Nâng cao hiệu quả công tác đấu thầu dự án đầu tư tại Tổng công ty Điện lực miền Bắc

Đề tài Nâng cao hiệu quả công tác đấu thầu dự án đầu tư tại Tổng công ty Điện lực miền Bắc do Vũ Hồng Hải1* (1 Tổng công ty Điện lực Miền Bắc) thực hiện.

TÓM TẮT:

Ngành Điện nói chung và Tổng công ty Điện lực miền Bắc (NPC) nói riêng đã luôn cố gắng để đáp ứng đầy đủ nhu cầu về điện của khách hàng với chất lượng và dịch vụ ngày càng tốt hơn trên phạm vi địa bàn các tỉnh miền Bắc. Đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) là nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện thường xuyên của NPC để đảm bảo nhu cầu phát triển của đất nước. Bài viết rà soát công tác đấu thầu dự án đầu tư XDCB điện tại NPC, từ đó đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu thầu cho NPC đồng thời rút ra bài học kinh nghiệm chung cho các dự án đầu tư XDCB các công trình điện của Việt Nam.

Từ khóa: hiệu quả, đấu thầu dự án đầu tư, Tổng công ty Điện lực miền Bắc.

1. Đặt vấn đề

Ngành Điện là ngành công nghiệp sản xuất ra tư liệu sản xuất, là yếu tố đầu vào không thể thiếu của mọi ngành trong một nền kinh tế hiện đại, quyết định đến trình độ sản xuất và năng suất lao động của các ngành khác cũng như của toàn xã hội, tạo điều kiện phát triển các ngành có liên quan, thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển kinh tế. Hơn nữa, đây cũng là ngành sản xuất ra tư liệu tiêu dùng, phục vụ đời sống, sinh hoạt cho các tầng lớp dân cư trong xã hội. Bởi vậy, ngành Điện có ảnh hưởng tới việc nâng cao chất lượng, trình độ và mức sống cho người dân trong xã hội. Đầu tư XDCB các công trình điện là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong hoạt động đầu tư phát triển của ngành Điện nói chung cũng như xây dựng phát triển hệ thống lưới điện nói riêng.

Riêng đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng của Tổng công ty Điện lực miền Bắc tuy đã có những bước phát triển về mọi mặt, nhưng với máy móc thiết bị hầu như đã khai thác hết năng lực sản xuất, hệ thống đường dây truyền tải và phân phối đang đòi hỏi được nâng cấp và cải tạo để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu về điện tăng cao của khách hàng trên địa bàn. Vì vậy, công tác quản lý dự án các công trình điện luôn là nhiệm vụ trọng tâm của Tổng công ty Điện lực miền Bắc, nhằm tăng cường công suất bổ sung, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế. Theo đó, trên cơ sở hệ thống hóa các lý luận và thực trạng về quản lý dự án đầu tư xây dựng, nghiên cứu này đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác đầu tư xây dựng ở Tổng công ty Điện lực miền Bắc.

2. Đặc điểm của các dự án đầu tư xây dựng công trình điện

Ngành Điện có đặc điểm là một ngành sản xuất, cung cấp sản phẩm không tích lũy trước, quá trình sản xuất và tiêu thụ diễn ra đồng thời. Thứ hai, đầu tư XDCB vào ngành Điện đòi hỏi một khối lượng vốn rất lớn, vốn để xây dựng các nhà máy điện, trạm điện, đường dây theo một hệ thống đồng bộ mới có thể truyền tải và phân phối điện tới nơi tiêu thụ. Theo đó, một số đặc điểm của dự án đầu tư xây dựng công trình điện gồm:

- Vốn đầu tư lớn nhưng quay vòng chậm: Vốn đầu tư cho ngành Điện rất lớn nhưng sẽ là những khoản đầu tư làm tiền đề phát triển cho nền kinh tế. Mặc dù vậy, thời gian quay vòng vốn đầu tư các dự án ngành Điện rất dài, có thể lên đến hàng chục năm và trong một số trường hợp xét về quan điểm đầu tư mức độ rủi ro cũng tương đối lớn.

- Hiệu quả vốn thấp nhưng đem lại hiệu quả lớn cho nền kinh tế, tuy nhiên khó xác định cụ thể. Lợi nhuận thu được từ quá trình đầu tư thấp so với các ngành kinh tế khác, nhưng tạo tiền đề cho các ngành kinh tế khác phát triển, hiệu quả đầu tư có tác dụng lâu dài và vững chắc.

- Là một ngành có tính liên kết hệ thống tuyệt đối. Các bộ phận cấu thành hệ thống lưới điện có mối liên hệ chặt chẽ và đồng bộ với nhau. Hiệu quả của ngành Điện cũng chính là hiệu quả của toàn bộ hệ thống chứ không riêng của một bộ phận nào. Vì vậy, để tạo tiền đề cho các ngành nghề khác phát triển, kể cả phát triển về nhu cầu văn hóa xã hội, đời sống người nhân dân, thì việc quản lý triển khai dự án điện tốt sẽ là cơ sở góp phần vào sự phát triển của cả nền kinh tế nói chung.

- Hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản có liên quan chặt chẽ đến môi trường pháp lý. Cụ thể ở Việt Nam, hoạt động này cần tuyệt đối tuân thủ các văn bản pháp lý của Nhà nước về công tác đầu tư xây dựng cơ bản, luật xây dựng và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn, Luật đấu thầu. Riêng với ngành Điện, hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản trong Ngành còn phải tuân thủ theo Luật Điện lực, một số các văn bản chuyên ngành khác.

Với các đặc trưng nêu trên, việc quản lý dự án cần lưu ý trọng tâm đến công tác đôn đốc kiểm soát tiến độ thực hiện, giám sát chặt chẽ quá trình thi công để đảm bảo đúng kỹ thuật và chất lượng công trình, cũng như giảm thiểu chi phí trong công tác quản lý dự án.

3. Một số đặc điểm của hệ thống điện miền Bắc

Hệ thống điện miền Bắc bao gồm 27 tỉnh, thành phố phía Bắc, trải dài từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh. Hệ thống điện miền Bắc liên kết với hệ thống điện quốc gia qua 7 trạm biến áp 500kV, là: Hòa Bình (2x450MVA), Nho Quan (2x450MVA), Thường Tín (2x450MVA), Hà Tĩnh (1x450MVA), Sơn La (2x450MVA), Quảng Ninh (2x450MVA), Hiệp Hòa (2x900MVA); liên kết với hệ thống điện miền Trung qua đường dây 220kV Hà Tĩnh - Đồng Hới. Tổng công ty Điện lực miền Bắc (NPC) quản lý vận hành lưới điện 110kV trên địa bàn 27 tỉnh phía Bắc, thông qua Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc (NGC) và 3 công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình, Hải Dương và Hải Phòng. Địa bàn cấp điện của Tổng công ty là một khu vực rộng lớn toàn miền Bắc (trừ Thủ đô Hà Nội), dân cư đông đúc, địa hình phức tạp, đặc biệt là khu vực đồi núi phía Bắc với điều kiện thời tiết và khí hậu khó lường, cùng với sự phân bố nguồn điện và phụ tải không đồng đều giữa các vùng. Công suất tiêu thụ, Pmax = 6.179MW; sản lượng thương phẩm đạt 33,6 tỷ kWh.

Ngoài ra, hiện nay, toàn bộ phụ tải các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ và một phần phụ tải Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Quảng Ninh thuộc hệ thống điện miền Bắc đang phải nhận điện từ Trung Quốc với công suất lớn nhất khoảng 900MW và sản lượng trung bình ngày khoảng 9 - 10 triệu KWh, nhằm giảm thiểu nguy cơ thiếu điện ở khu vực phía Bắc nói riêng và cả nước nói chung. Lưới điện truyền tải 500kV đã thực sự trở thành hệ thống liên kết xương sống của hệ thống điện quốc gia, hình thành một hệ thống điện hợp nhất, đóng vai trò quan trọng trong việc phối hợp vận hành các nguồn điện trên toàn hệ thống, giảm thiểu chi phí vận hành, hỗ trợ dự phòng công suất giữa các hệ thống điện miền Bắc, tăng độ an toàn và tin cậy trong cung cấp điện cũng như đảm bảo chất lượng điện năng, đảm bảo cân bằng công suất và năng lượng cho toàn hệ thống.

Thành phần nguồn thủy điện chiếm tỷ trọng lớn, phân bố không đều về địa lý, chủ yếu tập trung ở các tỉnh miền núi phía Bắc (Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Hà Giang, Lào Cai...), xa trung tâm các phụ tải lớn, điều này dẫn đến đường dây tải điện tương đối dài. Lưới cung cấp điện có nhiều cấp điện áp (220, 110, 66, 35, 22, 15, 10, 6kV), cũ nát phi tiêu chuẩn (thiếu bù và các phương tiện điều chỉnh điện áp).

4. Hiện trạng công tác đấu thầu dự án đầu tư xây dựng tại Tổng công ty Điện lực miền Bắc

Công tác quản lý dự án đầu tư XDCB theo quy định của Tổng công ty Điện lực miền Bắc nói riêng cũng như quy định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam nói chung bao gồm từ khảo sát thiết kế, thẩm định dự án; đấu thầu; thi công; thanh quyết toán. Theo đó, việc lựa chọn các nhà thầu có năng lực và chất lượng thiết bị tốt sẽ ảnh hưởng nhiều đến tiến độ dự án. Tuy nhiên trong thực tế, công tác đấu thầu đang là khâu gặp phải nhiều khó khăn vướng mắc. Báo cáo tổng hợp công tác đầu tư xây dựng giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2020 và Báo cáo tài chính từ năm 2015 đến năm 2020 của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (2021) cho thấy, quá trình triển khai lựa chọn nhà thầu trong các Ban quản lý, Công ty vẫn còn một số hạn chế, dẫn đến chất lượng, tiến độ và hiệu quả của dự án không cao. Cụ thể:

 - Công tác chuẩn bị đấu thầu chưa tốt, chất lượng hồ sơ mời thầu chưa được nâng cao, một số điểm chưa rõ ràng trong hồ sơ dự thầu của nhà thầu chưa được đưa vào trong thương thảo hợp đồng trên cơ sở bảo vệ quyền lợi bên A.

- Một số hồ sơ mời thầu thiếu tính chặt chẽ từ khâu chuẩn bị hồ sơ thầu bao gồm công tác khảo sát, thiết kế, bóc tách khối lượng… dẫn đến trong quá trình thực hiện hợp đồng phải thay đổi thiết kế, phát sinh khối lượng kéo dài tiến độ thi công, ảnh hưởng đến chất lượng công trình, thay đổi giá hợp đồng.

 - Việc lựa chọn nhà thầu theo tiêu chí đạt và có đánh giá thấp nhất thì trúng thầu, tuy nhiên chất lượng thiết bị và năng lực nhà thầu không phải là tốt nhất. Chính vì thế, quá trình thực thi hợp đồng thường xử lý nhiều vấn đề phát sinh, gây chậm trễ trong việc thực thi dự án. Theo Báo cáo tổng hợp công tác đầu tư xây dựng giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2020 của Tổng công ty Điện lực miền Bắc, nhiều nhà thầu bỏ giá rẻ, thậm chí chỉ đạt 60% giá trị gói thầu theo kế hoạch, gây nên tình trạng phá giá trong xây dựng, đây là một sự cạnh tranh không lành mạnh (đấu thầu trở thành đấu giá).

 - Bên cạnh đó, một số gói thầu xây lắp, đấu thầu thường bị kéo dài so với kế hoạch, hầu hết các gói thầu từ thời gian lập hồ sơ mời thầu đến khi có kết quả đấu thầu vượt kế hoạch thông thường từ 1 đến 2 tháng. Nguyên nhân chủ yếu do chưa kiểm tra kỹ từ khi chuẩn bị đấu thầu đến quá trình phê duyệt kế hoạch đấu thầu, xét thầu nên phải điều chỉnh và thẩm định kết quả đấu thầu kéo dài, vì phải xử lý các tình huống trong đấu thầu.

Do tiến độ công trình gấp gáp, nên hầu hết việc mua sắm vật tư đều được thực hiện bằng hình thức chỉ định thầu hoặc mua sắm trực tiếp, dẫn đến không có sự cạnh tranh về giá. Hình thức chỉ định thầu chiếm tỷ lệ khoảng 50% số dự án đầu tư xây dựng của Tổng công ty Điện lực miền Bắc.

5. Một số nguyên nhân cơ bản dẫn đến hạn chế trong công tác đấu thầu đầu tư xây dựng tại Tổng công ty Điện lực Miền Bắc

Công tác quản lý đấu thầu các dự án đầu tư xây dựng tại Tổng công ty Điện lực miền Bắc trong giai đoạn 2027 - 2022 đã có những chuyển biến, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn. Một số nguyên nhân cơ bản dẫn đến hạn chế, khó khăn đến từ cả nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan.

5.1. Về nguyên nhân chủ quan

- Năng lực quản lý của các phòng còn nhiều bất cập. Tính thụ động trong công việc còn khá phổ biến, trách nhiệm cá nhân còn chưa được làm minh bạch. Trách nhiệm quản lý của phòng, ban liên quan đến công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng thuộc công ty chưa cao.

- Quy trình tổ chức quản lý đầu tư xây dựng công trình nói chung và trong công tác đấu thầu còn chậm đổi mới, mô hình quản lý còn nhiều bất cập. Một số dự án chưa được phân cấp nên chưa chủ động trong các khâu phê duyệt thủ tục chuẩn bị đầu tư, một số hạng mục không cắt được điện để thi công theo kế hoạch, các gói thầu mua sắm vật tư thiết bị có khối lượng lớn, hàng hóa phải nhập nên công tác tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà thầu cần có thời gian dài dẫn tới việc mua sắm chậm.

Năng lực cán bộ, tinh thần trách nhiệm còn hạn chế.

5.2. Về nguyên nhân khách quan

- Trong giai đoạn diễn ra đại dịch Covid-19 gần như các dự án đều không được triển khai theo đúng kế hoạch, việc tổ chức và lựa chọn nhà thầu gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tiến độ dự án bị kéo dài.

- Các cơ quan cấp trên tạo sức ép quá lớn về tiến độ trong khi để làm được dự án theo đúng trình tự, quy định của Pháp luật đòi hỏi thời gian nhất định, không thể rút ngắn hơn được. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng của dự án.

- Mức độ hỗ trợ và cam kết của chính quyền địa phương cho các dự án ngành Điện còn hạn chế, nguyên nhân là do Ban Quản lý dự án chỉ có thể thực hiện các chế độ theo đúng đơn giá định mức của Nhà nước, không thể linh hoạt như với các nhà đầu tư tư nhân. Điều này khiến chính quyền địa phương không mặn mà với các dự án điện.

- Nhiều dự án phải thực hiện trong điều kiện địa hình khó khăn đồi núi, đi qua những khu dân cư đông đúc, khu di tích dẫn đến việc tổ chức lựa chọn nhà thầu phù hợp, chất lượng gặp nhiều khóp khăn.

6. Một số giải pháp hoàn thiện công tác đấu thầu

Mục tiêu cao nhất của công tác đấu thầu là lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực với giá cả cạnh tranh nhất. Thực tế cho thấy, việc tổ chức đấu thầu rộng rãi đã đem lại hiệu quả kinh tế rất cao cho dự án, góp phần tiết kiệm chi phí dự án, nâng cao trách nhiệm của nhà thầu với công trình. Theo đó, chúng tôi đề xuất một số giải pháp hoàn thiện công tác đấu thầu tại NPC trong thời gian tới như sau.

Thứ nhất, cần nâng cao chất lượng hồ sơ mời thầu. Hồ sơ mời thầu là một yếu tố quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến kết quả đấu thầu. Hồ sơ mời thầu phải đầy đủ, chính xác, rõ ràng và phù hợp với quy chế đấu thầu và các văn bản có liên quan, không có các điểm trừu tượng dễ phát sinh tranh chấp sau này. Khi xây dựng hồ sơ mời thầu (đối với đấu thầu quốc tế) cần lưu ý các văn bản quy định về thuế xuất nhập khẩu, chính sách quản lý hoạt động xuất nhập khẩu… Cần quy định cụ thể và chặt chẽ trong hồ sơ mời thầu về năng lực kinh nghiệm, tài chính và các sai sót, chậm trễ trong việc thực hiện các dự án trước để loại bỏ các nhà thầu yếu hoặc cấm dự thầu một thời gian.

Thứ hai, cần nâng cao chất lượng đánh giá thầu. Đây là công tác rất quan trọng vì nếu đánh giá không chính xác sẽ không lựa chọn được đúng nhà thầu có kinh nghiệm, năng lực, tài chính và giá dự thầu tốt nhất. Do vậy, cần thành lập tổ chuyên gia xét thầu bao gồm những cán bộ có kinh nghiệm trong công tác đấu thầu. Các thành viên trong tổ xét thầu phải được đào tạo, huấn luyện các lớp về đấu thầu và phải có chứng chỉ về đấu thầu theo quy định của Luật Đấu thầu. Đối với một gói thầu của dự án có quy mô lớn, phức tạp, công nghệ hiện đại cần mời chuyên gia có kinh nghiệm tham gia vào tổ xét thầu để công việc được thực hiện chính xác, đúng quy định.

Thứ ba, cần hoàn thiện công tác đàm phán, ký kết hợp đồng. Việc đàm phán, ký kết hợp đồng phải được tiến hành khẩn trương ngay sau khi thông báo trúng thầu của bên mời thầu, nhờ thế có thể rút ngắn thời hạn đấu thầu, công trình sớm đưa vào vận hành, hiệu suất sử dụng vốn cao. Để thực hiện đàm phán thực hiện hợp đồng, bên mời thầu và bên nhà thầu đều phải chuẩn bị kỹ bằng một kế hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Kế hoạch đàm phán phải chứa đựng các thông tin cần thiết, các mục tiêu có phân loại và các biện pháp thực thi nhằm đạt được mục tiêu đề ra. Ngoài ra, việc xây dựng chính xác mục tiêu, công tác đàm phán đạt được còn phụ thuộc vào tính khả thi của các biện pháp đưa ra.

Thứ tư, cần nâng cao chất lượng cán bộ xét thầu. Triển khai tổ chức, đào tạo, trang bị kiến thức về đấu thầu bằng các cuộc hội nghị, hội thảo, tập huấn, các khóa đào tạo ngắn hạn, dài hạn trong và ngoài nước. Đội ngũ làm công tác đấu thầu không những cần phải có năng lực, kinh nghiệm, trình độ chuyên môn mà cũng cần phải có đạo đức nghề nghiệp.

Thứ năm, hoàn thiện quy trình đấu thầu. Việc lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực thông qua việc sử dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu khác nhau như đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu…

Ngành Điện là một trong những ngành kinh tế đặc thù, có ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hoạt động đầu tư xây dựng công trình điện đòi hỏi phải thực hiện liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt. Bài viết này đã rà soát hiện trạng công tác đấu thầu các dự án thi công điện của Tổng công ty Điện lực Miền Bắc - NPC, từ đó đề xuất một số định hướng nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu thầu cho NPC, cũng như làm bài học kinh nghiệm cho các công ty trong lĩnh vực điện và năng lượng nói chung.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chính phủ (2017), Nghị định số 10/2017/NĐ-CP ngày 9 tháng 2 năm 2017 Quy định về Ban hành quy chế quản lý tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và sửa đổi bổ sung Khoản 4 điều 4 Nghị định 209/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng.
  2. Chính phủ (2021), Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 9 tháng 2 năm 2021 về Ban hành quy chế uản lý chi phí đầu tư xây dựng.
  3. Đỗ Thị Xuân Lan (2003), Quản lý dự án xây dựng, NXB Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
  4. Trần Phú Tài (2004), Quản lý dự án, NXB Thống kê.
  5. Phạm Thị Thu Hà (2014). Tổ chức quản lý thực hiện dự án đầu tư, Đại học Điện lực Hà Nội. NXB Chính trị Quốc gia sự thật.
  6. Quốc hội (2020), Luật Đầu tư số 61/2020/QH14.
  7. Tổng công ty Điện lực miền Bắc (2021). Báo cáo tài chính từ năm 2015 đến năm 2020.
  8. Tổng công ty Điện lực miền Bắc (2021). Báo cáo tổng hợp công tác đầu tư xây dựng giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2020.

Improving the Northern Power Corporation’s bidding process for power construction investment projects

Vu Hong Hai

Northern Power Corporation

Abstract:

The electric power industry in general and the Northern Power Corporation (NPC) in particular have always strived to fully meet the electricity needs of customers and improved service quality in Northern provinces. Capital construction investment is an important task that needs to be performed regularly by the NPC to support the country’s socio-economic development. This paper reviews the NPC’s bidding process for power construction investment projects. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to improve the NPC’s bidding process. The paper also presents lessons learnt and general experience for power construction investment projects in Vietnam.

Keywords: efficiency, bidding for investment projects, Northern Power Corporation.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12 tháng 5 năm 2023]

Tạp chí Công Thương