chế độ quy định còn phải lập báo cáo tài chính tuân thủ chế độ kế toán và chuẩn mực kế toán, đồng thời phải quy định rõ hơn đối với cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ kế toán; bổ sung quy định về kế toán viên hành nghề; về điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán… từ đó giúp việc thực hiện kinh doanh dịch vụ kế toán được đầy đủ và chặt chẽ hơn.  

4. Kết luận

Như vậy, Luật Kế toán sửa đổi bổ sung năm 2019 (Luật hiện hành) được kế thừa chủ yếu Luật Kế toán năm 2003 và 2015. Luật sửa đổi đã góp phần quan trọng vào việc quản lý Nhà nước về kế toán. Tuy nhiên, do xã hội ngày càng phát triển, yêu cầu quản lý của các nhà quản trị doanh nghiệp ngày càng cao và do sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ nên việc thường xuyên phải hoàn thiện pháp luật phù hợp với tình hình thực tiễn, phù hợp với luật pháp quốc tế là cần thiết.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Quốc hội (2015). Luật Kế toán 2015.

2.Quốc hội (2019). Luật Kế toán (hiện hành) (sửa đổi, bổ sung năm 2019).

3. Bộ Tài chính (2014). Thông tư số 200/2014/BTC. ngày 22/ 12/2014 về việc hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp.

4. Nguyễn Hữu Ánh, Trần Trung Tuấn (2021). Giáo trình tổ chức hệ thống thông tin kế toán, NXB Đại học Kinh tế quốc dân.

Some recommendations to improve the Law on Accounting (amended and supplemented in 2019)

Assoc.Prof. Ph.D Duong Duc Chinh

Phenikaa University

Abstract:

The Law on Accounting was promulgated in order to improve the quality of accounting, support the state management in corporate finance, capital, and assets. It is necessary to promulgate and amend the Law on Accounting to regulate accounting works of all economic sectors in all fields. It is also the basis for Vietnam to improve its economic and financial legal systems in the context of the country’s international integration process. This paper analyzes the basic contents of the Law on Accounting, points out the law’s limitations, and makes some recommendations to improve the Law on Accounting (amended and supplemented in 2019).

Keywords: the Law on Accounting, the Law on Accounting (amended and supplemented in 2019).

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12 tháng 5 năm 2023]

Tạp chí Công Thương