Nâng cao hiệu quả hoạt động của Công đoàn Bộ Công Thương nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới theo Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư

Chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động và quan hệ lao động, hướng tới xây dựng và phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, khơi dậy và phát huy các lợi thế về nguồn lực lao động của Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

Thời gian qua, quan hệ lao động ở Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích của người lao động, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao đời sống, thu nhập của người lao động, giảm thiểu tranh chấp lao động và đình công, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngày 03/9/2019, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 37-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới. Tại Chỉ thị số 37-CT/TW, Ban Bí thư đã giao 5 nhiệm vụ chủ yếu yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể cần thực hiện tốt nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định gồm: Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền để nâng cao nhận thức, thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quan hệ lao động; tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật về quan hệ lao động; thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ xây dựng quan hệ lao động; nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn trong quan hệ lao động; thúc đẩy các hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể, giải quyết tốt các tranh chấp lao động và đình công.

công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở của một cơ quan quản lý nhà nước, để thực hiện tốt các nhiệm vụ nêu trên, Công đoàn Bộ Công Thương xác định phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung của Chỉ thị 37-CT/TW với các hình thức phù hợp nhằm nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức viên chức, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên nhằm hạn chế các mâu thuẫn phát sinh. Thông qua đó tạo dựng môi trường lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ cho đoàn viên và người lao động.

Công đoàn Bộ Công Thương đã chủ động đề xuất với Cấp ủy, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc quan tâm, tạo điều kiện về cơ sở, vật chất, kinh phí, nguồn nhân lực giúp tổ chức công đoàn cơ quan, đơn vị phát huy thế mạnh, đồng thời tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với phong trào và hoạt động công đoàn, qua đó, động viên, khuyến khích cán bộ, công chức, người lao động, đoàn viên nhiệt tình hưởng ứng, tham gia, góp phần thực hiện thắng lợi, nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị mình.

Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, Công đoàn Bộ Công Thương luôn chú trọng công tác kiểm tra và giám sát việc thực hiện chính sách, chế độ đối với người lao động. Ban chấp hành Công đoàn Bộ luôn chủ động nghiên cứu các phương án giải quyết kiến nghị của đoàn viên theo quy định nhằm đem lại lợi ích thỏa đáng, hài hòa giữa chính quyền và đoàn viên công đoàn.

Công đoàn Bộ cũng luôn chủ động đề xuất với Lãnh đạo Bộ Công Thương quan tâm đến những lợi ích thiết thực cho đoàn viên như : điều kiện làm việc, tiền hỗ trợ thu nhập, tiền ăn trưa, các chế độ phúc lợi... Đặc biệt, trong thời gian qua, tổ chức công đoàn đã tham gia phòng, chống dịch bệnh, đồng hành, hỗ trợ, chăm lo cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; đồng thời kiến nghị, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người lao động khi gặp khó khăn.

Với phương châm xây dựng công đoàn thực sự là tổ chức của người lao động, lấy nhu cầu hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động làm nội dung chính trong từng chương trình hoạt động, các hoạt động do Công đoàn Bộ tổ chức đều có nội dung đa dạng, phong phú, kết hợp hài hòa giữa hoạt động chăm lo với bảo vệ, quan tâm cả lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần của đoàn viên và người lao động.

Cụ thể năm 2020 đã duy trì hoạt động của các câu lạc bộ cầu lông, bóng bàn, yoga vừa giúp cán bộ, công chức nâng cao thể lực sau giờ làm việc căng thẳng, vừa tạo nên sự giao lưu, kết nối giữa đoàn viên các đơn vị trực thuộc; vận động cán bộ, đoàn viên nữ các công đoàn trực thuộc hưởng ứng Tuần lễ áo dài Việt Nam năm 2020 do Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động nhằm khẳng định và tôn vinh giá trị của áo dài trong đời sống xã hội; tham gia dự thi cuộc thi ảnh “Nét đẹp công đoàn và người lao động” với chủ đề “Nét đẹp công đoàn cơ sở” cấp ngành trên mạng xã hội Facebook của Công đoàn Công Thương Việt Nam. Hưởng ứng Cuộc vận động “ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Công đoàn Bộ đã làm việc để lựa chọn, ký kết thỏa thuận hợp tác đối với các nhà phân phối, sản xuất nhằm mang đến cho đoàn viên, người lao động nhiều sản phẩm, dịch vụ thiết yếu với chất lượng tốt, giá cả hợp lý...

Để thực hiện tốt những hoạt động, phong trào nêu trên, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên nghiệp, bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm là điều cấp thiết. Do đó, đối với công tác kiện toàn bộ máy, tổ chức công đoàn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công đoàn tại các cấp công đoàn trực thuộc và ngay tại bộ máy của tổ chức Công đoàn Bộ luôn được Ban Thường vụ Công đoàn Bộ đặc biệt quan tâm, chú trọng.

Để động viên, khuyến khích cán bộ công đoàn chuyên trách hoặc kiêm nhiệm yên tâm công tác, gắn bó với tổ chức, Công đoàn Bộ đã làm việc, đề xuất với Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc tạo điều kiện, đảm bảo quyền lợi, chính sách đãi ngộ phù hợp, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của đội ngũ cán bộ công đoàn.

Ngoài ra, Công đoàn Bộ cũng yêu cầu Ban chấp hành các công đoàn trực thuộc chủ động rà soát, cập nhật, ban hành các quy chế, quy định của công đoàn, các quy chế phối hợp giữa Ban chấp hành công đoàn với Lãnh đạo đơn vị để từng hoạt động do công đoàn triển khai, phát động đều gắn liền với tình hình, điều kiện thực tế của cơ quan, đơn vị nhằm đem lại hiệu quả thiết thực nhất.

Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 37- CT/TW của Ban Bí thư, Công đoàn Bộ Công Thương sẽ tăng cường đổi mới nội dung, chất lượng hoạt động nhằm tập hợp, vận động đoàn viên và người lao động giúp người lao động nhận thức rõ hơn những quyền và lợi ích mà tổ chức Công đoàn mang lại để chủ động, tự nguyện tham gia, gắn bó với công đoàn cơ quan, đơn vị mình.

Ngoài ra, Công đoàn Bộ cũng sẽ tăng cường chú trọng công tác tuyên truyền, đa dạng hoá hình thức thông tin tuyên truyền trực tiếp đến đoàn viên và người lao động, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới.

Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương