TÓM TẮT:

Bài viết trình bày khái niệm và nguồn của pháp luật tài chính doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, bài viết cũng nêu lên thực trạng tình hình các doanh nghiệp và các yếu tố địa phương tác động đến việc thi hành pháp luật về tài chính doanh nghiệp từ thực tiễn các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại thành phố Hồ Chí Minh để phân tích một số hạn chế để tìm ra những nguyên nhân cần điều chỉnh, khắc phục. Từ đó, bài viết hàm ý một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật tài chính doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới.

Từ khóa: Pháp luật tài chính doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa, tài chính doanh nghiệp.

1. Đặt vấn đề

Doanh nghiệp là một tổ chức có tên riêng, có tài sản, đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật. Tài chính doanh nghiệp bao hàm các nguồn tài chính, quỹ tiền tệ, đại diện cho mối quan hệ của các chủ thể trong xã hội. Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tự lo nguồn lực tài chính, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả các nguồn lực tài chính đã huy động.

Tài chính doanh nghiệp nhỏ và vừa là công cụ khai thác, thu hút các nguồn tài chính nhằm đảm bảo nhu cầu đầu tư phát triển của doanh nghiệp, đóng vai trò quản lý tài chính một cách rõ ràng, minh bạch, do vậy, pháp luật về tài chính doanh nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp kinh doanh vững chắc, đúng theo quy định của Nhà nước.

Pháp luật về tài chính doanh nghiệp nhỏ và vừa là tổng hợp các văn bản pháp luật mang tính bắt buộc chung và các văn bản riêng hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và được công bố công khai để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình tạo lập, phân phối và sử dụng các loại vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tại Việt Nam, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa hay còn gọi thông dụng là doanh nghiệp nhỏ và vừa là những doanh nghiệp có quy mô nhỏ bé về mặt vốn, lao động hay doanh thu. Doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể chia thành 3 loại cũng căn cứ vào quy mô đó là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa. Tiêu chí để xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định cụ thể theo Điều 6, Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/03/2018 của Chính phủ dựa trên tiêu chí số lượng lao động, doanh thu hoặc vốn điều lệ.

Ủy ban Nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn với doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2015 - 2020. Mục đích của chương trình này là nhằm khuyến khích, thu hút doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển mạnh lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và hình thành nhóm ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ để đáp ứng yêu cầu sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh trên địa bàn Thành phố, bước đầu tham gia vào chuỗi cung ứng. Kế hoạch xác định rõ các giải pháp nhằm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp với các nhiệm vụ chính:

- Cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

- Tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

- Bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.

- Giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp.

- Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp

Theo số liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 31/12/2018, cả nước có 714.755 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 9,2% so với cùng thời điểm năm 2017, trong đó thành phố Hồ Chí Minh có 228.267 doanh nghiệp, chiếm 31,9% số doanh nghiệp đang hoạt động của cả nước. Bên cạnh đó, theo thống kê một số chỉ tiêu về phát triển doanh nghiệp, Thành phố đang dẫn đầu như: Số doanh nghiệp đang hoạt động thời điểm ngày 31/12/2018 với 228.267 doanh nghiệp; Số doanh nghiệp đang hoạt động bình quân trên 1000 dân năm 2018 với 26,5 người; Số lao động trong doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất - kinh doanh với 2.937.000 người; Doanh thu thuần của doanh nghiệp năm 2017 là 4.685.000 tỷ. [2]

Tuy nhiên, số liệu điều tra cũng chỉ ra, mặc dù số lượng doanh nghiệp phát triển nhanh nhưng quy mô doanh nghiệp thì chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Xét về hiệu quả thông qua chỉ tiêu lợi nhuận còn khá hạn chế. Trong tổng số 228.267 doanh nghiệp đang hoạt động, chỉ có 83.089 doanh nghiệp hoạt động có lãi, chiếm 36,4%; số còn lại là kinh doanh hòa vốn và thua lỗ, do vậy năm 2017, thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh có lãi thấp nhất cả nước.[2]

Trên cơ sở đó, bài viết tập trung phân tích 3 nội dung sau: 1- Khái niệm và nguồn của pháp luật tài chính doanh nghiệp nhỏ và vừa; 2- Phân tích thực trạng thực hiện pháp luật tài chính doanh nghiệp nhỏ và vừa tại thành phố Hồ Chí Minh; 3- Hàm ý một số giải pháp về nâng cao pháp luật tài chính doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian tới.

2. Khái niệm và nguồn của pháp luật tài chính doanh nghiệp nhỏ và vừa

Pháp luật về tài chính doanh nghiệp nhỏ và vừa là tổng hợp các văn bản pháp luật mang tính bắt buộc chung và các văn bản riêng hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và được công bố công khai để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình tạo lập, phân phối và sử dụng các loại vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa; sử dụng, quản lý quỹ tiền tệ nhằm mục đích thực hiện các hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nguồn của pháp luật về tài chính doanh nghiệp nhỏ và vừa là các văn bản pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình tạo lập, phân phối và sử dụng các loại vốn và quỹ tiền tệ nhằm mục đích thực hiện các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Hệ thống pháp luật về tài chính doanh nghiệp vừa và nhỏ, bao gồm:

- Luật Các tổ chức tín dụng 2010;

- Luật Kế toán năm 2015.

Một số văn bản dưới luật quan trọng, bao gồm:

- Nghị định số 34/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 03 năm 2018 của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa;

- Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11 tháng 03 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo;

- Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11 tháng 03 năm 2018 của Chính phủ hướng dẫn quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

3. Tình hình thực trạng thực hiện pháp luật tài chính doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Thành phố Hồ Chí Minh

Kết quả tổng điều tra kinh tế năm 2017 cho thấy, số lượng doanh nghiệp tính đến ngày 31/12/2017, toàn Thành phố Hồ Chí Minh có 180.322 doanh nghiệp, tăng 56,1%, tương ứng 56.154 doanh nghiệp so với bình quân giai đoạn năm 2011-2015. Trong đó, loại hình doanh nghiệp ngoài nhà nước là 174.773 doanh nghiệp luôn có bước phát triển vượt bậc so với các loại hình còn lại, chiếm 96,92% trong tổng số doanh nghiệp toàn thành phố. Tổng nguồn vốn của khối doanh nghiệp này tăng 2,11 lần, tương ứng 3.262.149 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu tăng 3,23 lần, chỉ tiêu doanh thu thuần gấp 1,56 lần so bình quân giai đoạn năm 2011-2015. [2]

Bên cạnh đó, số lượng lao động đang làm việc cho các doanh nghiệp có lãi tại Thành phố Hồ Chí Minh là 2.934.568, trong đó số lượng lao động đang làm việc cho các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước có lãi 2.707.771 người, chiếm 92,27%. Từ số liệu này cho thấy đây cũng là khu vực tạo ra nhiều việc làm mới cho người lao động. [2]

Số liệu điều tra cũng chỉ ra, mặc dù số lượng doanh nghiệp phát triển nhanh nhưng quy mô doanh nghiệp thì chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Xét về hiệu quả thông qua chỉ tiêu lợi nhuận còn khá hạn chế. Trong tổng số 180.322 doanh nghiệp đang hoạt động, chỉ có 64.607 doanh nghiệp hoạt động có lãi, chiếm 37,81%; 96.936 doanh nghiệp bị thua lỗ, chiếm 56,49%; số còn lại kinh doanh hòa vốn. Tỷ lệ các doanh nghiệp thua lỗ sau 5 năm có xu hướng tăng lên, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa đã tăng 2,87%, số doanh nghiệp có lãi lại giảm từ 43,30% năm 2011 xuống còn 37,41% năm 2016.

Ngày 01 tháng 8 năm 2016, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Quyết định số 3907/QĐ-UBND về ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 với mục tiêu cụ thể “Đến năm 2020, xây dựng doanh nghiệp thành phố có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, có ít nhất 500.000 doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Khu vực tư nhân đóng góp khoảng 65% GDP, khoảng 64% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp khoảng 36% trở lên. Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 6,5%/năm. Hàng năm, có khoảng 30 - 35% doanh nghiệp thành phố có hoạt động đổi mới sáng tạo”.

Thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo về phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Thành phố và Trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ Thành phố - là những đầu mối để hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Về các biện pháp tháo gỡ khó khăn nguồn vốn cho doanh nghiệp, Thành phố cho biết sẽ tổ chức kết nối ngân hàng với doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ đang gặp khó khăn, vướng mắc bằng các cam kết, các hợp đồng tín dụng ưu đãi để doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được vốn, cần thực hiện bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các trường hợp dự án khả thi mà doanh nghiệp không đủ điều kiện đảm bảo khi vay.

Về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần chọn các viện/trường có năng lực, quy mô, phù hợp quy hoạch để Ủy ban Nhân dân Thành phố xem xét hỗ trợ nâng cấp cơ sở vật chất, đồng thời phối hợp với các đơn vị đào tạo chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư.

Về triển khai chương trình hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Thành phố cho biết sẽ xây dựng một chương trình riêng để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, đổi mới công nghệ. Thông qua chương trình này, ngân sách dành khoảng 1.000 tỷ đồng để hỗ trợ, bù lãi vay cho các thành phố dự án, mở rộng sản xuất, xây dựng nhà xưởng cao tầng.

Phương thức đặt hàng nghiên cứu khoa học công nghệ sẽ chuyển từ việc đặt hàng cho các nhà nghiên cứu sang giao doanh nghiệp tự đăng ký đề tài, tổ chức đấu thầu, mời gọi các nhà nghiên cứu khoa học tham gia và ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần chi phí cho các đề tài.

Bên cạnh đó, pháp luật về tài chính doanh nghiệp của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh còn một số các hạn chế sau:

- Thực hiện quy định về hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa: thủ tục vay vốn còn phức tạp, qua nhiều quy trình. Các sản phẩm tín dụng dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay của các tổ chức tín dụng chưa phong phú, một số doanh nghiệp không tìm được các sản phẩm tín dụng phù hợp.

- Thực hiện quy định về hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản của doanh nghiệp nhỏ và vừa: nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa thiếu tài sản bảo bảm, thiếu dự án kinh doanh khả thi hoặc không chứng minh được hiệu quả sản xuất - kinh doanh rõ ràng, phương án kinh doanh để vay vốn không rõ ràng, thiếu sức thuyết phục;… chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn do phương án sản xuất kinh doanh thiếu khả thi, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính còn hạn chế, công tác hạch toán kế toán thiếu chuyên nghiệp, thông tin tài chính thiếu minh bạch...

- Thực hiện quy định về hoạt động tiếp cận Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa và Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (theo Điều 9 và Điều 20 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa): chính sách hỗ trợ tổ chức tín dụng tăng dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; khuyến khích tổ chức tín dụng cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa dựa trên xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp và biện pháp phù hợp khác; khuyến khích thành lập tổ chức tư vấn độc lập để xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp nhỏ và vừa. Mặt khác, doanh nghiệp nhỏ và vừa được cơ quan, tổ chức, cá nhân hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, tăng cường năng lực quản trị, kỹ năng quản lý, minh bạch hóa tài chính của doanh nghiệp để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận tài chính còn nhiều bất cập, chưa phát huy được hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

4. Hàm ý một số giải pháp

            Dựa trên các vấn đề phân tích nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về tài chính doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bài viết hàm ý một số giải pháp sau:

Một là, nâng cao trình độ ý thức pháp luật của doanh nghiệp: Khi doanh nghiệp có sự tôn trọng pháp luật, doanh nghiệp sẽ tự giác, chủ động thực hiện các nghĩa vụ mà pháp luật quy định, kiềm chế thực hiện các hành vi mà pháp luật cấm, đồng thời, doanh nghiệp sẽ có ý thức thực hiện đúng, đủ mà không phải là thực hiện một cách đối phó.

Năm là, lãnh đạo thành phố và các ngành nên tổ chức các cuộc gặp mặt với các doanh nghiệp thường xuyên hơn để kịp thời giải quyết các vướng mắc và có chính sách hợp lý về các vấn đề cụ thể như chính sách thuế, thủ tục hải quan, tín dụng ngân hàng… Các cấp chính quyền địa phương, các hiệp hội, câu lạc bộ doanh nghiệp, tổ chức các đợt tham quan học hỏi kinh nghiệm mô hình doanh nghiệp làm ăn giỏi, điển hình cho các chủ doanh nghiệp khác, người buôn bán nhỏ có tiềm năng.

5. Kết luận

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Những doanh nghiệp này chiếm đa số trong cộng đồng doanh nghiệp, thu hút lượng lớn lao động, lấp đầy những khoảng trống nhỏ hẹp trong các thị trường và đóng góp đáng kể vào thu nhập quốc gia. Những doanh nghiệp nhỏ này khá linh hoạt và năng động trong kinh doanh nhưng cũng chính vì nhỏ và hạn chế về kinh nghiệm vận hành, hạn chế về quy mô tài sản đảm bảo nên thường gặp khó khăn khi tiếp cận các nguồn tài chính.

Trong những năm qua, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có những bước tiến đáng kể, đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế. Đây là khu vực giữ vai trò quan trọng trong giải phóng và phát triển sức sản xuất, huy động và phát huy nội lực vào phát triển kinh tế - xã hội. Để tồn tại, phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất cần vốn để nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới trang thiết bị, mở rộng quy mô kinh doanh,… Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, đặc biệt là các nguồn vốn trung và dài hạn. Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ vay vốn tín dụng nhưng việc tiếp cận nguồn vốn này gặp nhiều trở ngại do giá trị thế chấp nhỏ, không có khả năng bảo lãnh tín dụng. Nhiều doanh nghiệp khi thuê đất, tiền đền bù gần bằng với giá mua đất nhưng lại không được thế chấp để vay vốn.

Để tạo cơ hội phát triển cho những doanh nghiệp nhỏ, cần có những cơ chế linh hoạt phần nào thay thế cho tài sản đảm bảo để ngân hàng có thể giải ngân cho các doanh nghiệp. Những cơ chế ấy có thể là đa dạng hóa dạng hình tài sản đảm bảo, bao thanh toán, tín chấp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần tự nâng cao kỹ năng quản lý để có thể xây dựng những dự án khả thi huy động vốn từ các nguồn khác nhau.

Mặt khác, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường thiếu và khó khăn về mặt bằng sản xuất, hầu hết loại hình doanh nghiệp này không được ưu tiên về mặt bằng sản xuất, thường phải sử dụng nhà riêng và thuê mướn của tư nhân với giá thuê đất cao, vẫn còn sự phân biệt. Trình độ công nghệ thấp và chất lượng lao động còn hạn chế. Xuất phát từ đặc trưng quy mô vốn nhỏ nên các doanh nghiệp hầu như bị hạn chế trong việc đầu tư công nghệ và trang thiết bị hiện đại.

Qua những điều trên, Thành phố cần có những giải pháp để nâng cao tính thực tiễn pháp luật về tài chính doanh nghiệp, đặc biệt là tài chính doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo động lực, thúc đẩy quá trình sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, để từ đó làm điểm tựa nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và trên thế giới.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Chính trị (2017) Kết luận số 21-KL/TW của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, ban hành ngày 24/10/2017, Hà Nội.
  2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2019), Sách trắng - Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Hà Nội.
  3. Chính phủ (2018) Nghị định số 34/2018/NĐ-CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, ban hành ngày 08/03/2018, Hà Nội.
  4. Chính phủ (2018) Nghị định số 39/2018/NĐ-CP hướng dẫn quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, ban hành ngày 11/03/2018, Hà Nội.
  5. Quốc hội (2017) Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 ngày 12 tháng 06 năm 2017 của nước CHXHCN Việt Nam, Hà Nội.

 

ENHANCING THE EFFICIENCY OF IMPLEMENTING THE LAW ON

SMALL AND MEDIUM-SIZED ENTERPRISES IN HO CHI MINH CITY: CURRENT SITUATION AND SOLUTIONS

Master. NGUYEN THU HA

Foundation Studies Faculty, Ho Chi Minh Cadre Academy

NGO HONG GIANG

Head of Finance Department, 717th Regiment, 16th Army

ABSTRACT:

This paper presents the concepts and sources of law on corporate finance of small and medium-sized enterprises (SMEs). By observing SMEs in Ho Chi Minh City, this paper highlghts the compliance of SMEs with law on corporate finance and analyses factors affecting this compliance to find out reaons of the defiance of SMEs against the law on corporate finance. Based on the analysis, this paper proposes a number of solutions to improve the effectiveness of the implementation of the law on corporate finance of SMEs in the coming time.

Keywords: Law on Corporate finance, small and medium-sized enterprises, corporate finance.