Nâng cao năng lực điều tra vụ việc cạnh tranh trong lĩnh vực dược phẩm

Vừa qua, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã phối hợp với chuyên gia thường trú của JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) tại Việt Nam tổ chức buổi đào tạo về kinh nghiệm điều tra vụ việc cạnh tranh trong lĩnh vực dược phẩm.

Đây là một trong những hoạt động thuộc khuôn khổ Dự án “Hoàn thiện và nâng cao năng lực thực thi Luật Cạnh tranh” do Chính phủ Nhật Bản tài trợ.

Buổi đào tạo về kinh nghiệm điều tra vụ việc cạnh tranh trong lĩnh vực dược phẩm
Buổi đào tạo về kinh nghiệm điều tra vụ việc cạnh tranh trong lĩnh vực dược phẩm

Tại buổi đào tạo, ông Okumura Tsuyoshi - chuyên gia thường trú của JICA tại Việt Nam, đồng thời từng là điều tra viên cao cấp trong lĩnh vực cạnh tranh xuyên biên giới tại Ủy ban Thương mại lành mạnh Nhật Bản (JFTC), đã trình bày quan điểm về chính sách cạnh tranh của Nhật Bản trong lĩnh vực dược phẩm.

Bên cạnh đó, ông Okumura cũng đã phổ biến cho các cán bộ, công chức, viên chức, điều tra viên của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng về các kỹ năng, kinh nghiệm trong điều tra 2 vụ việc cạnh tranh gồm:

  • Vụ việc lạm dụng vị trí thống lĩnh của Công ty MDS Nordion thông qua các hợp đồng độc quyền mua, bán Molypden 99 (nguyên tố đồng vị phóng xạ dùng để sản xuất các dược chất phóng xạ sử dụng trong nhiều ứng dụng y học, chủ yếu cho các thiết bị chẩn đoán hình ảnh) ký kết với các công ty tại Nhật Bản, vi phạm Luật Chống độc quyền Nhật Bản, được JFTC ban hành quyết định xử lý năm 1998;
  • Vụ việc lạm dụng vị trí độc quyền để ngăn cản đối thủ cạnh tranh (Công ty hóa chất Fuji-Fuji Film) gia nhập thị trường cung cấp FDG (Fludeoxyglucose, một dược chất phóng xạ được sử dụng khi tiến hành kiểm tra ghi hình cắt lớp bằng bức xạ positron) tại Nhật Bản của Công ty Nihon Medi-Physics, được JFTC công bố tháng 3/2020.
Ông Okumura Tsuyoshi - chuyên gia thường trú của Nhật Bản tại Việt Nam trình bày tại buổi đào tạo
Ông Okumura Tsuyoshi - chuyên gia thường trú của Nhật Bản tại Việt Nam trình bày tại buổi đào tạo

Các học viên tham gia buổi đào tạo được thực hành thảo luận nhóm để xác định dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh năm 2018 của Việt Nam, lập giả thuyết điều tra, xây dựng kế hoạch thu thập chứng cứ để chứng minh hành vi vi phạm… thông qua vụ việc giả định trong lĩnh vực dược phẩm tại Việt Nam.

Sau phần thuyết trình của đại diện các nhóm về những nội dung đã thảo luận tại buổi đào tạo, ông Phùng Văn Thành – Phó trưởng phòng Điều tra hành vi hạn chế cạnh tranh, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã đưa ra quan điểm, nhận định về các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh Việt Nam trong tình huống giả định, nhận xét, đánh giá đối với phần trình bày của mỗi nhóm.

Ông Phùng Văn Thành - Phó Trưởng phòng Điều tra hành vi hạn chế cạnh tranh chia sẻ kinh nghiệm điều tra hành vi hạn chế cạnh tranh trong lĩnh vực dược phẩm
Ông Phùng Văn Thành - Phó Trưởng phòng Điều tra hành vi hạn chế cạnh tranh chia sẻ kinh nghiệm điều tra hành vi hạn chế cạnh tranh trong lĩnh vực dược phẩm

Đồng thời, các học viên được hướng dẫn cách thức xác định manh mối về hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường trong lĩnh vực dược phẩm, có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh 2018; cách thức phân tích các cấu thành của hành vi theo luật định và kinh nghiệm thu thập chứng cứ. 

"Thông qua buổi đào tạo này, các cán bộ, công chức, viên chức, điều tra viên của Cục đã có thêm những kinh nghiệm, kỹ năng hữu ích, cần thiết phục vụ cho công tác điều tra các hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh 2018, đặc biệt là các hành vi hạn chế cạnh tranh trong lĩnh vực dược phẩm", đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng chia sẻ.

Thy Thảo