Năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên các trường đại học trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0

TS. LÊ MẠNH HÙNG (Trường Đại học Công đoàn)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu khoa học (NCKH) đã trở thành động lực cho sự phát triển của một quốc gia và là trụ cột của hệ thống giáo dục đại học trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Điều này đã đặt ra yêu cầu các nhà quản trị đại học phải tìm ra những mô hình, cách thức quản trị mới nhằm nâng cao năng lực NCKH của giảng viên. Bài viết đã nêu tổng quan các nghiên cứu nước ngoài về năng lực NCKH của giảng viên tại các trường đại học và gợi mở một số hướng nghiên cứu về năng lực NCKH của giảng viên trong các trường đại học tại Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Từ khóa: đại học, giảng viên, năng lực, nghiên cứu khoa học, công nghiệp 4.0.

1. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ và có ảnh hưởng lớn đến môi trường giáo dục đại học, các trường đại học không chỉ là nơi truyền thụ tri thức, mà còn sáng tạo ra tri thức mới, là trung tâm đổi mới sáng tạo (Đỗ Anh Đức, 2019). Do đó, công tác NCKH ở trường đại học trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. NCKH đã trở thành động lực cho sự phát triển của một quốc gia và là trụ cột của hệ thống giáo dục đại học. Điều này cũng yêu cầu các nhà quản trị đại học phải tìm ra những mô hình, cách thức quản trị mới đối với NCKH để đáp ứng những thay đổi nhanh chóng của xã hội.

Do tầm quan trọng của công tác NCKH ở các trường đại học, các nghiên cứu về năng lực NCKH của giảng viên đại học ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách tại các quốc gia phát triển cũng như đang phát triển (Jung, 2012; Hedjazi và Behravan, 2011). Đã có nhiều nghiên cứu tập trung làm rõ các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực NCKH của giảng viên đại học với những cách tiếp cận, phương pháp, mô hình và lý thuyết khác nhau. Tuy nhiên, số lượng nghiên cứu tập trung về các yếu tố ảnh hưởng tới năng lực NCKH của giảng viên tại Việt Nam với các phương pháp nghiên cứu hiện đại còn hạn chế.

Cùng với xu hướng chung của thế giới, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao hiệu quả NCKH. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định coi khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong các đột phá chiến lược quan trọng nhất tiến tới phát triển nhanh, bền vững. Đồng thời yêu cầu: “Có thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ một số công nghệ mới, hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế; lấy doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ số. Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo”.

Với những chính sách đổi mới, Việt Nam đã có sự phát triển đáng kể về thành tựu NCKH với với thập kỷ trước. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, khoa học và công nghệ Việt Nam vẫn còn có những “điểm nghẽn" nằm ở chính tư duy quản trị của trường đại học, với một số biểu hiện cụ thể, như: chỉ coi trọng giảng dạy, chính sách năng lực NCKH của giảng viên còn bất cập, công tác quản lý NCKH mang nặng tính thủ tục hành chính, thiếu đầu tư trọng điểm cho các nhóm nghiên cứu (Nguyễn Đình Đức, 2014). Bài viết sẽ tổng quan các nghiên cứu về năng lực NCKH của giảng viên tại nước ngoài và gợi mở một số hướng nghiên cứu về năng lực NCKH của giảng viên trong các trường đại học tại Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

2. Nghiên cứu nước ngoài về năng lực NCKH của giảng viên trong các trường đại học

Runi và các cộng sự (2017) đã nghiên cứu ảnh hưởng của lãnh đạo, động lực, năng lực và cam kết về hiệu suất công việc của giảng viên ở Nam Sulawesi. Nghiên cứu này sử dụng phương pháp khảo sát qua bảng câu hỏi, được thực hiện với tổng số 460 giảng viên. Kết quả của dữ liệu bảng câu hỏi được phân tích bằng mô hình cấu trúc tuyến tính (SEM). Kết quả cho thấy, khả năng lãnh đạo có tác động tích cực đáng kể đến sự hài lòng trong công việc. Động lực có tác động tích cực và đáng kể đến năng lực nghiên cứu. Lãnh đạo tích cực không đáng kể đối với hiệu suất của giảng viên, động lực có ảnh hưởng tích cực đáng kể đến hiệu suất giảng viên. Năng lực có tác động tích cực và đáng kể đến hiệu suất giảng viên, cam kết có tác động tích cực đáng kể đến hiệu suất giảng viên, sự hài lòng có ảnh hưởng tích cực đáng kể đến hiệu suất giảng viên. Tuy nhiên, các nghiên cứu chưa quan tâm đến các mô hình của động lực để đạt được các thành tích hoặc hiệu suất nghiên cứu.

Theo Cadez và các cộng sự (2017), công việc của hầu hết các giảng viên bao gồm 2 hoạt động chính: nghiên cứu và giảng dạy. Tuy nhiên, sự ghi nhận đối với một giảng viên hầu hết đến từ công việc nghiên cứu. Nghiên cứu này đã xem xét mối quan hệ giữa động lực và hiệu suất nghiên cứu thông qua sử dụng một số lượng mẫu lớn từ các trường đại học định hướng nghiên cứu. Kết quả cho thấy, năng suất nghiên cứu không liên quan đến chất lượng giảng dạy, trong khi chất lượng nghiên cứu có liên quan tích cực với chất lượng giảng dạy. Đồng thời, động lực nghiên cứu được xuất phát từ sự quan ngại đến chất lượng giảng dạy của chính giảng viên. Những phát hiện này giảm bớt lo ngại sự đánh giá hiệu suất dựa trên hoạt động nghiên cứu có thể gây bất lợi cho chất lượng giảng dạy. Tuy nhiên, nghiên cứu này mới chỉ thực hiện ở các trường đại học theo định hướng nghiên cứu, chưa quan tâm đến giảng viên tại các trường đại học mang định hướng thực hành, trong khi ở các trường đại học, chất lượng và năng suất làm việc của giảng viên đều được coi trọng như nhau. .

Dilger và các cộng sự (2015) đã nghiên cứu về động cơ và hiệu quả trong NCKH và cảm giác hạnh phúc của giảng viên. Phân tích hồi quy cho thấy mối quan hệ đáng kể giữa cảm giác hạnh phúc và hiệu suất NCKH của giảng viên. Ngược lại, không có mối quan hệ đáng kể giữa hiệu suất nghiên cứu trước đó và sau đó cũng như cảm giác hạnh phúc. Trong khi các nghiên cứu trước đây cho thấy, chất lượng giảng dạy bị ảnh hưởng bởi sự cuốn hút của công việc, nhưng chất lượng nghiên cứu thì không. Yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng nghiên cứu là sự tin cậy. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu không xây dựng được các mô hình tác động tới niềm say mê hoặc thúc đẩy sự tự giác trong NCKH của giảng viên, các yếu tố tác động từ bên ngoài cũng không có ý nghĩa thống kê trong nghiên cứu này (Ví dụ: động cơ bên ngoài, bên trong). Bên cạnh đó, các thành tố của năng lực nghiên cứu (hiệu suất nghiên cứu) chưa có tính bao quát thể hiện ở kết quả phân tích.

Bentley và Kyvik (2012) đã điều tra ảnh hưởng của các yếu tố cá nhân đối với khối lượng thời gian docác nhà khoa học ở Argentina, Úc, Brazil, Canada, Trung Quốc, Phần Lan, Đức, Hồng Kông, Ý, Malaysia, Na Uy, Anh, và Hoa Kỳ phân bổ cho nghiên cứu. Kết quả cho thấy, có sự khác biệt trong thời gian dành cho nghiên cứu giữa các nhà khoa học. Mức độ quan tâm, hứng thú trong nghiên cứu và động lực nghiên cứu là các yếu tố tương quan tích cực nhất với thời gian dành cho nghiên cứu.

Migosi và các cộng sự (2011) đã điều tra các yếu tố thúc đẩy các giảng viên ở Kenya thực hiện nghiên cứu. Một bảng câu hỏi điều tra đã được tiến hành với 400 nhà khoa học tại các trường đại học. Trong nhiều yếu tố đưa ra, sự năng động, nhiệt tình (self-motivation) của các giảng viên, kiến thức liên quan đến nội dung nghiên cứu, các kỹ năng nghiên cứu đã đạt được và định hướng nghiên cứu sớm khi bắt đầu sự nghiệp đã được tìm thấy có ảnh hưởng lớn nhất đến năng suất nghiên cứu.

Azad và Seyyed (2007) đã đưa ra các nhóm yếu tố ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất gồm: Nhóm các biến nhân khẩu học; Nhóm các biến về sự tự biết mình và năng lực cá nhân (Self - knowledge and individual competencies) thể hiện các động cơ dẫn đến việc thực hiện nghiên cứu, các quan niệm của cá nhân về ý nghĩa của việc thực hiện nghiên cứu đối với bản thân và việc đánh giá về các năng lực của bản thân để thực hiện nghiên cứu; Nhóm yếu tố về môi trường làm việc, thể hiện ở những kỳ vọng, quy định của nơi làm việc, các điều kiện cơ sở vật chất, hỗ trợ về nguồn lực thực hiện nghiên cứu; Các mối quan tâm khác ngoài xã hội mà bản thân không thể kiểm soát (social contingencies), bao gồm các biến cố xảy ra với riêng từng cá nhân.

Vernon và các cộng sự (2018) đã có một nghiên cứu khá thú vị liên quan đến mối quan hệ giữa kết quả xếp hạng của trường đại học và động cơ cũng như khả năng nghiên cứu của giảng viên. Kết quả cho thấy, thứ hạng của trường đại học ảnh hưởng đến sự lựa chọn làm việc của giảng viên cũng như tạo động cơ cho giảng viên NCKH. Tuy nhiên, kết quả không tìm thấy mối quan hệ giữa thứ hạng của trường và năng lực nghiên cứu của giảng viênĐây có lẽ là hạn chế của nghiên cứu này, cần tiếp tục khảo sát với số mẫu lớn hơn.

Hall và Martin (2019) đã xem xét mối quan hệ giữa các áp lực ngày càng tăng và sự kích thích hành vi sai trái trong nghiên cứu. Dựa trên việc xem xét tài liệu về các cách tiếp cận lý thuyết khác nhau để phân tích hành vi sai trái trong nghiên cứu, các tác giả đã xây dựng một hệ thống phân biệt hành vi phù hợp với hành vi sai trái nghiên cứu có thể dẫn đến sự xuống cấp về khả năng, năng lực nghiên cứu của giảng viên. Đồng thời, nghiên cứu cũng nêu cảnh báo đối với các trường đại học trong việc đưa ra quá nhiều áp lực NCKH đối với giảng viên. Trước hết, NCKH cần xuất phát từ đam mê, các định chế quản lý, tạo ra môi trường kích thích niềm đam mê. Tuy nhiên, nghiên cứu này chỉ lấy mẫu từ các trường kinh doanh mà không mở rộng mẫu khảo sát với các trường đại học khác.

Wills và cộng sự (2013) đã tiếp cận nghiên cứu về năng lực NCKH theo số lượng và chất lượng công trình. Nhìn chung, nhiều tác giả đều nhấn mạnh kết quả NCKH được đo lường bởi tổng số sản phẩm khoa học được xuất bản và công bố ở trong nước và quốc tế. Nhiều công trình đã đưa ra các chỉ số về kết quả NCKH của giảng viên đại học, bao gồm: Các công trình NCKH trong nước, các công trình NCKH được đăng ở kỷ yếu hội nghị/tạp chí quốc tế (e Costa và Oliveira, 2012; Chang và Chiu, 2008); giải thưởng nghiên cứu (Xếp hạng SJTU; Xếp hạng THE, Chang và Chiu, 2008); số lượng sách đã xuất bản trong nước và quốc tế (e Costa và Oliveira, 2012; Chang và Chiu, 2008); ấn phẩm hoặc công trình nghiên cứu khác có ảnh hưởng tới chính phủ/xã hội.

Kaya và Weber (2003) cho rằng, kết quả NCKH của giảng viên được đo bằng các cơ hội phát triển và khẳng định chuyên môn của giảng viên như báo cáo hội nghị và hội thảo khoa học; số lượng đề xuất tài trợ được đệ trình hoặc các khoản trợ cấp nghiên cứu nhận được. Wong và Tierney (2001) cũng chỉ ra kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thường được đánh giá qua các xuất bản phẩm, bài thuyết trình tại hội thảo khoa học. Tương tự như vậy, theo Hedjazi và Behravan (2011), kết quả nghiên cứu liên quan đến các ý tưởng sáng tạo; sau khi được nghiên cứu, những ý tưởng này sẽ được xuất bản thành các công trình ở các tạp chí, tờ báo, hoặc đăng ký sáng chế, tài liệu học thuật. Ngoài ra, một số nhà nghiên cứu đã cho thấy các yếu tố khác để đo lường, như: số tiền được tài trợ nghiên cứu (Altbach, 2015; Porter và Umbach, 2001), kết quả hướng dẫn học viên/nghiên cứu (Altbach, 2015), thành viên của viện hàn lâm khoa học quốc gia (White và cộng sự, 2012), số tiền được phân bổ cho nghiên cứu (Iqbal và Mahmood, 2011).

Như vậy, theo cách tiếp cận về số lượng và chất lượng, phần lớn các nhà nghiên cứu đều cho rằng các ấn phẩm xuất bản thường được sử dụng làm các biện pháp đánh giá năng lực nghiên cứu của các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới. Trong đó, các chỉ số thường được sử dụng nhất là tổng số các báo cáo hội thảo, bài báo trên các tạp chí khoa học, sách, chương sách (Nafukho và cộng sự, 2019; Altbach, 2015). Đặc biệt, dù có sự khác nhau giữa các lĩnh vực, nhưng nhìn chung, các bài báo khoa học đăng trên các tạp chí uy tín thuộc cơ sở dữ liệu của Thomson Reuters, như SCI, SSCI, AHCI thường được đánh giá cao.

Ngoài ra, nhiều tác giả có cách tiếp cận toàn diện cả về số lượng, chất lượng, mức độ ảnh hưởng và các hoạt động nghiên cứu. Aydin (2017) đã tổng hợp và liệt kê các chỉ số đo lường kết quả NCKH theo cách tiếp cận này như sau: Số bài báo xuất bản trên tạp chí khoa học, chỉ số ảnh hưởng của tạp chí, số lượng sách xuất bản, số lượng sách biên tập, số chương sách xuất bản tại các sách chuyên khảo, số chương sách biên tập tại các sách chuyên khảo, số trích dẫn, đăng ký sáng chế, nhận tài trợ nghiên cứu, tham gia các dự án nghiên cứu, số giải thưởng, số báo cáo hội thảo khoa học, số lần mời trình bày báo cáo hội thảo khoa học, số luận án/luận văn hướng dẫn, tham gia ban biên tập tạp chí khoa học, có vị trí ở một hiệp hội chuyên môn, phát triển quan hệ chuyên môn với đồng nghiệp ở nước ngoài.

3. Gợi mở hướng nghiên cứu năng lực NCKH của giảng viên các trường đại học trong bối cảnh công nghiệp 4.0

Cách mạng công nghiệp 4.0 đã thể hiện vai trò tham gia của nhà khoa học vào quá trình sản xuất nhằm chuyển hóa các sáng tạo, tri thức vào sản xuất, tạo thành một làn sóng mới trong đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, có sự tham gia của nhiều thành phần khác, như kỹ sư, doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp,... Kết quả tổng quan các nghiên cứu nước ngoài cho thấy đã có nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới về các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực và kết quả NCKH của giảng viên và về tiêu chí đo lường, đánh giá kết quả và năng lực NCKH, trong đó có những vấn đề đã được thống nhất và có những vấn đề chưa đầy đủ, toàn diện, cần được tiếp tục nghiên cứu trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, cụ thể như sau:

Kết quả nghiên cứu ở nước ngoài về năng lực NCKH của giảng viên chịu sự tác động bởi những thuận lợi hay khó khăn đến từ nhiều yếu tố như chính sách phân bổ khối lượng công việc (giảng dạy, nghiên cứu, cung cấp dịch vụ), hệ thống khen thưởng, thu nhập, phong cách lãnh đạo, sự dân chủ và quản trị chia sẻ, chiến lược, tầm nhìn, các nguồn lực cho nghiên cứu, hỗ trợ nghiên cứu của các tổ chức, môi trường nghiên cứu ở bên trong khoa, số chương trình đào tạo sau đại học và văn hóa nghiên cứu của các tổ chức. Mặc dù, dường như thiếu vắng những nghiên cứu tập trung riêng về các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực NCKH của giảng viên, tuy nhiên nhiều yếu tố cụ thể đã được đề cập đến trong các tài liệu liên quan, là những biến độc lập trong nhiều mô hình nghiên cứu định lượng được kiểm định. Các nhóm yếu tố này cần được kế thừa, sử dụng như những thang đo trong mô hình nghiên cứu về năng lực NCKH của giảng viên trong bối cảnh công nghiệp 4.0.

Kết quả nghiên cứu ở nước ngoài cho thấy, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến năng lực NCKH đã được lồng ghép trong các mô hình nghiên cứu về những nhân tố thể chế tác động đến năng lực, kết quả NCKH của giảng viên, trong đó có mục tiêu NCKH, sự lãnh đạo, hỗ trợ NCKH, chế độ chính sách đối với giảng viên, nguồn lực cho NCKH,... Tuy nhiên, trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng, đến nay dường như vẫn thiếu vắng những nghiên cứu tập trung về các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả NCKH của giảng viên trong bối cảnh công nghiệp 4.0. Hầu hết các nghiên cứu đều tiếp cận theo hướng phân loại các yếu tố thể chế hoặc/và các yếu tố cá nhân. Vì vậy, các nghiên cứu mới sẽ cần có cách tiếp cận và đóng góp mới, tập trung về các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực NCKH của giảng viên đại học, kết hợp các phương pháp định lượng hiện đại với phương pháp định tính.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Altbach, P.G. (2015). What counts for academic productivity in research universities? High. Educ, 79, 6-7.
  2. Aydin, O.T. (2017). Research Performance of Higher Education Institutions: A Review on the Measurements and Affecting Factors of Research Performance. Journal of Higher Education and Science, 7(2), 310-320.
  3. Azad, A. N., & Seyyed, F. J. (2007). Factors influencing faculty research productivity: Evidence from AACSB accredited schools in the GCC countries. Journal of International Business Research, 6(1), 91.
  4. Bentley, P. J., & Kyvik, S. (2012). Academic work from a comparative perspective: A survey of faculty working time across 13 countries. Higher Education, 63(4), 529-547.
  5. Cadez, S., Dimovski, V., & Zaman Groff, M. (2017). Research, teaching and performance evaluation in academia: the salience of quality. Studies in Higher Education, 42(8), 1455-1473.
  6. Dilger, A., Lütkenhöner, L., & Müller, H. (2015). Scholars’ physical appearance, research performance, and feelings of happiness. Scientometrics, 104(2), 555-573.
  7. Đỗ Anh Đức. (2019). Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến xây dựng mô hình đại học định hướng đổi mới sáng tạo. Sách chuyên khảo Tối ưu quản trị tri thức số Chính phủ - Doanh nghiệp - Thư viện, trang 124-132.
  8. Đỗ Anh Đức và Cảnh Chí Dũng. (2018). Xây dựng tiêu chuẩn giảng viên cho Đại học nghiên cứu ở Việt Nam. Tạp chí Kinh tế và Phát triển, 252, 20-32.
  9. Hall, J., and Martin, B. R. (2019). Towards a taxonomy of research misconduct: The case of business school research. Research Policy, 48(2), 414-427.
  10. Hedjazi, Y., and Behravan, J. (2011). Study of factors influencing research productivity of agriculture faculty members in Iran. Higher Education, 62(5), 635- 647.
  11. Iqbal, M.Z., Mahmood, A. (2011). Factors related to low research productivity at higher education level. Asian Soc. Sci., 7(2), 188-198.
  12. Jung,S. (2012). Faculty Research Productivity in Hong Kong across Academic Discipline. Higher Education Studies, 2(4), 1-13.
  13. Kaya, N., and Weber, M. J. (2003). Faculty research productivity: Gender and discipline differences. Journal of Family and Consumer Sciences, 95(4).
  14. Migosi, J. A., Migiro, S. O., & Ogula, P. (2011). Factors that motivate business faculty in Kenya to conduct research. International Journal of Education Administration and Policy Studies, 4(10), 198-204.
  15. Nafukho, F. M., Wekullo, C. S., & Muyia, M. H. (2019). Examining research productivity of faculty in selected leading public universities in Kenya. International Journal of Educational Development, 66, 44-51.
  16. Nguyễn Đình Đức (2014). Phát triển nhóm nghiên cứu trong trường đại học - Xu thế tất yếu. Truy cập tại https://www.vnu.edu.vn/ttsk/?C1657/N16259/Phat-trien-nhom-nghien-cuu-trong- truong-dai-hoc-%E2%80%93-Xu-the-tat-yeu.htm
  17. Porter, S.R., Umbach, P.D. (2001). Analyzing faculty workload data using multilevel modeling. High. Educ., 42(2), 171–196.
  18. Runi, I., Ramli, M., Nujum, S., & Kalla, R. (2017). Influence Leadership, Motivation, Competence, Commitment To Satisfaction And Performance Lecturer At Private Higher Education Kopertis Region IX In South Sulawesi Province. Journal of Business and Management (IOSRJBM), 19(7), 56-67.
  19. Vernon, M. M., Balas, E. A., & Momani, S. (2018). Are university rankings useful to improve research? A systematic review. PloS one, 13(3), e0193762.
  20. White, C. S., James, K., Burke, L. A., & Allen, R. S. (2012). What makes a “research star”? Factors influencing the research productivity of business faculty. International Journal of Productivity and Performance Management.
  21. Wills, D., Ridley, G., & Mitev, H. (2013). Research productivity of accounting academics in changing and challenging times. Journal of Accounting & Organizational Change.

Scientific research capacity of university lecturers in Vietnam in the context of the industrial revolution 4.0

Ph.D Le Manh Hung

Trade Union University

ABSTRACT:

Scientific research has become a driving force for the development of a country and it is considered a pillar of higher education system in the context of the industrial revolution 4.0. It has posed a requirement for university governance to find new management models and methods to improve the scientific research capacity of lecturers. This paper reviews some foreign studies on scientific research capacity of university lecturers and proposes some research directions on scientific research capacity of university lecturers in Vietnam in the context of the industrial revolution 4.0.

Keywords: university, lecturers;, capacity, scientific research, Industry 4.0.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 16, tháng 7 năm 2021]