TÓM TẮT:

Trong bối cảnh kinh tế số đã và đang phát triển mạnh mẽ, đổi mới sáng tạo là một thước đo quan trọng đánh giá khả năng cạnh tranh và sự thích ứng với thời cuộc, nắm bắt xu thế xã hội của bất kỳ một cá nhân nào trong nền kinh tế. Bài viết này làm rõ đặc điểm xu thế phát triển kinh tế số của Việt Nam, đánh giá thực trạng năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân - trường đại học tiêu biểu về đào tạo khối ngành kinh tế và quản lý tại Việt Nam; đồng thời kiến nghị các giải pháp góp phần nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên trong bối cảnh kinh tế số.

Từ khóa: đổi mới sáng tạo, kinh tế số, năng lực.

1. Năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên

Đổi mới sáng tạo có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững doanh nghiệp và là tiền đề quan trọng để tạo ra năng lực cạnh tranh (Đỗ Anh Đức, 2020; Đỗ Anh Đức và Trương Thị Huệ, 2018). Khái niệm đổi mới sáng tạo được các nghiên cứu làm rõ các ở nhiều khía cạnh khác nhau. Schumpeter (1934) cho rằng sự đổi mới là phần giao thoa giữa phát minh và sáng chế để tạo ra giá trị cho nền kinh tế - xã hội, đổi mới sáng tạo là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến nền kinh tế do sự thay đổi công nghệ cũng như sự kết hợp mới của các lực lượng sản xuất hiện hữu để giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp. Đổi mới sáng tạo là việc sử dụng tri thức mới để tạo ra một dịch vụ hoặc sản phẩm mới mà khách hàng mong muốn; đổi mới sáng tạo gồm quá trình phát minh và thương mại hóa (Afuah, 2012). Tương tự, Fagerberg (2004) cũng cho rằng đổi mới sáng tạo là sự thương mại hóa đầu tiên của ý tưởng. Do đó, đổi mới sáng tạo đã trở thành một năng lực cốt lõi mang tính chất chung và sẽ được tích hợp trong thực tế hàng ngày (Bozic, 2017).

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD (2002) đã định nghĩa năng lực là khả năng cá nhân đáp ứng các yêu cầu phức hợp và thực hiện thành công nhiệm vụ trong một bối cảnh cụ thể. Một cách cụ thể hơn, Barnett (1992) coi năng lực là một tập hợp các kiến thức, kĩ năng và thái độ phù hợp với một hoạt động thực tiễn. Weiner (2001) đã đề cập đến năng lực là những kĩ năng, kĩ xảo có sẵn hoặc hình thành trong quá trình rèn luyện nhằm giải quyết các tình huống xác định, cũng như sự sẵn sàng về động cơ xã hội và khả năng vận dụng trong những tình huống đó một cách linh hoạt. Như vậy, có thể hiểu năng lực là khả năng được hình thành, phát triển từ tố chất sẵn có và quá trình học tập rèn luyện, đáp ứng những yêu cầu, mục tiêu cụ thể và nhấn mạnh tính phù hợp và cụ thể của năng lực, rằng năng lực cần được bộc lộ trong những hoàn cảnh cụ thể và có sự phù hợp với hoàn cảnh đó. Đo lường năng lực đổi mới sáng tạo ở cấp độ cá nhân là hết sức cần thiết không chỉ để xác định thực tế mức độ đổi mới sáng tạo mà còn có thể giúp tìm ra giải pháp nâng cao khả năng đổi mới sáng tạo của mỗi cá nhân, từ đó tác động tích cực vào đổi mới sáng tạo của các cấp độ tổ chức, doanh nghiệp và quốc gia.

Kinh tế số đã và đang trở thành một thành phần kinh tế đóng góp tỷ trọng đáng kể vào xu hướng ngày càng tăng trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Số hóa vượt ra ngoài việc sử dụng máy tính và internet bao gồm cách thức cung cấp dịch vụ máy tính và tác động của trí tuệ nhân tạo và internet vạn vật; số hóa là một sự thay đổi căn bản ảnh hưởng đến cả nền kinh tế và xã hội, bao gồm cách thức công việc diễn ra và các bộ kỹ năng khác nhau được yêu cầu tham gia và đổi mới (Gault, 2019). Bên cạnh đó, sự đổi mới đã được công nhận là hiện hữu trong bất kỳ khu vực kinh tế nào (OECD, Eurostat, 2018). Mô hình SWOT phân tích nền kinh tế số của Việt Nam đã chỉ rõ một trong những điểm yếu còn tồn tại là “thiếu đổi mới sáng tạo và giám sát sử dụng kỹ thuật số” và đối tượng thực hiện đổi mới sáng tạo bao gồm các trường đại học, trung tâm đổi mới sáng tạo, công ty khởi nghiệp, các cá nhân (Cameron và các cộng sự, 2019). Nghiên cứu năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên trường đại học góp phần quan trọng vào việc xử lý những điểm yếu trên.

2. Kinh tế số tại Việt Nam

Tại Việt Nam, kinh tế số đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Năm 2020, kinh tế số của Việt Nam đã đạt quy mô khoảng 14 tỷ USD, tăng 367% so với quy mô 3 tỷ USD vào năm 2015. Dự báo đến năm 2025 sẽ đạt quy mô 52 tỷ USD [1]. Ngày 03/06/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 749/QĐ-TTg về việc Phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với những mục tiêu phát triển kinh tế số cơ bản sau: (Bảng 1).

Bảng  1. Mục tiêu phát triển kinh tế số tại Việt Nam

Năm

Chiếm GDP

Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành

Năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu

Mục tiêu về công nghệ thông tin (IDI)

Mục tiêu về chỉ số cạnh tranh (GCI)

Mục tiêu về đổi mới sáng tạo (GII)

2025

20%

10%

7%

Nhóm 50 nước dẫn đầu

Nhóm 50 nước dẫn đầu

Nhóm 35 nước dẫn đầu

2030

30%

20%

8%

Nhóm 30 nước dẫn đầu

Nhóm 30 nước dẫn đầu

Nhóm 30 nước dẫn đầu

Nguồn: Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/06/2020

Mục tiêu phát triển kinh tế số trên cho thấy Việt Nam đã sớm nhận thức về tầm quan trọng của phát triển kinh tế số và đề ra quyết định hành động bắt kịp với xu thế kinh tế số trên thế giới. Để đạt được mục tiêu này, một trong những nhân tố quyết định chính là đổi mới sáng tạo. Gagulina và các cộng sự (2020) cho rằng chính những sự đổi mới sáng tạo đã mang đến một sự phát triển tích cực và bền vững trong dài hạn. Bên cạnh đó, đổi mới sáng tạo (ở cả góc độ thương mại và phi thương mại) đều đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của quốc gia và doanh nghiệp, là động lực cho sự tiến bộ kinh tế và sức cạnh tranh của tất cả các nước (Hoàng Thị Ngọc Loan, 2019). Đỗ Anh Đức (2020) cũng khẳng định vai trò của đổi mới sáng tạo trong việc thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp và cả nền kinh tế trong bối cảnh công nghiệp 4.0. Trong bối cảnh năng suất lao động trong các ngành nghề có những bước nhảy vọt do được ứng dụng các công nghệ hiện đại, lực lượng lao động chân tay, kể cả lao động có kỹ thuật và nhân viên văn phòng cũng dần bị thay thế bởi máy móc, thì mỗi cá nhân hay tổ chức rất cần phải đổi mới sáng tạo để bắt kịp xu hướng thế giới, tránh bị lạc hậu và có thể tạo đà phát triển sau này.  

3. Thực trạng năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân

Trường Đại học Kinh tế quốc dân là một trong những trường đại học lớn, tiêu biểu của Việt Nam về “đào tạo khối ngành kinh tế và quản lý tại Việt Nam, đồng thời là trung tâm nghiên cứu kinh tế chuyên sâu, tư vấn các chính sách vĩ mô cho Nhà nước Việt Nam, chuyển giao và tư vấn công nghệ quản lý và quản trị”[2]. Trường cũng khẳng định giá trị cốt lõi trong “Chiến lược phát triển Trường Đại học Kinh tế quốc dân (2020-2030)” với việc “Giữ vững và phát huy vai trò đi đầu trong đổi mới và sáng tạo” [3] Với quy mô đào tạo lớn và mạng lưới sinh viên - cựu sinh viên rộng khắp cả nước, lại đóng góp nhiều vào nguồn nhân lực quốc gia, năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân có thể là tiền đề đánh giá và tạo cơ sở nhìn nhận về năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên các trường đại học tại Việt Nam.

Trong thời gian qua, Trường Đại học Kinh tế quốc dân đã tích cực thực hiện Đề án 1665 của Bộ Giáo dục và Đào tạo bằng những hành động và việc làm thiết thực như thành lập Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo xã hội (Center for Social Innovation and Entrepreneurship - CSIE) được thành lập vào ngày 14 tháng 2 năm 2017 tạo ra nhiều thành tựu hướng đến hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo [4]; Tổ chức Hội thảo quốc tế có liên quan đến đổi mới sáng tạo [5], Trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng đã tổ chức thành công Ngày hội về Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện trong khuôn khổ Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”[6]

Để hiểu rõ được khả năng hiểu biết của sinh viên về năng lực đổi mới sáng tạo và kinh tế số của sinh viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát 303 sinh viên đại diện cho sinh viên toàn trường, cho các Khoa/ Viện đào tạo, các nhóm giới tính và các năm đào tạo thuộc hơn 20 Khoa/Viện đào tạo của Trường Đại học Kinh tế quốc dân (Bảng 2).

             Bảng 2. Thông tin sinh viên tham gia khảo sát

Thông tin

Số lượng (Sinh viên)

Tỷ lệ (%)

Đơn vị đào tạo

Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế

58

19,14

Viện Đào tạo quốc tế

24

7,92

Viện Ngân hàng - Tài chính

11

3,63

Viện Kế toán - Kiểm toán

20

6.6

Viện Quản trị kinh doanh

20

6,6

Khoa Kinh tế học

19

6,27

Khoa Du lịch và Khách sạn

8

2,64

Khoa Thống kê

15

4,95

Khoa Toán kinh tế

7

2,31

Khoa Đầu tư

18

5,94

Khoa Ngoại ngữ kinh tế

11

3,63

Khoa Kế hoạch và Phát triển

9

2,97

Khoa Marketing

13

4,29

Khoa Luật

8

2,64

Khoa Bất động sản và Kinh tế tài nguyên

9

2,97

Khoa/Viện đào tạo khác

53

17,5

Giới tính

Nam

121

39,93

Nữ

178

58,75

Giới tính khác

4

1,32

Năm đào tạo

Sinh viên năm thứ 1

33

10,89

Sinh viên năm thứ 2

89

29,37

Sinh viên năm thứ 3

68

22,44

Sinh viên năm thứ 4

100

33

Năm đào tạo khác

13

4,3

Tổng

303

100

Nguồn: Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu

Kết quả khảo sát mức độ hiểu biết của sinh viên về năng lực đổi mới sáng tạo tại Biểu đồ 1 cho thấy: 183/303 sinh viên hiểu biết về năng lực đổi mới sáng tạo ở mức trung bình (chiếm tỷ lệ 60,4%) trong khi lượng sinh viên hiểu biết ở mức tốt và rất tốt lần lượt là 52 (chiếm tỷ lệ 17,16%) và 14 (chiếm tỷ lệ 4,62%). Số lượng sinh viên có ít hiểu biết về năng lực đổi mới sáng tạo ở mức kém và rất kém cũng rất thấp, lần lượt là 48 (chiếm tỷ lệ 15,84%) và 6 sinh viên (chiếm 1,98%). Kết quả khảo sát mức độ hiểu biết của sinh viên về kinh tế số tại Biểu đồ 2 cho thấy: Lượng sinh viên hiểu biết về kinh tế số cũng chiếm tỷ trọng cao nhất là 131/303 sinh viên (chiếm tỷ lệ 43,24%). Số lượng sinh viên có hiểu biết ở mức tốt và rất tốt là 93 (chiếm tỷ lệ 30,69%) và 24 (chiếm tỷ lệ 7,92%). Số lượng sinh viên có hiểu biết ở mức kém và rất kém là 45 (chiếm tỷ lệ 14,85%) và 10 sinh viên (chiếm tỷ lệ 3,3%).

Nhìn chung, kết quả trên cho thấy phần lớn những sinh viên được khảo sát có mức độ hiểu biết trung bình về cả năng lực đổi mới sáng tạo và kinh tế số, và chiếm tỷ trọng lớn nhất với lần lượt 60% và 43% trong tổng số 303 sinh viên tham gia khảo sát. Bên cạnh đó, sinh viên hiểu biết về kinh tế số tốt hơn đổi mới sáng tạo khi tỷ lệ sinh viên có hiểu biết tốt và rất tốt về kinh tế số đều cao hơn gần gấp đôi so với tỷ lệ sinh viên hiểu biết về năng lực đổi mới sáng tạo. Như vậy, có thể nhận định rằng, vấn đề đổi mới sáng tạo trong bối cảnh kinh tế số đã bắt đầu nhận được sự quan tâm của sinh viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân, tuy nhiên chưa có sự hiểu biết một cách sâu sắc và rộng rãi. Trong khi đó, trong bối cảnh kinh tế số, đổi mới sáng tạo là một thước đo quan trọng đánh giá khả năng cạnh tranh và sự thích ứng với thời cuộc, nắm bắt xu thế xã hội của bất kỳ một cá nhân nào trong nền kinh tế. Vì vậy, sinh viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân vẫn cần nâng cao hơn nữa hiểu biết về năng lực đổi mới sáng tạo và hiểu biết về kinh tế số, cũng như chuẩn bị cho quá trình đổi mới sáng tạo và đón nhận những cơ hội đổi mới phía trước.

4. Giải pháp và kiến nghị nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho sinh viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân

Sinh viên cần chủ động hưởng ứng, tham gia những buổi hội thảo, hội nghị mà nhà trường hay địa phương tổ chức để nâng cao nhận thức cho mình về đổi mới sáng tạo trong bối cảnh kinh tế số và hiểu được sự cấp thiết trong việc chuyển mình, thay đổi để thích ứng với nền kinh tế. Tham gia các khóa đào tạo, chương trình, dự án về khoa học công nghệ, công nghệ thông tin (IT), trí tuệ nhân tạo (AI), robot để có cái nhìn thực tế nhất về bối cảnh và thị trường lao động trong hiện tại và tương lai. Ngoài ra, sinh viên cũng cần được chủ động giao lưu, học hỏi với các bạn bè quốc tế thông qua các kênh Internet, trao đổi sinh viên,... để học hỏi thành tựu khoa học quốc tế, đồng thời kích thích sự tò mò, sáng tạo từ chính bản sinh viên nhằm nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo. Ngày 30/10/2017, Quyết định số 1665/QĐ-TTg [7] phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” của Thủ tướng Chính phủ, gắn “khởi nghiệp” với “đổi mới sáng tạo”, đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Đề án thành công.

Trong đó, có việc thành lập đội ngũ cán bộ tư vấn, hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp từ các nhà trường; Tạo môi trường thuận thời để học sinh sinh viên hình thành và thực hiện các ý tưởng, dự án khởi nghiệp; Xây dựng và tổng hợp các Tài liệu [8] cung cấp các kiến thức, kỹ năng, công cụ cơ bản để xây dựng các ý tưởng “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”. Bên cạnh đó, sau khi Công văn số 2101/BGDĐT-KHCNMT [9] được ban hành ngày 24/05/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi các cơ sở giáo dục đại học nhằm hướng dẫn thực hiện một số nội dung về Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các trường đại học tại Việt Nam đã có nhiều hành động cụ thể để góp phần thực hiện hiệu quả hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sinh viên. Có thể kể đến như: Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến cho sinh viên; Thực hiện các giải pháp cụ thể [10] hỗ trợ ý tưởng, sáng chế của sinh viên; Tổ chức các cuộc thi [11] đổi mới sáng tạo sinh viên; Tổ chức các Hội thảo khoa học [12] có liên quan đến đổi mới sáng tạo;]…

Trường đại học cần thường xuyên tuyên truyền, khích lệ để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của sinh viên về vai trò của khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội với các nội dung cụ thể như: Phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan đến khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thực hiện các chuyên đề, phóng sự hoặc thăm quan học tập các điển hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công của tỉnh, quốc gia và quốc tế. Tổ chức hội thảo, thảo luận trao đổi về tình hình kinh tế; khởi nghiệp; đổi mới sáng tạo; giải pháp để phát triển Khoa học và Công nghệ;... với sự tham dự của một số sở ngành liên quan; doanh nghiệp của trong khu vực.

Qua đó, khuyến khích sự sáng tạo của sinh viên, tạo cầu nối gắn kết chặt chẽ giữa viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp, dịch vụ công nhằm kiến tạo và tích lũy tài sản trí tuệ, tạo ra nguồn nhiên liệu mới cho tăng trưởng kinh tế nhanh, bao trùm và bền vững [13]. Trường đại học cũng cần “nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo nguồn nhân lực cho nền kinh tế số”; Chương trình đào tạo nhân lực công nghệ thông tin cần tập trung vào mục tiêu “xã hội hóa giáo dục công nghệ thông tin”, cập nhật giáo trình đào tạo công nghệ thông tin phù hợp với người học, người dùng và đảm bảo theo kịp thế giới, gắn với các xu hướng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật (IoT), công nghệ robot. [14]

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] https://storage.googleapis.com/gweb-economy-sea.appspot.com/assets/pdf/e-Conomy_SEA_2020_Report.pdf?_ga=2.203827344.1408678645.1613814599-235394530.1613814599. Truy cập ngày 12/12/2020

[2] https://vi.wikipedia.org/wiki/Trường_Đại_học_Kinh_tế_quốc_dân. Truy cập ngày 12/12/2020

[3] https://neu.edu.vn/vi/chien-luoc-phat-trien-truong-dai-hoc-kinh-te-quoc-dan-2020-2030/chien-luoc-phat-trien-truong-dai-hoc-kinh-te-quoc-dan-2020-2030-5729. Truy cập ngày 20/12/2020

[4] http://csie.neu.edu.vn/vi/ Truy cập ngày 20/12/2020

[5] http://csie.neu.edu.vn/vi/portfolio/international-conference-on-innovation-and-entrepreneurship-for-sustainable-development-goals-a-journey-of-5-years-and-the-path-ahead%e2%80%8b/ Truy cập ngày 20/12/2020

[6]https://cafef.vn/techfest-vietnam-2020-se-to-chuc-tai-dai-hoc-kinh-te-quoc-dan-tu-ngay-27-29-11-20201001141356818.chn Truy cập ngày 20/12/2020 [7]http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=2&_page=1&mode=detail&document_id=191647. Truy cập ngày 20/12/2020

[8] https://dean1665.vn/news/dao-tao-khoi-nghiep/tai-lieu-tham-khao-ve-ho-tro-khoi-nghiep-danh-cho-sinh-vien-cac-truong-dai-hoc-129.html. Truy cập ngày 20/12/2020

[9] https://thuvienphapluat.vn/cong-van/Doanh-nghiep/Cong-van-2101-BGDDT-KHCNMT-2018-huong-dan-khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao-382996.aspx. Truy cập ngày 20/12/2020

[10] http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201903/khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao-trong-sinh-vien-2434644/. Truy cập ngày 20/12/2020

[11] https://www.most.gov.vn/vn/tin-tuc/18927/lang-sinh-vien-khoi-nghiep--doi-moi-sang-tao-de-tao-thay-doi-tich-cuc.aspx Truy cập ngày 20/12/2020;

http://ute.udn.vn/chuyentrang/1063/default.aspx, https://uneti.edu.vn/chung-ket-cuoc-thi-y-tuong-sang-tao-khoi-nghiep-sinh-vien-uneti-nam-hoc-2019-2020/ Truy cập ngày 20/12/2020;

http://hat.hueuni.edu.vn/wp-content/uploads/2018/04/CV-trien-khai-Cuoc-thi-Khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao-2018-scan.pdf . Truy cập ngày 20/12/2020

[12] http://csie.neu.edu.vn/vi/hoi-thao-khoa-hoc-quoc-te-doi-moi-sang-tao-va-khoi-nghiep-vi-muc-tieu-phat-trien-ben-vung-05-nam-nhin-lai-va-tam-nhin-phia-truoc/ Truy cập ngày 20/12/2020;

http://tuoitredhdn.udn.vn/khoi-nghiep/kien-thuc-khoi-nghiep/doi-moi-sang-tao-va-khoi-nghiep-trong-cac-truong-dai-hoc-chau-a-1307.html Truy cập ngày 20/12/2020;

https://www.vista.gov.vn/news/khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao/hoi-thao-ket-noi-vien-truong-doanh-nghiep-thuc-day-khoi-nghiep-sang-tao-trong-giao-duc-tai-viet-nam-226.html Truy cập ngày 20/12/2020 

[13] https://namdinh.gov.vn/portal/Pages/2020-11-27/Mot-so-giai-phap-phat-trien-KHCN-va-doi-moi-sang-tjq273x.aspx Truy cập ngày 20/12/2020

[14] https://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/xu-huong-phat-trien-kinh-te-so-tren-the-gioi-va-ham-y-cho-viet-nam-330697.html Truy cập ngày 22/12/2020

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đỗ Anh Đức (2020). Đổi mới sáng tạo tại Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp 4.0. Tạp chí Kinh tế và Quản lý, số 33, 57-60.
  2. Đỗ Anh Đức, Trương Thị Huệ (2018). Xây dựng mô hình đại học định hướng đổi mới sáng tạo trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0. Tạp chí Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương, số 512, 25-27.
  3. Schumpeter, J. (1934). The Theory of Economic Development. Harvard University Press, Cambridge, Massachusetts. 
  4. Afuah, A. (2012). Quản trị quá trình thay đổi mới và sáng tạo. Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân.
  5. Fagerberg, J. (2004). Innovation: A guide to the literature. Georgia Institute of Technology
  6. Bozic, N. (2017). Integrated model of innovative competence. Journal of Creativity and Business Innovation, 3, 140-169.
  7. OECD (2002). Definition and selection of Competencies: Theoretical and Conceptual Foundation. <http://www.oecd.org/dataoecd/47/61/35070367.pdf>, xem 20/12/2020.
  8. Barnett, R. (1992). The idea of quality: voicing the educational. Higher Education Quarterly, 46(1), 3-19.
  9. Weinert, F. E. (2001). Concept of competence: A conceptual clarification. Hogrefe & Huber Publishers.
  10. Gault, F. (2019). User innovation in the digital economy. Foresight and STI Governance, 13(3), 6-12.
  11. OECD, Eurostat. (2018). Oslo Manual 2018, Guidelines for Collecting, Reporting and Using Data on Innovation. Paris: OECD.
  12. Cameron, Tạ Việt Dũng và các cộng sự (2019). Tương lai nền kinh tế số Việt Nam. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam (5A), 22.
  13. Gagulina, N., Samoylov, A., Novikov, A., & Yanova, E. (2020). Innovation-driven development and quality of living under conditions of digital economy. E3S Web of Conferences (Vol. 157, p. 04037). EDP Sciences. 
  14. Hoàng Thị Ngọc Loan (2019). Vai trò của nhà nước trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Kỷ yếu hội thảo khoa học, Những vấn đề lý luận chung về đổi mới sáng tạo, 9-21.

The innovation capacity of National Economics University’s students in the context of the digital economy

Ph.D Do Anh DucPham Nguyen Nguyen Thao

Nguyen Thi Minh Phuong

Tu Van Son

National Economics University

Nguyen Cam Nhung

RMIT University Vietnam

ABSTRACT:

As the digital economy is rapidly growing, innovation is considered an important measure of competitiveness and adaptability to the digital economy. This paper clarifies the development trend of digital economic in Vietnam and assesses the current innovation capacity of students of National Economics University – the leading economic university in Vietnam. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to improve the innovation of students in the coming time.

Keywords: innovation, digital economic, capability.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 3, tháng 2 năm 2021]