Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các FTA thế hệ mới

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 2/10/2021 phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”.

Phòng vệ thương mại là lĩnh vực có vai trò quan trọng trong chính sách thương mại, góp phần nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế. Do đó, quan điểm của Đề án là cần nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại, xây dựng và củng cố cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, các ngành sản xuất, hiệp hội, doanh nghiệp và đội ngũ tư vấn pháp lý để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường, phát triển xuất nhập khẩu bền vững.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật và thể chế về phòng vệ thương mại để bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích của Việt Nam trong quá trình hội nhập, đặc biệt là tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.

Tăng cường năng lực thực thi phòng vệ thương mại để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước phù hợp với cam kết quốc tế, từ đó từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Tăng cường năng lực thực thi phòng vệ thương mại

Đề án đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là sửa đổi Luật Quản lý ngoại thương và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trong lĩnh vực phòng vệ thương mại hoặc xây dựng Luật phòng vệ thương mại.

Đội ngũ cán bộ ở các bộ, ngành, địa phương được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng về việc sử dụng và ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại. Đội ngũ chuyên gia, tư vấn pháp lý có kiến thức chuyên sâu về phòng vệ thương mại để hỗ trợ các ngành sản xuất nhằm đảm bảo quyền lợi của Việt Nam trong thương mại quốc tế.

Cơ chế phối hợp liên ngành trong lĩnh vực phòng vệ thương mại được xây dựng và củng cố nhằm đáp ứng yêu cầu về công tác phòng vệ thương mại trong bối cảnh mới, hỗ trợ xử lý các vụ việc nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Năng lực của Cơ quan điều tra phòng vệ thương mại của Việt Nam được tăng cường, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, tương xứng với kim ngạch xuất nhập khẩu, hỗ trợ hiệu quả các ngành sản xuất trong nước.

Nội dung phòng vệ thương mại được đưa vào các chương trình, chiến lược, chính sách phát triển các ngành sản xuất trọng điểm.

Tăng cường hợp tác quốc tế, chủ động tham gia đàm phán, xây dựng các quy định về phòng vệ thương mại, giải quyết tranh chấp về phòng vệ thương mại trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các FTA.

Hoàn thiện mô hình cơ quan điều tra phòng vệ thương mại 

Để đạt các mục tiêu trên, Đề án sẽ triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như: Nghiên cứu mô hình cơ quan điều tra phòng vệ thương mại của các nước và tổng kết thực tiễn hoạt động ở Việt Nam, từ đó đề xuất hoàn thiện mô hình cơ quan điều tra phòng vệ thương mại.

Lựa chọn một số ngành sản xuất nền tảng, có tác động quan trọng đến phát triển kinh tế - xã hội để tăng cường năng lực phòng vệ thương mại trong quá trình thực thi các hiệp định thương mại tự do. Xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ, cập nhật về tình hình đầu tư, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu trong các ngành này để kịp thời xem xét áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại theo đúng quy định pháp luật.

Xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, phần mềm phục vụ cho công tác điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Xây dựng, vận hành cổng thông tin điện tử để cập nhật diễn biến các vụ việc phòng vệ thương mại liên quan đến Việt Nam, tạo điều kiện để các bên liên quan nộp và tiếp cận tài liệu dưới dạng dữ liệu điện tử. Thực hiện trực tuyến việc tiếp nhận hồ sơ, tài liệu, bản trả lời trong quá trình điều tra các vụ việc phòng vệ thương mại.

Xây dựng cơ chế tư vấn, hỗ trợ và trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa để đánh giá khả năng áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, tác động của các vụ việc phòng vệ thương mại. Xây dựng, triển khai các chương trình cung cấp thông tin cho doanh nghiệp phục vụ công tác xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại.

Tính đến hết tháng 7/2021, hàng hóa xuất khẩu của nước ta đã là đối tượng của 207 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài, trong đó, số vụ việc điều tra từ năm 2011 đến nay lên tới 160 vụ việc. Dù trong năm 2021, số lượng các vụ việc có giảm nhưng theo nhận định trong những năm tiếp sẽ rất khó đoán định...
Các sản phẩm của nước ta bị điều tra phòng vệ thương mại thuộc các sản phẩm nông, lâm thủy sản; gỗ, linh kiện, kim loại, phụ tùng… Việc bị điều tra phòng vệ thương mại sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng nhập khẩu từ nước ta so với hàng hóa nhập khẩu từ các thị trường không bị áp thuế. Sản phẩm xuất khẩu bị áp thuế dễ dẫn đến việc các nhà nhập khẩu có thể sẽ chuyển hướng nhập khẩu, khiến kim ngạch xuất khẩu giảm sút, thị phần bị thu hẹp, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ mất thị trường.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo nhận định của Bộ Công thương là do hàng hóa xuất khẩu của nước ta tăng nhanh nhờ tác động tích cực của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia nhiều các hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA. Do việc cắt giảm thuế quan theo các FTA đã khiến quan hệ thương mại hàng hóa với các đối tác được thúc đẩy và gia tăng mạnh mẽ với mức giá cạnh tranh...

Thy Thảo