Nam Định: Xây dựng văn hoá ưu tiên tiêu dùng hàng Việt trên địa bàn

Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tỉnh Nam Định cho biết, nhận thức, hành vi ưu tiên mua sắm hàng hoá thương hiệu Việt Nam được nâng lên; từng bước hình thành nét đẹp văn hoá tiêu dùng của người dân Nam Định với hàng Việt.

Vừa qua, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (Cuộc vận động) đã làm việc với Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Nam Định, kiểm tra việc thực hiện Cuộc vận động trên địa bàn.

hàng Việt
Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" làm việc và kiểm tra việc thực hiện Cuộc vận động trên địa bàn tỉnh Nam Định. (Nguồn: mattran.org.vn)

Nhận thức và hành vi ưu tiên tiêu dùng hàng Việt được nâng lên

Báo cáo của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tỉnh Nam Định cho biết, với sự phối hợp của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, các địa phương và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nhằm triển khai thực hiện Cuộc vận động, nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, các địa phương và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về Cuộc vận động được nâng lên.

Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động, Ban thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh đã xây dựng các kế hoạch triển khai thực hiện cuộc vận động. Hàng năm, Ban thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh triển khai lồng ghép các nội dung cuộc vận động với Đề án tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và xây dựng thành tiêu chí quan trọng để đánh giá thi đua của MTTQ các huyện, thành phố. Tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, đoàn viên, hội viên ưu tiên sử dụng hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất; phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện tốt việc giám sát phát hiện các hành vi vi phạm về chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.

Người tiêu dùng trong tỉnh nhận thức ngày một đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của mình đối với các sản phẩm hàng hoá sản xuất trong nước và những lợi ích mang lại từ thực hiện Cuộc vận động; từng bước thay đổi hành vi, ưu tiên mua sắm tiêu dùng hàng hoá thương hiệu Việt Nam, dần xoá bỏ định kiến đối với sản phẩm trong nước và so sánh giữa hàng nội và hàng ngoại; bước đầu hình thành nét đẹp văn hoá tiêu dùng của người dân Nam Định với  hàng hoá do Việt Nam sản xuất.

hàng Việt Nam Định
Các doanh nghiệp trên địa bàn từng bước chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm, đổi mới công nghệ để sản xuất ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao, giá thành hợp lý. (Nguồn: mattran.org.vn)

Các doanh nghiệp trên địa bàn cũng nhận thức rõ quyền lợi, trách nhiệm đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực, quốc tế. Từ đó chú trọng hướng đến sản xuất hàng hóa thị trường cần, có sự liên kết chuỗi để nâng cao giá trị, sức cạnh tranh cho sản phẩm; xây dựng thương hiệu sản phẩm, đổi mới công nghệ để sản xuất nhiều sản phẩm có chất lượng cao, giá thành hợp lý; có chính sách khuyến mại, hậu mãi hợp lý, đưa sản phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng…

Tuy nhiên, theo Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Nam Định, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện Cuộc vận động một số nơi chưa được quan tâm đúng mức; Công tác tuyên truyền về Cuộc vận động chưa sâu rộng, chủ yếu là lồng ghép với các chương trình, do điều kiện kinh phí rất khó khăn. Tình trạng hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng vẫn còn nhiều; một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng còn băn khoăn về giá cả, chất lượng các mặt hàng trong nước sản xuất; tư tưởng sính dùng hàng ngoại trong một bộ phận người dân có thu nhập cao còn nhiều...

Tăng cường kết nối cung cầu hàng hóa, sản phẩm thế mạnh của tỉnh

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận để phát huy vai trò của thành viên Ban Chỉ đạo trong việc tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân trong tỉnh đối với việc tiêu dùng hàng Việt; bàn giải pháp để đẩy mạnh việc hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp đầu tư thay đổi công nghệ, quy trình sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cải cách thủ tục hành chính và  các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (VietGAP; HACCP; GMP;...); đẩy  mạnh sản xuất theo liên kết chuỗi giá trị, gắn với truy xuất nguồn gốc, xây dựng  nhãn hiệu, công bố chất lượng sản phẩm, đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn  địa lý để không ngừng nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm; Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu thị trường trong nước, không để sản phẩm sản xuất ra tồn đọng, lưu kho nhiều;…

Trước đó, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã khảo sát sát thực tế cung cấp hàng hóa tại siêu thị Go và tình hình sản xuất tại Công ty TNHH Minh Dương, thành phố Nam Định.

Nam Định
Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" khảo sát sát thực tế cung cấp hàng hóa tại siêu thị Go. (Nguồn: mattran.org.vn)

Qua khảo sát thực tế, báo cáo của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh, các ý kiến trao đổi, thảo luận tại buổi làm việc, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định, Ban Chỉ đạo CVĐ tỉnh tiếp tục quán triệt và chỉ đạo thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 03-CT/TW của Ban Bí thư, Chỉ thị số 28/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 06-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ở địa phương. Tập trung củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp ở tỉnh.

Để thực hiện hiệu quả Cuộc vận động ở địa phương, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động lưu ý, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh cần giao nhiệm vụ thực hiện CVĐ cụ thể cho các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố trong tỉnh. UBND tỉnh quan tâm bố trí kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động trong dự toán kinh phí hoạt động hằng năm của Ủy ban MTTQ tỉnh; có kế hoạch huy động các nguồn lực xã hội phục vụ các hoạt động thực hiện Cuộc vận động. Lựa chọn các sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của tỉnh để xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình quảng bá, giới thiệu, kết nối cung cầu hàng hóa. Gắn việc thực hiện Cuộc vận động với các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ phát triển kinh tế ở, chương trình bình ổn thị trường ở địa phương. Rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện phát triển sản xuất, lưu thông, tiêu thụ hàng hóa, đưa hàng Việt về nông thôn; ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Đối với Ban chỉ đạo Cuộc vận động của tỉnh, cần xây dựng kế hoạch kiểm tra các sở ngành, cơ quan, đơn vị, UBND cấp huyện trong việc thực hiện Cuộc vận động, trong đó tập trung kiểm tra việc mua sắm công theo tinh thần hàng hóa nào trong nước sản xuất được và giá cả phù hợp ưu tiên sử dụng; kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ được UBND tỉnh giao; kiểm tra việc xử lý các kiến nghị, khiếu nại, liên quan đến sản xuất hàng giả, hàng cấm, tiêu thụ hàng không đảm bảo chất lượng và các khiếu nại liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng.

Đồng thời, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp với tập quán, tâm lý tiêu dùng của người dân; ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số, sản xuất ra được các sản phẩm chất lượng tốt, giá cả phù hợp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người tiêu dùng trong tỉnh, trong nước…

Hoàng Phương