Một số ý kiến về chế định hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án trong pháp luật môi trường ở Việt Nam hiện nay

GVC.TS. VŨ QUANG (Viện Kinh tế và Quản lý, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội)

TÓM TẮT:

Công tác thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án thông qua cơ chế Hội đồng được quy định trong pháp luật môi trường nước ta xuất phát từ nhu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, có cơ sở khoa học và có tham khảo kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển. Tuy nhiên vẫn xuất hiện nhiều bất cập, vướng mắc trong quá trình áp dụng và các quy định về Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường cần phải được nghiên cứu sâu sắc và toàn diện. Bài viêt này phân tích và đánh giá thực trạng các quy định pháp luật về Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hiện hành nhằm nhận diện những nội dung chưa phù hợp khi áp dụng trong thực tế công tác bảo vệ môi trường, trên cơ sở đó đề xuất một số ý kiến mang tính chất khuyến nghị cho việc hoàn thiện lĩnh vực pháp luật này .

Từ khóa: Đánh giá tác động môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường, hội đồng thẩm định.

I. Đặt vấn đề

Giữ vị trí quan trọng trong các quy định của pháp luật môi trường về thực hiện đánh giá tác động môi trường đối với các dự án (ĐTM), các quy định về Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM cần phải đáp ứng được chất lượng cao nhất cả về nội dung, hình thức và hiệu quả điều chỉnh. Yêu cầu này nhằm hướng các quy định về Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM đến mục tiêu cơ bản là giúp kiểm tra, xác định và có kết luận chính xác, khoa học, khách quan, trung thực đối với nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường của một dự án mà chủ đầu tư đã lập ra.

Trên quan điểm phát triển bền vững, trong những năm đầu quá trình đổi mới đất nước, ở Việt Nam đã ban hành hệ thống các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó có các quy định về thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án và về Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án.1

Thực thi các quy định pháp luật về thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án và về Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án, tất cả các dự án đều được thực hiện ĐTM và hầu hết trong số đó đều được phê duyệt báo cáo ĐTM trên cơ sở thẩm định bởi Hội đồng thẩm định.2

Gần đây nhất, Luật Bảo vệ môi trường 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành với các quy định về Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án được xây dựng, ban hành và đi vào cuộc sống, không chỉ đáp ứng được yêu cầu về số lượng mà còn đáp ứng được yêu cầu về chất lượng các quy định pháp luật được xác định thông qua kết quả thực hiện.3

Tuy nhiên, khi nền kinh tế càng ngày càng phát triển, cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, các dự án đầu tư ngày càng nhiều, sự ảnh hưởng đến môi trường rất lớn với quy mô và tính chất phức tạp, khó dự đoán, khó đánh giá.4  Điều này đòi hỏi mức độ hoàn thiện của các quy định về bảo vệ môi trường nói chung, về ĐTM và về Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM nói riêng, phải cao hơn, không chỉ là sự điều chỉnh kịp thời các quan hệ xã hội liên quan mà còn mang tính dự báo và định hướng cho chúng phát triển. Bởi vậy, nghiên cứu phục vụ cho việc hoàn thiện các quy định pháp luật đó luôn luôn được đặt ra.

II. Về Hội đồng thẩm định Báo cáo ĐTM đối với các dự án

Các quy định về đánh giá tác động môi trường nói chung và về Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án nói riêng được ban hành và áp dụng gần 30 năm qua ở nước ta.5  Đóng góp to lớn vào việc xây dựng và ban hành những quy định này là GS Lê Thạc Cán và các cộng sự tại Đại học Quốc gia Hà Nội từ những nghiên cứu về môi trường học và chính sách bảo vệ môi trường.6

  1. Về cơ bản, Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án là một thiết chế do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền lập ra nhằm xem xét, đánh giá, (thẩm tra và xác định), cho ý kiến bằng văn bản để tư vấn về chuyên môn đối với báo cáo ĐTM của các dự án trước khi các dự án được chính thức phê duyệt chủ trương đầu tư.

Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án là phương thức chủ yếu giúp cho việc phê duyệt báo cáo ĐTM của các dự án.

Ngoài ra, để thực hiện việc thẩm định báo cáo ĐTM đối với một số dự án phục vụ kịp thời ứng phó với thiên tai, dịch bệnh có thể áp dụng phương thức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan.7 Có thể hiểu phương thức lấy ý kiến của các cơ quan tổ chức có liên quan để thẩm định báo cáo ĐTM đối với một số dự án như trên là những trường hợp ngoại lệ, có tính chất đặc biệt mà lợi ích của chúng mang lại trước hết là bảo vệ môi trường.

  1. Trong tương quan với một số loại Hội đồng thẩm định chuyên môn ở một số lĩnh vực khác, Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM mang một số nét khác biệt như sau:

Thứ nhất, được đặt ra để thẩm định chuyên môn trong lĩnh vực môi trường và bảo vệ môi trường. Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM có tính chuyên biệt rất cao;

Thứ hai, do cơ quan và người có thẩm quyền trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quyết định thành lập. Trước đây, công tác thẩm định báo cáo ĐTM còn được thực hiện bởi các tổ chức dịch vụ thẩm định.8 Luật Bảo vệ môi trường 2014 không quy định nội dung này.

Thứ ba, phạm vi và đối tượng thẩm định giới hạn trong các vấn đề bảo vệ môi trường của một dự án đầu tư, được trình bày trong Báo cáo ĐTM do chủ đầu tư dự án đệ trình;

Thứ tư, tính ngắn hạn, chỉ đối với từng dự án mà Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM được lập ra, hoạt động và giải thể;

Thứ năm, các kết luận của Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án chỉ mang tính tư vấn, giá trị pháp lý không cao;

Và thứ sáu, quyền và nghĩa vụ được dự liệu cụ thể trong các văn bản pháp luật rất chi tiết và cụ thể;10

Những khác biệt này cũng ảnh hưởng rất lớn đến công tác thực hiện ĐTM nói chung và việc phê duyệt báo cáo ĐTM nói riêng. Vấn đề này cần được tính đến khi nghiên cứu hoàn thiện các quy định về Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM.

  1. Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án là thiết chế cần thiết không thể thiếu trong hoạt động bảo vệ môi trường mà cụ thể là trong quá trình thực hiện, thẩm định và phê duyệt Báo cáo ĐTM đối với các dự án đầu tư.

Kết quả hoạt động của Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án là căn cứ khoa học khách quan, làm cơ sở để cơ quan và người có thẩm quyền ra quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư cho các dự án.

Kết quả hoạt động của Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án là cơ sở định lượng đảm bảo cho các dự án triển khai theo mục tiêu phát triển bền vững.

  1. Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án được thành lập với chức năng tư vấn cho Thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan thẩm định, cụ thể là Bộ trưởng các Bộ: TNMT, Quốc phòng, Công an, các Bộ liên quan và Chủ tịch UBND cấp tỉnh.11 Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án thực hiện các nhiệm vụ được quy định tại điểm 7 khoản 5 Điều 1 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019. Theo đó, Hội đồng có trách nhiệm xem xét:

Một là: Sự phù hợp của dự án đối với chiến lược, quy hoạch, quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học;

Hai là: Sự phù hợp của các phương pháp đánh giá tác động môi trường được sử dụng;

Ba là: Sự phù hợp của các đánh giá về việc lựa chọn công nghệ sản xuất, hạng mục công trình và các hoạt động của dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường;

Bốn là: Kết quả phân tích, tổng hợp số liệu về hiện trạng môi trường, kinh tế - xã hội nơi thực hiện dự án và sự phù hợp của địa điểm lựa chọn thực hiện dự án;

Năm là: Việc đánh giá, dự báo về nguồn thải, sự phát sinh, quy mô, tính chất nguy hại của nước thải, khí thải, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại và các loại chất thải đặc thù khác; các tác động của chất thải và các tác động khác của dự án đến môi trường và sức khỏe cộng đồng; đánh giá, dự báo các rủi ro sự cố môi trường do chất thải gây ra;

Sáu là: Các yêu cầu, quy định, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn về môi trường áp dụng đối với dự án;

Bảy là: Sự phù hợp của các giải pháp bảo vệ môi trường, bao gồm: phương án thu gom, quản lý chất thải; biện pháp, công nghệ xử lý nước thải; giảm thiểu, xử lý bụi, khí thải; phương án lưu giữ, quản lý, xử lý chất thải nguy hại; chất thải rắn công nghiệp thông thường; xử lý chất thải khác; phương án cải tạo, phục hồi môi trường; các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực khác của dự án đến môi trường; các phương án phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường do chất thải của dự án gây ra;

Tám là: Sự phù hợp của chương trình quản lý và giám sát môi trường;

Chín là: Các cam kết bảo vệ môi trường của chủ dự án.

Theo nội dung quy định này cho thấy, đây là những công việc rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi trình độ chuyên môn, kinh nghiệm làm việc của các thành viên tham gia Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án. Vấn đề này nếu không được xem xét thấu đáo sẽ dẫn tới việc quy định không/ít khả thi về tổ chức và hoạt động của Hội đồng.

  1. Thẩm quyền thành lập Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án thuộc về Thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan thẩm định báo cáo ĐTM như trên đã nêu.12 Đây là một thủ tục hành chính thuần túy và do người có trách nhiệm của cơ quan hành chính cũng có chức năng là chủ đầu tư các dự án nên có thể có khả năng cao dẫn đến tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi trong công tác thẩm định báo cáo ĐTM.13 Trường hợp này đã xảy ra trong thực tế nhưng chưa được chú ý khắc phục.

Trình tự và thủ tục thành lập Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án là hết sức đơn giản do tính chất, chức năng, nhiệm vụ của nó. Đặc biệt là chức năng tư vấn cho thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án dẫn đến việc thành lập và giải thể chỉ là một hành vi hành chính đơn thuần. Người có thẩm quyền của cơ quan thẩm định báo cáo ĐTM căn cứ vào các quy định hướng dẫn14 ra quyết định thành lập.

  1. Thành phần Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án bao gồm ít nhất 07 thành viên, không quy định số lượng tối đa.15 Cơ cấu hội đồng thẩm định gồm Chủ tịch hội đồng, 01 Phó Chủ tịch hội đồng, 01 Ủy viên thư ký, 02 Ủy viên phản biện và một số Ủy viên, trong đó phải có ít nhất 30% số thành viên hội đồng có từ 07 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ĐTM.

Là Hội đồng thẩm định chuyên biệt về lĩnh vực môi trường nên các thành viên phải đáp ứng những điều kiện tương đối cao, khắt khe và cụ thể theo từng chức danh nắm giữ trong Hội đồng. Cụ thể là:16

Thứ nhất: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch hội đồng phải là chuyên gia môi trường hoặc chuyên gia thuộc lĩnh vực chuyên môn của dự án với ít nhất 07 năm kinh nghiệm nếu có bằng đại học, ít nhất 05 năm kinh nghiệm nếu có bằng thạc sỹ, ít nhất 03 năm kinh nghiệm nếu có bằng tiến sỹ, hoặc phải là lãnh đạo của cơ quan thẩm định hoặc thường trực thẩm định.

Thứ hai: Ủy viên phản biện phải là chuyên gia môi trường hoặc chuyên gia thuộc lĩnh vực chuyên môn của dự án với ít nhất 07 năm kinh nghiệm nếu có bằng đại học, ít nhất 05 năm kinh nghiệm nếu có bằng thạc sỹ, ít nhất 03 năm kinh nghiệm nếu có bằng tiến sỹ.

Thứ ba: Ủy viên thư ký phải là công chức của cơ quan thường trực thẩm định.

Thứ tư: Ủy viên hội đồng phải là chuyên gia môi trường hoặc chuyên gia thuộc lĩnh vực chuyên môn liên quan đến dự án với ít nhất 03 năm kinh nghiệm nếu có bằng đại học, ít nhất 02 năm kinh nghiệm nếu có bằng thạc sỹ, ít nhất 01 năm kinh nghiệm nếu có bằng tiến sỹ.

Quy định về điều kiện thành viên Hội đồng như trên là thấy hợp lý. Tuy vậy, chưa có đủ cơ sở để thay thế kinh nghiệm chuyên môn về môi trường hoặc kinh nghiệm chuyên môn về dự án bằng tấm bằng thạc sỹ hoặc tiến sỹ. Nhất là trong bối cảnh đào tạo sau đại học đang gặp nhiều vấn đề về chất lượng ở nước ta hiện nay.

  1. Cơ chế hoạt động của Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án thông qua các phiên họp chính thức sau khi các thành viên Hội đồng đã thực hiện trách nhiệm quy định17. Phiên họp chính thức được tiến hành khi thỏa mãn các điều kiện:

Một là: Có sự tham gia (trực tiếp tại phiên họp hoặc họp trực tuyến) từ 2/3 trở lên số lượng thành viên hội đồng thẩm định, bắt buộc phải có Chủ tịch hội đồng hoặc Phó Chủ tịch hội đồng, Ủy viên thư ký và ít nhất 01 Ủy viên phản biện.

Hai là: Có sự tham gia của đại diện có thẩm quyền của chủ dự án hoặc người được cấp có thẩm quyền của chủ dự án ủy nhiệm tham gia.

Ba là: Đã nộp phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Ngoài cơ cấu với các thành viên như trên, khi tổ chức các phiên họp, Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án còn có các đại biểu tham dự. Thành phần đại biểu tham gia các cuộc họp của hội đồng thẩm định do cơ quan thường trực thẩm định quyết định và mời tham dự, được phát biểu ý kiến trong các cuộc họp của hội đồng thẩm định, chịu sự điều hành của người chủ trì phiên họp, được hưởng thù lao theo quy định của pháp luật.18

Qua các nội dung trên cho thấy, việc quy định cơ chế, thủ tục và điều kiện tổ chức hoạt động của Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án đã đáp ứng yêu cầu về hình thức. Các quy định để tạo điều kiện cho Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án hoạt động một cách thực chất vẫn chưa được đề cập. Mà theo các nguyên tắc của kinh tế thị trường, đó là việc đảm bảo hoạt động của Hội đồng trên cơ sở lợi ích.

Ngân quỹ hoạt động của Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án được lấy từ nguồn thu phí thẩm định báo cáo ĐTM.19  

Về vấn đề này, khi nghiên cứu các quy định có liên quan,20  thấy rằng với chức năng được giao và những nhiệm vụ, trách nhiệm phải thực hiện rất khó khăn, phức tạp trong khi ngân quỹ hoạt động và thù lao cho các thành viên chỉ giới hạn trong mức phí thẩm định lấy từ dự án thì rõ ràng chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án khó có thể đạt được theo yêu cầu.

  1. Các quyết định của Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án thể hiện dưới dạng kết luận tại các phiên họp chính thức bao gồm các nội dung về:

Thứ nhất là, những tồn tại của hồ sơ; các yêu cầu, khuyến nghị liên quan đến việc hoàn chỉnh hồ sơ (nếu có) dựa trên cơ sở ý kiến của các thành viên hội đồng thẩm định;

Thứ hai là, căn cứ kết quả kiểm phiếu thẩm định theo nguyên tắc được quy định, kết luận theo một (01) trong ba (03) mức độ: thông qua; thông qua với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung; không thông qua.21

Việc thông qua các quyết định của Hội đồng theo nguyên tắc đa số. Cụ thể là:

Một là, thông qua không cần chỉnh sửa, bổ sung: khi tất cả thành viên hội đồng thẩm định tham dự phiên họp có phiếu thẩm định nhất trí thông qua không cần chỉnh sửa, bổ sung;

Hai là, thông qua với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung khi có ít nhất 2/3 số thành viên hội đồng tham dự, trong đó bắt buộc phải có ít nhất 01 ủy viên phản biện, có phiếu thẩm định đồng ý thông qua hoặc với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung;

Ba là, không thông qua khi có trên 1/3 số thành viên hội đồng tham dự có phiếu thẩm định không thông qua hoặc cả 02 ủy viên phản biện có phiếu thẩm định không thông qua.22

Tuy nhiên cần phải hiểu rằng, nguyên tắc đa số khi thông qua quyết định của Hội đồng cũng tồn tại mặt trái khi mà ý kiến của số đông lại là ý kiến chưa thực sự chuẩn xác và ý kiến của thiểu số thành viên lại chuẩn xác và đầy đủ cơ sở hơn.

III. Một số nhận xét, đánh giá

Qua nghiên cứu các quy định pháp luật bảo vệ môi trường về Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án, chúng tôi nhận thấy:

Một là, các vấn đề liên quan đến tổ chức và hoạt động của Hội đồng được quy định và thực thi rất sớm từ khi chính thức có Luật Bảo vệ môi trường (1993).

Hai là, qua 3 lần sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường (1993, 2005, 2014) với chu kỳ 10 năm nhưng vẫn đảm bảo nội dung cơ bản về Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án một cách khá nhất quán, xuyên suốt và liên tục.

Ba là, các vấn đề cơ bản về Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án được quy định tương đối đầy đủ.

Bốn là, các quy định về Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án ngày càng đầy đủ và hoàn thiện. Điều này giúp cho việc thực hiện công tác ĐTM trong đó có hoạt động thẩm định báo cáo ĐTM ngày một hiệu quả và chất lượng hơn, đảm bảo tốt hơn những yêu cầu về phát triển bền vững.

Tuy vậy, các quy định về Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án trong Luật Bảo vệ môi trường hiện hành vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần phải được khắc phục. Cụ thể là:

Thứ nhất, thiếu quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội và sự nghiệp bảo vệ môi trường của đất nước trong giai đoạn hiện nay và sắp tới.

Thứ hai, việc bỏ quy định về tổ chức dịch vụ thẩm định báo cáo ĐTM như một dạng Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM được xã hội hóa là điều đáng tiếc trong điều kiện kinh tế thị trường và theo nguyên tắc bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn dân.

Thứ ba, chưa quy định chế độ lưu trữ, hồ sơ lưu trữ đối với các tài liệu liên quan đến quá trình thực hiện ĐTM đối với các dự án, đặc biệt là các tài liệu liên quan đến kết quả thẩm định do Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án đưa ra và kết luận.

Thứ tư, các quy định về điều kiện thành viên Hội đồng có bằng sau đại học cần ít kinh nghiệm chuyên môn hơn thành viên có bằng đại học là chưa có đầy đủ cơ sở.

Thứ năm, chưa quy định rõ vấn đề khiếu nại, tố cáo các hành vi sai trái của các chủ thể tham gia/có liên quan tới hoạt động của Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án.

Thứ sáu, quy định về ngân quỹ hoạt động của Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án chưa rõ ràng và thực sự là khiêm tốn trong điều kiện kinh tế xã hội hiện nay.

Những nhận xét trên đây tuy chưa được chứng minh một cách định lượng nhưng là kết quả của việc khảo cứu, phân tích, nhận định nội dung các quy định pháp luật hiện hành về Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án. Đây là cơ sở để đề xuất một số ý kiến nhằm hoàn thiện các quy định về Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án trong thời gian tới.

IV. Kết luận và một số khuyến nghị

Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án là thiết chế được đặt ra để giải quyết một trong những vấn đề then chốt trong quá trình thực hiện ĐTM, nhưng xét về bản chất, Hội đồng được coi như một công cụ giải quyết xung đột lợi ích của doanh nghiệp, của chủ dự án đầu tư với lợi ích của xã hội, lợi ích công. Công cụ này được Nhà nước sử dụng dưới vai trò trung gian trọng tài, thông qua các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án.

Các quy định về Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án còn nhiều vấn đề cần được nghiên cứu hoàn thiện như đã trình bày. Chúng tôi mạnh dạn đề xuất một số ý kiến mang tính chất khuyến nghị, gợi ý cho việc hoàn thiện các quy định đó như sau:

Một là, cần có một bản Quy chế hoạt động của Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án như thời gian trước khi ban hành Luật Bảo vệ môi trường 2014 đã có (các văn bản pháp luật đã phân tích và dẫn chiếu ở phần trên). Do tính chất hoạt động và vai trò quan trọng của Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án đòi hỏi.

Hai là, cần quy định cho phép các tổ chức dịch vụ thẩm định báo cáo ĐTM hoạt động. Điều này hoàn toàn phù hợp với những nguyên tắc kinh tế thị trường, vừa đỡ gánh nặng cho Nhà nước, vừa phù hợp với chủ trương cải cách, giảm tải thủ tục hành chính công. Nếu có các vấn đề phát sinh từ sự lạm dụng, móc ngoặc, lợi ích nhóm thì cần có các qiu định chi tiết để phòng ngừa và chế tài các hành vi đó.

Ba là, tài liệu có liên quan đến kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án cần được quy định chế độ lưu trữ. Đây là những tài liệu rất quan trọng đối với việc ràng buộc trách nhiệm môi trường của chủ dự án. Có thể bổ sung vào các quy định pháp luật về lưu trữ.

Bốn là, cần quy định về kinh nghiệm chuyên môn môn trường và chuyên môn dự án đối với thành viên Hội đồng theo hướng đề cao thời gian công tác như nhau, còn bằng sau đại học chỉ là tiêu chí phụ, tiêu chí ưu tiên khi xem xét quyết định đưa vào làm thành viên hội đồng.

Năm là, bổ sung các quy định về khiếu nại, tố cáo các quyết định kết luận của Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án. Điều này đảm bảo cho hoạt động của Hội dồng hiệu quả hơn, thành viên có trách nhiệm hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ thẩm định.

Sáu là, bổ sung, sửa đổi các quy định về thu, chi ngân sách hoạt động của Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án theo hướng tăng một cách phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế xã hội. Vừa có thể tăng động lực làm việc, tinh thần trách nhiệm của các thành viên hội đồng, vừa tránh được sự thao túng từ phía chủ dự án.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1Luật BVMT 1993, Luật BVMT 2005 và Luật BVMT 2014 cùng hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành.

2http://vea.gov.vn/vn/tintuc Chỉ tính riêng trong năm 2018, Vụ Thẩm định đánh giá tác động môi trường (Bộ TN và MT) đã tiếp nhận 490 hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo ĐTM và cải tạo phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản và phê duyệt 473 hồ sơ báo cáo ĐTM.

3Điều 24 Luật BVMT 2014, Điều 14 NĐ 18/2015/NĐ-CP về quy hoạch BVMT, ĐMC, ĐTM và KBM, Điều 8 Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT về ĐMC, ĐTM và KBM, cụ thể nhất là Thông tư 13/2009/TT-BTNMT về tổ chức và hoạt động của HĐTĐ BC ĐMC và BC ĐTM

4Có thể kể đến các dự án về năng lượng hạt nhân, về phát triển đô thị, về xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, về hóa chất, về khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản, dầu khí, về công nghiệp điện tử, kinh doanh viễn thông, về xử lý chất thải, chất thải nguy hại…

5Điều 17, 18 Chương II Luật BVMT 1993, Điều 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 28 NĐ số 175/1993/NĐ-CP Hướng dẫn thi hành Luật BVMT 1993

6Đặng Văn Minh - Chủ biên, Giáo trình ĐTM, Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Thái Nguyên. Nhà Xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội, 2013

7Khoản 5 Điều 14 Nghị định 18/2015/NĐ-CP về quy hoạch BVMT, ĐMC, ĐTM và KBM

8Khoản 1 Điều 21 Luật BVMT 2005

9Khoản 1 Điều 21 Luật BVMT 2005

10Điều 24 Luật BVMT 2014

11Trước đây là Quy chế hoạt động của HĐ TĐ BC ĐTM ban hành theo QĐ số 13/2006/QĐ-BTNMT và sau này là Thông tư số 13/2009/TT-BTNMT về tổ chức và hoạt động của HĐTĐ BC ĐMC và BC ĐTM, Thông tư 26/2011/TT-TNMT về ĐMC, ĐTM và CBM

12Khoản 1 Điều 14 NĐ số 18/2015/NĐ-CP

13Khoản 3 Điều 14 NĐ số 18/2015/NĐ-CP

14http://tapchimoitruong.vn/Thực-trạng-và-đề-xuất-kiến-nghị-nhằm--hoàn-thiện-hệ-thống-đánh-giá-tác-động-môi-trường-trong-quá-trình-xét-duyệt-dự-án-đầu-tư

15Phụ lục 4.1. Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT

16Khoản 3 Điều 14 NĐ số 18/2015/NĐ-CP

17Điều 19 Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT về ĐMC, ĐTM và KBM.

18Điều 20 Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT.

19Điểm b Khoản 3 Điều 20 NĐ số 18/2015/NĐ-CP.

20Thông tư số 56/2018/TT-BTC Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định báo cáo ĐTM do cơ quan TƯ thực hiện thẩm định

21Khoản 1 Điều 30 Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT.

22Khoản 2 Điều 30 Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13. http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban
  1. Nghị định số 40/2019/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2014.
  2. Nghị định số 18/2015/NĐ-CP quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường.
  3. Nghị định số 19/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
  4. Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường: Về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường.
  5. Đặng Văn Minh - Chủ biên, Giáo trình ĐTM, Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Thái Nguyên. Nhà Xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội, 2013.
  6. Tháo gỡ vướng mắc trong đánh giá tác động môi trường. http://baochinhphu.vn/Tra-loi-cong-dan/Thao-go-vuong-mac-trong-danh-gia-tac-dong-moi-truong 9h00 21/5/2019
  7. Lỗ hổng môi trường khi quyết định các dự án kinh tế. http://www.ashui.com/mag/tuongtac/phanbien/12336-lo-hong-moi-truong-khi-quyet-dinh-cac-du-an-kinh-te

SOME RECOMMENDATIONS ABOUT REGULATIONS OF APPRAISAL COUNCILS ON EVALUATING ENVIRONMENTAL IMPACT ASSESSMENT REPORTS IN VIETNAM

Ph.D VU QUANG

School of Economics and Management, Hanoi University of Science and Technology

ABSTRACT:

Evaluating the environmental impact assessment reports of projects through appraisal councils is defined in Vietnam’s environmental regulations which are based on practical and socio-economic development needs as well as experience from developed countries. However, this evaluation mechanism still has many shortcomings which arise during the implementation process. Regulations of appraisal councils on the evaluation of environmental impact assessment reports need to be studied deeply and comprehensively. The analysis and assessment of appraisal councils’ current regulations is to identify contents that are not appropriate for environemtal protection. Based on these analyses and assessments, this article proposes some recommendations for improving the effectiveness of regulations on evaluating environmental impact assessment reports.

Keywords: Environmental impact assessment, environmental impact assessment report, appraisal council.