Ngày 27/1/2020 (mùng 3 Tết Canh Tý), ghi nhận tình hình thị trường hàng hóa, Bộ Công Thương cho biết, sức mua cũng như nguồn hàng đã dồi dào hơn. Tại các địa phương đã có thêm nhiều siêu thị, cửa hàng, quầy hàng tại chợ truyền thống mở hàng kinh doanh trở lại, hoạt động mua bán diễn ra tấp nập hơn so với ngày mùng 2 Tết.

Tại các chợ truyền thống, ngoài các mặt hàng hoa quả phục vụ cho việc dâng lễ đầu năm thì các mặt hàng được bày bán chủ yếu là thực phẩm tươi sống (thủy hải sản, thịt bò, các loại rau củ) phục vụ nhu cầu tiêu dùng đầu năm của người dân.

giá thịt lợn
Trong ngày mùng 3 Tết, giá thịt heo có nơi lên đến 250.000 đồng/kg

So với các ngày cận Tết (28 - 30 Tết), giá các mặt hàng rau củ, hoa tươi tại chợ nhìn chung không tăng nhiều. Các mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt bò, thuỷ sản chỉ tăng nhẹ và tương đối ổn định so với ngày mùng 2 Tết.

Giá một số hàng hóa thiết yếu trong ngày mùng 3 Tết như: mặt hàng lương thực giá ổn định, giá các loại gạo tẻ thường từ 12.000-13.000 đồng/kg; gạo chất lượng cao (tám xoan, tám Hải Hậu) từ 18.000 - 25.000 đồng/kg; gạo nếp từ 25.000 - 33.000 đồng/kg.

Với các mặt hàng thực phẩm tươi sống, tại các siêu thị, giá thực phẩm ổn định, nhưng tại một số chợ lẻ ở một số địa phương, giá thực phẩm cao hơn so với ngày 30 Tết.

Theo đó, thịt mông sấn dao động từ 170.000-200.000 đồng/kg (miền Bắc), 130.000-140.000 đồng/kg (miền Nam), giá thịt lợn thăn 150.000-170.000 đồng/kg (miền Nam) 200.000-250.000 đồng/kg (miền Bắc); thịt bò thăn loại I từ 280.000-350.000 đồng/kg; giá gà ta lông 120.000-150.000 đồng/kg...

Đáng chú ý, giá các loại rau xanh, củ, quả tăng cao gấp đôi so với những ngày giáp Tết do mưa lớn, rét tại một số tỉnh, thành phía Bắc. Các tỉnh phía Nam, giá rau củ tương đối ổn định. Cụ thể: bắp cải 10.000 - 15.000 đ/kg, su hào: 8.000-10.000 đ/củ, xà lách: 15.000 - 20.000 đ/kg (tại một số địa phương tại miền Bắc lên đến 40.000 đ/kg), cà chua: 15.000 - 20.000 đ/kg (tùy địa phương), khoai tây: 12.000 - 20.000 đ/kg, súp lơ: 12.000 - 20.000 đ/cây...

Giá cả hàng hóa ổn định, đáp ứng yêu cầu của người dân, riêng giá dịch vụ trông giữ xe, dịch vụ ăn uống ở các điểm danh lam thắng cảnh, đình, chùa, các điểm vui chơi có cao hơn so với ngày thường.

Tại một số địa phương hoạt động dịch vụ, vui chơi giải trí tại các địa điểm, trung tâm giải trí, khu du lịch bắt đầu diễn ra, thu hút được nhiều người dân tới tham quan vui chơi, giải trí, Bộ Công Thương thông tin.

Đến thời điểm hiện nay (ngày 27/1/2020, tức mùng 3 Tết), các mặt hàng thiết yếu như đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát vẫn đáp ứng đủ nhu cầu cho người tiêu dùng, chưa có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến gây bất ổn thị trường.

Sau kỳ nghỉ, việc cung ứng sẽ đầy đủ, chủ động hơn khi tất cả các doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp có vốn nước ngoài) sản xuất vận hành trở lại, nhu cầu tăng và giá cả sẽ được chủ động điều chỉnh, tăng doanh thu của các doanh nghiệp.

mùng 3 tết
Dự báo, trong ngày mùng 4 Tết, nhiều siêu thị, cửa hàng, chợ truyền thống mở cửa, nhiều hàng hóa sẽ được bày bán trở lại

Dự báo thị trường một số hàng hoá thiết yếu trong ngày mùng 4 Tết, Bộ Công Thương cho biết, nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa bắt đầu mở hàng thêm, mặt hàng được bày bán cũng đa dạng hơn.

Tuy nhiên nhu cầu tiêu dùng trên thị trường chưa tăng cao, các mặt hàng được tiêu thụ nhiều vẫn chủ yếu là thực phẩm, đặc biệt là rau củ quả, thịt bò, thủy hải sản.