Nâng cao chất lượng đào tạo ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng tại Trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu

ĐINH THU PHƯƠNG - VÕ THỊ HỒNG MINH (Khoa Kinh tế biển - Logistics, Trường Đại học Bà Rịa -Vũng Tàu)

TÓM TẮT:

Việc nâng cao chất lượng đào tạo trong đại học ngày càng được chú trọng, vì đây là một trong những yếu tố giúp tạo nên thương hiệu của một trường đại học. Bài viết cung cấp những thông tin liên quan đến thực trạng đào tạo của ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng tại Trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là một ngành còn non trẻ, nhưng có tiềm năng phát triển vô cùng lớn.

Từ khóa: chất lượng đào tạo, ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, sự hài lòng của sinh viên.

1. Đặt vấn đề

Trong thế kỷ XXI, mục đích của các trường đại học là tạo ra, sử dụng và chia sẻ tri thức (Van Schalkwyk & Steenkamp, 2014; Umashankar & Dutta, 2007). Trong đào tạo, sinh viên là khách hàng tiếp xúc với các trường đại học, với mục đích thu thập kiến thức và kỹ năng (Abili và cộng sự, 2011; Doherty, 2008). Tất cả những điều này được thực hiện nhằm trang bị, làm phong phú và mở rộng hiểu biết của con người đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, giáo dục đại học phải là hệ thống hàng đầu để chuẩn bị và trang bị cho người lao động trở thành những người có tay nghề cao, sáng tạo, đổi mới và chuyên nghiệp. Vì vậy, việc đánh giá chất lượng dịch vụ giáo dục trở nên quan trọng.

Ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng tuy không phải là ngành mới,  nhưng đang là lĩnh vực được sự quan tâm cao của Nhà nước và các cấp bộ, ngành. Số lượng sinh viên ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng tại Trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu tăng hàng năm, đã phần nào phản ánh được chất lượng đào tạo của trường về lĩnh vực này. Nghiên cứu được thực hiện với mục đích xác định rõ hơn cảm nhận của sinh viên về chất lượng đào tạo ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, cũng như đón nhận ý kiến đóng góp để giúp ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng ngày càng phát triển.

2. Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu

2.1. Khái niệm về chất lượng đào tạo

Chất lượng theo nghĩa tương đối có thể hiểu là tổng hòa những đặc trưng của sản phẩm hay dịch vụ thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng trong những điều kiện nhất định. Một cách tổng quát, chất lượng là sự phù hợp với yêu cầu và theo một số tác giả, sự phù hợp đó phải được thể hiện ở 3 phương diện: hoàn hảo (perfectibility); giá cả (price); và thời điểm (punctuality).

Có nhiều quan điểm khác nhau về xác định chất lượng đào tạo đại học vì chất lượng là một thuật ngữ khó nắm bắt mà có nhiều cách hiểu khác nhau. Một số định nghĩa chủ yếu dựa trên tiêu chuẩn, tập trung vào việc đáp ứng một bộ tiêu chuẩn, thông số kỹ thuật và yêu cầu được xác định trước, hoặc tập trung vào việc vượt quá các tiêu chuẩn cao nhất để theo đuổi sự xuất sắc và độc quyền (Martin và Stella, 2007). Ngược lại, các định nghĩa khác chủ yếu dựa vào các bên liên quan, tập trung vào trách nhiệm giải trình với công chúng hoặc cung cấp trải nghiệm học tập chuyển đổi để mang lại lợi ích cho sinh viên và nhà tuyển dụng (Quality Assurance Agency for Higher Education, 2012). Một số tác giả khác lại xác định chất lượng đào tạo là xác định các chỉ số cụ thể phản ánh đầu vào mong muốn (ví dụ, đội ngũ giảng viên và nhân viên đáp ứng) và đầu ra (ví dụ, việc làm của sinh viên đã tốt nghiệp) (Barker, 2002; Lagrosen và cộng sự, 2004). Sau khi xem xét tất cả các chỉ số, nhóm tác giả xác định 4 loại riêng biệt: chỉ số hành chính, hỗ trợ sinh viên, giảng dạy và kết quả học tập của sinh viên. Ba loại đầu tiên chủ yếu giải quyết các yếu tố đầu vào mong muốn, chẳng hạn như tài nguyên giáo dục có sẵn cho sinh viên. Loại cuối cùng, kết quả học tập của sinh viên, tập trung nhiều hơn vào kết quả đầu ra, chẳng hạn như kết quả học tập, phản ánh xu hướng đánh giá kết quả sinh viên để đảm bảo chất lượng (Tam, 2014).

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Trong khi Du lịch được xem là ngành trọng điểm trong nền kinh tế của các quốc gia cũng như kinh tế toàn cầu, thì Quản trị chuỗi cung ứng cũng trở thành một phần quan trọng trong quản lý kinh doanh. Tuy nhiên, số lượng các bài nghiên cứu về quản trị chuỗi cung ứng ngành Du lịch vẫn còn rất hạn chế. Phần lớn các nghiên cứu về quản trị chuỗi cung ứng tập trung vào lĩnh vực sản xuất.

Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính được thực hiện thông qua khảo sát sinh viên đã và đang học ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng tại Trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu. Mục đích của khảo sát nhằm đánh giá sự hài lòng về chất lượng đào tạo của ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng thông qua các yếu tố khác nhau liên quan đến quá trình đào tạo. Để lập Bảng câu hỏi khảo sát, nhóm tác giả sử dụng mô hình nghiên cứu của giảng viên, (Diamantis và VK Benos (2007)). Sau khi thảo luận cùng các chuyên gia là các lãnh đạo các khoa, bộ môn và giảng viên trong Trường, nhóm tác giả đã hiệu chỉnh các câu hỏi khảo sát cho phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và khả năng nhận thức của sinh viên. Các tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng bao gồm: (1) Chương trình đào tạo, (2) Công tác giảng dạy, (3) Tổ chức đào tạo và đánh giá sinh, (4) Tài liệu và cơ sở vật chất phục vụ học tập, (5) Hỗ trợ hành chính, và (6) Hình ảnh Khoa.

Các chỉ tiêu đo lường chủ yếu trên thang đo 5 điểm, với: 1. Hoàn toàn không đồng ý; 2. Không đồng ý; 3. Bình thường; 4. Đồng ý; 5. Hoàn toàn đồng ý.

Trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu bắt đầu đào tạo ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng từ năm 2012, với hình thức là chuyên ngành của ngành Quản trị kinh doanh và đến năm 2017 mới chính thức được mở ngành riêng. Bên cạnh đó, sinh viên tuyển sinh năm 2021 còn mới, chưa trải nghiệm nhiều trong quá trình học tập. Do đó, để có cái nhìn khách quan về đánh giá của sinh viên về chất lượng đào tạo ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, nhóm tác giả chỉ khảo sát sinh viên được tuyển sinh từ năm 2017 đến năm 2021. Nhóm tác giả tiến hành khảo sát bằng cách gửi mẫu khảo sát qua email, zalo và facebook cho sinh viên. Kết quả thu về 356 đánh giá hợp lệ. Trong 356 sinh viên tham gia khảo sát, có 38 sinh viên khóa 2017 (chiếm 10,7%); 78 sinh viên khóa 2018 (chiếm 21,9%); khóa 2019 và 2020 lần lượt là 102 sinh viên và 138 sinh viên (tương ứng với tỷ lệ 28,7% và 38,7%).

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Kết quả đạt được

Hình: Đánh giá chung về chất lượng đào tạo ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng

danh-gia-chung-ve-chat-luong-dao-tao-nganh-logistics-va-quan-ly-chuoi-cung-ung

Căn cứ vào kết quả khảo sát (Hình), chúng tôi nhận thấy chất lượng đào tạo ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng tại Trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu đã đạt được một số kết quả sau:

Thứ nhất, các tiêu chí được đưa ra khảo sát đều được đánh giá từ mức khá tốt đến rất tốt, và điểm trung bình chung cho các tiêu chí đều đạt trên 3,5. Điều đó chứng tỏ sinh viên khá hài lòng với chất lượng đào tạo Ngành này.

Thứ hai, trong các tiêu chí được đưa ra khảo sát, tiêu chí liên quan đến công tác giảng dạy, chủ yếu là liên quan đến giảng viên, được sinh viên đánh giá rất cao. Cụ thể, ý kiến “Hầu hết các giảng viên cập nhật nội dung giảng dạy mới, phù hợp với thực tiễn” được đánh giá cao nhất, với gần 60% số sinh viên được khảo sát trả lời ở mức “Hoàn toàn đồng ý”, tương ứng với 213 người. Ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng là một trong những ngành thường xuyên phải cập nhật những thông tin mới nhất của thị trường trong nước và thế giới, liên quan đến nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Ví dụ, việc áp dụng các mức thuế suất mới, hoặc các tập quán thương mại quốc tế mới,… đều ảnh hưởng đến nội dung giảng dạy. Điều này đòi hỏi giảng viên phải “đi trước”, bắt kịp những thông tin mới nhất của thực tiễn để đưa vào bài giảng, giúp cho quá trình dạy và học không rời xa thực tế.

Thứ ba, các hoạt động liên quan đến thủ tục hành chính trong suốt quá trình học tập của sinh viên được thực hiện tốt, hỗ trợ cho sinh viên hoàn thành chương trình học của mình. Phát biểu “Các hoạt động Đoàn - Hội trong Trường thiết thực, có tác dụng tốt đối với sinh viên” cũng được sinh viên đánh giá cao với điểm trung bình là 3,84. Ngoài các Câu lạc bộ - Đội - Nhóm chung của trường, sinh viên ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng còn có Câu lạc bộ học thuật riêng của ngành là CLB Logistics (BVU Logistics Club - BLC). Đây là nơi để sinh viên tham gia thêm các hoạt động nghiên cứu, học thuật và giao lưu. Đặc biệt, vào tháng 1/2022, BLC đã tham gia Mạng lưới Câu lạc bộ Logistics sinh viên Việt Nam - tổ chức trực thuộc Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA), bao gồm các Câu lạc bộ về Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng trên toàn lãnh thổ Việt Nam, được thành lập với mục tiêu tạo ra một môi trường giao lưu thân thiện giữa sinh viên các Câu lạc bộ Logistics, cùng nhau hợp tác và phát triển nhằm nâng cao năng lực và chuyên môn của nguồn nhân lực ngành Logistics. Đây thật sự là một “sân chơi” lớn, đem lại nhiều cơ hội kết nối cho sinh viên của Ngành trong quá trình giao lưu với sinh viên các trường, cũng như tăng cường cơ hội tìm việc nhờ việc tiếp cận sớm với các doanh nghiệp, đơn vị sau khi tốt nghiệp.

Thứ tư, là chương trình đào tạo của ngành đáp ứng được nhu cầu của sinh viên trong việc cung cấp các kiến thức nền tảng chuyên ngành kết hợp với việc cập nhật những nội dung mới nhất của ngành nghề trong thực tiễn. Tiêu chí “Các học phần trong chương trình đào tạo có sự gắn kết với nhau” được đánh giá cao nhất là 4,06, với số người “Hoàn toàn đồng ý” là 150 người (chiếm 42,1%) và số người “Đồng ý” là 77 người (chiếm 21,6%). Sự liên kết chặt chẽ giữa các học phần trong chương trình đào tạo giúp người học nắm vững được hệ thống kiến thức chuyên ngành, nhận thấy rằng các kiến thức đó là một khối thống nhất không thể tách rời.

3.2. Hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được đã nêu, công tác đào tạo của ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng vẫn còn một số hạn chế sau:

Một là, hệ thống tài liệu tham khảo chuyên ngành chưa nhiều, sinh viên còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình tự học, tự nghiên cứu. Ý kiến “Thư viện Trường có đủ tài liệu tham khảo cho hầu hết các môn học” có điểm trung bình 3,18. Trong đó, 52 sinh viên được khảo sát đánh giá “Không đồng ý” (chiếm 14,6%) và 223 sinh viên đánh giá “Bình thường” (chiếm 62,6%). Đây cũng là một trong những trở ngại của ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng vì số đầu sách chuyên ngành, chuyên khảo thật sự không nhiều. Các tài liệu sẵn có trong nước còn hạn chế, lại khá lỗi thời, không mang được tính cập nhật so với thực tiễn. Những học phần cần có sự cập nhật, như: Nghiệp vụ ngoại thương, Nghiệp vụ hải quan,… chưa đưa được nhiều tài liệu mới đến cho sinh viên, gây khó khăn cho sinh viên trong quá trình tự học tập, tự nghiên cứu. Trong khi đó, những tài liệu nước ngoài tuy có phong phú hơn nhưng cũng là trở ngại đối với những sinh viên còn hạn chế về khả năng ngoại ngữ.

Hai là, hệ thống kết wifi của Trường còn yếu và thiếu ổn định. Phát biểu “Hệ thống máy tính, mạng internet, wifi của Trường đáp ứng nhu cầu của sinh viên” được cho điểm trung bình là 3,29 với 37/356 sinh viên đánh giá “Không đồng ý”. Sở dĩ có kết quả này là do mặc dù Trường có trang bị wifi miễn phí cho sinh viên, nhưng chất lượng đường truyền không ổn định, sinh viên thường than phiền về khả năng truy cập của hệ thống wifi nhà trường. Bên cạnh đó, sinh viên cũng nhiều lần phàn nàn về hệ thống máy tính của Trường, do thường xuyên hư hỏng, ảnh hưởng đến quá trình học tập và thi cử của sinh viên, đặc biệt là đối với các học phần về tin học.

Ba là, giảng viên của ngành tuy có chuyên môn tốt và nhiệt tình trong việc giảng dạy, hướng dẫn sinh viên, nhưng khối lượng công việc tương đối nhiều nên cũng chưa thể quán xuyến và xử lý nhanh chóng, kịp thời những thắc mắc của sinh viên.

Bốn là, mặc dù kết nối giữa Khoa và các doanh nghiệp trong Ngành khá tốt nhưng còn giới hạn trong phạm vi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chưa mở rộng ra các địa phương khác.

4. Đề xuất giải pháp

Từ kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, tăng cường bổ sung nguồn tài liệu tham khảo chuyên ngành cho sinh viên. Trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu nên có chính sách khuyến khích giảng viên thực hiện biên soạn giáo trình nội bộ cho các học phần của chương trình đào tạo. Bên cạnh đó, đối với việc thu thập, cập nhật những thông tin mới liên quan đến ngành cũng cần được tính thù lao hợp lý, từ đó tạo được động lực cho giảng viên trong việc không ngừng tìm hiểu và chia sẻ thông tin cho tất cả mọi người.

Thứ hai, đầu tư mới hệ thống máy tính trong phòng thực hành và thư viện, tạo thêm thuận lợi cho sinh viên trong quá trình tự nghiên cứu.

Thứ ba, bổ sung thêm nguồn nhân sự cho Ngành. Trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu có thể mời thêm giảng viên thỉnh giảng hoặc bổ sung thêm chuyên viên, giúp đỡ giảng viên giải quyết những vấn đề chuyên môn liên quan đến các thủ tục hành chính.

Thứ tư, làm mới các buổi học bằng cách tổ chức các tiết học có sự tham gia giảng dạy, trình bày kinh nghiệm của các đại diện doanh nghiệp trong Ngành. Nhờ đó sẽ thu hút được sự chú ý của sinh viên, đồng thời giúp sinh viên gắn liền giữa lý thuyết và thực tiễn.

Cuối cùng, tăng cường mở rộng mối quan hệ với các doanh nghiệp trong Ngành ra phạm vi ngoài Tỉnh. Hiện nay, kênh kết nối tốt nhất chính là Hiệp hội VALOMA mà Trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu đang là thành viên. Ngoài ra, việc duy trì mối quan hệ với cựu sinh viên của Ngành cũng là một kênh kết nối hiệu quả, vì những cựu sinh viên này ngoài việc truyền đạt lại kinh nghiệm học tập, kinh nghiệm cho các em khóa sau, còn là những đầu mối chia sẻ thông tin tuyển dụng, cơ hội việc làm sớm nhất cho ngành.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Abili, K., Thani, F. N., Mokhtarian, F., & Rashidi, M. M. (2011). Assessing Quality Gap of University Services. Asian Journal on Quality, 12, 167-175.
  2. Barker, K. C. (2002). Canadian recommended e-learning guidelines. Vancouver, BC: FuturEd for Canadian Association for Community Education and Office of Learning Technologies,
  3. Doherty, G. D. (2008). On Quality in Education. Quality Assurance in Education, 16, 255-265. https://doi.org/10.1108/09684880810886268
  4. V. Diamantis  and  V.K.  Benos (2007).  Measuring  student  satisfaction  with  their studies  in  an  International  and  European  Studies  Depression,  Operational  Research.  An  International  Journal, 7(1), 47-59
  5. Lagrosen, , Seyyed-Hashemi, R., & Leitner, M. (2004). Examination of the dimensions of quality in higher education. Quality Assurance in Education, 12(2), 61-69.
  6. Martin, M. & Stella, A. (2007). External quality assurance in higher education: Making choices. Paris, France: United
  7. Quality Assurance Agency for Higher Education (2012). The UK quality code for higher education: A brief Retrieved from http://he.macclesfield.ac.uk/
  8. Tam, M. (2014). Outcomes-based approach to quality assessment and curriculum improvement in higher Quality Assurance in Education, 22(2), 158-168.
  9. Van Schalkwyk, R. D., & Steenkamp, R. J. (2014). The Exploration of Service Quality and Its Measurement for Private Higher Education Institutions. Southern African Business Review, 18, 83-107.
  10. Yunus, N. K., Ishak, S., & Razak, A. Z. A. A. (2010). Motivation, Empowerment, Service Quality and Polytechnic Students’ Level of Satisfaction in Malaysia. International Journal of Business and Social Science, 1, 120-128.

 

IMPROVING THE TRAINING QUALITY OF THE LOGISTICS AND SUPPLY CHAIN MANAGEMENT PROGRAM AT BA RIA - VUNG TAU UNIVERSITY

DINH THU PHUONG1

VO THI HONG MINH1

1Ba Ria - Vung Tau University

ABSTRACT:

Universities are paying more and more attention to the training quality improvement as the quality is one of the factors that help universities create their brands. This paper provides information about the current training activities of the Logistics and Supply Chain Management program at Ba Ria - Vung Tau University. This new-established program has a great development potential.

Keywords: education quality, Logistics and Supply chain management, student’s satisfaction.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 4, tháng 3 năm 2022]