Nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt trước thời cơ, thách thức từ các Hiệp định thương mại thế hệ mới
Tham dự và phát biểu tại Diễn đàn, bà Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" khẳng định, Ủy ban Trung ương MTTQ  sẽ cố gắng cùng các bộ, ngành triển nghiên cứu, đưa ra những giải pháp để người tiêu dùng sẽ tự hào khi dùng sản phẩm của người Việt Nam

Sức sống mạnh mẽ của hàng Việt

Sáng 29/10/2020, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Báo Công Thương cùng phối hợp tổ chức Diễn đàn “Nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt trước thời cơ, thách thức từ các Hiệp định thương mại thế hệ mới”.

Khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã trở thành một trào lưu chung trên thế giới trong xu thế toàn cầu hóa, đồng thời là xu hướng mở rộng hợp tác kinh tế được nhiều quốc gia lựa chọn.

Không đứng ngoài quá trình đó, Việt Nam hiện là thành viên của nhiều FTA. Trong số 13 FTA đã có hiệu lực và đang triển khai, thì Hiệp đinh CPTPPHiệp định EVFTA là các FTA thế hệ mới đầu tiên mà Việt Nam tham gia.

Việc tham gia các FTA đã giúp thị trường xuất nhập khẩu được mở rộng và đa dạng hóa; thị trường dịch vụ tài chính phát triển hơn với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài; hệ thống thể chế, chính sách cũng từng bước được hoàn thiện...

Nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt trước thời cơ, thách thức từ các Hiệp định thương mại thế hệ mới
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, việc tham gia các FTA đã giúp thị trường xuất nhập khẩu được mở rộng và đa dạng hóa

Đáng chú ý, trong năm 2020, chịu tác động từ đại dịch Covid-19 nhưng tổng mức bán bẻ và doanh thu hàng hóa dịch vụ tiêu dùng Quý III/2020 ước đạt 1.305,8 nghìn tỷ đồng, tăng 14,4% so với Quý II/2020 và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước.

“Đây là kết quả tích cực, thể hiện rõ vai trò của nguồn cung hàng hóa nội địa trong các bối cảnh dịch bệnh, thiên tai diễn biến khó lường. Đồng thời thể hiện rõ vai trò của hàng Việt tại thị trường nội địa khi ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Đánh giá về vị thế của hàng Việt Nam ở thị trường nội địa, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng cho biết, 10 năm qua kể từ khi Bộ Chính trị phát động Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đến nay, hàng Việt đã dần chiếm lĩnh thị trường trong nước và giữ được sức sống mạnh mẽ trong người tiêu dùng Việt Nam.

Theo kết quả điều tra dư luận xã hội của Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội, năm 2019 có đến 88% người tiêu dùng được hỏi cho biết, họ quan tâm tới Cuộc vận động, 67% người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn hàng Việt khi mua sắm, 52% người được hỏi cho biết, luôn khuyên bạn bè, người thân nên sử dụng hàng Việt.

Đáng chú ý, ở thời điểm hiện tại, hàng Việt Nam đang được đánh giá cao và được các nhà phân phối, bán lẻ ưu tiên trong cơ cấu hàng hóa bày bán trên quầy kệ. Tỷ lệ hàng Việt ở các hệ thống phân phối, bán lẻ ở mức cao: Co.op mart chiếm 90-93%, ở Satra 90-95%, ở Vinmart là 96%, Vissan là 95%... Với các kênh phân phối nước ngoài, tỷ lệ hàng Việt cũng chiếm từ 65-96% như ở Central Retail, AEON, Lotte…

Đặc biệt, hàng Việt Nam đang dần khẳng định được hình ảnh với chất lượng tốt, mẫu mã đẹp và giá cả phù hợp thông qua các việc tổ chức các hội chợ, triển lãm, các chương trình kết nối OCOP…

Dù xuất phát điểm thấp và năng lực yếu nhưng doanh nghiệp Việt lại luôn linh hoạt, sáng tạo và có sức sống dẻo dai. Nhờ đó nhiều năm qua hàng Việt đã tiến tới thị trường toàn cầu. Và đại dịch Covid-19 lại một lần nữa khẳng định điều này.

“Trong bối cảnh cả thế giới khó khăn nhưng Việt Nam vẫn tăng trưởng dương chứng tỏ Việt Nam có năng lực đi ngược chiều tiêu cực của thế giới và đã chứng minh sức chống chịu của nền kinh tế. Có được kết quả như thế là nhờ ở sức bật của doanh nghiệp nội địa và khẳng định vai trò của lực lượng doanh nghiệp nội địa”, PGS.TS.Trần Đình Thiên – thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu.

Nguy cơ đối mặt với nạn hàng giả

Dù có nhiều cơ hội từ các FTA nhưng không có nghĩa là hàng Việt sẽ không phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Nhìn vào thực tế, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chỉ rõ, trình độ phát triển của Việt Nam vẫn đang ở mức trung bình và thấp. Việc Việt Nam mở cửa thị trường cho hàng hóa, dịch vụ đến từ các nước đối tác khiến thị trường trong nước không còn là khái niệm “sân nhà”. Đặc biệt, đối với những nhóm ngành hàng mà Việt Nam có sức cạnh tranh yếu như nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản và một số ngành dịch vụ sẽ gặp không ít những thách thức.

Nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt trước thời cơ, thách thức từ các Hiệp định thương mại thế hệ mới
Bà Lê Việt Nga nêu ra những điểm yếu của hàng Việt, của các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt trong bối cảnh hội nhập

Ở thị trường trong nước, bà Lê Việt Nga cho rằng, hàng Việt Nam hiện nay đa phần còn sản xuất nhỏ lẻ, quy mô hạn chế, chất lượng không đồng đều, phạm vi vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả có những mặt hàng còn cao hơn so với các nước. Không chỉ vậy, hàng Việt ít được cải tiến mẫu mã, bao bì, hình thức chưa bắt mắt.. khâu trung gian và lưu thông phân phối còn chiếm tỷ trọng cao dẫn đến giá thành chưa chiếm lợi thế.

Về xuất khẩu, bà Nguyễn Khánh Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) chia sẻ, các FTA đã và đang gia tăng sức ép cạnh tranh cho nền kinh tế và doanh nghiệp; đòi hỏi sự tuân thủ luật chơi theo tiêu chuẩn cao để tận dụng được cơ hội và hạn chế tranh chấp thương mại. Ví dụ như phải thực hiện nghiêm túc quy định về quy tắc xuất xứ để ngăn chặn gian lận thương mại và chuyển tải bất hợp pháp, không để Việt Nam trở thành sân sau cho các nước khác lợi dụng để xuất khẩu vào các thị trường dành ưu đãi theo FTA cho Việt Nam.

Từ thực tế của một doanh nghiệp xuất khẩu còn khiêm tốn nhưng phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, lại hoạt động trong lĩnh vực dược - một lĩnh vực dễ bị tổn thương trước những thay đổi bất ngờ của thị trường, ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch HĐQT của Công ty Dược Việt Nam nhấn mạnh đến vấn đề xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu cho sản phẩm Việt.

EVFTA, CPTPP và các FTA khác khiến các tập đoàn đa quốc gia vào Việt Nam ngày một nhiều hơn, doanh nghiệp Việt phải cạnh tranh nhiều hơn. Trong cạnh tranh, dù chất lượng tốt, giá thành tốt và đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng khó tính nhưng quan trọng hơn là hàng tốt, giá tốt phải được người tiêu dùng biết đến.

“Theo Vietnam Report, trong 1 năm từ 11/2017 đến 12/2018, chỉ có 12,6% số doanh nghiệp dược có tần suất xuất hiện tối thiểu 1 lần/tháng trong đó chủ yếu là doanh nghiệp đã niêm yết trên thị trường chứng khoán”, ông Lê Văn Sơn dẫn số liệu và nhấn mạnh, quảng bá thương hiệu tốt cũng là một cách để người tiêu dùng yên tâm hơn về sản phẩm.

Trong khi phải cạnh tranh khắc nghiệt với đối thủ mạnh đến từ bên ngoài, ở trong nước, hàng Việt còn phải đối mặt với nạn hàng giả, hàng nhái, hàng giả mạo nhãn hiệu... Doanh nghiệp rất cần nhà nước hỗ trợ cụ thể hơn với các biện pháp mạnh mẽ hơn, bà Nguyễn Thị Đông - Giám đốc Công ty CP Hoa Lan, doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh hóa mỹ phẩm cho hay.

Áp dụng cơ chế "thưởng người thắng"

Chia sẻ về kế hoạch, bước đi và chiến lược để hàng hóa phát triển ngày một tốt hơn trong bối cảnh hội nhập, ông Lương Văn Thắng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Khóa Việt-Tiệp cho biết, doanh nghiệp luôn có tâm thế sẵn sàng hội nhập. Việt–Tiệp luôn chủ động đổi mới công nghệ theo hướng thông minh, tự động hóa, sản phẩm phải vượt qua được những yêu cầu khắt khe của những thị trường khó tính như EU.

“Việc tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới đã mang lại lợi thế và thách thức cho doanh nghiệp cả về kinh tế và pháp luật. Để tận dụng lợi thế từ các FTA và hạn chế được những thách thức mà FTAs đặt ra, cần cần nỗ lực của nhiều bên và của nhiều chủ thể khác nhau”, ông Lương Văn Thắng chia sẻ và kiến nghị, để nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt trước thời cơ, thách thức từ các hiệp định thương mại cần đẩy nhanh hơn nữa tiến trình cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo những điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt trước thời cơ, thách thức từ các Hiệp định thương mại thế hệ mới

Tại Diễn đàn, nhiều khuyến nghị chính sách để nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng Việt cũng được nhiều chuyên gia, doanh nghiệp nêu lên. Giới doanh nghiệp, chuyên gia đều cho rằng, để doanh nghiệp Việt lớn hơn, khỏe hơn, vững vàng hơn; để nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực hơn, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, một không gian kinh doanh “công khai và minh bạch”.

Về phía Bộ Công Thương, bà Lê Việt Nga nêu rõ, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai các chương trình thuộc Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 - 2020; Các chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; Các chương trình xúc tiến thương mại trong nước; Các chương trình thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài...

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chủ động hợp tác, liên kết để nâng cao sức mạnh, tạo chuỗi cung ứng thông qua thúc đẩy liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân, hộ sản xuất, từ đó hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất, canh tác, chế biến và phân phối tới người tiêu dùng, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, chiếm lĩnh vị thế "sân nhà".

Nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt trước thời cơ, thách thức từ các Hiệp định thương mại thế hệ mới
Để nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt, giới doanh nghiệp và nhiều chuyên gia đề nghị các cơ quan chức năng đẩy nhanh hơn nữa tiến trình cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế, áp dụng hệ thống khuyến khích “thưởng người thắng”

Ở tầm vĩ mô, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, cần nỗ lực xây dựng các nền tảng của kinh tế thị trường, chính là các thị trường đầu vào (thị trường các nguồn lực) đúng nghĩa. Bên cạnh đó, nhanh chóng đoạn tuyệt với hệ thống phân bổ nguồn lực theo nguyên tắc “xin – cho”. Đây là nguồn gốc cơ bản và trực tiếp của hệ thống tham nhũng, lãng phí, làm méo mó toàn bộ cấu trúc thị trường.

“Hai yếu tố nêu trên, vận hành trong không gian “công khai, minh bạch”, sẽ là nền tảng để phát triển môi trường cạnh tranh lành mạnh - cái mà các doanh nghiệp Việt Nam cần nhất hiện nay. Có được môi trường cạnh tranh sẽ thoát khỏi rất nhiều nỗi lo hiện tại cho số phận của khu vực doanh nghiệp bản địa Việt Nam, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp tư nhân”, PGS.TS Trần Đình Thiên nêu rõ.

Ngoài ra, PGS.TS Trần Đình Thiên còn cho rằng, cần áp dụng hệ thống khuyến khích “thưởng người thắng” thay cho cách điều hành nền kinh tế theo nguyên lý “chọn người thắng”. Sự thay thế này sẽ giúp kích thích tinh thần đua tranh giành thắng một cách đàng hoàng trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.