Nâng cao nhận thức năng lực nghề nghiệp của sinh viên tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành

THS. PHẠM THỊ THÙY TRANG - THS. CHU BẢO HIỆP - THS. ĐÀO THỊ THU HIỀN (Khoa Quản trị kinh doanh - Trường Đại học Nguyễn Tất Thành)

TÓM TẮT:

Giáo dục đại học ngày nay đóng vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia thông qua các kỹ năng nghề nghiệp và hiệu quả làm việc của sinh viên (SV). Để thích ứng sự thay đổi nhanh chóng của xã hội - công nghệ - môi trường, Khoa Quản trị kinh doanh - Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đào tạo chương trình đào tạo cử nhân quản trị kinh doanh (QTKD) được công nhận theo tiêu chuẩn AUN (ASEAN Universities Network) hướng đến phát triển các năng lực nghề nghiệp. Các năng lực nghề nghiệp của SV được xác định dựa vào phân tích sự thay đổi của nhu cầu trong thị trường lao động và được công bố rộng rãi. Tuy nhiên, sự quan tâm về các năng lực nghề nghiệp cần đạt của SV trong quá trình học tập lại chưa thực sự trở thành mục tiêu học tập. Do đó, nghiên cứu này tìm hiểu một cách khoa học nhận thức của SV về các năng lực nghề nghiệp được đào tạo trong chương trình, để từ đó, SV có động cơ học tập và đạt kết quả học tập tốt, tích lũy được các năng lực cần thiết cho nghề nghiệp trong tương lai.

Từ khóa: nhận thức năng lực nghề nghiệp, năng lực sinh viên, sinh viên ngành Quản trị kinh doanh.

1. Đặt vấn đề

Các tổ chức về con người, giáo dục và xã hội của thế giới và các nước đều rất quan tâm đến năng lực của con người khi tham gia vào thị trường lao động. Các nghiên cứu liên quan đến kỹ năng nghề nghiệp của sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế - Quản lý của các tác giả Chonko và Caballero (1991), Mitchel và cộng sự (2010), Phạm Lam Hương và Trần Triệu Khải (2010) cùng thống nhất khái niệm năng lực nghề nghiệp của SV tốt nghiệp là một loại kỹ năng hỗn hợp, bao gồm kỹ năng chung áp dụng vào nghề nghiệp (kỹ năng mềm) và kỹ năng đặc thù nghề nghiệp (kỹ năng cứng). Về bản chất, kỹ năng nghề nghiệp là khả năng ứng dụng thành thạo tri thức, kỹ thuật và công nghệ mới trong quá trình lao động, sản xuất, đồng thời, có khả năng ứng biến linh hoạt trong mọi hoàn cảnh. Các kỹ năng nghề nghiệp được các nhà tuyển dụng yêu cầu là: chuyên môn thành thạo trong một lĩnh vực, khả năng về công nghệ, khả năng làm việc xuyên chức năng, nhận thức văn hóa toàn cầu, kỹ năng truyền thông và tư duy phản biện (Chonko và Caballero, 1991). Khảo sát của Duke năm 2002 với đối tượng là sinh viên, người học cho rằng họ cần các kỹ năng cho nghề nghiệp tương lai là: lãnh đạo, truyền thông, tương tác cá nhân, phân tích, ra quyết định, công nghệ, kinh tế toàn cầu, đạo đức, thực tiễn kinh doanh.

Chương trình đào tạo cử nhân QTKD được Khoa Quản trị kinh doanh tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đào tạo xác định 4 năng lực của SV tốt nghiệp (GAs - Graduate Attributes), đó là GA1: Có kiến thức nền tảng về khoa học và ứng dụng, lý luận chính trị, kiến thức cơ sở và chuyên sâu về phương pháp, công cụ làm việc trong lĩnh vực kinh doanh và quản lý; GA2: Có khả năng giải quyết vấn đề; am hiểu thị trường, điều tra và khám phá tri thức; tư duy tầm hệ thống; kỹ năng cá nhân; đạo đức công bằng và trách nhiệm xã hội; GA3: Giao tiếp và làm việc nhóm hiệu quả trong các tổ chức, doanh nghiệp và trong đời sống xã hội; GA4: Hoạch định - Tổ chức - Lãnh đạo - Kiểm soát - Quản lý các hoạt động Đầu vào - Quá trình - Đầu ra của các tổ chức, doanh nghiệp phù hợp với bối cảnh hội nhập.

2. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu định tính thực hiện thông qua 24 cuộc phỏng vấn sâu (in-depth interview) qua điện thoại với các chuyên gia (6 nhà tuyển dụng, 7 cựu SV chuyên ngành QTKD, 6 giảng viên chuyên ngành quản trị Nguồn nhân lực và 5 nhà quản lý để tinh chỉnh các thuộc tính chính của năng lực nghề nghiệp mà SV ngành QTKD nhận thức được tầm quan trọng và tích lũy trong quá trình học tập. Các năng lực nghề nghiệp mà SVTN ngành QTKD được xác định là: năng lực lãnh đạo, năng lực quản lý, năng lực lập kế hoạch, năng lực tư duy, năng lực ra quyết định, năng lực sử dụng công nghệ, năng lực làm việc nhóm và năng lực giao tiếp. Các nhân tố này được xây dựng trên cơ sở tích hợp các nghiên cứu đã công bố từ các nguồn tạp chí khoa học trong nước và các tạp chí uy tín nước ngoài trong các bối cảnh tương đồng, kết hợp với 4 nhóm kỹ năng nghề nghiệp được xác định trong Chương trình đào tạo cử nhân ngành Quản trị kinh doanh năm 2018, 2019 và 2020 của Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.

Thực hiện khảo sát theo phương pháp lấy mẫu thuận tiện, hình thức trực tuyến từ ngày 01/8/2021 đến ngày 1/9/2021. Kết quả nhận về 306 bản trả lời từ các SV đang theo học tại Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Trong nghiên cứu này, SV cho biết cảm nhận của các em về năng lực của SV ngành QTKD trên thang điểm năm vào phiếu khảo sát. 25 biến đo lường của 8 năng lực SV ngành QTKD được thiết kế đo bằng thang điểm Likert năm mức. Kỹ thuật sử dụng phân tích số liệu: Sử dụng dùng phần mềm SPSS 20.0

3. Kết quả nghiên cứu và kiến nghị

Trong tổng số 303 SV tham gia khảo sát, khóa học 2018 - 2021 là các SV hiện đang học năm thứ 3 (năm cuối) chiếm tỷ lệ 40%; SV năm nhất (khóa học 2020 - 2023) là 45% và ít nhất là SV năm hai (khóa học 2019 - 2022) tham gia với tỉ lệ là 15%. Mẫu có tổng cộng là 195 nữ SV chiếm 64%, trong khi đó nam chỉ có 108 SV chiếm 36%. Hầu hết SV có kết quả học tập trung bình năm học trước là Khá (chiếm 72%), 12% là các SV đạt loại giỏi và 4% là SV xuất sắc. SV có kết quả thấp, loại trung bình có 37 SV, chiếm 12% mẫu. Đa số các SV đã đi làm là SV năm hai và năm cuối, số lượng SV đang đi làm thêm và đã từng đi làm thêm là 205, chiếm 68% trong số 303 SV tham gia khảo sát.

Kết quả thống kê mô tả cho thấy, đa số các biến trong mô hình nghiên cứu đều có trị số trung bình >3, cho thấy mức độ đồng ý chung từ hầu hết đối tượng khảo sát. (Xem Bảng)

Bảng: Kết quả quả khảo sát 303 SV Khoa Quản trị kinh doanh - Trường Đại học Nguyễn Tất Thành

STT

NĂNG LỰC

GIÁ TRỊ TRUNG BÌNH

CHỈ SỐ ƯU TIÊN

CẦN THIẾT

THỨ TỰ

TÍCH LŨY

THỨ TỰ

PI

THỨ TỰ

1

Năng lực lãnh đạo

3.874

1

3.516

4

0.093

3.1

2

Năng lực quản lý

3.801

3

3.762

1

0.010

8

3

Năng lực lập kế hoạch

3.792

4

3.546

3

0.065

6

4

Năng lực tư duy

3.652

8

3.384

6

0.074

5

5

Năng lực ra quyết định

3.681

7

3.280

8

0.109

2

6

Năng lực sử dụng công nghệ

3.783

6

3.329

7

0.120

1

7

Năng lực làm việc nhóm

3.789

5

3.438

4

0.093

3.2

8

Năng lực giao tiếp

3.831

2

3.614

2

0.057

7

Kết quả khảo sát 303 SV cho thấy, SV đánh giá sự quan trọng của các nhóm kỹ năng nghề nghiệp với điểm trung bình từ 3.652 đến 3.874, nghĩa là đều đạt được sự đồng thuận cao ở mức độ: Cần thiết. Sự chênh lệch trong đánh giá mức độ cần thiết giữa các năng lực nghề nghiệp và mức độ tích lũy được của các năng lực nghề nghiệp của SV là không nhiều, cho thấy nhận thức về các năng lực nghề nghiệp của SV là khá rõ ràng. Đối với mức độ cần thiết của các năng lực nghề nghiệp, SV nhận định Năng lực lãnh đạo, Năng lực quản lý và Năng lực giao tiếp là 3 nhóm năng lực quan trọng nhất đối với công việc của một cử nhân ngành QTKD. Đối với mức độ tích lũy được của các năng lực từ quá trình học tập và đi làm của SV ngành QTKD, Năng lực quản lý được SV tích lũy tốt nhất. Năng lực Giao tiếp ở mức độ tích lũy thứ 2. Các năng lực còn lại đều ở mức lớn hơn 3, là mức nhất trí về việc tích lũy được các năng lực cần thiết của SV, dù mức nhất trí chỉ ở mức độ Bình thường.

Chỉ số ưu tiên (PI) trên cơ sở kết hợp giữa đánh giá tầm quan và sự tích lũy các năng lực  của SV cho chúng ta một phân tích tổng hợp về mức độ chú trọng ưu tiên cải thiện các kỹ năng. Sự chênh lệch lớn giữa đánh giá về tầm quan trọng và khả năng tích lũy của các năng lực sử dụng công nghệ và ra quyết định cho thấy sự thiếu hụt về mặt thực hành so với nhận thức, do đó chỉ số ưu tiên của chúng có giá trị lớn nhất. Kết quả này dự báo cần tập trung nhiều nỗ lực nhất cho các nhóm kỹ năng này. Trong khi đó, các kỹ năng quản lý và giao tiếp có mức chênh lệch thấp nhất nên chỉ số ưu tiên thấp nhất.

Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra: (1) Đối với mức độ cần thiết của các năng lực nghề nghiệp, SV nhận định Năng lực lãnh đạo, Năng lực quản lý và Năng lực giao tiếp là 3 nhóm năng lực quan trọng nhất đối với công việc của một cử nhân ngành QTKD; (2) Đối với mức độ tích lũy được của các năng lực từ quá trình học tập và đi làm của SV ngành QTKD, năng lực quản lý được SV tích lũy tốt nhất, năng lực giao tiếp và lập kế hoạch ở mức độ tích lũy thứ 2 và thứ 3; (3) Chỉ số ưu tiên được tính toán dựa trên sự chênh lệch giữa mức độ tích lũy của năng lực nghề nghiệp và mức độ quan trọng của nó, đối với SV ngành QTKD tại Đại học Nguyễn Tất Thành, chỉ số này tập trung vào năng lực sử dụng công nghệ. Nhìn chung, điểm đánh giá khả năng tích lũy của sinh viên ở tất cả kỹ năng đều thấp hơn so với đánh giá tầm quan trọng. Điều này cho thấy khả năng tích lũy của sinh viên chưa đáp ứng được nhận thức của họ về tầm quan trọng đối với các nhóm kỹ năng nghề nghiệp này. Như vậy, hiệu quả của công tác đào tạo và rèn luyện kỹ năng cho sinh viên cần có sự cải thiện.

Để nâng cao hơn nữa năng lực cho sinh viên tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh, nhóm nghiên cứu kiến nghị các giải pháp sau đối với Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Khoa Quản trị kinh doanh về cải tiến Chương trình đào tạo, tổ chức giảng dạy và các các hoạt động hỗ trợ, giúp SV có được những năng lực phù hợp khi tốt nghiệp, đó là: (1) Tăng cường các môn học trải nghiệm và tạo cơ hội cho SV đi làm, (2) Bổ sung các hình thức học, phương pháp dạy có kỹ năng sử dụng công nghệ, (3) Tăng cường hợp tác với doanh nghiệp thông qua các hoạt động giảng dạy, thực tập và nghiên cứu khoa học.

 Lời cảm ơn:

Nghiên cứu được tài trợ thực hiện bởi Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Nhóm nghiên cứu trân trọng cảm ơn Ban Lãnh đạo và Hội đồng Khoa học đào tạo Khoa QTKD - Trường Đại học Nguyễn Tất Thành; các Thầy/Cô là Giảng viên, giảng viên doanh nghiệp và các em SV của Khoa QTKD, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Alf Lizzio, K. W. & R. S. (2010). University Students’ Perceptions of the Learning Environment and Academic Outcomes: Implications for theory and practice. Studies in Higher Education, 27(1), 27-52.
  2. Bratianu, C., & Vatamanescu, E.-M. (2017). Students’ perception on developing conceptual generic skills for business A knowledge-based approach. Journal of Information and Knowledge Management Systems, 47(4), 490-505
  3. Đào Vũ Hương Giang1*, Đ. N. C. và H. V. Đ. (2019). Nhận thức nghề nghiệp đối với ngành du lịch của sinh viên ngôn ngữ Pháp, Trường Đại học Cần Thơ. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 55, Số 5C (2019), (pp. 98-106) https://doi.org/10.22144/ctu.jvn.2019.134
  4. Duke, C. R. (2002). Learning Outcomes: Comparing Student Perceptions of Skill Level and Importance. Journal of Marketing Education, 24(3), 203-217. https://doi.org/10.1177/0273475302238043.
  5. Lizzio, A., & Wilson, K. (2004). First‐year students’ perceptions of capability (pp. 109-128). Routledge.
  6. Ovbiagbonhia, A. R., Kollöffel, B., & Brok, P. den. (2019). Educating for innovation: students’ perceptions of the learning environment and of their own innovation competence. Learning Environments Research, 22(3), 387-407. https://doi.org/10.1007/s10984-019-09280-3.
  7. Phạm Thị Lan Hương, T. T. K. (2010). Nhận thức về kỹ năng nghề nghiệp của sinh viên chuyên ngành quản trị marleting tại trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng, Tạp chí khoa học và công nghệ, Đại học Đà Nẵng, số 5(40). 165-175.
  8. Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. (2021). Chương trình đào tạo ngành QTKD.

Raising the students’ awareness of professional competencies in Nguyen Tat Thanh University

Master. Pham Thi Thuy Trang 1

Master. Chu Bao Hiep 1

Master. Dao Thi Thu Hien 1

1 Faculty of Business Administration, Nguyen Tat Thanh University

ABSTRACT:

Higher education has played an increasingly important role in the economic development of each country as it improves the career skills and performance of students. In order to adapt to the rapid changes in society, technology and environment, the Faculty of Business Administration, Nguyen Tat Thanh University offers a bachelor of business administration program which has been accredited by the ASEAN Universities Network (AUN) and this program is to help students meet industry-oriented competency requirements of business administration. The professional competencies are determined based on the analysis of changes in the labor market’s demand. However, the interest of student in the development of professional competencies during their learning processes has not really become their learning goals. This study explores the students’ awareness of professional competencies which are trained during the studying process, so that students find out motivations to study, achieve good learning results, develop necessary skills for their future.

Keywords: awareness of professional capacity, student capacity, students of Business Administration.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 21, tháng 9 năm 2021]