TÓM TẮT:

Đại dịch Covid-19 đã làm cho nhiều nền kinh tế trên thế giới chao đảo, với hàng tỷ người chịu ảnh hưởng, tác động từ đại dịch này. Ở Việt Nam, cùng với nỗ lực của Chính phủ trong tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), là các chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp cho người lao động chịu tác động của đại dịch. Đây là những chính sách trụ cột đảm bảo cho hệ thống an sinh xã hội (ASXH) hoạt động dưới tác động của đại dịch. Nguồn lực tài chính đủ mạnh, việc kết hợp chính sách BHXH, BHYT, BHTN với người lao động chính thức và phi chính thức là điều kiện đảm bảo cho một hệ thống ASXH vững chắc. Mặt khác, các quỹ BHXH, BHYT, BHTN thuộc hệ thống ASXH phải được quản lý chặt chẽ, hiệu quả, đảm bảo nguồn chi kịp thời đầy đủ cho đối tượng hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN. Bài viết này tập trung nghiên cứu kết quả thực thi chính sách ASXH ở tỉnh Đắk Nông và các chính sách khác giai đoạn đại dịch, đồng thời  đề ra giải pháp hoàn thiện công tác này.

Từ khóa: bảo hiểm xã hội, kết quả hoạt động, đại dịch Covid-19.

1. Đặt vấn đề

Đại dịch Covid-19 đã trở thành một trong những cuộc khủng hoảng về sức khỏe nghiêm trọng đối với nhân loại từ đầu năm 2020 đến nay. Với các biện pháp quyết liệt, Việt Nam là một trong số ít quốc gia đã thành công trong việc khống chế dịch bệnh. Kết quả này có được là nhờ sự kết hợp hài hòa của nhiều yếu tố, trong đó hệ thống chính sách đóng vai trò chủ đạo. Với các giải pháp giãn cách xã hội, kiểm soát nhập cảnh và biên giới, cách ly xã hội và các biện pháp cách ly xã hội trên toàn quốc đã làm cho một số ngành vốn đang phát triển mạnh đột ngột dừng hoạt động và như là một hệ quả tất yếu, một bộ phận lao động thuộc các lĩnh vực dịch vụ mất việc.

Chính sách ASXH nhằm đảm bảo sự ổn định và công bằng xã hội là vấn đề được Chính phủ Việt Nam coi trọng. Trong thời gian qua, hệ thống pháp luật về chính sách ASXH trong đó BHXH bao gồm các chế độ hưu trí, tử tuất, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; BHYT và BHTN đã từng bước được hoàn thiện, đồng bộ, phù hợp với thực tế đất nước. Chính sách ASXH đã từng bước khẳng định vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, đặc biệt trong thời kỳ dịch bệnh kéo dài. Nghị quyết số 21-NQ/TW năm 2012 của Bộ Chính trị đã khẳng định chắc chắn quan điểm của Đảng ta coi “Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế là hai chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội”. Đối với BHXH tỉnh Đắk Nông, việc thực hiện các chính sách ASXH về BHXH, BHYT, BHTN và việc quản lý, tổ chức thực hiện các chính sách này đã đạt được những thành tựu đáng kể, như số người thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN tăng nhanh qua các năm; mặt khác độ bao phủ BHXH, BHYT đối với lao động chính thức và phi chính thức ngày càng gia tăng.

Có khá nhiều các nghiên cứu về quỹ BHXH cấp tỉnh. Đỗ Văn Sinh (2005) đã tổng kết thực tiễn kết quả thực hiện chính sách BHXH ở Việt Nam và so sánh với công tác này trên thế giới và chỉ ra rằng công tác quản lý quỹ BHXH Việt Nam còn nhiều bất cập về phân cấp quản lý. Phạm Trường Giang (2010) cũng cho rằng, việc phân cấp quản lý thu BHXH chưa hợp lý nên độ bao phủ của BHXH chưa cao. Tác giả cho rằng các chế tài về đóng BHXH và xử lý vi phạm về đóng BHXH còn thấp, chưa đủ sức răn đe. Nguyễn Thị Lan Hương và cộng sự (2013) dựa vào số liệu của BHXH Việt Nam và chỉ ra rằng mức độ bao phủ của BHXH còn thấp. Chỉ khoảng 20% người lao động (NLĐ) được tham gia BHXH. Mở rộng đối tượng BHXH đối với lao động khu vực phi chính thức là một lĩnh vực quan trọng.

Bài viết này tập trung nghiên cứu thực trạng hoạt động của BHXH tỉnh Đắk Nông thông qua kết quả thực thi các chính sách ASXH gồm BHXH, BHYT và BHTN trong thời kỳ nền kinh kế của tỉnh chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và đề xuất các giải pháp nâng cao kết quả hoạt động của BHXH tỉnh Đắk Nông trong thời kỳ ảnh hưởng của đại dịch.

2. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu tập trung phân tích thông tin từ những báo cáo chính thức của BHXH tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2019 - 2021 với phương pháp thống kê mô tả và thống kê so sánh.

Phương pháp chuyên gia cũng được sử dụng nhằm phân tích sâu về các kết quả thực hiện chính sánh ASXH trên địa bàn tỉnh, đồng thời phân tích tính khả thi của các giải pháp đề xuất.

3. Thực trạng và giải pháp nâng cao kết quả hoạt động của BHXH tỉnh Đắk Nông trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19

3.1. Thực trang kết quả hoạt động của BHXH tỉnh Đắk Nông

Từ khi phát sinh dịch bệnh Covid-19, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện tạm dừng đóng BHXH với loại hình BHXH bắt buộc. Theo đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành Công văn số 860/BHXH-BT (năm 2020) về việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thực hiện chỉ đạo này, Bảo hiệm xã hội tỉnh Đắk Nông đã tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất cho doanh nghiệp. Trong những năm qua, chính sách BHXH đã từng bước mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH. Trước đây đối tượng tham gia bắt buộc chỉ giới hạn ở khu vực nhà nước, hiện nay đối tượng tham gia BHXH bắt buộc được mở rộng ra mọi thành phần kinh tế trong xã hội. Với hình thức BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, trong đó BHXH bắt buộc hướng đến đối tượng tham gia là những người có quan hệ lao động, người làm công hưởng lương, BHXH tự nguyện hướng đến những người không có quan hệ lao động, NLĐ tự do, nông dân, ngư dân, những người không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc.

Bảng 1. Kết quả thu bảo BHXH, BHYT và BHTN tỉnh Đăk Nông

giai đoạn 2019-2021

ket_qua_thu_bao_bhxh_bhyt_va_bhtn_tinh_dak_nong

 Nguồn: Bảo hiểm xã hội Việt Nam tỉnh Đăk Nông

Bảng 1 phản ánh công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH trong thời gian qua cho thấy, số người tham gia BHXH gia tăng trong ba năm. Ước tính đến ngày 31/12/2021, số người phải tham gia BHXH là 49.396 người (trong đó: BHXH bắt buộc là 33.400 người; BHXH tự nguyện là 15.996 người), số người tham gia BHXH bắt buộc là 33.400 người chiếm 8,94% lực lượng lao động (LLLĐ); số người tham gia BHXH tự nguyện là 15.996 chiếm 4,28% LLLĐ. Số người tham gia BHXH bắt buộc năm 2020 so với năm 2019 tăng 206 người tương đương 0,64%; Số người tham gia BHXH tự nguyện năm 2020 so với năm 2019 tăng 6.128 người tương đương 145,07%; Số người tham gia BHXH bắt buộc năm 2021 so với năm 2020 tăng 1.130 người tương đương 3,5%; Số người tham gia BHXH tự nguyện năm 2021 so với năm 2020 tăng 5.633 người tương đương 54,52%. Phân tích sâu hơn cho thấy số lượng NLĐ tham gia BHXH của tỉnh chủ yếu đến từ khu vực hành chính sự nghiệp, số lượng lao động tham gia BHXH bắt buộc từ khu vực phi chính thức còn thấp (doanh nghiệp tư nhân, cơ sở sản xuất kinh doanh,…). Nguyên nhân chủ yếu là do số lượng doanh nghiệp của tỉnh còn ít, quy mô nhỏ và siêu nhỏ (từ 3-5 lao động) chủ yếu làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng,… Tuy nhiên, do sức cạnh tranh của các doanh nghiệp này còn kém, bên cạnh đó những năm qua giá cả các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh giảm sút đã dẫn đến tình trạng chung là các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả dẫn đến việc khai thác, phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc từ khu vực phi chính thức trên địa bàn tỉnh Đắk Nông chưa thật sự hiệu quả.

BHYT là chính sách xã hội lớn của Đảng và Nhà nước, đóng vai trò quan trọng, trụ cột trong hệ thống ASXH của nước ta, nó vừa là mục tiêu vừa là nhu cầu tất yếu của một xã hội phát triển. Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, công tác triển khai thực hiện BHYT từ khi thi hành Luật BHYT đã có nhiều chuyển biến, có đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và từng bước nâng cao đời sống, tinh thần cho người dân trên địa bàn tỉnh. Ước tính đến ngày 31/12/2021, trên toàn tỉnh có khoảng 567.128 người tham gia BHYT chiếm tỷ lệ bao phủ 91,56% dân số. Số người tham gia BHYT năm 2020 so với năm 2019 tăng 12.577 người, tương đương 2,30%. Số người tham gia BHYT năm 2021 so với năm 2020 tăng 10.056 người tương đương 1,8%. Đối với khu vực phi chính thức, hầu hết thuộc nhóm tham gia BHXH bắt buộc, trong đó bao gồm tham gia cả BHYT vì vậy tỷ lệ tham gia BHYT của người lao động thuộc khu vực chính thức chiếm tỷ lệ 100%. Tuy nhiên đối với người lao động thuộc khu vực phi chính thức thì chủ yếu vận động, tuyên truyền tham gia BHYT với nhóm BHYT hộ gia đình, hiện nay tỷ lệ tham gia BHYT trong lực lượng lao động phi chính thức trên địa bàn tỉnh chiếm tỷ lệ bao phủ khoảng 84%. Với độ bao phủ này, BHXH tỉnh Đăk Nông đã thực hiện khá tốt nhiệm vụ của mình.

Theo Luật Việc làm, BHTN là chính sách hỗ trợ tài chính cho người lao động trong thời gian mất việc làm. Hiện nay người lao động khi mất việc làm, đến Trung tâm giới thiệu việc làm của tỉnh để đăng ký hưởng BHTN và hỗ trợ kinh phí tìm việc làm. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh sẽ là cơ quan Quyết định người mất việc làm hưởng BHTN và trợ cấp học nghề, cơ quan BHXH trực tiếp giải quyết cho người mất việc làm hưởng BHTN theo Quyết định hưởng. Số người tham gia BHTN năm 2020 so với năm 2019 tăng 487 người tương đương 1,85%; Số người tham gia BHYT năm 2021 so với năm 2020 tăng 1.061 người tương đương 3,97%. Số người tham gia BHTN chủ yếu ở khu vực chính thức đối với các đơn vị sự nghiệp khi người lao động tham gia BHXH bắt buộc đồng thời tham gia BHTN.

Căn cứ Công văn số 1153/UBND-KGVX ngày 16/3/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông về việc hướng dẫn việc tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất đối với doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19, Công văn số 860/BHXH-BT ngày 11/3/2020 của BHXH Việt Nam về việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong thời gian doanh nghiệp tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, BHXH tỉnh; BHXH huyện đôn đốc doanh nghiệp đóng đầy đủ, kịp thời quỹ ốm đau, thai sản, quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, quỹ BHYT và BHTN để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ; đồng thời, khi kết thúc thời gian tạm dừng, kịp thời thông báo và đôn đốc doanh nghiệp đóng đủ quỹ hưu trí, tử tuất bao gồm cả việc đóng bù quỹ hưu trí, tử tuất của thời gian tạm dừng đóng trước đó và thường xuyên theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất theo đúng quy định của pháp luật nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tránh lạm dụng, trục lợi các quỹ.

Như ở Bảng 2, có tổng số 1.136 doanh nghiệp thuộc các loại hình là đối tượng được áp dụng tạm dừng đóng quỹ BHXH hưu trí và tử tuất với tổng số lao động là 10.781người. Nhưng thực tế chỉ có 08 đơn vị bị ảnh hưởng đề nghị dừng đóng BHXH với tổng số lao động là 91 người. Còn lại các doanh nghiệp khác không bị ảnh hưởng dịch bệnh nên không đề nghị dừng đóng và vẫn thực hiện thu BHXH quỹ hưu trí, tử tuất như các đơn vị khác.

Bảng 2. Số doanh nghiệp đang tham gia BHXH, BHYT, BHTN năm 2021

so_doanh_nghiep_dang_tham_gia_bhxh_bhyt_bhtn_nam_2021 Căn cứ Công văn số 860/BHXH-BT của BHXH Việt Nam về việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid- 19, BHXH tỉnh đã phối hợp với các Sở, Ngành liên quan thực hiện tiếp nhận hồ sơ đề nghị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất của doanh nghiệp gặp khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19 và đã giải quyết được 08 đơn vị với số lao động là 91 người và số tiền là 62 triệu đồng với thời gian tạm dừng đến hết tháng 6/2020. Cùng với đó, BHXH tỉnh cũng đã xác nhận cho hơn 100 lao động nghỉ không lương, ngừng đóng BHXH để làm cơ sở nhận hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Thực tế cho thấy, việc thực hiện chính sách này của BHXH tỉnh Đắk Nông còn nhiều vướng mắc về mặt thủ tục nhằm xác định các đối tượng thực sự ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

3.2. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động đối với BHXH tỉnh Đăk Nông

Từ thực trạng hoạt động của BHXH tỉnh Đăk Nông phân tích ở trên, BHXH tỉnh Đắk Nông cần có nhiều giải pháp đồng bộ để thực hiện tốt các chính sách này nhằm đảm bảo thực hiện tốt ASXH trên địa bàn, chúng tôi đề xuất ba nhóm giải pháp sau đây:

Một là thực hiện đầy đủ chính sách an sinh xã hội trên địa bàn, đặc biệt quan tâm đến phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT và BHTN trong ngắn hạn nhắm đến các đối tượng dễ bị tổn thương do đại dịch để ổn định cuộc sống của họ. Trong dài hạn, BHXH tỉnh Đắk Nông nên phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan để phát triển, tăng nhanh diện bao phủ BHXH tiến tới BHXH cho mọi người lao động, BHYT toàn dân. Mặt khác, cần có biện pháp cụ thể giảm tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN để huy động tối đa các nguồn quỹ trong dân cư và các thành phần kinh tế.

Hai là đơn giản thủ tục hành chính xác định các đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách theo Công văn số 860/BHXH-BT của BHXH để các tổ chức kinh tế thật sự bị ảnh hưởng bởi đại dịch có thể giảm bớt khó khăn từ chính sách này. Song song với việc đơn giản hóa thủ tục là hoạt động thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN sau đại dịch để đảm bảo đúng đối tượng được hưởng chính sách.

Ba là tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật ASXH về BHXH, BHYT, BHTN cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các chính sách của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ dịch bệnh. Đây được xem là giải pháp quan trọng, tác động đến hiệu quả của cả hai nhóm giải pháp trên.

4. Kết luận  

Bài viết đánh giá thực trạng hoạt động ASXH về BHXH, BHYT, BHTN của BHXH tỉnh Đắk Nông trong giai đoạn kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Nông chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Nhìn chung, việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN của BHXH tỉnh Đắk Nông là khá tốt với độ bao phủ cao. Mặt khác, mặc dù chịu tác động của dịch bệnh, số lượng đối tượng tham gia và thụ hưởng BHXH, BHYT và BHTN đều tăng qua các năm. Như vậy, việc thực hiện chính sách ASXH về BHXH, BHYT, BHTN tại tỉnh Đắk Nông trong thời dịch bệnh Covid-19 vẫn đảm bảo được mục tiêu kép là phát triển, tăng quy mô người tham gia BHXH, BHYT, BHTN đồng thời phòng chống tốt đại dịch. Tuy nhiên, một tỷ lệ nhỏ (8/1.136) đơn vị được hưởng chính sách tạm dừng đóng BHXH cho thấy công tác này cần được rà soát về mặt quy trình để các đơn vị thuộc đối tượng có thể thụ hưởng chính sách này. Từ thực trạng trên, chúng tôi đề xuất ba nhóm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của BHXH tỉnh Đắk Nông trong thời gian tới.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2018). Nghị quyết số 28/NQ-TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
  2. Bảo hiểm xã hội Việt Nam (2020). Công văn số 860/BHXH-BT về việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
  3. Bảo hiểm xã hội tỉnh Đăk Nông (2019). Báo cáo kết quả công tác và phương hướng nhiệm vụ từ năm 2019 đến 4/2021.
  4. Quốc hội (2014). Luật Bảo hiểm xã hội.
  5. Phạm Trường Giang (2010). Hoàn thiện cơ chế thu BHXH ở Việt Nam. Luận án Tiến sĩ, Trường ĐH Lao động Xã hội.
  6. Huong N.T.L, Tuan L. Q., Matthias M., Tuan B. S., Quyen D. D., Yen N. H. (2013). Social protection for the informal sector and the informally employed in Vietnam literature and data review. IEE working papers.
  7. Lena M. B. , Matthew W., Minh H. V., Duong D. T. T., Ngan T. T.,  Mai V. Q., Karl B.  H. K.(2019). Access to social protection among people with disabilities: Evidence from Viet Nam. International Social Security Review.
  8. Đỗ Văn Sinh (2005). Hoàn thiện quản lý quỹ BHXH ở Việt Nam. Luận án Tiến sĩ kinh tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
  9. Ủy ban Nhân dân tỉnh Đăk Nông (2020). Công văn số 1153/UBND-KGVX về việc hướng dẫn việc tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất đối với doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19.

 

IMPROVING THE PERFORMANCE OF DAK NONG PROVINCIAL SOCIAL INSURANCE IN THE CONTEXT OF THE COVID-19 PANDEMIC

Assoc.Prof. Ph.D. LE DUC NIEM

University of Tay Nguyen

HO TAN LOC

Dak Nong Province Department of Social Insurance

ABSTRACT:

The Covid-19 pandemic has shaken many economies around the world and has affected billions of people. In Vietnam, the government has implemented policies of social insurance, health insurance, unemployment insurance and other supportive policies for businesses and workers to overcome the pandemic’s impacts. These policies has ensured the social security during the Covid-19 pandemic. Ensuring strong financial resources and implementing social insurance, health insurance and unemployment insurance policies for both formal and informal workers would protect the social security system. On the other hand, social insurance, health insurance and unemployment insurance funds of the social security system should be managed closely and effectively to ensure timely and adequate benefits for beneficiaries. This paper presents the achieved results of social security implementation and stabilization policies during the Covid-19 pandemic in Dak Nong Province and proposes some solutions to enhance the effectiveness of this work.

Keywords: social insurance, operational results, the Covid-19 pandemic.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 12, tháng 5 năm 2021]