Nga tấn công Ukraine đẩy giá dầu, vàng liên tục lập đỉnh mới, dầu vượt mức 100USD/thùng

Trong phiên giao dịch sáng nay 24/2 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent đã vượt mốc 100 USD/thùng, mức cao nhất kể từ năm 2014 đến nay. Vàng cũng lập mức giá mới, cao nhất trong vòng 13 tháng qua.

Giá dầu WTI giao sau tăng hơn 3% lên khoảng 95 USD / thùng vào sáng nay sau khi Tổng thống Vladimir Putin thông báo rằng Nga sẽ khởi động một chiến dịch quân sự ở Ukraine, với các vụ nổ được báo cáo ở Kyiv. Dầu thô Brent giao sau tăng 5,4% lên 102,07 USD / thùng, vượt qua mức 100 USD lần đầu tiên kể từ tháng 9 năm 2014. Giá khí đốt tự nhiên tăng 5,39%. 

giá dầu brent
Dầu Brent vượt mức 100 USD/thùng trong sáng 24/2. Nguồn:Trading Economic

Ngay lập tức, tâm lý căng thẳng đã tác động trực tiếp lên giá vàng, khi các nhà đầu tư đổ xô tích trữ kim loại quý này vốn được coi là nơi trú ẩn an toàn. Nhờ đó, vàng tăng lên mức cao nhất trong 13 tháng đạt 1.942 USD / t.oz, tăng 1,82%.

Giá nhiên liệu khí đốt và giá vàng tăng mạnh do lo ngại tình trạng khan hiếm các mặt hàng năng lượng trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ở khu vực Đông Âu leo thang, khi các lệnh trừng phạt của Mỹ và các nước đồng minh với Nga được áp dụng.

Theo Reuters, ông Putin tuyên bố rằng mục tiêu của Nga không phải là chiếm đóng Ukraine, mà chỉ là để bảo vệ người dân miền đông Ukraine, đồng thời cảnh báo các nước khác rằng bất kỳ nỗ lực nào can thiệp vào hành động của Nga sẽ dẫn đến "hậu quả mà họ chưa từng thấy"...

Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố Mỹ và nước các đồng minh sẽ phối hợp trong phản ứng với Nga. Dự kiến Tổng thống Biden sẽ có bài phát biểu trong ngày 24/2 (giờ địa phương) về bước đi sắp tới của Chính phủ Mỹ. Trước đó cùng ngày, tại phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ), Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi các bên kiềm chế, tránh làm gia tăng căng thẳng.

giá vàng
Giá vàng tăng mức cao nhất trong vòng 13 tháng qua. Nguồn: Trading Econmic

Về phần mình, thị trường đã chuẩn bị sẵn tâm lý đối phó với căng thẳng leo thang ở Đông Âu trong nhiều tuần qua, trong bối cảnh lo ngại rằng một cuộc xung đột lớn có thể làm gián đoạn dòng chảy năng lượng và gây ra các lệnh trừng phạt. Trong khi đó, các nhà đầu tư cũng đang theo dõi chặt chẽ các cuộc đàm phán hạt nhân Iran trong bối cảnh có các dấu hiệu tiến triển, vì một thỏa thuận có thể bổ sung thêm hơn 1 triệu thùng / ngày góp phần  giúp giảm bớt căng thẳng nguồn cung toàn cầu đang bị thắt chặt.

Bên cạnh đó, việc Đức quyết định ngừng xem xét Dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 sẽ khiến bài toán giá khi đốt ở châu Âu trở lên phức tạp hơn, chưa có lời giải. Và thực tế trong phiên 23/2, theo ghi nhận, giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu tiếp tục tăng mạnh.

giá dầu
Giá dầu tăng mạnh do lo ngại hạn chế nguồn cùng ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine

Giá dầu hôm nay tăng mạnh còn do thị trường hoài nghi về khả năng dầu Iran sớm trở lại thị trường, bất chấp thông tin được các bên liên quan phát đi cho thấy vòng đàm phán hạt nhân đang có nhiều bước tiến triển lớn.

Tuy nhiên, ở chiều hướng ngược lại, đà tăng của giá dầu ngày 24/2 cũng bị kiềm chế bởi đồng USD mạnh hơn và yếu tố tâm lý khi thị trường chứng khoán Mỹ phiên 23/2 mất điểm mạnh.

Về căng thẳng ở Ukraine, theo báo cáo của Goldman Sachs cho biết việc tác động lên giá năng lượng nên được hạn chế. "Trong khi châu Âu nhập khẩu một phần lớn khí đốt tự nhiên tiêu thụ từ Nga, Mỹ là nước xuất khẩu chủ yếu khí đốt tự nhiên vì vậy bất kỳ tác động nào lên giá khí đốt của Mỹ đều phải ở mức khiêm tốn". Các nhà phân tích tại ngân hàng Phố Wall cho biết: các nhà chiến lược hàng hóa của chúng tôi cũng dự kiến chỉ có một tác động nhỏ lên giá dầu, mặc dù họ nhận thấy rủi ro có thể lệch theo chiều ngược lại vì thị trường dầu đã thắt chặt.”

Nguyên Hà (theo CNBC, Trading Economic)