1. Công nghiệp sản xuất và phân phối điện
Chỉ tiêu điện năng bình quân đầu người trong tỉnh năm 2010 dự kiến là 271 kWh/năm/người. Lượng điện tiêu thụ ở Đăk Nông năm 2010 là 180 triệu kWh. Các nhà máy thủy điện đã và đang xây dựng đưa vào vận hành ở Đăk Nông là: Nhà máy thủy điện Đray H’Linh II thuộc huyện Cư Jút (Công suất: 16MW, lượng điện sản xuất hàng năm: 80 triệu kWh); Nhà máy thủy điện Buôn Tua Sar, huyện Krông Nô (Công suất : 84 MW; lượng điện sản xuất hàng năm: 420 triệu kWh); nhà máy thủy điện Đức xuyên, huyện Krông Nô (Công suất: 94 MW; lượng điện sản xuất hàng năm: 470 kWh); Nhà máy thủy điện Đăk R’Tih, huyện Đăk R’Lấp (Công suất: 141 MW; Lượng điện sản xuất hàng năm: 700 triệu kWh);… 

2. Công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm
Trên cơ sở nguồn nguyên liệu tại chỗ, định hướng công nghiệp chế biến vào các sản phẩm nông nghiệp có khối lượng lớn, đã hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, bao gồm: Cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, ca cao, sắn, ngô... ; Các sản phẩm từ chăn nuôi thịt sữa ... 

- Xây dựng quan hệ khăng khít giữa các cơ sở chế biến với nông dân nhằm nâng cao đời sống nông dân, xí nghiệp có nguồn nguyên liệu dồi dào, chất lượng cao. 

- Tạo điều kiện về vốn và kỹ thuật để nông dân phát triển các cơ sở sơ chế nông sản tại chỗ ngay sau khi thu hoạch, đảm bảo chất lượng nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến. 

- Đưa các cơ sở chế biến nông sản, thực phẩm đến gần vùng nguyên liệu tập trung, lựa chọn công nghệ hiện đại, thiết bị tiên tiến để có sản phẩm chất lượng cao phục vụ xuất khẩu. 

- Hình thành những tổ hợp công nghiệp có những nhà máy vệ tinh sản xuất các sản phẩm từ phế liệu, phụ liệu của nhà máy chính, nâng cao hiệu quả kinh tế. 

- Mở rộng cơ sở sản xuất hiện có, xây dựng thêm một số nhà máy mới để chế biến các sản phẩm nông nghiệp ở năm 2010 và 2020, đạt được giá trị sản xuất của ngành năm 2010 là 700 tỷ đồng và năm 2020 là 3.069 tỷ đồng, gấp 4,4 lần so với năm 2010. 

2.1. Công nghiệp chế biến cà phê 

Định hướng công nghiệp chế biến cà phê ở Đăk Nông đến năm 2020 như sau: 

- Phấn đấu 100% cà phê nhân được chế biến ở các nhà máy hiện đại có đủ thiết bị xay xát, đánh bóng, phân loại, có hệ thống kho tàng bảo quản, đóng gói. Nâng cao chất lượng cà phê xuất khẩu ngang bằng các nước trên tiên tiến.
- Phấn đấu tăng dần tỷ lệ chế biến cà phê theo phương pháp ướt lên 30% năm 2010 và 50% năm 2020.
- Giảm giá thành cà phê robusta xuống 450-500USD/tấn 

- Đa dạng hóa sản phẩm cà phê chế biến sâu: Cà phê rang sẵn, cà phê bột, cà phê hòa tan, cà phê sữa, cà phê nước đóng lon... Đưa tỷ lệ cà phê tinh tế lên 15-50%. 

Phấn đấu: Năm 2010 đưa sản lượng cà phê lên khoảng 130.000 tấn, chất lượng tương đương cà phê xuất khẩu của Indonesia. Cà phê chế biến theo công nghệ ướt đạt 30% vào năm 2010. Đưa tỷ lệ cà phê nhân loại 1 lên 35-40%; cà phê nhân loại II lên 45-50%. Năm 2020, đưa chất lượng cà phê xuất khẩu lên tương đương cà phê của Uganda 

Từ 2011-2020: Đầu tư xây dựng 4 nhà máy chế biến cà phê ướt, công suất mỗi nhà máy 40 tấn quả tươi/giờ. Tổng vốn đầu tư 64 tỷ đồng. Đầu tư xây dựng mới ở các huyện và thị xã Gia Nghĩa 3 nhà máy chế biến khô, sản phẩm là cà phê nhân xuất khẩu. Công suất mỗi nhà máy 10.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư 30 tỷ đồng. Đầu tư chiều sâu ở các cơ sở chế biến cà phê hiện có, trang bị thêm, đổi mới các thiết bị hiện đại để nâng chất lượng cà phê hạt xuất khẩu tương đương cà phê của Uganda, Ấn độ; xây dựng thương hiệu cà phê riêng của Đăk Nông, vốn đầu tư 66 tỷ đồng, giá trị sản xuất tăng thêm 83,3 tỷ đồng. Đầu tư xây mới nhà máy chế biến cà phê hòa tan, cà phê sữa, cà phê lon... sản lượng 2.500tấn/năm, vốn đầu tư 200 tỷ đồng. 

2.2. Công nghiệp chế biến cao su
- Đăk Nông sẽ phát triển mạnh cây cao su giống mới để đến năm 2010 có diện tích là 15.000 ha và năm 2020 là 18-20.000 ha. 

- Cây cao su ở Đăk Nông được trồng thành vùng tập trung ở Đăk R’Lấp, Đăk Mil, Đăk Song... hình thức cao su tiểu điền và trang trại tập trung. 

- Đẩy mạnh việc trồng cao su mới PB235 và PB260. Khuyến khích nông dân và các nhà kinh doanh trồng cao su theo các hình thức tiểu điền, trang trại, nông hộ nhỏ... 

- Đầu tư xây dựng mới và nâng cấp, đổi mới công nghệ các nhà máy sơ chế cao su hiện có tại vùng nguyên liệu, đảm bảo sơ chế hết số mủ khai thác từng thời kỳ. 

- Đa dạng hóa các sản phẩm từ cao su, sản xuất sản phẩm cao su cao cấp đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và khu vực. 

Mục tiêu phát triển:
- Năm 2020 đạt sản lượng cao su sơ chế: 25.000tấn/năm.
- Tỷ lệ cao su các loại RSS, TSR chiếm 60% mủ kem 30%.
Từ 2011-2020: Đầu tư xây dựng ở các huyện Đăk Mil, Đăk Song, Krông Nô mỗi huyện một nhà máy chế biến mủ cao su sản phẩm là cao su RSSl,SVR10, TSR20... sản lượng mỗi nhà máy 7.000 tấn/năm. Tổng vốn đầu tư 42 tỷ đồng.
- Đầu tư mở rộng nhà máy sơ chế mủ cao su ở Đăk R’lấp đưa công suất lên 15.000 tấn/năm. Vốn đầu tư 10tỷ đồng. 

2.3 Công nghiệp chế biến điều
- Điều là cây công nghiệp lâu năm dễ trồng chịu được hạn, có thể trồng ở vùng đất xấu, kỹ thuật canh tác ít phức tạp. Cây điều có thể có rất nhiều sản phẩm có giá trị sử dụng cao.
- Đầu tư xây dựng ở Đăk Glong nhà máy chế biến điều nhân công suất 3.000 tấn/năm. Vốn đầu tư 30 tỷ đồng.
- Đầu tư mở rộng sản xuất ở phân xưởng ép dầu ở nhà máy ĐăkR’Lấp đưa công suất lên 2.000 tấn/năm. Vốn đầu tư 15 tỷ đồng. 

3. Công nghiệp khai thác mỏ
Định hướng phát triển:
- Tiến hành tìm kiếm đối tác và các bước đi phù hợp để phát triển ngành công nghiệp khai thác và chế biến bauxít Đăk Nông với quy mô lớn để nâng cao khả năng cạnh tranh và tham gia tích cực vào thị trường kim loại nhôm thế giới và khu vực vào giai đoạn sau 2010. Biến tiềm năng về tài nguyên bauxít ở Đăk Nông thành cơ sở sản xuất vật chất mang tính đột phá, đóng góp vào quá trình phát triển công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên khoáng sản đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái. 

Mục tiêu: Phát triển công nghiệp khai thác và chế biến bauxít thành một ngành công nghiệp chủ lực trên địa bàn. Phấn đấu đưa ngành công nghiệp khai thác khoáng sản chiếm tỷ trọng khá trong cơ cấu công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Đăk Nông theo hướng công nghiệp hóa. 

- Đá xây dựng: Nhu cầu đá xây dựng của Đăk Nông trong thời gian tới chủ yếu tập trung cho các công trình hạ tầng cơ sở như giao thông, thủy lợi, các công trình thủy điện... Tỉnh sẽ phát triển khai thác đá xây dựng, đầu tư chiều sâu để khai thác hết công suất hoặc mở rộng một số mỏ đá hiện có, đặc biệt là những mỏ đá điều kiện thuận lợi về địa điểm khai thác (gần các trung tâm tiêu thụ lớn hoặc những khu vực dự kiến đầu tư lớn, có chất lượng đá tốt, trữ lượng lớn, thuận tiện giao thông) để cung cấp cho nhu cầu xây dựng. Đầu tư xây dựng một số mỏ mới (ở những khu vực chưa có mỏ đá) để khai thác và cung ứng tại chỗ, giảm bớt việc cung ứng từ xa. Sắp xếp lại một số mỏ tập trung nhiều cơ sở khai thác, để có thể quản lý tốt việc khai thác đá (tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên di tích lịch sử văn hóa, an ninh quốc phòng và đảm bảo an toàn trong khai thác). 

- Cát xây dựng: Đầu tư một số mỏ cát với quy mô vừa tại những điểm mỏ có trữ lượng cát lớn như ở một số địa bàn ven sông Krông Nô, sông Sêrepok và sông Đồng Nai, phục vụ cho những công trình xây dựng có nhu cầu lớn, tập trung như các nhà máy thủy điện, các khu đô thị... Giai đoạn 2011-2020: Đầu tư mở rộng nâng công suất khai thác của các mỏ ở giai đoạn trước lên 50.000m3/năm mỗi mỏ. 

- Quặng Bauxít: Giai đoạn 2011-2020: Triển khai các dự án mới về thác bauxít và luyện Alumin để đến năm 2020 có thể đạt được mục tiêu 1-2 triệu tấn Alumin/năm. 

Các giải pháp phát triển:
Tập trung đầu tư, phát triển có chọn lọc các ngành công nghiệp có lợi thế của tỉnh, phù hợp với nhu cầu thị trường và đảm bảo yêu cầu về môi trường. Duy trì tốc độ phát triển cao đi đôi với nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất. Trước mắt, tập trung phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản cho thị trường trong nước và xuất khẩu; phát triển sản xuất vật liệu xây dựng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình thủy điện. 

Triển khai thực hiện các dự án đầu tư khai thác bô - xít, luyện alumin, tạo ra bước đột phá trong phát triển công nghiệp, kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng và thực hiện chính sách thu hút đầu tư vào khu công nghiệp Tâm Thắng, các cụm công nghiệp Nhân Cơ, Đắk Ha. 

Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển công nghiệp. 

Khuyến khích phát triển công nghiệp vừa và nhỏ, phát triển tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề ở nông thôn, nhất là các làng nghề truyền thống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hình thành các điểm công nghiệp, các làng nghề tại các thị trấn, thị tứ, trung tâm cụm xã.
  • Tags: