TÓM TẮT:

Tư duy phản biện gần đây đã được áp dụng và đánh giá cao trong môi trường giảng dạy ngoại ngữ vì đem lại nhiều lợi ích cho người học. Bài viết tập trung vào khái niệm tư duy phản biện; những lợi ích của người có tư duy phản biện; cách triển khai các hoạt động học tập phù hợp trên lớp cũng như đánh giá để phát triển tư duy phản biện của người học trong quá trình học ngoại ngữ. Bài viết cũng đưa ra một số lưu ý đối với giáo viên khi giảng dạy ngoại ngữ nhằm phát huy tư duy phản biện cho người học.

Từ khóa: Tư duy phản biện, người học ngoại ngữ, học ngoại ngữ, dạy ngoại ngữ, đánh giá.

1. Đặt vấn đề

Trong xu thế hội nhập, việc dạy và học ngoại ngữ ngày nay trở thành một môn học bắt buộc đối với các cấp học ở Việt Nam. Tuy nhiên, để giảng dạy ngoại ngữ đạt hiệu quả tốt không đơn thuần là dạy từ vựng, ngữ pháp, các mẫu câu một cách máy móc, rập khuôn mà cùng với đó giáo viên nên dần hướng người học phát triển khả năng tự suy nghĩ, đánh giá, nhận xét và đưa ra quyết định của mình bằng việc xác định đích trong quá trình học. Đây được gọi là tư duy phản biện.

Việc áp dụng tư duy phản biện trong dạy và học ngoại ngữ không phải là mới lạ. Tuy nhiên, để đạt được kết quả cần phải phát triển có chủ định, có sự kiên trì và cần nhiều thời gian. Hơn nữa, trong môi trường giao tiếp đa văn hóa như hiện nay thì ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh đóng vai trò là ngôn ngữ phổ biến và được sử dụng trên toàn cầu. Do đó, rèn luyện kỹ năng tư duy phản biện là không thể thiếu vì đây chính là rèn luyện các kỹ năng trí tuệ như hiểu biết, phân tích, đánh giá ra quyết định khi giải quyết vấn đề.

2. Tư duy phản biện là gì?

Theo Scriven & Paul (1987), tư duy phản biện là quá trình tự kiểm soát một cách thông minh để chủ động và khéo léo giải thích nghĩa, áp dụng, phân tích, tổng hợp và (hoặc) đánh giá thông tin thu thập được từ sự quan sát, kinh nghiệm, phản ánh, luận điểm, hoặc giao tiếp như một sự hướng dẫn cho niềm tin và hành động. Như Elder và Paul (1994) nêu rõ, tư duy phản biện đề cập đến khả năng của các cá nhân thực hiện tư duy của chính họ và phát triển các tiêu chí và tiêu chuẩn thích hợp để phân tích suy nghĩ của chính họ. Hơn nữa, tư duy phản biện hướng đến mục tiêu đạt được sự hiểu biết và đánh giá các quan điểm và các cách giải quyết vấn đề khác nhau (Maiorana, 1992).

Dựa vào thang đo nhận thức của Bloom, Anderson và Krathwohl (2000) đã nghiên cứu và đưa ra một tập hợp các kỹ năng đưa người học từ tư duy cấp thấp hơn đến tư duy cấp cao hơn.

Hình 1: Thang đo nhận thức của Bloom, Anderson và Krathwohl (2000)

Thang đo nhận thức của Bloom

Cầu thang của tư duy phản biện gồm 5 kỹ năng ở trên, được trình bày dưới dạng một tập hợp các bước tiến ổn định hoặc cầu thang tiến dần đều lên trên theo thứ tự khó và phức tạp. Một mô hình như vậy rất hữu ích nếu áp dụng vào lớp học ngoại ngữ vì sẽ đưa người học đi từ bước này sang bước tiếp theo và từng bước phát triển kỹ năng tư duy phản biện của họ. Tuy nhiên, trên thực tế, một học sinh có thể đọc và hiểu một bài, sau đó bắt đầu áp dụng hoặc phân tích, nhưng rồi nhận ra rằng họ đã hiểu sai điều gì đó và phải quay lại bậc đầu của thang bậc.

3. Lợi ích của phát triển tư duy phản biện cho người học ngoại ngữ

Tư duy phản biện gắn liền với tư duy có chất lượng, nếu được phát triển đầy đủ sẽ cung cấp cho người học cách giao tiếp khéo léo hơn, tiếp thu kiến thức mới và xử lý tốt hơn. Nếu người học ngoại ngữ đã có các kỹ năng tư duy phản biện, họ sẽ có khả năng thực hiện các hoạt động mà những người học khác có thể không có khả năng. Rafi (2008) khẳng định, thúc đẩy tư duy phản biện ở các lớp học ngoại ngữ có ý nghĩa quan trọng vì 3 lý do: Thứ nhất, nếu người học ngôn ngữ có thể tự thực hiện tư duy của mình một cách chủ động, họ có thể theo dõi và đánh giá cách học của mình thành công hơn. Thứ hai, tư duy phản biện mở rộng trải nghiệm học tập của người học và làm cho ngôn ngữ có ý nghĩa hơn đối với họ. Thứ ba, tư duy phản biện có mối tương quan cao với thành tích của người học.

Các nghiên cứu khác nhau cũng đã xác nhận vai trò của tư duy phản biện trong việc cải thiện khả năng viết tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai (Rafi, 2008); Trình độ thành thạo ngôn ngữ (Liaw, 2007); Khả năng giao tiếp bằng lời (Kusaka & Robertson, 2006). Như vậy, người có tư duy phản biện có khả năng tư duy phê phán và sáng tạo để đạt được các mục tiêu của chương trình giáo dục; có khả năng ra quyết định và giải quyết vấn đề; có khả năng sử dụng các kỹ năng tư duy của họ để hiểu ngôn ngữ hoặc nội dung của nó; có khả năng sử dụng kỹ năng tư duy là công cụ học tập suốt đời.

Ngoài thành công ở trường học, sinh viên ra trường khi bước vào một ngành nghề như quản lý, họ có thể sẽ sử dụng các kỹ năng ngoại ngữ và kỹ năng tư duy phản biện của mình như một lợi thế. Chẳng hạn như, đánh giá các ý tưởng trong một báo cáo hoặc trình bày một lập luận để thuyết phục khán giả. Nói chung, các kỹ năng liên quan đến tư duy phản biện có thể liên quan đến thành công trong kinh doanh và sự nghiệp.

4. Một số gợi ý để phát triển tư duy phản biện cho người học ngoại ngữ

Có 2 yếu tố thường ảnh hưởng đến nâng cao kỹ năng tư duy phản biện của người học ngoại ngữ là: Hoạt động học tập và Cách đánh giá.

4.1. Tăng cường các hoạt động học tập kích thích tư duy phản biện của người học

Người học có thể trở thành người sử dụng ngoại ngữ thành thạo nếu họ có động lực và được dạy cách thể hiện tư duy phản biện trong việc sử dụng ngôn ngữ đích. Phát triển ngôn ngữ và tư duy có liên quan chặt chẽ với nhau. Vì vậy, việc giảng dạy các kỹ năng tư duy phản biện nên là một phần không thể thiếu của chương trình giảng dạy ngoại ngữ. Để kích hoạt kỹ năng tư duy phản biện của người học ngoại ngữ, giáo viên áp dụng các hoạt động học tập phù hợp. Dưới đây là một số hoạt động:

4.1.1. Đặt câu hỏi

Đặt câu hỏi là một cách quan trọng để kích thích người học tư duy phản biện. Các câu hỏi của giáo viên có thể được phân thành hai loại chung: Câu hỏi cấp thấp hơn và Câu hỏi cấp cao hơn. Câu hỏi cấp thấp hơn, còn được gọi là câu hỏi thực tế hoặc theo nghĩa đen, hướng vào sự ghi nhớ hoặc nhớ lại thông tin thực tế được trình bày trước đó bởi giáo viên. Trong khi đó, câu hỏi ở cấp độ cao hơn yêu cầu người học vận dụng các thông tin để tạo phản hồi. Loại câu hỏi này vượt ra ngoài trí nhớ và thông tin thực tế vì yêu cầu người học nỗ lực nhiều hơn để suy luận, phân tích và đánh giá. Mức độ tư duy của người học thường liên quan đến mức độ câu hỏi mà giáo viên đặt ra. Nếu giáo viên nâng cao mức độ câu hỏi một cách có hệ thống, người học có xu hướng nâng cao mức độ phản hồi của họ một cách tương ứng (Orlich và cộng sự, 2013). Khi người học trở nên thoải mái và có kỹ năng hơn thì các câu hỏi sẽ thúc đẩy các hoạt động trong lớp.

Trong giảng dạy ngôn ngữ, giáo viên cần sử dụng nhiều dạng câu hỏi như: Câu hỏi đóng, câu hỏi mở, câu hỏi hiển thị hay câu hỏi tham chiếu. Câu hỏi đóng thường gợi ra một hoặc một số ít câu trả lời có thể có, trong khi câu hỏi mở có thể có nhiều câu trả lời được chấp nhận. Đối với câu hỏi hiển thị, giáo viên đã biết câu trả lời. Ngược lại, các câu hỏi tham khảo tìm kiếm thông tin mới từ học sinh và giáo viên không có câu trả lời trong đầu (Wu, 1993). Để kích thích và tăng cường kỹ năng tư duy phản biện của người học, giáo viên nên sử dụng nhiều câu hỏi mở và câu hỏi tham chiếu.

Ngoài việc chọn loại dạng câu hỏi, cách đặt câu hỏi cũng được tính đến khi đề cập đến hiệu quả trong việc gợi mở tư duy phản biện của người học ngoại ngữ. Ví dụ, giáo viên nên dành đủ thời gian chờ đợi để học sinh phản ánh và hình thành các câu trả lời hợp lý (Orlich và cộng sự, 2013). Điều này đặc biệt cần thiết khi các câu hỏi được đặt ra ở cấp độ cao hơn. Tuy nhiên, trong thực hành lớp học, giáo viên có xu hướng thống trị các tương tác giữa giáo viên và người học bằng cách trao đổi nhanh các câu hỏi và phản hồi. Làm như thế sẽ đưa đến nhiều khả năng đặt người học vào vai trò thụ động, làm giảm tính chủ động và tư duy phản biện của họ (Fisher, 2011).

4.1.2. Thảo luận nhóm

Thảo luận nhóm là một phương pháp thay thế cho phương pháp diễn thuyết truyền thống. Theo Orlich và cộng sự (2013), thảo luận là một hoạt động học tập liên quan đến việc trao đổi ý tưởng, với sự học hỏi và tham gia tích cực của tất cả những người có liên quan. Thảo luận nhóm được coi là cách hiệu quả để tạo điều kiện cho việc học sâu và phát triển tư duy phản biện bởi hoạt động này yêu cầu người học suy nghĩ thấu đáo và làm rõ ý tưởng của mình, đồng thời cũng giúp họ hiểu biết sâu sắc những quan điểm của nhiều người khác thông qua trao đổi ý kiến (Dallimore, Hertenstein, & Platt, 2008).

Để thúc đẩy tư duy phản biện và sự tham gia của người học trong các lớp học ngoại ngữ, điều quan trọng là phải hướng dẫn họ các quy tắc cơ bản và kỹ năng thảo luận nhóm, chẳng hạn như: Chú ý lắng nghe, phản hồi một cách thích hợp, xây dựng dựa trên ý tưởng của người khác, mời người khác trả lời, đặt câu hỏi làm rõ, bày tỏ đồng ý hoặc không đồng ý với dẫn chứng đầy đủ và thuyết phục. Ngoài ra, để kích thích tư duy phản biện trong giờ học ngoại ngữ, việc lựa chọn chủ đề thảo luận thích hợp cũng được tính.

Giáo viên cần lựa chọn các chủ đề phù hợp với trình độ, lứa tuổi, kinh nghiệm sống, sở thích của từng đối tượng người học để có thể tạo động cơ thúc đẩy họ khai thác triệt để chủ đề. Khi thảo luận có thể áp dụng phương pháp Socrate. Bố trí căn phòng theo cấu hình "bể cá", với một vòng tròn bên trong và một vòng tròn bên ngoài. Học sinh ở vòng trong là những người tham gia tích cực trong khi những học sinh ở vòng ngoài là người đánh giá ngang hàng của họ. Giáo viên chủ yếu đóng vai trò là người quan sát, chỉ đưa ra lời nhắc khi cuộc thảo luận tạm lắng, còn không sẽ để học sinh tiếp tục duy trì cuộc thảo luận.

4.1.3. Tranh luận

Tranh luận được coi là một công cụ giảng dạy lý tưởng khác để phát triển tư duy phản biện. Như một dạng của học tập tích cực, tranh luận khiến người học nghiên cứu sâu chủ đề, đặt câu hỏi gợi ý, xác định mâu thuẫn và sai sót, cũng như hình thành lập luận dựa trên bằng chứng. Halvorsen (2005) khuyến nghị nên sử dụng các hoạt động tranh luận trong các khóa học ngoại ngữ. Theo quan điểm của ông, những lựa chọn mà người học đưa ra trong tranh luận không chỉ có thể tăng cường sự tham gia và sử dụng ngoại ngữ mà còn tạo điều kiện cho tư duy phản biện phát triển. Tổ chức một cuộc tranh luận trong lớp học ngoại ngữ là một trong những cách tốt nhất để khuyến khích học sinh của bạn suy nghĩ chín chắn vì họ phải suy nghĩ về một ý tưởng hoặc quan điểm cũng như bảo vệ quan điểm của mình bằng bằng chứng.

Người học được phép nhận xét các lập luận của mỗi đội và chia sẻ quan điểm khác nhau của họ về vấn đề vì thường một cuộc tranh luận điển hình chỉ đưa ra hai quan điểm “ủng hộ” hoặc “phản đối”. Giáo viên có thể tổ chức một cuộc tranh luận chính thức và chia học sinh thành các đội để được đánh giá xem họ tranh luận tốt như thế nào và cũng có thể làm điều này một cách không chính thức trong các cuộc thảo luận. Điều quan trọng là học sinh học cách tổ chức, trình bày và đánh giá một lập luận. Giáo viên cần hướng dẫn ban đầu trước khi học sinh tranh luận và cần có những điều chỉnh đúng lúc, đừng để các cuộc tranh luận trong lớp học biến thành những lời buộc tội hoặc chỉ trích nhau.

Nhìn chung, các hoạt động nói trên có thể được sử dụng như những cách hiệu quả để nâng cao tư duy phản biện của người học trong các lớp học ngoại ngữ. Tùy vào trình độ của người học, giáo viên lựa chọn hoạt động phù hợp để người học có cơ hội tương tác với nhau và chia sẻ những ý tưởng khác nhau.

4.2. Tăng cường kiểm tra kỹ năng tư duy phản biện trong đánh giá kết quả học tập

Thực hành đánh giá chủ yếu phản ánh kết quả học tập của người học trong quá trình học ngoại ngữ. Trên thực tế, cách thức đánh giá là yếu tố quyết định mục tiêu của quá trình học ngoại ngữ. Nếu trong giảng dạy ngôn ngữ, đánh giá tập trung vào năng lực ngôn ngữ của người học thì việc làm chủ năng lực ngôn ngữ trở thành mục tiêu của người học. Trong trường hợp nhấn mạnh năng lực giao tiếp, người học nỗ lực hết mình để trở thành người có năng lực giao tiếp bằng ngoại ngữ. Tương tự, nếu trọng tâm đánh giá là tích hợp các kỹ năng ngôn ngữ và năng lực tư duy. Chẳng hạn như kỳ thi Cambridge English - đây là một kỳ thi sẽ cho điểm môn tiếng Anh tốt không chỉ về kỹ năng ngôn ngữ mà còn thưởng cho những ai có các ý tưởng và ý kiến có lý lẽ - người có tư tưởng phản biện. Dưới đây là một số gợi ý để nâng cao tư duy phản biện của những người học ngôn ngữ thông qua thực hành đánh giá:

- Sử dụng đánh giá liên tục thay vì kiểm tra một lần vào cuối học kỳ. Nếu kiểm tra một lần yêu cầu người dự thi có một lượng kiến thức hạn chế, chủ yếu là ngôn ngữ thì đánh giá liên tục được thực hiện trong suốt khóa học mang đến cho giáo viên cơ hội kiểm tra nhiều kiến thức và kỹ năng hơn, bao gồm cả kỹ năng tư duy phản biện;

- Sử dụng thử nghiệm tham chiếu tiêu chí (criterion-referenced test) thay vì thử nghiệm tham chiếu tiêu chuẩn (norm-referenced test). Kiểm tra tiêu chuẩn khuyến khích người học cố gắng trở nên giỏi hơn những người khác mà không cần suy nghĩ về những gì họ học được và cách họ sử dụng nó. Trong khi đó, kiểm tra tiêu chí không đề cập nhiều về sự khác biệt giữa những người học. Do đó, họ có xu hướng học hỏi lẫn nhau trong bầu không khí thân thiện, không cạnh tranh, trở thành người hợp tác nhiều hơn đối thủ cạnh tranh và cùng nhau phát triển kỹ năng tư duy phản biện;

- Bao gồm các hoạt động trong đánh giá, trong đó có phát triển kỹ năng tư duy phản biện. Những hoạt động có thể được thực hiện thông qua các quá trình đơn giản như ghi nhớ, thay thế,… và các hoạt động cao hơn nhằm mục đích thúc đẩy kỹ năng tư duy phản biện là những hoạt động đòi hỏi người học phải suy nghĩ, hợp tác, đặt câu hỏi từ chính họ và những người khác,…

- Cung cấp cho người học thông tin phản hồi. Sự tích hợp giữa hiệu suất và phản hồi này chính là những gì người học cần khi họ học để phát triển sự hiểu biết của chính họ về một chủ đề hoặc khái niệm cụ thể. Phản hồi cũng cần cung cấp cho người học thông tin không chỉ về mức độ họ đã thực hiện các hoạt động mà còn về cách họ có thể cải thiện chúng. Một yêu cầu khác của phản hồi là phải xuất phát từ nhiều khía cạnh khác nhau: Từ phản ánh của người học về kết quả của chính họ, từ các bạn cùng lớp phản ánh về kết quả của nhau, và từ giáo viên. Phản hồi cần được thực hiện thường xuyên.

4.3. Những lưu ý đối với giáo viên

Những gợi ý trên đây có thể được sử dụng với người học ở các độ tuổi khác nhau, nhưng phải nhớ vai trò của giáo viên là làm thế nào để người học tích cực học và nâng cao tư duy phản biện trong học ngoại ngữ. Để làm được điều đó giáo viên cần lưu ý một số điểm:

- Hãy bắt đầu sớm: Điều quan trọng là phải điều chỉnh hoạt động cho phù hợp với lứa tuổi của người học để họ sử dụng trí não của mình càng sớm càng tốt;

- Không trả lời câu hỏi của người học ngay lập tức: Giáo viên thường muốn giúp họ bằng cách đưa ra câu trả lời để họ có thể tiếp tục nhiệm vụ, nhưng nếu mục tiêu chính là khiến họ suy nghĩ thì hãy để cho họ thời gian để tìm câu trả lời của riêng mình. Hãy để họ làm việc theo cặp hoặc nhóm và cố gắng cùng nhau tìm câu trả lời;

- Hỏi và khuyến khích các câu hỏi mở và tham chiếu: Giáo viên sẽ thúc đẩy tư duy phản biện bằng cách đặt câu hỏi và để người học nghĩ ra câu trả lời. Bất cứ khi nào có thể, hãy cho họ có cơ hội đặt câu hỏi cho giáo viên và bạn học của họ. Điều đó thúc đẩy họ ham học hỏi;

- Giúp người học phát triển ý tưởng của riêng mình: Không nên mong đợi người học phát triển kỹ năng tư duy phản biện trong một sớm, một chiều mà không có bất kỳ sự hỗ trợ nào. Giúp họ hoàn thành nhiệm vụ bằng cách cung cấp các kỹ thuật, chiến lược để họ tiến dần đến mục tiêu của mình, để họ không chỉ có thể hoàn thành nhiệm vụ mà còn có ý thức về thành tích. Đó là một động lực tuyệt vời để tiếp tục học;

- Khuyến khích người học suy nghĩ theo những cách mới: Sáng tạo là khả năng suy nghĩ theo những cách mới, nhìn thấy những ý tưởng và mối quan hệ mà những người khác có thể chưa từng thấy. Bằng cách khuyến khích người học làm điều đó, họ sẽ tự nhiên trở thành những người suy nghĩ tốt hơn và những người sáng tạo hơn;

- Dạy người học ngoại ngữ cách dự đoán: Có thể dự đoán điều gì sẽ xảy ra là cách tốt để người học ngoại ngữ thực hiện các kỹ năng tư duy phản biện của họ. Để đưa ra dự đoán chính xác, người học cần đánh giá và phân tích những gì đã xảy ra và đưa ra hướng đi hợp lý nhất. Điều này có thể được thực hiện trong khi xem đoạn phim, đọc văn bản hoặc nghe đối thoại;

- Khuyến khích sự hiểu biết và tôn trọng: Một trong những hệ quả của việc rèn luyện tư duy phản biện là phát triển sự đồng cảm về trí tuệ, đó là khả năng đặt mình vào vị trí của người khác và hiểu được suy nghĩ và cảm xúc của họ. Làm như vậy, người học có nhiều khả năng trở thành những người có tư tưởng công bằng, có đạo đức. Vì vậy, khái niệm tôn trọng có thể được phát triển một cách tự nhiên hơn.

- Tư duy phản biện bằng ngoại ngữ là một kỹ năng mới: Nếu học sinh còn khá trẻ, tư duy phản biện cũng có thể là điều mới mẻ đối với họ và giáo viên cũng không muốn thực hành kỹ năng tư duy phản biện sẽ làm học sinh sợ hãi. Do vậy, nếu học sinh thực sự gặp khó khăn, hãy chia nhỏ hoạt động thành các phần và cung cấp một cấu trúc cụ thể cho mỗi phần. Thậm chí có thể chia các nhiệm vụ thành các bước nhỏ hơn để học sinh làm theo. Giáo viên có thể sẽ không phải làm điều này lâu vì sau một số thực hành, lớp sẽ quen dần và thực hiện một cách tự nhiên sau đó.

5. Kết luận

Tầm quan trọng của tư duy phản biện trong việc phát triển hiệu quả học ngôn ngữ ở người học đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu và khảo sát. Vì vậy, thúc đẩy kỹ năng tư duy phản biện cần được xem là một trong những nhiệm vụ của giáo viên dạy ngoại ngữ. Họ có thể thực hiện nhiệm vụ này thông qua nhiều cách khác nhau, bao gồm cả việc sử dụng các hoạt động dạy và học nhằm phát huy khả năng tích cực, chủ động của người học và cả cách đánh giá thích hợp để người học có động cơ và mục tiêu học ngoại ngữ. Tuy nhiên, như với bất kỳ kỹ năng nào, tư duy phản biện đòi hỏi sự rèn luyện, thực hành và kiên nhẫn thì dần dần người học có thể tự mình suy nghĩ và giải quyết các vấn đề trong học tập và trong thế giới thực.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Anderson, L.W. & Krathwohl, D.R. (Eds) (2000) A taxonomy for learning, teaching and assessing: A revision of Bloom’s taxonomy of educational objectives. New York: Longman.
  2. Dallimore, E. J., Hertenstein, J. H., & Platt, M. B. (2008). Using discussion pedagogy to enhance oral and written communication skills. College Teaching, 56(3), 163-172. http://dx.doi.org/10.3200/CTCH.56.3.163-172
  3. Elder, L. & Paul, R. (1994). Critical thinking: Why we must transform our teaching. Journal of Developmental Education, 18(1), 34-35.
  4. Fisher, R. (2011). Dialogic teaching. In A. Green (Ed.), Becoming a reflective English teacher. Maidenhead, Berkshire: McGraw-Hill.
  5. Halvorsen, A. (2005). Incorporating critical thinking skills development into ESL/EFL courses. The Internet TESL Journal, 11(3), 1-5.
  6. Kusaka, L. L., & Robertson, M. (2006) Beyond Language: Creating Opportunities for Authentic Communication and Critical Thinking, Language and culture Journal of Aichi University 14, 21-38.
  7. Liaw, M. (2007). Content-Based Reading and Writing for Critical Thinking Skills in an EFL Context. English Teaching & Learning, 31(2), 45-87.
  8. Maiorana, V. P. (1992). Critical thinking across the curriculum: Building the analytical classroom. ERIC Document Reproduction Service No. ED 347511.
  9. Orlich, D. C., Harder, R. J., Callahan, R. C., Trevisan, M. S., Brown, A. H., & Miller, D. E. (2013). Teaching strategies: A guide to effective instruction (10th ed.). Belmont, CA: Wadsworth Cengage Learning.
  10. Rafi, M. S. (2008). Promoting Critical Pedagogy in Language Education. International Research Journal of Arts & Humanities (IRJAH), 37, 63-73.
  11. Scriven, M., & Paul, R. (1987). A statement presented at the 8th Annual International Conference on Critical Thinking and Education Reform, Retrieved June 5, 2020 from //www.criticalthinking.org/ pages/defining-critical-thinking/766.
  12. Wu, K. (1993). Classroom interaction and teacher questions revisited. RELC Journal, 24(2), 49-68. http://dx.doi.org/10.1177/003368829302400203.

PROMOTING THE CRITICAL THINKING

OF FOREIGN LANGUAGE LEARNERS

• NGUYEN THI NGOC LINH

National Academy of Public Administration - Ho Chi Minh City Campus

ABSTRACT:

Critical thinking has recently been applied and won widespread praise in teaching foreign language as it brings many benefits to learners. This paper is about the concept of critical thinking, the benefits of critical thinking, the way of applying the critical thinking in teaching foreign language and the way of evaluating the critical thinking development of learners in learnings foreign languages. This paper also presents some notes to teachers when teaching foreign languages in order to promote the critical thinking of learners.

Keywords: Critical thinking, foreign language learners, learning foreign language, teaching foreign language, assessment.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 23, tháng 9 năm 2020]