Nắm lợi thế, cà phê hòa tan Việt Nam kỳ vọng mục tiêu lớn ở châu Âu

Mức thuế mới tạo lợi thế cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu cà phê hòa tan vào thị trường lớn này.

Châu Âu là thị trường lớn thứ hai của cà phê Việt Nam, chiếm trên 42% khối lượng xuất khẩu.

Từ ngày 01/8/2020, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, cà phê hòa tan xuất khẩu vào EU được hưởng thuế xuất bằng 0%, so với mức từ 10 - 20% trước đây là một lợi thế lớn cho các doanh nghiệp cà phê.

Ở một thị trường mà cà phê như đồ dùng bắt buộc...

Đối với người dân châu Âu cà phê là loại thức uống bắt buộc phải có vào buổi sáng. Vì uống cà phê là một nét văn hóa của họ. Đáng chú ý là, EU lại không sản xuất cà phê mà chỉ thuần túy là thị trường tiêu thụ, nên phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu.

Hiện Brazil là nước cung cấp cà phê lớn nhất cho EU, cả cà phê Robusta và Arabica, kế đến là Việt Nam và Colombia. Mặc dù không sản xuất cà phê nhưng EU có một ngành rang xay cà phê phát triển rất mạnh.

EU có mức tiêu thụ cà phê trên đầu người lớn nhất thế giới, khoảng 5kg/người/năm. Tuy nhiên, mức tiêu dùng cà phê trên đầu người tại các nước trong khối lại rất khác nhau. Ví dụ, các nước Đức, Ý và Pháp là những thị trường tiêu dùng cà phê lớn nhất trong châu Âu. Hiện Đức chiếm khoảng 20% tổng tiêu dùng cà phê của châu Âu, theo sau là Pháp và Ý khoảng 13%, Tây Ban Nha khoảng 8% và Anh 8%...

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Intimex Group cho biết, nhu cầu cà phê hòa tan trên thị trường nội địa lẫn xuất khẩu đều tăng, cùng với đó là EVFTA đã có hiệu lực, xuất khẩu cà phê hòa tan vào thị trường EU có thuế suất bằng 0%. Để được hưởng ưu đãi từ Hiệp định này, có nhiều nhà đầu tư tính đầu tư nhà máy chế biến cà phê hòa tan để xuất khẩu vào thị trường EU.

Tuy nhiên, đầu tư một nhà máy chế biến cà phê hòa tan đạt chất lượng châu Âu là chuyện không hề đơn giản, mà thị trường EU lại tiêu thụ cà phê hòa tan 3 trong 1 và các loại cà phê hòa tan khác không nhiều. Song, với mức thuế bằng 0% và xuất khẩu không hạn ngạch chính là cơ hội rất lớn cho phân khúc cà phê hòa tan ở thị trường EU.

Kỳ vọng cú hích mới

Thị trường cà phê Việt Nam phân thành 2 phân khúc rõ ràng: cà phê rang xay đang chiếm khoảng 2/3 sản lượng tiêu thụ, 1/3 còn lại thuộc về phân khúc cà phê hòa tan.

Hiện có rất nhiều loại cà phê hòa tan của các hãng, như: Trung Nguyên, Nestlé, Vinacafé, Maccoffee, Highlands Coffee, Mê Trang… Song, thị phần chủ yếu thuộc về của 3 ông lớn: Trung Nguyên, Nestlé, Vinacafé.

Nestlé đang là một trong những đơn vị thu mua cà phê lớn nhất Việt Nam. Mỗi năm công ty thu mua khoảng 20-25% lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam, và trực tiếp đóng góp khoảng 650 triệu USD vào nền kinh tế thông qua các hoạt động này.

Không chỉ các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI mà hầu hết các nhà rang xay lớn trên thế giới đều mua cà phê của Việt nam, và lâu nay Việt Nam đã trở thành nguồn cung không thể thiếu đối với họ, nhưng về mặt thương hiệu thì Việt Nam vẫn chưa có.

Tại thị trường EU, các nhà rang xay lớn đã có thương hiệu và thành danh trên thị trường thế giới quá lâu, nếu một thương hiệu mới muốn chen chân vào sẽ rất khó.

Trong khi đó, ở thị trường châu Á, châu Phi lượng người tiêu thụ cà phê hòa tan chưa nhiều nên khả năng thành công của các thương hiệu mới tương đối dễ dàng hơn.

Hiện cà phê hòa tan của Việt Nam tiêu thụ rất tốt tại thị trường châu Á, thông qua các thương hiệu nổi tiếng như Nestlé, và Nestlé cũng là đơn vị sử dụng cà phê nhân của Việt Nam nhiều nhất, họ vừa dùng để rang xay vừa dùng để chế biến cà phê hòa tan xuất khẩu đi các thị trường trên thế giới.

“Việt Nam có hàng trăm doanh nghiệp tham gia ra vào lĩnh vực chế biến cà phê hòa tan, nhưng vẫn chưa có sản phẩm nào có thể cạnh tranh nổi với 3 ông lớn trên. Vì vậy, mà mỗi thương hiệu đều chọn hướng đi riêng, cà phê Trần Quang đi vào khu vực Nam Bộ khá tốt, cà phê Phố cũng đang tiến bộ rất nhanh ở thị trường miền Tây…

Intimex thì có chủ trương bán buôn và thị trường xuất khẩu. Chiến lược phát triển của Intimex là trở thành nhà cung cấp cà phê nhân lớn nhất Việt Nam và thế giới và tham vọng của Intimex là phấn đấu lên hàng top của Việt nam về lĩnh vực cung cấp cà phê hòa tan nhưng dưới hình thức bán buôn chứ không tham gia thị trường bán lẻ, và châu Á vẫn là thị trường quan trọng.

Trước đây, thuế suất EU dành cho cà phê hòa tan rất cao từ 10% - 20%, khi EVFTA có hiệu lực thuế nhập khẩu cà phê hòa tan bằng 0% nên Intimex đang hướng mục tiêu vào thị trường châu Âu”, ông Nam chia sẻ.