Nâng cao hiệu quả sản phẩm Bơ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông

Đắk Nông là một trong năm tỉnh Tây Nguyên, nằm ở phía Tây Nam Trung Bộ, đoạn cuối dãy Trường Sơn; với điều kiện về đất đai và khí hậu thuận lợi để nhiều loại cây trồng sinh trưởng và phát triển.

Bên cạnh những loại cây nông nghiệp quen thuộc như: tiêu, điều, cà phê, cao su…thì những năm gần đây nông dân Đắk Nông cũng đang tập trung phát triển cây bơ với diện tích trồng được mở rộng qua các năm. Đắk Nông hiện là một trong những tỉnh có diện tích và sản lượng bơ lớn của cả nước. Năm 2021, tổng diện tích bơ toàn địa phương đạt khoảng 3.050 ha với sản lượng ước đạt trên 20.000 tấn quả. Diện tích trồng bơ chủ yếu tập trung nhiều ở các huyện: Đắk Mil, Đắk R’lấp, Đắk Song, Đắk Glong và thành phố Gia Nghĩa.

Sản phẩm bơ Đắk Nông khá đa dạng, phong phú, được người tiêu dùng ưa chuộng vì trái to, cơm dẻo, màu vàng sậm, mẫu mã đẹp và thời gian chín kéo dài hơn so với các địa phương khác. Các loại bơ được trồng hiện nay bao gồm: bơ Booth, bơ  Reed, bơ Hass, bơ sáp da xanh, bơ sáp vàng, Trịnh Mười, bơ 034, bơ Thành Bích,…. Trong đó, hai loại được trồng phổ biến hơn bao gồm: giống bơ Booth chiếm khoảng 33,2% diện tích toàn tỉnh, là giống cho năng suất cao ổn định nên được người dân ưa chuộng, đặc biệt phần vỏ dày, chất lượng thịt cao, hạt khít vào thịt, thời gian chín kéo dài phù hợp với tiêu chí bảo quản vận chuyển và xuất khẩu;  giống bơ 034 cũng đang được người dân ưa chuộng và trồng nhiều với tỷ lệ khoảng 30% diện tích vì đây là giống cho năng suất cao, dễ thích nghi, chất lượng ngon và có thể bảo quản được lâu.

Trong những năm qua, cây bơ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và thu nhập ổn định cho người nông dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Vì đây là loại cây dễ trồng, ít sâu bệnh, chi phí chăm sóc chỉ bằng 1/3 các loại cây lâu năm khác. Với giá bơ cao và ổn định, những năm 2018, 2019 mỗi héc ta sẽ cho thu hoạch từ 300-500 triệu đồng/năm.

Vì vậy, thay vì trồng xen bơ vào vườn hồ tiêu, cà phê để làm cây che bóng thì nay người dân có xu hướng chuyển sang trồng chuyên canh. Năm 2018, tỉnh Đắk Nông đã tổ chức thành công lễ hội “Đắk Nông-mùa bơ chín”. Chương trình đã nhận được sự đón nhận đông đảo của người dân địa phương nói riêng và người dân cả nước nói chung, góp phần đưa trái bơ Đắk Nông đến được với người tiêu dùng, mở rộng thị trường tiêu thụ và  tạo được thương hiệu ngành hàng bơ của tỉnh. Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để quảng bá hình ảnh, con người và văn hóa nơi đây đến với bạn bè gần xa.

Tuy nhiên, trong mùa vụ năm 2021 giá bơ xuống thấp, tiêu thụ chậm, thu nhập của người trồng bơ bị ảnh hưởng. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người tiêu dùng hạn chế ra ngoài, việc vận chuyển, tiêu thụ khó khăn. Bên cạnh đó, sản xuất còn thiếu tính liên kết theo chuỗi, nên chịu nhiều tác động của thị trường; hiện nay, quả bơ vẫn chủ yếu bán tươi, chưa qua sơ chế, chế biến.

Trước mắt để hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản nói chung, sản phẩm trái bơ nói riêng trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp; các Sở, ngành tỉnh Đắk Nông phối hợp với các đơn vị có liên quan đã thông qua nhiều hình thức khác nhau để thông tin, quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ đến các hệ thống phân phối lớn trên phạm vi cả nước.

Về lâu dài, để ngành bơ Đắk Nông phát triển bền vững không phụ thuộc vào yếu tố thị trường; cần tập trung xây dựng vùng trồng bơ chất lượng cao, khuyến khích thu hút đầu tư vào lĩnh vực bảo quản, chế biến, đăng ký chỉ dẫn địa lý, thương hiệu, chế biến quả bơ để gia tăng giá trị kinh tế cho loại cây ăn quả này. Bên cạnh đó đẩy mạnh hình thành các liên kết vùng, hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu.

Lê Minh Tuấn