Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Long An

TS. NGUYỄN QUYẾT THẮNG (Trưởng Khoa Quản trị Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn, Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh (Hutech)) và LƯU HIẾU TRUNG (Phó Trưởng Ban biên tập Cổng Thông tin điện tử tỉnh L

TÓM TẮT:

Chỉ số PCI của tỉnh Long An giai đoạn từ năm 2011 - 2016 ở tốp đầu của cả nước và khu vực, nhưng chỉ số này qua các năm không ổn định (dao động từ hạng 3 năm 2011, đến hạng thứ 19 năm 2013 và hạng 15 năm 2016 so với 63 tỉnh, thành phố cả nước). Với mục tiêu tăng dần điểm số và thứ hạng PCI của Long An qua từng năm để đến năm 2017 và các năm tiếp sau chỉ số PCI của tỉnh đứng trong tốp 10 của cả nước, tỉnh Long An cần thực hiện những giải pháp mạnh và đồng bộ. Bằng phương pháp tổng hợp, so sánh, thống kê phân tích và điều tra chuyên gia; nghiên cứu này đã đi sâu vào xem xét thực trạng các nhân tố ảnh hưởng đến các chỉ số thành phần của chỉ số PCI cấp tỉnh của tỉnh Long An, để từ đó đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chỉ số PCI của tỉnh Long An giai đoạn 2017 - 2020 và các năm tiếp theo.

Từ khóa: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nâng cao chỉ số PCI, thực trạng và giải pháp, tỉnh Long An.

1. Giới thiệu

Chỉ số PCI đã và đang được sử dụng để đánh giá, nhận diện điểm mạnh, điểm yếu trong việc cải thiện môi trường đầu tư của các địa phương (Choe và Roberts, 2011). Tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm từ các địa phương tốt hơn, cải thiện việc thực hiện công tác quản lý điều hành của bộ máy hành chính nhà nước, từ đó đưa ra chính sách phù hợp nhằm nâng cao chất lượng điều hành kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư của địa phương (Đỗ Minh Trí, 2015; M. Porter, 2008). Chỉ số PCI còn là thước đo để đánh giá, so sánh các nỗ lực và tiến bộ của từng tỉnh so với các tỉnh, thành phố khác (Nguyễn Thị Thu Hà, 2009).

Long An là tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (KTTĐPN) - vùng kinh tế năng động nhất nước, với những điều kiện tự nhiên và hạ tầng thuận lợi. Tuy nhiên, kinh tế của tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh (UBNB tỉnh Long An, 2016). Những kết quả nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho thấy, Long An chưa phải là địa phương đang có năng lực cạnh tranh (NLCT) tốt nhất trong khu vực.

Xác định các vấn đề cần giải quyết để nâng cao NLCT của tỉnh của Long An trong thời gian tới thì việc phân tích chỉ số PCI của tỉnh Long An thông qua sự so sánh tương quan với một số tỉnh ở Việt Nam (như các tỉnh lân cận theo địa lý, điểm số; các tỉnh có điều kiện tương đồng; tỉnh tốt nhất, kém nhất và những tỉnh có sự thăng tiến mạnh trong xếp hạng chỉ số PCI,...) là rất cần thiết. Những phân tích, đánh giá trên là cơ sở quan trọng để đề xuất những nhóm giải pháp, kiến nghị nâng cao chỉ số PCI cấp tỉnh của tỉnh Long An trong giai đoạn 2017-2020 và các năm tiếp sau.

2. Cơ sở dữ liệu và phương pháp nghiên cứu

Dữ liệu được sử dụng trong nghiên cứu này bao gồm: Dữ liệu thứ cấp được lấy từ Khảo sát của VCCI, niên giám thống kê; các văn bản nhà nước; số liệu của UBND tỉnh Long An; số liệu từ các báo cáo của phòng, ban tại UBND tỉnh Long An, số liệu từ các nguồn nghiên cứu trên báo và tạp chí… dữ liệu sơ cấp: điều tra khảo sát, thu thập ý kiến của các chuyên gia về một số chỉ tiêu nhằm nâng cao chỉ số PCI tỉnh Long An.

Phương pháp chủ yếu được sử dụng trong nghiên cứu này là phương pháp tổng hợp, thống kê, so sánh. Các phương pháp này sử dụng chủ yếu trong việc nghiên cứu bài học, kinh nghiệm, phân tích đánh giá thực trạng chỉ số PCI của tỉnh Long An, đề xuất hệ thống giải pháp và kiến nghị liên quan đến nâng cao chỉ số PCI tỉnh Long An. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng sử dụng phương pháp điều tra chuyên gia nhằm thu thập ý kiến của các chuyên gia về một số chỉ tiêu nhằm nâng cao chỉ số PCI tỉnh Long An, để từ đó có cơ sở khách quan đề xuất giải pháp và kiến nghị liên quan đến nâng cao chỉ số PCI tỉnh Long An.

3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

3.1. Thực trạng chỉ số PCI của tỉnh Long An so với cả nước, vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Long An là một tỉnh nằm ở miền Nam Việt Nam, thuộc ĐBSCL và là tỉnh trong vùng KTTĐPN. Tỉnh Long An tiếp giáp với TP. Hồ Chí Minh và là cửa ngõ của các tỉnh ĐBSCL với vùng KTTĐPN. Long An có diện tích 4.492 km2 với dân số gần 1,5 triệu người; có 13 huyện, 01 thị xã và 01 thành phố (Cục Thống kê tỉnh Long An, 2016).

Trước hết cần phải so sánh chỉ số PCI của Long An với các tỉnh trong cả nước, giữa các tỉnh khu vực ĐBSCL và giữa các tỉnh vùng KTTĐPN có những lợi thế khá tương đồng với nhau. Từ kết quả số liệu xếp hạng PCI các tỉnh mà VCCI (2017) đã công bố, tác giả tiến hành tổng hợp và lập hình như sau (Hình 1).

Nếu so với 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, Long An có kết quả xếp hạng PCI thuộc nhóm không ổn định. Cụ thể, theo số liệu của VCCI năm 2011 so với cả nước, Long An đứng thứ hạng 3 và được đánh giá là rất tốt (VCCI, 2012). Các năm còn lại xếp hạng từ mức 7 đến 19 trên 63 tỉnh, thành phố xếp từ khá đến tốt. Việc tăng và giảm hạng trên đây được xem là bài học có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho Long An tự nhận thức và đánh giá về sự nỗ lực của mình thông qua sự nhìn nhận từ bên ngoài, đặc biệt là nhìn nhận từ các doanh nghiệp về môi trường đầu tư của tỉnh. Nhờ nhận ra những hạn chế và khắc phục kịp thời, nên năm 2014 và năm 2015, chỉ số PCI của tỉnh lại vươn lên thứ 7 và thứ 9. Tuy nhiên, năm 2013 lại là năm không thể đột phá của chỉ số PCI tỉnh Long An, và sự thận trọng của doanh nghiệp trước những khó khăn mà nền kinh tế đang gặp phải dường như vẫn còn ảnh hưởng tới môi trường đầu tư ở tỉnh Long An, mặc dù chính quyền tỉnh đã có nhiều chính sách giúp đỡ doanh nghiệp (UBND tỉnh Long An, 2017).

Nhìn nhận và phân tích các nguyên nhân chủ yếu tác động làm ảnh hưởng tới thứ bậc PCI hàng năm của Long An được thể hiện qua Bảng 1 với các chỉ số thành phần xếp hạng PCI các tỉnh mà VCCI (2017) đã công bố, tác giả tiến hành tổng hợp và lập bảng (Bảng 1).

Phân tích đã cho thấy có sự khác biệt của một số yếu tố liên quan đến PCI giữa năm 2011 với năm 2013. Liên quan đến vấn đề gia nhập thị trường chỉ số giảm là 1,15, như vậy cho thấy đã có sự khó khăn lớn trong việc gia nhập thị trường của hàng hóa. Đánh giá theo chỉ số thành phần tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất, nếu năm 2011, tổng hợp điểm mà doanh nghiệp đánh giá rủi ro bị thu hồi đất là 8,37 thì năm 2013, con số này là 6,76, như vậy đã có sự thay đổi đáng kể đối với lòng tin của họ.

Kết quả xếp hạng PCI phụ thuộc rất nhiều vào ý chủ quan của doanh nghiệp, tuy nhiên nó lại được dựa trên những cơ sở hoạt động thực tiễn tại địa phương, nên cũng có giá trị tham khảo, làm bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo của các cấp lãnh đạo ban, ngành của tỉnh. Cho dù năm 2012 và năm 2013, PCI của Long An bị tụt giảm, nhưng nhìn chung cả giai đoạn 2011 – 2016, sự biến động của nó là không nhiều và khá ổn định, đứng ở mức trên tốp đầu so với các tỉnh, thành phố khác. Nếu chỉ nhìn nhận về thứ hạng thì Long An luôn có thứ hạng PCI ở nhóm tốt và rất tốt trong toàn quốc và theo tiêu chí này chứng tỏ môi trường thu hút đầu tư ở Long An đã có tính thuyết phục đối với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, nếu xem xét về lợi thế địa lý - kinh tế tỉnh Long An có rất nhiều thuận lợi so với nhiều địa phương khác ở nhiều mặt, đặc biệt là vị trí địa lý, điều kiện giao thông và nguồn lao động. Đánh giá theo các lợi thế này, nghiên cứu cho rằng, thứ hạng PCI được thể hiện qua các năm còn khiêm tốn so với những gì mà tỉnh Long An đã có được.

Để việc đánh giá đảm bảo tính khách quan, nhiều chiều, nghiên cứu đã tiến hành khảo sát, điều tra 40 chuyên gia, gồm: chuyên gia là các lãnh đạo các sở, phòng, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu,… có am hiểu về lĩnh vực nghiên cứu. Khảo sát này nhằm đánh giá thêm một số chỉ tiêu về việc nâng cao chỉ số PCI của tỉnh Long An như môi trường đầu tư và kinh doanh của tỉnh Long An.

Qua kết quả khảo sát cho thấy, về trình độ, năng lực của cán bộ công chức tỉnh Long An thì có tới 66,67% đánh giá trình độ cán bộ công chức (CBCC) hiện nay đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ, 25% cho biết là cơ bản đáp ứng được một phần công việc; về thái độ làm việc thì có 47,42% đánh giá theo hướng phục vụ tốt, 22,22% đánh giá theo hướng doanh nghiệp tự tìm hiểu rồi thực hiện và có tới 30,56% đánh giá “tuyệt đối theo mệnh lệnh hành chính”, kết quả thể hiện qua Hình 2.

Qua kết quả khảo sát về 03 trụ cột của phát triển bền vững là phát triển kinh tế - xã hội - môi trường, các chuyên gia đánh rất tốt trụ cột kinh tế của tỉnh, trên 85% đánh giá là rất tốt (33,33%) và tốt (52,78%); về trụ cột xã hội cũng được đánh giá cao, trên 80% chuyên gia đánh giá là rất tốt (41,67%) và tốt (41,67%); về trụ cột môi trường trên 50% đánh giá là tạm được (52,78%), các chuyên gia đã lo lắng về việc ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến phát triển bền vững tại tỉnh Long An, kết quả thể hiện qua Hình 3.

Đi sâu tìm hiểu nguyên nhân thông qua phỏng vấn, trao đổi với các chuyên gia; chúng tôi thấy có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chỉ số PCI của tỉnh không ổn định, nhưng nổi lên có một số nguyên nhân chính sau:

- Thứ nhất, mô hình tổ chức thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” và “một cửa liên thông hiện đại” ở các sở, ngành, UBND cấp huyện chưa nhất quán và cơ chế phối hợp giữa các ngành trong thực hiện ở một số lĩnh vực chưa rõ ràng, còn vướng mắc trong thực tế vận hành. Việc giải quyết thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực tại một số đơn vị chất lượng thấp, DN, nhà đầu tư vẫn phải đi lại nhiều lần và mất nhiều thời gian. Việc kiểm tra, giám sát, xử lý sai phạm trong thực hiện các quy định về cải cách thủ tục hành chính chưa được làm thường xuyên, kiên quyết (UBND tỉnh Long An, 2017). Vì lẽ đó, DN đã đánh giá không cao hoạt động của chính quyền cấp tỉnh trong việc giảm chi phí gia nhập thị trường, cũng như nâng cao tính minh bạch.

- Thứ hai, DN đã có nhiều cơ hội tiếp cận hơn với các thông tin kinh doanh và các văn bản quy phạm pháp luật, tài liệu cần thiết, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của DN trong điều kiện môi trường kinh doanh nhiều biến động như ngày nay, những thông tin công khai còn sơ sài, chậm cập nhật, chất lượng không cao. Sự không rõ ràng trong chính sách của chính quyền tỉnh là nguyên nhân gây ra tính không chính xác trong dự báo các cơ hội đầu tư, từ đó hình thành tâm lý e ngại đối với các nhà đầu tư khi bỏ vốn đầu tư kinh doanh. Cải cách và tạo lập một môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch luôn là một đòi hỏi bức thiết, nhưng mức độ thực hiện trong những năm qua chưa thể hiện bước đột phá. Cùng với đó, chất lượng dịch vụ công đã có những cải thiện nhất định, nhưng chất lượng vẫn còn thấp, chưa chuyên nghiệp.

- Thứ ba, số lượng DN mới thành lập hàng năm còn thấp, trong khi hộ kinh doanh cá thể có quy mô khá lớn lại tăng nhanh. Chi phí gia nhập thị trường của tỉnh Long An vẫn còn cao hơn so với nhiều tỉnh khác. Các thủ tục giấy tờ liên quan đến tham gia thị trường của DN còn phức tạp, thời gian để hoàn thiện kéo dài gây khó khăn cho DN muốn đi vào hoạt động. Doanh nghiệp và nhà đầu tư khó khăn hơn trong tiếp cận đất đai và tính ổn định của mặt bằng sản xuất - kinh doanh thấp. Trong đó, vấn đề cơ sở hạ tầng vẫn còn nhiều yếu kém và chưa đồng bộ. Nhiều quy hoạch chất lượng thấp, chắp vá, điều chỉnh bổ sung nhiều và khó đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững. Trong công tác bồi thường còn nhiều vướng mắc trong khâu tổ chức thực hiện, nhiều trường hợp bồi thường chưa thỏa đáng.

- Thứ tư, tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh đã phát huy nhưng vẫn chưa thỏa mãn được đa số mong mỏi của DN và nhà đầu tư, trong khi đó đội ngũ cán bộ công chức thực hiện còn nhiều hạn chế về chuyên môn và tinh thần phục vụ. Việc tổ chức thực hiện một số chủ trương, chính sách liên quan đến hoạt động sản xuất - kinh doanh còn chưa nghiêm, chưa thống nhất.

- Thứ năm, hệ thống chính sách đào tạo lao động chưa thực sự phát huy hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển lâu dài. Chất lượng lao động chưa cao, năng suất lao động thấp, thiếu hụt lao động có kỹ năng ở nhiều ngành sản xuất, đặc biệt những ngành có hàm lượng khoa học công nghệ cao, tạo nhiều giá trị tăng thêm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề còn thấp nên việc sử dụng lao động cho phù hợp ngành nghề đã được đào tạo đang đặt ra những vấn đề hết sức cấp thiết hiện nay cho tỉnh.

Trong một loạt những vấn đề trên thì tính minh bạch và tiếp cận đất đai đang trở thành vấn đề “nóng” nhất, ảnh hưởng sự phát triển cộng đồng DN. Tính minh bạch và tiếp cận thông tin có xu hướng giảm trong cảm nhận của DN.

Việc xác định rõ những tồn tại, hạn chế cùng với những nguyên nhân là cơ sở quan trọng cho việc đề xuất những giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI cấp tỉnh của tỉnh Long An trong giai đoạn tới. Bên cạnh nhiệm vụ đó, cũng rất cần phải có những nhận xét, đánh giá về tổ chức xếp hạng PCI hiện nay, để có cơ sở đề xuất khuyến nghị duy trì, hoàn thiện hơn trong thời gian tới.

3.2. Đề xuất giải pháp

Để cải thiện các chỉ số thành phần của chỉ số PCI của tỉnh Long An, chúng tôi đề xuất 3 nhóm giải pháp cần tập trung để cải thiện 10 thành phần chỉ số PCI của tỉnh Long An, như sau:

- Nhóm 1 - Thực hiện cải cách hành chính, cải thiện các chỉ số thành phần gồm: (3) Tính minh bạch; (4) Chi phí thời gian; (5) Chi phí không chính thức; (9) Thiết chế pháp lý.

- Nhóm 2 - Thực hiện hỗ trợ DN, cải thiện các chỉ số thành phần gồm: (2) Tiếp cận đất đai; (6) Tính năng động; (7) Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; (8) Đào tạo lao động.

- Nhóm 3 - Giảm chi phí gia nhập thị trường, cải thiện các chỉ số thành phần gồm: (1) Chi phí gia nhập thị trường; (10) Cạnh tranh bình đẳng.

3.2.1. Thực hiện cải thiện các chỉ số trong nhóm 1 - Thực hiện cải cách hành chính

Nhằm thực hiện được những mục tiêu quan trọng về kinh tế, thu hút đầu tư chính sách về cải cách hành chính có vị trí trung tâm rất quan trọng. Thiết chế pháp lý tốt tạo điều kiện cho tính minh bạch của của bộ máy qua đó làm giảm chi phí thời gian và chi phí không chính thức của doanh nghiệp và nhà đầu tư. Qua nghiên cứu, chúng tôi đề xuất tỉnh Long An cần triển khai một số giải pháp sau:

- Cần đẩy mạnh xây dựng chính quyền thân thiện, gần dân. Đặc biệt, đẩy mạnh việc cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng. Ngăn ngừa hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

- Khảo sát lấy ý kiến doanh nghiệp về các nội dung liên quan đến chỉ số PCI. Tăng cường phối hợp và trách nhiệm của các ngành liên quan trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính; quán triệt nhiệm vụ cải thiện và nâng cao PCI.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Xây dựng cổng thông tin điện tử của tỉnh hiện đại, cung cấp các dịch vụ, thông tin cần thiết về chính sách thu hút đầu tư, quy hoạch, xây dựng phần “Đối thoại với doanh nghiệp” trên Cổng, đảm bảo duy trì thông tin và phản hồi những câu hỏi của doanh nghiệp và nhà đầu tư. Khảo sát nhà đầu tư về các chỉ số thành phần còn thấp để tập trung cải thiện;

- Tăng cường nhân sự cho Sở Tư pháp, đặc biệt là Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính. Hiện nay, số cán bộ trực tiếp làm việc của Phòng này là khá mỏng. Cần thiết chuyển bộ phận này về Văn phòng UBND tỉnh để có sự chỉ đạo trực tiếp của UBND tỉnh;

- Tổ chức bộ phận “một cửa liên thông”, “một cửa liên thông hiện đại” tại các sở, ban, ngành đảm bảo cho bộ phận này phải đủ trang thiết bị vật chất đi kèm, trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị liên quan tiếp nhận và xử lý thông tin. Bộ phận “một cửa liên thông”, “một cửa liên thông hiện đại” được đặt tại Trung tâm Phục vụ Hành chính Công của tỉnh, cán bộ thường trực của bộ phận này gồm cán bộ các sở, ban, ngành liên quan tới tiếp nhận thủ tục hành chính trong lĩnh vực thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh Long An.

3.2.2. Cải thiện các chỉ số trong nhóm 2 - Thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp

Vai trò của chính quyền cấp tỉnh rất quan trọng trong thu hút đầu tư, sự năng động của lãnh đạo tỉnh giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư có điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận và giải quyết các thủ tục về đất đai, lao động và sử dụng các dịch vụ hỗ trợ khác. Trong thời gian tới, tỉnh Long An cần đẩy mạnh triển khai một số giải pháp sau:

- Tổ chức Hội nghị gặp các doanh nghiệp nhà đầu tư 6 tháng/lần. Sở Kế hoạch và Đầu tư cần thương xuyên phối hợp với Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh tổng hợp được các khó khăn, vướng mắc liên quan đến doanh nghiệp để kịp thời giải quyết;

- Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên công khai quy hoạch sử dụng đất, đảm bảo thủ tục và việc tiếp cận đất đai của doanh nghiệp và nhà đầu tư thuận lợi nhất. Việc quy hoạch sử dụng đất, quỹ đất dành thu hút đầu tư cần công khai trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, các website của ngành;

- Rà soát nhu cầu nguồn nhân lực và các lĩnh vực cần thu hút lao động, đây là một trong những vấn đề quan tâm đặc biệt của chính quyền tỉnh. Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh là một trong những yêu cầu rất quan trọng và cốt lõi trong cả quá trình đào tạo nguồn nhân lực. Tỉnh Long An cần thiết phải xây dựng sự liên kết vùng với những cơ sở đào tạo nghề ở các tỉnh, thành phố liền kề như TP. Hồ Chí Minh,…

- Thu hút các chuyên gia hay lao động có kỹ năng sẽ là một đặc điểm quan trọng, then chốt của quá trình nâng cao NLCT nhằm thu hút đầu tư. Vì vậy, phải tiếp tục cụ thể hóa các chính sách để thu hút lao động trình độ cao vào bộ máy chính quyền tỉnh, điều chỉnh kịp thời với giá trị kinh tế ưu đãi dành cho họ, tác giả đề xuất chính sách dành cho công chức đào tạo nâng cao trình độ.

3.2.3. Thực hiện cải thiện các chỉ số trong nhóm 3 - Giảm chi phí gia nhập thị trường

- Đảm bảo giải quyết thủ tục hành chính công khai, minh bạch, giữa các thành phần kinh tế nhà nước, tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài;

- Hiện đại hóa bộ phận tiếp nhận và xử lý hồ sơ, đảm bảo thời gian thực hiện các thủ tục tranh liên hệ với nhà đầu tư quá nhiều lần để bổ sung hồ sơ;

- Tăng cường kiểm tra hàng, giả, hàng kém chất lượng, đảm bảo công tác quản lý thị trường trong tỉnh ngày càng tốt; khuyến khích doanh nghiệp sản xuất và đưa hàng hóa ra thị trường.

3.2.4. Một số giải pháp khác

Một số giải pháp khác cần đẩy mạnh là phát triển hệ thống giao thông trên địa bàn Long An. Cần thể hiện mạnh mẽ việc mời gọi đầu tư, ưu tiên cho các dự án đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh. Việc quản lý, vận hành khai thác các tuyến đường bộ, đường sông phải đảm bảo an toàn, hiệu quả bền vững về chất lượng. Tăng cường công tác quản lý bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, tỉnh phải dành phần vốn phù hợp cho công tác này… Ngoài ra, tỉnh Long An cần phải có giải pháp đồng bộ để phát triển các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN). Muốn vậy, tỉnh Long An phải có chính sách quy hoạch phát triển các ngành, nghề phải có sự liên kết vùng miền, liên kết ngành như việc cung cấp nguồn nguyên liệu, lao động từ các CCN, làng nghề tới KCN và ngược lại.

4. Kết luận

Việc nâng cao NLCT nhằm thu hút đầu tư tại tỉnh Long An đã sớm được lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Long An chú trọng và quan tâm triển khai theo hệ thống các sở, ban, ngành để nâng cao NLCT cấp tỉnh. Kinh tế tỉnh Long An đã tăng trưởng theo hướng bền vững, chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện, các vấn đề an sinh xã hội được quan tâm làm tốt, điều này cho thấy hiệu quả của sự sáng suốt lãnh đạo từ chính quyền cấp tỉnh đối với thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, từ nghiên cứu thực tế, kết quả tăng trưởng kinh tế hàng năm cho thấy, vẫn có nhiều hạn chế giữa tiềm năng của tỉnh Long An với mục tiêu tăng trưởng đầu tư đề ra. Thách thức đáng được quan tâm là sự đồng thuận giữa nhà đầu tư và chính quyền tỉnh Long An và lợi ích của người dân cần tiếp tục được thống nhất hài hòa.

Trong thời gian tới, chính quyền tỉnh Long An cần tiếp tục chú trọng tới những khó khăn chung của nền kinh tế đang tác động mạnh tới tiến độ thực hiện các chính sách phát triển kinh tế của tỉnh Long An như: (1) Đẩy mạnh chính sách về thu hút đầu tư cùng với việc cải cách TTHC phải được triển khai, phổ biến kịp thời; (2) Công tác quy hoạch các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh đã sớm được triển khai phê duyệt, đồng thời đẩy mạnh hiệu quả khai thác các KCN, CCN; hạn chế lãng phí tài nguyên đất do một số dự án chậm triển khai; (3) Có giải pháp nâng cao chất lượng và số lượng lao động; (4) Đẩy mạnh công tác xây dựng, nâng cấp, tu bổ các tuyến đường giao thông chính, có vai trò huyết mạch của tỉnh Long An.

Hy vọng với những nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, các cấp chính quyền tỉnh Long An, chỉ số PCI tỉnh Long An thời gian tới sẽ không ngừng tăng cao, ổn định, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Cục Thống kê tỉnh Long An (2016), Niên giám thống kê tỉnh Long An năm 2015, Long An.

2. Choe và Roberts (2011), Competitive Cities in the 21st Century Cluster -Based local Economic Development CCED, Australian Gorvernment, Asian Development Bank ADB.

3. Nguyễn Thị Thu Hà (2009), Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay, Nhà Xuất bản Thông tấn Hà Nội.

4. Đỗ Minh Trí (2015), Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm thu hút đầu tư tại tỉnh Hưng Yên, Luận án Tiến sỹ kinh tế, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

5. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (2017), Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam từ năm 2011 - 2016, Hà Nội.

6. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI (2012), Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam năm 2011, Hà Nội.

7. UBND Tỉnh Long An (2017), Báo cáo tổng kết năm và phương hướng nhiệm vụ, từ năm 2011 - 2017, Long An.

8. Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (2003), Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, NXB Giao thông vận tải, Hà Nội.

9. M. Porter (2008), Vietnams Competitiveness and the Role of the Private Sector. Ho Chi Minh, Vietnam.

IMPROVING PROVINCIAL COMPETITIVENESS INDEX (PCI) OF LONG AN PROVINCE

PhD. NGUYEN QUYET THANG

Dean of Tourism & Hospitality Faculty

Ho Chi Minh City University of Technology (HUTECH)

LUU HIEU TRUNG

Deputy Head of Editorial Board of Long An Portal

Director of Information Communication Technology and

Office Department of Long An Provinces People's Committee

ABSTRACT:

PCI of Long An Province was one of the best in Vietnam from 2011 to 2016, yet it has been very unstable annualy (ranked 3rd in 2011, 19th in 2013 and 15th in 2016 among 63 provinces and cities in the entire country). To increase PCI and to become in the nations best 10 provinces starting from 2017, Long An needs to execute significant and synchronous plans. By using methodology which are summarizing and comparing, descriptive analysis, and in-depth interviews with experts; this research has looked thoroughly into the factors affecting components of Long Ans PCI and recommended solutions to improve it from 2017 to 2020.

Keywords: Provincial Competitiveness Index (PCI), PCI Improvements, Situation and Solutions, Long An Province.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 08 tháng 07/2017 tại đây.