Dây chuyền sản xuất, lắp ráp ô tô của Thaco
Dây chuyền sản xuất, lắp ráp ô tô của Thaco

 

Trong thời gian vừa qua, thực hiện các chỉ đạo về phát triển ngành ô tô Việt Nam tại Nghị quyết của Quốc hội, Bộ Công Thương đã tích cực, chủ động tham mưu Chính phủ ban hành các chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của ô tô sản xuất trong nước, cụ thể:

- Quyết định số 229/QĐ-TTg ngày 04 tháng 02 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách thực hiện Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam;

- Nghị định số 116/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô;

- Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan; trong đó bổ sung quy định về Chương trình ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu linh kiện phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước;

- Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó xác định công nghiệp hỗ trợ cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô là một trong những ngành công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển và được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ ở mức cao nhất từ Nhà nước.

- Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

Các chính sách trên được ban hành với các mục tiêu chủ yếu sau:

- Phát triển sản xuất ô tô tại Việt Nam để chủ động đáp ứng nhu cầu trong nước, với lộ trình phát triển phù hợp với sự phát triển của hệ thống hạ tầng; tạo công ăn việc làm cho người lao động, thay thế sản phẩm nhập khẩu.

- Tăng dần tỷ lệ giá trị sản xuất trong nước đối với xe ô tô sản xuất tại Việt Nam, phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô, tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí xuất xứ khi xuất khẩu sang thị trường FTAs nhất là khu vực ASEAN.

- Đảm bảo bình đẳng giữa các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu thuộc mọi thành phần kinh tế. Tiến tới tạo ra thương hiệu ô tô của Việt Nam.

- Đảm bảo yêu cầu về an toàn của người sử dụng và người tham gia giao thông; bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng thường xuyên phối hợp với các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong đầu tư, sản xuất kinh doanh các dự án sản xuất, lắp ráp ô tô lớn, có tác động tích cực đến phát triển kinh tế, thu ngân sách địa phương cũng như cả nước nói chung.

Nhờ các chính sách mới trong thời gian qua, ngành công nghiệp ô tô trong nước đã có những cải thiện đáng kể. Cụ thể, các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước đã bước đầu khẳng định vai trò, vị trí đối với thị trường ô tô trong nước, có bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất.

Nhiều dự án sản xuất, lắp ráp ô tô quy mô lớn với mục tiêu không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn hướng tới thị trường khu vực, như: Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast tại Hải Phòng; các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô du lịch thương hiệu Mazda, ô tô tải, ô tô bus của Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco); các dự án mở rộng sản xuất ô tô du lịch và ô tô thương mại thương hiệu Hyundai của Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công...

Gần đây nhất, Công ty cổ phần ô tô Trường Hải đã xuất khẩu lô xe đầu tiên (xe bus mang thương hiệu riêng của Thaco và xe du lịch thương hiệu Kia Motors) sang các quốc gia Đông Nam Á (Philippines, Thái Lan). VinFast chưa xuất khẩu nhưng sẽ là điều chắc chắn xảy ra trong tương lai gần. Việc sử dụng ngay từ đầu các công nghệ Đức, việc lựa chọn những hạng mục chiếm giá trị cao trên một chiếc ô tô, để sớm hoàn thành mục tiêu tỷ lệ nội địa hóa cho thấy VinFast muốn đưa ra những chiếc xe chất lượng với giá cả cạnh tranh để xuất khẩu.

Hơn nữa VinFast đã và đang âm thầm thành lập các công ty con và văn phòng ở nước ngoài để phục vụ cho tham vọng sớm xuất khẩu ô tô, như Mở công ty VinFast GmbH, tọa lạc tại thành phố Frankfurt, CHLB Đức. Vinfast cũng đang gấp rút để mở thêm văn phòng tại một số thành phố lớn như: Thượng Hải, Seoul…

Đối với các chủng loại xe tải nhẹ dưới 7 tấn, xe khách từ 25 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng sản xuất trong nước đã đạt tỷ lệ nội địa hóa cao, đạt mục tiêu đề ra của Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, đáp ứng cơ bản nhu cầu thị trường nội địa (xe tải đến 07 tấn đáp ứng khoảng 70% nhu cầu).