Nâng cao năng lực sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực thực phẩm

Ngày 26 tháng 02 năm 2022, Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) đã chủ trì và phối hợp với Viện đào tạo Legal I&J, cùng Công ty Cổ phần truyền thông METACOM tổ chức Hội thảo: “Bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý trong lĩnh vực thực phẩm”.

Hội thảo được tổ chức nhằm nâng cao năng lực sở hữu trí tuệ (SHTT) cho các doanh nghiệp, cá nhân trong lĩnh vực thực phẩm, giúp các doanh nghiệp, cá nhân trong lĩnh vực thực phẩm hiểu được những thông tin tổng quan về bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, các hành vi xâm phạm đến nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý.

Trong xu hướng chung của thị trường, hiện nay việc uy tín thương mại của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân được tạo dựng qua các dấu hiệu gắn liền với hàng hoá của họ như nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý (CDĐL). Trong đó, việc sản phẩm của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân mang CDĐL đã được bảo hộ sẽ tạo niềm tin đối với người tiêu dùng về nguồn gốc, danh tiếng, chất lượng sản phẩm.

Để giúp các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm hiểu thêm về vấn đề này, ngay tại hội thảo Luật sư Vũ Thị Huyền, Giám đốc Công ty Tư vấn Sở hữu trí tuệ THB đã trình bày các vấn đề về bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý.

Ảnh Hội Thảo
Luật sư Vũ Thị Huyền - Giám đốc Công ty Tư vấn SHTT THB chia dẻ thông tin tại hội nghị

Theo đó, Luật sư Vũ Thị Huyền cho biết, các doanh nghiệp cần phải nắm bắt được các nội dung cơ bản như; văn bản pháp luật, hồ sơ thủ tục đăng ký, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu và thực tiễn áp dụng, tầm quan trọng của nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý đối với ngành thực phẩm, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…

Cũng theo Luật sư, hiện nay nhiều doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm đến bảo hộ sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu chỉ dẫn địa lý. Chính vì vậy, Luật sư khuyến nghị các “doanh nghiệp nên thay đổi thói quen”, phải đăng ký bảo hộ thương hiệu và các chỉ dẫn địa lý càng sớm càng tốt trước khi đưa sản phẩm ra ngoài thị trường. Điều này là nhằm để bảo vệ quyền lợi của tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thực phẩm xuất khẩu hàng hoá ra nước ngoài, giúp nâng cao yếu tố của doanh nghiệp và tránh bảo vệ rủi ro cho các doanh nghiệp.

Hơn nữa, nhất là các doanh nghiệp trước khi đưa sản phẩm của mình sang thị trường nào, ngay trước khi đề xuất hợp tác với đối tác ở nước đó cũng phải tiến hành đăng ký bảo hộ, bởi vì rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài luôn tìm cách tận dụng cơ hội để ‘lấy’ nhãn hiệu của doanh nghiệp đối tác thành của mình.

Phát biểu tại hội thảo, ông Hồ Sỹ Thường - Phó trưởng phòng phụ trách - Phòng Ươm tạo và phát triển doanh nghiệp, kiêm Giám đốc điều hành Vườn ươm doanh nghiệp Hà Nội thuộc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) cho biết, để phát triển thương hiệu sản phẩm thông qua bảo hộ thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, từng bước tiến tới mở rộng thị trường trong và ngoài nước cho các doanh nghiệp, Trung tâm đã thường xuyên cập nhật các thông tin về chính sách, các quy định, hỗ trợ của nhà nước đến với doanh nghiệp.

Ảnh hội nghị Bảo hộ nhãn hiệu
Ông Hồ Sỹ Thường - Phó trưởng phòng phụ trách - Phòng Ươm tạo và phát triển doanh nghiệp, kiêm Giám đốc điều hành Vườn ươm Hà Nội thuộc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội phát biểu tại hội nghị

Đồng thời, luôn gắn kết tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp về tư vấn hỗ trợ pháp lý như thành lập doanh nghiệp, hỗ trợ kinh doanh, đào tạo bài bản về các nghiệp vụ marketing bán hàng, quản lý chất lượng ISO, chuyển đổi số,… Hỗ trợ các doanh nghiệp về tem nhãn, bao bì sản phẩm được hoàn thiện trước khi doanh nghiệp đưa sản phẩm ra bên ngoài thị trường.  

Đặc biệt mới đây Trung tâm đã tư vấn, hỗ trợ cho 3 doanh nghiệp, trong đó có Công ty Bình Nguyên với dự án sản xuất chanh leo và các sản phẩm sấy khô. Các doanh nghiệp này, hiện nay đều đã có chỗ đứng trên thị trường và đạt được nhiều giải thưởng có giá trị cao trong các cuộc thi khởi nghiệp quốc gia.

Tiến Sỹ Nguyễn Việt Phương, Viện trưởng Viện nghiên cứu Y sinh và Hoá sinh ứng dụng, Thuộc liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết. Việc bảo hộ thương hiệu cho các DN là rất cần thiết, ví dụ như ở Mỹ thương hiệu nào xuất hiện trên thị trường sớm, đồng thời chứng minh được DN mình xuất hiện sớm trên thị trường thì mặc nhiên là thương hiệu sở hữu của họ.

Như ở Việt Nam nếu chúng ta không đăng ký và làm thủ tục sở hữu nhãn hiệu đó, thì một ngày nào đó chúng ta phát triển, mở rộng sản xuất hàng hoá ra thị trường, nếu vô hình dung có một công ty hay một DN, cá nhân nào đó mà đăng ký thương hiệu đó của chúng ta, mà chúng ta không thể chứng minh được bằng các văn bản pháp lý, bằng chứng nhận của Cục Sở hữu trí tuệ thì đương nhiên chúng ta đánh mất thương hiệu của mình thì hoàn toàn rõ ràng.

 

Diệu Hân