Nâng cao tính hấp dẫn của đề tài báo chí trong công tác xây dựng Đảng

(Chinhphu.vn) - Viết thế nào để vừa đúng định hướng, vừa có sức thuyết phục, lại hấp dẫn được công chúng đối với công tác xây dựng Đảng trong giai đoạn hiện nay, là vấn đề đặt ra tại tọa đàm “Báo chí
Buổi tọa đàm do Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức sáng ngày 17/6 tại Hà Nội nhằm góp phần giải đáp yêu cầu: Làm thế nào để nâng cao chất lượng báo chí về công tác xây dựng Đảng; làm rõ hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò của báo chí, của người làm báo với công tác xây dựng Đảng hiện nay; công tác tuyên truyền về xây dựng Đảng gắn với tuyên truyền về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh như thế nào để có hiệu quả nhất…

Cần bản lĩnh vững vàng

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, báo chí có vai trò to lớn trong xã hội, là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, phản ánh, phản biện xã hội, định hướng và dẫn dắt dư luận xã hội.

Đối với công tác xây dựng Đảng, báo chí có vai trò đặc biệt quan trọng là tuyên truyền, phổ biến, cổ vũ việc thực hiện chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nói chung và về lĩnh vực báo chí nói riêng.

Báo chí tham gia giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, đồng thời phản ánh những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước để kịp thời điều chỉnh và đi vào cuộc sống một cách hiệu quả.

Tuy nhiên, viết và thông tin về xây dựng Đảng là vấn đề ít hấp dẫn đối với cán bộ, phóng viên; là vấn đề khó từ khâu phát hiện đề tài, xác định nội dung, khai thác tài liệu, cho đến việc thể hiện tác phẩm.

Viết về xây dựng Đảng đòi hỏi cán bộ, phóng viên phải có bản lĩnh vững vàng, nhiệt tình, tâm huyết với Đảng; đồng thời, phải là những người có nghiệp vụ tốt, có kiến thức hiểu biết sâu sắc về Đảng mới làm được những tác phẩm báo chí sinh động, hấp dẫn, thu hút công chúng.

Nhà báo Lê Mậu Lâm - Phó Trưởng ban Ban Xây dựng Đảng (Báo Nhân dân) cho rằng, trong tình hình và bối cảnh hiện nay, mỗi người làm báo Đảng cần khắc phục những hạn chế, yếu kém của mình, tự đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động báo chí trong thời kỳ mới.

Đội ngũ những người làm báo Đảng phải luôn bám sát nhiệm vụ công tác tư tưởng; phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến; tích cực đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, các tiêu cực và tệ nạn xã hội; kịp thời phản bác một cách nhạy bén và thuyết phục các thông tin, quan điểm sai trái, phản động, thù dịch.

Tăng tính hấp dẫn của đề tài “khó, khô, khổ”

Có một thực tế, mỗi khi bàn đến việc nâng cao chất lượng tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng, bên cạnh sự thống nhất cao coi đây là nội dung quan trọng, thường xuyên trên các tờ báo, còn có sự đồng nhất đánh giá đây là đề tài “khó, khô, khổ”.

Nhà báo Việt Anh - Tạp chí Người làm báo chia sẻ, là người nhiều năm làm việc, trải qua nhiều cương vị công tác của Đảng bộ TP. Hà Nội, có dịp tiếp xúc với những người làm báo Đảng ở địa phương, anh rất hiểu nỗi trăn trở chung của đồng nghiệp là làm sao để báo Đảng không chỉ đúng định hướng, tuyên truyền tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tới cán bộ, nhân dân, mà còn phải hay, hấp dẫn đông đảo bạn đọc.

Theo nhà báo Việt Anh, các bài báo viết về xây dựng Đảng cần những đổi mới theo hướng thiết thực và vì dân, có như vậy mới tạo ra những đề tài hay để có những tác phẩm báo chí hấp dẫn bạn đọc, khiến cho đây không còn là mảng đề tài “khô” như vẫn quan niệm.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng, “khó, khô, khổ” tất cả là do cách viết, cách làm. Viết về Đảng vẫn có những cách làm hay, nhưng nhà báo cần chịu khó tìm hiểu, đào sâu vào từng vấn đề cụ thể, đi vào thực tiễn của cuộc sống.

Để nâng cao tính hấp dẫn, nhà báo Lê Thị Thu Thủy - Tạp chí Xây dựng Đảng cho rằng, tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng phải bắt nguồn từ cuộc sống của nhân dân. Các phóng viên, biên tập viên cần chủ động theo dõi dòng chảy thời sự, tích cực bám sát cơ sở, phát hiện vấn đề, xây dựng bài viết phù hợp với mảng đề tài, nội dung, góp phần xác định nội dung tập trung, chuyên đề rõ ràng và vẫn đảm bảo tính thời sự của báo chí.

Theo Cổng thông tin Điện tử Chính phủ