Mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6,6 - 6,8% năm 2019 là khả thi

Mặc dù, 6 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng GDP đạt 6,76%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018, nhưng trước sự lạc quan về tình hình kinh tế thế giới, Tổng cục Thống kê nhận định, mục tiêu tăng trưởng đến cuối năm từ 6,6%-6,8% trong năm 2019 là khả thi.

GDP 6 tháng đầu năm tăng 6,76%

Số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho biết, tăng trưởng kinh tế nửa đầu năm 2019 thấp hơn cùng kỳ năm 2018 nhưng cao hơn trong giai đoạn từ  2011 - 2017.

Cụ thể, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, GDP 6 tháng năm 2019 ước tính tăng 6,76% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tăng trưởng quý II ước đạt 6,71%.

tăng trưởng GDP 6 tháng qua các năm
Mức tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm qua các năm. Năm 2019, tăng trưởng kinh tế nửa đầu năm thấp hơn cùng kỳ năm 2018 nhưng cao hơn trong giai đoạn từ  2011 - 2017

Kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2019 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng. Căng thẳng gần đây giữa các nền kinh tế lớn khiến thương mại và đầu tư thế giới giảm, niềm tin kinh doanh toàn cầu giảm sút.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định kinh tế toàn cầu phải đối mặt với thời kỳ “bất trắc cao” khi 70% các nền kinh tế trên thế giới, trong đó hầu hết các nền kinh tế phát triển, đều rơi vào tình trạng tăng trưởng chậm lại. Hoạt động kinh tế, thương mại tại các quốc gia có nhiều biến động.

Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã khẩn trương chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2019 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019.

Ngay đầu Quý II, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 1/4/2019 về các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 6 tháng và cả năm 2019, đồng thời thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện trong từng tháng, từng quý.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,39%, đóng góp 6% vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 8,93%, đóng góp 51,8%; còn khu vực dịch vụ tăng 6,69%, đóng góp 42,4%.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là điểm sáng đóng góp chính cho tăng trưởng kinh tế. Khu vực này tăng 11,18% nửa đầu năm, thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2018 nhưng cao hơn cùng giai đoạn các năm 2012-2017.

Ngành khai khoáng cũng tăng trở lại 1,78% sau 3 năm giảm liên tục (do khai thác dầu thô có mức giảm thấp hơn cùng kỳ năm trước và khai thác than, quặng kim loại đều tăng cao).

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa nửa tháng đầu năm ước tính đạt 245,5 tỷ USD, mức cao nhất của 6 tháng từ trước đến nay. Cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng ước tính nhập siêu 34 triệu USD (bằng 0,03% tổng kim ngạch xuất khẩu), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 15,72 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 15,68 tỷ USD.

Có mức tăng ấn tượng nửa đầu năm, song theo ông Nguyễn Bích Lâm, công nghiệp chế biến, chế tạo khó tăng cao 6 tháng cuối 2019, bởi ngành khó duy trì tốc độ tăng trưởng cao như cùng giai đoạn 2018. Bên cạnh đó, một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực không còn duy trì đà tăng như trước.

Mục tiêu tăng trưởng từ 6,6%-6,8% là khả thi

Ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Hệ thống Tài khoản Quốc gia - Tổng cục Thống kê nhận định, so với mục tiêu tăng trưởng năm 2019 do Chính phủ đặt ra ở 6,6% - 6,8% là hoàn toàn khả thi. Bởi theo ông, các yếu tố triển vọng tăng trưởng 6 tháng cuối năm khả quan.

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,6 - 6,8% năm 2019 là khả thi
Với các yếu tố triển vọng trong tăng trưởng, Tổng cục Thống kê nhận định, mục tiêu tăng trưởng đến cuối năm từ 6,6%-6,9% trong năm 2019 là khả thi

Thứ nhất, sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo đang duy trì mức tăng trưởng cao, triển vọng tốt trong 6 tháng cuối năm.

Ông Dương Mạnh Hùng dẫn chứng 83% doanh nghiệp chế biến chế tạo đánh giá Quý II khả quan hơn Quý I. 88,6% doanh nghiệp dự báo Quý III tăng trưởng cao hơn Quý II. Các doanh nghiệp chế biến chế tạo hoạt động ổn định hơn.

Thứ hai, hoạt động của khu vực dịch vụ thị trường sôi động. Các ngành thương mại, ngân hàng tăng trưởng tốt, quý sau cao hơn quý trước.

Thứ ba, khai khoáng tăng trưởng dương sau nhiều năm tăng trưởng âm. Khai thác than tăng trưởng rất cao do nắng nóng dẫn tới nhu cầu sử dụng than sản xuất điện nhiều hơn.

Thứ tư, tiêu dùng dân cư đang trên đà tăng trưởng cao, sức cầu trong nước cải thiện mạnh. Chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam đứng thứ ba thế giới thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển.

Thứ năm, hiện tiến độ giải ngân vốn đầu tư chưa cao. Do đó, việc giải ngân sẽ được dồn vào thời gian tới, là động lực tăng trưởng 6 tháng cuối năm.

Cuối cùng, các hiệp định thương mại CPTPP, EVFTA cũng sẽ tác động tích cực đến thương mại, xuất khẩu đóng góp tăng trưởng 6 tháng cuối năm.

Tuy nhiên, lĩnh vực nông nghiệp tăng trưởng chậm đang ảnh hưởng tới sản xuất. Dù vậy, cơ cấu nông nghiệp chỉ bằng 1/3 dịch vụ. "Trường hợp nông nghiệp giảm 1% dịch vụ tăng trưởng 0,33% có thể bù đắp", ông Hùng  phân tích và cho rằng phần nông nghiệp không đáng lo ngại.

Ngành điện tử Quý I tăng rất thấp nhưng Quý II có dấu hiệu phục hồi. Trong lĩnh vực lọc dầu, hiện nay, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn mới sử dụng 60% công suất, nếu thị trường trong nước có giải pháp tiêu thụ các sản phẩm của nhà máy này sẽ là động lực cho ngành.

Trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả trên 2 tỷ USD. Đây là nguồn lực thúc đẩy ngành chế biến thực phẩm - hiện chiếm tỷ trọng khá lớn trong công nghiệp chế biến chế tạo - tăng trưởng.

6 tháng đầu năm, ngành thủy sản tăng trưởng cao nhất trong 9 năm qua

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2019 nhìn chung ổn định. Chăn nuôi gia cầm phát triển tốt. Ngành thủy sản đạt mức tăng trưởng cao nhất 9 năm qua, sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác tăng khá.

Sản xuất thủy sản 6 tháng đầu năm 2019 phát triển khá do nhu cầu thị trường tiêu thụ tăng cao, tổng sản lượng thủy sản ước tính đạt 3.780,5 nghìn tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước (quý II/2019 ước tính đạt 2.311,5 nghìn tấn, tăng 6,4%), trong đó cá đạt 2.835 nghìn tấn, tăng 5,6%; tôm đạt 397,8 nghìn tấn, tăng 7,7%; thủy sản khác đạt 547,7 nghìn tấn, tăng 5,8%.

 

Thu Thủy